Người con gái Xơ Đăng và câu chuyện về giáo dục

Leave a Comment

 Người con gái Xơ Đăng và câu chuyện về giáo dục

Những ngày ở Đăk Pek tôi may mắn được làm quen với Y Hồng Liên, người con gái Xơ Đăng năm nay đã bước vào ngưỡng tuổi thất thập. Chị là giáo viên và cán bộ quản lý Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.
Y Hồng Liên được lựa chọn ra miền Bắc học năm 1968 khi mẹ mất, bà hy sinh năm 1966. Cô gái Xơ Đăng cùng với một nhóm bạn người dân tộc vừa đi bộ vừa đi xe hàng tháng ròng rã theo trạm giao liên, dọc đường Trường Sơn ra miền Bắc, được gặp Bác Hồ, rồi tới Trường dân tộc nội trú Chi Nê, Lạc Thủy Hòa Bình học văn hóa.
Y Hồng Liên lấy ra tấm ảnh để cẩn thân trong ví đưa cho tôi xem. “Đây là tấm ảnh học sinh dân tộc tỉnh Kon Tum được chụp chung với Bác Hồ. Đây là kỷ vật vô giá của chúng em. Đố anh tìm ra được em trong số bạn bè… Cuối năm 1973 em về Khu 5. Đầu năm 1974 cùng du kích và bộ đội chủ lực đánh vào Chi khu Quân sự Đăk Pek…
Y Hồng Liên kể cho tôi nghe kỷ niệm ngày thơ ấu ở trong ngôi nhà dài truyền thống, nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra các nghi lễ của tộc người. Chị cũng kể về những lễ hội gắn liền với chu kỳ sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng tiêu biểu như lễ hội cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả,...
Chị cũng chia sẻ kỷ niệm những ngày ở trên đất Bắc. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ rừng núi cồn cào khi màn đêm buông xuống. Bao khó khăn trong học tập, đăc biệt là rào cản ngôn ngữ tưởng chừng như không thể vượt qua. Chị và nhóm bạn bè đã phải cố gắng học tập, rèn luyện rất vất vả để theo kịp anh chị em.
Qua câu chuyện của chị tôi hiểu thêm về chính sách đưa con em miền Nam ra Bắc học tập sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức cho miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc đưa con em miền Nam ra Bắc học tập còn nhằm bảo vệ những hạt giống đỏ, con em những người ngày đêm trực diện đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, phải chịu bao nguy hiểm, nhằm bảo vệ an toàn và tạo điều kiện cho con em họ được học tập trong môi trường hòa bình.
Y Hồng Liên khẳng định: “Đây là một chính sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, sự lạc quan và sáng suốt của Đảng, Bác Hồ. Nhờ chính sách này, đã có hàng chục nghìn (hơn 32.000 học sinh miền Nam ra học tại 28 trường miền Nam trên đất Bắc) cán bộ, đảng viên, trí thức được đào tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính sách này còn thể hiện tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của Bác Hồ đối với con em miền Nam, góp phần bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hai miền Nam-Bắc trong hoàn cảnh đất nước chia cắt”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với chị. Tôi cho rằng mô hình trường học miền Nam là một mô hình thành công nhất của nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1954 đến năm 1975. Sau khi miền nam hoàn toàn giải phóng, hầu hết các “hạt giống đỏ” được gieo trồng trên đất Bắc đã trở về miền nam, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội.
Trong bữa tiệc chiêu đãi và chia tay với đoàn cựu chiến binh tham gia chiến dịch Đăk Pek, tôi được ngồi cùng với Y Hồng Liên. Chị tước khúc cơm lam từ ống nứa nhỏ, đặc sản của người Xơ Đăng, cắt ra từng miếng nhỏ, bón cho từng người. Tôi rất cảm động. Có lẽ từ thủa ấu thơ cho đến bây giờ, trừ mẹ tôi ra, chưa có một người con gái nào bón cơm cho tôi. Tôi chia sẻ cảm nghĩ xúc động bồi hồi, chị mỉm cười: “Đây là chút tình cảm của người dân tộc đối với bộ đội cụ Hồ, những người con trai đất Bắc về giải phóng quê hương chúng em”.
Tiếp theo câu chuyện học sinh miền Nam ra Bắc học, Y Hồng Liên cho tôi biết, ở Kon Tum có rất nhiều cán bộ cốt cán được đào tạo ở miền Bắc. Lớp đàn anh trước chị có anh Sô Lây Tăng, người Giẻ Triêng, năm 1958 anh ra đi. Năm 1970 học xong đại học y Hà Nội, anh trở về khu 5 hoạt động cách mạng. Trưởng thành là cán bộ lãnh đạo: Ty trưởng y tế, Phó chủ tịch phụ trách khối văn xã, chủ tich tỉnh Kon Tum, bí thư tỉnh ủy Kon Tum.
- Anh Sô Lây Tăng đã chỉ đạo cho anh chị em trong ngành giáo dục chúng tôi, Y Hồng Liên kể, xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum trên cơ sở mô hình trường dân tộc miền Nam trên đất Bắc. Em khoe với các anh, em là người được điều về xây dựng trường phổ thông dân tộc đầu tiên của tỉnh. Sau đó ngành giáo dục mới quyết xây dựng 9 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 9 huyện trong tỉnh. Còn ở cấp xã thì đều có trường phổ thông dân tộc bán trú. Em cũng khoe với các anh em có học sinh là phó chủ tịch tỉnh, là chủ tịch huyện và bí thư các huyện, các xã. Em đã phần nào thực hiện được lời hứa với Bác Hồ…
