Cảm nghĩ về hai miền Triều Tiên khi qua sân bay Incheon

Leave a Comment

 Cuối cùng tôi cũng lấy được tấm vé điện tử đi Mỹ, quá cảnh qua sân bay Quốc tế Incheon, seoul, Hàn Quốc như mong muốn. Đây là lần đầu tiên tôi qua sân bay này. Tọa lạc cách 70 km về phía Tây thủ đô Seoul, sân bay Incheon là sân bay quốc tế lớn nhất Hàn Quốc. Đây là một trong những cảng trung chuyển hàng không lớn nhất và nhộn nhịp nhất trên thế giới, là cửa ngõ vào Đông Á và cả châu Á.

Trong số các sân bay tôi từng đến, hiện tại tôi thích nhất sân bay Incheon. Một phần vì vẻ hiện đại của nó, một phần vì có Bảo tàng Văn hoá, tôi sẽ dùng thời gian sáu tiếng chờ đợi quá cảnh để thăm thú, tìm hiểu đất nước con người Hàn Quốc. Chỉ có điều tôi ngài ngại là qua Seoul vào đúng thời điểm Mỹ và Hàn Quốc đang triển khai cuộc tập trận Đại bàng Non (Foal Eagle), cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử Mỹ-Hàn, cuộc diễn tập tấn công vào ban lãnh đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với 17.000 lính Mỹ và 300.000 ngàn lính Hàn Quốc. Liệu chiến tranh có nổ ra không?
Cuộc tập trận Đại bàng Non diễn ra trong thời điểm cực kì căng thẳng khi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là liên minh Mỹ, Nhật, Hàn nỗ lực trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Bình Nhưỡng vì cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư mà phía Bình nhưỡng gọi là vụ thử thành công bom nhiệt hạch. Tiếp theo, Bình Nhưỡng cũng liên tục thử tên lửa đạn đạo để phản ứng với các động thái của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các biện pháp cấm vận. Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm vũ khí nguyên tử thu nhỏ và “sẽ có biện pháp quân sự đáp trả, tấn công phủ đầu, giáng đòn tiêu diệt kẻ thù một cách không thương tiếc”. Ông cho biết đã ra lệnh cho quân đội lên kế hoạch tấn công phủ đầu “không chỉ biến Seoul thành biển lửa mà còn trở thành tro bụi”.
Hàn Quốc đã từng chủ trương thống nhất bán đảo Triều Tiên với chính sách Ánh dương từ những năm 2000. Bắc Triều Tiên cũng có chủ trương thống nhất hai miền thông qua đàm phán hòa bình với đề xuất phương án Liên bang Koryo (Cao Ly). Tuy nhiên cả hai bên đều nghi kỵ lẫn nhau sâu sắc. Liên quân Mỹ-Hàn thường niên tập trận; còn Bắc Triều Tiên không ngừng thử vũ khí hạt nhân, tên lửa. Tình hình bán đảo Triều Tiên vốn ở trong tình trạng chiến tranh, hiện tại ngày một trở nên căng thẳng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng hai miền Triều Tiên chỉ giễu võ gương oai. Cả hai bên đều đưa ra những bài diễn với thế giới suốt hàng chục năm. Sau đó lại đâu vào đấy. Nhưng tôi thấy cho đến nay, thế giới này chỉ có người chết mới thấy nhân loại không có chiến tranh. Cứ nhìn vào khu vực Trung Đông, Bắc phi và thế giới hiện tại thì sẽ thấy những động thái và lời đe dọa của cả hai bên đều có khả năng trở thành hiện thực. Theo tính toán của phía Hàn Quốc, Bắc Tiều Tiên có số lượng pháo lớn hàng đầu thế giới, pháo có tầm bắn 60 km, chưa kể tới đạn tăng tầm và pháo phản lực 240mm. Một phút Bắc Triều Tiên có thể bắn được 10.000 quả đạn pháo vào Seoul và các vùng phụ cận. Chính Bình Nhưỡng cũng tuyên bố mình có khả năng tấn công phủ đầu “ngoài sức tưởng tượng và sức tàn phá còn mạnh hơn vũ khí nguyên tử”.
Ngược dòng thời gian, từ 1905 đến 1945 cả hai miền Triều Tiên đều là thuộc địa của Nhật. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, Hội nghị tam cường Liên Xô, Mỹ, Anh họp đầu tháng 2 năm 1945 ở Yanta để phân chia thành quả thắng lợi giữa các lực lượng đồng minh tham chiến. Cuộc họp này đã trở thành cơ sở hình thành trật tự hai cực Xô-Mỹ, cuộc đối đầu giữa hai siêu cường kéo theo hai phe XHCN và TBCN trong cuộc chiến tranh mà người ta gọi là Chiến tranh Lạnh (Cold War là thuật ngữ chỉ thời kỳ căng thẳng về chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai) suốt nửa cuối thể kỷ thứ hai mươi. Về vấn đề Triều Tiên, các nước đã thỏa thuận quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ chiếm đóng Nam Triều Tiên, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Và từ đó hình thành nên cục diện hai nhà nước trên một đất nước: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân quốc.
