Thực trạng học tập và học tập trực tuyến ở Việt Nam trong xu thế chung của thời đại

Leave a Comment

 Thực trạng học tập và học tập trực tuyến ở một số trường học Việt Nam trong xu thế chung của thời đại

Có một tình hình thực tế, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên ở các trường học thường phàn nàn là một bộ phận không nhỏ học sinh thiếu tập trung nghe giảng, không thích học và chán học. Tại sao học sinh lại không thích học và chán học? Có rất nhiều lý do. Trong đó, theo tôi có hai lý do chính là lớp học không có đủ phương tiện dạy học hiện đại và phương pháp dạy học lạc hậu.
Trẻ em vốn là con đẻ của thời đại, thời đại cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và những thành tựu của kỷ nguyên mới đang phát triển như vũ bão. Hàng ngày, hàng giờ nó tác động đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó có học sinh. Vậy mà phương tiện chủ yếu ở nhiều nhà trường vẫn là bảng đen và phấn viết giống như những năm 60 của thế kỷ trước (loại trừ các trường đã được trang bị máy tính, projector, nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp). Có khác chăng chỉ là khác về chất lượng bảng và phấn viết tốt hơn trước, cùng với một số thiết bị giảng dạy bộ môn không tương xứng. Trong khi đó, các nước phương Tây họ đã đưa khoa học, công nghệ vào lớp học như máy tính, internet, thực tế ảo, robot; thậm chí còn đưa cả máy in 3D, trí tuệ nhân tạo, màn hình đa năng cảm ứng vào nhà trường. Nói theo thuật ngữ chuyên ngành, họ đã đưa vào nhà trường cả một hệ sinh thái học tập thông minh để định hình cho một kỷ nguyên học tập mới.
Đồng hành với phương tiện dạy học lạc hậu, không ít thầy cô giáo (ngoại trừ tiết thao giảng) vẫn tuân thủ lối dạy học truyền thống. Thầy cô căn cứ vào chương trình, nội dung sách giáo khoa, tổ chức truyền tải nội dung sách giáo khoa tới học sinh. Dù có phát động nhiều phong trào cải tiến phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa quá trình học tập của học sinh thì giáo viên vẫn là số 1, là trung tâm của lớp học. Vai trò chủ yếu của thầy cô vẫn là truyền thụ, giảng giải tri thức một chiều. Tất cả học sinh tiếp nhận cùng một nội dung, cùng nhip độ. Thực tế đó dẫn đến một bộ phận học sinh đương nhiên không theo kịp nhận thức và bị bỏ lại phía sau. Đã thế học sinh còn phải vừa phải nghe giảng vừa phải cắm cúi ghi chép để nhớ, để hiểu, để áp dụng làm bài tập. Ngày học nào, giờ học nào cũng đơn điệu, xơ cứng như một công thức: thày giảng, trò nghe và ghi chép. Học sinh chán học là không tránh khỏi.
Trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, các nhà trường bắt buộc phải cho học sinh học tập trực tuyến (online) và học tập trên truyền hình. Đây là nỗ lực vượt bậc của ngành giáo dục. Nhưng nó nảy sinh biết bao vấn đề. Thực tế ở các thành phố, đô thị lớn chỉ có khoảng 70% học sinh có máy tính, điện thoại thông minh (tất nhiên là bố mẹ nhường cho). Ở nông thôn khoảng 50%. Miền núi, vùng sâu vùng xa thì không những không có mà ngay cả đường truyền internet, cá biệt đến điện cũng không có. Năm học này học trực tuyến trên toàn quốc, liệu có phủ hết số lượng học sinh?
Cứ cho rằng các địa phương và các nhà trường sẽ tìm mọi cách để khắc phục và có thể triển khai học online đại trà, liệu học online có hiệu quả không khi mà việc học ở trên lớp còn không ít học sinh chán học. Hàng ngày bốn đến năm tiết hoc trên lớp thầy cô phải chuyển tải sang hình thức dạy online. Học sinh phải bắt buộc theo dõi trước màn hình máy tính, điện thoại ba đến bốn tiếng. Chắc chắn học sinh càng chán học hơn so với học ở trên lớp. Biết bao nhiêu học sinh buồn ngủ, ngó lơ, chạy đi chơi, trêu chọc nhau, đi uống nước, thiếu tập trung, bỏ học? Đó là chưa kể đến lỗi kỹ thuật công nghệ như hệ thống đường truyền internet hạn chế, phần mềm “dạy học miễn phí” chất lượng không tốt. Nhiều khi bị out. Tất cả đều gây ra nhiều khó khăn, phiền phức cho cả thầy lẫn trò (Hôn nay báo Dân trí đưa tin, một học sinh lớp 4 Trường Tiều học Thái Thịnh, Thanh Xuân, Hà Nội bị điện giật tử vong khi đang học online).
