Thăm Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin ở thành phố Kansas, Missouri

Leave a Comment
Mẹ Giang mới sang Mỹ. Nhân dịp này, Giang muốn đưa mẹ đẻ cùng tôi đi thăm một số địa điểm và một số bảo tàng ở một số thành phố trong bang. Theo Giang, hệ thống bảo tàng Mỹ là một trong những nét tạo nên đặc trưng riêng về văn hóa Mỹ. Trên thế giới, Mỹ là quốc gia có số lượng bảo tàng lớn nhất. Theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia năm 2013, Mỹ có ít nhất 17.500 bảo tàng. Có tới trên 40 loại hình bảo tàng như bảo tàng hàng không vũ trụ, bảo tàng người Mỹ gốc Phi, Bảo tàng khảo cổ, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng tiểu sử, bảo tàng trẻ em, bảo tàng sáng tạo, bảo tàng dân tộc, bảo tàng nông nghiệp, bảo tàng nhà ở, bảo tàng lịch sử, bảo tàng công nghiệp, bảo tàng hải đăng, bảo tàng tự nhiên, bảo tàng truyền thông, bảo tàng y tế, bảo tàng quân sự và chiến tranh, bảo tàng nhà máy xí nghiệp, bảo tàng khai thác mỏ, bảo tàng âm nhạc, bảo tàng người Mỹ bản xứ, bảo tàng không khí , bảo tàng tem, bảo tàng thư viện, bảo tàng tổng thống, bảo tàng tôn giáo , bảo tàng khoa học, bảo tàng thám hiểm, bảo tàng điêu khắc, bảo tàng tàu thủy, bảo tàng thể thao, bảo tàng giao thông, bảo tàng trường đại học, bảo tàng di sản Do Thái...
Khách du lịch trên thế giới người ta thường biết đến những bảo tàng lớn chẳng hạn như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington DC, thủ đô của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Tại bảo tàng này, người ta đã thu thập được 125 triệu mẫu vật khoa học tự nhiên và hiện vật văn hóa. Có thể nói, đây là bảo tàng lớn nhất thế giới, có số lượng người tham quan lớn nhất thế giới, có số lượng người truy cập trang web lớn nhất thế giới. Nơi đây đã tái hiện và gần như hội tụ lịch sử tự nhiên của nhân loại qua hàng triệu năm. Thế giới tự nhiên có gì, ở đây có lẽ gần đủ. Từ thế giới thực vật, động vật, sinh vật biển, côn trùng cho đến xương, gỗ hóa thạch, đá quý, quặng, mỏ địa chất, công cụ lao động…
Khách du lịch người ta cũng thường biết tới Bảo tàng Tự nhiên ở New York, thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ với tổ hợp 25 tòa nhà, 56 gian trưng bày, 32 triệu hiện vật. Người ta cũng thường biết đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khổng lồ với 19 khu trưng bày 2 triệu các tác phẩm nghệ thuật. Người ta ít biết đến các bảo tàng của các bang miền Trung và miền Nam của Hoa Kỳ.  Chẳng hạn bang Missouri, bang có tới gần 300 bảo tàng các loại. Trong số các bảo tàng của Missouri, có Bảo tàng Nghệ thuật ở Thành phố Kansas. Tên đầy đủ của nó là Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin, một trong những bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ.
Năm 2007 Tạp chí Times còn xếp Bảo tàng này nằm trong Top 10 bảo tàng sáng giá nhất của nhân loại. Nelson- Atkin hiện đang sở hữu bộ sưu tập 33.500 tác phẩm nghệ thuật. Tuy số lượng tác phẩm khiêm tốn hơn so với một số bảo tàng nghệ thuật ở các thành phố lớn, nhưng nếu mỗi tác phẩm người ta dừng lại một phút để chiêm ngưỡng thì phải mất tới 558 giờ mới xem xong. Nếu một ngày dành 8 giờ để xem từng tác phẩm thì người ta phải thu xếp 69 ngày mới đi hết bảo tàng. 
