Tiếng nói và hành động của ASEAN về tình hình Myanmar

Leave a Comment

 Tiếng nói, hành động của ASEAN về tình hình ở Myanmar

ASEAN là 5 chữ cái viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, còn được gọi là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Thành lập vào tháng 8 năm 1967 tại Băng Cốc Thái Lan, ASEAN được coi là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại ASEAN có 10 thành viên. 5 quốc gia sáng lập: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Các quốc gia gia nhập sau: Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia.
Cũng giống như khoảng 3 nghìn tổ chức khác trên thế giới, ASEAN có tôn chỉ, nguyên tắc và mục đích riêng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực, thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường xây dựng cộng đồng khu vực hòa bình, thịnh vượng. Nội dung tôn chỉ và nguyên tắc của ASEAN khá dài. Tôi chỉ nêu những những nguyên tắc cơ bản, những nguyên tắc ngăn cản tổ chức này can thiệp vào các quốc gia thành viên khi mỗi thành viên trong hiệp hội có “vấn đề”.
Điều 2 Hiến chương ASEAN nêu ASEAN và các quốc gia thành viên hoạt động theo nguyên tắc:
- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của các quốc gia thành viên.
- Cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
- Không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hay các hành động khác dưới bất kỳ hình thức nào khác trái với luật pháp quốc tế.
- Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.
- Tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên được quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp và áp đặt từ bên ngoài.
- Tăng cường tham vấn về các vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung.
Khi hình thành ASEAN, các nhà sáng lập ban đầu đã đề xuất “phương cách/thức ASEAN” để đảm bảo sự linh hoạt và khả năng thích nghi của hiệp hội; cho phép tập hợp lực lượng của các nước khu vực Đông Nam Á và có thể duy trì sức sống và sự phát triển lâu dài của tổ chức. “Phương cách/thức ASEAN” thực chất là một tiến trình ra quyết định của hiệp hội dựa trên nguyên tắc “đồng thuận”, tức là phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên, không theo nguyên tắc đa số, không giống với bất kỳ tổ chức, diễn đàn nào trên thế giới. “Phương cách/ thức ASEAN” có đặc điểm là ra quyết sách dựa trên tham vấn, thuyết phục và đối thoại; mức độ ràng buộc thấp, không chỉ trích đích danh các thành viên, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi.
Có thể thấy nguyên tắc đồng thuận là một trong những giá trị của ASEAN, đã trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của ASEAN. Nó giữ được sự đoàn kết, nhất trí trong nội khối về nhiều vấn đề. Tuy nhiên nó có những hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu chính đáng của các thành viên cũng như yêu cầu của thời đại (không bảo vệ được quyền lợi của các thành viên khi bị cường quốc bên ngoài xâm phạm chủ quyền, không quyết định được những vấn đề quốc tế có liên quan đến quyền lợi của các thành viên, không thống nhất ra được tuyên bố trước Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa, không ra được tuyên bố khi Trung Quốc vi phạm chủ quyền của các nước thành viên, trong đó có Philippines và Việt Nam).
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh tình hình đang thay đổi như hiện nay, tôi nghĩ ASEAN cần có những điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm sự linh hoạt, sức sống và khả năng thích nghi, ứng phó của ASEAN trước những thách thức và vận hội mới trong tình hình cạnh tranh nước lớn ở khu vực. Chẳng hạn như vấn đề mới nhất hiện tại, ASEAN cần phải có quan điểm lập trường, tiếng nói và hành động rõ ràng về tình hình Myanmar, không thể kẹt giữa Trung Quốc và phương Tây (xin xem bài viết trước của tôi “Một vài nét về tình hình Myanmar” trong trang Facebook này), chỉ ra những tuyên bố chung chung, nước đôi.
Kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính, phế truất và bắt giam một số lãnh đạo chính quyền hợp pháp dân sự, cho đến ngày hôm nay, tình hình Myanmar vẫn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Quân đội, cảnh sát thẳng tay đàn áp hàng trăm ngàn người biểu tình chống đối trên khắp đất nước. Hơn 60 người đã bị bắn chết. Hơn 1800 người đã bị bắt.
Mỹ và phương Tây coi đó là hành động soán ngôi quyền lực, đi ngược lại ý nguyện của đa số cử tri Myanmar. Họ đã phản ứng gay gắt, kêu gọi tất cả các nước lên án hành động đảo chính của giới quân phiệt, không công nhận chính quyền quân đội Myanmar, cùng nhau hành động nhằm khôi phục chính quyền dân chủ Myanmar; kêu gọi tất cả các nước lên án bạo lực và áp đặt lệnh trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp quân đội Myanmar; cắt mọi nguồn viện trợ và phong tỏa tài chính…
Đối lập với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc cho đó là cuộc cải tổ nội các. Trung Quốc đã ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố lên án hành động đảo chính ở Myanmar; bí mật viện trợ cho Myanmar. Lý do của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar. Nhưng lý do thực sự là Trung Quốc sợ bị tổn hại đến lợi ích kinh tế và chiến lược của mình ở Myanmar. Trung Quốc không muốn có một Myanmar thống nhất, hùng cường thân phương Tây. Và còn một lý do đằng sau nữa là trong quá khứ và hiện tại, Trung Quốc cũng đàn áp, giết hại người biểu tình còn dã man, khủng khiếp hơn quân đội Myanmar (dùng cả một binh đoàn đoàn xe tăng nghiền chết tất cả sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, bắt giữ thủ tiêu hàng triệu người theo Pháp luân công, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, trấn áp giam giữ người biểu tình ở Hồng Kông). Trung Quốc không thể lên giọng với Myanmar (dù quân đội Myanmar có giết chết hàng ngàn, hàng vạn người biểu tình) vì họ không thể đốt đuốc soi chân mình khi quân đội Myanmar hỏi ngược lại bao nhiêu người biểu tình bị quân đội và cảnh sát Trung Quốc đã bị giết hại trong quá khứ và hiện tại.
