Thăm Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin ở Kansas

Leave a Comment

 Mỗi lần đến Mỹ tôi đều đến thăm một vài bảo tàng, bởi hệ thống bảo tàng là một trong những nét đặc trưng về văn hóa Mỹ. Trên thế giới, Mỹ là quốc gia sở hữu số lượng bảo tàng lớn nhất. Theo Bách khoa Toàn thư Wikipedia năm 2018, Mỹ có ít nhất 17.500 bảo tàng.
 Người Mỹ phân loại hơn 40 loại hình bảo tàng như bảo tàng tự nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng khảo cổ, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khoa học, bảo tàng công nghiệp, bảo tàng hàng không vũ trụ, bảo tàng quân sự và chiến tranh, bảo tàng âm nhạc, bảo tàng người Mỹ gốc Phi, bảo tàng tiểu sử, bảo tàng trẻ em, bảo tàng sáng tạo, bảo tàng dân tộc, bảo tàng nông nghiệp, bảo tàng nhà ở, bảo tàng hải đăng, bảo tàng truyền thông, bảo tàng y tế, bảo tàng nhà máy xí nghiệp, bảo tàng khai thác mỏ, bảo tàng người Mỹ bản xứ, bảo tàng không khí, bảo tàng thư viện, bảo tàng tổng thống, bảo tàng tôn giáo, bảo tàng tem, bảo tàng thám hiểm, bảo tàng điêu khắc, bảo tàng tàu thủy, bảo tàng thể thao, bảo tàng giao thông, bảo tàng trường đại học, bảo tàng di sản Do Thái...
 Khách du lịch nước ngoài thường biết đến những bảo tàng lớn chẳng hạn như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington DC. Tại bảo tàng này, người ta đã thu thập được 125 triệu mẫu vật khoa học tự nhiên và hiện vật văn hóa. Có thể nói, đây là bảo tàng lớn nhất thế giới, có số lượng người tham quan lớn nhất thế giới, có số lượng người truy cập trang web lớn nhất thế giới.  Từ sự sống đầu tiên trên trái đất đến cuộc sống hiện đại, từ thế giới thực vật, động vật, sinh vật biển, côn trùng cho đến những bộ xương hóa thạch qua các thời kỳ lịch sử, gỗ hóa thạch, đá quý, quặng, mỏ địa chất, công cụ lao động… Tất cả đều tái hiện và gần như hội tụ đầy đủ lịch sử tự nhiên của nhân loại qua hàng triệu năm.  
 Khách du lịch cũng thường biết tới Bảo tàng Tự nhiên ở New York, thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ với tổ hợp 25 tòa nhà, 56 gian trưng bày, 32 triệu hiện vật. Người ta cũng thường biết đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khổng lồ với 19 khu trưng bày 2 triệu các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng người ta thường ít biết đến các bảo tàng của các bang miền Trung và miền Nam của Hoa Kỳ.  Chẳng hạn bang Missouri, bang hơn 5 triệu dân nhưng có tới gần 300 bảo tàng các loại. Trong số các bảo tàng của Missouri, có Bảo tàng Nghệ thuật ở Kansas. Tên đầy đủ của nó là Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin, một trong những bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ.
 Năm 2007 Tạp chí Times xếp Bảo tàng này nằm trong “Top 10 bảo tàng” sáng giá nhất của nhân loại. Nelson- Atkin hiện đang sở hữu bộ sưu tập 33.500 tác phẩm nghệ thuật. Tuy số lượng tác phẩm khiêm tốn hơn so với các  bảo tàng nghệ thuật ở các thành phố lớn, nhưng nếu mỗi tác phẩm ở dây người ta dừng lại một phút để chiêm ngưỡng thì phải mất tới 558 giờ mới xem xong. Nếu một ngày dành 8 giờ để xem từng tác phẩm thì người ta phải thu xếp tới hàng tháng mới tham quan xong bảo tàng. 
