Bị lạc

Leave a Comment
5h30 sáng thức giấc và không sao ngủ được, tôi dậy mặc áo ấm đi ra ngoài “thể dục” như lệ thường. Dự định đi bộ khoảng hai tiếng, sau đó trở về nhà, chuẩn bị cùng vợ chồng Thúy đi thăm một hai bảo tàng ở Denver. Tính như vậy nên tôi cứ mải miết đi dọc tuyến đường dành cho người đi bộ trên đường cao tốc. Còn sớm nên ngoài đường không thấy bóng người và rất ít các phương tiện giao thông qua lại. Đi đến vài cây số, chỉ thấy hai hàng cây sồi cao hơn đầu người và dãy thảm cỏ xanh mướt được cắt xén bằng phẳng chạy dài tít tắp.
Khí hậu ở đây rất khô nên từ nhà tư cho đến khu công cộng người ta phải dùng hệ thống nước tưới tự động vào buổi sáng và buổi chiều. Vào lúc 7h sáng, những tia nước li ti hai bên đường đồng loạt phun lên không trung dưới ánh nắng mặt trời, trông tựa như muôn ngàn hạt kim cương lấp lánh đang bay. Khoảng 15 phút, hệ thống phun tự động ngừng tưới, để lại trên ngọn cỏ muôn ngàn hạt sương óng ánh trong trẻo. Tôi chợt nhớ tới nhà thơ PhạmTiến Duật, vì một lần, anh gọi vài người bạn đến thưởng thức cái vẻ đẹp của sương mai trên bờ cỏ đường phố Hà Nội. Mấy anh chàng điên lạc lõng say sưa ngắm nhìn…Vậy mà giờ phút đó bây giờ chỉ còn lại trong tâm tưởng. Anh đã rời xa chúng tôi mấy năm nay rồi.
Tôi đi hết khu đô thị này đến khu đô thị khác. Khu đô thị nào cũng có những nét riêng của nó. Có khu đô thị được xây để cho người ở thuê. Có khu đô thị được xây để bán. Có khu đô thị hỗn hợp được xây vừa để cho thuê, vừa để bán. Có khu đô thị dành cho những gia đình có thu nhập thấp. Có khu đô thị dành cho tầng lớp trung lưu. Có khu đô thị dành cho những người giàu có. Rất đa dạng, nhưng tất cả đều có mặt đường, đều có không gian, có đường nét với độ cao thấp khác nhau. Xung quanh những ngôi nhà, những tòa biệt thự, những khối nhà đều có không gian riêng, đều có những khoảng trống rộng trồng cỏ, trồng hoa và trồng cây.
Qua một khu đô thị còn đang xây dựng dở dang, hiện lên trước mặt tôi là thảo nguyên mênh mông, bát ngát trải tới tận chân núi Rocky. Rocky Mountains sừng sững chạy dọc theo chân trời phía tây. Trên những đỉnh cao chót vót vẫn còn phủ những lớp tuyết trắng xóa. Thật hùng vĩ. Tôi được biết đó là khu bảo tồn lớn nhất  nước Mỹ, nơi có nhiều địa điểm vào mùa hè người dân khắp nước Mỹ thường đổ về nghỉ dưỡng. Giới tài phiệt, giới văn nghệ sĩ, các nhà báo và các nhà khoa học còn có cả khu vui chơi giải trí riêng biệt. Tôi rất vui vì tuần tới cả nhà tôi sẽ lên thăm khu bảo tồn huyền thoại này.
Ngắm nhìn thảo nguyên và dãy núi Rocky, giai điệu bài dân ca Nga thể hiện tình yêu miền thảo nguyên từ thời sinh viên sư phạm lại ngân nga trong tâm trí tôi với bao cảm xúc. Một thời tôi say mê âm nhạc Nga, văn học cổ điển Nga, văn học hiện thực Nga, văn học hiện đại Nga. Không biết tôi từng yêu, từng đắm mình với bao nhiêu nhân vật trong các tác phẩm kì vĩ của các thế hệ nghệ sĩ Nga. Có thể nói thời thanh xuân của tôi thấm đẫm văn hóa Nga. Qua văn hóa Nga, tôi yêu con người Nga, yêu tâm hồn Nga. Chính vì vậy mà tôi thấy lo lắng, hẫng hụt và ngao ngán khi quê hương của cách mạng tháng Mười biến động, khi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và các nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Niềm tin vào lí tưởng về một chế độ, về một thời đại, về một cuộc sống tươi đẹp bấy lâu nay bỗng thấy xa vời. Cái gì đã khiến hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ? Tôi không thể lí giải được một cách thấu đáo. Thực tế phũ phàng là mô hình xã hội Xã hội chủ nghĩa mà các dân tộc thuộc Liên Xô cũ và nhiều dân tộc khác sau bao nhiêu năm theo đuổi đã sụp đổ. Đó là sự sụp đổ mà nguyên nhân xuất phát từ nội tại của mô hình. Chủ quan duy ý chí, bất chấp quy luật kinh tế, mất dân chủ, tham ô cửa quyền đã làm cho cuộc sống của người dân các dân tộc theo chế độ này ngày càng khó khăn và bức xúc. Hậu quả tai hại thật không thể lường hết. Thế mới biết con đường đi của nhân loại thật quanh co, gập ghềnh.
