Leave a Comment

 Lễ hội ở xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên

Nếu không có Covid, thứ Bảy và Chủ nhật vừa rồi tôi đã ở bãi biển Sầm Sơn giao lưu với học viên lớp TCBK1. Hơi buồn! Như Tản Đà nói: “Không đi thì ở lại nhà/ Cái dưa thì khú, quả cà thì thâm”. Hai ngày nghỉ chẳng biết làm gì và cũng chẳng biết đi đâu ngày dịch, cặm cụi viết về một kỷ niệm cách đây 10 năm để chia sẻ cùng anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè.
Năm 2011, chân ướt chân ráo về môi trường mới, tôi được Thạc sỹ Bùi Thanh Long và Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Bách khoa) phân công chủ nhiệm lớp TCBK1 Đại học tại chức, chuyên ngành quản lý nhà nước (lớp liên kết với Học viện Hành chính Quốc gia). Lớp học có 102 học viên, đa số học viên đã có bằng đại học, là cán bộ công chức cấp phường xã, quận huyện ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Chủ nhật này là tròn 10 năm ngày nhập trường. Ban liên lạc lớp đã mời tôi vào Sầm Sơn hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Rất tiếc Covid 19 ập đến khiến lớp phải hoãn chuyến đi.
Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với lớp học. Một trong những kỷ niệm và còn là một món nợ với nhóm học viên ở Hưng Yên khi các em mời tôi đến dự Lễ hội Đảo Vũ xã Lạc Hồng hay còn gọi là Lễ hội Cầu mưa các chùa Tứ Pháp của liên làng ở huyện Văn Lâm. Lúc đó tôi rất vui nhận lời vì có một số bạn ở trong ban tổ chức lễ hội, vì đúng với đam mê, sở thích của mình, nhưng tôi từ chối ngủ nghỉ mấy ngày ở một nhà nghỉ bên cạnh chùa Hồng Thái dù các em đã sắp xếp xong mọi việc.
Chưa có lần nào đi chơi lễ hội tôi lại chuẩn bị kỹ như khi đi lễ hội đảo vũ xã Lạc Hồng, vì tôi phải “giải mã” văn hóa cho học viên, mà lại là học viên ở trong ban tổ chức lễ hội, quản lý về mặt văn hóa. Tôi đã đọc lại cuốn sách Hội hè đình đám của Toan Ánh, một số bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Trần Quốc Vượng và một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác. Thậm chí tôi phải đọc lại một số chương trong bốn cuốn Đại Việt Sử ký toàn thư để tìm hiểu ngày xưa vua chúa các triều đại phong kiến đã tổ chức lễ rước Pháp Vân về kinh thành cầu đảo như thế nào.
Theo chương trình, trước một ngày khai hội, ngày 5 tháng 3 theo lịch Âm, người dân trong xã đã tổ chức lễ hạ tượng và lau rửa các đồ thờ tế ở các chùa. Ngày hôm sau mồng 6 tháng 3 diễn ra nghi lễ rước bà Pháp Lôi, Pháp Vũ xuống chùa thờ bà Pháp Vân. Ngày mồng 7 tổ chức lễ rước rồng lấy nước, rước ba bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Vân về ngự tại chùa Hồng Thái (tục gọi là chùa Un hay chùa Tông) thờ bà Pháp Điện. Ngày 8, dân các làng lại rước các bà hoàn cung về ngự tại chùa của làng. Trong những ngày hội, bên cạnh các hoạt động tế, lễ còn có phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê, đặc biệt là trò chơi trai kiệu đánh trăng/giăng…
Theo tôi, bản chất của lễ hội như cái tên ban đầu nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh gọi, đó là lễ hội Đảo Vũ, bây giờ người ta thường gọi là Lễ hội Cầu mưa và nếu mưa nhiều thì là Lễ hội Cầu tạnh. Đến nay xã Lạc Hồng vẫn còn lưu giữ được 4 ngôi chùa thờ tứ pháp ở 4 làng. Tôi phỏng đoán nguyên thủy ban đầu những ngôi chùa này là những ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ Mây, Mưa, Sấm, Chớp, bốn hiện tượng thiên nhiên vô cùng quan trọng đối với cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá Đồng bằng sông Hồng.
