Một vài nét về tình hình Myanmar

Leave a Comment

 Một vài nét về tình hình hình Myanmar

Cách đây khoảng 20 năm tôi theo học chuyên đề Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có điều kiện tìm hiểu lịch sử và nền chính trị đương đại của các nước qua một số giáo trình của các tác giả trong, ngoài khu vực. Sau đó được hướng dẫn luận văn về vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong tiến trình dân chủ Myanmar nên hiểu đôi chút về đất nước này. Nhân chính biến ở Myanmar, qua báo chí các nước xin chia sẻ với anh chị em, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp một vài nét về đất nước chùa tháp; chia sẻ quan điểm, sự nhìn nhận rất khác biệt của các nước phương Tây, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN để cùng nhau suy ngẫm thế sự.
Đảo chính ở Myanmar
Sự kiện chính trị nổi bật nhất ở khu vực Đông Nam Á trước và sau tết Nguyên Đán năm 2021 có lẽ là việc Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Chính quyền thuộc đảng cầm quyền, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Myanmar bị quân đội phế truất. Quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và tuyên bố quyền lãnh đạo đất nước thuộc về Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.
Ngay sau cuộc đảo chính, hàng trăm nghìn người thuộc nhiều tầng lớp xã hội Myanmar tràn xuống đường các thành phố lớn để phản đối giới quân sự. Họ yêu cầu các tướng lĩnh thả Tổng thống Win Myin, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên chính phủ bị bắt giữ, bị quản thúc tại gia. Điều rất hiếm trong lịch sử là ngay cả Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun ở Liên hợp quốc, trong phiên họp Đại Hội đồng cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc "dùng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để chống lại quân đội Myanmar", khôi phục nền dân chủ của đất nước Myanmar. Trong cuộc họp Đại Hội Đồng này, đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener kêu gọi các nước không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.
Trước sự phản ứng của người dân và dư luận quốc tế quân đội Myanmar hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới sau một năm ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng người dân Myanmar không tin vào giới quân phiệt. Các cuộc đình công biểu tình của công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân suốt gần một tháng qua đã khiến một số cơ quan chính phủ bị đình trệ, tê liệt. Người biểu tình đã bị bắn chết. Quân đội bắt giữ gần 600 người “chống đối” và tự cho mình quyền giam giữ nghi phạm và lục soát tài sản cá nhân. Hiện tại xe bọc thép và quân đội, cảnh sát vẫn đang tuần tra trên đường phố với súng ống, vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng. Những biện pháp bạo lực như vậy xem ra không thể ngăn được dòng người hàng ngày biểu tình tại các thành phố.
Sơ lược về Myanmar
Myanmar là một quốc gia đa sắc tộc, có diện tích 676.577 km². Myanmar chung biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Theo số liệu điều tra gần đây, dân số Myanmar khoảng 54,4 triệu. Thủ đô nước này là Naypyidaw và thành phố lớn nhất là Yangon.
Myanmar còn gọi là Miến Điện, một quốc gia có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Miến đã xây dựng được ngôn ngữ-văn hóa Miến cùng đức tin Phật giáo Nam Tông. Đến thế kỷ 16, Myanmar hoàn thành việc thống nhất đất nước dưới Triều đại Taungoo và trở thành quốc gia lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á.
Vào đầu thế kỷ 19, Thực dân Anh xâm chiếm Myanmar và biến nước này thành thuộc địa giống như nhiều nước ở Đông Nam Á khác. Năm 1948 Myanmar giành được độc lập. Năm 1962 giới quân sự đảo chính. Myanmar nằm dưới chế độ độc tài quân sự.
Trong thời gian độc lập, Myanmar luôn ở trong tình trạng xung đột dân tộc. Các cuộc nội chiến kéo dài liên miên đẫm máu. Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nước phương Tây đã lên án tội ác, vi phạm nhân quyền của chính quyền quân đội và áp đặt các lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế. Năm 2011, chính quyền quân sự tự giải tán sau tổng tuyển cử năm 2010. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân sự vẫn nắm giữ quyền lực lớn. Trong tổng tuyển cử năm 2015, đảng của bà Aung San Suu Kyi giành đa số tại lưỡng viện quốc hội.
Bối cảnh dẫn đến cuộc đảo chính
Từ năm 2011 đến 2015, trước sức ép của quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, quân đội bắt đầu chuyển đổi sang nền dân chủ. Mặc dù Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được đa số tại hai viện và lên cầm quyền, nhưng quân đội vẫn giữ quyền lực đáng kể, bao gồm quyền chỉ định 1/4 các thành viên trong Quốc hội.
