Chọn trường Mầm non cho Lâm

1 comment
Thấm thoắt Lâm đã đến tuổi tới trường mầm non. Thúy tìm được một số trường cho con, nhưng còn băn khoăn không biết nên cho Lâm theo học ở trường nào. Vì ở Mỹ không có hệ thống trường mầm non công lập nên các gia đình có con em trong độ tuổi phải tự tìm trường nào đó phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Có loại hình trường chỉ năm bảy trăm đô la một tháng, nhưng cũng có loại hình trường lên đến một, hai ngàn đô la một tháng. Vợ chồng Thúy băn khoăn giữa hai trường: Chọn Trường Montessori School hay Trường Primrose School. Cả hai trường đều thuận tiện trong việc đưa đón, không quá xa nhà. Có thể đưa Lâm đi học bằng xe đạp. Điều quan trọng là mức học phí của hai trường đều có thể chấp nhận được. Học phí Trường Montessori School phải đóng 12.650 đô la một năm. Học phí Trường Primrose phải đóng 9.600 đô la một năm.
Loại hình trường Montessori tôi mới được biết đến từ đầu năm học 2012- 2013, khi tham dự tập huấn về Phương pháp Montessori ở một trường quốc tế tại Việt Nam. Có lẽ trong lịch sử giáo dục thế giới, những nhà giáo dục được người ta biết đến như Tiến sĩ Maria Montessori là không nhiều. Phương pháp giáo dục của bà đã vượt qua lãnh thổ Italia, vượt qua thế giới quan, tôn giáo, nhanh chóng phổ biến ra toàn thế giới từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước (trừ các nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa trước kia).
Trên thế giới hiện có 10.000 hệ thống trường mẫu giáo tới phổ thông ở trên 30 quốc gia thực hành theo phương pháp của Tiến sĩ Montessori. Phương pháp giáo dục Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới là vì những quan điểm mang tính chất cách mạng của Montessori về trẻ em. Bà cho rằng từ khi trẻ sinh ra, chúng đã có một sức sống bên trong và cùng với thời gian sức sống nội tại đó nó không ngừng phát triển. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ phát huy, phát triển được cái sức sống bên trong một cách tự nhiên và tự do theo những quy luật nhất định. Bà cho rằng trẻ không phải là một vật thể, không phải là cái kho để người lớn và thầy cô giáo nhồi nhét mọi thứ vào. Trẻ không phải là sáp, là bùn để có thể nhào nặn tùy ý, không phải là tờ giấy là tấm gỗ có thể ghi chép hay khắc gì lên trên đó cũng được. Trẻ không phải là cái cây để người lớn và thầy cô giáo vun trồng, cũng không phải là loài vật được nuôi dưỡng.
Phương pháp giáo dục Montessori dựa trên những khám phá khoa học, những quan sát thực nghiệm để hình thành quá trình giáo dục tự nhiên, trong môi trường tương tác tự nhiên của trẻ. Cách tiếp cận của nhà giáo dục là hỗ trợ sự phát triền tiềm năng của mọi đứa trẻ. Lớp học Montessori phải tạo ra được môi trường học tập, có trật tự. Trẻ em được tự do di chuyển, tự lựa chọn công việc trong số các hoạt động thúc đẩy phát triển. Giáo viên đóng vai trò như người hướng dẫn, giới thiệu các hoạt động theo sở thích cá nhân từng đứa trẻ.
Đặc điểm nổi bật theo quan niệm của Montessori là lớp học phải được thiết kế đặc biệt như một môi trường có khả năng tương tác rất cao, đáp ứng được nhu cầu phong phú của trẻ; tôn trọng quá trình phát triển cá nhân của trẻ; thừa  nhận trẻ như một nhà khám phá, một nhà thám hiểm độc lập. Trẻ được làm việc theo tốc độ của riêng mình bằng cách tự do lựa chọn các hoạt động được thiết kế cẩn thận để tạo điều kiện phát triển và tiếp thu kiến thức. Lớp học được thiết kế có nhiều nhóm tuổi cho phép trẻ học hỏi qua các bạn lớn hơn; đồng thời tạo cho trẻ lớn tuổi hơn có niềm vui và củng cố hiểu biết qua việc giúp các bạn nhỏ tuổi hơn. Giáo viên phải được đào tạo cẩn thận, phải biết quan sát nuôi dưỡng sự phát triển tự thân của trẻ: Cảm xúc, ngôn ngữ, kỹ năng vận động qua hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm. Đồ dùng dạy học, tài liệu học tập cũng như các bộ đồ chơi phải đa dạng, phong phú, chính xác, tinh tế, phải kích thích được tính tò mò tự nhiên của trẻ.
