Thăm cố đô Luông Phabang

Leave a Comment

 Thăm Cố đô Luông Phabang

Tôi từng nghe một nhà nghiên cứu văn hóa Lào nói "Đến Lào phải đến Luông Phabang, đến Lào mà chưa đến Luông Phabang thì coi như chưa đến Lào”. Lần trước theo đoàn cựu chiến binh 324 đến Lào nhưng không có điều kiện đến Luông Phabang nên tôi có cảm nhận đúng như vậy.
Cố đô Luông Phabang, còn được gọi là Luang Prabang, là một thành phố lịch sử và văn hóa, một thành phố du lịch nổi tiếng của Lào.
Nằm ở khu vực miền bắc đất nước, Luông Phabang đã từng là kinh đô của Vương quốc Lào từ năm 1353 đến năm 1975. Thành phố này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1995, nhờ sự kết hợp tuyệt vời giữa các yếu tố văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo, nhờ ở vẻ đẹp rất độc đáo, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Lào.
Về mặt lịch sử, Luông Phabang đã chứng kiến nhiều thăng trầm và biến động trong suốt chiều dài lịch sử. Từ khi thành lập Luông Phabang đã là trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của Vương quốc Lào, kinh đô vương quốc Lan Xang, tồn tại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Đây là thời kỳ hoàng kim của Lào, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa và chính trị.
Các di tích lịch sử và kiến trúc độc đáo, nổi tiếng nhất là Hoàng cung Luông Phabang: Nơi ở của các đời vua Lào, được xây dựng từ thế kỷ XIV. Hoàng cung cũng là Bảo tàng Quốc gia, được xây dựng năm 1904, có nhiều hiện vật quý giá có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo; đặc biệt có một viên "thiên thạch" từ mặt trăng cũng được trưng bày trong bảo tàng này.
Giá trị văn hóa của Luông Phabang thể hiện ở việc bảo tồn truyền thống, tôn giáo và phong tục tập quán của người Lào. Thành phố được coi là một trung tâm Phật giáo tiểu thừa (Nam tông) quan trọng và có nhiều ngôi chùa và đền tháp rất đẹp. Những ngôi chùa đẹp khiến chúng ta phải mê mẩn đến ngỡ ngàng bởi nghệ thuật kiến trúc, bởi những bức tượng phật sống động, bởi lối trang trí tỉ mỉ vừa tinh tế vừa tinh xảo. Đó là chùa Phật Ngọc: Ngôi chùa nổi tiếng nhất của Luông Phabang, lưu giữ bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng quý giá; chùa Xieng Thong: Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và bức tường vàng rực rỡ; chùa Vat Visoun: Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, lưu giữ nhiều tượng Phật quý…
Luông Phabang cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội và nghi lễ truyền thống, chẳng hạn như Lễ hội Boun Ok Phansa, lễ hội khi đến Lào vào đúng dịp lễ, chúng ta không thể bỏ qua (Lễ hội mãn chay, được tổ chức vào ngày 15/11 Phật lịch. Đây là lễ hội quan trọng của người Lào, đánh dấu sự kết thúc ba tháng mùa chay, thời gian các nhà sư tu tập, không được phép ra khỏi chùa) và Lễ hội Pi Mai nổi tiếng (Lễ hội Té nước vào khoảng trung tuần tháng 4, lễ hội phồn thực năm mới cầu mong nước về, thể hiện ước vọng cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc (có nét tương đồng với lễ hội cầu mưa, lễ hội rước nước của Việt Nam). Lễ hội Pi Mai là lễ hội được tổ chức trên toàn quốc trong ba ngày. Du khách hồ hởi chuẩn bị tâm thế ướt sũng khi mọi người dội nước thơm trên đường phố). Hai lễ hội này cùng với một số lễ hội khác được tổ chức mỗi năm, thu hút nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Luông Phabang thuộc đô thị loại nhỏ, nhưng bình yên đến đáng yêu và kiều diễm đến nên thơ. Có khoảng 410.000 người, thành phố nằm bên bờ sông Mê Kông trù phú và được bao quanh bới những dãy núi xanh thẫm. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp, hòa hợp với những nếp nhà rất đặc trưng của các dân tộc Lào. Những nếp nhà một tầng, hai tầng hòa quyện với thiên nhiên, rợp trong bóng cây cổ thụ, xen kẽ với những ngôi chùa cổ kính. Người ta cũng có thể tham quan Luông Phabang bằng thuyền, để tận hưởng vẻ đẹp của thành phố từ dòng sông Mê Kông.
