Thư viện thành phố Columbia, Missouri

Leave a Comment

 Qua một số nguồn tư liệu và thực tế tới thăm 5 thư viện: hai thư viện thành phố và 3 thư viện đại học ở 3 bang khác nhau, tôi được biết ở Mỹ có khoảng 119.987 thư viện. Số liệu này sẽ ngày một tăng lên. Người Mỹ chia ra thành các loại thư viện công cộng, thư viện học thuật, thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện các lực lượng vũ trang, thư viện chính phủ... Có thư viện khoảng vài chục ngàn đầu sách, có thư viện tới hàng triệu đầu sách, có thư viện lên tới hàng chục triệu đầu sách.
 Điều quan trọng không phải là số lượng thư viện và số lượng đầu sách. Bởi vì các loại thư viện ở Mỹ đều được kết nối với nhau. Không có sách, báo, tạp chí, phim ảnh, âm nhạc bạn cần mà không mượn được. Điều quan trọng là số lượng độc giả và chất lượng của thư viện ở xứ sở cờ hoa này ra sao.
 Chúng ta ai cũng biết đôi điều về thư viện của Mỹ qua phim ảnh. Tôi có cảm giác thư viện của họ không chỉ là nơi dành cho người đọc, nhà nghiên cứu, đặc biệt là học sinh, sinh viên tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu mà nó còn tạo ra môi trường tự học, môi trường hoạt động tập thể về học thuật, môi trường sinh hoạt tập thể thư giãn. Người đọc đến thư viện khá đông, thậm chí phải xếp hàng.  Cái không khí, văn hóa đọc ở đây có gì đó rất khác với Việt Nam, khó có thể diễn tả được.
 Nói đến thư viện là phải nói đến sách. Sách của các thư viện ở Mỹ thì quả là đồ sộ, không biết đến bao giờ thư viện của chúng ta mới so sánh được với họ. Sách phong phú, đa dạng về tất cả các lĩnh vực và được sắp xếp khoa học, dễ dàng tìm kiếm. Ngoài sách ra tôi nhận thấy thư viên của họ còn có nhiều loại báo, tạp chí chuyên ngành và tạp chí khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới để phục vụ người đọc.
 Thư viện của họ gần như đã được số hóa, phủ sóng wifi tới hàng trăm máy tính được nối kết với các thư viện trong cùng hệ thống để người đọc có thể truy cập và đọc. Trước khi tiếp cận với các thư viện tại Mỹ tôi không thể hình dung ra thư viện của họ được tổ chức, quản lí và phổ cập hiện đại, tiên tiến đến như vậy.
 Một điểm đáng chú ý nữa, đó là hệ thống nhân viên thư viện của họ cực kì chuyên nghiệp. họ nắm rất rõ các hoạt động, các dịch vụ của thư viện. Quan trọng hơn là họ tận tình với công việc. Họ sẵn sàng khi được giúp đỡ người đọc tìm kiếm tài liệu, rất vui vẻ trợ giúp cách sử dụng các tiện ích tra cứu sách. Thậm chí ngay cả khi thư viện không có sách mà độc giả cần, họ sẵn sàng làm thủ tục mượn sách giúp từ thư viện khác.
 Thư viện thành phố Columbia nằm trên đường Broad way, phía đông bắc khu dawntown, gần nơi gia đình con gái tôi mới đến ở. Đó là một khối những tòa nhà giống như những khối hình học sắc nét với chất liệu bằng kính, kim loại và đá.
 Khuôn viên thư viện như nằm giữa một rừng cây. Có bãi đỗ xe ô tô rộng mênh mông. Có lối đi vào cho người bình thường. Có lối đi vào cho người khuyết tật.
 Thư viện không có nhân viênbảo vệ. Mọi người ra vào thư viện tự do dù có thẻ thư viện hay không. Có thẻ thì được mượn sách mang về. Không có thẻ thì được mượn đọc tại chỗ. Nhưng nếu bạn muốn có thẻ thư viện thì rất đơn giản. Chỉ cần trình giấy tờ tùy thân. Nhân viên đưa nó qua máy quét. Trong vòng một phút, máy tự động in ra luôn một chiếc thẻ. Thật đơn giản và dễ dàng.
