Thăm Trường Tiểu học Russel

Leave a Comment
Vân giới thiệu tôi đến trường tiểu học Russell Blvd (Russell Blvd Elementary School) qua một giáo viên của trường Đại học Missouri, tên là John.  8 giờ kém tôi có mặt tại cổng trường. Vào thời gian này ô tô cũng chở học sinh tới trường. Chúng ùa xuống sân trường như những bầy chim. Nhưng bước vào cánh cổng trường thì chúng lại đi theo hàng lối, trật tự, im lặng, tự quẹt thẻ vào máy điểm danh. Và có điều rất lạ là không em nào mang theo cặp sách hay cầm sách vở gì. Mỗi em đeo một chiếc túi lép kẹp sau lưng. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ hôm nay học sinh đi sinh hoạt ngoại khóa nên không mang theo sách vở. Nếu thế, buổi thăm quan của tôi sẽ không được như mong muốn. Trong tâm thức tôi, học sinh phải mang theo cả một ba lô sách. Một ba lô sách mà các bậc phụ huynh ở Việt Nam vẫn còn lo con em mình còn thiếu. Nhưng tôi đã lầm. Đây là một ngày học bình thường.
Ra đón tôi là vợ của thầy john, cô Cindy, giáo viên của trường tiểu học. Cô đưa tôi đến gặp ông Hiệu trưởng (Principal), Tiến sĩ Ed Schumacher. Tôi xin phép ông được đi tham quan nhà trường và được dự một vài giờ dạy của cô Cindy. Ông vui vẻ nói với tôi rằng, tôi và khách đến thăm cũng như phụ huynh học sinh muốn đến thăm nhà trường, vào giờ học nào, dự giờ giáo viên nào, nhà trường đều sẵn sàng đáp ứng. Mà đúng thật, Tôi thấy ở ngoài cổng trường có tấm biển đề: “Vui mừng chào đón khách đến thăm trường”.
Tiến sĩ Schumacher chúc tôi có một ngày làm việc bổ ích và lí thú. Rồi ông giới thiệu tổng quát với tôi một vài nét về lịch sử phát triển của nhà trường, về số cán bộ nhân viên, về số lớp số học sinh và tình hình cơ sở vật chất của nhà trường. Tôi rất cảm động về sự đón tiếp của ông. Nếu ở Việt Nam, tôi muốn vào trong trường, nếu không quen biết, chắc chắn sẽ không qua nổi cổng bảo vệ. Kể cả có quen biết hiệu trưởng thì cũng phải chờ đợi, bị bảo vệ ngoài cổng trường hỏi đến trường làm gì, gặp ai, có hẹn trước không… Phải ngồi ngoài phòng bảo vệ, chờ bảo vệ gọi điện cho hiệu trưởng, xem hiệu trưởng có bận không, có tiếp không. Cái cảnh này tôi đã chứng kiến quá nhiều vì tôi thường xuyên phải đi làm công tác tuyển sinh ở các nhà trường mà. Dù tôi hiện là cán bộ quản lý và đã từng là hiệu trưởng, từng công tác với họ, ấy vậy mà đôi ba lần tôi còn bị từ chối được gặp hiệu trưởng. Huống chi nói đến chuyện vào dự giờ thăm lớp trường của họ. Tuy vậy, tôi không dám trách họ, vì đó là văn hóa trường học Việt Nam.
 Được thành lập từ năm 1958, trường Russell Blvd tiếp nhận học sinh trên địa bàn vào học các lớp từ 4 tuổi: Pre-Kindergarten đến hết lớp 5. Cái tên trường Russell  Blvd bắt nguồn từ tên của địa phương Russell Bolevard. Trải qua hơn nửa thế kỉ phát triển, trường hiện là một trong những điểm sáng của nền giáo dục thành phố. Trường có 5 lớp Pre-Kindergarten với 65 học sinh, 5 lớp Kindergarten với 89 học sinh, 5 lớp 1 với 83 học sinh, 5 lớp 2 với 81 học sinh, 5 lớp 3 với 101 học sinh, 5 lớp 4 với 91 học sinh, 4 lớp 5 với 79 học sinh. Tổng số toàn trường có 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên (chưa kể một số hợp đồng); 34 lớp học với 598 học sinh. Bình quân chưa đến 18 học sinh một lớp.