Bảo tàng mang tên hai cá nhân: William Nelson và Mary Atkin. Nelson là ông chủ của một nhà xuất bản. Năm 1915, khi qua đời, ông đã để lại bản di chúc dành toàn bộ tài sản của mình để mua các tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho công chúng thưởng thức. Mary Atkin là giáo viên, góa phụ của một nhà đầu tư bất động sản. Năm 1911 khi qua đời, bà đã để lại 700.000 đô la để thành lập một bảo tàng nghệ thuật cho công chúng trong thành phố. Hai khoản kinh phí to lớn trên kết hợp với kinh phí ủng hộ thêm của thân nhân hai người, Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin được hoàn thành vào năm 1933. Chi phí kết toán cuối cùng lên tới 2.750.000 đô la. Có một điều đặc biệt cần chú ý là vào những năm đó, những năm khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường tranh ảnh nghệ thuật tràn ngập người bán nhưng lại rất ít người mua. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho các thương vụ mua vào một cách nhanh chóng và Bảo tàng Nelson- Atkin đã sở hữu được một trong những bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất trong cả nước.
Nói là bảo tàng, nhưng trong bảo tàng còn có cả một tổ hợp cửa hàng bán đủ các loại sách, báo, tạp chí, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ, các bản in mô phỏng các tác phẩm nghệ thuật. Trong bảo tàng còn có cả một hệ thống nhà hàng Âu, Á phục vụ ăn uống, giải khát. Số lượng người vào bảo tàng rất đông đảo. Từ học sinh, sinh viên đến các đoàn khách du lịch trong bang, ngoài bang, khách quốc tế. Nhưng tôi cảm thấy lượng người đông đảo nhất là người đi theo hộ gia đình, bao gồm cả bố mẹ và con cái. Người ta thường ở lại cả buổi, cả ngày, thậm chí cả kì nghỉ cuối tuần hai ngày nếu kết hợp tham quan thêm một vài điểm khác. Ngày nghỉ, người Mỹ thường có nhu cầu đi đây đi đó. Bảo tàng là một địa chỉ các gia đình thường hò hẹn nhau đến. Đông đến nỗi bà thông gia bảo con trai và tôi “Mọi người đi đâu cũng phải chầm chậm thôi. Lạc nhau ở chốn này thì không biết đâu mà lần”.
Mặc dầu trong tay mỗi người đều cầm một bản đồ chỉ dẫn, nhưng chúng tôi cứ nấn ná ở cửa tầng một, không biết nên đi chỗ nào trước, chỗ nào sau. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ đi theo những người khuyết tật, vì họ có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, lại có nhân viên bảo tàng giúp đỡ đẩy xe và giới thiệu. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ nên không dám nói điều đó ra. Đành chờ Giang đang loay hoay với chiếc máy điện thoại cầm tay, tìm chỉ dẫn qua màn hình để đến chỗ nào đáng xem nhất. Cuối cùng tôi nói với Giang:
-      Con cứ đưa mẹ con và ba đi lần lượt các phòng trưng bày. Chỗ nào thích xem thì ta dừng lại. Cảm thấy không thích thì bỏ qua. Như vậy vừa thấy được cái tổng thể, vừa thấy được cái mình tâm đắc.
-      Đúng đấy, mẹ Giang cũng đồng tình, cứ lần lượt đi theo từng phòng. Vừa đi vừa liệu.
Thực ra lần trước, khi đưa vợ chồng Thúy về bang Colorado, tôi và Giang cũng đã tìm đến đây rồi. Hi vọng lần này tôi được xem kĩ hơn các tác phẩm của các tác giả trong giai đoạn Phục hưng. Chúng tôi bắt đầu thăm các căn phòng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật châu Phi. Bộ sưu tập này bao gồm 300 đối tượng rất đa dạng về hình thức: các tác phẩm điêu khắc, mặt nạ, tóc, lược, gối đầu, quần áo, trang sức với chất liệu bằng gỗ, bằng kim loại, bằng đất sét, vải... từ các tác phẩm gốm đại diện cho nền văn hóa dân gian phía nam sa mạc Sahara ở thế kỉ 16 đến các tác phẩm trang sức và trang trí bằng kim loại của các nghệ sĩ ở Trung Phi, Tây Phi tiêu biểu cho nghệ thuật trung cổ hoàng gia, tất cả đều độc đáo, tinh xảo và quý hiếm.