 Cũng giống như ở các bảo tàng, thư viện Columbia có nhà hàng ăn uống và giải khát phục vụ chu đáo. Thư viện ở đây có phòng triển lãm nghệ thuật từ tranh ảnh cho đến các loại hình nghệ thuật khác. Thư viện ở đây có cả phòng họp, phòng hội thảo cho hàng trăm người, phòng học tập cho một nhóm nhỏ, cho một gia đình. Thư viện ở đây còn có cả những lớp học theo những chuyên đề như lớp học máy tính, lớp học sử dụng iphone dành cho người già, lớp học STEM cho học sinh phổ thông và những lớp học chuyên đề đáp ứng mọi yêu cầu của các tầng lớp dân cư trong thành phố. Thư viện còn có phòng trông trẻ, phòng dạy kèm môn tiếng Anh, môn toán và môn khoa học cho trẻ em từ mẫu giáo tới lớp 7 miễn phí.
 Thư viện Columbia cùng với ba thư viện công khác phối hợp cung cấp miễn phí một tháng một cuốn sách cho mỗi đứa trẻ từ 1 đến 5 tuổi trong phạm vi thành phố.  Người Mỹ thực sự quan tâm đến trẻ em. Họ có nguồn lực để hiện thực hóa thói quen đọc sách cho trẻ từ rất sớm.
 Thư viện Columbia là thư viện của một thành phố nhỏ, khoảng 150 ngàn dân nhưng có tới hàng triệu đầu sách báo. Ngoài sách báo truyền thống được phân loại theo từng chủ đề, còn có một loại sách mà chúng ta chưa có trong các thư viện ở  tuyến dưới. Đó là sách điện tử như CD, VCD, DVD. Sơ sơ qua khu vực băng đĩa tôi đã thấy có 10 băng DVD chứa đựng hàng ngàn nội dung văn bản kênh hình và kênh chữ chuyên về Việt Nam.
 Rải rác bên cạnh các giá sách từ mặt đất đến gần trần nhà là những bộ bàn ghế kê gọn ngay ngắn dành cho người đọc. Mặt bàn đều trang bị đèn chụp, ai cần thêm ánh sáng cứ việc bật công tắc. Áp tường là những hàng bàn ghế dài chạy dọc. Trên mặt bàn, người ta để sẵn máy tính. Người đọc start up máy là có thể làm việc.
 Người mượn sách, băng đĩa chỉ việc chọn sách, băng đĩa trong các giá đựng. Khi ra quầy gần cửa ra về, người ta đưa sách, băng đĩa ra trước màn hình cảm ứng. Máy in tự động in ra một tờ giấy ghi rõ tiêu đề sách, băng đĩa cùng với thông báo ngày hẹn phải trả. Còn người đọc trả tài liệu mượn cứ đặt vào băng dây chuyền. Máy tự động phân loại sẽ chuyển tài liệu về đúng vị trí vốn có của nó. Không ai phải nói với ai. Mọi chuyện cứ tự động theo băng dây chuyền.
 Mặc dù nhiều khâu diễn ra tự động, nhưng khi ai cần sự giúp đỡ thì một nhân viên sẽ có mặt ngay. Thái độ của các nhân viên ân cần, chu đáo. Tôi có cảm giác không phải họ cố gắng làm hài lòng độc giả. Cái phong thái phục vụ toát ra từ con người họ có điều gì đó rất tự nhiên và chuyên nghiệp. Tôi bỗng nhớ cô bạn một lần kể về chuyến đi thăm thư viện Mỹ. Cô ấy trầm trồ nhận xét: “Trên cả tuyệt vời. Em đã từng quản lí đội ngũ nhân viên trong thư viện của một tỉnh, và có thời gian quản lý ở thư viện quốc gia. Tìm hiểu cách thức tổ chức và làm việc của họ ở các thư viện, em không biết phải nói với anh thế nào cho đúng với nền văn hóa Mỹ”. Chỉ khi đến thư viện Columbia tôi mới hiểu ý của cô bạn tôi muốn nói gì.
 Đi theo con gái và hai cháu đến khu vực dành cho bà mẹ và trẻ em từ vài tháng tuổi đến 3 tuổi. Gía để sách chỉ có ba tầng, các em có thể tự do lấy sách theo ý mình (với sự giúp đỡ của bố mẹ). Sách của các em đều là sách bìa cứng có tranh ảnh với những chữ cái và những từ dành cho trẻ đúng độ tuổi “early child”. Có hai ô nho nhỏ, mỗi ô có 12 giá sách và hơn một chục chiếc ghế nhỏ xíu để các em ngồi. Tôi rất ngạc nhiên thấy một ông bố còn rất trẻ, tay cầm cuốn sách, kiên trì ngồi trên thảm chỉ và đọc cho đứa con tầm 3 tháng tuổi. Thật ngưỡng mộ về việc giáo dục sớm cho trẻ ở đây. Cả ông bố trẻ và cháu bé đều rất đẹp. Đôi mắt của hai cha con sáng lên rạng ngời, giống nhau như hai giọt nước trong trẻo.
