Thăm thành phố Boulder, Colorado

1 comment
Boulder là thành phố quận lị thuộc quận Boulder, nằm ở chân núi Rocky, cách thành phố Denver 40 km về phía Tây- Bắc. Diện tích thành phố khoảng 66,5 km2. Dân số 97.500 người. Chính quyền thành phố do hội đồng thành phố bầu theo chế độ dân cử, đứng đầu là thị trưởng được người dân thành phố bầu trực tiếp. Tuy là một thành phố nhỏ nhưng do điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử đặc biệt, Boulder được các tổ chức và các tạp chí Mỹ bầu cho rất nhiều danh hiệu: Một trong 10 thành phố sống hạnh phúc nhất; một trong 10 thành phố tốt nhất cho thập kỉ tới; một trong 10 thành phố tốt nhất cho hoạt động ngoài trời của trẻ em; một trong 10 thành phố tốt nhất cho những người nghỉ dưỡng và nghỉ hưu; một trong 10 thành phố tốt nhất cho những nghệ sĩ và một trong 25 thành phố tốt nhất để sống.
Boulder có ba trường đại học và cao đẳng: Trường Đại học Colorado Boulder, trường đại học công lớn nhất bang Colorado; Trường Đại học Naropa, Trường đại học Phật học tư thục và Trường Ẩm thực Rockies. Boulder có tới 16 viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Hợp tác Khoa học Môi trường, Viện Nghiên cứu Bắc cực, Học viện Thí nghiệm Vật lí Thiên văn, Viện Địa chất, Viện Tiêu chuẩn Công nghệ, Viện Nghiên Cứu Đại dương và Khí quyển, Viện Nghiên cứu Không gian, Viện Khoa học Không gian, Viện Khoa học Viễn thông...
Người dân Boulder không chỉ tự hào về những điều trên, họ còn tự hào thành phố của họ là thành phố dân chủ và tự do nhất nước Mỹ. Thành phố của họ là thành phố đầu tiên của nước Mỹ và trên thế giới thu thuế khí thải carbon. Đặc biệt thành phố còn là mái nhà của các loại hình âm nhạc từ nhạc cổ điển tới nhạc Jazz, nhạc Pop và là mái nhà của các cuộc biểu diễn đường phố cũng như nhạc thính phòng.
Có hàng chục địa điểm tham quan hấp dẫn ở Boulder nhưng Thúy chỉ chọn thăm một số điểm. Thúy mời chị Hương và chị Hà, hai người bạn ở Denver cùng gia đình đến chơi cuối tuần. Hai gia đình đều vui vẻ nhận lời, thống nhất hẹn gặp nhau tại cổng công viên Chautauqua sau bữa trưa. Thực ra tuần trước tôi đã gặp Hương ở Bảo tàng Nghệ thuật Denver và hai tuần trước gặp Hà với hai con ở Bảo tàng Đường sắt Colorado. Nhưng đây là lần đầu tôi được gặp đầy đủ các thành viên của cả hai gia đình.
Gia đình Hương đến trước giờ hẹn mười lăm phút. Hương đã lập gia đình với Jack Ruby 13 năm nay. Hai người quen biết nhau ở Hà Nội khi Hương mới tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Họ đến với nhau xuất phát từ công việc và tiến tới hôn nhân hoàn toàn vì tình yêu. Hương rất trân trọng sự giúp đỡ về vật chất của Jack trong giai đoạn gia đình mình gặp nhiều khó khăn và càng trân trọng hơn, từ bên kia bán cầu, đêm đêm Jack dành rất nhiều thời gian sửa từng từ từng câu tiếng Anh, kiên trì trao đổi tình cảm chân thực với Hương. Họ đã tổ chức lễ cưới ở cả Hà Nội và ở Denver, quê hương của Jack.
