Vài cảm nghĩ về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Leave a Comment

 Vài cảm nghĩ về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, để lại một khoảng trống lớn trong sự lãnh đạo của Việt Nam, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho người dân Việt Nam. Vai trò của ông trong sự định hướng và phát triển của đất nước là không thể phủ nhận.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và trong suốt thời gian ông giữ các chức vụ này, ông đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Ông đã đưa ra các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân, và đảm bảo ổn định chính trị trong nước.
Đánh giá về thân thế sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và dư luận quốc tế đã nói rất nhiều trong những ngày qua. Tôi không muốn lặp lại nữa. Chỉ xin tóm gọn một vài nét cơ bản. Ông là một nhà lãnh đạo mang phong cách đạo đức, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gương mẫu, có uy tín, có tâm, có tầm, có tài cả trên phương diện lý luận lẫn thực hành tổ chức. Có thể nói ông là nhà lý luận xuất sắc của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện tại (ông đã xuất bản tới 35 tác phẩm lý luận). Tôi tin rẳng vai trò và ảnh hưởng của ông còn kéo dài trong nền chính trị của Việt Nam.
Vai trò của ông cũng được nhìn nhận qua công cuộc chống tham nhũng và làm trong sạch Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã đẩy mạnh việc truy cứu, xử lý các vụ vi phạm pháp luật và tham nhũng, tạo ra cơ chế kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn trong hệ thống chính quyền. Điều này đã góp phần nâng cao uy tín và sự tin tưởng của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phải nói một bộ phận người dân, thậm chí một bộ phận trong cán bộ đảng viên đã mất niềm tin vào công cuộc chống tham những của Đảng và Nhà nước. Họ không tin và hoài nghi về việc phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Các thế lực phản động và những kẻ theo chủ nghĩa dân túy trong ngoài nước còn xuyên tạc công cuộc phòng chống tham nhũng, nhưng thực tế những năm gần đây đã chứng tỏ ông đã thành công với tư cách là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, một con người có bản lĩnh, quyết đoán và kiên định trong lĩnh vực khó khăn, gian khổ, lâu dài và đầy gai góc này.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã lãnh đạo, đưa ra các quyết sách, các hoạt động bảo vệ độc lập chủ quyền, chống lại việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong vùng Biển Đông. Ông đã khẳng định quyết tâm và kiên nhẫn trong việc bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi của quốc gia cũng như việc tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước lớn.
Tôi trích dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong lễ viếng ngày 20/7 tại Bắc Kinh để bạn đọc tham khảo:
“Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà Mác-xít kiên định, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà chính trị kiệt xuất, nhà lý luận vĩ đại, người đồng chí thân thiết, người bạn chân thành của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, dẫn dắt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam thúc đẩy và giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận được sự ủng hộ và yêu mến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam…
Trung Quốc luôn ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.”
Tôi cũng muốn độc giả tham khảo trích Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại việt Nam ngày 19/7:
“Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đau buồn khi mất đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ.
Hoa Kỳ trân trọng việc Ngài Tổng Bí thư đã đưa quan hệ song phương giữa hai nước lên những tầm cao mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng đầu tiên của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ, thể hiện cam kết to lớn đối với tình hữu nghị, đồng thời định hình mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai quốc gia. Di sản của Ngài càng được củng cố khi quan hệ song phương được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện năm 2013 và, một thập kỷ sau đó, lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ngài cùng với Tổng thống Biden.
Hoa Kỳ sẽ mãi mãi biết ơn sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng…”
Dù đó chỉ là ngôn ngữ ngoại giao của hai cường quốc đóng vai trò chi phối trong quan hệ quốc tế, nhưng tôi nghĩ chúng ta không thể không đánh giá cao vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của Việt Nam. Ông đã để lại một di sản quan trọng, to lớn và sẽ mãi được nhớ đến trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Read More

