Đôi điều về giáo dục phổ thông của một thành phố

Leave a Comment
Từ rất sớm, từ trước những năm 1800, người Mỹ đã nhận thức được tương lai của họ, những người tự do, phụ thuộc vào chính trí tuệ của họ. Vì thế giáo dục, chất lượng giáo dục, chi phí cho giáo dục vẫn là mối bận tâm hàng đầu của Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc. Và thực tế, chính các trường công, trường tư từ bậc phổ thông tới đại học ở Hoa Kỳ đã phản ánh lịch sử nước Mỹ và tạo nên bản sắc của nước Mỹ. Những câu hỏi căn bản về mục đích và phương pháp giáo dục đã trở thành những vấn đề quan trọng trong các cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ. Từ phong trào trường công lập giữa thế kỉ 19, các cuộc tranh luận về tiêu chuẩn học thuật và thi cử đầu thế kỉ 20 đến Luật No child left behind mới được ban hành đầu năm 2000 và thường được điều chỉnh từ đó đến nay, vấn đề giáo dục vẫn là một chủ đề được tranh luận sôi nổi nhằm thay đổi và bảo tồn những giá trị ở quốc gia này.
Việc tranh luận về vấn đề giáo dục thu hút tất cả mọi người tham gia, từ người dân đến nhà trường, các trí thức, các học giả, các đảng phái đến hạ viện, thượng viện và tổng thống. Nhưng kết quả giáo dục Mỹ vẫn không có một chương trình thống nhất cho toàn bộ quốc gia. Và đương nhiên cũng không thể thống nhất việc dạy - học cho cả quốc gia. Về mặt lý thuyết, có thể coi giáo dục Mỹ như một tòa nhà. Nền móng của tòa nhà gồm hai thành tố, cơ sở vật chất: Trường lớp, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học và văn hóa Mỹ cùng với hệ tư tưởng nhà nước tư sản Mỹ, một xã hội hậu công nghiệp nặng về tiêu dùng, đề cao cá nhân, tự do, nhân quyền, luật pháp... Phía trên của ngôi nhà là những trụ cột của giáo dục. Nó bao gồm chương trình dạy, học, nghiên cứu. Vậy mà Bộ Giáo dục Mỹ không quy định chương trình, cũng không quy định dạy cái gì, không ban hành sách giáo khoa. Người ta để cho bang và địa phương tự quyết định. Trên cùng, cái nóc của tòa nhà giáo dục, là cơ quan cao nhất của giáo dục Mỹ, nơi hoạch định chiến lược, tầm nhìn, nơi quyết định chương trình cho đến tận bữa ăn của học sinh lại là chính quyền bang và cơ quan giáo dục địa phương.
Không giống Việt Nam, có thể nói, Hoa Kỳ không có hệ thống quản lý giáo dục quốc gia. Việt Nam thì ôm chặt từ mầm non tới đại học, từ chương trình đến sách giáo khoa, từ chỉ tiêu số lượng đầu vào đầu ra, thậm chí đến ngày thi, giờ thi, đề thi của các cấp người ta cũng quản lý. Có như thế, họ cảm thấy mới có quyền và theo đó là có tiền. Giáo dục Hoa Kỳ triệt để phân quyền. Trường học thuộc trách nhiêm của bang và địa phương. Các hội đồng quản trị giáo dục địa phương được bầu lên để quản lý 15.500 khu vực trường học khắp cả nước. Hội đồng giáo dục bang giám sát công viêc giáo dục tại địa phương, đề ra các tiêu chuẩn, thông qua chương trình, thông qua việc lựa chọn sách giáo khoa. Vì vậy trên tổng thể 50 bang là 50 chương trình. Đó là chưa kể các địa phương, các thành phố độc lập cũng có quyền lựa chọn chương trình, sách giáo khoa cho riêng mình. Ngay cả đến nhà trường và học sinh cũng có quyền lựa chọn cái gì mình thích để học. Sự đa dạng, sự phong phú của giáo dục Mỹ nằm ở chính những cái trụ,  cái nóc của tòa nhà giáo dục. Nó gắn liền với thực tế địa phương, không độc đoán, quan liêu. Nó đào tạo theo yêu cầu thực tiễn của xã hội chứ không chỉ thuần để chuẩn bị hành trang vào đời trong tương lai cho học sinh như ở Việt Nam.