Tôi đã được xem những đoạn video quay về những ngôi trường, về những lớp học Montessori school ở châu Âu và ở Mỹ. Tôi cũng đã xem những video quay lại những tiết học minh họa trẻ thâm nhập thực tế cuộc sống; phát triển các giác quan, phát triển ngôn ngữ; học toán, học khoa học, thực hành chơi và vận động; học mỹ thuật sáng tạo và nghệ thuậtbiểu diễn... Khoa học dạy trẻ theo Montessori phát triển đến một mức độ tôi không thể tưởng tượng được. Chẳng hạn việc học toán đến đơn vị 9.000, học cộng trừ nhân chia, học đọc học viết cho trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thì thật phi lí, nhưng lại cực kì hợp lí với Montessori. Có đoạn video quay lớp học của trẻ được các cô giáo cung cấp rất nhiều các hoạt động phi cấu trúc. Trong đó trẻ được thử nghiệm những cảm giác khác nhau về xúc giác như vẽ bằng ngón tay trên cát, vẽ màu nước trên bảng và trên giấy, vẽ bằng sáp trên nền sân tùy ý do trẻ lựa chọn. Hay bài học phân biệt các đối tượng để mô tả, phân loại bằng hiện vật thực tế sống động. Trẻ phân loại đồ vật trong con mắt thế giới trẻ thơ theo các tính chất vật lí về số lượng, trọng lượng, nhiệt độ , kích thước, hình dạng và mầu sắc. Trẻ cầm nắm, khám phá, so sánh những chiếc máy tính bảng với trọng lượng khác nhau, kết cấu khác nhau, với chiều cao chiều rộng, chiều dài khác nhau. Trẻ cũng được thực hành để phân biệt các loại thực phẩm mặn, ngọt, đắng, cay và mùi vị... Trẻ được hoạt động như vậy để tìm hiểu về những khái niệm, để định hướng trong thế giới của riêng mình; đồng thời cũng để phát triển cảm giác và ngôn ngữ của chính trẻ.
Tôi hỏi thầy hiệu trưởng và bộ phận đào tạo của một trường sư phạm rằng, liệu các nhà trường ở Hà Nội có thể áp dụng Phương pháp Montessori trong thời gian tới được không. Tất cả đều lắc đầu và khẳng định, trong thời gian dăm năm nữa, chưa có trường công nào trong thành phố Hà Nội có thể thực hiện được. Hiện thời một vài trường quốc tế, một vài trường tư thục đang cố gắng tổ chức thực hiện theo phương pháp Montessori, nhưng cũng chỉ mang tính chất chắp vá mà thôi. Các thầy các cô đưa ra ba lí do. Lí do thứ nhất là về cơ sở vật chất, theo tiêu chuẩn của Montessori, từ trường, lớp, đồ dùng dạy học đến tài liệu giảng dạy và học tập của cô trò liệu chúng ta đáp ứng được mấy phần trăm so với yêu cầu. Lí do thứ hai là về con người. Trình độ nhận thức và trình độ khoa học sư phạm của cán bộ quản lí và giáo viên hiện thời rất tụt hậu so với thế giới. Vài ba buổi tập huấn thì cũng chỉ làng màng, khó có thể theo kịp tiêu chuẩn nghề nghiệp nghiêm ngặt của Montessori đề ra. Lí do cuối cùng là điều kiện kinh tế- xã hội của dân mình chưa cho phép. Nếu cứ cố ép thực hiện theo Montessori thì cũng chỉ đầu voi đuôi chuột mà thôi.