Tôi đến Lạc Hồng từ sáng sớm mồng 5/3 để quan sát lễ hạ tượng, lễ mộc dục tắm rửa tượng và chuẩn bị các đồ tế lễ. Theo các cụ xưa truyền lại, ngày này năm xưa những người vào việc lễ còn bện những chiếc vòng khố cho phù giá hay còn gọi là trai/giai khiêng kiệu bằng thừng tre đính chân chỉ hạt bột (tua chỉ bằng màu có kết hạt trang trí); làm chín con rồng bằng rơm bện trát bùn bên ngoài; dựng 3 gian nhà tranh cạnh chùa Pháp Điện. Bây giờ, khố của phù giá được làm bằng thừng và đính hạt cườm. Chín con rồng được làm bằng vật liệu chắc, có tính thẩm mỹ. Nhà tranh xưa bây giờ thay bằng nhà lợp lá cọ.
Hội bắt đầu khai mạc từ sáng sớm ngày mồng 6. Đội múa rồng mặc áo đỏ viền vàng, đội nữ tế mặc áo đỏ viền vàng cùng trống rong cờ mở đi từ chùa Pháp Vân, tương truyền là bà chị cả xuống chùa Pháp Lôi để đón bà em về chùa mình. Trươc đó tượng bà Pháp Lôi đã được rước ra sân chùa. Phù giá khiêng kiệu là những thanh niên lực lưỡng, cơ bắp săn chắc, đầu chít dải khăn vàng, cởi trần, đóng khố làm lễ ba lạy. Đội múa rồng oai linh uốn lượn. Đội nữ tế múa điệu sinh tiền, múa quạt, múa đèn…
Khi khởi kiệu, người cầm cờ chít khăn đỏ, mặc áo dài đỏ hô to: "Giai tàn giai tán, giai hương án, giai quạt vả, giai trường cả, giai cả kiệu ta cùng vui vẻ, ơi... già". Lúc đó tàn vàng , lọng tía, hương án, cờ quạt và những khí cụ dùng vào việc rước được trai đinh của làng mang vác bắt đầu khởi hành.
Kiệu bà Pháp Lôi có đặc điểm là chỉ chạy chứ không đi, chạy từng chặp, mỗi chặp khoảng 100m lại dừng nghỉ rồi mới chạy tiếp. Khi kiệu bà chạy, tất cả mọi người vừa chạy vừa hô: "Huế, huế, huế....". Theo lý giải của các cụ thôn Nhạc Miếu, sở dĩ hô như thế vì bà Pháp Lôi tục gọi là bà Huế. Trong tâm thức dân gian, bà Pháp Lôi là thần Sấm nên rước bà phải huyên náo, ầm ĩ nhất. Kiệu bà Pháp Lôi đến chùa Pháp Vũ ở thôn Hồng Cầu thì dừng lại. Các nghi thức tế lễ ở chùa Pháp Vũ được lặp lại như ở chùa Pháp Lôi. Tiếp theo đám rước bà Pháp Vũ ra cổng chùa đối diện với bà Pháp Lôi để hai bà chào nhau. Bà Pháp Lôi là em chào trước. Lúc chào, ông trường cả làng Nhạc Miếu lại hô to: “Giai tàn, giai tán, giai hương án..." rồi phù giá khênh kiệu bà lao về phía trước rồi nhún kiệu thấp xuống như nghi thức cúi chào. Chào ba lần thì dừng lại và bà Pháp Vũ cũng chào đáp lại y trang. Ông trường cả làng Hồng Cầu cũng hô to: "Giai tàn, giai tán, giai hương án…" như người đồng sự làng Nhạc Miếu.
Sau đó kiệu bà Pháp Vũ đi trước, bà Pháp Lôi đi sau cùng rước về chùa Pháp Vân. Trên đường rước, ông trường cả hai làng đi được một đoạn lại hô: "Hai bà xuống ngự chùa Vân, Mưa gió xoay vần cho thiên hạ dễ làm ăn. Ta cùng vui vẻ ơi... già". Đám rước đồng thanh đáp lại. Đến gần chùa Pháp Vân, kiệu bà Lôi vượt lên trước vào chùa bằng cửa hữu của tam quan rồi lùi lại. Kiệu bà Vũ đi vào chùa bằng cửa giữa tam quan và dừng trước sân chùa.
