Đến sân bay quốc tế Larmbert- St. Louis và thành phố Columbia bang Missori, Hoa Kỳ

Leave a Comment
Từ sân bay quốc tế Dallass bang Texas đến sân bay quốc tế Lambert – St. Luis bang Missouri đối với tôi là cả một chặng đường rất dài. Không còn bóng một người Việt, không còn ai để trò chuyện, tôi bắt đầu cảm thấy nơi đất khách quê người thật trống trải. Cái cảm giác này giống như cái cảm giác vào năm 1972 khi tôi đi bộ lang thang dọc con sông Sê Pôn của Lào. Lúc đó, tôi ngắm nhìn con sông rộng, trong vắt đến tận đáy. Hai bên bờ sông là những cây me to lớn, quả chín đen. Tôi nhặt một chùm quả, thử ăn thấy ngòn ngọt. Tôi bỗng nhớ đến cây me ở nhà, mẹ tôi vẫn ra hái lá để luộc cùng với nồi canh rau muống. Nỗi nhớ nhà ập đến cồn cào. Không gian trước mắt tôi mênh mang đến vô định. Bây giờ trên máy bay, dù đông người tôi vẫn có cái cảm giác ấy. Nhưng cái cảm giác đó chỉ thoáng qua, vì tôi biết rằng tôi sắp được gặp các con tôi, chúng đang chờ tôi ở Missouri.
Bang Missouri là bang nằm ở miền Trung Tây Hoa Kì. Bang có diện tích 180.533 km2 với dân số trên 6 triệu người. Đây là bang đông dân thứ 18 và bang rộng thứ 21 trong số 50 bang của Hoa Kì. Hiến pháp hiện thời của Missouri là bản hiến pháp thứ tư. Nó quy định các cơ quan quyền lực của nhà nước bang bao gồm cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cơ quan lập pháp gồm hai viện: Hạ viện và thượng viện. Hạ viện có 163 thành viên được phân bổ dựa trên đầu dân. Thượng viện có 34 thành viên đại diện cho 114 quận và đơn vị tương đương. Cơ quan hành pháp đứng đầu là thống đốc và một nội các năm thành viên. Ngành tư pháp bao gồm tòa án tối cao với bẩy thẩm phán và các tòa án phúc thẩm, sơ thẩm. Thành phố Jefferson là thủ phủ của bang. Tổng sản phẩm quốc nội của bang năm 2012 xấp xỉ 230 tỉ đô la, tức là gấp hơn hai lần tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người trên 36.000 đô la, xếp thứ 26 về thu nhập trong số các bang. Các ngành công nghiệp chủ yếu bao gồm hàng không vũ trụ, thiết bị giao thông vận tải, thiết bị điện, hóa chất, công nghiệp chế biến thực phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là gia súc như thịt bò, thịt lợn, ngựa, sữa và gia cầm, đậu nành, lúa gạo, ngô, cỏ khô, rượu vang.
Sân bay quốc tế Larmbert - St. Louis là sân bay quốc tế hạng B thuộc bang Missouri. Sân bay phục vụ khách đi đến Thành phố St. Luis, thành phố lớn thứ hai của Missouri và phục vụ khách của cả vùng đại đô thị St. Louis. Sân bay nằm ở phía tây bắc thành phố và cách thành phố 16 km. Đây là sân bay khá tấp nập của bang với 250 chuyến bay mỗi ngày đến 88 địa điểm khắp nước Mỹ và thế giới. Trong năm 2010, nơi đây có 12,3 triệu lượt khách được phục vụ.
Thành phố St. Louis được các nhà buôn Pháp thành lập năm 1764 (khi đó là vùng đất lãnh thổ Louisiana thuộc Pháp), lấy theo tên một vị vua Pháp: Louis, được phong thánh Saint vào thế kỷ XIII. St. Louis là thành phố ở phía đông của bang Missouri, trải dài 31 km dọc theo bờ tây sông Mississippi với diện tích 160,3 km2. Năm 1876 thành phố được cơ quan lập pháp của bang Missouri cho hưởng quy chế thành phố độc lập, tách ra khỏi các quận St. Louis, thời ấy là khu vực nông thôn nghèo.