 Bên cạnh hai ô đọc sách là khu vui chơi của trẻ bao gồm nhiều đồ chơi xếp hình, xếp chữ cùng với mấy căn nhà gỗ nhỏ để các cháu chui vào bên trong chơi với các đồ chơi xếp dọc các bức vách. Bé Huệ Lâm chui vào tra những cục gỗ xinh xắn to nhỏ các cỡ vào những lỗ đục thủng kích cỡ to nhỏ tương ứng…
 Tiếp theo Vân đưa tôi và hai cháu đến khu dành cho các cháu tầm 5 tuổi đến hết tiểu học. Khu này có tới mấy chục giá sách xếp đầy các truyện tranh. Càng ra phía bên ngoài số lượng truyện kênh hình giảm dần, số lượng truyện kênh chữ tăng lên. Nếu cháu nào không thích đọc, hay chưa biết đọc thì có máy tính đọc hộ.
 Bên cạnh những giá sách có hệ thống bàn máy tính chuyên dụng. Các cháu đeo tai nghe, ngồi trước màn hình, tìm những cuốn truyện tranh mình thích. Các em gạt màn hình cảm ứng, những trang sách hiện ra với những dòng chữ trên nền phông tranh minh họa đầy mầu sắc. Những âm thanh tương ứng từng từ chuẩn mực như khi chúng ta đi hát karaoke. Cháu Bảo và Huệ Lâm cứ nồi lì trên máy, mắt nhìn, tai nghe máy đọc không rowifkhoir vị trí.
 Chúng tôi gửi hai cháu cho các tình nguyện viên trông và hướng dẫn các cháu “nhìn, nghe” trên máy để lên hai tầng trên tìm một số cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mà tôi cần. Chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp. Một nhân viên nam chừng 45, 50 tuổi tra cứu trên máy, ghi lên một tờ giấy số giá sách 957. 580 trên tầng 3 kèm theo một sơ đồ chỉ dẫn.
 Chúng tôi đi qua khu vực photo, in ấn, scan, qua khu vực sách mới xuất bản trong tháng, khu vực sách bán chạy nhất theo thống kê theo quý, và sách được nhiều người đọc nhất, rồi lần theo rừng sách phi tiểu thuyết đến khu vực sách khoa học xã hội và nhân văn. Lần theo số hiệu các giá sách để đến với giá sách đề tài chiến tranh Việt Nam.
 Một giá sách có tới hàng trăm cuốn đề tài chiến tranh Việt Nam (ở thư viện Trường đại học Missouri có tới 4.585 cuốn). Đúng như một giáo sư người Trung Quốc nói với tôi ở bảo tàng nghệ thuật thành phố Kanssas, Missouri “Cái gì không có ở Trung Quốc thì cứ đến Mỹ sẽ tìm thấy”.
 Tôi tìm thấy những cuốn sách người Mỹ viết về 12 chiến dịch mà Quân đội Mỹ tiến hành ở Thung lũng A Sầu, Thừa Thiên từ năm 1968 đến năm 1970. Tôi tìm thấy những cuốn sách người Mỹ viết về những trận đánh có tác động đến cục diện chiến trường, trong đó có 5 trận đánh kinh điển thì 2 trận diễn ra ở Thung lũng A Sầu. Rất tiếc trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng ta chỉ viết sơ lược về chiến dịch Đồi A Bia (người Mỹ gọi là Đồi Thịt băm), 11 chiến dịch còn lại không được phía ta nhắc đến (xin xem bài viết Những chiến dịch của Liên quân Mỹ- Ngụy và thảm họa của chúng trên đồi A Bia trong trang facebook này). Chúng ta bỏ quên Thung lũng A Sầu, nhưng người Mỹ thì không. Họ gọi nó là Thung lũng Chết, Thung lũng Tử thần, Thung lũng của những sườn núi đẫm máu. Phải chăng địa danh Thung lũng A Sầu là một trong những góc khuất của lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại?  





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.