Bộ sưu tập hội họa và điêu khắc châu Âu, từ thời trung cổ đến thế kỉ 19, có khoảng 900 tác phẩm nghệ thuật. Từ bức tranh Thánh Gioan trong thiên nhiên hoang dã của họa sĩ Caravaggio người Ý đến bức tranh Olive Ochart của Van Gogh, từ các tác phẩm điêu khắc Mannerist giữa thế kỉ 16 đến bức tượng bán thân về một người đàn ông ngồi của Rodin thế kỉ 19, hàng trăm tác phẩm tuyệt mỹ cho đến bây giờ tôi mới được biết đến. Đúng là một thế giới nghệ thuật đẹp đến mê hồn. Chúng tôi mỗi người một sở thích, dù không am hiểu nghệ thuật tạo hình, nhưng mỗi người đều như bị hút vào một nhóm tác phẩm nào đó, để rồi người này giục người kia mau mau đi tiếp đến các khu vực khác.
Với hơn 7500 tác phẩm, bộ sưu tập về Trung Quốc có rất nhiều những kiệt tác trong tất cả các giai đoạn lịch sử, với tất cả các loại hình nghệ thuật từ thời đồ đá cho đến thế kỉ thứ 20. Đặc biệt ấn tượng là bộ sưu tập toàn diện về gốm sứ kéo dài suốt 5000 năm lịch sử Trung Quốc. Giang kể cho tôi nghe giai thoại, một giáo sư nghệ thuật người Trung Quốc đến đây đã từng thốt lên câu nói mà người ta thường truyền tụng cho nhau: “Những gì người Trung Quốc không tìm thấy ở Trung Quốc thì hãy đến đây mà tìm”. Không biết có thật như vậy không. Chỉ biết rằng 232 hiện vật về những nghi lễ cúng tế tổ tiên, về các lăng mộ cùng đồ tùy táng qua các triều đại, về những trang sức tuyệt mỹ xa xỉ như vàng bạc, ngọc bích đã gợi lên cho người xem thấy cả một thế giới tinh thần cũng như vật chất của người Trung Quốc cổ đại. Điều làm tôi thích thú nhất là được thưởng thức bộ sưu tập tranh danh lam thắng cảnh từ thế kỉ thứ 10 đến thời nhà Minh và bộ sưu tập điêu khắc từ thời Bắc Tống đến thời kì nhà Thanh. Trong hai bộ sưu tập này, có nhiều tác phẩm đã được các nhà phê bình mỹ thuật đánh giá là những tác phẩm tuyệt vời nhất bên ngoài Trung Quốc.
Thời gian có hạn nên chúng tôi bỏ qua các phòng trưng bày các tác phẩm sưu tập về Nhật Bản. Bộ sưu tập nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á có khoảng 945 tác phẩm với các đề tài tôn giáo, cung đình, lao động, sinh hoạt xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật được sắp xếp theo niên đại từ thế kỉ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỉ 19, bao phủ cả một khu vực rộng lớn: Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Tây Tạng, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Myanma và Thái Lan. Ở các khu vực này, chúng tôi chỉ đi lướt qua, thậm chí có phòng chỉ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được ảnh hưởng sâu sắc truyền thống tôn giáo Ấn Độ, một quốc gia không hề nuôi dưỡng dã tâm bành trướng xâm chiếm quốc gia nào, không giống như Trung Quốc, nhưng những giá trị tinh thần và vật chất của nó lại lan tỏa mạnh mẽ tới khắp các quốc gia trong khu vực.
Lên xe ra về, bà thông gia hỏi tôi:
-      Ông thấy bảo tàng nghệ thuật của họ thế nào?
-      Bà đã thăm Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chưa?
-      Tôi đã thăm Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội nhiều lần, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chưa.
-      Tôi đã nhiều lầ đến Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và đã hai lần đưa hai cô con gái đến Bảo tàng này. Xem đi xem lại một tiếng đồng hồ, tôi thấy chẳng còn cái gì để mà xem nữa. Bảo tàng của mình quá nghèo nàn hiện vật. Bảo tàng của mình chỉ hạn hẹp trong một quốc gia. Còn ở đây số lượng hiện vật thì như bà biết đấy. Bảo tàng của họ là tầm bảo tàng của nhân loại. Nếu bà có dịp đến Bảo tàng Nghệ thuật ở New York thì còn có cái cảm giác choáng ngợp, choáng ngợp đến sốc trước vẻ khổng lồ và kì vĩ của nó.