Tôi nói với Thúy dựa vào kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam, nên chọn cho Lâm trường nào ít tiền nhất, trường nào sử dụng phương pháp sư phạm lạc hậu nhất. Vì có như vậy, khi về học ở Việt Nam, cháu Lâm mới không bị sốc về lối dạy học và bị ảnh hưởng nhiều về tâm lí. Ví dụ, ngay trường mầm non nơi vợ tôi đang dạy, một trường công ở ngoại thành Hà Nội, thời kì cao điểm có đến 65 đến 70 trẻ một lớp. Ba cô giáo đánh vật với 65 đến 70 trẻ thì trông trẻ cũng không xong, nói gì đến dạy học. Suốt ngày các cô bị ức chế bởi số lượng quá lớn trẻ quấy khóc. Về đến nhà các cô vẫn còn cáu bẳn với chồng con. Vậy học Phương pháp Montesori để làm cái gì. Và nói theo ngôn ngữ của vợ tôi: “Có áp dụng vào mắt”.
Chọn trường như tôi nói, chắc hẳn sẽ không lầm khi Lâm một vài năm nữa trở về Việt Nam. Nhưng vợ chồng Thúy cứ phân vân hàng tuần chưa quyết định cho con học trường nào. Nghe theo hướng tôi nói thì có vẻ như quá phũ phàng với con. Những điều tôi khuyên là những điều mà tôi đã trải nghiệm, nó hoàn toàn thực tế. Tuy vậy, làm bố mẹ ai chẳng mong muốn dành cho con những điều tốt nhất có thể. Vả lại, hoàn cảnh hai vợ chồng Thúy đâu đến nỗi mà phải gửi con vào một trường chỉ trông giữ trẻ (thực tế cũng không có loại trường này). Cuối cùng, Thúy quyết định chọn cho Lâm vào Trường Primrose Schools, một ngôi trường học phí không quá đắt mà cũng không quá rẻ.
Định cho Lâm vào học tại Trường Primrose School nhưng Thúy vẫn chưa yên tâm. Thúy muốn tôi cùng đưa Lâm đến thăm trường xem xét cụ thể tình hình cơ sở vật chất của nhà trường, tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường như thế nào, chương trình giảng dạy của nhà trường ra sao; làm thủ tục và để bộ phận tuyển sinh phỏng vấn hai mẹ con. Sau đó quyết như thế nào, học hay không học, Thúy sẽ liệu tiếp.
8h00 đúng theo hẹn qua điện thoại, Thúy lái xe đưa hai ông cháu tới cổng trường. Lâm ra khỏi xe là lon ton chạy, không khiến ông bế. Vào trong phòng tuyển sinh Lâm vẫn không chịu ngồi yên, chạy đến góc này rồi đến góc khác chơi. Cô giáo người Mỹ bế Lâm lên hỏi chuyện, Lâm cũng không tỏ ra lạ lẫm. Lâm đã trả lời được cô giáo tên của mình, tên của ba, tên của mẹ và tên của ông bà. Cháu còn biết phân biệt tôi là ông ngoại. Cô giáo làm mẫu thử cho Lâm chơi một số trò chơi. Lâm đều bắt chước làm theo được. Cô giáo lấy ra ba bảng chữ cái A,B,C bảo Lâm đọc theo, Lâm cũng bập bẹ đọc được. Cô giáo kết luận Lâm là cháu bé mạnh dạn, phát triển ngôn ngữ khá sớm, mẫn cảm cảm với tư duy vận động.