Kyoto, nét đẹp tinh hoa lịch sử, văn hóa và du lịch Nhật Bản

Leave a Comment

 Kyoto, nét đẹp tinh hoa lịch sử, văn hóa và du lịch Nhật Bản

Tới Nhật mà không tới thăm Kyoto thì thiếu một cái gì đó dường như còn dang dở không trọn vẹn, dù chuyến đi có dài bao nhiêu ngày. Bởi Kyoto là kinh đô Nhật Bản trong hơn 1.000 năm, từ năm 794 đến năm 1868. Trong đó có một giai đoạn rất đặc thù trong lịch sử Nhật Bản, giai đoạn Mạc phủ nắm quyền cai trị đất nước hơn 670 năm, từ năm 1192 đến năm 1868. Giai đoạn này quyền lực nhà nước phong kiến tập trung vào Shōgun (Tướng quân) do gia tộc Minamoto và gia tộc Tokugawa nắm giữ suốt gần 7 thế kỷ. Mặc dù Thiên hoàng vẫn là vua danh nghĩa, nhưng thực quyền nằm trong tay Shōgun (giống như thời kỳ vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam từ năm 1545 đến năm 1786). Thời kỳ này chứng kiến sự phát triển của tầng lớp samurai, tầng lớp đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị và xã hội Nhật Bản.
Khu di tích lịch sử cố đô Kyoto là nét đẹp giao thoa giữa lịch sử và văn hóa. Khu di tích này tọa lạc tại thành phố Kyoto, là một quần thể di tích văn hóa đồ sộ, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1994. Nơi đây bao gồm hàng chục địa điểm mang giá trị lịch sử, kiến trúc và tín ngưỡng quan trọng, góp phần làm sáng tỏ bức tranh văn hóa phong phú và độc đáo của xứ sở hoa anh đào.
Điểm đến trước tiên phải kể đến cung điện Hoàng gia Kyoto. Cung điện là nơi lưu giữ dấu ấn kiến trúc của nhiều triều đại lịch sử Nhật Bản. Du khách có thể chiêm ngưỡng sự hòa quyện tinh tế giữa các phong cách kiến trúc khác nhau, từ thời kỳ Heian cổ kính đến thời kỳ Edo tráng lệ.
Nổi bật nhất là Điện Kinkakuji (Điện Vàng), với vẻ ngoài lấp lánh dát vàng rực rỡ, là biểu tượng cho sự xa hoa và quyền lực của hoàng gia. Bên cạnh đó, Điện Sisin (Tòa nhà Nội vụ) mang đậm nét kiến trúc truyền thống Nhật Bản với những mái hiên cong cong và những ô cửa gỗ tinh xảo.
Bao quanh cung điện là những khu vườn được chăm sóc tỉ mỉ, mang đến khung cảnh thiên nhiên thanh bình và an yên. Mỗi khu vườn mang một vẻ đẹp riêng, với hoa cỏ rực rỡ theo mùa và hồ nước trong veo bên những cây bonsai cổ thụ.
Cung điện Hoàng gia Kyoto là nơi sinh sống và làm việc của hoàng đế Nhật Bản cùng gia đình xưa kia. Nơi đây mang đậm bầu không khí trang nghiêm và tôn kính, thể hiện vị thế cao quý của hoàng gia. Cung điện đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chứng kiến biết bao thăng trầm của đất nước Nhật Bản. Du khách đến đây như được quay ngược thời gian, cảm nhận được sự trường tồn của văn hóa và truyền thống dân tộc Nhật Bản.
Khác với sự ồn ào náo nhiệt của thành phố Kyoto, Cung điện Hoàng gia Kyoto mang đến một không gian thanh tịnh và yên bình. Du khách có thể thả hồn vào thiên nhiên, thư giãn tinh thần và cảm nhận sự thanh tao của văn hóa Nhật Bản. Tại nơi này chúng tôi được biết người ta thường xuyên tổ chức các sự kiện và lễ hội truyền thống, mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa Nhật Bản một cách chân thực nhất.
Nhìn chung, Cung điện Hoàng gia Kyoto là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến thăm cố đô Kyoto. Nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và cảnh quan, mang đến cho du khách một trải nghiệm khó quên.