-      Tôi thì không am hiểu về nghệ thuật và giáo dục, cho nên trong khi ông đi thăm các nhà trường thì tôi lại bảo con nó đưa đi thăm các thư viện. Qua tìm hiểu, tôi được biết ở Mỹ có khoảng 119.987 thư viện. Con số này người chia ra thành các loại thư viện công cộng, thư viện học thuật, thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện các lực lượng vũ trang, thư viện chính phủ... Điều quan trọng không phải là số lượng thư viện mà là số lượng độc giả và chất lượng của thư viện. Thư viện đại học ở đây thì ông biết rồi. Tôi cảm thấy nó không chỉ là nơi dành cho sinh viên tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu mà nó còn tạo ra môi trường tự học, môi trường hoạt động tập thể về học thuật, môi trường sinh hoạt tập thể thư giãn. Sinh viên đến thư viện cứ nườm nượp. Tôi thấy cái không khí, cái thói quen, cái văn hóa đọc ở đây có gì đó rất khác với thư viện của chúng ta mà không thể nói ra được, ông ạ.
-      Bà nhận xét rất chính xác.
-       Nói đến thư viện là phải nói đến sách. Sách của các thư viện ở đây thì quả là đồ sộ, không biết đến bao giờ thư viện của chúng ta mới bằng họ. Sách phong phú, đa dạng về tất cả các lĩnh vực và được sắp xếp khoa học, dễ dàng tìm kiếm. Ngoài sách ra tôi thấy thư viên của họ còn có bao nhiêu loại báo chuyên ngành và tạp chí khoa học cho người đọc. Cái này của ta thì lại rất kém. Hơn nữa thư viện của họ còn có hệ thống wifi và hàng trăm máy tính cá nhân có mạng nối kết với các thư viện của các trường đai học khác, các thư viện khác trong thành phố để sinh viên có thể truy cập từ máy chung đến máy riêng của mình. Là người trong ngành, tôi nằm mơ cũng không thể hình dung ra thư viện của họ được tổ chức, quản lí và phổ cập hiện đại đến như vậy. Còn một điểm nữa, hệ thống nhân viên thư viện của họ cực kì chuyên nghiệp. họ nắm rất rõ các hoạt động, các dịch vụ của thư viện. Quan trọng hơn là họ rất tận tình với công việc. Họ rất niềm nở khi được giúp đỡ các sinh viên tìm kiếm tài liệu, rất vui vẻ trợ giúp cách sử dụng các tiện ích tra cứu sách. Thậm chí ngay cả khi thư viện không có sách, họ còn làm thủ tục cho sinh viên mượn sách từ thư viện khác.Tôi thấy nhân viên của chúng ta không chuyên nghiệp bằng họ, không có thái độ phục vụ như họ.
Dừng một lát, bà thông gia tiếp tục kể về chuyến đi tới thư viện thành phố Columbia:
-      Đó là khối những tòa nhà giống như những khối hình học đồ sộ với chất liệu bằng kính, kim loại và đá. Bên ngoài là những bãi đỗ xe ô tô rộng mênh mông. Có lối vào cho người bình thường. Có lối đi vào cho người khuyết tật. Điều đáng chú ý là không có bảo vệ. Mọi người ra vào thư viện tự do dù có thẻ hay không có thẻ. Có thẻ thì được mượn sách mang về. Không có thẻ thì chỉ được mượn đọc tại chỗ. Tôi thấy Giang làm thẻ thư viện rất đơn giản. Chỉ cần trình giấy tờ tùy thân cho họ. Nhân viên đưa qua máy quét. Trong vòng một phút, máy tự động in ra luôn một chiếc thẻ. Vào thư viện của họ thật đơn giản và dễ dàng.
-      Nếu ở đây lâu có lẽ bà nên bảo hai con thỉnh thoảng đến thư viện.