 Bảo tàng mang tên hai cá nhân người Mỹ: William Nelson và Mary Atkin. Nelson là ông chủ của một nhà xuất bản. Năm 1915, khi qua đời, ông đã để lại bản di chúc dành toàn bộ tài sản của mình để mua các tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho công chúng thưởng thức. Mary Atkin là giáo viên, góa phụ một nhà đầu tư bất động sản. Năm 1911 khi qua đời, bà đã để lại 700.000 đô la để thành lập một bảo tàng nghệ thuật cho công chúng trong thành phố.
 Hai khoản kinh phí to lớn của hai người kết hợp với kinh phí ủng hộ thêm của thân nhân họ đã đặt nền móng xây dựng bảo tàng. Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin được hoàn thành vào năm 1933. Chi phí kết toán cuối cùng lên tới 2.750.000 đô la.
 Có điều cần chú ý là vào những năm đó, những năm khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường tranh ảnh nghệ thuật tràn ngập. Người bán thì nhiều nhưng người mua thì lại rất ít. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho các thương vụ mua vào một cách nhanh chóng và Bảo tàng Nelson- Atkin đã sở hữu được một trong những bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị lớn nhất trong cả nước.
 Nói là bảo tàng, nhưng trong bảo tàng còn có một tổ hợp cửa hàng bán đủ các loại sách, báo, tạp chí, hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ, các bản in mô phỏng các tác phẩm nghệ thuật, kể cả máy in 3D phục vụ nhu cầu của khách hàng muốn có một bản sao như nguyên mẫu bằng các chất liệu theo yêu cầu. Trong bảo tàng còn có cả một hệ thống nhà hàng Âu, Á phục vụ ăn uống, giải khát.
 Cũng giống như ở các thư viện Mỹ, số lượng người vào tham quan bảo tàng rất đông. Vào những ngày cuối tuần người ta phải xếp hàng chở đợi vào cửa. Từ học sinh, sinh viên đến các đoàn khách du lịch trong bang, ngoài bang, khách quốc tế đến những gia đình già trẻ, cứ nườm nượp. Tôi nhận thấy lượng người đông đảo nhất là người đi theo hộ gia đình, bao gồm cả bố mẹ và con cái. Người ta thường ở lại cả buổi, cả ngày, thậm chí cả kì nghỉ cuối tuần hai ngày để tham quan một số chủ đề.
 Vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ phép trong năm, đặc biệt là trong dịp hè,  người Mỹ thường có nhu cầu đi đây đi đó. Bảo tàng là một địa chỉ các gia đình thường hò hẹn nhau đến. Đông đến nỗi tôi cảm thấy bị chìm trong dòng người, không có bản đồ thì không biết đâu mà lần.
 Có lần đi bảo tàng tôi chợt nảy ra ý nghĩ đi theo những người khuyết tật, vì họ có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, lại có nhân viên bảo tàng giúp đỡ đẩy xe và giới thiệu. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ nên cứ loay hoay với chiếc máy điện thoại cầm tay, tìm chỉ dẫn qua màn hình để đến chỗ nào đáng xem nhất.
 Cách đây mấy năm, khi tiễn đưa vợ chồng con gái đầu về bang Colorado, tôi và vợ chồng cô con gái thứ hai đã đến thăm bảo tàng Bảo tàng Nghệ thuật Nelson- Atkin. Hy vọng lần này tôi được xem kỹ hơn các tác phẩm của các tác giả trong giai đoạn Phục hưng.
 Tôi bắt đầu thăm các căn phòng trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật châu Phi. Bộ sưu tập này bao gồm 300 đối tượng rất đa dạng về hình thức: các tác phẩm điêu khắc, mặt nạ, tóc, lược, gối đầu, quần áo, trang sức với chất liệu bằng gỗ, bằng kim loại, bằng đất sét, vải... từ các tác phẩm gốm đại diện cho nền văn hóa dân gian phía nam sa mạc Sahara ở thế kỉ 16 đến các tác phẩm trang sức và trang trí bằng kim loại của các nghệ sĩ ở Trung Phi, Tây Phi tiêu biểu cho nghệ thuật trung cổ hoàng gia, tất cả đều độc đáo, tinh xảo và quý hiếm.
