Thăm Trường Đại học Missouri

Leave a Comment
Hai giờ sáng tôi thức dậy, không thể nào tiếp tục ngủ được. Ngồi dậy, nhìn qua cửa sổ, trong ánh đèn đường mờ ảo, chỉ thấy gió thổi hoài. Thỉnh thoảng một chiếc xe con vút chạy qua đường, rồi để lại một không gian yên ắng đến vô cùng. Chợt tiếng Bảo o oe ọ ọe. Vân thức dậy se sẽ dỗ dành. Lục đục khoảng ít phút lại thấy ngủ tiếp. Cho đến sáng, Bảo hai lần thức giấc. Như vậy Vân cũng không đến nỗi phải vất vả lắm. Mong cho đứa trẻ này đừng quấy đêm. 
Sáng dậy Thúy chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. 9h Giang phải lên lớp học. Thúy sắp xếp mọi thứ cho Vân xong xuôi mới đưa tôi và Lâm đi thăm Trường Đại học Misouri. Trường không có tường rào ngăn cách với bên ngoài. Nhà trọ nằm kề gần trường. Phố xá nằm kề gần trường. Không có sự ngăn cách giữa thành phố và nhà trường. Nhiều con đường nhựa rộng thênh thang từ thành phố chạy thẳng vào trong trường. Mốc giới là một bãi cỏ rộng xanh rờn với những hàng cây to, nhỏ đủ các loại. Qua bãi cỏ, bên trong là thế giới đại học Missouri, bao gồm hàng trăm tòa nhà xen kẽ mà mỗi tòa nhà như ở trong một vườn hoa, một công viên, một vườn bách thảo đầy thơ mộng. Chưa bao giờ tôi được thấy một trường đại học nào thênh thang và quyến rũ đến như vậy. Tôi đã được đi thăm một số trường đại học ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc, một số trường đại học ở Singapore, một số ở Thái Lan. Một vài  trường có thể làm tôi ngỡ ngàng về diện tích, vế kiến trúc nhưng chưa có trường nào làm tôi choáng ngợp như Missouri.
Đại học Missouri - Columbia (University of Missouri-Columbia) được biết đến với các tên như Đại học Missouri, Mizzou hay MU. Đây là trường đại học công lập xây dựng ở phía Nam thành phố Columbia, rộng khoảng 506 ha. Trường thành lập năm 1839, là trường công lập đầu tiên ở  phía Tây sông Misissippi, là lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học bang Missouri. MU cũng là trường đại học nghiên cứu lớn nhất bang với số lượng tuyển sinh năm nay vượt 34.200 sinh viên đến từ các nơi trong địa bàn của bang, các bang khác của Mỹ và hơn 110 quốc gia trên thế giới. Trường cung cấp trên 270 chương trình, cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thông qua 20 khoa và các trường đại học thành viên. Trường là một trong 6 trường đại học công lập của bang mà các trường trực thuộc như trường y, dược, thú y, luật nằm trong khuôn viên của nhà trường. Ngoài ra nhà trường còn nổi tiếng với các chương trình đào tạo báo chí, nông nghiệp, sinh học. Là một trong 34 trường công lập được chọn là thành viên của Hiệp hội đại học Mỹ, MU cũng được xếp hạng nằm trong top 100 các trường đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.
MU có bề dày lịch sử trên 170 năm. Vào năm 1839, Hội đồng lập pháp bang Missouri thông qua Luật Geyer, thành lập quỹ xây dựng một trường đại học của bang. Cùng năm đó, người dân Columbia và hạt Boone tặng cho trường 117.921 USD cùng với đất đai để xây dựng trường. Mảnh đất cuối cùng trường xây dựng ở phía Nam khu trung tâm Downtown Columbia thuộc sở hữu của Jame S. Rollins, người sau này được biết đến như là cha đẻ của trường. Ngôi trường được thiết kế một phần dựa trên đồ án nguyên gốc của Thomas Jefferson cho Đại học Virginia. Tấm bia mộ gốc của Jefferson đã được những người thừa kế của ông tặng cho MU vào tháng Bảy năm 1883.
