Chiến dịch Đường 9 Nam Lào sau 50 năm nhìn lại

Leave a Comment

 Chiến dịch Đường 9-Nam Lào sau 50 năm nhìn lại

Tháng Ba khép lại với bao sự kiện đáng ghi nhớ. Với những người lính già đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, có lẽ không ai có thể quên những kỷ niệm ba tháng mùa Xuân năm 1971 trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào. Ở phương diện nhà nước, kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, tại thành phố Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9- Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực.
Theo ban tổ chức, việc tổ chức hội thảo này nhằm mục đích “nghiên cứu, đánh giá, phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cuối năm 1970 và đầu năm 1971; phân tích âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền, quân đội ngụy trong thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”. Bên cạnh đó, hội thảo cũng khẳng định “tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước tình hình Mỹ và chính quyền, quân đội nguỵ thay đổi chiến lược từ chiến lược chiến tranh cục bộ sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”... Các đại biểu phát biểu tham luận đã đề cập “một cách đa dạng, xoay quanh chủ đề, mục đích hội thảo”; thảo luận “khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng”…
Đọc lại tổng quan và một số bài viết sau 50 năm, tôi có dịp suy nghĩ, nhìn nhận lại đôi điều đã định hình về chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Lần trước kỷ niệm 45 năm, chúng tôi có dịp quay lại con đường 9 (chuyến đi có Thiếu tướng Lê Huy Mai và Đại tá Hồ Hữu Lạn, những cán bộ dày dạn chiến trận của Sư 324 tham dự chiến dịch Đường 9- Nam Lào, dẫn anh em cán bộ chiến sỹ thăm lại chiến trường xưa), dừng lại ở một số địa danh tiêu biểu như Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9,
Đông Hà, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, Thị trấn Lao Bảo, bản Đông và Bảo tàng Bản Đông. Tôi đã trao đổi với anh em một nhận xét mang tính chất cá nhân: “Chiến thắng Đường 9- Nam Lào đã hoàn toàn thay đổi cục diện chiến trường, đã xoay chuyển thế và lực của ta và địch” không phải theo sách báo của ta mà theo một số tài liệu của phía bên kia chiến tuyến.
Khi thăm Bảo tàng Bản Đông (Bảo tàng nằm trên địa giới tỉnh Xavannakhet, Lào, cách Lao Bảo khoảng 20km), tôi nhận thấy bảo tàng mới chỉ đưa ra cái nhìn một chiều, thuần theo quan điểm “chính thống” Việt-Lào, không có cái nhìn về chiến dịch này của phía đối phương. Cho nên người xem chưa có được cái nhìn nhiều chiều. Tính thuyết phục chưa cao, nghiêng về hình thức tuyên truyền. Đọc lại tổng quan và một số bài viết trong cuộc hội thảo lần này, tôi vẫn có cảm nhận như vậy (mặc dù có một bài viết của Phó giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế với tiêu đề “Đối phương thừa nhận sự thất bại trong cuộc hành quân Lam Sơn 719”). Nhưng tôi cho rằng một tham luận theo hướng nhìn nhận của đối phương vẫn chưa đủ.
Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào diễn ra trên một không gian rộng lớn và diễn ra trong khoảng thời gian tương đối dài (50 ngày đêm từ ngày 30/1 đến ngày 23/3/19710). Chiều dài tác chiến của cả hai bên khoảng trên 130km theo hướng đông - tây, từ Đường 9 địa phận Việt Nam tới Mường Phìn, Pha Lan, Lào. Chiều rộng theo hướng bắc- nam tại Việt Nam khoảng 30km, trên địa phận Lào từ Mường Trương tới Mường Noọng khoảng gần 60 km. Địa hình tác chiến bao gồm khu vực đồng bằng, đồi núi trung du xen kẽ núi cao rừng rậm. Ở những khu vực này địch đã tập kết hàng chục trung đoàn, hàng chục trận địa pháo, sân bay dã chiến các loại ở Ðông Hà, Khe Sanh, Cam Lộ, Lao Bảo, chuẩn bị cho cuộc tiến công nhằm vào các mục tiêu chiến lược chủ yếu của ta ở Ðường 9 - Nam Lào. Nhìn chung địa hình và không gian, thời gian khá thuận lợi cho việc mở đường, triển khai binh lực, vũ khí, khí tài trong tác chiến hiệp đồng binh chủng của cả hai phía ta và địch.
