Cảm nghĩ về lễ hội làng Lệ Mật và Thập tam trại qua một cuộc thi

Leave a Comment

 Cảm nghĩ về lễ hội làng Lệ Mật và Thập tam trại qua một cuộc thi

Nhận lời lãnh đạo một tập đoàn giáo dục, tôi làm giám khảo ngày Hội Công nghệ Thông tin cho Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Ban đầu tôi tưởng làm giám khảo cuộc thi chuyên về STEM vì đã tham gia tham luận về STEM và làm giám khảo STEM cho một số quận huyện ở Hà Nội trước đó. Nhưng khi nhận lời mời chính thức kèm theo Kế hoạch Tổ chức Cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình”, tôi mới nghĩ là mình nhầm. Đây là cuộc thi dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh đam mê làm phim tại các trường học trên địa bàn quận Ba Đình.
Cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình” nhằm tuyên truyền, hỗ trợ việc dạy học lịch sử địa phương, cụ thể là lịch sử quận Ba Đình; nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, hướng tới nền giáo dục số, một nền giáo dục thông minh. Cuộc thi còn nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, truyền thống văn hóa Ba Đình tới các nhà trường, phụ huynh học sinh và người dân. Cuộc thi cũng nhằm thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động viết kịch bản điện ảnh về lịch sử, văn hóa, giáo dục, diễn xuất, quay phim, biên tập…
Thời lượng phim dự thi gói gọn trong khoảng 5 phút. Đề tài về các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tiêu biểu như Hoàng thành Thăng Long, Chùa Một cột, Đền Quán Thánh, Cột cờ, Quảng trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch; các nhân vật lịch sử: Hoàng Phúc Trung, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh; Các làng nghề truyền thống: Làng đúc đồng Ngũ Xã, làng cốm Yên Ninh. Làng thuốc nam Đại Yên, làng hoa Ngọc Hà; lễ hội truyền thống: Lễ hội đình Kim Mã, Giảng Võ, lễ hội Tam thập trại; Ba đình trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuối cùng là giáo dục Ba Đình với chuyển đổi số.
Đọc nội dung kế hoạch và định hướng biểu điểm tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đây mới là chuyên môn sở trường của mình, vì cũng không ít lần tham gia làm giám khảo trong các cuộc thi về lịch sử, văn hóa, lễ hội từ cấp trường học tới cấp quận huyện. Mặc dù với gần 40 tác phẩm dự thi tôi ước chừng chỉ khoảng hai ngày là mình hoàn thành công việc.
Với những người học về lịch sử, văn hóa, đề tài và chủ đề thi như đã nêu trên đều quá quen thuộc. Riêng về nhân vật Hoàng Phúc Trung và lễ hội Thập tam trại thì chắc không phải ai cũng tỏ tường. May mắn tôi đã nhiều lần “điền dã” Hội làng Lệ Mật, tham dự Lễ hội Thập tam trại lớn nhất do Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cùng Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức vào đầu năm 2010 ở núi Sưa/Xưa trong khu vực Vườn Bách thảo quận Ba Đình (lễ hội trong chuỗi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long). Tôi cũng đi điền dã tìm hiểu hầu hết các lễ hội truyền thống và các điệu múa của “Vùng văn hóa Thập tam trại” ở quận Ba Đình, Hào Nam (Đống Đa) nhằm thỏa mãn thú đam mê riêng. Vì vậy có thể nói không có điều gì khiến tôi phải lăn tăn khi nhận làm giám khảo cuộc thi.