Theo cảm quan của cá nhân tôi, hiệu quả học online ở các cấp, đặc biệt là ở tiểu học thấp. Học sinh bị giới hạn về việc nghe, nói, nhìn. Thậm chí có lúc học sinh còn không nhìn rõ chữ trên bảng. Trẻ không có tâm thế nhận thức những điều thầy cô thuyết trình, giảng giải; không thể thể bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc trong quá trình nhận thức.
Hai năm học trước có một thời gian khá dài học sinh phải học online. Đến nay ngành giáo dục cũng chưa tổng kết hiệu quả của việc dạy học online ở các cấp học, ở các vùng miền để từ đó rút kinh nghiệm. Khẩu hiệu dừng đến trường nhưng không dừng học đã được các nhà trường quán triệt. Và ai cũng nghĩ rằng rồi dịch sẽ qua đi. Dạy học online chỉ là tình thế tạm thời trước mắt.
Căn cứ vào tình hình dịch trên thế giới cũng như ở trong nước và những dự đoán của nhiều nhà khoa học, một số loại dịch bệnh còn nguy hơn COVID-19 sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Chắc chắn dạy học online sẽ không còn là tình thế tạm thời nữa. Nếu ngành giáo dục cùng các tổ chức xã hội giáo dục có liên quan và các nhà trường không có chiến lược, không có kế hoạch và giải pháp đẩy nhanh việc số hóa trường học; không coi việc học online như một chiến lược dạy học, là kỹ năng tương lai, giúp học sinh mở ra chân trời học thuật mới cho bản thân thì giáo dục của chúng ta sẽ càng lạc hậu, càng không thích ứng và theo kịp dòng chảy giáo dục tiên tiến của thời đại. Bài toán nhân lực chất lượng cao sẽ càng trở nên nhức nhối hơn trong tương lai.
Các nhà giáo dục đều biết học trên lớp hoàn toàn khác với học online. Vậy mà các nhà trường, các thầy cô giáo không được tập huấn bài bản, không có kho học liệu điện tử, không biết đến nền tảng “công nghệ giáo dục trực tuyến” đích thực nào để nâng cao chất lương dạy học. Có rất nhiều phần mềm dạy học online của nước ngoài. Chẳng hạn phần mềm Classin, phần mềm có mặt tại 150 quốc gia có nền tảng giáo dục hàng đầu như Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Pháp, Úc… Phần mềm dạy học online này giúp thầy cô dạy học trực tuyến giống như việc dạy học ở trên lớp. Nó tích hợp 30 bộ công cụ làm việc, giúp thiết kế và tương tác cho việc dạy-học các môn học với kho học liệu cực kỳ phong phú, cùng với hệ thống bài tập hướng dẫn học sinh tự ôn luyện, tự làm bài tập hết sức đa dạng. Vì vậy nó giúp việc dạy-học online sinh động, hấp dẫn, hiệu quả hơn rất nhiều so với việc dùng phần mềm “họp online” để dạy học, phần mềm mà giáo viên chỉ có thể chia sẻ trên màn hình và thuyết giảng. Nó khác biệt về chất so với các phần mềm miễn phí mà các nhà trường đang sử dụng (đương nhiên dùng những phần mềm của nước ngoài như trên phải trả tiền bản quyền).
Thay vì được tập huấn, được hướng dẫn, các nhà trường, các thầy cô phải “tự bơi”. Nhiều người mò mẫm, miệt mài ngày đêm để chuyển đổi nội dung bài dạy truyền thống sang bài dạy online. Họ phải chịu áp lực từ nhiều phía. Tôi nghĩ không ít thầy cô đã nản về công nghệ và cách thức dạy online. Người ta thấy trên màn hình thầy cô cứ nói, học sinh chỉ biết nghe, em nào tự giác thì còn ghi ghi chép chép. Không hiếm tình cảnh thầy cô tự nói và tự mình nghe. Chất lượng dạy học online được bao nhiêu phần trăm?
Có thể tạm kết luận hiện trạng học tập online tại một số trường ở Việt Nam có nhiều vấn đề. Việc tiếp cận những phương pháp dạy học online càng có vấn đề, cần phải tháo gỡ trong thời gian tới. Theo tôi giáo viên rất thiếu công cụ giảng dạy trực tuyến. Họ chỉ có hướng dẫn giảng dạy và các tài liệu trợ giúp giảng dạy trực tiếp ở trên lớp. Nền tảng công nghệ dạy học online trợ giúp là con số không. Không ai có thể trách thầy cô dạy học online hiệu quả không cao.
