Thấy gì từ quan hệ Việt Nam và Trung Quốc

Leave a Comment

 Thấy gì từ quan hệ Việt Nam và Trung quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam ngày 12 đến ngày 13/12/2023 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với quan hệ hai nước. Chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Qua báo chí Việt Nam, Trung Quốc và các hãng tin lớn như CNN, Bloomberg, The New York Times,... tôi thấy tất cả đều nhận định chuyến thăm này đã góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và một quốc gia đang trỗi dậy có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á. Chuyến đi cũng thể hiện Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam để duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Về mặt chính trị, chuyến thăm đã khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về mặt kinh tế, chuyến thăm đã thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, công nghệ, du lịch. Hai bên đã ký kết 36 văn bản hợp tác, trong đó có 13 văn bản hợp tác kinh tế.
Về mặt ngoại giao, chuyến thăm đã góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Hai bên đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Lần đầu tiên, hai bên đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Theo các hãng thông tấn phương Tây đánh giá, trong tuyên bố chung, có một số điểm dáng chú ý như hai nước thúc đẩy tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, chống khủng bố,... Điều này cho thấy sự tin cậy lẫn nhau trong quan giữa hệ hai nước. Hai nước cũng thẳng thắn trao đổi xử lý các vấn đề tranh chấp, nhất trí duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp.
Đặc biệt là về vấn đề kinh tế, Trung Quốc muốn có một bước tiến thực chất so với các đối tác kinh tế của Việt Nam như Mỹ và phương Tây đã hành động trong thời gian gần đây, bằng việc liên kết tiềm năng kinh tế giữa hai nước. Trước mắt, Sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” được ông Tập đưa ra từ năm 2004, năm 2017 gồm hai hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng” và “Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ” được hiện thực hóa, nhằm thúc đẩy hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực.
Cần phải thấy Trung quốc bây giờ mới chạm tới mục tiêu đề ra gần 20 năm trước. Và Việt Nam thời điểm này mới vượt qua được chính mình, không còn lo ngại về ‘bẫy nợ” và lo ngại về an ninh, bởi vì con đường tơ lụa trên biển nằm trong Sáng kiến của Trung Quốc đi qua Biển Đông, một vùng biển quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh và phát triển của Việt Nam, cũng như hoà bình, ổn định ở khu vực. Vì vậy Việt Nam trong những năm qua không mặn mà với đề xuất của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm này hai bên đã thống nhất triển khai viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc cho tuyến đường sắt tiêu chuẩn quốc tế Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng. Hai bên cũng thống nhất nâng cấp đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai, Hà Nội, Hải phòng. “Hai hành lang” này tương lai gần sẽ được kết nối với đường sắt cao tốc Trung Quốc, hướng tới việc phát triển mạng lưới trên đất liền và biển nối với khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số thách thức, cụ thể: (i) Vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức lớn đối với quan hệ hai nước. (ii) Sự thâm hụt thương mại ngày càng lớn giữa hai nước, thâm hụt 30 đến 40 tỷ USD thậm chí nhiều hơn nữa trong những năm tới, có nguy cơ Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. (iii) Sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và lối sống cũng có thể là những thách thức đối với quan hệ hai nước.
Trong những thách thức trên, thách thức lớn nhất là vấn đề Biển Đông. Tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm nay. Đây là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có thể dẫn đến xung đột bất cứ lúc nào, giống như năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm đảo Phú Lâm từ chính quyền Sài Gòn, giống như năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm 5 đảo từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Liệu hai bên có thể tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp? Theo tôi các kịch bản xung đột có thể diễn ra như sau:
Kịch bản 1: Xung đột cục bộ
Kịch bản này xảy ra khi hai bên có hành động khiêu khích, gây hấn lẫn nhau ở khu vực tranh chấp giống như trong thời gian vừa qua. Ví dụ, Trung Quốc có thể tiếp tục đưa giàn khoan đến vùng biển gần các đảo của Việt Nam, hoặc Việt Nam có thể tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển gần các đảo của Trung Quốc đã chiếm đóng. Trong trường hợp này, xung đột có thể xảy ra ở quy mô nhỏ, với các hành động như va chạm tàu thuyền, nổ súng cảnh cáo, hoặc thậm chí là giao tranh quân sự. Xung đột cục bộ có thể gây ra thiệt hại về người và của cho cả hai bên, nhưng khó có khả năng leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Kịch bản 2: Xung đột lan rộng
Kịch bản này xảy ra khi xung đột cục bộ không được kiểm soát, hoặc khi một bên có hành động gây hấn nghiêm trọng đến lợi ích của bên kia. Ví dụ, Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn tàu của Việt Nam tiếp cận các đảo của mình, hoặc Việt Nam có thể tấn công các giàn khoan của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Trong trường hợp này, xung đột có thể lan rộng sang các khu vực khác, thậm chí là đất liền. Xung đột lan rộng có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề về người và của, và có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai bên.
Kịch bản 3: Chiến tranh toàn diện
Kịch bản này xảy ra khi hai bên sử dụng vũ lực quy mô lớn để giải quyết tranh chấp. Chiến tranh toàn diện có thể gây ra thiệt hại và thương vong khủng khiếp, và có thể ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất thấp, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn. Kịch bản này có thể xảy ra nếu hai bên mất kiểm soát, hoặc nếu một bên tin rằng chiến tranh là cách duy nhất để đạt được mục tiêu chiến lược của mình, nhất là với Trung Quốc, muốn biến Biển Đông thành ao nhà mình, lật đổ vị thế của Mỹ để vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế từ việc hợp tác với nhau. Kim ngạch thương mại hai bên lên năm nay đến gần 200 tỷ USD. Tiềm năng đầu tư thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Nếu hai bên nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác, thì khả năng xảy ra xung đột sẽ thấp.
Để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Hai bên cần tăng cường trao đổi, hợp tác, và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, các nước khác trong khu vực và thế giới cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp. Để vượt qua những thách thức này, hai bên cần tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Nhìn chung, chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đi vào chiều sâu, không né tránh thách thức, góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước trong thời gian tới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.