Tiết học tôi dự đầu tiên là bài học khoa học tìm hiểu về Hệ mặt trời của một lớp 5. Vào bài cô giáo dẫn dắt: “Tuần trước cô đưa các em đi xem một bộ phim khoa học về vũ trụ ở Trường phổ thông trung học Rock Bridge. Qua những hình ảnh đã xem chắc các em phần nào hình dung ra được Hệ mặt trời là như thế nào. Để giúp các em phần nào hiểu thêm về Hệ mặt trời của chúng ta, cô và các em cùng tìm hiểu bài Hệ mặt trời”.
Sau khi diễn giảng ngắn gọn vài nét về Hệ mặt trời, tại sao lại gọi là Hệ mặt trời, và Hệ mặt trời của chúng ta, cô giáo phát cho mỗi em một tờ giấy khổ A4. Tôi cũng được phát một tờ giấy như của học sinh. Trên tờ giấy chỉ có mấy dòng vẻn vẹn. Dòng đầu tiên là câu hỏi: Tại sao người ta lại là Hệ mặt trời, có những bộ phận nào hợp thành? Cách vài dòng là một câu hỏi tiếp: Có bao nhiêu hành tinh trong Hệ mặt trời của chúng ta? Tiếp vài dòng nữa là câu hỏi cuối cùng: Tính từ mặt trời, trái đất của chúng ta đứng ở vị trí thứ mấy?
Tôi rất lạ vì trước bàn học, không em nào có sách giáo khoa. Trước mặt mỗi em đều có một máy tính với một tờ giấy cô giáo phát. Và tôi bất ngờ khi thấy giáo viên hỏi những em nào sinh từ tháng 1 đến tháng 3 thì giơ tay, rồi lần lượt từ tháng 4 đến tháng 6, từ tháng 7 đến tháng 9, từ tháng 10 đến tháng 12. Thì ra cô giáo yêu cầu thành lập 4 nhóm theo tháng sinh. Cô chỉ định mỗi nhóm ngồi vào một vị trí. Tôi thấy có nhóm 3 học sinh. Có nhóm 5 học sinh. Cô tiếp tục chỉ định em có ngày sinh đầu tiên trong những tháng kể trên làm nhóm trưởng, chịu trách nhiệm ghi chép vào một tờ giấy khổ A0 mà cô phát cho. Cô treo lên bảng 4 bảng phụ ghi rõ nội dung công việc cho 4 nhóm. 4 nhóm trưởng đại diện lên trước lớp bốc thăm để nhận nhiệm vụ cho nhóm của mình. Nhóm 1 nhận nhiệm vụ: Sử dụng công cụ máy tính (máy tính trong lớp đều được nối mạng) nhóm hãy mô tả mặt trời trong hệ mặt trời của chúng ta là một ngôi sao có hình dáng như thế nào? Bán kính bao nhiêu? thể tích bao nhiêu? Nhiệt độ ở trung tâm mặt trời là bao nhiêu độ? Nhóm 2 nhận nhiệm vụ: Tìm trong công cụ Google nhóm hãy kể ra hệ mặt trời có bao nhiêu hành tinh? Nêu thứ tự các hành tinh từ gần nhất tới xa nhất? Trái đất của chúng ta ở vị trí nào? Nhóm 3 nhận nhiệm vụ: Sử dụng Từ điển Khoa học hoặc công cụ máy tính nhóm hãy mô tả trái đất của chúng ta có hình dáng như thế nào? Bán kính, thể tích bao nhiêu? Nhiệt độ là bao nhiêu? Nhóm cuối cùng nhận nhiệm vụ ghi lại khoảng cách của hành tinh gần nhất và xa nhất với mặt trời, khoảng cách giữa trái đất và mặt trời.
