Vẻ đẹp ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng

Leave a Comment

 Vẻ đẹp ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc, ở khu vực trưng bày cây Bonsai tôi rất ấn tượng với ba tác phẩm của tác giả Đỗ Thanh Tùng. Ba tác phẩm bonsai đẹp trong ba chậu gốm đặt trên ba chiếc bàn gỗ xinh xắn được quang dầu bóng, chạm khắc tinh xảo. Tất cả gợi nên hiệu ứng cảm xúc thẩm mỹ đến kỳ lạ.
Tác phẩm đầu là một bụi si tự nhiên đẹp đến nao lòng. Người ta nói song thụ tức là 2 cây quấn vào nhau cùng 1 gốc, hay 2 cây sát vào nhau, quấn qua thân nhau ôm lấy nhau thể hiện ý tưởng ở bên cạnh nhau, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ nhau như tình phụ tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Tác phẩm của Đỗ Thanh Tùng có tới 8 thân cây quấn sát bên nhau thoáng đãng, nhìn xuyên thấu, không đè nhau, không chen nhau, gợi cho nguời xem liên tưỏng đến nhiều điều kỳ thú.
Trước hết nói vể vẻ đẹp tổng thể. Tác phẩm Bonsai này thể hiện sự hài hòa giữa các yếu tố: số lượng cây (8 cây) cùng hình dạng chậu (hình ô van) và tỷ lệ, kích thước tổng thể khá mẫu mực. Tám cây si, số lượng cây nhiều được bố cục hợp lý, sắp xếp cân đối trong chậu, tạo cảm giác quần tụ, vững vàng và cuốn hút.
Tôi được biết từ một bụi si hàng chục năm trước ở nhà, tác giả đã dày công tạo dáng cây bên nhau, cây thì đứmg trực, cây thì hơi xiêu. Nhưng các gốc cây quấn bện bên nhau như chung một cội. Thân cây đều vươn lên thẳng, hoặc uốn lượn gân guốc, sần sùi, u bướu; phân tầng cao ở giữa, thấp dần hai bên, tạo tán tam giác tiêu chuẩn như khóm cây trong tự nhiên.
Về chi tiết, tôi thích nhất sự tương phản giữa các mảng màu như trong hội họa. Đó là màu xanh tươi, sum suê sinh động đầy sức sống của lá cây si với màu nâu già nua nhuốm màu năm tháng của thân cây, cùng với màu gốm nâu trầm của chiếc chậu hình ô van; mầu mảng hài hòa tạo ra một điểm nhấn ấn tượng cho tác phẩm…
Về ý nghĩa, tác phẩm Bonsai này của Đỗ Thanh Tùng thể hiện sự gắn kết trong một gia đình truyền thống. Ngoài ra nó còn gợi cho người xem cảm nhận được ý chí vượt mọi khó khăn của con người trước thiên nhiên và cuộc sống. Và theo quan niệm về số, bụi si 8 cây tượng trưng cho sự sung túc, phát tài, may mắn và thịnh vượng.
Có thể nói tác phẩm Bụi si 8 cây trong chậu gốm trên chiếc bàn gỗ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Tác phẩm thể hiện sự hài hòa, cân đối, tương phản và mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc. Tôi cho rằng thành công nhất là tác giả đã tạo ra được một tác phẩm mô phỏng thành công một bụi si trong tự nhiên với dáng vẻ già cỗi, uy nghi, mang đến cho người xem cảm giác về với cội nguồn bình yên, thư thái và gần gũi với thiên nhiên.
Tác phẩm thứ hai của Đỗ Thanh Tùng là cây sanh thế hoành. Cây có thân phát triển theo bề ngang, đua sang bên, song song với mặt chậu hình ô van.
Xét về tổng thể, đây là cây bonsai có nét kỳ, cổ. Tác phẩm Bonsai này thu hút người xem bởi hình ảnh cây sanh thế hoành độc đáo, mô phỏng cây cầu bắc qua dòng suối. Ngắm nhìn tác phẩm này tôi chợt nhớ đến một thời trai trẻ trên rừng, hành quân trên đại ngàn Trường Sơn, đi qua những thân cây đổ ngang các dòng suối… Thế cây của tác giả rất ảo mà rất thực. Thân cây rỗng, uốn hình vòm bên những hòn đá, tác phẩm như mô phỏng lại những cảnh tự nhiên mà tôi đã từng được trải nghiệm…
Về bố cục, cây sanh cân đối, hài hòa với hình ảnh cây cầu và dòng suối, tạo cảm giác khoáng đạt và thanh bình. Ở bức tranh này, người xem thấy rất rõ sự tương phản giữa màu xanh của tán cây, của lá cây với màu gỗ của thân cây giống như cây cầu và bên dưới là đá… Nó là điểm nhấn ấn tượng cho tác phẩm.