Lúc đó kiệu bà Pháp Vân được rước ra sân đối diện với kiệu bà Pháp Vũ. Hai bà làm nghi thức chào nhau xong, đến lượt bà Pháp Lôi và bà Pháp Vân chào nhau. Sau màn chào hỏi, ba bà được rước vào gian tiền đường chùa Pháp Vân để thờ trong một đêm để hôm sau: “Ba bà xuống ngự chùa Tông, Bốn bà công đồng cho rồng lấy nước làm mưa"
Sáng sớm ngày mồng 7, từ chùa Pháp Vân, sư thầy trụ trì dẫn đầu đoàn rước rồng đi lấy nước ở giếng cổ tại thôn Bình Minh cách đó khoảng nửa cây số. Tham dự đoàn rước có đội rồng, nghi trượng, ban nhạc bát âm, đội cờ ngũ sắc, đội tế. Có kiệu rước 9 con rồng, hai rồng mẹ và bảy rồng con biểu tượng cho rồng ổ khỏe mạnh, sinh sôi đầy đàn. Đặc biệt bên cạnh kiệu chín con rồng có chín phụ nữ vác chín chiếc gầu làm bằng mo cau có cán tre dài. 9 bà dùng 9 chiếc gầu múc nước té ra xung quanh, té vào những người dự lễ hội (nghi thức này có cùng một mẫu số như ở như bao nghi thức múc nước, rước nước ở Đồng bằng Bắc Bộ, ở trên khắp cả nước, chẳng hạn như các lễ hội dọc sông Hồng và ở Đông Nam Á như hội té nước ở Lào và Cămpuchia).
Sau khi thực hiện nghi lễ rước rồng lấy nước dâng thờ các bà, đám rước ba bà theo thứ tự: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi đi đến chùa Pháp Điện để công đồng. Khẩu lệnh khởi kiệu tiếp tục được hô lên: "Giai tàn, giai tán..." như hôm trước. Trên hành trình, ông trường cả của 3 kiệu đi được một quãng lại hô: "Ba bà xuống ngự chùa Tông. Bốn bà công đồng để rồng lấy nước làm mưa. Mưa tràn đồng Trưa, mưa xuống đồng Chuối, suối đồng Văn để cho thiên hạ dễ làm ăn. Ta cùng vui vẻ, ới... già".
Đoàn rước kéo dài hàng cây số với sự tham dự của hàng ngàn người. Trên đoạn đường khoảng gần 2 cây số ra chùa Pháp Điện, các gia đình hai bên đường đặt chậu nước sạch trước cửa. Khi đi qua, 9 bà rước nước cầm gầu mo cau cán dài tiếp tục múc nước té vào đoàn rước và đoàn người trảy hội để cầu may, cầu lộc.
Khi đến gần chùa Pháp Điện, kiệu bà Pháp Lôi chạy lên trước, đến cửa chùa xoay vài vòng rồi lùi lại nhường cho kiệu hai bà chị tiến lên trước (tục truyền tính tình bà mải vui chơi, hay hái hoa đuổi bướm nô đùa). Lúc đó kiệu bà Pháp Điện mới được rước ra sân chùa và lần lượt thực hiện nghi lễ chào ba bà chị. Sở dĩ bà Pháp Điện là em út nhưng ba bà chị phải thân hành đến thăm vì dân gian quan niệm bà Pháp Điện là thần có uy lực rất mạnh. Bà Pháp Điện đi đến đâu, nhìn vào làng nào thì làng đó cháy. Vì vậy, riêng bà Pháp điện chỉ được rước đến cổng chùa. Đứng trước cổng để chào các chị em của mình rồi quay vào nhà. Các cụ già trong các làng kháo nhau, bốn bà thương nhau khôn xiết, mừng vui gặp nhau, rồi bịn rịn chia tay nhau nên trời đổ mưa…
Kết thúc buổi rước, kiệu 3 bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi được rước vào thờ trong 3 gian nhà lợp cọ dựng ngay trước cửa chùa Pháp Điện. Các bà nghỉ ở đây một đêm để dân làng làm lễ. Cuộc hội ngộ sum họp của bốn bà nhằm công đồng, giống như hội tụ hiện tượng mây, mưa, sấm chớp để vạn vật tốt tươi.