-      Để sang năm, khi về hưu, tôi sang với cháu. Nhất định tôi sẽ thường xuyên đến thư viện. Cũng giống như ở bảo tàng, tôi và ông vừa đi, trong thư viện có nhà hàng ăn uống và giải khát phục vụ rất chu đáo. Thư viện ở đây có phòng triển lãm nghệ thuật từ tranh ảnh cho đến các loại hình nghệ thuật khác. Thư viện ở đây có cả phòng phòng họp, phòng hội thảo cho hàng trăm người. Thư viện ở đây còn có cả những lớp học theo những chuyên đề đáp ứng mọi yêu cầu của các tầng lớp trong thành phố. Hơn nữa, trong thư viện, tôi còn thấy có cả phòng trông trẻ, phòng dạy kèm môn tiếng Anh, môn toán và môn khoa học cho trẻ em từ mẫu giáo tới lớp 7 miễn phí. Ba thư viện công trong thành phố này còn phối hợp cung cấp một tháng một cuốn sách cho mỗi đứa trẻ từ 1 đến 5 tuổi ở trong thành phố. Một đất nước mang tiếng là đế quốc xấu xa, nhưng bên trong nó lại có những điều nhân bản đến không thể tin được.
-      Tôi với bà xưa nay chỉ biết cái bản chất xâm lược dã man, tàn bạo, còn cái đẹp của nó thì giống như Việt Phương ngày trước đã từng viết “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ, Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ”. Sang đây, tôi với bà mới biết nhà trường, bảo tàng, thư viện, những dịch vụ công cộng của Mỹ tuyệt vời đến như thế nào.
-      Đúng vậy. Thư viện thành phố cơ man sách là sách. Ngoài sách truyền thống được phân loại theo từng chủ đề, còn có một loại sách mà ta chưa có trong các thư viện tuyến dưới. Đó là sách điện tử như CD, VCD, DVD. Sơ sơ qua khu băng đĩa tôi đã thấy có 10 băng DVD chứa đựng hàng vạn nội dung văn bản kênh hình và kênh chữ tiếng Anh chuyên về Việt Nam. Phòng đọc rải rác bên các giá sách từ mặt đất đến gần trần nhà. Hàng chục bộ bàn ghế tròn kê gọn ngay ngắn ra tới sát hiên. Áp tường là hàng bàn ghế dài chạy dọc. Trên mặt bàn để sẵn hàng chục bộ máy tính kết nối với thư viên trực tuyến. Người mượn sách, băng đĩa chỉ việc cầm lấy sách, băng đĩa. Khi ra về đưa sách, băng đĩa ra trước màn hình cảm ứng. Máy in tự động in ra một tờ giấy ghi rõ tiêu đề sách, băng đĩa cùng với ngày hẹn phải trả. Còn người trả tài liệu mượn thì cứ để vào một băng dây chuyền. Máy tự động phân loại sẽ chuyển tài liệu về đúng vị trí của nó. Không ai phải nói với ai một lời. Mọi chuyện cứ tự động như đói thì ăn, khát thì uống. Mặc dù nhiều khâu diễn ra tự động, nhưng khi mình cần giúp đỡ điều gì là hệ thống nhân viên sẽ có mặt ngay. Trước kia tôi đã từng quản lí một hệ thống nhân viên trong thư viện của tỉnh, một tỉnh lớn của quốc gia. Quan sát cách thức tổ chức và làm việc của họ, bây giờ tôi không biết phải nói gì với ông nữa. Thì ra cái xin cho của ta không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn có ngay cả trong cái ngành thư viện của tôi. Nghĩa là người đọc của ta là người “đi mượn”, nhân viên của ta là người “cho mượn” dù không phải là sách của mình.
-      Ngành giáo dục của tôi cũng vậy, phụ huynh phải “xin” cho con đi học và nhà trường thì có quyền “cho” vào học.
-      Các cụ đang nói xấu cơ chế của mình đấy à, Giang nói chen vào.
-      Cái xấu thì chế độ nào cũng tồn tại con ạ, bà thông gia thở dài rồi nói, có lẽ đến hết quãng đời còn lại, chúng tôi vẫn phải sống trong cái cơ chế xin cho mất. Mà nói đến xin cho thì tránh sao khỏi tiêu cực.

-      Hơn chục năm trở lại đây, tôi nhắc lại ý một đại biểu quốc hội phát biểu trong cuộc họp vừa rồi, không những chỉ xin - cho mà còn xin - cho - chia ngân sách của nhà nước. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.