Đến nhà Hoài Anh

Leave a Comment
Vợ chồng Lệ Thúy, Hoài Anh mua trả góp một khoảnh đất rộng 600 m2 cùng với một ngôi nhà ba tầng hai trăm mười m2 mặt sàn, trên đường Clover Creek thuộc thành phố Longmont. Căn nhà có 1 phòng khách, 1 phòng bếp và phòng ăn, 1gara để ô tô và cũng là khoảng không để gia chủ làm những công việc mình yêu thích, 4 phòng ngủ, 3 phòng vệ sinh và nhà tắm, 3 nhà kho. Tổng số tiền mua đất, nhà cộng với chi phí mua sắm thêm một số đồ đạc nội thất như TV, tủ lạnh, hệ thống điều hòa, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, lò vi sóng, bếp điện liên hoàn, robot tự động hút bụi và lau nhà... tất cả hết 4 tỉ tiền Việt.
Longmont là một thành phố nhỏ. Dân số có 89.000 người với 56,5km2. Longmont nằm cách Denver 53km về phía tây bắc. Thành phố được thành lập vào năm 1871. Từ ngày thành lập cho tới những thập niên đầu của thế kỷ 20, Longmont vẫn chỉ là một thành phố trung tâm nông nghiệp. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là từ những năm 1970 đến nay, Longmont phát triển nhanh chóng trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao với nhiều công ty nổi tiếng như Seagate, Amgen, IBM, Cơ quan kiểm soát không lưu quốc gia...
Thành phố Longmont do một hội đồng 7 thành viên dân cử theo nhiệm kỳ 4 năm, trong đó có một thị trưởng được bầu trực tiếp đứng đầu. Về giáo dục công lập có 17 trường tiểu học từ lớp preschool đến lớp 5; 6 trường trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 8; 5 trường trung học phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12; có Học viện Kinh doanh và Dịch vụ Y tế và Trường Cao đẳng Cộng đồng Front Range. Ngoài ra còn có hàng chục cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non cho tới đại học.
Khu vực nhà ở của vợ chồng Thúy nằm trong khu đô thị Clover Creek Dr. Trong khu đô thị có khu dành riêng cho những gia đình trung lưu. Đất ở của các gia đình trung lưu rộng khoảng trên dưới 1000m2. Diện tích nhà ở khoảng 300m2. Giá mua đất và biệt thự của các gia đình trung lưu khoảng 10 tỉ tiền Việt Nam. Ở phía tay phải khu nhà vợ chồng Thúy, cách khoảng 1000 m là khu biệt thự dành cho các nhà giàu. Đất rộng từ một vài ha đến dăm bẩy ha cùng với một biệt thự. Tiền mua đất và biệt thự dành cho khu nhà giàu ít nhất khoảng 25 tỉ tiền Việt Nam.
 Dù ở khu nhà nghèo như nhà của vợ chồng Thúy hay khu trung lưu hoặc khu nhà giàu thì nhà nào cũng có vườn hoa với rất nhiều loại hoa rực rỡ và một vài thảm cỏ xanh rờn. Có khác ở khu nhà giàu người ta trang trí thêm những khu tiểu cảnh hoa cỏ lạ cùng với một bể bơi mini và một cánh rừng thu nhỏ với rất nhiều các loại cây cối. Ở khu nhà giàu còn có một khu vui chơi giải trí chẳng hạn như bể bơi tập thể dành cho người lớn và trẻ em, khu vườn với rất nhiều trò chơi dành cho trẻ em. Phân ra như vậy, nhưng ai cũng có quyền ra vào nơi này, chẳng ai người ta cấm đoán.
Sáng chiều hai buổi tôi thường dành cả tiếng đi bộ và đưa Lâm dạo chơi quanh khu vực. So với Columbia, đất đai ở Longmont không màu mỡ bằng. Cây cối thưa thớt. Chim chóc cũng ít hơn. Nhưng người dân nơi đây cũng giống như ở Columbia rất thân thiện. Sáng, trưa, chiều gặp ai người ta cũng chào hỏi. Kể cả đang ngồi trên ô tô, người ta cũng đưa tay vẫy chào. Mấy lần tôi bị lạc đường phải hỏi thăm, lần thì người ta đưa cho tấm bản đồ khu vực, lần thì người ta đưa đến đầu phố, lần thì người ta mời lên ô tô đưa về đến trước cửa nhà.
Ở Longmont cũng giống như ở Columbia, hình như mọi người đều không phải lo về an ninh và an toàn tài sản cá nhân. Nhà cửa không có hàng rào ngăn cách. Ô tô của hàng phố láng giềng đều để bên ngoài lề đường. Hai chiếc ô tô sang trọng của vợ chồng Thúy cũng để bên ngoài lề đường. Đến chùm chìa khóa chúng cũng thường xuyên để quên ngoài xe. Tôi có nhắc nhở khóa lại cẩn thận, chúng chỉ cười “ Ba yên tâm, ở đây chưa bao giờ người ta kêu mất xe”. 
