Tiếp tục thăm MU

Leave a Comment
 Ăn sáng xong, tôi cùng mẹ con Thúy dự định tiếp tục đi thăm Trường MU. Mở cánh cửa ra vào khu căn hộ để ra ngoài, chúng tôi bỗng nghe thấy cả một dàn cung bậc âm thanh, tiếng hót của các loại chim. Chưa bao giờ tôi được thưởng thức một buổi hòa nhạc tự nhiên của tạo hóa nào hay đến như vậy. Trong lòng tôi bao điều xốn xang đang dần thức dậy. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót chíu của đàn khuyên. Tôi đã từng ngồi nghe tiếng hót êm ái, tiếng rúc, tiếng luyến láy réo rắt, tiếng chuông rền, tiếng đổ, tiếng ngân vang xa vừa mượt mà vừa cao sang trước đàn yến. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót dài, âm thanh thánh thót, âm điệu du dương và thay đổi liên tục âm sắc như gió rít, thông reo trước đàn sơn ca. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót chuyện loách choách thanh bình trước đàn chào mào. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót líu lo, lảnh lót đầy mê hoặc trước đàn chích chòe. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót cúc cu bổ hai bổ ba thấm đượm tình quê thôn dã trước đàn gáy. Tôi đã từng ngồi nghe hàng giờ tiếng hót trầm bổng như tiếng gió ngàn, tiếng thác đổ bí hiểm, hoang dã của rừng núi trước đàn khiếu, đàn mi… Ở nhà tôi nghe từng loại chim đơn lẻ. Mỗi giọng hót gợi cho tôi những kỉ niệm, những hình ảnh, những cảm giác khác nhau. Ở đây dường như tôi được nghe tất cả thanh âm của các loại chim hót gộp lại. Cả một dàn đồng ca, vừa quen vừa lạ. Quen là vì nhiều giọng hót tôi nhận ra. Lạ là vì nhiều giọng hót tôi mới được nghe lần đầu.
 Chúng tôi đi qua làng sinh viên, thấy có biển đề phân thành hai khu vực: Student village và student heightland. Đó là những dãy nhà ở hai tầng trên khu đất cao và những dãy nhà ở hai tầng dưới khu đất thấp dành cho sinh viên cao học và nghiên cứu sinh có gia đình. Thúy cho tôi biết, chỉ những sinh viên của trường có gia đình mới được vào đây ở. Các dãy nhà đều thiết kế đơn giản, trang nhã và cách khá xa nhau. Giữa các dãy nhà là những sân cỏ mơn mởn, những hàng cây cao thấp trổ đầy hoa. Tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện trong làng sinh viên này còn có một trường mầm non, chuyên tiếp nhận con của các sinh viên. Rải rác đó đây, giữa các dãy nhà còn có những khoảng đất trống bố trí nhiều loại đồ chơi cao cấp, từ xích đu các loại đến cầu trượt, nhà trượt phục vụ cho trẻ em. Quan sát tôi nhận thấy các loại đồ chơi đều bền, chắc chắn, đẹp và an toàn. Tôi đã từng nghe Thúy kể về những làng sinh viên trước đó, nhưng không thể hình dung ra nó lại thơ mộng và tiện dụng đến như thế này. Tôi bế bé Lâm lên cầu trượt để trượt thử. Lâm giang hai tay đặt lên hai thành cầu, trượt ngoằn nghèo từ trên cao xuống dưới đất. Lâm khoái chí, không khiến ông bế lên nữa, tự trèo lên cầu trượt xuống, vừa trượt vừa cười reo. Tôi chỉ lên cầu trượt khác cao hơn, dốc hơn, mạo hiểm hơn. Lâm chỉ nhờ ông giúp đỡ lần đầu, lần sau tự mình trèo lên và trượt xuống rất mạnh mẽ và dũng cảm.
 Khu vực làng sinh viên rộng khoảng chừng trên chục ha. Bên cạnh làng sinh viên này có một cánh rừng, có những con đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp. Buổi sáng rất nhiều sinh viên chạy, đi xe đạp, đi bộ, tập thể dục. Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Song sự hiện diện của con người vẫn không làm tan mất đi bản hòa tấu của bao loại chim đang đua nhau biểu diễn trên những tán cây và trong cả khu rừng. Tất cả đều như thức dậy, ùa dậy, hối hả. Ngay cả những con thỏ, những con sóc cũng vội nối đuôi nhau chạy trên mặt đất tìm kiếm gì đó. Chỉ khi có người đến gần chúng mới lảng đi.