Đa số học sinh dân tộc thiểu số được cấp gạo, tiền, sách vở. Người dân tộc ở đây, dù còn khó khăn nhưng tôi nhận thấy họ đều bày tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ. Tôi biết một số dân tộc còn xin được lấy họ Hồ theo họ của Bác, chẳng hạn như người Pa Cô, Vân Kiều... Mặc dầu được ưu đãi về giáo dục như vậy, nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn cao, trình độ dân trí còn rất thấp.
Y Hồng Liên có vẻ ngượng ngùng. Chị giãi bày những người làm công tác giáo dục người dân tộc như chị còn có lỗi, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chị giải thích thêm, do điều kiện kinh tế hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Tiếp đến là do đường xá giao thông đi lại khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến giao thương và phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến giáo dục. Các em còn nhỏ không quen sống xa nhà… Nhưng vấn đề chúng em lo ngại nhất là nguy cơ mai một bản sắc dân tộc do ảnh hưởng của xã hội hiện đại.
Tôi biết Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần nào cũng có ghi, đại loại về phát triển kinh tế: Cần tạo điều kiện cho người dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Về giáo dục: Mở rộng trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đến trường. Về giao thông: Xây dựng, nâng cấp đường sá, tạo điều kiện giao thương thuận lợi. Về bảo tồn văn hóa: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa, có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa…
Tôi cũng biết để đưa nghị quyết thành công vào cuộc sống thực tiễn là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc. Người Xơ Đăng, người Giẻ Triêng, người Tày, Nùng… trên mảnh đất này thay đổi được nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững là một cuộc cách mạng. Những thói quen sinh hoạt, sản xuất manh mún, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu bám rễ từ ngàn đời nay đâu dễ bỏ được trong ngày một ngày hai. Giáo dục chính là con đường ngắn nhất để xóa bỏ khoảng cách vùng miền.
- Làm thế nào để phát triển giáo dục cho người dân tộc, tôi hỏi Y Hồng Liên, cả gia đình em đều ở trong ngành giáo dục, em có nhận thấy mô hình trường phổ thông dân tộc từ tỉnh, huyện đến cấp xã có vấn đề gì không?
- Em thấy mô hình trường không có vấn đề gì. Nếu không có trường phổ thông dân tộc thì trình độ dân trí của người dân tộc còn xấu đi rất nhiều. Gia đình em là một ví dụ…
Chúng tôi bàn luận về mô hình trường dân tộc, về nội dung và phương pháp giáo dục đối với người dân tộc. Mặc dù trường sở ở miền núi nhiều nơi không kém gì miền xuôi, nhưng chúng tôi đều cho rằng việc áp đặt một chương trình, một hai bộ sách giáo khoa trên phạm vi cả nước từ Hà Nội đến huyện Đăk Glei Kon Tum là điều chưa ổn. Học sinh miền xuôi còn chán học, học sinh người dân tộc không thích đi học và bỏ học là chuyện đương nhiên. Với người dân tộc, cần học cái gì và học như thế nào mới có hiệu quả. Cải cách giáo dục hình như chỉ mới lấy dân tộc Kinh làm trung tâm.
Về vấn đề giáo dục, cuối cùng Y Hồng Liên chốt lại “Anh am hiểu người dân tộc, anh cho rằng đến bao giờ mới san lấp được mặt bằng giáo dục giữa các vùng miền?” Tôi đáp lại: “Chỉ khi miền núi số hóa xong trường học. Học sinh miền núi được tự do tiếp cận với tài nguyên đẳng cấp quốc tế, đẳng cấp quốc gia”.
- Thế thì đến bao giờ khi miền núi còn rất nghèo?
- Có thể là một vài năm, cũng có thể là vài chục năm nữa. Vấn đề là trường nào nhanh, huyện nào nhanh, tỉnh nào nhạnh trong việc chuyển đổi số giáo dục? Tôi đã chứng kiến có những trường ở ngoại vi, có trường ở vùng sâu vùng xa làm tốt công việc chuyển đổi số hơn là những trường ở khu vực trung tâm. Chắc chắn những trường đi đầu trong số hóa như vậy sẽ tiệm cận và hòa nhập được với nền giáo dục quốc gia và quốc tế.
Chia tay Y Hồng Liên, chị mời tôi sớm về thăm làng cổ Kon Plông, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng, nơi có trường PTDT bán trú, nơi chị đã cùng với hội phụ nữ, các đoàn thể và già làng vận động học sinh ra lớp để hoàn thành việc phổ cập giáo dục. Dù chị đã về hưu, nhưng lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của chị vẫn như là của một “cô gái Xơ Đăng” thủa nào. Tôi nhận lời và hy vọng sẽ được chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số với các thầy cô ở quê hương của chị.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.