Đúng vậy. Không chỉ xe ô tô không khóa. Xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em (xe công nghệ cao bằng sợi cacbon, mỗi chiếc xe giá trị hàng chục triệu đồng tiền Việt Nam) dựng ở trước cửa nhà cũng chẳng ai khóa. Kỳ lạ hơn, mấy ngày tôi lại nhận được một hộp bưu phẩm của vợ chồng Vân. Hàng tháng chúng vẫn chuyển một ít hàng về Việt Nam. Hàng hóa đều mua trên mạng. Khi thì một vài bộ quần áo, khi thì một vài đôi giày, khi thì một vài hộp thực phẩm chức năng, khi thì một vài chiếc kính, khi thì một vài hộp mỹ phẩm, khi thì một vài chiếc đồng hồ... trị giá có hộp bưu phẩm lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng tất cả đều không ký nhận giao hàng. Nhân viên bưu điện theo ô tô đến nhà, ấn chuông rồi để hàng hóa trước cửa, sau đó lại đi giao hàng, không gặp người nhận hàng. Có lần đi chơi xa, về nhà, chúng tôi tôi thấy một đống hàng xếp ngay ngắn ở trước cửa, kiểm lại không hề thấy mất mát gì.
Thì ra báo chí nước ngoài nói không ngoa. Mỹ xếp thứ hai trong top 10 quốc gia thật thà nhất thế giới, sau Hà Lan. Người ta thử lại bằng cách vứt ra đường phố hàng trăm chiếc ví có tiền, có địa chỉ ở thủ đô các nước phát triển. Sau một thời gian, ở Amstecdam người ta nhận lại 9/ 10 số ví qua cảnh sát. Ở Washington DC “người mất” nhận lại được 8/10 số ví qua đường bưu điện. Tôi tin rằng nếu làm phép thử lại ở Columbia và Longmont, hai thành phố tôi từng ở một thời gian, chắc chắn không phải là 8/10 mà là 9/10. 1/10 còn lại có thể chẳng ai buồn nhặt nên xe quét rác hút vào trong đống rác thải của thành phố. Bất chợt tôi tự hỏi mình, nếu phép thử xảy ra ở Hà Nội, không biết con số được trả lại sẽ là bao nhiêu phần trên mười?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế xếp Mỹ đứng thứ hai trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới có chất lượng sống cao nhất có lẽ không sai. Người ta công bố chỉ số cuộc sống và xếp loại như trên dựa trên 11 bộ tiêu chí để phân loại: Thu nhập đầu người, nhà ở, việc làm, cộng đồng, giáo dục, môi trường, sự tham gia của công chúng vào những vấn đề xã hội, y tế, sự hài lòng với cuộc sống, mức độ an toàn và sự cân bằng giũa công việc với cuộc sống vui chơi giải trí. Với mỗi tiêu chí, người ta lại đưa ra các tiêu chí cụ thể để phân loại. Ví dụ bộ tiêu chí việc làm bao gồm: Tỉ lệ người dân có việc làm, thu nhập cá nhân, tỉ lệ thất nghiệp, mức độ ổn định của việc làm… Mỹ có thu nhập bình quân đầu người trên 53.000 đô la, quốc gia có thu nhập cao nhất trong số 10 quốc gia được xếp loại; có điều kiện nhà ở tốt nhất; có trang thiết bị cơ bản tốt nhất; người dân cảm thấy an toàn và có không gian riêng tốt nhất; có nền giáo dục hàng đầu; sự cân bằng trong cuộc sống tốt nhất; mức độ tham gia của cộng đồng vào những vấn đề xã hội khá tốt; sự chăm sóc y tế cũng khá tốt; môi trường, sự ổn định việc làm tốt, tỉ lệ thất nghiệp xếp thấp... Cho đến thời điểm này có tới trên 40 triệu trẻ em ở nước ngoài mang quốc tịch Mỹ. Điều đó chứng tỏ sức mạnh mền, sức mạnh thu hút biết bao nhiêu người có tri thức, giàu có trên thế giới muốn tương lại con cháu họ trở thành công dân Mỹ; muốn sống, học tập, ở và làm việc trên đất Mỹ. Chẳng trách dòng người nhập cư không chính thức từ khắp thế giới đổ về Mỹ ngày một tăng (Khoảng trên 13 triệu người). Mặc dù chính quyền Mỹ đang tìm mọi cách thắt chặt, nhưng vấn nạn trên với nước Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Trong số trên 13 triệu người đó có vợ chồng Thúy. Tôi không biết sự lựa chọn mua nhà, làm việc và sống ở  Longmont của các con là đứng hai là sai. Chỉ biết rằng nếu chúng có về nước, vợ chồng ông thông gia và vợ chồng tôi không biết có xin nổi cho các con vào một cơ quan, một trường học hay một nhà máy X với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng một tháng? Bản thân tôi thì không chắc, vì vừa rồi theo dõi việc thi công chức tôi biết một số tiến sĩ học ở nước ngoài trở về thi gần như trượt hết. Và người ta tự hào về điều đó. Thật kì lạ!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.