Nghĩa trang liệt sỹ A Lưới

Leave a Comment

 Hôm nay chúng tôi lại trở về A Lưới. Mỗi lần quay lại đây chúng tôi đều bồi hồi xúc động. Bao nhiêu kỷ niệm một thời lại ùa về. Chúng tôi đã bàn với nhau năm tới sẽ ở lại đây vài ngày. Ngoài việc thắp hương cho đồng đội, sẽ dành thời gian thăm lại một số địa điểm diễn ra những trận đánh trên dưới nửa thế kỷ, thăm lại hậu cứ của Sư đoàn 324, thăm địa đạo An Hô, địa đạo A Don, địa đạo Khu ủy Trị Thiên, thăm một số khu du lịch, khu sinh thái A Lưới.

Chúng tôi hỏi nhau tại sao các cựu chiến binh Trị Thiên lại không nghỉ dưỡng ở A Lưới? Nó không thua kém bất kỳ nơi nghỉ dưỡng nào hiên tại. Thậm chí cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử văn hóa các dân tộc, lịch sử chiến tranh còn nổi trội hơn rất nhiều nơi. Vậy mà chúng tôi vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của mình. Điều cơ bản là chúng tôi muốn khởi đầu cho một phong trào du lịch A Lưới trong tất cả các cựu chiến binh Trị Thiên và người thân trong gia đình của mình. Chúng tôi tin A Lưới trong tương lai sẽ trở thành một địa chỉ du lịch lịch sử , văn hóa không thể bỏ qua. Rất tiếc năm ngoái, sau khi dự 50 năm chiến thắng A Bia, chúng tôi không nán lại tham dự Ngày hội du lịch Quốc tế tổ chức tại A Lưới. Có thể mọi người còn có dịp sang thăm nước bạn Lào…
Lần này đi vội quá, chưa kịp viết về A Lưới. Xin đăng lại bài viết để đồng đội đọc trong lúc ở trên xe. Bài này tôi viết vào tháng 12 năm 2018. Bài viết mới còn dang dở xin để đăng sau chuyến đi này.
5h30 trên miền biên cương giáp biên giới Lào, trời se se lạnh. Thi trấn A Lưới nằm trong thung lũng A Sầu vẫn chìm trong hơi sương. Mặc dù dọc con đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn A Lưới đèn điện vẫn thắp sáng, nhưng tầng tầng, lớp lớp sương giăng mờ mịt. Chúng cứ liên tục trôi đi, bay đến, miên man, bồng bềnh bao phủ khắp thung lũng. Nhìn ra xa, từ mặt đất tới bầu trời chỉ thấy một biển hơi mênh mông vô tận, trắng đục.
Đường phố vắng lặng, không một bóng người qua lại. Tứ bề vẫn còn rỉ rả tiếng côn trùng sót lại đêm qua. Đâu đó thoang thoảng mùi hương đặc trưng ngai ngái của rừng núi. Cái khung cảnh này khiến cho người ta có cảm giác đơn chiếc, chỉ còn biết thu mình vào ký ức xa xăm …
Tôi lững thững bước đi, cố gắng đoán định những địa danh năm xưa, nơi từng lưu trú, nơi từng in dấu bước chân gùi đạn, gùi gạo qua Bốt Đỏ, xuôi đường 73, xuống núi Sơn, vượt suối Mẹ, bơi ngược sông Bồ giữ chốt, quần nhau với Trung đoàn 54 Trâu Điên. Tôi cố gắng nhưng không thể tìm thấy dấu tích con đường mòn dẫn lên ngọn đồi có những thân cây đan xen, cao hàng chục mét. Bên dưới tán rừng là những căn hầm tôi từng trú ngụ với anh Tâm, anh Trịnh qua bao ngày đêm, qua mùa mưa dai dẳng. Bùn từ những căn hầm tràn xuống sàn hàng tháng trời… Cái tổ tam tam ấy còn sót lại một mình tôi. Tâm trúng đạn pháo hy sinh đầu tháng 3/1973. Trịnh bị mảnh M79 găm vào sọ não. Tiểu đội huấn luyện mười hai người của tôi bổ sung vào các đại đội của Tiểu đoàn 8 đến nay chỉ còn lại hai người, tôi và Thắng!
Không còn dấu vết nào của một thời đạn bom. Tôi cứ đi dọc thung lũng, đến gần 7h thì tới Nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới. Nghĩa trang nằm trên một khu đất cao bên trục đường Hồ Chí Minh, được xây dựng, tôn tạo lại năm 1986. Có 1600 ngôi mộ. Một số liệt sỹ thuộc Sư đoàn 325. Một số thuộc Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên, trung đoàn pháo, Binh trạm 559, dân quân du kích… Phần lớn còn lại là liệt sỹ thuộc Sư đoàn 324 của tôi từ năm 1966 tới năm 1972. Tôi biết còn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn liệt sỹ còn nằm đâu đó rải rác khắp thung lũng, khắp A Lưới chưa tìm thấy, chưa được quy tập về nghĩa trang này. Thật xót xa! Nhưng biết làm thế nào. Chiến tranh mà! Trong số 1600 ngôi mộ thì có đến hơn 1400 ngôi mộ không tên. Không biết đến bao giờ những người còn sống như chúng tôi mới trả được tên cho các anh, để được gọi tên các anh như những ngày nào!
Trong số các nghĩa trang trên cả nước, có lẽ các nghĩa trang ở Trị Thiên là các nghĩa trang có nhiều ngôi mộ không tên nhất. Trong số các nghĩa trang ở Trị Thiên thì có lẽ nghĩa trang ở A Lưới là một trong những nghĩa trang có nhiều mộ liệt sỹ không tên nhất. Vì sao? Không phải vì trong chiến tranh các đơn vị không làm tốt công tác tử sỹ. Chỉ vì đó là chiến trường ác liệt nhất. Các đơn vị không thể làm được gì hơn khi cả một đơn vị hy sinh. Đơn vị ở đây có thể là một tiểu đội, một trung đội, thậm chí là cả một đại đoi, không còn lấy một người vì bom B52, vì pháo bầy, vì bị bao vây, vì bị phục kích trong chiến trường. Thịt xương tan nát và trong tay kẻ địch thì ai có thể xác định được danh tính.
Tôi được anh Lê Văn Chớ, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát Đặc công Trung đoàn 812 cho biết, số liệt sỹ hy sinh trên địa bàn Thung lũng A Sầu của Sư đoàn 325, Sư đoàn 324 từ năm 1965 đến đầu những năm 1970 được quân và dân trên địa bàn A Lưới quy tập về A So. Nhưng đến năm 1972, B52 Mỹ rải thảm khu nghĩa trang. Hầu như không còn một ngôi mộ nào còn. Các anh đã hy sinh đến lần thứ 2, thứ 3…
Tôi đi vòng quanh khu nghĩa trang. Dọc con đường mòn nhỏ có vài ngôi nhà của người Vân Kiều. Tôi chỉ còn biết nhìn những hàng mộ không tên trong nghĩa trang chạy tới chân đồi. Phía sau các anh là rừng đại ngàn Trường Sơn. Tôi dừng lại trước cổng nghĩa trang. Người quản trang trông thấy, ra mở cửa.
- Tôi nhớ ra anh rồi! Cách đây mấy tháng anh cũng đây đến đây trước một mình. Chắc anh nay anh lại đến viếng thăm đồng đội?
- Vâng, tôi đến trước. Anh em đồng đội đến sau.
Tôi biết ngày 17/4/2017 Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lấy mẫu sinh phẩm cho 1160 ngôi mộ không tên tại nghĩa trang A Lưới. Hy vọng rằng gia đình các anh, các chị sẽ sớm tìm được các anh qua xác định AND và chúng tôi sẽ sớm được gọi tên các anh vào một ngày gần đây. Tôi hỏi người quản trang:
- Có nhiều gia đình tìm thấy thân nhân liệt sỹ của mình không anh?
- Không có mấy anh ạ!
Thế mới biết việc bao nhiêu gia đình liệt sỹ ngóng chờ tìm được mộ thân nhân không phải là chuyện đơn giản. Biết bao người mẹ, người vợ, người thân trong gia đình mòn mỏi đi tìm các anh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi đi rồi. Biết đâu mà tìm! Hàng vạn, hàng chục vạn người mẹ, người vợ đã ra đi mang theo hình bóng của các anh. Đồng đội các anh cũng vậy. Chỉ biết thắp nén nhang chung trong ngày 27/7 hàng năm!
Trong số những gia đình may mắn tìm được thân nhân ở A Lưới, có gia đình anh Liệt sĩ Phan Hữu Khải, sinh năm 1953, quê ở Hà Nội. Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh đã cùng với anh em cùng trang lứa chúng tôi vào chiến trường. Anh được biên chế vào Trung đoàn 1, sư 324 thuộc Quân khu Trị Thiên. Anh hy sinh năm 1972 tại điểm cao 66 gần sân bay dã chiến của địch, đối diện dãy núi Ca Va thuộc huyện A Lưới…
Để tri ân các anh hùng liệt sĩ huyện A Lưới và đặc biệt là người anh trai thân thương hy sinh anh dũng, gia đình Trung tướng Phan Hữu Tuấn cùng chị gái, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tặng tấm bia đá mang dòng chữ “Tưởng nhớ các liệt sĩ và em trai Phan Hữu Khải đang an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới”. Tấm bia đá này được đặt sau cổng nghĩa trang, trọng lượng 22,5 tấn, rộng 3,3m, cao 3,3m. Trên tấm bia đá có khắc bài thơ Hương thầm, chị Nhàn đã sáng tác bài thơ này sau ngày em trai mình lên đường vào Nam chiến đấu. Tôi xin chép lại bài thơ:
Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin ,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy ...)

Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp

Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi

Mặc dầu biết bài thơ này từ lâu, từ khi nó vừa ra đời nhưng đọc lại bài thơ ở nghĩa trang A Lưới tôi vô cùng xúc động. Tôi có thêm cảm nhận mới về bài thơ. Nó không chỉ thể hiện được nỗi lòng thầm kín, tinh tế của người ở lại hậu phương với người ra mặt trận và người ra mặt trận với người ở lại quê hương mà còn phản ánh khát vọng tình yêu luôn tỏa hương trong tâm hồn lớp thanh niên thời chống Mỹ cứu nước.
Bây giờ với tôi, hình tượng hoa bưởi, một thứ cây phổ biến ở các làng quê của 1600 liệt sỹ tuổi hai mươi tại nghĩa trang A Lưới, sẽ luôn có bóng dáng của những người con gái yêu thương của riêng các anh, như các anh đã từng yêu từng nhớ người con gái mà các anh đã kể cho nhau nghe trước giờ ra trận. Các anh sẽ không bao giờ đơn chiếc vì mỗi khi ra Giêng xuân về, cũng là lúc bưởi ra hoa. “Đầu làng, cuối xóm, ngào ngạt hương thơm, loài hoa âm thầm tỏa hương đến kỳ lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, chưa thấy bóng hoa đã ngây ngất mùi thơm thanh khiết”. Nó mãi mãi thầm kín, lặng lẽ nhưng nồng nàn giống như tình yêu chưa ngỏ lời của các anh, giống như tình yêu vĩnh hằng của các anh dành cho non sông đất nước này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.