Ngoài cung điện Hoàng gia có nhiều đền chùa, miếu mạo như chùa Kiyomizu-dera, nổi tiếng với sân khấu bằng gỗ nhô ra vách núi, mang đến tầm nhìn ngoạn mục toàn cảnh thành phố, cùng bầu không khí thanh tịnh và linh thiêng. Tiếp đến là đền Kinkaku-ji, thu hút du khách bởi vẻ đẹp lộng lẫy bởi được dát vàng ròng bên ngoài, là biểu tượng cho sự uy quyền và tinh thần giác ngộ. Ngoài ra, còn có: đền Kamigamo-jinja, chùa Saihoji, đền Tenryuji, chùa Ginkakuji (Chùa Bạc), v.v., mỗi nơi đều mang những nét độc đáo và giá trị riêng biệt, nhưng bao trùm là sự hòa quyện giữa Thần đạo và đạo Phật trong tín ngưỡng và tôn giáo Nhật.
Tôi thích nhất khi đi bộ qua một phố cổ dài đến chùa Kiyomizu - dera (Chùa Thanh Thủy). Chùa được xây dựng vào đầu thời kỳ Nara (năm 778). Ngôi chùa này trải qua nhiều biến cố và hỏa họan nên kiến trúc thời kỳ đầu không còn. Chùa hiện nay được xây dựng lại năm 1633. Cái tên Kiyomizu-dera bắt nguồn từ nguồn nước chảy vào con thác Otowa, con thác liên tục ngày đêm vang vọng âm thanh không dứt. Dưới dòng thác này, ông tổ của ngôi chùa đã tu hành khổ hạnh suốt cuộc đời mình để giải thoát và giác ngộ.
Hiện nay, ba ngọn thác Otowa tượng trưng cho “sức khỏe trường thọ”, “tình duyên viên mãn”, :học hành tài lộc”. Người Nhật tin rằng ba ngọn thác ở nơi này đều rất linh nghiệm. Nếu người hành hương rửa mặt, uống một ngụm nước ở một trong ba dòng nước trên thì ước nguyện và điềm may sẽ đến. Nếu uống hai ngụm thì sự linh ứng sẽ giảm đi một nửa và uống ba ngụm thì vận tốt chỉ còn một phần ba. Nếu tham lam mà uống nước ở cả ba dòng thì sẽ không được thứ gì.
Tôi lấy gáo hứng nước rửa mặt và uống một ngụm tại dòng nước sức khỏe trường thọ, bỏ qua dòng tình duyên và học hành tài lộc. Dòng nước mát rượi, trong lành, tinh khiết như xua đi cái mỏi mệt. Hy vọng rằng ngôi đền thiêng tâm linh này sẽ đem lại điều tôi mong ước.
Trên cao nhất là chính điện, bảo vật quốc gia, nổi tiếng với tên gọi “Vũ đài Kiyomizu”. Vũ đài này là bộ phận trung tâm của hành lang phụ cắt ngang chính điện, nhô ra từ vách đá. Nó được chống đỡ bởi 139 cây cột khổng lồ bằng gỗ và hoàn toàn không sử dụng đinh. Bên trong chính điện có thờ tượng Phật bà quan Âm 11 mặt nghìn mắt nghìn tay.
Từ vị trí này, nhìn ra bên ngoài, phong cảnh đẹp đến nao lòng, khó mà diễn tả được. Cả một không gian mênh mông thanh tịnh, bạt ngàn rừng nguyên sinh xanh mướt mát… Tôi có cảm giác ngôi chùa bồng bềnh được treo lơ lửng trên không trung. Nó xứng đáng đựợc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.
Kyoto là cái nôi văn hóa truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nghi lễ truyền thống, nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật Kimono. Và cả nghệ thuật tắm khỏa thân Osen”. Người ta nói đến Nhật mà không tắm Osen thì coi như chưa tới Nhật. Mặc dầu nói vậy nhưng tôi từ chối hòa vào dòng người khỏa thân tắm suối khoáng ở một khách sạn 5 sao…
Tóm lại, Kyoto là thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và truyền thống Nhật Bản. Nơi đây mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, khó quên, từ việc khám phá cung điện Hoàng gia, khám phá những đền chùa cổ kính, hòa mình không khí thanh bình của khu vườn Nhật Bản khi đến thăm khu phố cổ, hòa mình vào không khí sôi động náo nhiệt của những khu phố mua sắm, giải trí và thưởng thức những món ăn truyền thống tuyệt vời, tinh tế của xứ sở Phù Tang.
Read More