Chợt một con nai chạy vụt qua trước mặt. Tôi vội bế bé Lâm từ xe đẩy vì sợ một con gì đó chạy qua va vào. Theo tay Thúy chỉ, hai ông cháu đi đến trước một con đường, tôi định băng qua nhưng bé Lâm bỗng giơ tay lên, miệng thốt lên ớ, ớ, ớ. Tôi không hiểu Lâm muốn gì. Thúy cười, nói:
-       Ba chưa biết luật giao thông ở đây rồi. Phải đặt tay vào biển báo, chờ cho đèn sáng mới được đi qua theo đường dành cho người đi bộ. Cháu nó quen được đặt tay lên biển báo khi qua đường nên đòi ông cho đặt tay lên đó đó.
-       Nhưng có xe cộ gì ở đây đâu?
-       Không có xe vẫn phải theo luật.
Tôi  đến sát cột biển hiệu. Bé Lâm đưa tay lên đặt vào biển báo. Một tiếng “tít” phát ra. Một lát sau đèn báo sáng có in hình một bàn tay, chúng tôi mới đi qua đường. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Đúng hơn là tôi bị sốc. Một đứa bé chưa đến trường, dù là bố mẹ cháu thường xuyên dạy và thực hành cho cháu mỗi khi đi qua đường, mới gần ba tuổi đã có ý thức khi tham gia giao thông thì thật đáng phải ngẫm nghĩ.
Hành động của Lâm vừa rồi như muốn nói với tôi rằng, nếu cháu không nhắc nhở, tôi đã sang đường sai luật. Tôi thật sự xấu hổ. Không phải xấu hổ vì vi phạm luật giao thông trên đất Mỹ mà là xấu hổ với những vi phạm luật giao thông ở Việt Nam. Bao nhiêu lần tôi vượt đèn đỏ khi không thấy công an? Bao nhiêu lần tôi đi trên trên vỉa hè để kịp giờ đi làm? Bao nhiêu lần tôi vượt đường ngược chiều? Bao nhiêu lần rẽ trái, rẽ phải sai luật? Điều đáng buồn là hầu hết mọi người tham gia giao thông đều có thái độ giống như tôi. Biết bao người còn tệ hại hơn tôi rất nhiều: Phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, bia rượu vẫn lái xe, hành động bất chấp người thi hành công vụ.
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngay khi bước ra khỏi nhà, từ nông thôn tới thành thị, từ phố nhỏ đến phố lớn, từ đường trục tới đường vành đai. Mùi khói, mùi xăng cùng với hơi người ngột ngạt thật khủng khiếp. Điều khủng khiếp hơn là bình quân hàng chục năm nay, mỗi năm ở Việt Nam có tới 12.000 người chết vì tai nạn xe máy, ô tô, xe lửa. Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trong một năm còn nhiều hơn một cuộc chiến tranh cỡ vừa ở trên thế giới. Nhưng mỗi vụ việc tai nạn chỉ như hòn đá ném xuống sông, rồi đâu lại vào đấy. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, thản nhiên.
Các nhà trường vẫn dạy học sinh từ lớp mầm non đến lớp 12 là phải nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Ngày tưởng niệm quốc tế các nạn nhân bị tai nan giao thông vẫn được tưởng niệm khắp nơi trên toàn quốc. Tai nạn giao thông được nói đến hàng ngày nhưng số người chết hơn một chục năm trở lại đây vẫn nằm trong khoảng  trên dưới 12.000 người. Hơn một thập niên phấn đấu mà số tử vong không hề thuyên giảm. Chẳng biết trách nhiệm thuộc về ai đây?
