Lan man chuyện SGK lớp 2 và lớp 6

1 comment

 Lan man chuyện SGK lớp 2 và lớp 6

Chưa bắt đầu vào năm học mới, thị trường sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 đã nóng trên nhiều mặt báo. Đáng chú ý là sách giáo khoa không có giá trần, người dân chắc sẽ phải chạy theo nhà phát hành. Họ bị rơi vào tình thế không mua không được. Theo chỗ tôi được biết, để phục vụ cho việc lựa chọn SGK, Bộ GDĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố công khai giá SGK mới. Theo đó, cả 3 bộ SGK lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt đã công khai mức giá bán.
Cụ thể, với bộ sách lớp 2 "Kết nối tri thức với cuộc sống", giá sách giáo khoa 10 môn học là 179.000 đồng. Bộ "Chân trời sáng tạo" có giá 186.000 đồng. Còn bộ Cánh diều là 203.000 đồng. Tất cả đều chưa bao gồm sách Tiếng Anh và sách bài tập. SGK tăng giá, gánh nặng đè lên vai người dân nghèo. Theo công bố, hai bộ SGK lớp 6 mới của Nhà xuất bản Giáo dục có giá 245.000 đồng và 234.000 đồng chưa kể sách Tiếng Anh. Riêng bộ Cánh Diều có giá 259.000 đồng. Nếu tính cả sách Tiếng Anh, mỗi bộ sách giáo khoa lớp 6 có giá khoảng gần 400.000 đồng.
Thực tế tôi đã nghe được lời phàn nàn của một phụ huynh học sinh ở một quận, mới vào thời điểm này (cuối tháng 4) đã phải đóng 400.000 đồng cho cô giáo để mua sách giáo khoa cho năm học tới. Vợ tôi có người bạn ở quận đó cũng ca cẩm qua điện thoại vừa cho cháu 400.000 đồng để mua sách giáo khoa, sợ mua ở ngoài với số tiền đó không đủ đầu sách (hôm qua tôi đến thăm nhà một anh bạn bên kia cầu Long Biên. Anh nói mỗi tuần phải đưa cháu đến nhà cô học thêm một buổi tối với một ba lô sách. Mẹ cháu phải đưa cháu đến nhà một buổi. Một tháng tám buổi 800.000 đồng). Chẳng lẽ đây là sự thật? Chẳng lẽ giáo dục là thị trường?
Đó mới chỉ là tiền SGK, một khoản trong hàng chục khoản tiền phụ huynh bắt buộc phải chi cho con em mình trong dịp đầu năm mới. Với một bộ phận phụ huynh có thu nhập khá, số tiền vài ba triệu đầu năm không có vấn đề gì, nhưng với đa số thì đó là cả một vấn đề. Với trải nghiệm của người đã làm công tác quản lý giáo dục các cấp gần 40 năm, tôi thấy thật tội cho biết bao nhiêu gia đình phụ huynh nghèo. Và không chỉ là một năm, vì sau một năm bộ sách giáo khoa mới dùng lại bỏ đi, lên lớp phụ huynh lại phải mua bộ sách mới. Cái túng quẫn cứ theo đuổi những phụ huynh nghèo suốt 12 năm học. Chẳng lẽ đó không phải là vấn đề xã hội?
Tại sao lại cứ bắt buộc phải có một bộ sách giáo khoa mới cho mỗi học sinh (một sự bắt buộc không thành văn)? Quan trọng hơn là có cách quản lý nào để không lãng phí tiền SGK cho hơn 20 triệu học sinh các cấp (20.000.000 học sinh tạm nhân với 400.000 đồng một bộ SGK bình quân cho các lớp học). Biết bao nhiêu tiền của, một sự lãng phí cho cả xã hội và cho mỗi phụ huynh. Cái thời anh để cho em SGK, hàng xóm để cho láng giềng SGK đi đâu rồi?