Sáng hôm ngày 8 tháng 3 dân các làng thực hiện nghi thức tế lễ, rước 3 bà trở về 3 chùa kết thúc lễ hội.
Tôi nghĩ Lễ hội Đảo Vũ xã Lạc Hồng là lễ hội có một không hai. Cho dù Bắc Ninh là cái nôi của tục thờ tứ pháp, và tục thờ này cũng có ở một số địa phương tại Hà Nội, Hà Nam nhưng duy nhất chỉ có Lạc Hồng, Hưng Yên xưa nay mới tổ chức được lễ hội cầu mưa gắn kết cả 4 ngôi chùa của bốn làng. Lễ hội đảo vũ/ cầu mưa này nằm trong loại hình lễ hội nông nghiệp, gắn với hệ thống thờ Tứ Pháp. Bản chất nó là tín ngưỡng bản địa, thờ thần mây, mưa, sấm, chớp dung hợp với phật giáo du nhập từ Ấn Độ, trở thành một tín ngưỡng mang yếu tố riêng biệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng lễ hội ở Lạc Hồng có liên quan đến câu chuyện Man Nương và tục thờ cúng Tứ Pháp được lưu truyền từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Câu chuyện được ghi chép trong nhiều cuốn sách, cuốn sách cổ nhất là Lĩnh Nam trích/chích quái. Tôi xin tóm lược ngắn gọn: Ở vùng Luy Lâu xưa có cô gái tên là Man Nương đến chùa học đạo. Trụ trì chùa là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu đà la. Một buổi tối đi thuyết pháp về, nhà sư tình cờ bước qua người Man Nương lúc nàng đang ngủ, và nàng thụ thai sinh hạ một bé gái. Nhà sư dùng phép đưa đứa bé vào cây dung thụ già. Trong thân cây, con của Man Nương hóa thành đá, luôn tỏa hào quang. Người dân thấy kỳ lạ, kính cẩn gọi là “Thạch Quang Phật”. Trước khi trở về quê, nhà sư trao cho Man Nương một cây gậy có phép làm mưa. Nàng đã nhiều lần cứu dân làng thoát cảnh hạn hán. Trong một đêm mưa giông sấm sét, cây dung thụ đổ, trôi về bến sông Dâu thì dừng lại. Hàng trăm trai tráng tập trung để kéo cây vào bờ, nhưng cây vẫn không nhúc nhích. Chỉ khi Man Nương đi qua, dùng dải yếm kéo vào thì cây mới lên được bờ. Dân làng làm theo như mộng báo của viên quan Thái thú Sỹ Nhiếp, gỗ cây dung thụ được tạc thành bốn pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và đưa vào thờ trong các chùa Dâu, Đậu, Dàn, Tướng. Man Nương được người dân xưng tụng là Phật mẫu, được thờ ở chùa Tổ Mãn Xá. Những năm hạn hán, các chùa thờ Tứ pháp nhân dân thường làm lễ cầu mưa cho cả vùng. Người dân quanh vùng tin rằng, chỉ cần rước “chân nhang” Tứ Pháp về thờ ở làng mình thì cũng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Câu chuyện trên càng cho ta thấy bản chất của hệ thống thờ Tứ Pháp là sự dung hợp giữa tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần, thờ mẫu và phật giáo Ấn Độ (Phật giáo truyền vào Việt Nam ban đầu là do các nhà sư Ấn Độ trước khi truyền vào Trung Quốc. Luy Lâu là trung tâm phật giáo lớn nhất của cả Trung Quốc vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên) . Kết quả của cuộc hôn phối trên là các vị thần mây, mưa, sấm, chớp được phật hóa trở thành Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện.