Phòng tuyển sinh phát cho Thúy 8 danh mục cần tìm hiểu và tham tham khảo về nhà trường: Một quyển sách một chục trang bằng bìa cứng in mầu giới thiệu tổng quan về nhà trường; một quyển nguyệt san chuyên đề của nhà trường về phương pháp nuôi dạy trẻ; một tờ giấy in mầu 30 câu hỏi nhận xét có hay không (Yes or No) về cơ sở vật chất, về triết lí giáo dục, về chương trình sau khi phụ huynh đi thăm trường; một thời gian biểu học tập in mầu ghi lại một ngày học của các cháu từ 6h30 sáng đến 6h30 chiều; một thời gian biểu in màu ghi rõ hoạt động của các cháu trong một tháng; một tờ in mầu minh họa chi tiết triết lí mô hình dạy học cân bằng và chương trình dạy học cân bằng; một tờ in màu trình bày tất cả những hoạt động ngoài giờ lên lớp trong năm; một tờ in màu yêu cầu phụ huynh khoanh tròn các mức học phí theo độ tuổi, theo số lượng buổi học và theo các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sau khi làm xong các thủ tục, một nhân viên hướng dẫn chúng tôi đi thăm trường học. Có 12 phòng học và 3 phòng chức năng cho nhóm lớp từ hai tuổi đến năm tuổi. Mỗi độ tuổi ba lớp. Mỗi lớp không quá mười lăm học sinh. Primrose Schools là trường học một tầng khép kín. Điều hòa nhiệt độ ổn định từ hành lang dẫn tới các lớp học. Dọc lối đi, tôi thấy lung linh những bức tranh đóng khung khá đẹp. Nhìn những bức vẽ ngây thơ và ngộ nghĩnh trong ánh sáng đèn màu, tôi đoán đây là tranh vẽ của chính các cháu trong trường.
Vào phòng học một lớp hai tuổi, chúng tôi thấy ở góc bên tay trái xếp rất nhiều đồ chơi các loại trên một cái giá. Ở góc bên phải, có một tủ chứa đầy các loại sách dành cho trẻ, đồng thời là góc đọc và góc kể chuyện. Chính giữa bức tường phòng học là khu dành cho học toán và khoa học với một chiếc tủ dựng các đồ dùng và sách dạy học đặc trưng cho môn học. Góc trên cùng là góc bếp với chiếc tủ bếp để các loại nồi, xoong chảo, bát đĩa, dĩa, thìa và tranh ảnh các loại rau, củ, quả, thực phẩm...
Tôi rất lạ vì lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy một thầy giáo đang dạy trẻ lớp mầm non. Thầy ngồi trên ghế dùng tay chỉ chỉ đầu, chỉ cổ, chỉ vai, chỉ bụng, chỉ hông, chỉ đầu gối, chỉ bàn chân. Mỗi động tác chỉ các bộ phận trên cơ thể, thầy phát ra một từ tương ứng với giọng điệu khác nhau. Bên cạnh thầy là một cô phụ giảng. Cô bắt chước các động tác như thầy, và cũng lặp lại những từ như thầy. Trẻ ngồi ở dưới, mồm đọc theo, và tay bắt cũng chước theo các động tác của thầy cô. Sau đó, thầy cô trên bảng đứng dậy nhún nhảy chỉ các bộ phận trên cơ thể và lặp lại những từ trước đó ở một cung bậc cao hơn. Tiếp theo thầy cô nhảy, vừa nhảy vừa chỉ các bộ phận của cơ thể. Trẻ cũng nhảy theo và phát âm các từ theo bậc thanh âm cao nhất. Lâm thích quá, toài khỏi tay mẹ, ngồi vào hàng ghế như học sinh trong lớp, cũng đứng dậy, cũng nhảy, cũng bập bẹ theo những từ thầy cô dạy.