Osaka nơi giao thoa, lịch sử, văn hóa và du lịch Nhật Bản

Leave a Comment

 Osaka, nơi giao thoa Lịch sử, Văn hóa và Du lịch Nhật Bản

Osaka thành phố 19 triệu dân nổi tiếng là trung tâm thương mại và kinh tế sầm uất từ thời cổ đại, từng là kinh đô của Nhật Bản trong một khoảng thời gian. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử như: Lâu đài, đền thờ, chùa chiền, khu phố cổ mang đậm dấu ấn thời gian.
Đến thăm thành phố này du khách lhông thể bỏ qua lâu đài Osaka - biểu tượng của thành phố, là minh chứng cho sức mạnh và sự thịnh vượng trong quá khứ. Thành cổ còn được gọi là lâu đài Osaka, sừng sững giữa lòng thành phố, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Nhật Bản. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp tráng lệ, kiến trúc độc đáo mà còn bởi giá trị lịch sử và văn hóa to lớn.
Được xây dựng vào thế kỷ 16 bởi Toyotomi Hideyoshi, một vị lãnh chúa tài ba, thành cổ Osaka từng là trung tâm quyền lực của Nhật Bản trong một thời gian dài. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thành cổ Osaka đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần, song vẫn giữ được những giá trị lịch sử và văn hóa.
Ngày nay, thành cổ Osaka là nơi thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản. Thành có diện tích rộng lớn, bao gồm nhiều công trình kiến trúc ấn tượng như lâu đài chính cao 8 tầng, được xây dựng bằng gỗ, mái ngói cong hình chữ bát, là nơi trưng bày nhiều hiện vật lịch sử và văn hóa.
Khuôn viên thành nhiều lớp, bao quanh lâu đài chính, có nhiều khu vườn, đền thờ, vọng gác và các công trình kiến trúc khác. Đằng trước mỗi vòng thành là hào nước sâu và rộng bao quanh thành cổ, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ và kiên cố. Tôi có cảm giác đối thủ xưa kia không thể vượt qua để vào khu vực trung tâm.
Thành cổ Osaka không chỉ là di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Nơi đây thường xuyên diễn ra các lễ hội truyền thống, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các sự kiện văn hóa khác. Dù đã được học về chuyên đề Nhật bản, có đôi chút hiểu biết nhưng với tôi chuyến đi này là trải nghiệm lịch sử, văn hóa Nhật Bản chân thực và sống động. Chỉ khi được trực tiếp xem xét tòa thành tôi mới hiểu sâu được quá khứ bi hùng và sự tàn khốc của những cuộc nội chiến thời Mạc phủ suốt hơn 670 năm, từ năm 1192 đến năm 1868.
Thành cổ Osaka là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách khi đến Nhật Bản. Nơi đây sở hữu nhiều vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng. Du khách đến với thành cổ Osaka sẽ có cơ hội tìm hiểu về quá khứ huy hoàng của Nhật Bản, trải nghiệm văn hóa truyền thống và tận hưởng bầu không khí sôi động với những dòng người tưởng như bất tận.
Rời lâu đài cổ kính tráng lệ, chúng tôi đến thăm một số điểm tham quan hấp dẫn như khu phố Dotonbori, Universal Studios Japan. Chúng tôi được khám phá những khu phố đậm nét văn hóa, ẩm thực và mua sắm Nhật…
Điểm tham quan cuối cùng của đoàn tại Osaka là Cảng Osaka, cánh cửa giao thương và trung tâm văn hóa sôi động hàng đầu của Nhật. Cảng Osaka, nằm tại vịnh Osaka, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Nơi đây không chỉ là một trong những cảng biển sầm uất nhất Nhật Bản mà còn là trung tâm thương mại và văn hóa phát triển từ rất lâu đời.
Cảng Osaka có lịch sử hơn 1.400 năm, được thành lập vào thế kỷ 7 và từng là thủ đô của Nhật Bản trong thời gian ngắn vào thế kỷ 5. Là điểm kết nối giao thương quan trọng giữa Nhật Bản và các nước châu Á từ thời cổ đại, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Cảng Osaka còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa và kiến thức từ nước ngoài vào Nhật, góp phần thúc đẩy sự giao thoa văn hóa và đổi mới. Nơi đây cũng từng là trung tâm của nhiều cuộc chiến tranh và biến động lịch sử, phản ánh sự thăng trầm của Nhật qua nhiều thế kỷ.
Ngày nay, cảng Osaka vẫn là một trong những cảng biển quan trọng nhất Nhật, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực. Nơi đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, đặc biệt là bảo tàng lịch sử Osaka, bảo tàng hải dương và những điểm hoạt động giải trí và mua sắm hấp dẫn… Tôi có cảm nhận cảng Osaka chính là biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, là nơi du khách có thể trải nghiệm văn hóa Nhật một cách kỳ thú và sinh động.
Tóm lại, Osaka là thành phố sôi động, đa dạng, níu chân du khách chúng tôi bởi sự kết hợp hài hòa giữa giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch. Nơi đây mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm khó quên, từ việc khám phá những di tích cổ kính đến hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt như lễ hội và thưởng thức những món ăn đường phố độc đáo. Và trên hết là sự trải nghiệm không khí gia đình gắn bó trong suốt chuyến đi.
Read More