Tôi nghe Thúy nói, hiện tại Hương làm hàng trang sức tại nhà rồi đem bán cho các nhà hàng và bán cho khách trên mạng. Hương học được cái nghề này ở Việt Nam khi tìm hiểu và mua những chuỗi vòng ngọc trai, những chuỗi vòng các loại hạt bằng đồ gốm, bằng sứ, bằng nhựa cao cấp làm quà cho các cô, các bà nội ngoại bên chồng. Nhiều người rất thích các món quà đó nên gửi mua thêm mỗi khi Hương có dịp trở về Việt Nam.
 Gặp tôi, Hương mừng rỡ giới thiệu về chồng, về con:
-   Đây là anh John chồng cháu. Và đây là ba đứa con cháu. Cháu trai đầu học lớp 8. Cháu gái thứ hai học lớp 5. Cả hai cháu đều là học sinh giỏi, Còn cháu út thì chưa đi học.
-  Thật là tuyệt vời. Cả ba đứa đều đáng yêu và xinh đẹp. Có cả nét của cha, có cả nét của mẹ - Tôi ngắm nhìn ba đứa trẻ và nhận xét.
-  Thực tình, nếu không có chúng, không biết cháu sẽ ra sao nữa. Hơn một chục năm rồi cháu chưa trở lại Việt Nam.
Hương hỏi thăm tôi về Hà nội, về ngôi trường Amstecdam, về khoa báo chí Trường đại học Quốc gia Hà Nội. Tình cờ tôi quen một số cán bộ giáo viên của hai ngôi trường, nên chuyện rất rôm rả. Hương cho tôi biết cuộc sống ban đầu ở Mỹ rất khó khăn. Nhất là vào thời gian Hương mang thai đứa con đầu lòng. Ở nhà một mình quanh đi quẩn lại với mấy bữa cơm, chờ đợi chồng đi làm về. Thời gian cứ đằng đẵng, lại thêm ốm nghén đến khổ sở. “Xung quanh nhà mình là một nơi hoàn toàn xa lạ. Nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài. Không có một ai bầu bạn. Trống trải đến phát điên lên”.
Hương muốn xin đi làm như mọi người ở đây. Nhưng bụng mang dạ chửa xin đi làm cái nghề gì cho phù hợp. Hương tự trách mình tại sao lại đi học cái ngành báo chí. Ngay khi còn ở Việt Nam, dù là học sinh chuyên văn Amstecdam, thủ khoa báo chí, vậy mà Hương cũng không xin nổi việc. Ở xứ người, trên thực tế, Hương chưa bao giờ viết một bài báo tiếng Anh nào thì làm sao xin được vào một cơ quan báo chí chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh đến khốc liệt như ở Mỹ.
Học sinh ở Mỹ, ngay từ tiểu học, em nào thích về truyền thông báo chí đã được tập làm tuyên tryền viên, phát thanh viên trên mạng báo của nhà trường. Ở cấp THCS, các em đã biết phỏng vấn lấy tin, viết bài. Cấp THPT các em biết làm phóng sự, biết biên tập, biết quay phim chụp ảnh đưa lên mạng riêng của nhà trường. Đã có thời gian Hương có ý định học lại đại học báo chí ở Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình, nhưng rồi ngay cả việc dự định học lại đại học báo chí ở Mỹ, Hương cũng cảm thấy không đủ tự tin. Đành phải bỏ dở cái ước mơ làm ký giả cháy bỏng một thời.
Hương không muốn mình cứ phải sống dựa vào chồng. Mấy năm trời tìm kiếm công việc nhưng không biết phải làm gì. Cái danh hiệu học sinh giỏi từ lớp một cho đến hết năm thứ tư đại học ở Việt Nam cũng không thể giúp Hương làm bất cứ một thứ nghề gì ở Mỹ. Nền giáo dục Việt Nam hoàn toàn khác nền giáo dục Mỹ. Xã hội Việt Nam cũng hoàn toàn khác với xã hội Mỹ. Muốn đi làm, dù là làm nghề đơn giản thì cũng phải biết làm và có chứng chỉ đào tạo làm về nghề đó. Hương nói “Kể cả việc xin đi cắt cỏ, lau nhà, quét rác người ta cũng không thuê vì có bằng nghề và có biết lái máy cắt cỏ, sử dụng máy lau nhà, lái ô tô quét rác đâu”.