Năm 1864 khi  cuộc nội chiến diễn ra quyết liệt, Ban Quản trị nhà trường quyết định dừng hoạt động. Vì trường để trống nên cư dân Columbia đã thành lập một lực lượng tự vệ. Lực lượng này trở nên nổi tiếng với tên “ Mãnh hổ Columbia” (Fighting Tiger of Columbia). Cái tên đặt đó nhằm phản ánh tính kiên cường của người dân nhằm đánh trả bất cứ lực lượng nào có ý định cướp bóc, xâm phạm thành phố và ngôi trường thân yêu của họ. Sau đó, vào năm 1890, một cựu sinh viên nhà trường đề nghị đội bóng bầu dục mới thành lập của trường đặt tên là “Tiger” nhằm tôn vinh những người đã chiến đấu để bảo vệ Columbia, bảo vệ trường. Từ đó hình tượng con hổ đã trở thành một trong những biểu tượng của nhà trường.
Sau nội chiến, trường dần dần phát triển. Các trường đại học chuyên ngành trực thuộc Đại học Missouri lần lượt được thành lập: Trường Đại học Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên Thiên nhiên. Năm 1888, Trạm Thí nghiệm Nông nghiệp Missouri khai trương. Sự kiện này đã dẫn đến việc hoàn thành 10 trung tâm và phòng nghiên cứu nông nghiệp của miền Trung Missouri. Tiếp theo đó Khoa Luật, Y, Dược cũng được thành lập.
Ngày 9/1/1882 tòa nhà Academic Hall bị hỏa hoạn bốc cháy. Vụ hỏa hoạn này đã thiêu cháy hoàn toàn ngôi nhà, chỉ còn lại sáu cột đá đứng trơ trụi làm nhân chứng cho đến nay. Sáu cột đá này cũng trở thành biểu tượng của nhà trường và hình thành nên khu trung tâm của sân Francis, phần cổ kính nhất của ngôi trường. Cuối phía Nam của sân trong là tòa nhà Jess Hall được xây năm 1895 thay thế cho tòa nhà Academic Hall. Tòa nhà Jesse Hall là công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng, là trụ sở của văn phòng hành chính nhà trường; đồng thời còn là phòng sân khấu, thính phòng Jesse. Khu vực xung quanh sân trong, nơi có nhiều tòa nhà được xây bằng gạch đỏ gọi là Campus đỏ. Phía Đông sân trong có rất nhiều tòa nhà được xây dựng vào đầu những năm 1900 bằng đá vôi trắng. Khu vực này được gọi là Campus trắng.
Năm 1908, Khoa báo chí đầu tiên trên thế giới được mở tại MU. Khoa trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào “phương pháp Misssouri”, phương pháp giảng dạy dựa trên việc sở hữu KOMU - TV, chi nhánh cho hãng truyền hình NBC/CW tại khu vực Columbia và thành phố Jeferson. Đó là một đài truyền hình thương mại đầy bản lĩnh, là phòng thực tập cho sinh viên Khoa báo chí của trường.. Khoa báo chí MU còn thành lập riêng tờ báo “Columbia Missourian” nhằm rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng viết phóng sự, biên tập dưới sự quản lí của những biên tập viên chuyên nghiệp nổi tiếng.
Từ sau Chiến tranh thế giới lần thư hai đến nay, các trường đại học của Mỹ phát triển với một nhịp độ phi thường. MU cũng không nằm ngoài sự phát triển đó. Số sinh viên quốc tế nhập trường mỗi năm đều tăng, năm sau tăng hơn năm trước. Theo thống kê có hơn 262.000 cựu sinh viên học Đại học Missouri đang sống và làm việc trên khắp thế giới, trong đó có tới một nửa tiếp tục ở lại sinh sống và làm việc tại Missouri.