Người con gái Xơ Đăng và câu chuyện về giáo dục

Leave a Comment

 Người con gái Xơ Đăng và câu chuyện về giáo dục

Những ngày ở Đăk Pek tôi may mắn được làm quen với Y Hồng Liên, người con gái Xơ Đăng năm nay đã bước vào ngưỡng tuổi thất thập. Chị là giáo viên và cán bộ quản lý Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.
Y Hồng Liên được lựa chọn ra miền Bắc học năm 1968 khi mẹ mất, bà hy sinh năm 1966. Cô gái Xơ Đăng cùng với một nhóm bạn người dân tộc vừa đi bộ vừa đi xe hàng tháng ròng rã theo trạm giao liên, dọc đường Trường Sơn ra miền Bắc, được gặp Bác Hồ, rồi tới Trường dân tộc nội trú Chi Nê, Lạc Thủy Hòa Bình học văn hóa.
Y Hồng Liên lấy ra tấm ảnh để cẩn thân trong ví đưa cho tôi xem. “Đây là tấm ảnh học sinh dân tộc tỉnh Kon Tum được chụp chung với Bác Hồ. Đây là kỷ vật vô giá của chúng em. Đố anh tìm ra được em trong số bạn bè… Cuối năm 1973 em về Khu 5. Đầu năm 1974 cùng du kích và bộ đội chủ lực đánh vào Chi khu Quân sự Đăk Pek…
Y Hồng Liên kể cho tôi nghe kỷ niệm ngày thơ ấu ở trong ngôi nhà dài truyền thống, nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra các nghi lễ của tộc người. Chị cũng kể về những lễ hội gắn liền với chu kỳ sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng tiêu biểu như lễ hội cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả,...
Chị cũng chia sẻ kỷ niệm những ngày ở trên đất Bắc. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ rừng núi cồn cào khi màn đêm buông xuống. Bao khó khăn trong học tập, đăc biệt là rào cản ngôn ngữ tưởng chừng như không thể vượt qua. Chị và nhóm bạn bè đã phải cố gắng học tập, rèn luyện rất vất vả để theo kịp anh chị em.
Qua câu chuyện của chị tôi hiểu thêm về chính sách đưa con em miền Nam ra Bắc học tập sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức cho miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc đưa con em miền Nam ra Bắc học tập còn nhằm bảo vệ những hạt giống đỏ, con em những người ngày đêm trực diện đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, phải chịu bao nguy hiểm, nhằm bảo vệ an toàn và tạo điều kiện cho con em họ được học tập trong môi trường hòa bình.
Y Hồng Liên khẳng định: “Đây là một chính sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, sự lạc quan và sáng suốt của Đảng, Bác Hồ. Nhờ chính sách này, đã có hàng chục nghìn (hơn 32.000 học sinh miền Nam ra học tại 28 trường miền Nam trên đất Bắc) cán bộ, đảng viên, trí thức được đào tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính sách này còn thể hiện tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của Bác Hồ đối với con em miền Nam, góp phần bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hai miền Nam-Bắc trong hoàn cảnh đất nước chia cắt”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với chị. Tôi cho rằng mô hình trường học miền Nam là một mô hình thành công nhất của nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1954 đến năm 1975. Sau khi miền nam hoàn toàn giải phóng, hầu hết các “hạt giống đỏ” được gieo trồng trên đất Bắc đã trở về miền nam, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội.