Nằm trong vùng đại đô thị St. Louis (đại đô thị St. Louis bao gồm 11 quận, diện tích 15.865 km2),  St. Louis là thành phố lớn thứ 2 của bang Missouri. Theo thống kê mới nhất dân số thành phố có 354.361 người. Chính quyền thành phố bao gồm một hội đồng thị trưởng, một thị trưởng và sáu thành viên dân cử cùng với một hội đồng lập pháp 28 thành viên được bầu theo các khu vực trong thành phố. Có nhiều trường đại học và cao đẳng trong thành phố. Tiêu biểu là Trường Đại hoc Saint Louis, Đại học Harris Stove, Đại hoc St Luis, Đại học Washington, Viên Nghệ thuật và Kinh doanh...Thành phố cũng là một trong những đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, công nghiệp, công nghệ sinh học, thương mại, văn hóa, giáo dục của cả khu vực.
Thành phố là tổng hòa của những nét truyền thống và hiện đại. Cái cũ, cái mới đan xen hài hòa trong không gian yên bình của những hàng cây xanh mướt ven đường. Vẻ đẹp của phố xưa nhà cũ được giữ gìn bảo quản bên cạnh những tòa nhà hiện đại: Những tòa nhà bằng đá mang phong cách thời St Luis được xây dựng từ thế kỉ XIX, những tòa nhà mang phong cách phục hưng cổ điển Hy Lạp ở khu Soulard, những tòa nhà chọc trời như AT & T Center, Ngân hàng Quốc gia Plaza, Tòa án Hoa Kỳ, Holtel Thiên kỉ... Độc đáo trong mắt du khách là những tòa nhà xây bằng gạch đỏ cổ kính bên cạnh những tòa nhà cao tầng xây bằng kính, bằng kim loại sáng loáng. Thăm thành phố, du khách còn được thưởng ngoạn những dẫy phố biệt thự xinh xắn như nằm ẩn trong rừng cây. Những khu bảo tàng lịch sử, khoa học, nghệ thuật trầm mặc hài hòa với khung cảnh bên ngoài. Tất cả đều có vẻ tĩnh lặng, thơ mộng nhưng bên trong vô cùng náo nhiệt sôi động. Bên cạnh vẻ đẹp đó là những trường đại học, cao đẳng vừa cổ kính, thâm nghiêm vừa gần gụi duyên dáng… Và ấn tượng nhất là cánh cổng vòm  bằng thép không rỉ liền khối cao vút 192 m in trên nền trời xanh ngắt của thành phố bên bờ sông Mississippi. Công trình kỷ niệm này được xây dựng năm 1965 để tưởng nhớ đến vai trò, vị trí của St. Louis trong thời kỳ Tây tiến, mở rộng lãnh thổ nối liền Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Khoảng 5 giờ chiều, Giang lái xe đón tôi về. Giang ở thị trấn Chương Mỹ, Hà Nội. sinh năm 1982 trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ là cán bộ thư viện đã về hưu. Ở trung học phổ thông, Giang theo học khối chuyên toán Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Được tuyển chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, Giang là một trong những học sinh xuất sắc đã giành được nhiều giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia. Vào đại học, học tại Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Công nghệ. Sau đó, Giang tiếp tục theo học cao học, được nhà trường giữ lại làm giáo viên giảng dạy tại trường. Theo đuổi giảng đường là một giấc mơ nhưng cuộc sống túng bấn quá buộc Giang phải bỏ nghề dạy học, xoay sở làm cho các doanh nghiệp. Sau một thời gian bươn chải, trụ lại ở tập đoàn viễn thông. Năm 2010 xây dựng gia đình với Vân, con gái thứ hai của tôi. Tháng 8 năm 2011, Giang xin được học bổng sang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Missouri.
Hai cha con gặp nhau trên đất Mỹ sau một thời gian xa cách, thật mừng. Giang vẫn như ngày ở nhà. Sang Mỹ bao ngày rồi mà chẳng thấy béo lên chút nào.
-       Ba đi đường thế nào, có ngủ được chút nào trên máy bay không,Giang vồn vã hỏi rồi chuyển hành lý của tôi lên xe.  
-       Hơi mệt một chút thôi. Hai mẹ con Vân, hai mẹ con chị Thúy khỏe không?
-       Bình thường ba ạ. Ba có đói không? Con đưa ba đi ăn chút gì nhé?
-       Thôi về nhà cùng ăn cho vui.
-       Thế ba tranh thủ ngủ đi, hơn một tiếng mới về đến nhà đấy.