Ngày 8 tháng 11 năm 2020, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ đã giành được 396 trong tổng số 476 ghế tại cuộc bầu cử quốc hội, một chiến thắng thậm chí còn lớn hơn so với cuộc bầu cử năm 2015. Đảng ủy nhiệm của quân đội là Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển chỉ giành được 33 ghế. Quân đội phản đối kết quả, cho rằng cuộc bỏ phiếu là gian lận.
Cuộc đảo chính diễn ra một ngày trước khi các thành viên được bầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 tuyên thệ trước Quốc hội Myanmar, khiến cho quá trình này không thể diễn ra. Tổng thống Myanmar Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, các nhà lãnh đạo đảng và các thành viên nội các, quốc hội đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào lúc sáng sớm ngày 1/2.
Phản ứng quốc tế
Hầu hết các nước phương Tây đều “quan ngại sâu sắc” về tình hình Myanmar. Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và ngoại trưởng Đức đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính với việc "giam giữ phi pháp những cá nhân dân sự" tại Myanmar. Họ yêu cầu phải thả tự do các nhà lãnh đạo dân sự và tôn trọng "lá phiếu của cử tri Myanmar".
Chính phủ Úc bày tỏ “sự quan ngại” và kêu gọi quân đội giải quyết các tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác bị giam giữ bất hợp pháp. Úc cũng kêu gọi triệu tập lại Quốc hội, phù hợp với kết quả của cuộc bầu cử tháng 11.
Mỹ cho biết "Hoa Kỳ cảnh báo quân đội Myanmar đã thực hiện các bước để phá hoại quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước”. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thông báo: “Chúng tôi tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các thể chế dân chủ của Myanmar và phối hợp với các đối tác khu vực, thúc giục quân đội và tất cả các bên khác tuân thủ các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền, đồng thời thả những người bị giam giữ… Hoa Kỳ sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các bước này không được đảo ngược".
New Zealand quyết định đình chỉ tất cả các quan hệ chính trị và quân sự cấp cao với Myanmar sau cuộc đảo chính tại nước này. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 9/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar, đồng thời đảm bảo chính phủ quân sự Myanmar sẽ không được tiếp nhận hay hưởng lợi từ các dự án thuộc chương trình viện trợ từ New Zealand dưới bất cứ hình thức nào…
Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, tổ chức có nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới không ra được nghị quyết lên án hành động đảo chính vì bị Trung Quốc ngăn chặn với lý do không can thiệp vào “công việc nội bộ của Myanmar” (rõ ràng Chính phủ Trung Quốc đồng lõa với tội ác, cũng giống như trước đây họ tiếp tay đồng lõa với chế độ diệt chủng Khơ Me đỏ chống phá Việt Nam. Trung Quốc muốn một Myanmar luôn trong tình trạng phe phái, suy yếu. Một Myanmar dân chủ hùng cường thân phương Tây không nằm trong tính toán của họ). Tổ chức này chỉ có thể kêu gọi “nỗ lực giúp Myanmar trở lại con đường dân chủ, ổn định”, kêu gọi “tất cả các nhà lãnh đạo phải hành động vì mục tiêu lớn của quá trình cải cách dân chủ tại Myanmar”. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ những diễn biến căng thẳng tại Myanmar, đồng thời nhắc nhở lãnh đạo quân đội phải tôn trọng quyền và ý chí của người dân trong nước.
Trung Quốc là nước có quan hệ chặt chẽ với giới quân sự Myanmar. Thông qua chính sách ngoại giao giống như thông đồng, thao túng, họ có vẻ như đang ủng hộ ngấm ngầm với hành động của các tướng lĩnh Myanmar. Trung Quốc hành xử như thể sự kiện này là vấn đề nội bộ của Myanmar, và những gì người ta quan sát thấy chỉ là một cuộc cải tổ nội các giống như truyền thông nhà nước này đưa tin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh đã bày tỏ "hy vọng các bên khác nhau sẽ giải quyết phù hợp những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, nhằm bảo vệ ổn định chính trị và xã hội", đồng thời nhấn mạnh "Trung Quốc là láng giềng thân thiện của Myanmar", “có quan hệ tốt với cả hai phía” (Chúng ta cần lưu ý, trước đảo chính mấy hôm, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing. Khó có thể tin ông ta và lãnh đạo Trung Quốc không biết gì về cuộc đảo chính. Và gần chục ngày nay, đêm đêm nhiều máy bay vận tải Trung Quốc từ Côn Minh chở những “chuyến hàng đặc biệt” đến Myanmar. Phương Tây cáo buộc đó là máy bay chở vũ khí, thiết bị chống bạo loạn, nhân viên công nghệ mạng đến giúp quân đội Myanmar khôi phục hệ thống mạng bị đánh sập. Phía Trung Quốc thì tuyên bố đó là “hàng xuất khẩu thủy sản đông lạnh?”).