Thời gian cho mỗi nhóm hoàn thành công việc là mười lăm phút. Tôi thấy các em trong các nhóm rất hào hứng với công việc của mình. Cả 4 nhóm các em đều túm tụm vào chiếc máy tính hay đi lấy tài liệu ở trên giá sách của lớp để góp phần hoàn tất phần việc của nhóm mình. Tôi đến với nhóm 3 để xem xem các em làm việc như thế nào. Nhóm 3 có 4 học sinh. Tôi thấy một em đến bên giá sách ở bên phải lớp học cầm lấy cuốn từ điển lúi húi xem. Một em lấy sách giáo khoa cũng ở trên giá đó để tìm kiếm thông tin, còn 2 em chúi đầu vào chiếc máy tính. Mỗi học sinh nói ra một ý. Em nhóm trưởng ghi các thông tin lên trang giấy bằng chiếc bút dạ. Những dòng chữ nguệch ngoạc dần dần hiện kín tờ giấy. Có một số ý trùng lặp các em xóa đi. Cuối cùng các em thảo luận để phân công xem ai lên trình bày trước lớp.
Hết thời gian, lần lượt đại diện các nhóm lên trình bày. Cô giáo nhận xét, bổ sung và đánh giá thái độ làm việc của từng nhóm . Sau đó cô cho các em xem một đoạn phim trên màn hình lớn về hệ mặt trời trên You Tube (mỗi lớp học đều có sẵn một máy projector gắn trên trần lớp học). Kết thúc bài dạy, cô giáo yêu cầu học sinh tự trả lời vào phiếu học tập mà cô phát cho các em từ đầu giờ, sau vài phút cô thu lại. Không thấy em nào có vở ghi chép, cũng chẳng thấy giáo viên ra bài tập giao về nhà cho học sinh làm. Giáo viên căn cứ vào phiếu trả lời để hiểu nhận thức của học sinh. Nếu học sinh không trả lời được, cô yêu cầu vào học thêm ở lớp đặc biệt (có giáo viên chuyên dạy học cho học sinh không nắm được nội dung bài học trong ngày theo khối lớp). Tôi không thấy có một chút áp lực nào về học tập hay áp lực nào về điểm số. Như vậy là ở đây, ngay từ cấp tiểu học người ta đã dạy học sinh cách làm việc hợp tác cùng nhau, dạy học sinh cách lấy thông tin để có kiến thức và cho học sinh xử lý thông tin để hình thành kiến thức, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục.
Ở Việt Nam chúng ta, đại đa số là thầy truyền thụ lại kiến thức. Học sinh cắm đầu cắm cổ ghi ghi chép chép. Tùy theo số tiết, mỗi môn học không dưới một đến bốn quyển vở ghi chép từ trang đầu cho tới trang cuối mỗi năm học. Nếu em nào không ghi chép đầy đủ thì đó là biểu hiện của sự lười biếng, không có ý thức học hành. Và sẽ bị thầy đánh giá, bị phê phán. Việc làm như vậy chỉ là biểu hiện của lối dạy học trang bị kiến thức, đọc chép vô bổ theo truyền thống dạy học của một xã hội nông nghiệp cổ truyền. Việc làm như vậy chỉ làm mất thời gian của học sinh, tạo cho học sinh thói quen thụ động, lệ thuộc vào thầy. Trong thời đại kỹ thuật số, lượng thông tin trên mạng của bất cứ lĩnh vực khoa học nào cũng nhiều đến choáng ngợp vậy mà thầy cứ gia công cho học sinh ghi chép kiến thức thì giáo dục của Việt Nam thuộc lớp người muôn năm cũ mất rồi.