Hôn nay Thúy đưa tôi đi thăm Vườn ươm Mc Alester, Đài tưởng niệm Union, Sân David R.Francis, Sân Carnahan và Tòa nhà Jesse Hall. Tôi rất thích ngắm nhìn, khám phá, tìm hiểu Đài tưởng niệm Union nhưng thời gian không cho phép dừng lại lâu. Gọi là đài tưởng niệm vì đây là công trình kiến trúc xây sau chiến tranh thế giới thứ nhất để tưởng niệm một trăm mười bảy người lính hy sinh trong chiến tranh. Tên tuổi của họ được khắc trên hai bên vòm cổng cho người dân trong thành phố và sinh viên ngày ngày đi qua ngả mũ chào, tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ tới những tấm gương hy sinh vì nước Mỹ. Tôi chạnh lòng nghĩ đến những sinh viên ưu tú của Việt Nam đã xếp bút nghiên, theo tiếng gọi của tổ quốc, lên đường chống Mỹ cứu nước. Hàng vạn người đã nằm lại trên khắp các chiến trường. Vậy mà không một trường đại học, cao đẳng nào có một đài tưởng niệm kiểu như ở MU.
Gây ấn tượng nhất trong số các điểm tham quan với tôi là kiến trúc cổ điển Tòa nhà Jesse Hall. Đây là tòa nhà hành chính, nơi làm việc của hầu hết cán bộ công nhân viên Trường Đại học MU. Nó được xây dựng vào năm 1893 sau khi Tòa nhà Academic Hall bị cháy năm 1892. Cái tên Jesse Hall đặt cho tòa nhà nhằm tôn vinh Richard H. Jesse, vị Hiệu trưởng nhà trường tại vị trong thời gian xây dựng tòa nhà cho đến khi rời nhiệm sở năm 1908. Hiện nay Jesse Hall là một trong những biểu tượng nổi tiếng, là trái tim của nhà trường. Nét đáng chú ý nhất của tòa nhà là mái vòm trắng lớn. Nhìn từ xa, mái vòm trắng cao vút vượt lên trên những tòa nhà. Những hàng cây xanh um tùm xung quanh càng tôn thêm vẻ diễm lệ của nó. Mặt trước tòa nhà nổi bật những hàng cột tròn trặn, duyên dáng mang cái dáng dấp kiến trúc Hy-La cổ đại.
Chúng tôi đi vào bên trong tòa nhà theo lối bên cạnh cửa chính, lối dành cho xe đẩy trẻ em và người tàng tật. Tôi nhận ra một nét rất riêng là tất cả các công trình kiến trúc, xây dựng công cộng ở Mỹ đều có đường đi riêng dành cho xe đẩy trẻ em và người tàng tật. Điều này thì gần như không có trong các công trình lớn nhỏ ở Việt Nam, nơi mà số người tàng tật cao hơn rất nhiều ở Mỹ. Riêng về sự việc này thôi, tôi cũng không biết phải đánh giá về ý thúc xã hội nhân văn của hai xã hộ như thế nào cho đúng.
Chúng tôi tham quan tầng trệt, tầng 1, tầng 2. Đi vào bên trong mới thấy tòa nhà thật rộng. Thúy vừa đi vừa thuyết minh về các phòng chức năng. Hàng nghìn con người đang làm việc trong các căn phòng nhưng không hề nghe thấy một tiếng động nào phát ra bên ngoài. Điều đặc biệt là không thấy bóng một bảo vệ và cũng chẳng có ai xét hỏi. Đi mỏi chân thì cứ ngồi nghỉ trên những dãy ghế xếp ở hành lang. Thỉnh thoảng có những phòng trống, trong đó có sẵn vài bộ bàn ghế và có những chiếc tủ, giống như tủ lạnh đại nhưng lớn hơn một chút. Thúy nói chỉ cần nhét một đồng tiền Mỹ vào tủ, đồ ăn sẽ tự động đưa ra. Tôi theo chỉ dẫn của con gái, nhét thử tờ 5 đô la vào một khe hở của máy, một gói bánh Pizza bọc trong túi nilông từ máy được nhả ra. Ba chúng tôi cùng ăn chung. Lâm chỉ nhấm nháp một vài miếng. Hai cha con phải ăn cố mới hết. Ăn xong tôi đưa một đồng xu cho Lâm. Bế cháu đến gần một chiếc máy, chỉ cho cháu bỏ đồng tiền vào chiếc máy bán nước. Lập tức một hộp coca được đưa ra. Lâm dùng cả hai tay lấy hộp nước đưa cho ông.