Hương muốn quay về Việt Nam sống nhưng chồng Hương thì không có công việc nào ở Việt Nam để làm. Thế là Hương thử cái nghề làm đồ trang sức và kinh doanh trên mạng. Ban đầu Hương đặt mua vật liệu ở các cửa hàng của người Việt Nam, rồi đến các loại vật liệu cao cấp hơn ở các cửa hàng Trung Quốc. “Cháu chụp ảnh sản phẩm của mình rao bán trên mạng. Mấy tháng đầu được một vài trăm đô là mừng vỡ mũi vỡ tai. Lâu dần có thêm khách hàng, thu nhập khấm khá hơn. Đặc biệt cách đây dăm năm khi có một vài cửa hàng đặt mua hàng thì thật sự cháu mới coi công việc của mình là một nghề để sinh sống. Đến giờ mỗi tháng cháu kiếm được từ ba đến bốn ngàn đô. Cũng tạm đủ cho các cháu ăn học”.
Đúng giờ hẹn, vợ chồng Hà đỗ xe trước cửa Công viên Chautauqua. Hà rất vui giới thiệu chồng con với tôi. Hà theo học tiến sĩ kinh tế ở Trường Đại học Missouri vào đầu những năm 2000. John Lewis cũng theo học tiến sĩ kinh tế cùng lớp với Hà. Họ quen nhau và yêu nhau, dù Hà hơn John đến ba tuổi. Hai người tổ chức lễ cưới ở Việt Nam sau đó sang Mỹ tiếp tục học hành. Học song hai người tìm được việc ở Denver. Họ đã mua nhà gần nơi làm việc. Thu nhập của cả hai người khá cao và ổn định. Họ có hai đứa con. Đứa con trai đầu lòng 6 tuổi. Con trai thứ hai mới gần hai tuổi.
Công viên Chautauqua được xây dựng từ năm 1898. Nó rất rộng và cũng là nơi tập tụ rất đông người. Công viên được chia ra làm nhiều khu như khu nhà vườn, khu sân chơi, khu biểu diễn nghệ thuật, khu tổ chức sự kiện, khu ăn uống nghỉ ngơi, các trail đi bộ đường dài lên núi, khu dành cho đi xe đạp... Quả là một nơi lí tưởng cho người có tuổi và các gia đình có trẻ em vào dịp cuối tuần đến đây thư dãn. Trong công viên, gần như chỗ nào người ta cũng gặp các gia đình hạt nhân: bố mẹ kèm một vài ba đứa trẻ. Tôi cứ tưởng tình cảm gia đình ở Việt Nam gắn bó hơn tình cảm gia đình ở các nước Phương Tây, nhưng ở đây tôi nhận ra rằng không phải như vậy. Người ta biết sống cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Người ta biết dành cho gia đình và con cái nhiều thời gian hơn. Và hình như các ông bố Tây quan tâm, gần gũi con cái hơn các ông bố Việt. Quan sát họ, tôi thấy tất cả mọi người đều hòa quyện, vui đùa hết mình. Khuôn mặt người lớn, trẻ em ai cũng rạng ngời, sung sướng. Ba đứa nhà Hương, hai đứa nhà Hà và Lâm cùng với ba ông bố hòa trong dòng người nô đùa, chạy nhảy, quấn quýt bên nhau như thể họ đã quen thân nhau lắm. Và đặc biệt chúng rất dễ hòa nhịp, chơi bời cùng với các nhóm trẻ khác. Nhìn chúng vui chơi sao hồn nhiên, sảng khoái, một niềm vui tôi không thấy ở trẻ con ở Việt Nam.