Theo cách gọi của Việt Nam Cộng hòa Cuộc hành quân Lam Sơn 719 hay là Cuộc Hành quân Hạ Lào là một trong những chiến dịch lớn nhất trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện với sự yểm trợ của không quân, pháo binh Mỹ cùng một bộ phận bộ binh Mỹ trên đất Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch phía Mỹ ngụy là nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Lào và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Xê pôn, nằm cách biên giới Việt-Lào hơn 40 km. Chiến dịch này còn là một thử nghiệm về khả năng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể tự chiến đấu trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam, một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Theo số liệu của phía bên kia, Chiến dich Lam Sơn 719 ban đầu địch huy động 17.000, sau tăng lên 21.000 quân, bao gồm 3 sư đoàn ngụy, nhiều đơn vị pháo binh, công binh đặc nhiệm ngụy độc lập, cùng với 10.000 quân hỗ trợ ở tuyến sau; cộng với 450 xe tăng, xe thiết giáp, 250 khẩu pháo, hàng trăm máy bay và trực thăng. Quân Mỹ bao gồm 10.000 quân, 800 trực thăng, 300 máy bay cường kích, 50 máy bay vận tải và 50 máy bay ném bom chiến lược B-52 (ném tổng cộng 52.000 tấn bom). Ngoài ra còn có Quân Hoàng gia Lào tham chiến với khoảng 4.000 quân. Tổng cộng quân địch có khoảng 50.000 quân. Phía Quân đội Việt Nam có khoảng 50.000 đến 60 nghìn quân, bao gồm 5 sư đoàn cùng các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559 (có một số lượng không rõ quân Pathet, Lào), trong đó có một số đơn vị đặc công, pháo binh, phòng không, tên lửa, công binh, xe tăng: 88 chiếc (số liệu của chúng ta và của phía bên kia rất khác nhau)…
Có thể nói đây là một cuộc đối đầu thể hiện tất cả sức mạnh tổng hợp của cả hai bên. Bên thắng, bên thua không chỉ thể hiện ở số lượng quân bị loại khỏi vòng chiến đấu mà còn thể hiện ở việc bên nào giành được mục tiêu chiến lược của mình. Mặc dù con số hai bên đưa ra rất khác nhau, nhưng theo một số tài liệu và thống kê của Wikipedia mọi người có thể tạm chấp nhận được. Có 3 sư đoàn quân ngụy bị tổn thất nặng nề, trong đó có hai lữ đoàn bị tiêu diệt gọn. Cụ thể có 8.483 binh lính chết, 12.420 bị thương, 625 mất tích, 1.142 bị bắt. Quân Mỹ có 253 binh lính chết, 1.149 bị thương, 38 mất tích. Tổn thất trang bị: 7 máy bay, 108 trực thăng bị phá hủy, 618 trực thăng bị bắn hỏng, 71 xe tăng, 163 xe thiết giáp, 37 xe công binh, 278 xe tải bị phá hủy hoặc bị tịch thu, 96 đại bác, gần 100 súng cối cỡ lớn, 1.577 radio, 418 súng cỡ lớn bị phá hủy hoặc tịch thu, 43 tàu xuồng, xà lan bị đánh chìm. Thống kê của phía Việt Nam theo tài liệu đã dẫn có 2.163 binh sỹ hy sinh, 6.176 bị thương. Tổn thất trang bị: 11 xe tăng bị bắn hỏng.