       -       Cám ơn Lâm nhiều, Lâm giỏi lắm, tôi đặt Lâm xuống nói:
       -       Từ mai ba có thể đi một mình, quá bữa cũng không sợ đói.
       -       Bên cạnh các lớp học đều có những phòng ăn tự động như thế này. Sinh viên nếu đói hoặc khát, giờ       nghỉ cứ sang phòng ăn. Những phòng như thế này chỉ giải quyết tức thời thôi. Còn ăn sáng, ăn trưa,         ăn tối trong trường rất nhiều điểm có người phục vụ, rất tiện lợi. Con nghĩ chẳng có ai ở đây bị đói           đâu.
       -       Nhưng ăn ở đâu thì rẻ.
       -       Ăn ở nhà là rẻ nhất. Chẳng hạn bốn cha con ăn ở nhà một tháng hết chừng 500 đô. Ăn ở cửa hàng       một bữa hết khoảng từ năm đến mười đô.
 Tôi nhẩm tính, mỗi tháng trừ các khoản, các con tôi được nhà trường trợ cấp 1.500 đô sinh hoạt phí. Tiền thuê phòng ở cá nhân hết 300 đô một tháng. Tiền thuê phòng ở gia đình hết 600 đô một tháng. Ăn uống cứ gọi hết 150 đô một tháng. Còn lại là chi phí cá nhân, tiền sách vở, tiền sinh nhật hội hè, khách khứa, du lịch, xăng xe… làm sao mà đủ. Vậy mà chúng vẫn cố gắng dành dụm tiền mua thuốc men cho ông bà, cho cha mẹ. Mỗi năm tết đến vẫn gửi quà về cho cả nhà. Lại còn mua máy ảnh, ipad cho riêng tôi nữa. Tôi hoàn toàn yên tâm về cuộc sống của chúng ở Mỹ. Tôi cũng tạm yên tâm về tương lai của chúng. Vì con người ta khi đã biết nghĩ, biết lo cho cái gia đình chung, có ý thức trách nhiệm với cái gia đình chung thì có thể hoàn toàn biết nghĩ, biết lo lắng cho cái gia đình riêng, có ý thức trách nhiệm với cái gia đình riêng.
Tôi là người có tật cả nghĩ và thường bận tâm về những điều không đáng bận tâm. Có lẽ là do di truyền từ gia đình. Tôi còn nhớ bà nội, lúc tầm tuổi 80, mỗi lần cha tôi đi chơi về muộn, bà nội đứng ngồi không yên, đôi khi còn cầm chiếc gậy ra cầu ao khoắng xem cha tôi có ngã xuống đó không. Cha mẹ tôi cũng vậy. Mỗi lần tôi đi học đêm về khuya quá thường lệ, dù lúc đó tôi đã ngoài 40 mươi tuổi, cha mẹ tôi vẫn cứ ngong ngóng ra vào chờ đợi trước cổng nhà, nhất định không đi ngủ. Có lần cha tôi còn lên tận đầu làng để đợi chờ...
  Rồi đến tôi, ngay từ khi hai đứa lọt lòng, trái gió trở trời, nóng lạnh, khò khè, ho hen, quấy khóc... mọi cử chỉ bất thường tôi đều lo lắng phân tâm. Mỗi lần đi xa dài ngày, tôi nhớ chúng đến cồn cào. Trong giấc ngủ, có lần tôi mơ thấy cái cảnh lúc nhỏ Thúy ngã xuống ao. Đầu nhấp nhô dưới cầu. Vân đứng trên cầu chìa tay, chới với. Tim tôi thót lại, choàng tỉnh dậy, mồ hôi tôi ướt đẫm áo. Dù là mơ về cái chuyện từ xa xưa, tôi vẫn không chịu đựng nổi, phải bỏ chuyến đi thực tế về trước mọi người. Về đến nhà, thấy hai con chạy ra đón, bị mụn nhọt đầy đầu, tôi ôm lấy chúng, nước mắt ứ ra. Cho đến khi chúng vào đại học, tôi vẫn chưa tiệt trừ được cái tật cả nghĩ. Mỗi lần chúng đi học về muộn, tôi bồn chồn đứng ngồi không yên. Kể cả khi tiễn chúng đi Mỹ, nhìn cái cảnh chúng bước vào cổng đi ra sân bay, người thì mảnh khảnh, ba lô mang theo thì nặng trĩu, tôi cố gắng lắm mới không để nước mắt tràn ra. Sang Mỹ lần này, thấy chúng trưởng thành nhiều, biết tự định liệu cho cuộc sống của mình, có lẽ từ nay tôi không còn có gì phải phân vân lo lắng nữa.