Trong bữa tiệc chiêu đãi và chia tay với đoàn cựu chiến binh tham gia chiến dịch Đăk Pek, tôi được ngồi cùng với Y Hồng Liên. Chị tước khúc cơm lam từ ống nứa nhỏ, đặc sản của người Xơ Đăng, cắt ra từng miếng nhỏ, bón cho từng người. Tôi rất cảm động. Có lẽ từ thủa ấu thơ cho đến bây giờ, trừ mẹ tôi ra, chưa có một người con gái nào bón cơm cho tôi. Tôi chia sẻ cảm nghĩ xúc động bồi hồi, chị mỉm cười: “Đây là chút tình cảm của người dân tộc đối với bộ đội cụ Hồ, những người con trai đất Bắc về giải phóng quê hương chúng em”.
Tiếp theo câu chuyện học sinh miền Nam ra Bắc học, Y Hồng Liên cho tôi biết, ở Kon Tum có rất nhiều cán bộ cốt cán được đào tạo ở miền Bắc. Lớp đàn anh trước chị có anh Sô Lây Tăng, người Giẻ Triêng, năm 1958 anh ra đi. Năm 1970 học xong đại học y Hà Nội, anh trở về khu 5 hoạt động cách mạng. Trưởng thành là cán bộ lãnh đạo: Ty trưởng y tế, Phó chủ tịch phụ trách khối văn xã, chủ tich tỉnh Kon Tum, bí thư tỉnh ủy Kon Tum.
- Anh Sô Lây Tăng đã chỉ đạo cho anh chị em trong ngành giáo dục chúng tôi, Y Hồng Liên kể, xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum trên cơ sở mô hình trường dân tộc miền Nam trên đất Bắc. Em khoe với các anh, em là người được điều về xây dựng trường phổ thông dân tộc đầu tiên của tỉnh. Sau đó ngành giáo dục mới quyết xây dựng 9 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 9 huyện trong tỉnh. Còn ở cấp xã thì đều có trường phổ thông dân tộc bán trú. Em cũng khoe với các anh em có học sinh là phó chủ tịch tỉnh, là chủ tịch huyện và bí thư các huyện, các xã. Em đã phần nào thực hiện được lời hứa với Bác Hồ…
Đa số học sinh dân tộc thiểu số được cấp gạo, tiền, sách vở. Người dân tộc ở đây, dù còn khó khăn nhưng tôi nhận thấy họ đều bày tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ. Tôi biết một số dân tộc còn xin được lấy họ Hồ theo họ của Bác, chẳng hạn như người Pa Cô, Vân Kiều... Mặc dầu được ưu đãi về giáo dục như vậy, nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn cao, trình độ dân trí còn rất thấp.
Y Hồng Liên có vẻ ngượng ngùng. Chị giãi bày những người làm công tác giáo dục người dân tộc như chị còn có lỗi, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chị giải thích thêm, do điều kiện kinh tế hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Tiếp đến là do đường xá giao thông đi lại khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến giao thương và phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến giáo dục. Các em còn nhỏ không quen sống xa nhà… Nhưng vấn đề chúng em lo ngại nhất là nguy cơ mai một bản sắc dân tộc do ảnh hưởng của xã hội hiện đại.
Tôi biết Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần nào cũng có ghi, đại loại về phát triển kinh tế: Cần tạo điều kiện cho người dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Về giáo dục: Mở rộng trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đến trường. Về giao thông: Xây dựng, nâng cấp đường sá, tạo điều kiện giao thương thuận lợi. Về bảo tồn văn hóa: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa, có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa…