 Sau khoảng mươi mười lăm phút, trẻ bắt đầu thấm mệt. Thầy cô yêu cầu các em ngồi trên ghế nhìn lên bảng thông minh. Trên màn hình hiện ra hình ảnh ngộ nghĩnh của các bé trai, bé gái và hình ảnh các nhân vật hoạt hình Walt Disney quen thuộc. Thầy giáo cầm thước nhựa chỉ vào những bộ phận trên cơ thể của từng nhân vật. Trên màn hình, những nhân vật tự chỉ các bộ phận trên cơ thể mình và phát âm các từ tương ứng rất sinh động. Sau đó thầy khuyến khích động viên trẻ lên chọn nhân vật trên màn hình. Cô giáo phụ giảng đưa thước cho trẻ xung phong lên chỉ vào những nhân vật mình yêu thích. Tất cả các em đua nhau giơ tay để được lên trước màn hình. Em nào hoàn thành tốt công việc thì được thầy đính thưởng lên tay một ngôi sao. Lâm cũng xung phong lên bảng chỉ vào các bộ phận trên con chuột Mickey. Tôi và Thúy đều cảm thấy lo lo. Dù động tác chưa thành thục, nhưng Lâm chỉ ra được cái đầu, cái tai, cái chân. Thầy giáo đính thưởng cho Lâm một ngôi sao trên cổ tay. Lâm chạy về, đưa tay ra khoe với mẹ với ông...
Chuyển sang lớp ba tuổi, chúng tôi thấy lớp học đang học chủ đề về các loại rau quả. Có hai cô giáo ở trên lớp. một cô giáo ngồi trên ghế. Trước mặt cô là một cái bàn để các loại rau quả. Cô cầm lấy quả cà chua và đố các em biết là quả gì. Cô dùng động tác tay đưa lên, ra hiệu em nào biết giơ tay trả lời. Em nào trả lời đúng, cô yêu cầu lớp thưởng cho một tràng vỗ tay. Tiếp theo đến các loại như quả dưa chuột, củ cà rốt, quả đậu... Tất cả những loại rau quả này đều được cô đưa ra, hỏi tên và giới thiệu từng loại, rồi đứng lên, đưa cho cô bên cạnh để cho vào miệng một siêu nhân to lớn bằng nhựa đứng bên cạnh ăn. Tiếp theo cô bật màn hình lên. Trên màn hình lần lượt hiện lên hình ảnh  những con vật quen thuộc như thỏ, dê, cừu, hươu, nai, căng gu ru... Khi cô chỉ vào những con vật này, chúng đi lại chạy nhảy và phát ra những câu như:  “Tôi thích ăn rau chân vịt”, “Tôi thích ăn quả dưa chuột”, “Tôi thích ăn củ cà rốt”... Cô yêu cầu học sinh nhắc lại câu nói. Cả lớp cứ thế bắt chước. Cô tiếp tục mời các em lên trên màn hình chỉ vào các con vật và bắt chước những động tác của những con vật. Học sinh ở dưới cũng bắt chước theo. Lâm cũng dậm dật chân tay bắt chước các anh các chị.
Nhân viên phòng tuyển sinh tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm phòng mỹ thuật, phòng âm nhạc và phòng thể chất. Tôi nhận thấy, tất cả các phòng đều trang trí nhiều tranh ảnh đẹp, hấp dẫn và trang bị nhiều đồ dùng dạy học phong phú, phù hợp với đặc trưng của bộ môn. Riêng ở phòng thể chất, tôi thấy có một lớp bé ba tuổi đang luyện tập. Các em được hai giáo viên hướng dẫn đi vòng quanh một vòng tròn. Phủ bên trong vòng tròn là một tấm vải dù lớn. Theo hướng dẫn của cô, mỗi em cầm lấy một sợi dây bên mép tấm dù, hất lên rồi lại đặt xuống. Đến lần thứ ba, khi hất tấm dù lên cao, cô hô một, hai, ba. Tất cả các em theo cô chui vào bên trong tấm dù. Tất cả cùng reo cười sảng khoái. Lâm thấy vậy liền chạy vào tham gia luôn cùng các bạn.
Sau trò chơi này, các em theo cô tập đi thăng bằng trên cây cầu nhỏ, nhảy qua chướng ngại vật và chống đầu cuộn người đứng dậy. Lâm không dám đi lên trên cây cầu. Cô giáo phụ phải đỡ và để tay cho Lâm vịn vào mới dám đi. Lâm cùng các bạn nhảy qua chướng ngại vật khá thành thục. Lâm biết gập người cúi đầu xuống, nhưng chưa dám bật chân lên để đổ người. Cô giáo phụ liền đến giúp Lâm hoàn thành động tác. Cô giúp đến lần thứ ba thì Lâm tự mình làm được động tác nhào lộn. Lâm có vẻ khoái chí, một mình lặp đi lặp lại động tác này liên tục cho đến khi mệt nằm thừ người ra trên tấm thảm.