Đến với Luông Phabang còn là đến với thành phố du lịch. Về đêm, chúng ta được trải nghiệm một thành phố lung linh sắc màu với đèn lồng, thổ cẩm, những con phố dài, uốn lượn bên dòng Nậm Kha hiền hòa. Thành phố chỉ có khoảng 5 con phố chính nên vào buổi tối những con phố này đều tấp nập du khách. Nhất là những con phố liền kề dòng Nậm Khan. Người ta thường tụ tập thưởng thức cà phê, nghe nhạc, uống bia Lào, nhâm nhi chén rượu cùng hương vị món cá lăng Mê kông trứ danh và tận hưởng bầu không khí nên thơ, trong lành.
Đến với Luông Phabang chúng ta không thể không đi chợ đêm để nhìn, ngắm dòng người: Gìa trẻ, nam thanh nữ tú, đặc biệt là các giai nhân trong những bộ đồ lộng lẫy e ấp, tự tin hoặc kiêu hãnh tươi cười đi mua sắm. Chợ dài hàng cây số. Người ta có thể ăn uống vui chới suốt đêm, có thể mua sắm đồ lưu niệm, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức bạc vàng... Tuy nhiên, mặt hàng ấn tượng nhất với tôi là thổ cẩm rực rỡ của gần 50 dân tộc Lào. Thổ cẩm Lào thật vô cùng đặc sắc. Tôi có dịp được suy ngẫm và so sánh đường nét, họa tiết, hoa văn Lào với những đường nét họa tiết, hoa văn của các dân tộc tây bắc, các dân tộc phia tây Trường Sơn và Tây Nguyên của Việt Nam. Thật kỳ thú! Có nét văn hóa chung tương đồng, có nét riêng thật kỳ diệu…
Đến với Luông Phabang mà không được trải nghiệm hoạt động “bình minh khất thực” ở thành phố cổ kính này thì thật nuối tiếc. Tôi cố gắng cùng anh em đồng đội dậy sớm để chứng kiến cảnh những nhà sư từ chùa ra đường khất thực. Tôi có cảm giác như được quay trở về quá khứ xa xăm khi Đức Thích Ca Mâu Ni mấy nghìn năm trước dẫn 1250 đệ tử đi khất thực ở kinh thành vua cha. Từng đoàn sư vận áo cà sa vàng, nối tiếp nhau đi thong dong trong màn sương sớm. Những người phụ nữ trong trang phục truyền thống quỳ gối dưới theo hàng để làm lễ khất thực. Tôi thấy cả những người châu Âu da trắng cũng làm lễ khất thực như người dân địa phương (khất thực là một phương thức tu hành có từ thời Thích Ca, để nuôi sống bản thân và mang ý nghĩa di dưỡng tinh thần theo giáo lý phật giáo và phát triển phật giáo. Khất thực cũng là một cách để cưu mang những người kém may mắn trong xã hội ở chùa).
Đến với Luông Phabang còn có nhiều điểm đến thú vị khác. Người ta có thể đến núi Phuo Si, ngọn núi cao nhất có thể ngắm toàn bộ thành phố xinh đẹp. Đến thăm thác Kwang si hùng vĩ, dòng thác đẹp nhất nơi đây…
Tôi khuyên mọi người hãy đến với Luông Phabang! Nơi đây không chỉ thu hút người ta ở nét cổ kính rêu phong, bình yên đến kỳ lạ. Nơi đây còn thu hút hấp dẫn bởi người Lào thân thiện, nói năng nhỏ nhẹ, luôn nở nụ cười trên môi, những con người mang nét văn hóa, triết lý nhân sinh sâu sắc của dòng Phật giáo tiểu thừa.
Đến với Luông Phabang, cuối cùng Tôi phải cảm ơn anh bạn Bùi Minh Sơn, người đã quyết định dành thời gian hướng dẫn để đoàn được trải nghiệm thành phố kỳ diệu này. Có thể nói anh là một cuốn từ điển sống về đất nước Lào. Anh đã chia sẻ với chúng tôi bao điều sâu sắc về cố đô Luông Phabang, thành phố mang trong mình bao giá trị văn hóa và lịch sử đáng kinh ngạc, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc độc đáo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.