Đi dạo phố thư dãn

Leave a Comment
 Việt Nam và Hoa Kỳ cách nhau nửa vòng trái đất. Nói chung ngày ở Việt Nam là đêm của Hoa Kỳ. Vì chênh múi giờ như vậy nên người Việt trong những ngày đầu tiên ở trên đất nước Nữ thần tự do chưa kịp điều chỉnh nhịp sinh học cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nên tầm 12 giờ trưa đến chiều tối rất buồn ngủ. Nếu tôi cứ ngủ như một hai ngày đầu thì đêm đến tôi hầu như lại phải thức trắng trong khi tất cả mọi người đi ngủ. Và nếu để tình trạng kéo dài như vậy thì sẽ không ổn cho chính mình, làm bất tiện cho mọi người. Rút kinh nghiệm, trưa ngày thứ ba, dù trong tâm trạng lơ mơ muốn chìm vào tĩnh lặng, đôi mắt ríu lại, tôi vẫn quyết định không chiều theo cái bản năng của cơ thể, nên mặc áo, đi dày, ra ngoài đi bộ.
 Trời nắng chói chang. Những cơn gió mạnh, sắc thổi ào ào vào mặt khiến tôi có cảm giác lành lạnh. Dọc con đường Providence hàng ô tô nối đuôi nhau vun vút chạy, hối hả, xuôi ngược. Bao phủ dọc hai bên đường là những rặng cây xanh, sắc màu tươi non, rực rỡ, đa dạng. Nhiều cây hoa nở chạt, chen chúc thành những khối hoa khổng lồ trắng, xanh, đỏ, tím, vàng. Đặc biệt ấn tượng nhất là bụi phấn hoa bay. Nó bay giăng giăng tựa những làn sương vàng quyện theo, vương vấn theo đủ hương vị ngọt ngào, ngai ngái, hăng hắc, nồng nàn. Phía dưới, trên mặt đất là những thảm cỏ non bằng phẳng, mươn mướt. Thỉnh thoảng mọc lên những lùm cây, những bụi cây, những cây leo thấp cũng chi chit hoa. Tất cả thiên nhiên hình như đang đua nhau, vội vã, gấp gáp trưng bày tất cả những gì đẹp đẽ, thơm tho, tinh túy nhất. Đúng là một vẻ đẹp rạng ngời, tràn đầy sức sống của riêng Columbia, Missouri.
 Tôi đi vào đường Steveward. Chỉ định đi một lát rồi quay về, nhưng những ngôi nhà, những cảnh sắc đẹp như trong mơ cứ lần lượt hiện ra, cuốn hút tôi đi tiếp. Mỗi ngôi nhà đều mang một phong cách riêng, chỉ một, hai đến ba tầng. Không nhà nào giống nhà nào. Gọi là nhà thì không đúng, phải gọi là biệt thự thì mới đúng. Nhưng nhà nào cũng gọi là biệt thự, vậy thì cả một khu phố rộng lớn đến hàng chục km, thậm chí nếu tôi không nhầm gần như cả thành phố trừ khu trung tâm Dawntown mà đều gọi là biệt thự thì lại không ổn. Mỗi nhà áng chừng hẹp nhất cũng vài trăm m2, mà rộng thì đến hàng nghìn m2.
Chỉ giới ngăn cách giữa các căn nhà là một hàng rào cây thấp hay một hàng rào bằng gỗ thanh xẻ cao ngang ngực người. Khoảng cách từ vỉa hè đến nhà ở đều lui vào không dưới 15 m đất trống để trồng cỏ, hoa, cây cảnh. Từ đường phố người ta có thể đi thẳng vào nhà, không có rào giậu ngăn cách. Hình như nhà nào nhà nấy đều có ý lùi càng xa mặt đường càng tốt; cũng không nhà nào có ý đề phòng trộm cướp thì phải. Trái ngược hoàn toàn với đường phố ở Việt Nam. Nhà cửa sin sít. Nhà nhà như đều muốn tìm cách lấn thêm ra mặt đường. Cổng cao tường kín. Các cửa sổ đua ra đều hàn kín bằng thép để bảo vệ.