Đến nay, hơn bảy mươi năm đã trôi qua, tàn dư của cuộc Chiến tranh lạnh chỉ còn lại một điểm duy nhất đó là bán đảo Triều tiên. Việt Nam đã thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nước Đức đã tái hợp sau khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989. Hiện tại hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, bởi vì mới chỉ có hiệp định đình chiến sau cuộc chiến năm 1950-1953,
cuộc chiến của quân đội Bắc Triều Tiên cùng với hàng triệu chí nguyện quân Trung Quốc đương đầu với hàng triệu quân Nam Hàn cùng với quân lính Liên Hiệp Quốc đứng đầu là Mỹ trong suốt gần ba năm. Cuộc chiến này không giải quyết được vấn đề gì, chỉ để lại gần 3 triệu người chết, hàng triệu người bị thương, hàng triệu gia đình chia lìa, li tán.
Tuy trong tình trạng chiến tranh, nhưng từ những năm 1960 đến những năm 1980 cà hai miền đều có nhũng bước phát triển kinh tế ngoạn mục. Đặc biệt là CHDCNN Triều Tiên, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, hơn ba mươi năm đất nước này phát triển với tốc độ Thiên Lý Mã, bình quân tăng trưởng GDP gần 25%. Năm 1979 Chủ tịch Kim Nhật Thành tuyên bố nước này đã hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa. Thế giới đã coi Nhật Bản và Triều Tiên là hai nước công nghiệp điển hình của châu Á. Bình quân GDP thời kì hoàng kim của Triều Tiên xấp xỉ 5000 đô la đầu người, vượt xa Hàn Quốc. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm hơn 20% GDP nhưng Triều Tiên đã đạt sản lượng trên 10 triệu tấn lương thực, thỏa mãn nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
Nền kinh tế của Triều Tiên chỉ giảm sút từ cuối những năm 1980 trở đi do sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trong thập niên 1990, trước nguy cơ tụt hậu, Triều Tiên không chuyển đổi nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường; không công nhận nền kinh tế thị trường. Những sai lầm về chính sách kinh tế, cộng thêm thiên tai, lũ lụt chưa từng có, cùng với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã dẫn đến nạn đói ước chừng trên dưới nửa triệu người chết. Họ bắt đầu tụt hậu dần, mặc dù có một thời kỳ dài phát triển hơn Hàn Quốc.
Mấy năm gần đây đà phục hồi kinh tế và tăng trưởng kinh tế của Triều tiên đã khởi sắc. Triều Tiên đã lập một số đặc khu kinh tế nhằm thu hút đầu tư, hết sức coi trọng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Nhưng kết quả còn phải chờ thời gian kiểm chứng. Tuy nhiên việc bao vây, cấm vận của Liên Hợp Quốc khiến đất nước này khó có thể tiến tới được. Hy vọng Triều Tiên, đất nước với dân số trên 25,5 triệu người, bình quân thu nhập xấp xỉ 2000 đô la có thể vượt qua được thách thức cam go này.
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, mỗi nước đều tùy thuộc vào các nước khác, tư tưởng Chủ thể (Juche) của Triều Tiên quá cứng nhắc. Thêm vào đó cái nguyên tắc Tiên quân (Sogun), quân đội trên hết, một phần tư ngân sách dành cho quân đội đã làm suy kiệt nguồn lực của họ. Tôi không biết họ còn trụ được bao nhiêu lâu. Mặc dầu phải thừa nhận rằng họ có một nền công nghiệp nặng, một nền công nghiệp quốc phòng, cơ khí chế tạo hơn hẳn nhiều nước đang phát triển. Họ đã đưa được vệ tinh lên quỹ đạo. Họ đã thử thành công bom nguyên tử. Họ đã thử thành công bom nhiệt hạch (dù vẫn có nhiều người nghi ngờ). Họ có đủ các loại tên lửa, đã thử thành công tên lửa đạn đạo. Họ đã tự sản xuất được điện thoại thông minh (martphone) và máy tính bảng (dù có nhiều người nghi ngờ). Bao nhiêu nước trên thế giới làm được điều này? Phải thừa nhận rằng đó là một đất nước tuyệt vời, đầy tiềm năng.
