Người Amish ở Mỹ

Leave a Comment

Người Amish ở Mỹ
 Hôm nay tôi đến thăm một khu định cư của người Amish. Từ đường cao tốc rẽ vào một con đường nhỏ khoảng chục km, tôi bắt gặp khoảng hơn một chục chiếc xe ngựa chở người như kiểu xe thời trung cổ đi cùng chiều. Trước xe là những người đàn ông ngồi điều khiển, phụ nữ và trẻ em đứng ngồi ở phía sau.
 Dường như mỗi chiếc xe ngựa còn chở thêm một cái moóc đầy hoa, hoặc là củ quả và các loại cây ăn trái… Đàn ông trên xe ngựa thường vận  áo trắng để râu, đội mũ màu nâu giống như mũ phớt. Đàn bà thì đều mặc váy màu sẫm, dài đến mắt cá chân giống như áo váy của các bà sơ, trên đầu có phủ một tấm vải trắng hay một kiểu mũ bằng vải trắng gì đó. Trẻ em đứa nào cũng đồng loạt mặc áo màu tối, đội mũ nan trắng.
 Tôi đã vài bận đến thăm khu định cư của người Amish, một tộc người thiểu số sống rải rác ở một số tiểu bang của Mỹ. Trước cửa nhà họ thường làm những tổ chim én, tựa như chuồng chim bồ câu ở Việt Nam. Tôi mải mê ngắm nhìn từng đàn én vun vút bay ra vào tổ. Chúng xập xòe chao liệng giữa trời như những con thoi. Tôi bỗng nhớ lại những cánh én thời thơ ấu. Đã lâu lắm rồi cứ mỗi độ xuân sang. Có lẽ người Amish là những người rất yêu thiên nhiên, yêu tự do.
 Người Amish sống tự cung tự cấp, tự làm nhà cửa nhà cửa cho đến lương thực thực phẩm. Người A mish chối bỏ cuộc sống văn minh hiện đại của xã hội Mỹ. Họ  không dùng điện, không sử dụng tivi, tủ lạnh, máy tính, ô tô hoặc bất cứ thiết bị máy nổ nào trong cuộc sống của mình.
 Gia đình người Amish thường rất đông. Có gia đình đến mười hai đứa con. Theo như tôi quan sát, hình như họ vẫn chưa có ý định dừng việc sinh con vì các bà mẹ vẫn còn trong độ tuổi sinh nở. Họ làm ruộng, làm thủ công, xúc băng tuyết vào nhà kho để giữ tươi thực phẩm thay cho tủ lạnh, lưu trữ củi đốt  vào mùa đông để thay cho điều hòa…
 Người Amish dùng ngựa cày bừa đất để gieo trồng các loại cây lương thực, cây ăn quả. Họ canh tác theo lối truyền thống, không dùng các loại phân bón hóa học. Trang trại của của người A mish không rộng như của những người nông dân Mỹ, đa phần chỉ trên dưới chục ha.
 Theo một số tài liệu nghiên cứu, hiện nay có khoảng 200.000 người Amish sống ở Canada và Mỹ. Riêng ở bang Missouri có hơn 9.000 người sống rải rác, biệt lập ở 38 khu định cư.
 Tổ tiên của người Amish ở Đức và Thụy Sĩ. Họ theo một giáo phái Tin Lành bị kì thị, bị ngược đãi khắp châu Âu nên di cư sang Bắc Mỹ từ những năm 1720. Gần 300 năm đã trôi qua tộc người này vẫn sống theo lối sống của cha ông họ và tuân thủ theo giáo lí tôn giáo từ xa xưa. Họ không tiếp nhận bất cứ thành quả khoa học kỹ thuật nào từ bên ngoài. Họ vẫn mặc những bộ quần áo và vật dụng như tổ tiên họ cách đây ba thế kỉ.
 Vào nhà họ mua dê, gà, vịt (hơn một trăm đô một cọ dê làm sẵn, bốn mươi đô 10 con gà hay vịt, 2 đô la rưỡi 12 quả trứng…) tôi thấy họ vẫn sử dụng những chiếc nồi gang cũ kĩ để đun nấu. Sinh hoạt, ăn mặc giản dị. Đi lại bằng đôi chân không guốc dép, nếu phải đi xa thì đi bằng ngựa. Từ người già đến trẻ em đều làm quần quật ngoài đồng.
 Tối về gia đình người Amish quây quần dưới ánh đèn dầu. Ngay cả đến khí đốt họ cũng không dùng. Tối đến làng xóm tối om. Tuy nhiên, họ không bao giờ phàn nàn về cuộc sống. Họ cũng không bao giờ phàn nàn về những người xung quanh. Vì thế, những ngôi làng của họ trở thành tâm điểm du lịch của nhiều người Mỹ.