Cuối cùng, chúng tôi được đưa tới phòng Giám đốc Điều hành Ms. John. Cô mở cửa, vừa bắt tay chúng tôi vừa nói:
-      Chào các bạn. Hy vọng chúng ta sẽ là đối tác tin cậy của nhau.
-      Chào chị . Chúng tôi cũng mong muốn được như vậy.
-      Tôi nghĩ rằng, chị chỉ ghế mời chúng tôi ngồi và nói tiếp, với một nền tảng đúng đắn, mọi điều tốt đẹp cho trẻ đều có thể xảy ra. Ở trường Primrose, chúng tôi sẽ cung cấp một nền tảng để xây dựng cho trẻ tinh thần tích cực, cơ thể khỏe mạnh và niềm vui hạnh phúc (Build Active Minds, Healthy Bodies and Happy Heart). Các bạn có thể hỏi chúng tôi làm điều đó như thế nào. Chúng tôi sẽ tạo ra sự cân bằng hợp lí giữa cười vui và học tập, giữa chơi đùa và khám phá, giữa nói và nghe. Chúng tôi gọi đó là triết lí học tập cân bằng (Balanced Learning). Triết lí này được các chuyên gia giáo dục trẻ hàng đầu đưa vào các trường mầm non ở 50 mươi bang của Mỹ và ở nhiều nơi trên thế giới từ gần 30 năm nay. Với triết lí học cân bằng này, giáo viên của chúng tôi sẽ giúp trẻ phát triển những kĩ năng, sự sáng tạo và lòng tự trọng. Và thực tế đã chứng minh tất cả trẻ đã đến đây đều thích đến hệ thống Primrose Schools.
-      Tôi là một nhà giáo, tôi đồng cảm với Ms. John về điều này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói đến triết lí học tập cân bằng. Tôi muốn được biết triết lí này được nhà trường thực hiện như thế nào?
-      Ở Primrose, chúng tôi coi trẻ như những người học tích cực, những người đang cố gắng tìm hiểu thế giới kì diệu xung quanh mình. Chúng tôi xây dựng một chương trình học tập cân bằng để khuyến khích thiên hướng tò mò, tìm hiểu và khám phá tự nhiên của các em. Sự cân bằng không chỉ diễn ra giữa cười vui và học tập, giữa chơi đùa và khám phá, giữa nói và nghe. Sự cân bằng được thực hiện ở tất cả những hoạt động của nhà trường: Hoạt động trong trường và ngoài trường; hoạt động trong lớp và ngoài lớp; giữa học tập và nghỉ ngơi; giữa ăn và uống; giữa hoạt động tự do và hoạt động có hướng dẫn của giáo viên; giữa chơi có tổ chức và tự chơi; giữa hoạt động nhóm nhỏ và nhóm lớn... Nói tóm lại là tạo ra một sự cân bằng hợp lí. Chương trình học tập cân bằng này dựa trên những nghiên cứu lí thuyết và thực nghiệm đã được Bộ giáo dục Mỹ công nhận. Chương trình này lại được các chuyên gia giáo dục trẻ em hàng đầu cập nhật hàng năm để phát triển cho trẻ ở 7 lĩnh vực sau: Phát triển sức khỏe và thể chất; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và đọc viết; phát triển nghệ thuật sáng tạo và nghệ thuật biểu hiện; phát triển nhận thức toán học; phát triển nhận thức khoa học và kĩ thuật; phát triển nhận thức xã hội...