Tôi nhớ tới cuốn tiểu thuyết Gót sắt (Iron Heel) của nhà văn Mỹ Jack London mà tôi đọc cách đây khoảng 30 mươi năm. Tác phẩm viết theo hình thức viễn tưởng, thể hiện lòng khao khát tự do, niềm tin vào tương lai tất thắng của cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Những trang viết của Jack London đã cho tôi thấy được tình cảnh khốn cùng của giai cấp công nhân Mỹ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tôi nhớ là mình đã cảm nhận được cái bầu không khí ngột ngạt đang dồn nén giai cấp lao động Mỹ. Người đọc tin rằng một cuộc cách mạng xã hội chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng thực tế, cách mạng lại không nổ ra ở nước Mỹ từ thời của Jack London đến nay.
Hiện tôi đang ở trong lòng nước Mỹ, lang thang qua nhiều thành phố của Mỹ. Tôi thấy cuộc sống ở đây thật yên ả. Không có bãi công, không có biểu tình, không có tụ tập chống đối chính quyền. Thậm chí tôi chưa hề nghe thấy tiếng chửi bới, cãi vã hay gây lộn trong suốt mấy tháng ở đây. Theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc với một số trí thức, một số sinh viên và những người lao động Mỹ tôi không thấy dấu hiệu gì gọi là mầm mống chống đối chính quyền hay mầm mống của một cuộc cách mạng nào. Ngược lại tôi lại thấy nhiều cái mà ở chế độ xã hội chủ nghĩa phấn đấu như xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động trí óc và chân tay, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cuộc sống vật chất và tinh thần… Ở Mỹ những nơi tôi đi qua, thực tế nhiều cái người ta đã làm được rồi.
Tuy nhiên, tôi cảm nhận rất rõ khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ, sự bất công trong thu nhập giữa các tầng lớp xã hội Mỹ. Tôi cũng biết nước Mỹ vẫn trong thời kì khủng hoảng và nợ công của nước này đã lên tới trên 17 ngàn tỷ USD. Tôi cũng biết thời kì cao điềm có hàng trăm người biểu tình chiếm phố Wall và khoảng 1.000 người biểu tình ở các thành phố như Los Angeles, Las Vegas, Boston, Wasington... ủng hộ phong trào chiếm phố Wall ở New York. Nhưng tất cả cũng chỉ như viên sỏi làm gợn sóng nền chính trị Mỹ. Ngay cả khi chính quyền Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa, tôi thấy cuộc sống của đại đa số người dân Mỹ vẫn diễn ra bình thường, không giống như những gì giới truyền thông đã mô tả.
Trước đây người Mỹ làm cuộc cách mạng năm 1776, Lênin đã từng gọi đây là cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng giành độc lập từ tay thực dân Anh. Còn bây giờ hình như họ không thích làm cách mạng để lật đổ chế độ này. Theo quan sát cá nhân, tôi thấy họ không quan tâm tới chính trị. Họ không than thân trách phận, không kêu ca phàn nàn, chỉ lo làm lo ăn. Hy vọng về một cuộc cách mạng xã hội theo quy luật phát triển của xã hội loài người ở Mỹ còn rất xa vời.
Mải suy tư nên tôi không biết là mình đã đi quá xa. Bên phải con đường tôi đang đi là một trang trại trồng ngô. Trang trại này rộng bao nhiêu tôi cũng không biết được. Chỉ biết rằng nó rất rộng. Cả bang Colorado có 31,6 triệu acres đất trang trại với 36.500 trang trại. Bình quân một trang trại là 853 acres, tương đương với 340 ha. Nhưng tôi nghĩ trang trại này phải rộng tới hàng ngàn ha. Trước mặt tôi, một nông dân đang điều khiển một dàn máy tưới tự động, một dàn máy tưới khổng lồ phun nước như cơn mưa mùa hạ. Chiều dài của chiếc máy tưới khoảng 150 m chạy từ từ trước mặt tôi ra xa, tới khi chỉ nhìn thấy nó còn một gang với một làn sương nước bao quanh nó mà vẫn chưa hết chiều dài của trang trại.
