Thăm Trung tâm thương mại Columbia Mall

Leave a Comment
Giang đi học. Vân ở nhà cùng bé Bảo. Hai vợ chồng Hoài Anh đưa tôi đi chơi Trung tâm Thương Mại Columbia Mall. Khu trung tâm này nằm ở phía đông Columbia, cách khu kí túc xá chúng tôi ở khoảng mười lăm phút đi ô tô. Tôi không biết chính xác nó rộng bao nhiêu ha, nhưng đại loại là rất rộng. Trung tâm chia ra làm năm khu vực chính. Mỗi khu vực có kí hiệu bằng một chữ cái, từ A đến F. Mỗi một khu vực lớn lại được chia thành những khu vực nhỏ với những chức năng khác nhau. Chẳng hạn khu vực dịch vụ bao gồm khu phụ kiện, khu ngân hàng, thẻ tín dụng, khu chăm sóc sức khỏe, khu thẩm mĩ, khu vui chơi của người lớn và trẻ em.
Đi sâu vào bên trong tôi không còn phân biệt khu vực nào với khu vực nào. Tôi có cảm giác mình bị ngập chìm, bị lạc lối giữa một chốn mê cung hàng hóa. Chỉ biết tôi đang đi xem ở khu vực bách hóa, rồi khu cửa hàng bán đồ trẻ em, khu cửa hàng bán đồ trang sức, quần áo phụ nữ, khu bán đồ chơi, khu bán đồ dụng cụ thể dục thể thao, khu vực dày dép, khu thiết bị công nghệ thông tin và điện tử, khu vực văn hóa phẩm, khu vực bán lương thực và thực phẩm, khu giải khát, khu nhà hàng ăn uống… Hoài Anh và Thúy mải mua mua sắm sắm, còn tôi đẩy xe bé Lâm tới nơi vui chơi dành cho trẻ. Ở đó có rất đông các gia đình đầy đủ cha mẹ và con cái. Tất cả mọi người đều cuốn vào cuộc chơi. Bé Lâm không chịu ngồi yên trên xe, cu cậu nhoài ra khỏi xe, xuống chỗ các anh các chị người Mỹ đang chơi để chơi cùng.
Cái cách thức tổ chức theo mô hình trung tâm thương mại giống như của Mỹ có lẽ ở Việt Nam chưa có. Một vài siêu thị lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ như một góc nhỏ của trung tâm này. Chức năng của các siêu thị đúng như cái tên của nó chỉ là nơi mua và bán hàng hóa các loại. Dù có hiện đại, văn minh thì cũng chỉ là cái chợ. Trung tâm thương mại ở đây khác, nó không chỉ là nơi diễn ra hoạt động mua và bán. Người ta đã đi đến đây thì chí ít cũng dành vài tiếng hoặc cả ngày ở trong trung tâm mà không cần phải đi đâu nếu không có việc gì bận. Thứ nhất, nó không thiếu bất cứ cái gì người ta cần. Thứ hai, nó như là nơi vui chơi giải trí và thư giãn cho cá nhân và cho cả gia đình. Thứ ba, nó có khu vực chẳng khác gì nhà nghỉ dưỡng hay khách sạn cao cấp, nếu người ta có nhu cầu tĩnh mịch hoặc cần nghỉ ngơi một vài tiếng thì đều rất sẵn. Nhưng tôi có cảm giác tất cả những điều đó không quan trọng với người Mỹ. Hình như họ đến đây là đến một điểm hẹn để gặp gỡ, giao tiếp ngoài việc mua hàng, cho đàn ông, đàn bà và cả trẻ nhỏ.
Khi mua xong một số vật dụng, trong đó có một số đồ dùng cá nhân cho tôi, Thúy tìm đến chỗ hai ông cháu, chúng tôi cùng đến khu văn hóa phẩm. Tôi muốn mua một ít sách giáo khoa và một vài cuốn sách về giáo dục để đem về nước. Nhìn giá sách, đầy ắp những cuốn sách mang tính chất nghiên cứu sau bìa, cuốn đề một trăm năm mươi đô, cuốn đề hai trăm đô, cuốn thì hai trăm ba mươi đô. Tôi nhận ra rằng sách chuyên môn nghiệp vụ ở Mỹ đắt đến rụng rời. Tôi chỉ dám chọn mua một vài cuốn bàn về phương pháp giảng dạy trong nhà trường phổ thông để kỉ niệm chuyến đi. Vả lại, Thúy và Vân cũng đã gửi cho tôi không ít sách về giáo dục, mà tôi đã đọc được hết đâu.
Trong chuyến đi này, một việc tôi cần làm là mua một số sách giáo khoa về khoa học tự nhiên cho nhà trường. Cần thiết nhất là sách giáo khoa toán và khoa học từ lớp 6 đến lớp 12. Tôi tìm lướt qua đến vài chục giá sách, nhưng không tìm thấy một cuốn nào. Chỉ có sách bài tập và sách tham khảo cho thầy và trò thôi. Tôi hỏi nhân viên về địa chỉ cửa hàng chuyên bán sách giáo khoa cho các cấp học phổ thông. Họ nói có lẽ ở thành phố này không có loại cửa hàng đó. Vì ở trường học, các em học sinh đều được cấp phát sách giáo khoa, hoặc được mượn sách giáo khoa ở thư viện mang về nhà, nên ở các cửa hàng có lấy sách giáo khoa về bày bán, chắc cũng chẳng có ai mua. Thì ra là như vậy. Nhưng chẳng lẽ sách giáo khoa lại khó mua đến thế ư. Ở Việt Nam cứ bước ra khỏi nhà là ê hề. Trên trời dưới đất đủ các loại. Người ta bày bán đầy dẫy ở các hiệu sách, ở cả vỉa hè. Thúy cười bảo tôi:
-      Ba đừng lo. Cứ kê ra cho con các loại. Tối về con đặt mua trên mạng. Chỉ mấy ngày sau người ta gửi về tận nhà cho ba. Ba muốn mua cho tất cả học sinh trường ba cũng có.
