Trăm năm một đời già

Leave a Comment

 Trăm năm một đời già

Tôi không bất ngờ về sự ra đi của già, người tôi rất kính trọng và yêu thương. Các cháu xa gần mấy hôm trước đã bàn ra Giêng tổ chức làm lễ mừng thọ già 100 tuổi. Vậy mà già đã ra đi. Già ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tuy vậy, cái cảm giác mất đi người thân yêu vẫn luôn là sự mất mát đau lòng, xót xa và hụt hẫng.
Vẫn biết rằng cái chết là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, nhưng cái chết của già với tôi có ý nghĩa và nhiều tác động sâu sắc. Tôi biết già mong muốn được về thế giới bên kia từ hàng chục năm nay rồi. Già vượt khỏi bản năng sợ chết cố hữu thì đã là một trong những con người đặc biệt. Già mong muốn được chết không bệnh tật, không đau ốm kéo dài để phiền hà tới các cháu. Và già thực sự đã được trở về, theo cách như từng mong ước.
Trước khi đi đài hóa thân hoàn vũ, tôi nghe ông đại diện dòng họ Triệu đọc điếu văn: “Hôm nay, sau gần 80 năm cụ TTĐ mới được đi gặp người bạn đời, người chiến sỹ Việt Nam giải phóng quân đã hy sinh trong ngày đầu tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội”. Tôi nghĩ có lẽ già là người vợ liệt sỹ cuối cùng trong số những người vợ liệt sỹ thời Cách mạng tháng 8.
Đó là lý do chính tôi mừng cho già vì già luôn có niềm tin sẽ gặp lại người chồng thân yêu sau gần 80 năm dài đằng đẵng. Sau đó già còn được gặp những người thân yêu cùng một thời sau nhiều năm xa cách. Sao chúng tôi phải thương tiếc về sự ra đi này?
Tôi cùng với các cháu của già chia sẻ những cảm nghĩ giằng xé. Già tôi chỉ nằm trong số hàng triệu người phụ nữ Việt trong cuộc trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc bao nhiêu năm qua. Đất nước đã hòa bình, thống nhất. Cuộc sống như một dòng sông vẫn tiếp tục chảy, Mỗi cá nhân phải chấp nhận số phận riêng của mình cuốn theo dòng thời cuộc.
Trong tâm thức tôi, già trước hết là người vợ liệt sỹ. Tôi phần nào hiểu được nỗi đau khổ của những người phụ nữ mất chồng, mất chồng mà không tái giá. Suốt đời già phải đối mặt với sự mất mát và cô đơn, cùng với bao khó khăn về kinh tế, xã hội và tâm lý trong suốt những năm tháng chiến tranh, những năm tháng khắc phục hậu quả chiến tranh đầy gian khổ.
Mất đi người chồng, người trụ cột bảo vệ gia đình ở tuổi 20 là sự mất mát không thể bù đắp, không có gì có thể thay thế. Già phải vượt qua quá trình chấp nhận thực tế và điều chỉnh cuộc sống, vượt qua cảm giác đơn chiếc vò võ vô cùng đáng sợ với những khoảng trống khó mà đong đếm từ năm 1945 cho đến ngày hôm nay.
Tôi biết những người phụ nữ như già thường nhận được sự quan tâm của người thân, của các tổ chức xã hội, của chính quyền. Nhưng có không ít người thật sự đã không vượt qua được những trở ngại, trở thành nạn nhân của số phận. Già tôi đã vượt lên hoàn cảnh định mệnh để trở thành một người bình thường: Gánh vác công việc gia đình nội ngoại hai bên, tham gia công tác xã hội, công tác phụ nữ, công tác hội đồng nhân dân, công tác mặt trận sau hòa bình lập lại cho đến năm 2000. Cũng chính vì vậy trong đám tang của già tôi thấy sự hiện diện của tất cả những đời bí thư chủ tịch xã qua những thời kỳ già công tác.
Là chị ruột mẹ tôi, già luôn thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương chân thành với người em gái. Trong ký ức tôi luôn cảm nhận hai con người thường xuyên quấn quýt bên nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, và những khó khăn trong suốt cuộc đời họ.
Mẹ tôi đông con. Những năm tháng chiến tranh đồng ruộng bị máy bay Mỹ tàn phá, những năm tháng mất mùa cuộc sống gia đình tôi rất túng bấn. Tôi biết già luôn giúp đỡ mẹ tôi về cả tinh thần và vật chất, khi thì công khai, khi thì dấm dúi. Già cho mẹ tôi vay mượn tiền nong buôn bán xuôi ngược, khuyến khích phát triển một số nghề nghiệp thủ công, cho vay mượn làm nhà cửa… Qua già lớp con cháu chúng tôi tiếp thụ được những giá trị tốt đẹp vốn có của một gia đình làng nghề nông thôn truyền thống.