 Đi một đoạn lại thấy một con đường cắt ngang. Nhìn dọc theo những con đường này lại thấy xuất hiện những khung cảnh mới, những rặng cây um tùm mới, những ngôi nhà phôi pha nét thời gian mới, những thảm cỏ mơn mởn mới, những hàng rào hoa mới, những hương vị mới. Tôi cứ đi mải miết, ngắm nhìn. Phố phường như một ô bàn cờ, rộng rãi, thoáng đãng, hài hòa, thơ mộng. Tôi bỗng liên tưởng tới cảm giác của mình về Đà Lạt sau ngày giải phóng. Có một thoáng tương đồng. Cái rộng lớn mênh mông. Cái tĩnh lặng yên ả. Nét trầm tư thâm nghiêm. Nét hoài niệm cổ kính. Ở đây còn gợi cho tôi thêm sự trang trọng, thanh cao; sự sầm uất, hiện đại.
 Mỗi lối đi vào một ngôi nhà đều có chỗ để xe ô tô. Quan sát tôi thấy gần như nhà nào cũng có một đến hai, ba chiếc xe để ở nhà. Đó là chưa kể xe của người đi làm chưa về. Theo thống kê của nhà nước Liên bang, 1000 người dân Mỹ có xấp xỉ 800 ô tô. Như vậy có nghĩa là chỉ trừ người già và trẻ em không được phép sở hữu phương tiện này, còn lại mỗi người trong độ tuổi lao động Mỹ đều sở hữu ít nhất một chiếc xe ô tô. Chỉ cần bạn đi qua một vài con phố ở đây thôi cũng nhận thấy thống kê trên là hoàn toàn chính xác.
Ô tô đi lại như mắc cửi, như thoi đưa nhưng cảm giác chung về con người thì lại rất vắng. Rất ít gặp người đi trên đường. Hoặc người ta đi làm hoặc người ta ở trong nhà. Trẻ em thì không thấy một bóng. Có lẽ tất cả đều ở trường học. Thi thoảng mới gặp một người đi bộ. Phần lớn là những người đã có tuổi. Mặc dầu tôi là người xa lạ, hơn nữa lại là người Việt, khác hẳn về chủng tộc, hình dáng màu da, nhưng những người da trắng tóc vàng tôi gặp thường mỉm cười và đều chúc tôi một buổi chiều tốt lành.
 Tôi như được sống lại cái không khí tay bắt mặt mừng ở làng quê tôi cách đây khoảng chừng 30 năm trở về trước. Khi đó mọi người ra đường, già trẻ trai gái giáp mặt nhau, thân sơ cứ gặp nhau là chào hỏi. Từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở vùng ven đô Hà Nội nhanh đến chóng mặt. Vườn rau ao cá biến thành khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà tư. Nhà cao tầng mọc lên, chen chúc nhau san sát. Người đông lên gấp hàng chục lần. Người trong nội đô đổ xô ra. Người ở tỉnh ngoài đổ dồn về. Mọi người dần dần như người dưng nước lã. Nhà nào nhà nấy đều kín cổng cao tường. Cuộc sống trở nên bon chen, lạnh lùng. Tôi ngỡ tưởng đấy là  hậu quả của quá trình thành thị hóa, Âu hóa. Đến đây tôi mới hiểu Âu hóa của ta là Âu hóa giả cầy.