-      Mua sách giáo khoa trên mạng?
-      Bất cứ thứ hàng hóa gì ba đều mua được trên mạng. Thậm chí mua hàng trên mạng giá rẻ hơn nhiều so với giá mua ở cửa hàng, vì người ta không mất chi phí thuê cửa hàng, kho, bến bãi và cũng không cần đến nhân viên bán hàng. Chỉ mất cước phí bưu điện mà cước phí bưu điện thì lại rất rẻ. Nếu thấy cần thiết, ba mua cặp sách điện tử hay gọi là quyển sách điện tử dùng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Chỉ cần một thiết bị giống như cái Ipad, khoảng 1kg là ba có đủ tất cả từ sách giáo khoa phổ thông của mười hai lớp học đến sách tham khảo, sách bài tập, kèm theo các loại tự điển bằng kênh chữ  kênh hình, các phương tiện âm thanh giải trí, các phương tiện phục vụ học tập…
-      Nó giống như một cái máy tính bảng à?
-      Đúng như thế. Chỉ có điều nó chuyên dụng cho học sinh.
-      Chắc sẽ đắt lắm?
-      Rất rẻ ba ạ. Con đoán chỉ khoảng một trăm lăm mươi đô thôi. Cái Ipad chúng con gửi cho ba cũng chỉ có hơn hai trăm đô thôi. Nhưng thôi, bây giờ đến giờ ăn rồi, chúng con mời ba đi ăn buffet.
Ở thành phố này, người Mỹ và sinh viên Việt Nam cứ gọi chung là nhà hàng ăn Trung Hoa. Chúng tôi đã đến một vài lần nhà hàng Trung Hoa, nhà hàng Tầu. Thực ra, nhà hàng có tên gọi là Đại tửu lầu Tràng An, có tên số nhà nằm trên đường Providence, nhưng không hiểu sao người ta không gọi theo cái tên vốn có của nó mà cứ gọi chung là nhà hàng ăn Trung Hoa, nhà hàng Tầu. Người Mỹ thì thích dùng từ Siêu, người Trung Hoa thì thích dùng từ Đại. Chỉ một cái tên gọi nhà hàng thôi người Trung Hoa cũng mở đầu bằng từ “Đại”. Hình như nó trở thành cái đặc trưng riêng trong lối định danh của họ. Tôi nghĩ một trong những lí do người ngoài gọi tên nhà hàng ăn Trung Hoa có lẽ là do cách bài trí bên trong nhà hàng hoàn toàn theo nét dân tộc của người Trung Hoa. Từ lối đi vào nhà hàng với những cây cảnh, hòn non bộ theo lối cổ điển cho đến tiểu cảnh, tranh sơn thủy, tranh sinh hoạt bố trí trong phòng và trên tường nhà ăn, tất cả đều toát lên phong cách Trung Hoa, không thể lẫn với bất kì dân tộc nào khác.
Trông bên ngoài thì tưởng là một nhà hàng ăn nhỏ, nhưng vào bên trong mới thấy nó rất rộng. Ngoài khu tiếp tân bày đủ các loại rượu bia và khu thanh toán, nhà hàng chia ra làm ba khu vực. Khu vực dành cho khách ăn khoảng mấy chục bàn ăn. Khu vực để thức ăn khoảng bốn năm chục món ăn Âu, Mỹ, Á đặt trên những chiếc bàn giữ nhiệt và khu vực nấu ăn dành riêng cho đầu bếp. Nhìn trang phục của người quản lí nhà hàng cho đến nhân viên phục vụ, đầu bếp, tôi đoán có lẽ tất cả đều là người Trung Quốc. Khi chúng tôi đến chỉ có khoảng dăm bàn đang ăn. Thúy yêu cầu nhà hàng cho một cái ghế dành riêng cho trẻ nhỏ. Lâm ngồi trên ghế có đai giữ và ăn cùng với bố mẹ.
Thực tình, tôi không thích ăn những món ăn Tây, nhưng cũng vẫn lấy vài món ăn nổi tiếng của các nước, ăn thử mỗi thứ tí chút để biết mùi vị. Cuối cùng tôi chỉ dùng các món ăn theo kiểu Việt, đặc biệt là món cua biển luộc chấm với tương ớt. Đó là món khoái khẩu nhất của tôi. Một mình tôi sài một cặp càng và cả một con cua biển lớn, lớn gấp đôi con cua biển cỡ kha khá ở Việt. Ăn thêm một miếng dưa hấu, vài quả nho tráng miệng, tôi thấy đã quá no bụng. Lúc đó Thúy mới cho Lâm ăn xong. Tôi bế Lâm để hai vợ chồng Hoài Anh tiếp tục dùng bữa.

Hai ông cháu đi chơi quanh nhà hàng. Đến khu vực bể cá cảnh tôi đặt lâm xuống. Hai ông cháu đứng xem đàn cá vàng lớn bơi lội trong bể kính chạy dọc cả hồi nhà đón tiếp khách. Lâm thích lắm. Cháu bước theo mấy con cá lượn quanh thành bể, đưa tay định bắt lấy nhưng vướng tấm kính nên quay lại chỗ ông, kéo tay ông, chỉ vào những con cá đang đớp đớp nhả bọt khí. Tôi sẽ đánh vào tay mình, lắc đầu và nói: Không bắt được đâu cháu ơi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.