Càng ngày tôi càng nhận thấy tình cảm của họ có một giá trị quan trọng trong một thời kỳ khó khăn của Xã hội. Nó là hạt nhân đóng vai trò tạo nên sự đoàn kết gia đình và họ hàng. Nó thể hiện lòng nhân ái, lòng trắc ẩn và là một tấm gương cho các thế hệ sau; giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sự hòa hợp, sự phát triển của các thành viên trong gia đình.
Cách đây 6 năm khi mẹ tôi gần mất, già cầm tay mẹ tôi ấp vào má mình, khuôn mặt già gầy gò, nhăn nheo sương gió, mếu máo: “Sao dì nỡ để tôi ở lại một mình thế này. Kiếp sau mình vẫn là chị em nhé”. Tôi thương mẹ tôi một đời khốn khó nuôi 8 người con. Nhưng ít ra mẹ tôi còn có cha tôi, có chúng tôi; các con các cháu đều trưởng thành. Ít nhiều cuối đời còn được bù đắp. Nhưng già tôi thì không, chỉ có chị em, chỉ có các cháu. Mẹ tôi ra đi chỉ còn lại một mình già. Ngay cả người cháu trưởng chỗ dựa của già cũng đã ra đi. Chứng kiến già và mẹ phút lâm chung, chúng tôi thương mẹ một, thương già hai…
Tôi không biết nhiều về già lúc còn trẻ. Chỉ biết già học lỏm từ lớp học của các bác trai nên ít nhiều biết chữ Nho, chữ Nôm. Tôi là người được gần gũi với già từ tuổi còn thơ, còn nhớ được già đưa đi chơi khắp hàng xóm láng giềng, nội ngoại. Đặc biệt là những ngày tết, ngày giỗ nội, ngoại.
Khi tôi mới học cấp 1 già đã đưa cho tôi những quyển truyện nôm khuyết danh để đọc, đọc đi đọc lại cho các già, các dì nghe trong khi họ dệt khăn mặt, trong lúc họ rỗi rãi ngồi chơi cùng nhau bên bờ ao, dưới gốc những cây bàng. Kho tàng truyện nôm khuyết danh như Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Nhị Độ Mai, Lý Công, Bích câu kỳ ngộ, Nữ Tú tài… cứ thế thấm vào trong tôi từ những ngày đó.
Ngoài một số truyện Nôm khuyết danh, già còn thuộc lầu cuốn Chinh phụ ngâm, đặc biệt là Truyện Kiều, già có thể đọc tiếp theo sau bất cứ câu nào tôi nhắc tới. Tôi có cảm giác như già hóa thân vào những nhân vật, sống cùng với các nhân vật trong truyện. Vào đầu năm mới, tôi và các cháu già đến già chúc tết. Già vẫn theo thói quen bảo mọi người bốc Kiều và luận giải những gì có thể diễn ra trong năm. Đó là một thói quen và cũng là một niềm vui của già.
Đầu năm 2000, già buồn rầu đưa cho tôi giữ cuốn Kiều cổ, bản chữ nôm. Già nói với tôi: “Trong số các cháu, cháu là người còn quan tâm đến Truyện Kiều. Già trao lại cho cháu. Đây là kỷ vật của cha già, ông Cai”. Bây giờ già bách tuế về với tổ đường, có lẽ người bói Kiều cuối cùng của ngôi làng cổ cũng ra đi theo.
Tôi là người duy nhất được già kể đôi nét về người chồng của già. Đó là vào một buổi tối trước ngày tôi nhập ngũ, khi tôi đang sắp xếp đóng gói số sách báo, tạp chí giáo trình, truyện để khi về lại tiếp tục công việc học tập. Già đến bên tôi, đưa cho một ít tiền: “Cháu cầm lấy để uống nước với anh em bạn bè. Trai thời loạn thì phải lên đường làm nhiệm vụ như bao người. Năm ấy ông T cũng lên đường vào độ tuổi cháu. Cả thời trai trẻ ông ấy say mê với sáo diều. Trước hôm lên đường ông ấy còn gác cây sáo diều lên vách nhà ngang… Cháu cố gắng đừng để lại mẹ cháu một mình, giống như ông ấy để lại già một mình”. Dứt lời già vội đứng dậy đến bên mẹ tôi, cả hai cùng chan hòa nước mắt.
Già đã đi hết hành trình sinh mệnh trăm năm theo cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Trong hành trình ấy già đã đi theo và định hình cách sống riêng của mình, tác động mạnh đến các cháu, đặc biệt là đối với tôi. Tôi nhớ già thích nhất mùa Xuân trong truyện Kiều, cái đoạn Kim Kiều ban đầu gặp gỡ nhau, có lẽ cũng là khao khát một đời già. Trời đất đã lập Xuân. Năm mới cũng sắp đến. Hy vọng trong thế giới tâm lính, già được đoàn tụ với tất cả mọi người!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.