Chắc bạn đọc sẽ hỏi lại tôi nếu không có sách giáo khoa thì học sinh sẽ học theo cái kiểu gì? Câu hỏi này khiến tôi nhớ lại câu chuyện đáng xấu hổ hồi học cấp 3 và thời học đại học. Một lần để quên bút ở nhà không ghi bài vở, bị thầy bắt đứng dậy, quở mắng: “Đi học quên bút chẳng khác gì người nông dân đi cày quên trâu”. Và thật khốn nạn cho tôi, hôm sau tôi bỏ quên sách giáo khoa, thầy bắt phải chép một định lý từ SGK vào vở ghi, nên tôi phải nhìn sang quyển SGK của bạn ngồi bên cạnh. Thầy lại bắt đứng dậy: “Đi học quên SGK chẳng khác gì người nông dân đi cày bỏ quên cày ở nhà”.
Theo quan niệm của thầy, đi học mà không có sách, bút thì chẳng khác gì người nông dân đi cày quên cả trâu lẫn cày. “Không mang sách, bút thì học hành kiểu gì”, thầy ghi vào sổ ghi đầu bài như vậy… Rồi vào đại học, một lần thầy giáo nói xa chủ đề bài giảng, một bạn trong lớp hỏi có phải ghi vở không. Thầy trả lời: “Phàm cái hắt hơi, sỉ mũi còn tất cả những lời tôi nói đều phải ghi vào vở”. Nhìn vào quyển vở của tôi thầy có vẻ không bằng lòng nói xa nói gần khiến tôi không dám ngẩng đầu lên (bạn đọc tự nhận xét, đánh giá về nền giáo dục truyền thụ, ghi chép của chúng ta. Xin đọc thêm bài viết trước của tôi: Đôi điều về mô hình dạy học 5E trong trang Facebook này)…
Mươi mười năm trước, vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu tôi thường sang Mỹ. Tranh thủ thời gian xuất ngoại, tôi luôn tìm mọi cách tiếp xúc với phụ huynh và học sinh người Việt, mượn sách giáo khoa và vở ghi của các cháu để tìm hiểu về việc học hành ở trường học Mỹ (tôi có 5 cháu và quen biết tới vài chục gia đình có con học ở các trường tiểu học, THCS và THPT ở Mỹ). Nhưng tôi không mượn được một cuốn SGK, một quyển vở ghi vì đơn giản là các cháu không có SGK và vở ghi. Tôi đi một số hiệu sách trong các thành phố cũng không tìm mua được một quyển SGK (trên mạng thì có). Theo cái lô gích tư duy của một nhà giáo Việt tôi cứ băn khoăn, không biết học sinh của họ học hành cái kiểu gì?
Thú thực ban đầu tôi bị sốc. Tôi có cảm giác ở cái xứ cờ hoa này có vẻ “trường không ra trường, lớp không ra lớp” vì học sinh của họ không có SGK và vở ghi chép. Nhưng nghĩ kỹ biết chắc là mình nhầm. Vì nếu “trường không ra trường, lớp không ra lớp” thì Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ không thể là nước đi tiên phong trong các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, lần thứ 3 và lần thứ 4. Nếu như vậy thì nước Mỹ không thể là quê hương của hầu hết những phát minh làm thay đổi bộ mặt của nhân loại. Nếu như vậy thì nước Mỹ không thể là siêu cường về chính trị, kinh tế, quân sự và về khoa học kỹ thuật suốt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay.
