Đằng sau vẻ đẹp sắc trắng của núi rừng Tây Bắc

Leave a Comment

 Mộc Châu, Sơn La, đằng sau vẻ đẹp sắc trắng của núi rừng Tây Bắc

Đoàn chúng tôi dừng chân ở Mộc Châu đúng vào dịp Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Sơn La được thế giới vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đây là địa điểm quen thuộc, yêu thích khi chúng tôi chia tay sau 9 ngày rong ruổi trên đất nước Lào.
Cánh lính yêu thơ làm nhiệm vụ quốc tế ở thượng Lào, đến địa phận này vẫn đọc lại những câu thơ quen thuộc: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/Có nhớ dáng người trên độc mộc/Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Thủa mười tám đôi mươi chúng tôi chưa biết đến Đà Lạt nên không gọi Mộc Châu là Đà Lạt của Tây Bắc như giới truyền thông vẫn thường cổ súy. Chỉ biết nơi đây được ôm ấp bởi hai dòng sông, sông Đà và sông Mã, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp riêng đầy mới lạ. Nơi đây khi mới nhập ngũ anh em chúng tôi được bà con hồ hởi chào đón, được đưa về ở trong những ngôi nhà sàn của người Mường, người Thái trong thời kỳ huấn luyện trước khi đị B (đi Nam), đi C (đi Lào)
Mộc Châu ngày ấy rất hoang vu. Chúng tôi đi bộ hàng giờ, thậm chí nhiều giờ không thấy một nóc nhà. Quá vắng vẻ! Nó gợi cho bao chàng trai sống trong môi trường mới đôi khi cảm thấy buồn, xa vắng, heo hút đến đơn côi…
Nhưng bù lại, cảnh quan, thiên nhiên Mộc Châu rất đẹp. Xuân về, nơi đây như khoác lên mình chiếc áo xanh non mơn mởn của những đồi chè xanh mướt hút tầm mắt. Những đồi vườn hoa mận, hoa mơ nhuộm trắng đất trời, phủ trắng ngần hai bên đường vào các bản làng. Cùng với màu trắng hoa mận, hoa mơ là màu phấn hồng mỏng manh dịu dàng, của hoa đào rừng, hoa đào mèo, loài hoa mang vẻ đẹp hoang dã đặc trưng của vùng cao trải dài các thung lũng, các triền đồi núi. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là hoa ban. Khi mới nở, hoa có màu tím sau đó dần chuyển sang hồng nhạt và cuối cùng là màu trắng. Vẻ đẹp của hoa ban trong làn sương mờ gợi cho người ta liên tưởng đến vẻ đẹp của người con gái vùng cao, giản dị và thuần khiết.
Tôi cảm nhận một trong những nét đẹp đặc trưng của Mộc Châu là nét đẹp của các sắc độ mầu trắng. Cái màu trắng mênh mông của hoa, của sương mù đất trời thể hiện rõ nhất khi vào mùa đông, khi những đợt gió lạnh đầu mùa ùa đến, những bông hoa cải đầu tiên hé nở, rồi cả một vùng mênh mông bát ngát hoa cải trắng ngà nở rộ. Ở một số nơi, hoa cải chìm ngập trong những thung mây. Và rồi đông chí đến, những ngọn núi cao được bao phủ bởi một màu trắng tinh khôi của tuyết. Những ngọn núi trập trùng, những bản làng vùng cao tuyết trắng xóa sau một đêm như trong cõi mơ, một cảnh tượng kỳ thú với cánh lính miền xuôi…
Đến ngày hôm nay Mộc châu đã thay đổi nhiều quá. Chúng tôi biết đến một Mộc Châu mới với rất nhiều những danh lam thắng cảnh như: Thác Dải Yếm, Ngũ Động Bản Ôn, Rừng thông Bản Áng, Đồi chè, Đỉnh Pha Luông, Cầu kính Bạch Long, cùng với nhiều địa danh khác mang trong mình những vẻ đẹp thiên tạo, nhân tạo riêng, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của của vùng sơn cước.
Trong chuyến đi lần trước, chúng tôi đã có dịp lên Đỉnh Pha Luông. Mặc dù không cao hay hùng vĩ như những ngọn núi vùng cao Tây Bắc khác, nhưng đỉnh Pha Luông cao hơn 2000m được ví như “nóc nhà của Mộc Châu”. Gặp lúc trời mưa lại nhớ đến câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ càng ngẫm càng thấy hay. Tôi thấy đâu đó xa xa trong làn mưa, những ngôi nhà thấp thoáng ở lưng chừng núi tạo nên cái ấm áp và sức sống trên con đường hành quân hẻo lánh của những người lính năm xưa. Có cái gì đó rất gắn bó thân thương với chúng tôi. Đỉnh Pha Luông được xem là ranh giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam và Lào. Trên đỉnh núi này chúng tôi có thể quan sát toàn cảnh núi rừng hùng vĩ, những bản làng và thảm thực vật của hai quốc gia Việt Nam, Lào…