 Mọi người đến chiêm ngưỡng cuộc sống của họ. Người ta không thể tưởng tượng giữa xã hội Mỹ lại có một tộc người sống như họ. Người Mỹ coi họ như một người không thể hội nhập được vào xã hội văn minh, coi họ như một giống người đặc biệt. Khác với cộng đồng người Hoa, người Việt, người Mexico, người ý… sống tập trung ở những khu vực nhất định. Những tộc người trên thường giữ gìn bản sắc riêng, đặc biệt là người Hoa. Họ thường giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình. Mặc dầu vậy họ vẫn hòa nhập vào xã hội Mỹ. Còn người Amish thì không. Dù cho có nhiều giọng điệu phàn nàn họ không hề có phản ứng hay giận dữ.
 Nếu người ta hỏi họ, tại sao họ cứ sống một cuộc sống không thay đổi như vậy? Họ sẽ trả lời là “Nếu bạn biết những gì tôi biết thì bạn cũng muốn trở thành người Amish”. Người Amish rất mộ đạo. Trước bữa ăn họ đều hát thánh ca. Họ quan niệm rằng khi chết chắc chắn họ được lên thiên đường bởi vì họ sống tốt ở thế gian này và tuân theo đúng lời dạy của chúa.
 Không cá nhân nào bị ép buộc phải sống trong cộng đồng người Amish, gia nhập cộng đồng, ở lại cộng đồng cho tới khi qua đời là quyền tự do của mỗi người. Họ không cho con em học ở trường công, chỉ học ở trường tư do cộng đồng lập ra. Phần lớn trẻ em học hết trung học cơ sở rồi về làm ruộng giúp gia đình. Đến tuổi trưởng thành, 17 tuổi các em có quyền ra sống ngoài xã hội hai năm trước khi quyết định ở lại hay ra đi khỏi cộng đồng.
 Mặc dù được lựa chọn, nhưng số người rời bỏ cộng đồng rất ít. Người ta tính đến trên 99% sau khi đã hết thời gian ở bên ngoài, người Amish đều quay lại với cuộc sống biệt lập của cộng đồng. Với họ, gia đình và cộng đồng là tất cả. Họ thường chỉ kết hôn với người trong cộng đồng, không li dị, không tránh thai.
 Đàn ông là chủ gia đình, lo chuyện đồng áng. Đàn bà lo chuyện nhà cửa, nấu nướng giặt giũ. Tất cả đều chung lo cho cái gia đình của mình. Ngoài ra, họ còn có một cộng đồng lớn người Amish ở các khu vực khác. Họ thường làm việc chung với nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc sống của họ không vụ lợi, không bon chen, không thù hận.
 Theo người Amish, đó là cuộc sống mà chúa muốn họ sống. Họ không tham gia đảng phái chính trị, không đi bầu cử, không đi lính, không nhận tiền trợ cấp, lương hưu hay bảo hiểm của chính phủ và họ cũng không giao dịch ngân hàng, không đi bệnh viện… Tóm lại là họ không tham gia vào xã hội Mỹ, không thuộc về xã hội Mỹ.
 Chính quyền bang, chính quyền Liên bang cũng để mặc họ sống theo lối sống của họ. Đúng là một đất nước tự do. Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do sống, tự do sử dụng súng đạn, một số bang còn tự do mua bán ma túy, thậm chí tự do chết… Bây giờ thì tôi hiểu tại sao người Pháp lại tặng người Mỹ bức tượng Nữ thần tự do. Gần như có bao nhiêu quốc gia trên thế giới thì ở Mỹ có bấy nhiêu cộng đồng người định cư ở Mỹ. Tất cả đều đem theo văn hóa của dân tộc mình từ hình dáng, lối sống, thói quen, ngôn ngữ đến Mỹ. Đúng là một cái nồi hầm vĩ đại. Và mảnh đất này thực sự trở thành một biểu tượng tự do, tượng trưng cho tính cách của người Mỹ.
 Tôi thấy người Amish đều rất đẹp. Đàn ông, đàn bà và trẻ em đều đẹp như như những nhân vật trong tranh vẽ ở các nhà thờ. Giữa họ với người Mỹ hiện đại không thể trộn lẫn được. Từ ăn mặc đến phương tiện đi lại. Một bên là bãi để ô tô. Một bên là bãi để xe ngựa. Ngay cả trong cái nhà bán đấu giá nông sản giữa họ và những tộc người Mỹ khác cũng không thể trộn lẫn (ở chợ bán đấu giá, tất cả các mặt hàng nông sản đều được đưa ra bán đấu giá. Người mua đăng ký được phát một tờ giấy. Từ giá khởi điểm cho đến giá cuối cùng tùy thuộc người mua. Rất công khai và minh bạch. Dù đó chỉ là một lô hành, một lô hoa súp lơ, một chục chậu hoa hay một chục hộp đào). Không chỉ vì mầu quần áo mà chủ yếu ở vẻ mặt thánh thiện với nét mặt đượm chất phong trần cạnh tranh giữa cuộc đời. Không biết họ mới hạnh phúc hay những người Mỹ khác mới hạnh phúc?




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.