Đến thăm và dự giờ ở hàng chục trường tiểu học, trung học ở các bang Missouri, Corolado, Arkansas, Illinois, California tôi mới hết băn khoăn. Đúng là học sinh của họ không ghi chép. Học sinh không có sách giáo khoa. Thời gian ghi chép của ta là thời gian các em ở Mỹ làm việc với thầy, làm việc với bạn, làm việc theo nhóm. Các em sử dụng máy tính bảng hoặc máy tính cá nhân để học tập (máy tính trình chiếu của cô, máy tính học sinh làm việc theo nhóm, máy tính trình chiếu của học trò là của riêng nhà trường; mỗi học sinh sở hữu một máy tính, học sinh nghèo không có máy tính được nhà nước cấp, kèm theo bữa ăn tự chọn buổi trưa miễn phí). Nhiều loại học liệu ở trong máy tính, SGK để ở giá sách trên lớp. Khi cần học sinh lấy ra dùng (học sinh rất ít khi dùng SGK). Nếu học sinh nào muốn mượn SGK về nhà thì đến thư viện nhà trường (hầu như học sinh không mượn SGK, vì học sinh không phải học, không phải làm bài tập ở nhà và không có chuyện học thêm như ở Việt Nam). Sách giáo khoa lưu cố định hàng chục năm trên giá sách ở lớp. Có trường tôi đến thăm 5 năm chưa phải bổ sung thêm SGK (người ta đã giàu lại vô cùng tiết kiệm; còn chúng ta rất nghèo thì lại lãng phí hàng trăm tỷ in sách giáo khoa mỗi năm. Đó là chưa kể số tiền hàng chục tỷ vở ghi của học sinh nữa).
Ở Mỹ và Phương Tây theo tôi được biết và trực tiếp quan sát, vai trò SGK và việc ghi chép rất mờ nhạt (một số nước Bắc Âu học sinh không phải mang bút và vở ghi khi đến trường). Họ quan niệm, nền văn minh nông nghiệp phát minh ra chiếc bút lông sử dụng trong nền giáo dục buổi đầu của nhân loại. Nền văn minh công nghiệp (cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) phát minh ra chiếc bút sắt, bút máy sử dụng trong giáo dục. Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 phát minh ra bút bi. Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (cuộc cách mạng 3.0) phát minh ra máy tính. Giáo viên và học sinh sử dụng máy tính để dạy-học. Cuộc cách mạng lần thứ 4 (4.0) là cuộc cách mạng số. Nhà trường các nước tiến tiến đã và đang hoàn thành việc chuyển đổi số, học theo bài giảng số trong thế giới số. Học sinh không sử dụng bút. Học sinh sử dụng máy tính, thậm chí không cần gõ bàn phím vì âm thanh, tiếng nói của người dạy được máy tính chuyển thành dạng văn bản hiện ra trước mắt. Cho nên học sinh của họ không phải chép bài và không cần dùng bút. Bút lông, bút sắt là thành quả của nền giáo dục trong xã hội nông nghiệp và xã hội tiền công nghiệp. Bây giờ là thời đại công nghiệp 4.0 và xã hội 5.0. Nhà trường người ta ứng dụng cuộc cách mạng số trong dạy học. Không có lý gì người ta bắt học sinh phải mua SGK và mua vở ghi chép như chúng ta.