Trẻ con ở đây thật sung sướng. Chúng được hưởng cái quyền của tuổi thơ, được vui chơi, được bố mẹ gần gụi và chăm sóc, được giao lưu chia sẻ với bạn bè trong môi trường thiên nhiên, trong môi trường xã hội thật  lí tưởng. Chẳng trách Hà, Hương, những anh chị em du học có con ở bên này, và cả Thúy, Vân con tôi đều không có ý định cho con về Việt Nam học. Tôi biết những con người này trong quá trình học ở Việt Nam đều được các nhà trường xếp loại học sinh giỏi. Họ nằm trong nhóm tinh hoa mà các nhà trường, các thầy các cô dạy họ học có quyền tự hào. Nhưng tại sao những ông bố, những bà mẹ này lại từ chối cho con về học ở những cái nôi đã đào tạo ra chính họ, những người đã từng thành công và trưởng thành trong nhà trường Việt Nam.
Có lẽ từ trải nghiệm về chính cuộc đời học sinh của họ, từ chính trực giác của người làm cha làm mẹ, từ sự so sánh với sinh viên Âu, Mỹ cùng lớp sau đại học với họ đã mách bảo họ rằng, nhà trường Việt Nam không còn là nơi họ muốn gửi con em họ vào học nữa. Họ không muốn con của họ sống cuộc đời bút mực như của họ. Ở cái công viên xa lạ này, tôi mới cảm nhận một cách sâu sắc giáo dục Việt Nam đã thật sự lạc hậu, thật sự thất bại trong mấy chục năm qua. Chẳng trách cô bạn tôi, một giáo viên được thành phố mấy chục năm tin tưởng, giao cho luyện thi học sinh giỏi, người cũng có con đi du học, người không nhớ hết những học sinh được vào trường chuyên lớp chọn và cũng không nhớ hết học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế của mình. Ngày về hưu, trước đồng nghiệp, cô đã rưng rưng nước mắt: “Đến giờ phút này, nhìn nhận lại sự nghiệp, nếu tự cho điểm, tôi cho mình điểm không. Có một thời kì dài, tôi tự hào mình hơn người, tưởng mình đã làm được những điều to lớn, kì diệu, nhưng hóa ra tôi đã góp phần tạo ra những cái máy, chứ không phải những con người. Thật cay đắng phải nói với các bạn rằng, đừng đến nhờ tôi dạy con cháu các bạn nữa. Đến bây giờ, đến con tôi cũng không muốn tôi dạy cho con chúng nó nữa. Sau khi đi thăm con cháu ở nước ngoài, ngẫm thật kĩ, tôi thấy rằng chúng hoàn toàn đúng”.
Vào những ngày cuối tuần như thế này, ở Việt Nam đa số trẻ con trong các thành phố vẫn bị buộc phải học thêm ở trường, ở các trung tâm, ở các địa điểm thuê mướn, ở nhà thầy cô giáo và ở nhà, không những phải học thêm cả ngày thứ bẩy và chủ nhật mà còn phải học thêm cả đêm thứ bẩy và đêm chủ nhật. Thậm chí đến 4h30, khi tan học rồi, phụ huynh vẫn yêu cầu nhà trường dạy thêm một tiếng nữa trước giờ ăn cơm. Sự nhồi nhét kiến thức vô độ và áp lực thi cử của nhà trường, của xã hội, của gia đình đã tước đoạt tuổi thơ của các em, biến các em phải thực hành những tham vọng của người lớn, khiến các em trở nên mệt mỏi, đờ đẫn, không biết làm bất kì cái gì ngoài thuộc lòng mớ kiến thức kinh điển và làm bài tập. Có chứng kiến sự mệt nhoài sau mỗi giờ học, có chứng kiến nhiều học sinh lên bục nhận phần thưởng, em thì thân hình gầy guộc, vẻ mặt ngô nghê, em thì cau có, lập dị, vô cảm, em thì cận đến lòi mắt mới thấy nhiều học sinh “giỏi” của chúng ta thật méo mó, thật đáng buồn. Đúng như Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhận xét: “Sao giáo dục của chúng ta lại đến nông nỗi này”.