 Một điểm nhấn của Tòa nhà Jesse Hall là thính phòng Jesse. Khi nghe Thúy nói vào thăm thính phòng, tôi cảm giác nó nhỏ, chỉ hạn chế số lượng người trong một căn phòng nhất định. Không ngờ thính phòng Jesse chẳng khác gì Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Nó gồm tầng cửa chính và tầng ban công. Tầng cửa chính gồm ba phần: trung tâm, bên phải, bên trái. Ở trung tâm tính từ cửa đi vào là những hàng ghế từ hàng ghế A đến hàng ghế Z theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh, cộng thêm hai hàng A-A, B-B ở trên cùng. Mỗi hàng ghế có 18 chỗ ngồi. Bên phải, bên trái  khu trung tâm cũng có những hàng ghế theo số thứ tự như ở khu trung tâm. Chỉ khác là mỗi hàng có 14 chỗ ngồi. Tầng ban công hoàn toàn giống tầng cửa chính. Chỉ khác số hàng ghế ít hơn: từ A đến P.
  Tôi áng chừng toàn bộ thính phòng có khoảng 1.200 chỗ ngồi. Thính phòng Jesse là trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn nhất của MU và của cả Columbia. Bình quân có hơn 200 sự kiện trong một năm. Những sự kiện này rất đa dạng về nội dung, là đỉnh cao về chất lượng phục vụ. Thính phòng Jesse trình diễn từ âm nhạc Broadway tới Opera châu Âu; từ Rock, Roll, Jazz tới nhạc cổ điển; từ những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng nhất đến những diễn viên nổi tiếng nhất thế giới; từ những buổi thuyết trình khoa học, lễ phát bằng đến đêm liên hoan sinh viên quốc tế.
 Thính phòng Jesse dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho mọi người nơi đây. Ngay cả với tôi, lần đầu tiên bước chân đến, tôi cũng hình dung được vẻ lung linh huyền ảo và sự trang trọng quý phái của những đêm công diễn. Nơi đây các sinh viên Việt Nam, trong đó có hai con gái tôi đã hát và múa những bài hát, những điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi biết được điều này là do Tiến sĩ Nelson, giảng viên khoa học của nhà trường trong một lần sang công tác tại Việt Nam đến thăm trường tôi. Ông tặng tôi một đĩa CD và nói: “Trường chúng tôi rất tự hào về những sinh viên Việt Nam. Các em không những học tập rất tốt mà văn nghệ cũng thật tuyệt vời. Con ông, Thuy Le Thi Nguyen là một tấm gương. Tôi đã quay lại một số hoạt động của các em trong dịp tổ chức đón Tết Nguyên đán ở trong CD này”.
Nelson mở máy tính cho tôi xem cảnh sinh viên Việt chào đón xuân mới trên đất Mỹ. Thật cảm động. Cũng bánh trưng xanh thịt mỡ dưa hành, cũng chúc tết mừng tuổi, cũng lì xì cho các em nhỏ. Đặc biệt có chương trình ca múa mừng xuân. Thúy mở đầu cùng các bạn bài hát Việt Nam quê hương tôi cùng với điệu múa nón. Tôi không ngờ những tiết mục đó để lại nhiều cảm xúc đến vậy cho tôi và cho cả khách. Nelson nói: “Được dự bữa tiệc hôm đó, được xem chương trình ca múa đặc sắc, được thấy những chiếc áo dài duyên dáng, được nghe sự tích bánh trưng bánh dày, trầu cau, từ lãnh đạo đến giáo viên và vợ con chúng tôi đều rất cảm động, đều rất thích nền văn hóa Việt Nam”.