Với tôi dù cách xa ngàn dặm, bây giờ mới có dịp đến thăm thì MU vẫn là một phần trong cuộc sống của bản thân tôi từ lâu rồi. Các con tôi, hai con gái, con rể đã và đang học tập, làm việc tại MU. Chính tại ngôi trường này, tất cả các con tôi đều được nhà trường cấp tiền sinh hoạt phí, bao gồm ăn, ở, học tập, bảo hiểm cho chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Nơi đây đã nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, những khát khao tuổi trẻ, những hoài bão tuổi thanh xuân, rồi cả tình yêu, hạnh phúccủa các con tôi. Nơi đây cũng cưu mang, chia xẻ chín tháng nhọc nhằn với các con gái tôi. Nơi đây cũng đón nhận tiếng khóc chào đời ngọt ngào của các cháu tôi. Tôi muốn gửi tới nhà trường, gửi tới những người trên mảnh đất xa lạ đã từng giúp đỡ con, cháu tôi lòng biết ơn vô hạn.
Trời ấm áp. Ánh nắng tràn ngập khắp các khu vực trường. Thúy đi trước giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết khuôn viên trường với trên 160 khối nhà, 5 ngàn cây cổ thụ. Có thể nói một cách khái quát, toàn bộ trường là một khu vực sinh thái, một công viên bách thảo. Các khu vực trong nhà trường có thể chia ra làm nhiều phần. Khu Campus đỏ bao gồm Sân Davis R.Francis, Tòa nhà Jess Hall, Tòa nhà Switler Hall. Khu Campus trắng có Đài tưởng niệm Union. Khu Công viên Thể thao MU có Trung tâm Hearnes, Sân vận động Memorial, Sân Mizzou Arena, Sân vận động Walton. Khu Công viên nghiên cứu Discovery Ridge có nhiều tòa nhà bề thế. Khu Công viên nghiên cứu MU có Trung tâm nghiên cứu lò phản ứng. Khu Campus phía Đông rợp trong rừng cây. Khu Bệnh viện và Phòng khám Trường Đại học Missouri bao gồm Bệnh viện Columbia, Trung tâm Ung thư Ellis Fischel, Bệnh viên Trường Misssouri, Bệnh viện Cựu chiến binh Truman. Khu Lemone không khác gì một tổ hợp công nghiệp…
Tôi đẩy chiếc xe của Lâm đi bám theo sau cô “hướng dẫn viên” con gái. Lâm ngồi trên xe cũng ngó nghiêng nhìn quanh, rất ngoan. Thỉnh thoảng tôi tranh thủ chỉ cho cháu nhìn từng đàn chim  ríu rít sà xuống, đang bay nhảy trên bãi cỏ xanh non. Tôi chỉ cho cháu thấy những con sóc vàng ươm, cái bông đuôi của chúng vểnh lên ngoe nguẩy, con mắt chúng lay láy nhìn khách qua đường thật đáng yêu. Tôi cũng chỉ cho cháu dõi theo những đàn thỏ hoang màu ghi, màu trắng chuyển từ bụi cây này sang bụi cây khác; những đàn bướm đủ mầu bay từ vườn hoa này sang vườn hoa khác. Có vẻ Lâm thích lắm. Dù mới hai tuổi nhưng nếu thường xuyên cho cháu ra ngoài vận động, ngày ngày nói chuyện với cháu, bắt đầu dạy cháu những kĩ năng ban đầu, tôi nghĩ hình như cháu có thể tiếp nhận được rất nhiều thứ.
Thúy nói với tôi đã mấy lần thấy đại bàng cắp thỏ bay đi trong sân trường. Ở khu vực ký túc xá gia đình dành cho học viên nghiên cứu sinh, chúng tôi còn chứng kiến hươu nai đi lại quanh khu nhà. Những cây gỗ đổ để mục ven rừng cũng không có ai lấy mang đi. Đến quả rụng bên đường cũng chẳng ai nhặt. Pháp luật nước Mỹ bảo vệ rất nghiêm ngặt thế giới sinh vật hoang dã. Không một ai dám động đến chúng. Thậm chí khi đi đường có một con vật bị thương nằm trên mặt đường, tất cả xe cộ tự giác dừng lại, phải chờ xe của người cứu hộ mang chúng đi cấp cứu, mọi người mới tiếp tục đi. Bạn chỉ đánh con chó, con mèo nuôi trong nhà một roi thôi thì đã bị ra tòa vì tội ngược đãi súc vật. Tôi bỗng thấy xót xa cho những cánh rừng Việt Nam hàng ngày, hàng giờ bị lâm tặc tàn phá lấy gỗ. Đàn voi rừng Tây Nguyên sắp tuyệt chủng vì bị người ta giết chúng lấy ngà, lấy lông đuôi voi. Con tê giác cuối cùng của rừng Cát Tiên vừa bị người ta sát hại để lấy chiếc sừng. Đúng là hai xã hội, hai cấp độ văn minh hoàn toàn khác nhau. Người dân ở đây đã biết cách chung sống với thiên nhiên, chung sống với muôn loài.