 Tôi cứ lang thang hết đường phố này đến đường phố khác. Tôi say sưa ngắm nhìn cái  nắng vàng thắm của buổi chiều rực rỡ trên những thảm rừng, những lùm cây, những vạt cỏ, những ngôi nhà, những khu vườn, những khóm hoa, những đàn chim rất lạ ríu rít và cả những cặp chim cu cườm cổ lấp lánh nhởn nhơ ăn hạt trong đám cỏ cây. Một bầu không khí thanh bình, yên tĩnh đến kỳ lạ. Tôi áng chừng mình đã đi tới hàng chục cây số. Không gặp một quán nước, một quán bia, một hàng ăn, một điểm game; không có một tụ điểm tụm năm tụm ba nào tán gẫu. Chẳng lẽ ở đây không ai nhàn rỗi? Tất cả đều đi làm? Báo chí Mỹ kêu ca tỉ lệ thất nghiệp gần tới 7% cơ mà. Những người thất nghiệp đi đâu hết mà không thấy?
 Khác với phố xá  nhà mình. Người người bán hàng, nhà nhà bán hàng. Nhìn trước nhìn sau đều thấy quán nước vỉa hè, quán bia, quán cà phê, hàng ăn, điểm game. Chỉ tính 10 nhà trên đường vào nhà tôi thì đã có hai nhà bán hàng ăn, một hàng nước, một cà phê, một điểm game. Lạ là không lúc nào thiếu vắng bóng người. Riêng điểm game thì thanh thiếu niên suốt ngày dài lại đến đêm thâu, bất kể thời gian nào cũng nườm nượp. Bọn trẻ bỏ học bỏ làm đến những nơi như thế để tụ tập, chơi bời. Tôi vừa đọc một tin trên báo Mỹ, một học sinh trung học phổ thông Mỹ gốc Việt nghỉ học quá hạn bị phạt ngồi tù. Lý do là vì em đó đi làm để kiếm thêm tiền nhằm giúp đỡ cho các em nhỏ trong gia đình. Người dân địa phương đã quyên góp hàng trăm ngàn USD giúp đỡ, dù phải ngồi tù nhưng em đó vẫn từ chối nhận số tiền trên. Thì ra ở nước mình mới có quá nhiều tự do, kể cả tự do trở thành những người thừa của xã hội.
 Tự nhiên tôi nghĩ đến cuộc sống học sinh, sinh viên của mình. Cuộc sống ấy giản đơn, nghèo khó, có lúc đói ăn thiếu mặc nhưng chan hòa tình bạn, tình thầy trò, tình yêu. Cuộc sống ấy gắn liền với sách vở, thấm đẫm thi ca và tiểu thuyết. Cuộc sống ấy thật lãng mạn với những giai điệu du dương, mênh mang, man mát buồn của Nga, Ucraina, các nước cộng hòa Trung Á. Cuộc sống ấy gắn bó với bao kỉ niệm học đường trường Sư phạm, trên đường Cầu Giấy, Dịch Vọng, bên bờ sông Tô, chợ Bưởi, hồ Tây, nơi làng quê sơ tán Liên Trung cạnh con sông Hồng và bao kỉ niêm không thể quên về một thời đạn bom…
 Cuộc sống ngày ấy đầy say mê, nhiệt huyết với lí tưởng. Cuộc sống ấy tràn trề những khát khao hi vọng trong tương lai xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống ấy đối với tôi chỉ có một lần, duy nhất, đẹp đẽ nhất. Không thể so sánh cuộc sống thời sinh viên của tôi đẹp hơn hay của các con tôi ở đây đẹp hơn. Tôi cũng không có ý ngầm so sánh giữa hai nền giáo dục đại học Mỹ và Việt Nam, vì sự so sánh đó là quá khập khiễng. Chỉ biết rằng tôi có một thời sinh viên thật đẹp đẽ. Các con tôi chắc cũng vậy. Chúng đang được học và làm việc ở một ngôi trường lí tưởng, được sống ở một thành phố mà tôi đang trải nghiệm thật tuyệt vời. Nuôi dưỡng ước mơ, khuyến khích, động viên các con tôi sang Mỹ học tập chắc là quyết định không sai lầm của tôi.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.