  Năm ngoái tôi được xem Vân biểu diễn bài Qua cầu gió bay, Bức họa đồng quê trên sân khấu thính phòng Jesse qua Youtube trong đêm Mizzou International Night. Vì vậy, với tôi, thính phòng Jesse cũng là một điểm rất đáng để ghi nhớ. Đứng trên sân khấu thính phòng, tôi bỗng nhớ tới những ngày xa xưa dắt tay hai con gái đi học họa, học nhạc ở trường, đưa chúng đến Cung văn hóa Hà Nội; nhớ những sân khấu ngày nào đưa chúng đi thi biểu diễn từ cấp huyện tới cấp thành phố. Thúy từng đoạt một số giải họa quốc gia, giải khuyến khích trong các cuộc thi tranh vẽ toàn quốc và quốc tế. Vân cũng đạt huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn thi tiếng hát hay của thành phố Hà Nội.
Tôi không bao giờ có tham vọng cho các con học chuyên văn, toán, lí, hóa hay ép chúng học thêm các môn học này. Chúng thích học thêm nhạc họa tôi ủng hộ. Chúng không thích theo đuổi ngành nhạc họa tôi cũng ủng hộ. Tôi mong muốn chúng được học những gì bản thân mình thích, sau này có một công việc ổn định, và trở thành người phụ nữ dịu hiền theo tiêu chuẩn của người Á Đông: Công, dung, ngôn, hạnh; có tâm hồn phong phú, biết thưởng thức cái đẹp trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Được như thế là tôi hoàn toàn mãn nguyện, không đòi hỏi ở chúng cái gì hơn.
Thúy tiếp tục dẫn tôi đi tham quan thư viện Ellis Library. Đây là thư viện chính của nhà trường bên cạnh hệ thống thư viện các trường, các khoa trực thuộc. Ellis Library nằm ở trung tâm khu vực Lowry Mall, giữa Đài tưởng niệm Union và Tòa nhà Jese Hall. Thư viên này bao gồm những nguồn tài liệu nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học cơ bản và những ngành như y học, thú y, địa chất, toán học, báo chí… Tổng số đầu sách thư viện lên tới trên ba triệu bản. Thư viện cũng sở hữu sáu triệu bản phim và khoảng 33.000 đầu báo, tạp chí khoa học xuất bản hiện thời trên thế giới và trong nước.
 Việc đưa Lâm đi theo không những không ảnh hưởng đến cảm nhận và lộ trình đi mà còn đem lại cho tôi vị ấm áp, ngọt ngào của ba thế hệ đang đi trên một con đường. Một người ở thế hệ thứ nhất nằm quãng giữa bên kia cuộc đời, một người ở thế hệ thứ hai mới bước vào ngưỡng cửa cuộc sống, một người ở thế hệ thứ ba là cháu bé vừa chập chững bước đi, cả ba người đều bước vào một trong những trung tâm tri thức của một trường đại học lớn. Bầu không khí vừa trang nghiêm vừa sôi động, tràn ngập sức sống. Hàng trăm sinh viên da trắng, da vàng, da đen đang miệt mài làm việc trong các phòng thư viện khiến tôi thật bồi hồi xúc động.
 Lần đầu tiên tôi có cảm giác nuối tiếc tuổi xuân của mình sao trôi đi nhanh quá. Giá như thời sinh viên của tôi một lần được bước vào tòa thư viện này. Cái cảm xúc đam mê, sáng tạo một thời lãng quên bỗng như trỗi dậy trong con người tôi. Với Thúy nơi đây đã quá quen thuộc. Còn Lâm thì đang ngơ ngác nhìn hết cái này đến cái kia.
Tầng trệt của thư viện được chia thành năm khu vực chính: Khu vực dành cho các dịch vụ kĩ thuật của cả thư viện, khu thính phòng Ellis, khu trưng bày các hiện vật lịch sử liên quan đến bang Missouri, khu trưng bày các văn bản viết tay liên quan đến lịch sử phương Tây và cuối cùng là khu West Atrium bao gồm phòng an ninh, phòng chứa vật dụng để quên, phòng ăn uống giải trí Book Mark.