Một ngày vui chơi thật thoải mái, thật ấm cúng. Gia đình, bạn bè, con cái, chuyện làm ăn, chuyện học hành đan xen trong một khung cảnh thiên nhiên thật kì lạ. Cái cảm xúc dào dạt về cái đẹp đã chai sạn trong tôi dường như được khơi dậy. Nhất là khi đứng trước hệ núi đá Flatiron gồm những dãy núi sừng sững lưng trời, sắp xếp theo chiều Bắc Nam. Những thảm cỏ xanh mướt xen các khóm hoa đủ các sắc mầu. Những khu rừng thông các loại bạt ngàn, trùng điệp chạy tít tắp đến tận tầng mây phủ trên đỉnh núi. Mặt trời tỏa nắng vàng rực rỡ. Gió lồng lộng thổi... Đã lâu lắm rồi, tôi mới có cái cảm giác rất đặc biệt khi đứng trước cảnh tráng lệ và hùng vĩ của thiên nhiên.
Cả ba gia đình cùng ăn tối ở nhà hàng “Thủy”, một nhà hàng nổi tiếng của người Việt. Bên trong nhà hàng có rất nhiều những bức tranh phong cảnh, tranh sơn mài về những địa danh nổi tiếng ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hàng có các món ăn Âu- Mỹ, nhưng đặc biệt nhất là những món ăn dân tộc như các loại phở, các loại bún, các loại cá kho. Gia đình Hương, Hà đều ăn món Việt. Thúy cũng ăn món Việt. Tôi và Hoài Anh dùng món bò nướng. Tôi rất ngạc nhiên thấy nhiều người Mỹ ăn phở, ăn bún. Có lẽ họ rất thích ăn thì phải, vì tôi để ý các bát sau khi ăn không còn thứ gì. Nhưng trông họ ăn thật vất vả. Họ phải cố gắng dùng đũa quấn quấn bánh phở hay bún thành từng khoanh rồi bóp tương ớt vào và đưa vào mồm ăn. Họ đưa cả bát lên uống. Mồ hôi mồ kê người nào người nấy lấm tấm trên mặt. Cũng vất vả ăn giống như họ, tôi dùng dao nhay nhay mãi cũng không cắt được một miếng thịt bò, một món thịt bò nướng đặc sản của vùng đất này. Đúng là hơi vất vả với việc ăn, nhưng quả tình ăn ngon thật.
Cơm nước xong, ba gia đình chia tay nhau. Gia đình Hương và Hà lên xe ra về. Tôi cùng vợ chồng Thúy và Lâm tiếp tục đi thăm phố Ngọc trai (Pearl street), trung tâm mua sắm của thành phố Boulder. Tuyến phố này khá dài, chỉ dành cho người đi bộ. Trời chưa tối nhưng tất cả đường phố đã bừng lên ánh sáng lung linh sắc màu từ muôn ngọn đèn hai bên lề đường, đèn từ các cửa hàng vải vóc len dạ, đèn trong cửa hàng điện tử, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, cửa hàng đá quý, ngọc trai, hiệu sách, quán cà phê giải khát, đèn ở các các lùm cây, các vườn hoa, đèn ở các cột đèn trang trí hai bên đường, ở những ngôi nhà hai ba tầng san sát hai bên đường chạy dài tít tắp.
Ban đầu tôi có cảm giác đây là tuyến phố hội tụ của các loại ánh sáng màu rực rỡ, tuyến phố hội tụ của các loại hoa từ mặt đường, từ lề đường, hoa lên tới ban công các gia đình. Nhưng cái làm cho tuyến phố trở nên sống động vẫn là dòng người đông đúc mọi lứa tuổi: Trẻ già, trai gái, đặc biệt là thanh niên nam nữ, học sinh và sinh viên khoác tay nhau đi dạo chơi, mua sắm. Cứ đi một đoạn người ta lại thấy một tượng đài hay một tác phẩm điêu khắc về những con vật biểu trưng của Bouder và của cả Colorado như hươu, nai, tuần lộc…Tất cả đều như vào một thế giới kì ảo và gợi nên vẻ yên bình, lãng mạn riêng biệt của một thành phố dưới chân núi Rocky.