Chúng tôi đến thăm lại những Đồi chè, Đồi chè Trái Tim thị trấn Nông Trường Mộc Châu, đồi chè nổi bật với tạo hình biểu tượng trái tim tình yêu độc đáo. Riêng tôi một tháng trước cùng cánh lính ở quê về thăm lại nơi đóng quân, thăm Rừng thông Bản Áng xã Đông Sang. Rừng thông Bản Áng không còn nét hoang sơ như trước đây nhưng vẫn đẹp và thơ mộng. Đặc biệt là những ngôi nhà sàn xinh xắn, nằm dưới cánh rừng thông bạt ngàn, bên cạnh hồ Bản Áng trong vắt, phẳng như gương. Tôi cũng thăm lại Thác Tạt Nàng, dòng thác đổ nước xuống tựa như một dải yếm nằm ẩn mình sau những thửa ruộng bậc thang xanh rì.
Mới lạ nhất với tôi là Cầu kính Bạch Long, cầu kính được giới thiệu là cầu kính dài nhất thế giới, sử dụng những tấm kính trong suốt làm chất liệu. Khi bước chân lên cầu, tôi có cảm giác bất ngờ giống như mình đang treo lơ lửng giữa không trung. Trên cầu mọi người vừa có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh núi non hùng vĩ nghìn thước lên cao với bầu trời trong xanh vừa ngắm nhìn bên dưới sâu thẳm thẳm nghìn thước xuống.
Tôi gợi ý với anh em trong đoàn nên đến thăm Khu Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá về đoàn binh Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh Nguyễn Quốc Chinh, người lính cao tuổi nhất trong đoàn cho tôi biết Khu di tích lịch sử Tây Tiến được xây dựng năm 2016 bằng tất cả sự kính trọng, lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc huyện Mộc Châu, của những cựu chiến binh Trung đoàn Tây tiến đối với những người lính nguyện hy sinh tuổi xuân vì độc lập tự do của hai dân tộc Việt Lào. Rất tiếc không còn thời gian nên đoàn phải tạm hoãn lại.
Có thể nói khu di tích này là một công trình kỳ vĩ, độc đáo. Phia trước Đài tưởng niệm là không gian của Khu hoài niệm, đài vọng tưởng được thiết kế bằng kính trong suốt, mở ra một không gian thoáng đãng. Có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn, ngắm nhìn núi rừng Tây Bắc. Nếu là người lính chắc sẽ bồi hồi, xúc động ngược dòng thời gian trở về với năm tháng hào hùng, trở về với Trung đoàn Tây tiến, trở về với những chàng trai Hà thành hào hoa, lãng mạn và vô cùng dũng cảm. Đến thăm khu di tích này mọi người sẽ được nghe những vần thơ của Quang Dũng. Giọng đọc thơ của cô thuyết minh người dân tộc vang vọng truyền cảm như khắc tạc vào thời gian, không gian đất trời Tây Bắc: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành…
Đêm chia tay nhau ở Châu Mộc, chúng tôi trằn trọc không ngủ được. Mỗi người một tâm trạng riêng. Tôi nhớ lại những câu chuyện Tướng Chu Phương Đới kể khi ông được Quân ủy Trung ương, được Bác Hồ, bác Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ huấn luyện Sư đoàn 316 và bảo vệ biên cương (năm 1958 Thượng tá Chu Phương Đới là Sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 316 tại Mộc Châu, Sơn La. Sau này ông là Phó Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Vào những năm 1950 ông là một trong những trung đoàn trưởng đầu tiên dẫn quân sang giúp bạn ở Bắc Lào). Tôi nhớ đến những câu chuyện về các cán bộ chiến sĩ, những người còn sống và những người đã mất mà đồng đội nhắc đến trong chuyến đi. Tôi được anh Nguyễn Quôc Chinh cho biết, năm tới quân đội 2 nước tổ chức lễ truy tặng danh hiệu anh hùng cho các đơn vị và cá nhân… Tất cả đều có liên quan một phần đến Châu Mộc, Sơn La. Châu mộc với chúng tôi không chỉ là một địa danh, quê hương của điệu xòe Thái, quê hương của lễ hội cầu mùa, lễ hội cơm mới từng bao bọc chúng tôi trong thời kỳ huấn luyện, Châu Mộc còn là một phần cuộc đời của những người lính chúng tôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.