Chúng tôi thống nhất với nhau chỉ đi tham quan bên ngoài để nắm những nét tổng thể, còn nội dung bên trong sẽ đi vào hôm khác. Ba ông con lướt qua các khoa: Cao học, Quản lí công Truman, Luật, Báo chí, Điều dưỡng Sinclair, Ytế, Ydược, Công tác xã hội, Khoa học Thông tin và Tiếp thu công nghệ, Quản trị kinh doanh Crosby, kế toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi cũng đi lướt qua các trường đại học thành viên: Đại học Nông nghiệp Thực phẩm và Tài nguyên, Đại học Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Kinh tế Trulaske, Đại học Giáo dục, Đại học Kỹ thuật, Đại học Khoa học Môi trường Nhân văn, Đại hoc Thú y… Tôi dừng lại khá lâu trước tượng đồng Thomas Jefferson. Thúy chụp cho tôi mấy kiểu ảnh đứng ngồi cạnh bậc vĩ nhân làm kỷ niệm.Tôi thoáng chút bối rối và ngại ngần, cố tìm vị trí đứng ngồi khiêm tốn bên ông. Thúy hiểu ý tôi, cười:
-       Chỉ là một bức tượng thôi mà ba. Khách khứa và sinh viên chúng con khi mới đến trường ai mà chẳng chụp với “Anh’’ ấy.
-       Ba đã từng nghiên cứu môn Hoa Kỳ học nên biết chút ít về Jefferson. Có nhiều lí do người ta lựa chọn con người này là một trong số bốn tổng thống Mỹ được tạc hình lên trên ngọn núi Rushmore.
Bức tượng Thomas Jefferson ở trường Đại học Missouri mang nhiều ý nghĩa. Đây là hình ảnh ông lúc còn rất trẻ, nên sinh viên trong trường vẫn thường gọi ông là “Anh’’. Tôi ngắm nhìn Jeferson ngồi đó trẻ trung, tự tin tràn đầy sức sống trong nắng gió của đất trời, ngào ngạt hoa thơm và tiếng dào dạt của muôn ngàn cây lá. Khung cảnh xung quanh ông gợi lên cho người ta cái cảm giác bình dị, thân thiết vừa gần gũi vừa cao sang. Bức tượng người thanh niên mặc bộ quần áo chẽn, chiếc gilê khoác bên ngoài, đầu ngẩng cao, mái tóc như làn sóng lượn, tay trái chống ghế, tay phải cầm chiếc bút lông đặt trên chồng giấy. Khuôn mặt, ánh mắt người thanh niên đầy vẻ suy tư nhưng tất cả đều toát lên vẻ nhiệt thành, quyết đoán. Đúng là vẻ đẹp của một con người đã hiến dâng cả tuổi trẻ, tình yêu cho lí tưởng tự do, bình đẳng.