Trời bắt đầu mưa.Tôi không nhìn thấy gì ngoài ánh đèn pha ô tô và dòng nước xối xả hai bên đường. Mặc dù mỏi và cay mắt nhưng tôi không buồn ngủ. Những kỷ niệm từ thuở xa xưa với hai cô con gái Thúy và Vân cứ ùa về. Cả hai lúc nhỏ đều khỏe mạnh, bụ bẫm, xinh xắn, ít quấy, gần như không bao giờ bỏ bữa, kể cả lúc mọc răng. Sao thế hệ chúng tôi nuôi con nhàn thế. Bà nội tôi, người chăm bẵm hai bé khi vợ tôi đi làm từ lúc các con mới hai tháng tuổi, dáng người gầy guộc nhỏ nhắn. Bà thường ngủ gà ngủ gật, nhưng tay vẫn nắm dây đu võng, cứ có tiếng ọ ẹ bà lại đu cùng với những lời du ngọt ngào, tha thiết…Thấm thoắt thế mà đã mấy chục năm trôi qua. Thuý thì mới đưa con về thăm nhà; còn Vân thì đến 2 năm tôi chưa gặp lại.
Hai năm trước, tôi cùng gia đình Giang tiễn Vân ra sân bay Nội Bài. Cưới nhau không được bao lâu, hai đứa đã phải xa nhau. Thật ái ngại. Tôi vô cùng biết ơn ông bà nội Giang, mẹ Giang và nhất là Giang đã đồng ý cho Vân sang Mỹ du học. Vợ chồng tôi và cô con gái đầu vẫn hằng mong mỏi Vân được đi du học. Tôi muốn Vân theo chuyên ngành quản lý, phân tích và hoạch định chính sách giáo dục. Tôi muốn Vân được tiếp cận với một nền giáo dục tiên tiến, muốn Vân học tập, hiểu biết, nghiên cứu về nền giáo dục phổ thông của một quốc gia đã bước vào thời kỳ hậu công nghiệp. Tôi muốn Vân tự tin hơn về kiến thức chuyên ngành, về ngôn ngữ để sau này khi vào nghề dạy học thêm vững vàng, cái nghề mà 14 người trong đại gia đình lớn của tôi đang theo đuổi với rất nhiều trăn trở. Tôi biết đó cũng là ước mơ da diết trong lòng Vân ngay từ những năm cuối học đại học, những năm đầu mới ra trường. Và bước đầu chúng tôi đã hoàn thành tâm nguyện. Mừng hơn nữa Vân mới sinh cháu trai đầu lòng, được 3 ngày. Như vậy tôi đã lên chức ông trong vòng hai năm liên tiếp. Đó cũng là cột mốc hạnh phúc nữa trong cuộc đời tôi.
Mưa đã tạnh. Giang cho biết cơn mưa lớn bất thường như vừa rồi là rất hiếm hoi ở vùng Trung Mỹ. Mưa to đến nỗi chúng tôi có lúc phải dừng xe lại để chờ cho ngớt. Cũng chính vì mưa, chúng tôi về hơi muộn. Thành phố quận lị Columbia đã lên đèn. Thành phố nằm ở trung tâm quận Boone thuộc bang miền Trung Missouri. Chính quyền thành phố bao gồm một hội đồng thành phố (City Council)bảy người theo nhiệm kì bầu cử và một người phụ trách công việc hành chính (City Manager). Trong số bẩy người được bầu theo các khu vực trong thành phố có một người được tất cả các cử tri trong thành phố trực tiếp bầu làm thị trưởng. Columbia là thành phố lớn thứ 15, thành phố lớn nhất miền Trung Misouri, dân số bao gồm 166.000 người. Trong số đó, trên một nửa dân số đạt trình độ đại học, một phần tư trên đại học. Thành phố Columbia được xếp thứ 16 trong số các thành phố của Mỹ có trình độ dân trí, trình độ giáo dục cao.
Từ hàng ngàn năm trước, người dân bản địa Mỹ đã xây dựng nên nền văn hóa đồi gò nổi tiếng Misissippi ở vùng này. Khi những nhà thám hiểm, những người định cư châu Âu, trong đó có người Pháp, rồi những người gốc Phi đến định cư ở đây, họ đã mang đến vùng đất này nền văn hóa riêng của dân tộc mình. Trải qua hàng trăm năm phát triển, nó đã tạo thành một nền văn hóa  mang đặc trưng của Mỹ và của riêng vùng đất dọc theo sông Misissippi. Năm 1818, một số người định cư đã sáp nhập Công ty địa ốc Smithton và phần mua mới 8,1 km2 thành lập ngôi làng với tên ban đầu là Smithton, gần khu trung tâm thành phố ngày nay. Năm 1821 người ta đổi lại tên là Columbia, cái tên rất quen thuộc qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại và trở thành tên định danh của thành phố nổi tiếng miền Trung Misouri.  Với việc thành lập Trường Đại học Missouri năm 1839, tiếp đó là Trường Cao đẳng Steven dành riêng cho phụ nữ năm 1893, Trường Cao đẳng Columbia năm 1851 và nhiều cơ sở y học, nông nghiệp, thành phố Columbia nổi lên như một trung tâm nghiên cứu và giáo dục không những của bang mà còn của cả vùng Trung Mỹ.