Tôi cho rằng không một quốc gia nào trên thế giới có một hệ thống giáo dục đa dạng như Hoa Kỳ. Chính vì sự đa dạng, linh hoạt cho nên nó thu hút đại đa số người Mỹ theo học ở tất cả các loại hình trường và sở hữu một nền giáo dục phổ cập lớn nhất thế giới. Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia năm 2013, có trên 76 triệu học sinh, sinh viên  theo học tại các cơ sở giáo dục từ mần non tới đại học ở Hoa Kỳ. Có gần 7 triệu giáo viên được tuyển dụng từ mầm non tới đại học. Giáo dục Hoa Kỳ chủ yếu là nền giáo dục công, 85% học sinh theo học ở các trường công do chính quyền liên bang, chính quyền bang và địa phương điều hành, cung cấp tài chính. Học sinh phổ thông học trường công không phải đóng góp một khoản học phí nào. Các gia đình có thu nhập thấp con em họ còn được ăn trưa miễn phí ở trường, được xe đưa đón đến trường hàng ngày không phải mất tiền. Việc giáo dục mang tính bắt buộc và được phổ cập tới cấp trung học phổ thông. Chính quyền bang thường quyết định các tiêu chuẩn giáo dục và thi cử. Nhưng các địa phương thông qua hội đồng học khu được chọn qua bầu cử có quyền đề ra chương trình học, mức hỗ trợ tài chính, có nhân sự và ngân sách độc lập. Độ tuổi bắt buộc đi học khoảng 4 đến 6 tuổi tùy theo từng bang. Độ tuổi được phép nghỉ học khoảng 16 đến 18 tuổi, tùy theo từng bang.
Học sinh có thể hoàn thành các chương trình giáo dục bắt buộc qua các trường công, trường tư, thậm chí học ở nhà, ở một trung tâm, ở một trại trẻ theo một chương trình giáo dục được cơ quan giáo dục địa phương chấp thuận. Hầu hết các trường phổ thông công lập và tư thục được chia thành ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Các lớp học thường được chia theo độ tuổi, từ mẫu giáo đến lớp l, lần lượt đến lớp 12. Trong hệ thống giáo dục, Mỹ không có các trường nhà trẻ và mẫu giáo công. Phần lớn là các trường nhà trẻ, mẫu giáo tư thục. Các gia đình có con nhỏ tự đi tìm trường và phải chi trả một khoản học phí khoảng từ 800 đến 1500 đô một tháng.
Vân, cô con gái thứ hai đang theo học chuyên ngành về lãnh đạo và quản lí giáo dục. Trong lớp học thạc sĩ và tiến sĩ của Vân có nhiều người bạn Mỹ đang là hiệu trưởng, là lãnh đạo ở các nhà trường phổ thông, các cơ sở giáo dục trong và ngoài thành phố Columbia. Vì vậy, qua Vân tôi có điều kiện thuận lợi để đến thăm một số nhà trường phổ thông cụ thể và tìm hiểu tình hình giáo dục chung tại thành phố Columbia.
Có tám người trong ban lãnh đạo giáo dục thành phố. Đứng đầu cơ quan giáo dục này là Tiến sĩ Chris Belcher, Giám thị (Superintendent). Giúp việc cho ông là là Phó Giám thị (Deputy Superintendent) Tiến sĩ Nic D. Boren. Tiếp theo là Chuyên viên phụ trách chuyên môn (Chief Academic Officer), Tiến sĩ Sally Beth Lyon. Chuyên viên phụ trách Tài chính (Chief Financial Officer) Linda Quinley. Trợ tá Giám thị (Assistant Superintendent) giáo dục cấp Trung học, Tiến sĩ Jolene Yoakum. Trợ tá Giám thị giáo dục cấp Tiểu học, Tiến sĩ Peter Stiepleman. Trợ tá Giám thị về Nhân lực, Tiến sĩ Dana Clipard. Nếu so sánh bộ máy lãnh đạo giáo dục của thành phố Columbia với một sở giáo dục ở Việt Nam ta thấy có quá nhiều điểm khác biệt về số lượng và về chất lượng con người. Theo chỗ tôi được biết, số lượng và cơ cấu ban lãnh đạo của các thành phố to hay nhỏ ở Mỹ không khác biệt nhau nhiều lắm.
Thành phố Cumbia có 22 trường tiểu học (Elementary School) bao gồm 8824 học sinh từ độ tuổi 4 tuổi tham gia lớp Pre-Kindergarten, 5 tuổi tham gia lớp Kindergarten, 6 tuổi vào lớp 1cho đến hết lớp 5. Có 8 trường trung học cơ sở trong thành phố (Middle School) bao gồm 5263 học sinh từ lớp 6 đến hết lớp 9 và 4 trường trung học phổ thông (High School) bao gồm 3635 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Tổng số học sinh trường công của thành phố là 17722 học sinh. Ngoài ra thành phố còn có 5 trường tư thục liên cấp, hàng chục trường nhà trẻ và mầm non tư thục với trên 1800 học sinh.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.