Về nghệ thuật, tác phẩm thể hiện sự sáng tạo trong việc chọn phôi, tạo gốc, nuôi rễ và kỹ thuật uốn cây, cành, dăm bông đến kỳ công. Đặc biệt tác giả đã nuôi được một thân cây sanh to, khỏe khoắn, uốn cong tương xứng với bộ rễ bám vào lòng đất vững trãi, mô phỏng hình cây cầu tự nhiên vởi dáng vẻ bình yên, tĩnh lặng.
Về ý nghĩa nghệ thuật, tác phẩm Bonsai này thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Cây cầu tượng trưng cho sự kết nối, giao thoa giữa hai bờ suối, cũng như giữa con người với nhau. Tuy nhiên tôi thấy có cái gì đó hơi thiêu thiếu, giá như tác giả tạo thêm một nét gì đấy, chảng hạn như thêm vài viên đá, sỏi để người xem tưởng tượng rõ hơn về một dòng suối thì thật tuyệt, vì dòng suối tượng trưng cho sự luân chuyển, sinh sôi nảy nở của cuộc sống của con người và thiên nhiên. Ý nghĩa nhân văn của tác phẩm cũng sẽ đậm nét hơn.
Cảm nhận riêng của tôi, tác phẩm "Cây sanh thế hoành" (tên này không phải do tác giả đặt mà do nhiều người gọi để phân biệt với các cây khác) là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa nhân văn. Tác phẩm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật Bonsai và nghệ thuật tạo hình, tạo nên một tác phẩm đẹp và ấn tượng, xứng đáng được người xem bàn luận và chiêm ngưỡng.
Tác phẩm thứ ba là cây sanh hai thân thế trực được đặt trong chiếc chậu hình chữ nhật. Tôi cho rằng đây là một tác phẩm mang vẻ đẹp cổ điển, giống như một tác phẩm bon sai tiêu chuẩn. Tác phẩm này thu hút sự chú ý, bàn luận của nhiều người xem vì vẻ đẹp đặc biêt. Nếu không có chiếc rễ rủ xuống từ một thân cành thì nhiều người đã lầm tưởng nguyên tác phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Sự kết hợp giữa cây sanh hai thân thế trực và chậu gốm hình chữ nhật tạo nên một sự cân đối và hài hòa đáng ngạc nhiên. Cây sanh vừa thể hiện được sự cứng cáp, mạnh mẽ vừa thể hiện được nét mềm mại tự nhiên; trong khi chậu gốm hình chữ nhật thì lại thể hiện sự vững chãi và độc đáo đến hoàn chỉnh cho tác phẩm. Sự kết hợp này tạo nên một sự hài hòa giữa yếu tố cứng cáp và mềm mại, tạo nên một trạng thái cân bằng đẹp mắt.
Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật Bon sai. Cây sanh được tạo hình một cách tỉ mỉ để tạo ra hình dáng thân cành đẹp hài hòa giữa yếu tố nhân tạo và yếu tố tự nhiên. Các cành cây, các nhánh cây được uốn nắn, cắt tỉa một cách tinh tế để tạo hình khối tam giác cân đối đến ngạc nhiên.
Từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm này cũng đáng để lại ngưỡng mộ cho người xem. Từ hình dáng chung của cây, từ đường nét hoa văn trên chậu gốm đến các cành lá và nhánh cây được tạo hình rất cẩn thận. Nó gợi cho người xem cảm nhận được sự tinh tế trong nghệ thuật chơi cây Bon sai.
Cuối cùng, để đánh giá chính xác về vẻ đẹp của ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng, tôi nghĩ người xem nên trực tiếp ngắm nhìn, tiếp xúc với tác phẩm ở mọi góc độ để cảm nhận được nét tổng thể cùng với những chi tiết và cảm xúc mà ba tác phẩm mang lại. Việc đánh giá giá trị của một cây Bonsai còn phụ thuộc vào sở thích, phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Trong việc thưởng thức vẻ đẹp của cây cảnh nghệ thuật, người xem cũng giống như người đọc một tác phẩm văn học, xem một tác phẩm tạo hình đều có quyền đồng sáng tạo tác phẩm, tạo nên những giá trị thẩm mỹ của riêng mình. Dù sở thích, quan điểm có khác nhau nhưng tôi tin rằng ba tác phẩm trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc của Đỗ Thanh Tùng đã đem đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ nhất định. Với tôi, đó là cái đẹp của sự hài hòa, cân đối, cái đẹp của sự tương phản tinh tế và ấn tượng, cái đẹp trong tạo hình tạo nên tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.