Đối lập với CHDCNN Triều Tiên, Hàn Quốc đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Mặc dầu trong những năm đầu, nền kinh tế của Hàn Quốc phát triển chậm chạp, gặp nhiều khó khăn. Chính trường rất phức tạp. Nhưng nhờ những biện pháp cứng rắn khắc khổ, từ giữa thập niên 1960 trở đi, tốc độ phát triển kinh tế tăng dần. Bắt đầu từ những năm 1980 Hàn Quôc đã có những bước chuyển mình để trở thành một trong những nước công nghiệp hóa mới (NICs). Từ những năm 2000 đến nay Hàn Quốc có những bước phát triển vượt bậc về chất. Thành công trong phát triển kinh tế được người ta gọi là “kỳ tích sông Hàn”.
Hàn Quốc đã có bước đi vững vàng trong nền kinh tế toàn cầu, có một vị thế nhất định trong thế giới toàn cầu hóa. Hàn Quốc phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao như chế tạo máy bay, tầu ngầm, ô tô, ti vi, smartphon cao cấp có thể sánh vai với các nước phát triển. Dân số Hàn Quốc là 51, 3 triệu người. Tổng sản phẩm quốc nội 1,85 ngàn tỉ đô la. Bình quân đầu người 37.413 đô la.
Nếu so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia, rõ ràng hai nước quá chênh lệch. Quan hệ giữa hai nước luôn xảy ra sóng gió. Liệu CHDCNN Triều Tiên và Hàn Quốc có nổ ra một cuộc chiến tranh? Đứng đằng sau hai nước là Mỹ và Trung Quốc, cả hai nước đều không thể bỏ rơi đồng minh của mình. Tại sao như vậy? Bởi bán đảo Triều Tiên có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng. Nước nào kiểm soát được bán đảo Triều Tiên nước đó có thể khống chế cả Đông Bắc Á, Biển Hoàng Hải- một khu vực nối liền lục địa Á-Âu, cửa ngõ ra vào châu Á. Chính vì vậy bán đảo này không chỉ có “duyên nợ” với Mỹ và Trung Quốc mà còn có liên quan đến Nga và Nhật Bản. Những nước này đều có lợi ích đan xen, chồng lấn ở cả hai miền Triều Tiên. Cuộc họp ba bên Mỹ-Trung-Triều tháng 4 năm 2003, cuộc họp 6 bên Mỹ-Nhật-Trung-Nga-Hàn-Triều đổ vỡ đã phản ánh rõ sự phức tạp của vấn đề.
Sự xoay trục của Mỹ về châu Á- Thái Bình Dương của Chính quyền Obama, Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Chính quyền Trump cùng với việc củng cố khối liên minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, nhất là cuộc tập trận đang diễn ra làm cho Triều tiên cảm thấy bất an về an ninh, càng củng cố quyết tâm phát triển chương trình hạt nhân và trở thành một cường quốc hạt nhân; đồng thời họ luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với Hàn Quốc. Tất cả những điều trên đồng nghĩa với việc đẩy an ninh khu vực Đông Bắc Á ở trong tình trạng bất ổn, căng thẳng và khuấy động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Chẳng hạn Nhật Bản phải bố trí hệ thống tên lửa để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc phải tăng cường sức mạnh quân sự, cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga… Tất cả những việc làm trên rồi sẽ đi đến đâu?
Cách đây vài năm, một nhà nghiên cứu chính trị Hàn Quốc nói với chúng tôi bên ngoài lề của một cuộc hội thảo, đại ý ông ấy nói không vui khi nhận lời ca ngợi kỳ tích sông Hàn của người Việt. Theo ông ấy, ba mươi năm tới Việt Nam có thể đạt tới nền kinh tế tương đương như Hàn Quốc bây giờ. Nhưng không biết ba mươi năm tới hai miền Nam-Bắc Triều Tiên có thể thống nhất như dân tộc Việt Nam hay không. Bởi vì việc thống nhất đâu chỉ có phụ thuộc vào CHDCNN Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc cùng với một số nước khác. Lúc đó tôi băn khoăn tự hỏi tại sao hai miền Triều Tiên lại phải phụ thuộc vào người ngoài. Sau đó ngẫm kỹ mới thấy có thể nhà nghiên cứu chính trị Hàn Quốc đã có lí. Tình trạng chia cắt trên đảo Triều Tiên còn có thể kéo dài mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm…
Trước mắt có những kịch bản sau, i, CHDCND Triều Tiên giành được mục tiêu thống nhất đất nước bằng vũ lực như trường hợp của Việt Nam. ii, CHDCND Triều Tiên tự sụp đổ hòa nhập với Hàn Quốc giống như Cộng hòa Dân chủ Đức tái thống nhất với Cộng hòa Liên bang Đức. iii, hai nước giữ nguyên hiện trạng chia cắt lâu dài. iiii, Hàn Quốc phát động cuộc chiến tranh thống nhất đất nước bằng vũ lực. iiiii, hai nước thành lập nhà nước liên bang tiến tới thống nhất đất nước.