Tổ chức khu vực ASEAN thì kêu gọi Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường”. Tổ chức này tuyên bố: “Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Với các nước trong Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á, những người láng giềng trong nội khối ASEAN trước đây thường có những phản ứng theo nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Các nước thường tránh bình luận gây ảnh hưởng tới quan hệ chung, nhưng lần này các nước có những phản ứng rất khác nhau. Có nước như Campuchia cho rằng đó là “công việc nội bộ”. Một số nước giống như Việt Nam ra tuyên bố: “hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra… mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì gặp nhau trực tiếp ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 5-2. Điều đáng chú ý là bình luận của Thủ tướng Muhyiddin. Ông mô tả cuộc đảo chính ngày 1-2 ở Myanmar là "một bước lùi đối với tiến trình dân chủ của Myanmar". Ông còn cảnh báo sự bất ổn ở Myanmar có thể ảnh hưởng đến “hòa bình và ổn định trong khu vực”. Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Widodo cho biết ông và ông Muhyiddin đã yêu cầu ngoại trưởng hai nước cố gắng kết nối với người đồng cấp Brunei để tổ chức một cuộc họp đặc biệt của ASEAN. Đây có thể nói là một trong những động thái hiếm có trong lịch sử ASEAN.
Ngoại trưởng Singapore thì cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng với Myanmar và khu vực vì cuộc đảo chính. Ngay cả Thái Lan, một quốc gia có truyền thống “đảo chính quân sự” cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN “cần có lập trường tập thể” với Myanmar…
Tóm lại, cuộc đảo chính của giới quân sự gần như bị cả thế giới hoặc tẩy chay hoặc không ủng hộ.
Hậu quả trước mắt với Myanmar
Trong nước, xã hội Myanmar sau đảo chính mâu thuẫn càng sâu sắc. Bất ổn và bạo lực sẽ ngày một gia tăng. Dòng vốn đầu tư FDI và ODA từ nước ngoài đóng băng và ngừng trệ. Nguồn viện trợ của quốc tế bị cắt (trừ viện trợ của Trung Quốc). Sản xuất trong nước đình đốn. Những thành tựu kinh tế của Myanmar trong thời gian qua nhanh chóng trở về con số không. Cùng với sự lan tràn dịch bệnh Covid-19, người dân Myanmar chắc chắn sẽ lâm vào một thảm họa cực kỳ tồi tệ.
Ngoài nước, tiếp theo sau Anh, Mỹ, Canada cấm vận và trừng phạt các tướng lĩnh, các doanh nghiệp quân đội có liên quan đến cuộc đảo chính, ngày 22/2 các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trừng phạt quân đội Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính tại nước này và ngừng một số chương trình viện trợ phát triển. Mọi hỗ trợ tài chính trực tiếp từ hệ thống phát triển của EU cho các chương trình cải cách của chính phủ nước này đều bị giữ lại.
Ngày 25-2, 137 tổ chức phi chính phủ (NGO) từ 31 quốc gia ký thư ngỏ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp ngay lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar: "Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần áp dụng khẩn cấp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự và ngăn quân đội Myanmar gây ra thêm các vụ ngược đãi" (Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Myanmar).
Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế và sức ép của Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải tỏ rõ lập trường về cuộc đảo chính ở Myanmar, ngày 19-2 Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ông Vương Nghị khôn khéo đẩy quả bóng về phía ASEAN. Ông ta nói cả Trung Quốc và ASEAN đều quan tâm đến tình hình ở Myanmar cũng như việc khôi phục và duy trì hòa bình, ổn định ở quốc gia này. Trung Quốc ủng hộ ASEAN phát huy vai trò “phù hợp” trong việc “xoa dịu” tình hình hiện tại ở Myanmar theo phương thức ASEAN (phương thức đồng thuận), triệu tập cuộc họp ngoại trưởng không chính thức, “tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác” và xây dựng đồng thuận để có được những tiếp xúc sớm, cũng như trao đổi cụ thể với phía Myanmar (hình như ông ta muốn ASEAN ra tuyên bố theo quan điểm của Trung Quốc “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Myanmar. Nếu như vậy thì tôi cho rằng chẳng khác gì ASEAN không ra được tuyên bố, giống như việc ASEAN thất bại không ra được tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và không dám bày tỏ thái độ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ở Biển Đông đối với Trung Quốc vì Campuchia không đồng ý).
Tuy nhiên với tất cả những diễn biến đang xảy ra, tôi cho rằng cuộc đảo chính của giới quân sự Myanmar đang đi vào ngõ cụt. Vậy có còn lối thoát nào cho Myanmar trong tình trạng hiện tại? Chúng ta hãy chờ xem.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.