Nhớ lại gần 30 năm trước, lần đầu đến làng Lệ Mật, khi đó vẫn là một làng quê như bao ngôi làng ngoại thành thuộc huyện Gia Lâm. Vào làng chúng tôi phải qua một cánh đồng lúa đang thì con gái. Hai bên đường cắm đầy cờ hội tung bay trong tiếng chiêng trống rạo rực. Qua tìm hiểu tôi được biết Lệ Mật xưa có tên là "Trù Mật", một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương) nên tên làng đổi thành Lệ Mật.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, tương truyền vào đời vua Lý Thái Tông (1000-1054), có một công chúa thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Không may một hôm công chúa bị đắm thuyền chết, mất ngọc thể. Vua xuống lệnh cho quan quân tìm kiếm nhưng không ai tìm được. Có một chàng thanh niên họ Hoàng (Hoàng Phúc Trung) ở Lệ Mật tình nguyện ra đi. Chàng đã dũng cảm một mình chiến đấu với thủy quái và cuối cùng đưa được thi thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều vàng bạc, châu báu nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho dân nghèo Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua đồng ý, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu "Thập Tam trại" (tương ứng với 13 làng, sau này là 13 phường phần lớn bây giờ ở quận Ba Đình): Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Ðại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ.
Khai lập được 13 trại xong, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là Trù Mật (một số câu chuyện dân gian ở Khu Thập tam trại lưu truyền có những chi tiết khác, chàng trai họ Hoàng chết ở Thập tam trại, hiện vẫn còn mộ ở một trại, chứ không phải chết ở Lệ Mật). Sau khi chàng mất, dân làng Lệ Mật và ở nhiều trại lập đình thờ và suy tôn chàng làm Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn ra đời từ đó.
Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 3 Âm lịch. Ở khu “Thập tam trại” từ bao đời nay vẫn còn truyền câu ca: “Nhớ ngày 23 tháng Ba, Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê, Kinh quán Cựu quán đề huề, Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây”. 23 là ngày chính hội. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày. Nhìn chung có ba hoạt động lớn, với đặc trưng chung và riêng của lễ hội và của làng Lệ Mật.
Một là lễ rước Nước, rước Văn cùng với lễ Đả Ngư (đánh cá ở giếng làng): đám rước từ đình ra giếng, lấy nước vào chiếc chóe sứ lớn đặt trang trọng trên kiệu có lọng che. Trong khi đám rước đi, người ta đem vó ra giếng cất một con cá chép to, đặt nguyên cả con lên mâm đồng, phủ vải đỏ, rước về đình làm lễ dâng cúng. Nghi thức rước nước (dấu ấn của văn hóa trồng lúa nước) và dâng cá thờ để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Thành hoàng Hoàng Phúc Trung. Đây cũng là sự tri ân của công chúa, con Vua Lý Thái Tông trả ơn vị anh hùng đã vướt được ngọc thể của mình trên dòng sông Thiên Đức.
Hai là, trò diễn diệt trảm Giao Long, một nghi thức nghệ thuật diễn xướng tập thể do các nam thanh nữ tú làng Lệ Mật trình diễn, nhằm mô tả và tái tạo theo Thần tích Đức Thánh Thành hoàng Lệ Mật. Đây là điệu múa Rắn độc đáo trên sân đình. Con Rắn khổng lồ được làm bằng nan tre lợp vải, tượng trưng cho loài thủy quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Hàng ngàn khách trẩy hội trước sân đình đều cảm nhận được nét đẹp hào hùng và bi tráng trong những động tác và tiếng nhạc của giàn bát âm cùng tiếng trống chiêng kết hợp dồn dập, náo nức.
Ba là, lễ đón và rước Thập Tam Trại, lễ đón và lễ rước của 13 làng, 13 phường vào trong đình, phần lớn ở quận Ba Đình như tôi đã trình bày ở phần trước). Lễ hội là dịp con cháu làng Lệ Mật (dân cư Cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên Kinh đô (dân Kinh quán) gặp gỡ tay bắt mặt mừng, cùng chung niềm vui, ôn lại trang sử dựng làng đầy gian nan thuở nào và cùng nhau hứa hẹn giữ trọn mối tình quê hương, đoàn kết gắn bó. Đồng thời lễ hội cũng là dịp dân “Thập Tam Trại” từ quận Ba Đình và quận Đống Đa về đây dâng hương hoa lễ vật thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân công đức của Đức Thánh Hoàng Phúc Trung– người đã có công khai sinh ra vùng đất mà họ đang định cư hiện nay.