Dự giờ ở đây tôi càng thấm thía, giáo dục của mình đã quá lạc hậu so với các nước tiên tiến. Đồng thời nó gợi cho tôi nhớ tới một luận đề của Marx, hình như trong bộ Tư bản luận thì phải. Đại ý là mỗi phương thức làm ăn (Marx gọi là phương thức sản xuất) có một nguyên lí của nó. Mỗi nguyên lí có một đại diện. Cày chìa vôi đại diện cho nền sản xuất tiểu nông. Máy hơi nước đại diện cho nền sản xuất đại công nghiệp. Nếu Marx còn sống đến nay, chắc ông sẽ chỉ ra máy tính đại diện cho nền sản xuất hậu công nghiệp hay nền kinh tế tri thức. Nền sản xuất nào cũng có một đứa con giáo dục do nó sinh ra. Nền sản xuất tiểu nông là nền giáo dục bút lông. Nền sản xuất đại công nghiệp là nền giáo dục bút sắt (bút sắt, bút máy). Nền sản xuất hậu công nghiệp là nền giáo dục máy tính. Ở các trường học Mỹ, ngay từ cấp tiểu học, máy tính và Internet từ những năm 2000 đã trở nên rất phổ biến. Theo thông kê, năm 2010, 100% các trường mầm non và tiểu học ở Mỹ đều sử dụng Internet. Các trường tiểu học và trung học cơ sở sở hữu khoảng 15 triệu máy tính cá nhân cho tất cả các học sinh. Đúng là một nền giáo dục của một nền văn minh tri thức.
Ở việt Nam, ai cũng biết nền giáo dục bút sắt đã thắng bút lông. Cái hình tượng nghệ thuật trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên đã đưa tiễn lớp người muôn năm cũ trở về quá khứ với niềm thương tiếc kính trọng. Thế nhưng cái tư tưởng thâm căn cố đế ngàn năm bắt học sinh phải nhớ nhiều, học để đi thi, học để thoát khỏi chân lấm tay bùn, học để làm quan của nền giáo dục bút lông và cái tư tưởng kĩ trị, lí thuyết, hàn lâm của nền giáo dục bút sắt vẫn đè nặng lên nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Kể cả các nhà lãnh đạo giáo dục, kể cả nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và đặc biệt là các pháo đài trường học bút lông bút sắt Việt Nam vẫn đang công khai chủ trương giữa thanh thiên bạch nhật, học phải ghi chép thật đầy đủ để học sinh biết đường mà học, học theo thầy, học để biết đường mà thi…
     Việc đánh giá nhà trường phải qua thi cử. Thi cử và điểm thi cử là số liệu đánh giá khách quan nhất. Việc chọn xét nhân tài, tuyển chọn công chức cũng phải qua thi cử. Và trong thi cử họ lại không tin thầy cô. Họ cũng không tin cả nhà trường nữa. Họ đổi trường, tráo cụm, hoán quận huyện. Việc tuyển công chức ở các tỉnh, thành phố còn là độc quyền thi cử của sở nội vụ và phòng nội vụ. Cứ cái đà này họ sẽ trở lại cái thời ngày xưa: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà” mà nhà thơ Tú Xương đã miêu tả trong buổi xế tà lều chõng thời bút lông. Thăm lớp học ở đây, tôi nhận thấy học sinh rất ít sử dụng bút, học sinh nào cũng sử dụng máy tính, chỗ nào cũng sử dụng máy tính. Rõ ràng giáo dục người ta đang ở thời đại khác về chất so với chúng ta.
 Tiết học thứ hai tôi dự là tiết tập làm văn. Đề bài là: “Tuần trước các em lớp Kindergarten có buổi giao lưu với các anh chị lớp 5. Em hãy tường thuật lại buổi đó”. Đây là bài viết hoàn toàn thực tế, vì tôi nhìn thấy dấu tích trên tường dán đầy những bức tranh vẽ, những lời chúc tụng và ngợi ca của cá nhân hoặc nhóm các em hai lớp Kindergarten. Xem lướt qua những bức tranh, đọc lướt qua những dòng chữ của các em học sinh mẫu giáo. Có cái gì đó cũng làm tôi xốn xang. Thảo nào học sinh trong lớp cứ rì rầm. Khuôn mặt các em hiện lên vẻ phấn khích. Các em chăm chú theo dõi những hàng chữ mình đánh hiện lên trên màn hình. Thỉnh thoảng có em đứng lên, ngồi xuống, thậm chí đi đi lại lại trong lớp, nhưng cô giáo không hề nhắc nhở.