Nằm trong thung lũng của nhánh sông Mississippi, vị trí của Columbia gần như ở giữa hai vùng đô thị lớn thuộc bang Missouri: St. Luis và Kansas. Columbia cách St. Luis 110 km về phía Đông, cách Kansas 160 km về phía Tây. Kinh tế của Columbia khá đa dạng. Giống như St. Luis và Kansas, lao động trong lĩnh vực công nghiệp trong ba thập niên gần đây của thành phố liên tục giảm. Lao động trong khu vực dịch vụ tăng lên rất nhanh, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, y tế , bảo hiểm, kỹ thuật, thú y… Columbia có mức sống khá cao, đã từng được bình chọn trong top 10 thành phố tốt nhất để sinh sống. Thành phố có nhiều địa điểm nổi tiếng cho du khách thưởng ngoạn như: Đại học Misouri-Columbia (MU), Sân vận động Faurot, Tổ hợp cửa hàng Shakespeare Pizza, Tòa nhà hành chính Jese Hall nằm trong MU, Điểm âm nhạc thành phố Blue Note, Trường Đại hoc College Stephen, Trung tâm Thương mại bao gồm cửa hàng bách hóa, ngân hàng, ăn uống, giải trí Columbia Mall, Tổ hợp khách sạn đa chức năng Tiger Hotel, Thư viện công cộng Columbia Library, Trung tâm thành phố và là di tích lịch sử Downtown Columbia…
Vợ chồng Giang ở một khu căn hộ ba tầng biệt lập, bên phải có một bãi để hàng chục xe ô tô, xung quanh bao phủ um tùm cây cối lớn nhỏ như một cánh rừng cổ thụ. Đằng trước ngôi nhà là con đường cao tốc. Bên kia con đường là rừng cây. Hương thơm đâu đó cứ thoang thoảng xen lẫn mùi ngai ngái của cỏ dại. Tôi có cảm giác mình đang ở trong một khu rừng chứ không phải ở trong một thành phố. Trời về đêm, ở đây vẫn còn rất lạnh. Mở cửa đi vào bên trong ngôi nhà, không  khí thật ấm áp. Phòng vợ chồng Giang thuê bên góc trái trên tầng ba. Nghe tiếng chúng tôi bên ngoài, Thúy ra mở cửa.
-       Ba! Ba và chú giờ mới về. Chắc phải trú mưa.
-       Em vừa phải trú mưa vừa phải đi chậm.
Vân bế cháu từ phòng ngủ ra chào ông. Tôi ôm cháu vào lòng và ngồi xuống ghế. Cháu gần ba cân, vậy mà bé tí tẹo thế này - Không cẩn thận thì lọt tay mất - Tôi cảm thấy như có ai nhắc nhở phải lưu ý khi bế cháu. Tôi ngắm nghía trò chuyện với bé Bảo, cố hình dung xem cháu giống ba hay mẹ. Thật khó thấy, dường như không có nét nào của Vân lúc bé. Có lẽ có nét nào đó của Giang, hay đúng hơn là của bà nội cháu. Tôi nói bỡn với cháu, con trai thì nên giống ba, còn con gái thì cũng nên giống cha. Một lúc sau tôi mới nhớ không có Lâm, vội hỏi:
-       Thế còn Lâm đâu?
-       Cháu chờ ông mãi không thấy ông về nên ngủ rồi. Mai cháu gặp ông chắc mừng lắm. Ông ra ăn cơm không mọi thứ nguội hết cả.
Cả nhà nhà quây quần bên bàn ăn. Tôi ước gì có nhà tôi và Hoài Anh, chồng Thúy ở đây nữa, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn. Biết làm thế nào, hoàn cảnh như thế này mà có một cuộc hội ngộ đoàn viên đầy đủ mọi người trong gia đình thì quả thật là khó.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.