Tôi đã biết mình đi quá xa, vội quay trở lại để về cùng vợ chồng Thúy đi thăm bảo tàng. Tôi có cảm giác mình về muộn nên đi gần như chạy. Qua hết khu đô thị này đến đô thị khác. Tôi vừa cảm thấy khu này quen quen vừa cảm thấy nó có gì đó là lạ. Hình như tôi đã đi qua rồi và hình như tôi chưa đi qua thì phải. Hệ thống đường như mắc cửi không biết đâu mà lần nữa. Một khu đô thị có tới hai ba con đường chạy ra đường cao tốc. Đằng trước là đường, đằng sau cũng là đường. Tôi bắt đầu phải đánh dấu vào tờ giấy những nơi mình đã đi qua để định vị. Nhưng lúc đi tôi đã không làm như vậy, nên không biết rẽ chỗ nào để về khu ở của nhà mình. Tôi bắt đầu rối trí. Tôi bắt đầu cuống, không còn bụng dạ nào nhìn ngắm xung quanh nữa.
Nghĩ mình đã bị lạc, tôi thật sự phát hoảng. Không có một ai đi bộ mà hỏi thăm. Chỉ có những chiếc ô tô đi lại vun vút với tốc độ chóng mặt. Tôi đã định vẫy xe “cầu viện” nhưng lại nghĩ thật điên rồ mà vẫy xe dừng lại để hỏi thăm đường đi. Giống như tôi, chắc gì họ đã biết đường. Tôi cứ đi bừa vào một khu đô thị với hy vọng gặp được một ai đó. Tôi đã tính phải đánh liều gõ cửa vào một nhà nào đó để hỏi thăm đường. Đó là cách duy nhất có thể cứu giúp tôi.
Thật may mắn, tôi thấy một phụ nữ dắt một con chó vừa bước ra khỏi cửa nhà. Tôi vội chạy đến tự giới thiệu và hỏi thăm đường đi tới khu đô thị Clover Creek Dr. Trước mặt tôi là một phụ nữ cao lớn, tóc vàng óng, mắt xanh biếc. Chị chỉ cho tôi con đường đi thẳng, đến chỗ rẽ thứ hai vẫn rẽ trái, rồi lại rẽ trái, sau đó đi thẳng khoảng hai dặm thì rẽ phải. Thú thật tôi không thể nhớ được. Thấy tôi vẫn còn hoang mang, chị bảo tôi chờ một lát. Chị vào trong nhà, mang ra một tấm bản đồ, đặt trên thảm cỏ. Chị chỉ cho tôi chỗ đang đứng hiện tại. Chị dùng bút chì chỉ đoạn đường sẽ đi qua, những chỗ rẽ trái, đi thẳng và rẽ phải. Chị cho tôi tấm bản đồ. Tôi cầm lấy, cảm ơn với tất cả tấm lòng cảm kích.
Từ biệt người phụ nữ xa lạ tại một nơi xa lạ, tôi vừa chạy vừa nhìn tấm bản đồ. Tôi biết thời gian đã muộn rồi, nhưng không muốn để các con phải lo lắng nên chỉ còn có cách chạy. Mới đến chỗ rẽ đầu tiên, thấy một chiếc xe đi qua chầm chậm, rồi đỗ trước mặt tôi. Thì ra là người phụ nữ tôi vừa hỏi thăm đường. Chị mời tôi lên xe.
-      Tôi nghĩ ông quá vội đi đâu thì phải.
-      Vâng, các con tôi đang chờ tôi về để đi Denver. Tôi lại quên không mang theo điện thoại. Thật may tôi gặp được chị. Chị thật quá tốt.
-      Không có gì. Tôi là giáo viên giảng dạy ở trường Đại học Colorado Boulder. Tôi biết đôi chút về Việt Nam. Những lớp tôi dạy có một số sinh viên Việt Nam. Nhìn chung các em đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Tôi chỉ kịp giới thiệu qua loa về bản thân mình, về các con thì xe đã đến trước cửa nhà Thúy. Tôi mời chị vào nhà vợ chồng Thúy, nhưng chị nói còn có việc, rồi vẫy tay tạm biệt và quay xe trở lại. Nhìn theo chiếc xe tôi bỗng nhớ đến câu chuyện kể của một người Trung Quốc. Đại loại là có một phụ nữ Trung Quốc ngã xuống dòng sông nước chảy xiết. Những người Trung Quốc có mặt trên bờ trông thấy chỉ biết kêu lên. Tất cả dường như bất lực, chỉ biết chỉ chỉ chỏ chỏ. Bỗng có một người nhảy xuống bơi theo dòng nước cố cứu người bị ngã. Mọi người đều lo lắng. Sau khi hai người lên được trên bờ thì người ta mới biết đó là một người phụ nữ Mỹ. Cứu được người phụ nữ Trung Quốc là một người đàn bà Mỹ đi du lịch, chứ không phải là một người đàn ông Trung Quốc. Còn tôi thì tự hỏi mình, giả sử người phụ nữ Mỹ mà tôi mang ơn này, chẳng may bị lạc đường ở Hà Nội, nếu gặp tôi thì tôi sẽ giúp đỡ người ta như thế nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.