Chia tay chúng tôi, Ms. John còn đưa cho tôi tờ phiếu nhận xét mẫu hàng ngày của các giáo viên tới từng học sinh. Phiếu nhận xét này được phát tận tay phụ huynh vào cuối mỗi buổi học. Ngoài phần ghi tên học sinh, ghi tên giáo viên và những điều cần nhắc nhở của cả nhà trường cũng như phụ huynh, tờ phiếu có năm ô to nhỏ khác nhau. Ô thứ nhất ghi lại tình trạng ăn uống trong ngày. Nó bao gồm hai bữa ăn chính buổi sáng, buổi trưa kèm hoa quả và ba bữa ăn phụ: sáng một, chiều hai. Cả năm bữa ăn đều có bốn dòng nhận xét kèm các ô trống để giáo viên đánh dấu. Dòng thứ nhất: tôi ăn hết xuất. Dòng  thứ hai: tôi ăn gần hết xuất. Dòng thứ ba: tôi ăn ít. Dòng thứ tư: tôi không ăn. Ô thứ hai ghi lại thời gian ngủ trong ngày. Nó bao gồm năm biểu thời gian: ngủ nửa tiếng, một tiếng, một tiếng rưỡi, hai tiếng và không ngủ. Ô thứ ba ghi lại tình trạng đi vệ sinh. Nó bao gồm cột thời gian và cột tình trạng phân: rắn, nát, lỏng. Ô thứ tư ghi lại những hoạt động yêu thích trong ngày. Nó bao gồm các nhóm chủ đề: Xếp hình, tự chơi, kể chuyện, mĩ thuật, âm nhạc, thể dục, toán, khoa học... Ô cuối cùng trong phiếu nhận xét ghi lại tâm trạng trong ngày. Nó bao gồm các trạng thái: Vui vẻ, hợp tác, hòa đồng, tò mò, thân thiện, mệt mỏi, lặng lẽ... Các giáo viên phụ trách căn cứ vào thực trạng của trẻ trong ngày sẽ đánh dấu vào từng ô, từng mục. Cuối ngày phụ huynh đưa con về, nhìn vào nhận xét là biết con cái của mình ở trường như thế nào. Nếu gia đình có ý kiến gì đề nghị thì ghi lại ở phần cuối tờ phiếu. Hôm sau, gửi lại nhà trường.

Sau buổi thực tế đến thăm trường, Thúy quyết định làm thủ tục nhập học cho Lâm học tại Primrose School. Tôi nghĩ so với hệ thống trường Montessori, có lẽ hệ thống trường Primrose chưa có bề dày thời gian thử thách bằng. Nhưng với những gì tôi được chứng kiến thì còn gì phải băn khoăn do dự mà không nhập học. Hơi chủ quan một chút, “có đốt đuốc đi tìm” cũng không thấy một trường nào ở Việt Nam có điều kiện tương đương như Primrose school. Tôi đã nói với Thúy, cứ chọn trường nào lạc hậu, thậm chí là trường tồi tệ nhất ở đây tôi cũng tán thành. Là vì sau này Lâm trở về Việt Nam, đi học cháu sẽ không bị sốc; là vì ở đây, chắc chắn cháu sẽ không bị bạo hành như việc cô giáo tát vào mặt trẻ bôm bốp; nhấc bổng trẻ lên dọa cho vào thùng hay nhốt vào nhà vệ sinh; dìm đầu trẻ vào thức ăn vì các cháu nôn ọe; bóp mồm, bóp miệng bắt các cháu ăn uống; dán băng dính vào miệng để các cháu khỏi khóc; dọa nạt hoặc để các cháu khóc chán rồi ngủ... Chỉ cần đâu đó các nhà trường mầm non ở Việt Nam chấm dứt được những hiện tượng đáng xấu hổ như trên đã là tốt lắm rồi. Còn việc dạy được như người ta thì có lẽ trong tương lai hậu xét.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn đã đăng blog này, tôi rất ấn tượng với blog của bạn và nó rất hữu ích cho tôi và những người khác. Vui lòng truy cập tại Su pham tieu hoc Bạn đang tìm kiếm thứ tốt nhất Giao duc mam non & Giao duc tieu ho? Chúng tôi là một trong những người giỏi nhất su pham mam non & Su pham tieu hoc trong Tiếng Việt.- http://mne.edu.vn/khoa-hoc/trung-cap-su-pham-tieu-hoc/

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.