Thomas Jefferson sinh năm 1743 tại Shadwell bang Virginia trong một gia đình gốc Anh. Ông là Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, là người thành lập ra một chính đảng tư sản, người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành lớn nhất thời cận đại. Thuở nhỏ ông học tại quê nhà. Hết phổ thông ông theo đuổi ngành luật tại Đại học William & Mary. Năm 23 tuổi trở thành luật sư. Năm 30 tuổi được cử làm thành viên đại biểu bang Virginia. Ông đóng vai trò tích cực trong phong trào đấu tranh chống thực dân Anh giành độc lập cho Hoa Kỳ. Những kiến nghị của Jefferson được tóm tắt trong quyển sách: Những quan điểm chính về các quyền của nước Mỹ. Quyển sách này cùng với nhân cách và tài năng đã đưa ông lên vị trí những nhà cách mạng hàng đầu. Tiếp theo ông được các cộng sự tín nhiệm chọn là người viết Tuyên ngôn Độc lập năm 1776. Năm 1783, Jefferson được bầu làm Thống đốc bang Virginia. Năm 1789 được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm1800 đắc cử Tổng thống Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ đứng đầu Chính quyền Mỹ, Jefferson cống hiến những năm cuối đời cho việc thành lập Trường Đại học Virginia, công trình được ông xem là quan trọng nhất trong cuộc đời. Jefferson mất ngày 4 tháng 7 năm 1826 ở Monticello, hưởng thọ 83 tuổi. Trên bia mộ ông có mang dòng chữ: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, tác giả Luật Virginia về tự do tín ngưỡng và là cha đẻ của Trường Đại học Virginia”.
 Tôi nghĩ những cống hiến vĩ đại về tinh thần và vật chất của Jefferson không chỉ cô đúc, gói gọn trong hàng chữ trên bia mộ ông. Trong thời gian làm Tổng thống Hoa Kỳ, việc ông quyết định mua  bằng được vùng đất lãnh thổ của Pháp Louisiana về cho Hoa Kỳ là một quyết định lịch sử. Nó không chỉ đơn thuần đem lại cho nước Mỹ thêm 2.140.000 km2 bao gồm gần như toàn bộ và một phần lãnh thổ 15 bang. Nó tạo ra một nước Mỹ có lãnh thổ từ bờ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, từ đường biên giới phía bắc giáp Canada tới biên giới phía nam giáp Mêxico, để rồi 150 năm sau, nước Mỹ vươn lên trở thành một cường quốc, một siêu cường. Có thể nói quyết định năm 1803 (Louisiana Purchase) và những việc làm cho giáo dục của ông đã góp phần không nhỏ để tạo ra một nước Mỹ có vị thế đi tiên phong về nhiều mặt trên thế giới như ngày hôm nay. Tôi bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc của mình về một con người, về một bức tượng với con gái. Thúy phân vân hỏi lại.
-       Ba đánh giá ông ấy có cao quá không?
-       Ba làm khóa luận bộ môn Hoa Kỳ học về đề tài này và được một giáo sư Mỹ, một giáo sư Việt chấp nhận. Nhận xét của ba về vai trò của ông ấy có thể chưa thật chính xác, nhưng trong thâm tâm ba thực sự kính trọng Thomas Jefferson. Ba còn được biết Thomas Jefferson là một tổng thống rất nghèo. Ông phải vay nợ trong suốt cuộc đời mình, trong đó có cả trách nhiệm kế thừa một khoản nợ từ cha vợ. Nguồn thu nhập chính từ đồn điền, từ lương bổng không đủ chi tiêu. Cho đến cuối đời, ông nợ nhiều đến nỗi phải đệ đơn lên bang Virginia xin bán đấu giá đất tư, nhưng bang đã từ chối. Chỉ sau khi ông chết, bất động sản của ông mới được bán đấu giá để trả nợ. Còn người con gái của ông thì phải sống nhờ quỹ từ thiện. Ba mong muốn rằng những nhà lãnh đạo các nước chỉ cần liêm khiết, công tư phân minh bằng một phần trăm Thomas Jefferson và Hồ Chí Minh thôi thì người dân của các dân tộc đó cũng đã được thụ hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại rất nhiều. Thật đáng tiếc, dân trao cho họ chức vụ và quyền hạn để làm việc cho dân cho nước nhưng họ đã lạm dụng làm giầu cho bản thân và cho lợi ích nhóm cá nhân của họ.
-       Ở những xã hội còn lạc hậu, độc đoán, tham nhũng là chuyện thường tình.
-       Theo ba có lẽ nhất châu Phi, nhì châu Á.
-       Còn ở đất nước mình?

-       Đang trở thành vấn đề quốc nạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.