Tôi bất giác nhớ tới cháu Phương, con cô em gái. Cháu được đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện. Cháu phải làm hàng chục đề văn nhà trường giao cho. Sau khi làm xong tập đề văn đó. Các cô tập trung đọc sửa, viết lại, thêm thắt và bắt cháu học thuộc. Nếu vào phòng thi, ra trúng đề nào thì cháu cứ việc chép ra. Mà đó cũng chẳng phải là trường hợp cá biệt. Nhiều trường có học sinh giỏi đi thi đều làm thế để học sinh có điểm cao. Kể cả thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển đầu vào các cấp người ta cũng làm thế. Ngày trước còn thi tốt nghiệp lớp 5, lớp 9, thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp lớp 12, đa số giáo viên văn luyện thi theo chủ đề. Vì hướng dẫn thi cũng theo chủ đề mà. Thí sinh vào phòng thi trúng tủ cứ việc chép văn mẫu ra. Thành thử các bài văn của các em như một cái khuôn đúc, giống hệt nhau. Tình trạng đó diễn ra cho cả những môn khoa học xã hội như sử, giáo dục công dân, thậm chí cả những môn học tự nhiên. Nói tóm lại, khái quát lại đó chính là cái công nghệ luyện thi, học thuộc lòng, sao chép, vận dụng đầy áp lực. Và người ta tự hào về cái công nghệ đó, cái công nghệ tạo ra từ khuôn đúc của thầy, giống thầy, càng giống thầy càng điểm cao. Cái lối học để đi thi, để lấy thành tích kiểu này chắc chắn chỉ đào tạo ra những lớp người học vẹt, chỉ biết tầm chương trích cú, sáo mòn, thui chột sự sáng tạo của học sinh.
Tôi rất tiếc là không biết được các đề bài làm văn của lớp trước đó. Hỏi mượn xem vở ghi chép để dò tìm, các em lắc đầu nói không có bất kì quyển vở ghi chép nào. Tôi nghĩ có lẽ phải hỏi cô giáo sau vậy. Chép xong đề bài lên bảng, cô giáo hướng dẫn học sinh làm bài. Học sinh không làm bài ra giấy. Và thực tế trên bàn học cũng không có cái gì để ghi chép. Các em viết bài trên máy tính. Tôi băn khoăn hỏi cô giáo sẽ chấm bài cho học sinh như thế nào. Cô trả lời tôi: “ Có hai hình thức. Hoặc tôi yêu cầu các em gửi bài vào mail cá nhân của tôi hay mail của lớp, hoặc tôi yêu cầu các em tự in bài viết của mình ra nộp lại cho tôi. Nhà trường có phòng để máy phôtô và máy in. Các em cứ việc in từ máy tính cá nhân tại lớp”.
Dự xong hai tiết học, cô giáo hỏi tôi có muốm tiếp tục dự giờ nữa không. Tôi nói nếu có thể tôi muốn dự một giờ toán. Cô giáo nói hôm nay không cô nào trong khối lớp 5 có tiết học toán. Nếu tôi muốn dự thì để ngày hôm sau cô sẽ bố trí cho. Theo kế hoạch, tôi sẽ đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường. Cô cử hai học sinh đưa tôi đi thăm các lớp học từ lớp Pre-Kindergarten tới các lớp 5. Tất cả các lớp học và hành lang đều khép kín trong hệ thống điều hòa nhiệt độ. Trước khi vào một lớp nào đó các em đều gõ cửa xin phép giáo viên chủ nhiệm cho tôi được vào quan sát lớp học. Lớp học nào cũng có máy tính trên bàn giáo viên, một số máy tính nối mạng để ở các vị trí khác nhau trong lớp và lớp nào cũng có gắn máy chiếu projector trên trần, máy chiếu đa vật thể trên bàn giáo viên.