Đối chiếu kết quả bao gồm số liệu binh sỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu (quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu gần 50 phần trăm số quân trực tiếp tham gia chiến đấu)và không đạt một mục tiêu chiến lược sau chiến dịch, Chiến thắng Đường 9-Nam Lào đã làm thất bại sự nỗ lực cao nhất của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn nhằm ngăn chặn, chấm dứt sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ (theo nhận định chung của phía Việt Nam). Chiến thắng này còn làm thay đổi cục diện chiến trường, thay đổi thế của ta và của địch (nhận xét của cá nhân tôi, nhận xét của một số giáo trình lịch sử và một hai bài viết bài viết trong hội thảo 50 năm của phía Việt Nam).
Còn về phía đối phương, hầu như các tác giả phía bên kia chiến tuyến đều thừa nhận sự thất bại về mặt chiến lược, chiến thuật của Chiến dịch Lam Sơn 719. Qua một số tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, tôi thấy họ cũng đều thừa nhận cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã thất bại thảm hại, thất bại và sai lầm trong việc xây dựng kế hoạch lẫn việc chỉ đạo kế hoạch tác chiến. Là cuộc hành quân quy mô lớn nhất của ngụy quân Sài Gòn cho đến năm 1971 nhưng Lam Sơn 719 “đã bị đánh bại trước khi nó dự định đạt được các mục tiêu đã định ban đầu”.
Do những sai lầm vốn có trong hệ thống chỉ huy của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, do nhu cầu bảo đảm bí mật làm hạn chế việc lập kế hoạch chu đáo, và do sự hạn chế của các giới chỉ huy quân sự và chính trị của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trước thực tế thực tế chiến trường, và do sự thực hiện yếu kém, Chiến dịch Lam Sơn 719 đã sụp đổ khi đối mặt với sự phản kháng kiên quyết và khôn khéo của “Quân Giải phóng miền Nam”. Chiến dịch này là một thảm họa đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm tiêu tan những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội này, và phá tan sự tự tin đã được xây dựng trong ba năm trước đó (Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến, Sư đoàn 1 Bộ binh bị tổn thất nghiêm trọng. Trong đó, Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến được đánh giá là 2 sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam Cộng hòa).
Chiến dịch Lam Sơn 719 đánh dấu bước phát triển mới của Quân Giải phóng miền Nam. Chiến sự bùng nổ ở Hạ Lào không giống như bất cứ trận chiến nào trước đó trong Chiến tranh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam “bỏ chiến thuật cũ” và tiến hành phản công theo kiểu chiến tranh chính quy truyền thống. Lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh với sự yểm trợ của xe tăng và pháo binh hạng nặng để đè bẹp các vị trí của QLVNCH tại các cánh sườn của tiền đội chính. “Sự hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không đối phương” đã khiến cho việc cho việc yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ trở nên khó khăn và chịu rất nhiều thiệt hại.
Quân Giải phóng miền Nam đã dự đoán chính xác phía liên quân sẽ tổ chức một chiến dịch quân sự trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và bày sẵn thế trận tiêu diệt và tiêu hao đối thủ. Trong thời gian đầu của chiến dịch, Quân Giải phóng miền Nam cố gắng tìm cách giấu lực lượng để đối “phương tiến về phía tây”, chỉ đến khi không còn giữ được bí mật, mới tiến hành trận đánh đại phá bản Đông. Điều đó cho thấy Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã thất bại "từ trong trứng". Hoặc nói theo một cách lập luận khác, Việt Nam Cộng hòa biết chắc thất bại nhưng vẫn tiến hành chiến dịch đẫm máu vì những lý do chính trị, như lời của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: "chỉ cần đến Xê pôn rồi rút về".