Dự giờ thăm lớp của họ tôi hiểu nhà trường, lớp học và thầy cô không còn là nơi, là người “độc quyền” dạy học. Dưới sự hướng dẫn của thầy, học sinh là trung tâm tự học trong thế giới số. Các em có thể tự thám hiểm hệ mặt trời qua cơ quan vũ trụ NASA, đi sâu vào lòng đất để khám hoạt động của núi lửa, tìm hiểu thế giới động thực vật trong lòng đất, trong đại dương qua kính thực tại ảo; nghiên cứu tế bào trong thế giới tự nhiên và con người qua cặp kính điện tử của nhà nghiên cứu với sự hỗ trợ của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Lớp học của họ là lớp học không biên giới, được nối kết với thế giới số. Mỗi học sinh có một vài địa chỉ, tài khoản, mã số, ở đó có video các bài dạy theo khung chương trình do các nhà sư phạm giỏi nhất quốc gia hướng dẫn. Ở đó có những robot hấp dẫn hướng dẫn học sinh cùng chiếm lĩnh kiến thức. Người ta còn đang chuẩn bị cho ra mắt kính trực tiếp kết nối Internet, và một thế giới các thầy cô giáo ảo dạy học cho từng học sinh. Thầy cô giáo ở trên lớp chỉ là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn mà thôi…
Trong Ngày Hội Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Chuyên Nguyễn Huệ quận Hà Đông, Hà Nội tuần trước, một anh bạn có hỏi tôi: “Anh là cán bộ quản lý nhiều năm, cho em hỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học cụ thể là ứng dụng cái gì? Và bây giờ ngành giáo dục lại yêu cầu chuyển đổi số thì chuyển đổi cái gì? Tôi giải thích, tôi không còn ở trong ngành giáo dục nữa, có thể có điều tôi đã lạc hậu. Nhưng theo tôi hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường là việc sử dụng máy tính, các phần mềm máy tính và mạng Internet để hỗ trợ việc quản lý và giảng dạy trong trường học. Chẳng hạn như sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh; phần mềm kế toán, phần mềm xếp thời khóa biểu, phần mềm vào điểm, chia điểm tổng kết học kỳ và năm học, phần mềm quản lý học bạ; cán bộ quản lý có thể nhận thông tin, yêu cầu của cấp trên và báo cáo cấp trên qua máy tính; giáo viên có thể sử dụng Powerpoint soạn giảng bài cho sinh động, dễ hiểu hơn… Còn chuyển đổi số là sự tiếp nối ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Nói nôm có nghĩa là số hóa các công việc của nhà trường. Cụ thể nhà quản lý giáo dục không còn phải làm công việc báo cáo nữa. Tất cả các số liệu về giáo viên và học sinh có ở trên mạng. Cấp nào cần cứ việc lấy ra mà phân tích, tổng hợp. Giáo viên có thể kiểm tra học sinh bất cứ lúc nào, thời điểm nào trong ngày mà không cần phải chấm điểm. Trí tuệ nhân tạo với các thuật toán tự động theo dõi sẽ đánh giá, phân tích điểm mạnh điểm yếu của học sinh. Tất cả học sinh sẽ được học qua video với những thầy cô giỏi nhất hoặc thầy cô dạy học trên cơ sở những bài giảng số chất lượng cao nhất trong thế giới số dạy học. Như vậy thầy cô chỉ đóng vai trò là người cố vấn, hướng dẫn, giải đáp cho học sinh ở trên lớp, để các em đi vào thế giới số học tập…
Theo tôi, công việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục là một cuộc hành trình. Kéo dài bao nhiêu lâu thì tôi không biết. Mười năm? Hai mươi năm? Ba mươi năm? Tùy thuộc vào sự quan tâm đầu tư của xã hội. Chỉ biết việc ứng dụng công nghệ thông tin trên bình diện cả nước hiện tại vẫn còn gặp nhiều bất cập, vẫn chưa ổn. Việc chuyển đổi số mới bắt đầu trên đường lối, giấy tờ. Cuộc hành trình này thật sự là một cuộc cách mạng. Và cuộc cách mạng nào cũng có cái giá của nó. Tôi nói với anh bạn: “Chúng ta đang đi trên mây, nói về những điều trên mây. Bây giờ chúng ta phải trở về thực tại”.
Anh bạn tôi cần mua một bộ SGK cho cháu năm học tới. Cái gì chứ SGK, vở ghi chép tôi tin trên đường về, ở bất kỳ hiệu sách nào vào thời điểm này, mua bao nhiêu cũng có. Cơ chế thị trường mà! Một thị trường khổng lồ hơn 20.000.000 học sinh.
Nguyễn Nhu, Nguyễn Thị Điệp và 64 người khác
46 bình luận
9 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1 nhận xét:

  1. Lucky Club: The World's Best Online Casino Site
    Join The World's Best Online Casino Site, Lucky Club Casino, for real money, no deposit bonus, and get a luckyclub 100% deposit bonus!

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.