Các em dẫn tôi đến thăm phòng học ngoại ngữ. Cô trò một lớp vừa học xong giờ học tiếng Pháp. Tranh thủ lúc phòng còn đang để trống. Tôi vào trong quan sát. Ngoài máy tính, projector như phòng học, phòng ngoại ngữ còn trang bị hệ thống bàn ghế đặc biệt, bảng tương tác, tủ điều khiển đồng thời là bục giảng, đầu đĩa, dàn âm thanh mà tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ. Các thiết bị này được điều khiển từ máy tính, cung cấp các giải pháp dạy và học tốt nhất cho giáo viên và học sinh. Nó cũng khai thác tối đa sức mạnh công nghệ thông tin, sự sáng tạo của thày trò trong dạy và học. Đặc biệt trên mặt mỗi chiếc bàn đều có một chiếc ipad gắn liền với một thiết bị nghe, một thiết bị điều khiển tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh…
Mặc dầu tôi là một nhà quản lí giáo dục ở một trường quốc tế, có phòng học ngoại ngữ, từng hướng dẫn thày trò trường mình cách sử dụng các thiết bị ở phòng ngoại ngữ nhưng ở phòng này, thú thực tôi mù tịt. Hai em hoc sinh dẫn tôi đi tham quan mô tả lại cho tôi cách sử dụng các thiết bị trong giờ học. Các em thao tác bằng bút điện tử hỗ trợ nhóm bằng công nghệ không dây. Các em mở ipad lấy chương trình học, lấy các phần mềm tự học cho tôi xem, đeo thiết bị nghe cho tôi thử. Các em còn lấy chương trình trò chơi tương tác với máy để tôi quan sát. Tôi đã được tham quan, đã được thực hành trong phòng máy học ngoại ngữ của các trường điểm cấp thành phố theo đề án dạy ngoại ngữ đến năm 2020 của Bộ giáo dục và Đào tạo. Nếu đem so sánh trang bị kĩ thuật, trình độ công nghệ, phần mềm dạy học, tính năng, công dụng, hiệu quả của phòng máy và khả năng sử dụng của thầy trò, tôi không biết phải nói thế nào cho đúng với tên gọi của sự vật. Hy vọng rằng vài ba chục năm nữa, chúng ta sẽ có những phòng học ngoại ngữ như kiểu thế này.
Tiếp tục các em đưa tôi đến các phòng học nghệ thuật của nhà trường. Phòng học mỹ thuật có mấy chục em đang say sưa bên giá vẽ. Trên bục cao là bức tượng mẫu rất đẹp. Hình như đó là bản sao bức tượng cổ điển Thần Vệ nữ. Ánh sáng vàng dìu dịu từ trên cao hắt xuống làm nổi rõ các góc sáng tối theo các hướng vẽ của học sinh. Tôi thấy có em đưa tay lên nheo mắt nhìn để chuẩn vật mẫu. Có em thì dùng bút chì. Có em thì dùng thước. Trông các em vẽ tôi thấy chuyên nghiệp chẳng khác gì những sinh viên trường mỹ thuật nào đó đang làm việc. Bên cạnh đó, một số em đang xé những tờ giấy màu để dán lại thành những bức tranh. Một số em đang miệt mài lấy đất nặn tượng theo hình mẫu. Một số em thì dùng dao đang gọt cắt những hình khối...
     Các em xin phép cho tôi được vào thăm phòng âm nhạc. Một giáo viên đang dạy hát cho tập thể lớp gật đầu và chỉ tay ra hiệu cho chúng tôi cứ tự nhiên. Phòng học được thiết kế như một sân khấu thu nhỏ. Có dàn âm thanh, có hệ thống đèn chiếu, có hệ thống ghế để học sinh đứng thành tầng lớp biểu diễn. Măc dầu có chúng tôi đang theo dõi trong phòng nhưng thầy trò vẫn cứ say sưa hát theo bè như không hề có sự tồn tại của ai. Các em tiếp tục dẫn tôi qua một của kính sang phòng học ghi ta, rồi qua một phòng học trống, phòng học organ. Phòng nào cũng có hàng chục nhạc cụ để sẵn trong phòng. Tôi hỏi hai em đưa tôi đi thăm trường học, các em học loại nhạc cụ gì. Một em cho biết là học trống. Một em cho biết là học organ.
