Những bằng chứng lịch sử và thực địa về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Leave a Comment

Để lấy tư liệu cho một bài viết tôi nhờ nhà báo Thanh Vũ mượn cho cuốn Đại Việt sử ký tục biên của Lê Quý Đôn. Cuốn sách này nối tiếp bốn tập Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội biên soạn và xuất bản năm 1973 (in lần thứ hai có sửa chữa). Có thể nói đây là hai trong số những cuốn sử chính thống ghi chép lại các sự kiện lịch sử của Việt Nam dưới thời các triều đại phong kiến Việt Nam. Cụ thể về thời gian là từ Kỷ Hồng Bàng cho đến hết thời Lê-Trịnh.
Tình cờ tôi đọc được một trang tư liệu quý xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được Lê Quý Đôn ghi lại vào thời Hiển Tông Vĩnh Hoàng Đế (Tư liệu này đã được một số nhà nghiên cứu lịch sử và các cấp chính quyền công bố để chứng minh chủ quyền của Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa). Tôi xin trích lại nguyên văn:
“Năm Giáp Tuất, Cảnh Hưng năm thứ 15 (1754), mục 17: Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh, Huyện Bình Sơn Phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương phủ Lô Châu (Trung Quốc thời nhà Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trở về nguyên quán. Chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng Hầu viết thư đáp lại nước Thanh.
Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo lớn gồm hơn 130 cái (trùng với số đảo tại Quần đảo Hoàng Sa hiện nay), cách nhau một ngày đi thuyền, hoặc vài trống canh. Trên đảo có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, nước trong. Đảo ấy có vô số tổ yến. Ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi… Đặt đội Hoàng Sa (Chúa Nguyễn) gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội, cắt lượt nhau đi thuyền đến xứ ấy tìm mò sản vật. Mỗi năm cứ tháng 3 ra đi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền ra biển 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kỳ tháng 8 thuyền về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, và nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá…”
Như vậy là vào năm 1754 (cách đây 266 năm), tài liêu trên và các tài liệu lịch sử dưới thời thời các chúa Nguyễn, sau đó là thời nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia xác định chủ quyền đối với hai quần đảo này (tài liệu, bản đồ, ghi chép của các nhà truyền giáo, nhà buôn, thám hiểm phương Tây cũng xác nhận về vấn đề này. Trung Quốc sau khi xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa đã hủy toàn bộ các mốc và bia xác định chủ quyền của nhà Nguyễn). Tài liệu trên cũng hoàn toàn khớp với các bộ sách lịch sử Trung Quốc qua các thời đại, biên giới tận cùng về phía nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Tài liệu trên cũng khẳng định nhà Thanh hoàn toàn công nhận chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa khi tra xét tám người thuộc Hải đội Hoàng Sa “bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan, huyện Văn Xương phủ Lô Châu (Trung Quốc thời nhà Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trở về nguyên quán. Sự thực này tồn tại cho đến hết chiến tranh thế giới thứ hai. Trung Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông. Chỉ vào đầu những năm 1970, Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa căn cứ vào đường đứt đoạn của một kẻ hoang tưởng trong chính quyền Quốc dân đảng vẽ ra theo trí tưởng tượng, họ mới đòi hỏi “quyền lịch sử”, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong cái bản đồ “đường lưỡi bò”. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng lực lực lượng hải quân xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 từ tay Việt Nam Công hòa (Chính quyền Sài Gòn), tiếp tục xâm chiếm 7 đảo trên Quần đảo Trường Sa của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1988.
Năm 2016 Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài đã tuyên bố: i. Trung Quốc không có quyền lịch sử. ii. Trung Quốc không có vùng nội thủy và lãnh hải đối với các thực thể và yêu sách trên Biển Đông. iii. Trung Quốc cần phải điều chỉnh các tuyên bố lãnh hải phù hợp với phán quyết.
Tuy nhiên Trung Quốc đã trơ tráo phủ nhận, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Họ đã quân sự hóa các đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hòng độc chiếm Biển Đông, độc chiếm tuyến vận tải chiến lược quốc tế, độc chiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông.
Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong một số bài viết trên Facebook nên không muốn nhắc lại cái chính sách bành trướng bá quyền và tham vọng ngông cuồng của Bắc Kinh thêm nữa. Tôi chỉ muốn đề cập đến khía cạnh thực địa liên quan đến trang tư liệu mà cuốn Đại Việt Sử ký tục biên đã ghi chép.
Ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi có một ngôi đền, đền Âm Linh tự, nơi tưởng nhớ những người từng ở Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh khi đi làm “nhiệm vụ” trên biển. Đền được xây dựng vào giữa thế kỷ 17, phía sau lưng tựa vào núi Hòn Tai, mặt chính diện nhìn ra biển. Có nhiều câu đối trong đền ca ngợi vẻ đẹp của ngôi đền và hòn đảo, ca ngợi công lao các vị tiền nhân, và đặc biệt là tưởng nhớ đến sự hy sinh của những người trong Hải đội Hoàng Sa.
Phải đi tàu biển đến Lý Sơn, tìm hiểu thực địa, tìm hiểu về số phận không may của những con người đi làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 lênh đênh sóng nước, người ta mới hiểu xưa kia đi tới Hoàng Sa, cái chết luôn cận kề, nhưng đó là nhiệm vụ người lính thời nào cũng phải chấp nhận:
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”
Theo các bài viết và qua lời kể của những người dân Lý Sơn, tôi được biết trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài lương thực chuẩn bị cho 6 tháng, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi người trong Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị một đôi chiếu, bảy nẹp tre, bảy sợi dây mây (theo quan niệm người đàn ông có bảy vía), một thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.
Nếu không may người nào đó qua đời thì những người bạn và đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc bảy thanh tre rồi buộc chặt lại bằng bảy sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, người ta đem thi hài thả xuống biển.
Âm linh tự không chỉ là nơi tưởng nhớ những người từng hy sinh ở Hải đội Hoàng Sa mà còn là là nơi ngư dân trước khi ra biển chài lưới mưu sinh, hoặc những người tha phương cầu thực đến xin thần thánh và linh hồn những người đã khuất phù hộ độ trì để họ được bình an, được được tôm cá đầy thuyền...
Ngày nay, khách du lịch khắp đất nước có dịp đến với Lý Sơn thường đến Âm linh tự cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện sức khỏe, bình yên, tài lộc cho gia đình. Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa làm phong phú thêm, phổ quát thêm nét văn hóa của người dân Lý Sơn. Tôi cho rằng Âm linh tự không còn là của riêng người dân Lý Sơn. Nó trở thành tài sản chung của tất cả con dân đất Việt.
Nếu tìm hiểu sâu hơn, trên đảo Lý Sơn còn có những ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố. Dân gian gọi là mộ gió. Mộ gió là những ngôi mộ của người dân đi biển chết không còn xác, trong đó có những người trong Hải đội Hoàng Sa.
Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của Hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.
Xót thương những người vì nước quên thân, triều đình phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng phụng mệnh vua theo đoàn người ra đảo. Ông thầy đã cho người lên núi Giếng Tiền, lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn đất thành hình nhân người chết. Thầy pháp theo lời kể của thân nhân người mất nặn tượng hình người quá cố, đến khi người thân của người quá cố cho rằng giống người chết mới thôi. Sau đó thầy pháp lấy lòng đỏ trứng gà phết khắp hình nhân để khô đi, lớp lòng trứng trông giống như da người. Thầy lấy cây dâu làm xương sườn, xương tứ chi và nội tạng. Tiếp theo, người thân mặc quần áo và đồ liệm.
Nặn xong 25 hình nhân của 25 người lính, thầy pháp lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất rồi cho dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ gió.
Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Cai đội Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó không ghi tên tuổi. Họ thực sự là những người anh hùng vô danh, những nghĩa sỹ hy sinh vì đất nước.
Như vậy là từ lịch sử tới thực địa, chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa, những chứng cứ lịch sử và thực tế trên không ai có thể bác bỏ được. Những chứng cứ trên tôi nghĩ Chính quyền Trung Quốc có đốt đuốc đi tìm cũng không thể tìm đâu ra được trong kho tàng lịch sử và trên đất nước họ. Nếu Chính quyền Trung Quốc từ thời Mao Trach Đông đến Tập Cận Bình, chỉ cần đến Lý Sơn, chỉ cần đọc một trang tư liệu, chỉ cần nhìn thấy đền Âm linh tự, một số ngôi mộ gió, chắc họ sẽ hiểu ra đôi điều về sự thực lịch sử, về chủ quyền lịch sử. Đáng tiếc là tư tưởng bành trướng đã khiến Trung Nam Hải, giới quân sự, khiến một số học giả Trung Quốc trở thành những con người vừa mù, vừa điếc, những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.