Khả năng thứ nhất và khả năng thứ tư khó có thể xảy ra, vì cả hai nước đã trải qua một cuộc chiến tranh, kéo theo một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng cuối cùng họ vẫn phải lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới chia cắt. Cả hai sẽ không mạo hiểm phát động một cuộc chiến tranh dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra nếu Trung Quốc hoàn toàn từ bỏ CHDCND Triều Tiên, chấm dứt Hiệp ước hữu nghị và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, trong đó có điều khoản Trung Quốc cam kết chi viện quân sự để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài. Liệu Trung Quốc có muốn dứt tình với người anh em khó bảo? Tôi nghĩ rằng họ rất khó xử. Nếu bỏ rơi Triều tiên, một Đại Hàn Dân Quốc với tiềm lực kinh tế, quân sự vốn mạnh, lại thừa hưởng cơ sở công nghệ tên lửa đạn đạo, công nghệ hạt nhân, cộng với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở sát nách, khác nào bắt họ ngồi trên đống lửa. Hơn nữa nước Nga chắc cũng không muốn một Triều Tiên thống nhất thân Mỹ nằm chung đường biên với mình. Liệu họ có khoanh tay đứng nhìn?
Hiện tại cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng thực tế là họ đã không làm được. Vì vậy Mỹ mới có cớ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ (THAAD) tại Hàn Quốc. Hệ thống này có thể sẽ vô hiệu hóa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc và của cả Nga. Một vấn đề nữa là khi Triều Tiên tham gia câu lạc bộ các quốc gia hạt nhân thì Hàn Quốc và Nhật Bản chắc không thể không theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình. Tổng thống Donald Trump có lần từng tuyên bố cho phép hai nước Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân. Nếu vậy thì Trung Quốc và Nga phải làm gì?
Khả năng thứ ba là khả năng hiện thực nhất. Khả năng này phù hợp với quyền lợi của Trung Quốc, phù hợp với tính toán chiến lược trong cả quá khứ (sau chiến tranh năm 1950-1953), hiện tại và trong tương lai. Trung Quốc chỉ muốn một bán đảo Triều Tiên chia cắt, phi hạt nhân hóa và Triều Tiên là vùng đệm, phụ thuộc vào Trung Quốc, là con bài mặc cả với Mỹ, thậm chí là cả với Hàn Quốc. Mỹ cũng vậy, việc giữ nguyên hiện trạng, không hòa bình, không chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ. Họ chỉ muốn một bán đảo Triều Tiên chia cắt, phi hạt nhân hóa, duy trì lực lượng quân sự của mình ở Hàn Quốc, không chỉ để bảo vệ Hàn Quốc mà còn để kiềm chế Trung Quốc và cả Nga ở Đông Bắc Á. Rõ ràng là hai miền Triều Tiên khó có thể quyết định được vận mệnh của mình.
Khả năng cuối cùng cũng có thể xảy ra nếu thời gian tới hai nước đều có thiện chí, không nghi kỵ lẫn nhau, đồng thời Bắc Triều tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân, thay đổi nguyên tắc Tiên quân, đổi lại Mỹ-Hàn đồng ý ký một hiệp ước hòa bình, tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên, xóa bỏ bao vây cấm vận. Hai nước sẽ từng bước hội nhập theo mô hình “một nhà nước hai chế độ”. Nếu như vậy liệu Mỹ có rút hệ thống tên lửa phòng thủ và quân đội Mỹ ra hỏi Hàn Quốc không?
Khả năng nào thì tương lai của hai miền Triều Tiên vẫn còn mù mịt. Cục diện chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á chịu tác động bởi mối quan hệ giữa các cường quốc chủ chốt trên thế giới, trong đó có quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Với Mỹ, Đông Bắc Á có ý nghĩa đặc biệt khi tại đây có hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tồn tại các vấn đề chứa đựng lợi ích của Mỹ. Quan trọng hơn, Đông Bắc Á là một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Với Trung Quốc, Đông Bắc Á là địa bàn sống còn, họ muốn biến nó trở thành “sân nhà” để có thể phát huy tối đa vị thế của một cường quốc khu vực, từ đó vươn lên cường quốc toàn cầu. Trước năm 2017, cả Mỹ và Trung Quốc đều coi việc ổn định và phát triển quan hệ giữa hai nước là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Tuy nhiên từ năm 2017 trở đi, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt. Và số phận của hai miền Triều Tiên, di sản cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh không biết đến bao giờ mới đi tới hồi kết.
Thành Vũ, Chu Quoc Khanh và 39 người khác
26 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.