Em học trống đánh cho tôi nghe một giai điệu Rock đơn giản nhưng mạnh mẽ đầy ấn tượng. Em học organ thì biểu diễn một bài rất quen thuộc với tôi: Lịch sử tình yêu. Bài này là bài đầu tiên cô giáo Xuyên dạy hai con gái tôi ngày đầu học đàn tại nhà. Lúc đó, nhiều đồng nghiệp biết tôi cho con học đàn, những người đó chỉ cho con học toán, lý, hóa và cho rằng việc đàn ca sáo nhị là vớ vẩn, là không phải giáo dục. Rất đáng tiếc cho đến ngày hôn nay, nhiều cán bộ quản lí trường học, nhiều phụ huynh vẫn cứ còn quan niệm như vậy.
Ấn tượng nhất trong chuyến viếng thăm Trường Tiểu học Russell Blvd là 2 em học sinh lớp 5 đưa tôi đi giới thiệu về trường. Một em da trắng, tóc vàng. Một em da đen, tóc quăn. Các em thật gần gũi và đáng yêu. Cả hai em đều rất tỉ mỉ, chi tiết và tự tin khi giới thiệu với tôi từng phòng học, phòng chức năng, phòng âm nhạc, phòng mỹ thuật. Các em hỏi tôi nhiều điều về trường lớp, về các bạn học sinh Việt Nam mà tôi không thể ngờ được. Chẳng hạn nhà trường đã cho học sinh đi thăm trường đại học nào, đi thăm bảo tàng mỹ thuật và bảo tàng khoa học nào. Một tháng được đi tham quan mấy lần, được đi siêu thị và được nhà trường cho bao nhiêu đô để ăn trưa. Tôi cố gắng giải thích cho các em sự khác biệt giữa nhà trường ở Mỹ và nhà trường ở Việt Nam. Các em cứ gặng hỏi tôi tại sao đất nước Việt Nam lại không xây dựng được một bảo tàng khoa học cho học sinh.
Trong khi đó, ở các thành phố Mỹ, dù chỉ có 6 trăm ngàn dân thôi cũng có bảo tàng mỹ thuật và bảo tàng khoa học. Chẳng lẽ tôi nói với các em rằng Việt Nam không có tiền xây dựng hay các nhà quản lý văn hóa, giáo dục Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của các loại bảo tàng như ở Mỹ. Tôi cũng băn khoăn tự hỏi không biết học sinh ở một lớp cấp THCS và THPT mà tôi đã từng là hiệu trưởng, hiệu phó có mấy em được như hai em lớp 5 này. Tôi chứng kiến nhiều lần các chuyên gia giáo dục nước ngoài đến làm việc với học sinh lớp chọn của trường tôi. Phần lớn các em phải tiếp xúc với người nước ngoài thì đều e ngại, rụt rè, thiếu tự tin. Các em không dám hỏi lại bất cứ vấn đề gì. Các em càng không có bất cứ phản hồi gì khi các chuyên gia đặt ra các vấn đề với các em. Điều duy nhất tôi được người ta khen là học sinh của tôi làm bài tập tốt; đặc biệt là làm được nhiều bài tập toán và bài tập các môn khoa học tự nhiên rất khó, khó đến bản thân họ là chuyên gia cũng phải vò đầu mới tìm ra được cách giải. Họ rất “ khâm phục” Việt Nam có nhiều học sinh giỏi quốc tế, nhưng chất lượng giáo dục con người thì hoàn toàn thuộc hai đẳng cấp khác nhau. Một nền giáo dục phát triển năng lực, nuôi dưỡng cá tính, đam mê, tự do và sáng tạo. Một nền giáo dục xoay quanh một số môn học, đào tạo ra lớp người để đi thi, lớp người công cụ, những thợ làm bài tập văn, làm bài tập toán, làm bài tập lý, làm bài tập hóa...