Tôi cũng biết để đưa nghị quyết thành công vào cuộc sống thực tiễn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc. Người Xơ Đăng, người Giẻ Triêng, người Tày, Nùng… trên mảnh đất này thay đổi được nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững là một cuộc cách mạng. Những thói quen sinh hoạt, sản xuất manh mún, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu bám rễ từ ngàn đời nay đâu dễ bỏ được trong ngày một ngày hai. Giáo dục chính là con đường ngắn nhất để xóa bỏ khoảng cách vùng miền.
- Làm thế nào để phát triển giáo dục cho người dân tộc, tôi hỏi Y Hồng Liên, cả gia đình em đều ở trong ngành giáo dục, em có nhận thấy mô hình trường phổ thông dân tộc từ tỉnh, huyện đến cấp xã có vấn đề gì không?
- Em thấy mô hình trường không có vấn đề gì. Nếu không có trường phổ thông dân tộc thì trình độ dân trí của người dân tộc còn xấu đi rất nhiều. Gia đình em là một ví dụ…
Chúng tôi bàn luận về mô hình trường dân tộc, về nội dung và phương pháp giáo dục đối với người dân tộc. Mặc dù trường sở ở miền núi nhiều nơi không kém gì miền xuôi, nhưng chúng tôi đều cho rằng việc áp đặt một chương trình, một hai bộ sách giáo khoa trên phạm vi cả nước từ Hà Nội đến huyện Đăk Glei Kon Tum là điều chưa ổn. Học sinh miền xuôi còn chán học, học sinh người dân tộc không thích đi học và bỏ học là chuyện đương nhiên. Với người dân tộc, cần học cái gì và học như thế nào mới có hiệu quả. Cải cách giáo dục hình như chỉ mới lấy dân tộc Kinh làm trung tâm.
Về vấn đề giáo dục, cuối cùng Y Hồng Liên chốt lại “Anh am hiểu người dân tộc, anh cho rằng đến bao giờ mới san lấp được mặt bằng giáo dục giữa các vùng miền?” Tôi đáp lại: “Chỉ khi miền núi số hóa xong trường học. Học sinh miền núi được tự do tiếp cận với tài nguyên đẳng cấp quốc tế, đẳng cấp quốc gia”.
- Thế thì đến bao giờ khi miền núi còn rất nghèo?
- Có thể là một vài năm, cũng có thể là vài chục năm nữa. Vấn đề là trường nào nhanh, huyện nào nhanh, tỉnh nào nhạnh trong việc chuyển đổi số giáo dục? Tôi đã chứng kiến có những trường ở ngoại vi, có trường ở vùng sâu vùng xa làm tốt công việc chuyển đổi số hơn là những trường ở khu vực trung tâm. Chắc chắn những trường đi đầu trong số hóa như vậy sẽ tiệm cận và hòa nhập được với nền giáo dục quốc gia và quốc tế.
Chia tay Y Hồng Liên, chị mời tôi sớm về thăm làng cổ Kon Plông, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng, nơi có trường PTDT bán trú, nơi chị đã cùng với hội phụ nữ, các đoàn thể và già làng vận động học sinh ra lớp để hoàn thành việc phổ cập giáo dục. Dù chị đã về hưu, nhưng lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của chị vẫn như là của một “cô gái Xơ Đăng” thủa nào. Tôi nhận lời và hy vọng sẽ được chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số với các thầy cô ở quê hương của chị.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.