Về phía học sinh, các em thiếu công cụ để học thậm chí không có chương trình gì để tự học ngoài bài giảng qua phần mềm “họp online” trên mạng, phần mềm này được thiết kế để cho người lớn họp hành trực tuyến, chứ không phải là phần mềm chuyên dành cho dạy-học online. Thực ra có vô số phần mềm dạy-học, học liệu, video bài giảng phục vụ việc học trực tuyến của nước ngoài. Chỉ riêng một trang web Khan Academy.com đã có tới 50 triệu bài giảng cho các môn học từ bậc học mầm non tới lớp 12. Thậm chí mỗi thành phố, mỗi trường học ở Mỹ đều có một chương trình học tập kết hợp. Chẳng hạn trang web Schoolwires Centricity của bang California, trang web DreamBox.com dành cho học sinh tiểu học ở thành phố San jose (California), trang web Brainpop.com dành cho học sinh phổ thông của thành phố Chicago (bang Illinoi)… Những trang web đó là những nguồn lực hỗ trợ dạy-học trực tuyến bám sát khung chuẩn kiến thức theo tiêu chuẩn Mỹ. Mỗi video bài học là một đơn vị kiến thức kéo dài khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó học sinh tự làm những bài tập từ dễ đến khó, có sự giám sát, hướng dẫn, đánh giá tự động của trí tuệ nhân tạo Đáng tiếc những bài học sinh động, hấp dẫn đỉnh cao này đại đa số học sinh Việt Nam không biết đến vì không có trình độ ngoại ngữ, nhất là trình độ tiếng Anh toán và khoa học.
Các nước phương Tây từ những năm 1990 của thế kỷ trước, họ đã đưa vào hệ thống trường thực nghiệm, các trường mầm non, các nhà trường phổ thông một số mô hình học tập dựa trên sự kết nối internet, dựa trên nền tảng công nghệ dạy học online. Có nước có tới hàng trăm chương trình bài giảng số hóa của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức giáo dục bám sát khung chương trình giáo dục ở các cấp học để phục vụ thầy trò.
Thầy cô có thể trực tiếp giảng dạy từ xa hoặc gửi bài giảng, lưu trữ bài giảng, hoặc hướng dẫn học sinh tự học trên các trang web qua những video hình ảnh, âm thanh. Học sinh có thể theo dõi bài giảng theo phương thức online hoặc offline. Giáo viên và học sinh được làm quen với việc học tập ở mọi lúc mọi nơi, làm quen với không gian dạy học mới (không chỉ học ở lớp học, trong khuôn viên trường học mà còn học ở ngoài trường và đặc biệt là học ở nhà); học làm quen với hình thức giáo dục trực tuyến E-Learning, phương pháp học tập thích ứng (Adaptive Learing), phương pháp học tập kết hợp Blended Learning (xin xem bài viết: Năm học mới đã bắt đầu ở Mỹ trong bài viết trước của tôi trong trang Facebook này).
Học sinh ngay từ cấp tiểu học đã có thể tương tác hai chiều (các phần mêm dạy học của họ dựa trên phương châm chơi mà học, càng ham chơi thì càng học được nhiều), trao đổi với thầy cô, trao đổi bạn bè, với nhóm; có thể tạo chủ đề, comment qua blog, diễn đàn học tập Forum. Học sinh tiểu học đã tự mình làm các bài kiểm tra đa dạng trên mạng máy tính, tự ôn luyện kiến thức thiếu hụt với sự trợ giúp từ nhiều nguồn. Và để chuẩn bị cho học sinh tiểu học tự chủ trong quá trình học online, ngay từ bậc học mầm non, đặc biệt là từ lớp Kingdergarten (lớp mẫu giáo lớn) trong thời khóa biểu, học sinh bắt buộc phải học các phần mềm dạy học kết hợp (Blended Learning), một phương pháp học kết hợp giữa học truyền thống trên lớp và học online (trên lớp và ở nhà).
Một trong những nhiệm vụ và sứ mệnh của trường mầm non và tiểu học ở các nước phương Tây là phải hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển một thế hệ học sinh trong thời đại mới. Thế hệ mà ngay từ nhỏ đã có khả năng tự học, tự ôn luyện và làm bài tập, tự trang bị và chiếm lĩnh kiến thức của nhân loại. Đó chính là sự khác biệt về chất giữa giáo dục của các nước phương Tây và giáo dục thuộc các nước thế giới thứ Ba.
Thực tế trước khi đại dịch COVID-19 lan tới Việt Nam, xu hướng số hóa đã được nhà nước và ngành giáo dục đề cập đến. Có một số đơn vị, công ty trong nước cũng đã đi tiên phong trong lĩnh vực dạy học trực tuyến. Khi bắt đầu đại dịch, thực tiễn nhu cầu chuyển đổi số và công nghệ ngày một tăng. Môi trường ảo bắt đầu dần được ứng dụng. Nhu cầu học trực tuyến và giáo dục trong môi trường ảo tăng lên từng ngày. Theo đó, hình thức học tập kết hợp Blended Learning, kết hợp giữa lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến đang tạo ra một xu hướng mới trong giáo dục. Nó không chỉ là xu thế mà đã trở thành thực tế tất yếu ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Điều quan trọng với Việt Nam là việc học trực tuyến như thế nào để theo kịp dòng chảy giáo dục của thời đại. Đó chính là vấn đề mà xã hội và ngành giáo dục cần phải nhanh chóng giải quyết.
Sau đây là một số hình ảnh lớp học hiện đại và hình ảnh học trực tuyến lấy từ nguồn mạng từ các nước phương Tây.
Tuyết Nguyễn, Cong Phamhuynh và 113 người khác
69 bình luận
29 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.