Cuối cùng các em đưa tôi đến thăm thư viện của nhà trường. Thư viện của một nhà trường tiểu học mà có tới vài ngàn đầu sách cùng với mấy chục chiếc máy vi tính nối mạng. Hai em thay nhau giới thiệu sách văn học, sách khoa học, sách lịch sử, địa lý... Đặc biệt các em còn làm tôi vô cùng ngạc nhiên khi lấy ra ba cuốn sách về Việt Nam. Một cuốn giới thiệu về đất nước con người Việt Nam. Một cuốn về các dân tộc ở Việt Nam. Một cuốn về chiến tranh ở Việt Nam. Cầm ba cuốn sách trên tay, phải nói rằng tôi thật sự bị sốc. Sốc vì cách xa nửa vòng trái đất ở Trường Tiểu học Russell có những cuốn sách chuyên đề về Việt Nam. Tôi cam đoan rằng khắp các thư viện tiểu học, trung học cơ sở ở Việt Nam không có lấy một cuốn sách chuyên đề nào nói về nước Mỹ. Phải chăng đó không chỉ là sự khác biệt của hai nền giáo dục mà là sự khác biệt giữa một siêu cường với một nước đang phát triển vừa mới thoát khỏi nghèo như đất nước Việt Nam.
Khi tôi bước vào thư viện, ở đó có khoảng vài chục em đang đọc sách. Học sinh ở đây đều có tiết học trên thư viện và có thời gian hai tiếng tự do một tuần để vào thư viện đọc sách hay chơi thể thao. Học sinh có thời gian, có quyền lựa chọn hoặc ra sân bãi hoặc vào thư viện. Và thư viện trường học của Mỹ thực sự là mái nhà tri thức, nơi thu hút các em học sinh đam mê sách vở. Các em rất trật tự, nghiêm túc tuân thủ nội qui, không làm phiền bất kì ai ở trong phòng.
Thư viện trường học ở Việt Nam thực tế rất hình thức, vừa ít về số lượng vừa nghèo về nội dung. Cả năm có mấy học sinh đến đọc? Vả lại học sinh có muốn đến thư viện đọc sách thì cũng đâu có thời gian, đâu có rảnh để đến thư viện. Chúng còn phải đi học buổi thứ hai kín cả tuần. Thứ bẩy, chủ nhật ở các thành phố và thị xã, các vùng nông thôn gần các đô thị còn phải đi học thêm, thậm chí đến 9 giờ đêm vẫn phải học thêm. Ngay cả khi ông bà ốm, cháu muốn đi thăm ông bà. Bố mẹ nói với con đó là trách nhiệm của bố mẹ, còn nhiệm vụ của con là đi học, không phải thăm nom gì cả. Quan niệm học đến méo mó, học đến mụ mẫm, học đến phi nhân tính. Có gia đình còn bán cả ruộng đất, trâu bò, công cụ lao động để cho con đi học đại học. Tôi cho rằng việc làm đó là đáng khen nhưng cả xã hội hành động như thế thì đồng nghĩa học hành đến nghèo đói, sểnh ra thì cả nhà đi ăn mày ăn xin. Nhưng vì thành tích, vì thi cử, vì tham vọng của người lớn và cả vì tiền mà các nhà trường và phụ huynh đã cố tình đánh mất tuổi thơ của các em.
Một em học sinh ở một trường chuyên, khi được đi học nước ngoài có nói với tôi: “Nhìn lại quãng thời gian học hành ở trong nước, bây giờ cháu nghĩ lại, nó chẳng khác gì địa ngục trần gian”. Từ thực tế đó, tôi thấy vấn đề là chúng ta cho học sinh học đến như vậy nhưng nền giáo dục của chúng ta mấy chục năm trở lại đây có đào tạo ra được nhân tài và lao động chất lương cao đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế? Chỉ thấy người ta kêu thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Các công ty nước ngoài đều  ngán ngẩm với trình độ nhân lực của Việt Nam. Cho nên có người nói giáo dục Việt Nam không phải là lạc hậu, duy ý chí mà là lầm đường, lạc lối. Nhận định quá tả đó cũng không phải hoàn toàn không có cơ sở.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.