Như đã nói ở phần đầu bài viết, tôi còn nợ các em ở Hưng Yên một lời giải thích, vì mười năm trước các em hỏi: “ tại sao trong thần thoại ở một số nước, phần lớn các vị thần thường là nam, ở ta lại là nữ”. Ngày đó tôi trả lời “vì Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, như các nhà nghiên cứu phương Tây nhận định, là xứ sở của mẫu hệ. Thần linh ở ta nhiều nữ là đương nhiên. Ngay cả những người anh hùng buổi đầu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng là phụ nữ, ví dụ như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh”. Tôi trả lời không sai, nhưng chưa rõ.
Nếu cuộc gặp mặt tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày nhập trường còn được tổ chức thời gian hết dịch, tôi sẽ giải thích rõ hơn. Tục thờ mẫu là hình thức tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp cổ xưa, thể hiện sự kính trọng đối với quyền năng sinh sản và biết ơn người mẹ. Trong tư duy của người nông dân cổ, giống cái giữ vai trò quyết định trong sản xuất trực tiếp ra của cải. Từ sự quan sát trực tiếp người ta thấy có hoa đực hoa cái thì chỉ hoa cái mới ra củ quả. Vật nuôi trong nhà và Con người cũng vậy, chỉ có mẹ mới sinh ra con. Có lẽ vì thế nên các vị thần nông nghiệp và các thần trong Tứ Pháp thường được hình tượng hóa là nữ thần.
Tượng các bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở Lạc Hồng cũng giống như ở các nơi khác. Các bà đều cao lớn, ở tư thế ngồi thiền thân thẳng. Khuôn mặt trông có vẻ cổ quái nhưng thanh tú thuần Việt. Tay phải giơ lên, tay trái duỗi xuống. Điều đặc biệt là phật, nhưng các bà không vận cà sa, nhiều nơi tượng mình lộ trần, mặc váy tọa trên đài sen. Tượng các bà đều được tô màu cánh gián, tổng hợp của màu đỏ và màu đen. Màu đỏ của máu tương trưng cho sự sống. Màu đen của mây mưa tượng trưng cho nguồn sống và sự huyền bí.
Trong các lễ hội Xuân ở Đồng bằng Bắc Bộ, người ta thường thấy các nghi thức múc nước, rước nước, té nước. Ở lễ hội Lạc Hồng hội đầy đủ các nghi thức trên. Mẫu số chung ban đầu là cầu mưa. Điều đặc biệt ở lễ hội Lạc Hồng là có nghi lễ “cầu đảo” rước ba bà Vân, Vũ , Lôi đến chùa bà Pháp Điện để đấng tối cao làm mưa. Như vậy là người dân ở Hồng Lạc không chỉ thể hiện ước vọng cầu mưa mà còn là thực hành qua lễ “rước rồng lấy nước”, lễ “rước ba bà” lộ thân giữa trời đất, cùng với trò chơi “đánh trăng” (trò chơi đánh trăng/giăng là trò chơi của các phù giá bốn làng, không mang tính chất được thua, diễn tả hiện tượng thiên nhiên trước cơn mưa. Luật chơi cho toàn bộ trai kiệu bốn làng bốn ngôi chùa phải tập hợp thành một hàng, chạy theo hình xoáy trôn ốc, xoắn theo chiều đám mây vần vũ, vừa nhanh vừa bay bổng xuất thần như cơn mưa sắp đến). Tất cả đều mang tính chất ma thuật, cầu đảo, như gợi ý cho đấng tối cao làm mưa.
Tóm lại, hội đảo vũ ở Lạc Hồng nằm trong tín ngưỡng thờ tứ pháp, tín ngưỡng dân gian gắn với văn minh nông nghiệp lúa nước của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ với trung tâm là vùng Luy Lâu thuộc Kinh Bắc xưa. Tín ngưỡng này được hòa quyện cùng tinh thần Phật giáo để tạo nên các nữ thần, cũng đồng thời là Phật bà. Lễ hội cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trong quá trình đông tiến, khai phá Đồng bằng sông Hồng và lan tỏa ra khắp vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Triệu Giám, Thành Vũ và 70 người khác
32 bình luận
7 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.