Ðể cứu vãn tình thế hoàn toàn thất bại của cuộc hành quân, thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã cử A.Hây-giơ, Cố vấn Nhà trắng đến thị sát cuộc hành quân. Sau khi xem xét diễn biến ở chiến trường Ðường 9 - Nam Lào, A.Hây-giơ phàn nàn về sự kém hiệu quả của quân ngụy Sài Gòn về "Cuộc hành quân không nhận được cách chỉ huy và quản lý theo kiểu của Mỹ, mà lẽ ra cuộc hành quân này phải có". Và điều quan trọng hơn, A.Hây-giơ kết luận rằng "Việt Nam hóa sẽ không bao giờ thành công nếu không có một số lớn quân Mỹ" (tài liệu được trích trong Từ điển Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh về Chiến dịch Lam Sơn 719).
Trong bbbài tham luận của Phó giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Hiếu tại Đông Hà, ông có khái quát một số những sai lầm của địch qua các tài liệu của đối phương mà ông thu thập được. Đối phương cho rằng thất bại của chiến dịch còn này bắt nguồn từ nhiều sai lầm chủ yếu sau:
Một là, dự tính khả năng của đối phương không chính xác, bao gồm đánh giá lực lượng chiến đấu tại chỗ, lực lượng pháo binh, pháo phòng không, lực lượng tăng thiết giáp, khả năng năng tăng viện chiến trường… Khi xây dựng kế hoạch, đối phương ước tính phía ta chỉ có 11.000 đến 12.000 quân trong khu vực, trong đó chỉ có khoảng 50% là lực lượng chiến đấu. Và địch cho rằng phải mất 1 tháng sau chúng ta mới có thể đưa được 1 sư đoàn từ miền Bắc vào chiến trường. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ trong vòng 2 tuần, đã có đến 5 sư đoàn Quân giải phóng miền Nam tham gia chiến đấu (Sư 304, 308, 320, 324 và Sư đoàn 2) cùng với lực lượng tại chỗ ở B4, B5 và đường dây 559 . Ngụy quân Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ bởi sự áp đảo về hỏa lực pháo binh, phòng không và đặc biệt là sự tham chiến của các loại xe tăng có những tính năng vượt trội của phía Việt Nam.
Hai là, dự báo thời tiết không chính xác, thời tiết tại khu vực hành quân thay đổi thất thường, mưa lạnh, mây mù dày đặc khiến việc chuyển quân bằng trực thăng, sự yểm trợ và can thiệp bằng hỏa lực của không quân chiến thuật bị hạn chế rất nhiều. Cũng do thời tiết thất thường, hỏa lực phòng không đối phương quá mạnh nên việc tiếp tế cho các đơn vị quá chậm trễ khiến một số đơn vị bị đói, khát, do đó gây nên sự mất niềm tin của binh sĩ trong lúc hành quân.
Ba là, những yếu kém về chiến thuật, thể hiện qua các mặt sau: Nhu cầu của cuộc hành quân chiến lược đòi hỏi phải chiếm Xê Pôn nhanh để củng cố chỗ đứng, ở lại lâu ngày để lùng sục tiêu diệt và phá hủy toàn bộ hệ thống tiếp vận của đối phương cho chiến trường miền Nam, nhưng việc xử lý tình huống kém, bị Quân giải phóng chia cắt, ngăn chặn mà không có cách nào để vượt qua…
50 mươi năm đã trôi qua, từ các tài liệu của hai phía, đặc biệt là các tài liệu của Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn chúng ta càng có cơ sở lý luận và thực tiễn khẳng định vai trò và ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Nó là tiếng chuông báo tử cho Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, một chiến lược đầy rẫy những mâu thuẫn, mâu thuẫn cơ bản giữa yêu cầu rút nhanh quân Mỹ về nước với yêu cầu quân ngụy và hỏa lực Mỹ phải giành thắng lợi quyết định trên chiến trường. Đúng như Phó tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ đương thời đã nhận xét, một đội quân chiến đấu mà phụ thuộc vào quân đội Mỹ cả về tham mưu, hậu cần, trinh sát, tình báo… thì khó có thể trụ vững trên chiến trường. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào sẽ mãi là một mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Nó góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.