Tôi nghĩ với ý nghĩa nhân văn đó nên năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, quận Ba Đình và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội mới phục dựng tổ chức Lễ hội Thập tam trại lớn nhất, hoành tráng nhất cho tới thời điểm đó tại Vườn Bách thảo, có sự tham dự của cả Vùng Văn hóa “Thập tam trại” và làng Lệ Mật. Trong lễ hội này có ba tuần tế lễ, phần dâng hương của “Thập tam trại”, phần múa sinh tiền, múa quạt, múa bồng cùng các phần trình diễn của các làng nghề Ngũ Xã, Đại Yên, Ngọc Hà… Năm 2015 Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật được vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là vinh dự và niềm tự hào không chỉ người Lệ Mật mà còn là vinh dự và niềm tự hào của người Ba Đình.
Gần ba mươi năm đã trôi qua, bao lần dự hội làng Lệ Mật cùng với các chuyến điền dã Vùng văn hóa “Thập tam trại” đã trở thành dĩ vãng. Chục năm nay tôi không trở lại các lễ hội này. Tất cả đều đã thay đổi. Làng Lệ Mật đã lên phường. Mỗi lần có dịp đi qua tôi không còn nhận ra con đường và lối vào làng ngày xưa nữa. Vùng văn hóa “Thập tam trại” cũng vậy, hỏi thăm đường và dùng Google map loanh quanh mãi mới tìm ra địa chỉ cần đến. Tôi nghĩ tốc độ đô thị hóa “cao tầng” cùng với cơ chế thị trường đã tác động nhiều đến cuộc sống người Hà Nội. Như người ta nói “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
Cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình” đã để lại trong tôi nhiều cảm nghĩ. Trước hết đây là cuộc thi có một phần rất sáng tạo, không phải quận huyện nào cũng có được. Cuộc thi về lịch sử, văn hóa lại rất phù hợp với ngày hội công nghệ thông tin. Phải nói cuộc thi đã đạt được trên cả mục đích yêu cầu. Tiếp theo là cách thức tổ chức. Trước kia nào là giấy mời, nào là họp hành vài ba buổi, làm giám khảo còn phải nhận tác phẩm, nào là thống nhất biểu điểm, rồi ở một địa điểm nào đó xem xét chấm… Tất cả những thứ đó bây giờ ở trên điện thoại và trên máy tính. Tôi lấy ví dụ gần 40 tác phẩm dự thi của các nhà trường chỉ cần kích vào đường “link” là hiện ra trong máy tính, trong điện thoai. Người chấm xong chỉ cần một cái kích chuột trả kết quả là xong công việc. Đúng là cách làm việc thời 4.0.
Nhìn chung chất lượng các tác phẩm rất đồng đều, “người tám lạng kẻ nửa cân”, hơn nhau có khi chỉ là các tiêu chí phụ. Điều đặc biệt trong cuộc thi làm phim “Dấu ấn Ba Đình”, 100 % tác phẩm có phụ đề tiếng Anh. Một số tác phẩm đươc giáo viên và học sinh diễn xuất bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt (điều này chưa thấy có trong cuộc thi cấp quận huyện nào mà tôi được tham gia) . Thầy cô và học sinh quả là xuất sắc. Cùng với những tác phẩm nói về chuyển đổi số trong giảng dạy, trong nhà trường, qua cuộc thi tôi thấy đúng là giáo dục Ba Đình đã và đang xây dựng chiến lược con người đúng đắn trong thời kỳ hội nhập theo đường lối của Đảng và chỉ thị của ngành giáo dục. Nhưng hơn tất cả, từ nội dung các tác phẩm dự thi, tôi thấy một Ba Đình và rộng ra là Hà Nội nghìn năm văn hiến, như lời bài hát về Hà Nội: Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội... Và Hà Nội vẫn là Hà Nội của ngày hôm qua, hôm nay và mai sau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.