 Tầng thứ nhất bao gồm khu để trên 100 bàn máy tính; bảy phòng họp, hội thảo và nghiên cứu chuyên đề; một khu đọc sách báo, tạp chí khoa học mới xuất bản; một khu để giá sách đọc; hai kho sách tham khảo và nghiên cứu; một  khu để văn kiện, tài liệu của liên bang và bang; một khu trưng bày sách mới; hai khu đọc và tra cứu tài liệu; một phòng bản đồ; một phòng vi phim; một phòng chứa các  loại băng và phương tiện nghe nhìn; ngoài ra còn có phòng in, phòng photo, scan, fax, phòng quản lí, phòng hướng dẫn tra cứu. Tôi xem xét kĩ càng các khu vực, các phòng ở hai tầng đã đi qua, tất cả đều rộng rãi, thoáng đãng và tiện lợi. Đặc biệt bắt đầu từ tầng một, tôi nhận thấy hệ thống thư viên rất đồ sộ và phức tạp. Lần đầu tiên trong một thư viện, tôi bỗng nhận thấy cái hữu hạn của con người và cái vô hạn của tri thức, rất trực cảm và cụ thể qua số lượng sách khổng lồ. Đó là chưa kể đến một cái nhấp chuột, hàng ngàn cuốn sách, thậm chí hàng vạn cuốn sách liên quan đến vấn đề người ta quan tâm sẽ lần lượt hiện ra trên màn hình. Tôi hỏi Thúy:
        -       Làm thế nào để tìm được tài liệu, sách tra cứu tham khảo mình cần? Mặc dù có hệ thống máy tính,          sách thư mục, từ điển sẵn có để trợ giúp, nhưng đặt địa vị ba đến đây đọc thì thật khó khăn.
        -       Ba đến bàn trợ giúp, Thúy đưa tôi đến trước một chiếc bàn và nói tiếp, lúc nào cũng có hệ thống              nhân viên thư viện giúp đỡ để ba tìm ra những quyển sách ba cần.
 Thúy đưa tôi đi lướt qua tầng hai, tầng ba, tầng bốn. Về cơ bản việc sắp xếp ở các tầng theo chủ đề, loại hình cũng giống như ở tầng hai. Chỉ khác đi một chút là có thêm các phòng học điện tử dành cho sinh viên. Ở các phòng này, thầy trò sử dụng máy để giới thiệu, tìm hiểu và nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến thư viện hoăc những đề tài có liên quan đến tài liệu trực tuyến được kết nối đặc biệt. Ngoài ra còn có nhiều phòng lưu giữ và phòng đọc các loại sách quí hiếm. Phòng lưu trữ các vấn đề chuyên biệt có khoảng 15.000 băng ghi hình, ghi tiếng. Phòng lưu trữ âm nhạc có gần 34.000 băng đĩa ghi lại các chương trình về tất cả các thể loại.
 Rời thư viện chúng tôi đến một khu nhà bề thế, được gọi là Bookstores. Thúy giải thích qua “Ba có thể hiểu nó giống như một Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền và Nhà sách Hà nội hợp lại. Chỉ khác là nó phục vụ cho riêng sinh viên của trường đại học này thôi”. Bookstores tọa lạc ở khu Trung tâm sinh viên MU, bao gồm bốn khu vực: Khu vực mua bán sách University Bookstores, khu vực chăm sóc sức khỏe Health, khu vực nghề nghiệp luật sư Law Professions, khu vực trưng bày thiết bị kĩ thuật Tiger Tech và một khu vừa ăn uống vừa đọc sách, giải trí của sinh viên.
 Chúng tôi ngồi nghỉ ở khu giải khát. Hàng trăm sinh viên ngồi rải rác theo nhóm nhỏ quanh những chiếc bàn tròn. Hình như ăn uống đối với họ chỉ là chuyện phụ, vì hầu như tất cả mọi người đều dán mắt vào màn hình máy tính hoặc Ipad để trước mặt. Thỉnh thoảng họ có trao đổi với nhau nhưng rất nhẹ nhàng, không gây ra sự chú ý cho mọi người xung quanh. Thúy đến trước một quầy gọi mua một cốc trà đặc sản của nhà trường cho tôi, một cốc cà phê cho mình và một cốc sữa cho Lâm. Khu vực ăn uống ở đây đều có người phục vụ nên giá cả đắt hơn. Tôi vừa nhấm nháp vừa quan sát. Chè có hương vị là lạ, rất thơm. Thúy hỏi:
        -       Ba thấy chè ở đây thế nào?
        -       Hương vị rất riêng biệt, nhưng ba vẫn thấy thiếu cái gì đó. Có lẽ ba quenvới cái vị chát, ngọt rất có          hậu của chè Thái Nguyên.
