Hoa dã quỳ

Leave a Comment

 Hoa dã quỳ

Cánh lính chúng tôi ngày còn tại ngũ, cứ nhìn thấy hoa dã quỳ nở là bảo nhau mùa đông đã đến. Dã quỳ là loài hoa dại có một sức sống mãnh liệt. Thân cây nép mình ngủ dưới lòng đất nhiều tháng và bung nở rực rỡ trong khoảng hơn 1 tháng vào đầu mùa Đông. Loại nhoa này mọc ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực rừng núi.
Trên đường đi hôm nay, chúng tôi bất ngờ bắt gặp đồi núi trải dài hàng chục km bạt ngàn cúc quỳ. Đẹp quá! Mặc dầu vội, mọi người vẫn bảo nhau dừng xe lại để ngắm, để hoài niệm tuổi xuân một thời, để đoàn và mỗi người chụp một tấm hình kỷ niệm chuyến đi.
Hoa dã quỳ thuộc họ cúc, còn được gọi là hoa cúc quỳ, cánh lính chúng tôi ngày trước thường gọi là hướng dương dại, cái tên gọi đã hàm nghĩa dã quỳ không phải một loài hoa đẹp lắm. Có 3 loại cúc quỳ: Hoa vàng, hoa đỏ và hoa trắng. Hoa đỏ và hoa trắng rất hiếm, phổ biến là hoa vàng.
Có một câu chuyện cổ tích kể về nguồn gốc loại hoa này. Chuyện kể rằng ngày xưa, ở một buôn làng nọ, có chàng K’lang con của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh, con của dòng suối. Ngày ngày chàng vào rừng săn bắt thú rừng như bao trai làng; còn nàng thì dệt chăn giống như bao thiếu nữ tự tay dệt tấm chăn đẹp để mang về nhà chồng. Tối tối họ thường đốt lửa, quây quần múa hát cùng dân làng. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc cứ trôi đi êm đềm. Cho đến một ngày, khi H’limh chờ hoài mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng đi tìm. Nàng cứ đi, đi mãi, đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi mà không thấy người yêu. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, nàng thấy K’lang gọi và bảo nàng đi thêm nữa. H’ Limh giật mình tỉnh dậy, đi tiếp đến cuối nguồn thì nhìn thấy K’lang đang bị những kẻ ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt vào một thân cây. Nàng chạy lại ôm lấy chàng, mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Nàng gục xuống khi bị trúng mũi tên độc của con trai tộc trưởng Lasiêng, người quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho k’lang. Từ đó cứ mỗi độ tháng mười, nơi nàng H’limh chết nở ra một loài hoa màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa Dã Quỳ. Cây hoa dần dần mọc lan rộng khắp núi rừng, tương trưng cho tình yêu chung thủy của đôi trai gái người dân tộc.
Hoa dã quỳ ở đây cao hai đến ba mét. Hoa bạt ngàn, nở chồng xếp lên nhau. Những bông hoa vàng nghệ nổi bật với cánh hoa rực rỡ. Những cánh hoa được bố trí cân đối, tạo nên một hình tròn hoàn hảo, một đường viền mỏng manh với lớp cánh hoa hình cầu. Nhìn ra xa, thảm hoa dã quỳ trông giống như một kiệt tác thiên nhiên mênh mông vàng miền sơn dã.
Vậy mà ngày trước cánh lính trẻ chúng tôi chỉ xem hoa dã quỳ là một loại hoa miền sơn cước, hoa hướng dương dại, một loại hoa bình thường như bao loại hoa rừng không tên, gắn liền với một câu chuyện tình của một tộc người nào đó. Có thể nó khiến chúng tôi trong một lúc nào đó nhớ về một giai nhân, nhưng với một cảm giác mơ hồ, một tâm trạng như câu thơ trong bài Lương Châu từ “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Xưa nay chinh chiến mấy ai về).
Dã quỳ không để lại nhiều ấn tượng, không đọng lại trong tâm trí. Bởi cái chúng tôi quan tâm là cái đói, cái rét, sự sống cái chết. Nếu có đề cập đến hoa, cánh lính miền xuôi chúng tôi thường nói đến hoa hồng, cúc đại đóa, violet, thược dược, lay ơn... Chỉ cho đến những năm gần đây, khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, khi trở lại nơi đóng quân, khi đi du lịch, khi về chiến trường xưa, anh em chúng tôi mới cảm nhận thấy hoa dã quỳ thực sự đẹp.
Nói đến hoa dã quỳ, giờ đây chúng tôi còn biết thêm có nơi người ta chế biến hoa như một loại trà đạo, có thể thanh nhiệt, giải độc. Hoa dã quỳ còn được dùng trong công nghiệp mỹ phẩm và dược liệu. Trong văn hóa một số nước, dã quỳ còn biểu tượng cho vẻ đẹp dân dã và sự tự do, phóng khoáng. Trong Phật giáo, hoa dã quỳ còn là vẻ đẹp của tâm linh…
Thì ra cái có những cái đẹp phải trải qua một hành trình trong cuộc đời người ta mới cảm nhận thấy. Dã quỳ là một trong số đó. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến ý nghĩa văn hóa, tâm linh và ứng dụng thực tế trong cuộc sống, và cũng một phần theo trào lưu, giờ đây phần lớn anh em chúng tôi đều xem hoa dã quỳ là loài hoa đẹp, xứng đáng được tôn quý.
Điểm đặc biệt của loài hoa này là loài hoa luôn sống hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên rừng núi. Hoa rủ vàng hai bên đường như hàng rào chào đón. Hoa lúp xúp bên những loại cây cỏ tranh, lau. Hoa xen kẽ với rừng đào bắt đầu chớm nở. Hoa chen trong bụi chuối đến tận bờ tre. Hoa trải dài đến rừng thông xanh um tùm… Hoa nhuộm vàng rừng núi trùng trùng điệp điệp. Hoa phủ vàng sườn non xuống thung sâu thẳm mờ sương. Vẻ đẹp của hoa dã quỳ là vẻ đẹp của số nhiều, của sự cộng hưởng, không phải vẻ đẹp của một bông hoa mà là vẻ đẹp của những đồi hoa, những rừng hoa tít tắp đến không cùng. Đúng là loại hoa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và sức sống vượt qua khó khăn. Ít có loại hoa nào có khả năng tồn tại và nở rộ, nhuộm vàng những vùng đất hoang vu, cằn cỗi và khắc nghiệt như dã quỳ…
Bỗng câu ca xưa trong ký ức tôi vọng về: Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.