Ngày 2/3 ASEAN đã tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng. Ngay trước cuộc họp tôi đoán ASEAN không thể ra tuyến bố tỏ rõ lập trường phản đối hay ủng hộ cuộc đảo chính. Và đúng là như vậy. Các ngoại trưởng ASEAN không thể phá vỡ cam kết nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” theo Điều 2 Hiến chương 2 ASEAN.
Tôi được biết qua nguồn tin báo chí nước ngoài, một số nước như Indonesia, Malaysia, Singapore muốn đưa ra lập trường gay gắt hơn, muốn cùng nhau khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Các nhà lãnh đạo này không muốn đốm lửa từ Myanmar lan sang chính trường nước mình. Đã có quá nhiều người tị nạn Hồi giáo chạy sang Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ. Đã có hiện tượng phe đối lập ở một số quốc gia trong ASEAN kêu gọi người dân nước mình hãy học tập người dân Myanmar xuống đường biểu tình… Sự bất ổn ở Myanmar thực sự đã tác động đến hòa bình và ổn định của khu vực. Nhưng cuối cùng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cũng chỉ có thể thúc giục quân đội Myanmar trả tự do cho các nhà lãnh đạo, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi; dừng sử dụng vũ khí sát thương vào người biểu tình và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Họ kêu gọi Myanmar hãy kiềm chế và đối thoại (cũng na ná như tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc).
Trên thực tế, các nước ASEAN là những người láng giềng. Với thế giới ASEAN là người trong cuộc. ASEAN không thể không lên tiếng và hành động, nhưng ASEAN không thể công khai thúc ép Myanmar quá mức do thiếu sự nhất trí về cách tiếp cận của các nước thành viên. Có ý kiến đưa ra không nên coi tư cách thành viên ASEAN của Myanmar vì hành động của giới quân đội đã gây phương hại đến lợi ích chung của toàn khối. Nhưng đa số cho rằng còn quá sớm để đề cập đến vấn đề này. Đa số các nước trong ASEAN ý thức được hành động của mình có thể giống như sự can thiệp vào công việc chính trị của Myanmar. Chính cái nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đã làm ASEAN bất lực trong một số vấn đề đã qua và có thể hiện tại là về Myanmar.
Ngoài việc bị trói buộc do những nguyên tắc, ASEAN còn đề phòng việc bị lôi kéo vào trò chơi quyền lực của Mỹ và Trung Quốc. Hai thế lực này hùng mạnh hơn ASEAN quá nhiều; có tầm ảnh hưởng lớn tới tất cả các nước trong khối ASEAN. Họ đang tìm kiếm các đòn bẩy để gây áp lực lớn hơn hay giảm áp lực đáng kể lên Myanmar.
Mỹ biết rằng hành động của mình, dù có kết hợp với tất cả các nước phương Tây vẫn không xoay chuyển được tình thế ở Myanmar. Chính chính quyền quân đội Myanmar đã tuyên bố họ vốn quen với cấm vận của phương Tây và quen với việc chỉ cần làm bạn với một vài nước (ám chỉ Trung Quốc). Mỹ đang tìm cách xây dựng cách tiếp cận quốc tế, trong đó ASEAN đóng vai trò quan trọng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã hành động theo chiều hướng trên. Cố vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nói chuyện với các đại sứ ASEAN ở Mỹ, kêu gọi các đại sứ ủng hộ việc “khôi phục ngay lập tức” nền dân chủ ở Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ Antony Bllinken cũng hành động như vậy với các ngoại trưởng ASEAN. Người Mỹ biết Myanmar có thể lắng nghe, cùng tham gia với ASEAN hơn là với Mỹ và phương Tây. Và người Trung Quốc cũng biết Myanmar có thái độ như vậy đối với chính mình.
Trong một động thái tương tự, ngày 7/3 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên giảm căng thẳng ở Myanmar. Ông ta bác bỏ cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính. Ông khẳng định cho dù tình hình Myanmar thay đổi như thế nào thì Trung Quốc vẫn quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Myanmar (cho dù đó là một chính quyền tội phạm, giống như trước đây Trung Quốc coi chính quyền diệt chủng Khơ Me đỏ là đại diện của nhân dân Campuchia, tìm mọi cách ngăn cản việc đưa chính quyền này ra xét xử tại tòa án quốc tế). Vương Nghị lên tiếng ủng hộ ASEAN giữ nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ” (chẳng lẽ lần sau nữa chỉ có một mình Trung quốc ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án đảo chính quân sự ở Myanmar) và ra quyết định tập thể dựa trên sự đồng thuận (vì có tay trong) của ASEAN.
Tôi có cảm giác tiếng nói và hành động của ASEAN trong thời gian hơn một tháng qua giống như tiếng nói và hành động của người “đánh đu” trên sợi dây quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đang đặt ra một bài kiểm tra chính sách đối ngoại độc lập theo giá trị riêng của tổ chức khu vực này trong thời gian tới. ASEAN có thể làm gì với vai trò là “trung tâm” trong việc xử lý khủng hoảng ở Myanmar, một vấn đề nội bộ của chính tổ chức trước khi khẳng định đóng vai trò “làm trung tâm trong cấu trúc khu vực”? Một bên là “súng đẻ ra chính quyền” (câu nói của Mao Trạch Đông, lãnh tụ vĩ đại của Trung Quốc), một bên là nền dân chủ pháp quyền phổ quát của phương Tây, ASEAN sẽ ứng xử thế nào để xứng đáng là hy vọng của thế giới trong việc thúc đẩy tình hình ở Myanmar?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.