        -       Các cụ sang đây ai cũng nói vậy. Mới sang cái gì cũng liên tưởng đến quê nhà. Ba nhìn Lâm kìa.
 Lâm chạy đi lung tung, đến bên bàn các cô chú sinh viên ngó nghiêng. Mọi người tạm thời dừng công việc của mình để chơi đùa với bé. Cô chú nào cho kẹo bánh Lâm cầm lấy ngay. Thằng bé thật hiếu động và bạo dạn. Trong con mắt của mọi người chắc chắn bé Lâm thật đáng yêu. Tôi cảm nhận được điều này vì khi Lâm rời khỏi bàn không ít người vẫn nhìn theo. Có cô còn bế cháu lên thơm vào má. Đúng là giây phút xáo trộn đầy hương vị cuộc sống.
 Tiếp tục đi thăm các khu Bookstores, tôi vẫn đẩy chiếc xe của Lâm và chạy gằn theo Thúy. Tôi không muốn xem xét mọi cái ở đây một cách hời hợt vì vậy Thúy luôn phải chờ đợi hai ông cháu. Thúy khuyên tôi không cần thiết phải đi vào chi tiết, chỉ cần nắm cái tổng thể, vì nhà trường có trang mạng chung, các trường trực thuộc, các khoa, các bộ phận đều có trang mạng riêng. Có đến hàng trăm trang mạng trong trường. Chẳng hạn Bookstores có trang mạng là mubookstore.com. Muốn tìm hiểu, mở trang web, tất cả thông tin kênh hình kênh chữ và video giới thiệu rất đầy đủ, rất chi tiết.
 Bookstores ra đời từ năm 1899. Tất cả các hoạt động và lợi nhuận của Bookstores đều vì lợi ích của sinh viên, lợi ích của nhà trường. Nhiệm vụ của nó nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho sinh viên bằng việc cung cấp những nguồn lực giáo dục, việc làm và hỗ trợ cũng như phục vụ những vấn đề cá nhân cho sinh viên tại trường. Bookstores tích cực hoạt động trên 100 năm qua để đảm bảo cung cấp các loại sách báo phổ thông đến sách chuyên ngành, sách giáo trình, sách tham khảo, thiết bị kĩ thuật học tập, văn phòng phẩm, quà lưu niệm, vật dụng cá nhân với giá thấp nhất.
Sinh viên của nhà trường đã tiết kiệm được 4,6 triệu đô trong năm học 2012 – 2013 bằng việc mua lại sách cũ, sách qua sử dụng. Trong điều kiện cho phép, Bookstores còn cung cấp những tài liệu, giáo trình photo, sao chép hay cho thuê, cho mượn dưới các hình thức. Những việc làm đó giúp sinh viên tiết kiệm được từ 30 đến 55% chi phí nếu so với mua nguyên gốc. Bắt đầu từ năm 2011 Bookstores còn cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến tất cả các nguồn lực giáo dục và những đồ dùng dành cho sinh viên với  giá rẻ, giúp sinh viên so sánh giá cả cạnh tranh trên thị trường để mua được cái gì mình cần với giá hợp lý nhất.
 Thúy đưa tôi đi thăm lướt qua hàng chục trung tâm gần Bookstores: Trung tâm phục hồi chức năng, Trung tâm tư vấn, Trung tâm chăm sóc sức khỏe, Trung tâm kiểm định và kiểm tra, Trung tâm về giới, Trung tâm phụ nữ, Trung tâm người khuyết tật, Trung tâm văn hóa Phi, Trung tâm đa văn hóa, Trung tâm kĩ thuật máy tính, Trung tâm phát triển cộng đồng, Trung tâm pháp lí… Qua tìm hiểu, tôi được biết có rất ít nhân viên trong biên chế của nhà trường ở các trung tâm. Hầu hết nhân sự là sinh viên. Với hình thúc tổ chức này, thứ nhất nhà trường giảm được kinh phí chi trả, sinh viên có sinh hoạt phí trang trải cho việc học tập ăn ở của mình. Thứ hai qua thực tế, sinh viên làm tại các bộ phận được trải nghiệm, tự học tập, rèn luyện và trưởng thành. Khi ra trường, các em sẽ có được kĩ kỹ năng rất cần thiết để đi vào cuộc sống trong tương lai.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.