 Bộ sưu tập hội họa và điêu khắc châu Âu, từ thời trung cổ đến thế kỉ 19, có khoảng 900 tác phẩm nghệ thuật. Từ bức tranh Thánh Gioan trong thiên nhiên hoang dã của họa sĩ Caravaggio người Ý đến bức tranh Olive Ochart của Van Gogh, từ các tác phẩm điêu khắc Mannerist giữa thế kỉ 16 đến bức tượng bán thân về một người đàn ông ngồi của Rodin thế kỉ 19… Hàng trăm tác phẩm tuyệt mỹ cho đến bây giờ tôi mới được biết đến. Đúng là một thế giới của cái đẹp, đẹp đến mê hồn. Dù không am hiểu nghệ thuật tạo hình, nhưng tôi vẫn bị chinh phục, say đắm với các tác phẩm thời phục hưng…
 Với hơn 7500 tác phẩm, bộ sưu tập về Trung Quốc có rất nhiều những kiệt tác trong tất cả các giai đoạn lịch sử, với tất cả các loại hình nghệ thuật từ thời đồ đá cho đến thế kỉ thứ 20. Đặc biệt ấn tượng là bộ sưu tập toàn diện về gốm sứ kéo dài suốt 5000 năm lịch sử Trung Quốc. Người Trung Quốc đến đây từng thốt lên câu nói chuyền tai tới đông đảo mọi người: “Những gì người Trung Quốc không tìm thấy ở Trung Quốc thì hãy đến đây mà tìm”.
 Không biết có thật như vậy không. Chỉ biết rằng 232 hiện vật về những nghi lễ cúng tế tổ tiên, về các lăng mộ cùng đồ tùy táng qua các triều đại, về những trang sức tuyệt mỹ xa xỉ như vàng bạc, ngọc bích đã gợi lên cho người xem thấy cả một thế giới tinh thần cũng như vật chất của người Trung Quốc cổ đại. Điều làm tôi thích thú nhất là được thưởng thức bộ sưu tập tranh danh lam thắng cảnh từ thế kỉ thứ 10 đến thời nhà Minh và bộ sưu tập điêu khắc từ thời Bắc Tống đến thời kì nhà Thanh. Trong hai bộ sưu tập này, có nhiều tác phẩm đã được các nhà phê bình mỹ thuật đánh giá là những tác phẩm tuyệt vời nhất bên ngoài Trung Quốc.
 Thời gian có một ngày nên tôi bỏ qua các phòng trưng bày các tác phẩm sưu tập về Nhật Bản. Tới thăm bộ sưu tập nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á. Có khoảng 945 tác phẩm với các đề tài tôn giáo, cung đình, lao động, sinh hoạt xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật này được sắp xếp theo niên đại từ thế kỉ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỉ 19, bao phủ cả một khu vực rộng lớn: Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Tây Tạng, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Myanma và Thái Lan…
 Ở các khu vực trên, tôi đi lướt qua, thậm chí có phòng chỉ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Rất tiếc. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được ảnh hưởng  truyền thống tôn giáo Ấn Độ, một quốc gia không hề có dã tâm bành trướng xâm chiếm quốc gia nào, không giống như “Thiên triều Trung Quốc”, nhưng những giá trị tinh thần và vật chất của nó vẫn lan tỏa mạnh mẽ tới khắp các quốc gia trong khu vực.
 Hai lần đến thăm một bảo tàng của một bang nhỏ mà vẫn chưa thăm được hết. Cả một khu vực châu Mỹ tôi chưa hề động đến. Bảo tàng của họ là bảo tàng mang tầm vóc của nhân loại. Nếu ai yêu thích nghệ thuật mà được đến thăm bảo tàng nghệ thuật ở New York thì tôi chắc sẽ có cảm giác giống như tôi: Choáng ngợp, choáng ngợp đến sốc trước vẻ đẹp kỳ vĩ của nó. Cho đến tận ngày hôm nay tôi mới hiểu thêm tại sao nước Mỹ lại trở thành một siêu cường, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật mà còn là một siêu cường quyến rũ bởi sức mạnh mềm/ quyền lực mềm (Soft power) về văn hóa.







0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.