Tôi bế Lâm dừng lại trước đám đông vây xung quanh một thanh niên đang chơi piano ở giữa đường phố. Chàng thanh niên này cao lớn, có bộ râu quay nón hung hung vàng. Khuôn mặt anh lấm chấm tàn hương. Anh gần như không để ý đến ai, cứ cúi đầu lim dim, say sưa với những dòng âm thanh từ đôi bàn tay mềm mại lướt trên phím đàn. Thỉnh thoảng anh mới ngẩng đầu lên, đôi mắt xanh biếc mơ màng. Anh mải mê chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác. Cứ hết một bản nhạc mọi người lại vỗ tay tán thưởng. Bên cạnh chiếc đàn có một chiếc bàn nhỏ. Trên mặt bàn có chiếc mũ phớt của người nghệ sĩ đường phố để ngửa. Người nghe tự động để vào mũ 1 đô, 2 đô, 5 đô, 10 đô tùy ý. Ai đi cứ đi. Người nghệ sĩ vẫn cứ nồng nàn với dòng âm thanh của riêng mình. Tiếng đàn thật mê hoặc. Lâm toài xuống lân la tới gần. Người nghệ sĩ gật đầu mỉm cười.
Đi được một đoạn, chúng tôi chứng kiến một người đàn ông trạc ngoài 40 đứng trên một cây đàn biểu diễn. Tôi không biết nó là loại đàn gì và cũng chưa bao giờ thấy một cây đàn nào to, dài đến thế. Người nghệ sĩ này tầm thước, nước da nâu trông giống như người Tây Ban Nha lai với dân Mỹ bản địa. Ông để cây đàn dựng đứng và đứng trên cây đàn, bám vào cây đàn, thoăn thoắt từ trái sang phải, từ vị trí này sang vị trí khác ở mọi tư thế để chơi đàn. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào chơi đàn kiểu như vậy. Cả thân hình ông, những động tác của ông thật diệu nghệ.
Đi tiếp chúng tôi bắt gặp hai thiếu nữ đang kéo đàn violon. Hai cô gái mới khoảng mười chín đôi mươi tràn đầy sức sống. Họ vận bộ quần bò đã bạc màu, áo phông tím bó sát ba vòng cong thẩm mỹ đầy gợi cảm. Trong ánh sáng mờ ảo, những ngọn gió nhè nhẹ thổi bay mái tóc vàng mềm mại, bồng bềnh của hai cô gái như sóng lượn, và dường như điều đó càng tôn thêm vẻ duyên dáng kiều diễm. Cộng hưởng với âm thanh cao vút, réo rắt đặc biệt của loại nhạc cụ quý tộc phát ra từ đôi bàn tay nhịp nhàng, đưa lên đưa xuống theo thân hình uốn lượn, tất cả như hút hồn khán giả trong đêm…Thực tình tôi cứ nấn ná cùng các khán giả, không muốn rời khỏi khung cảnh vô cùng lãng mạn, nhưng xa xa nữa còn một gánh xiếc, một nhóm thiếu nữ đang múa. Chúng tôi tới gần, định xem một lát, nhưng đã gần 10 giờ, Thúy nhắc mọi người phải ra về để sớm mai còn đi tắm khoáng nóng cuối tuần ở Rockies. Lâm ấm ức khóc chỉ vào gánh xiếc không muốn ra chỗ để xe đi về, nhưng biết làm thế nào, đành dỗ dành cháu để khi khác.
Trên đường về tôi cứ miêm man với những ý nghĩ vẩn vơ. Tôi đã từng đọc và từng xem không ít những tác phẩm nói về nước Mỹ, nhưng đến Mỹ tôi vẫn thấy nhiều điều mới mẻ và khác lạ. Chẳng hạn như những trải nghiệm buổi tối hôm nay. Đó là không khí của một buổi tối như bao buổi tối ở một thành phố nhỏ lẻ nhưng nó không khác gì một đêm hội hè. Với tôi, nó vừa thực tế vừa thơ mộng, vừa dân dã vừa cao sang, vừa vật chất vừa tinh thần. Ở đây, tôi bỗng quên đi cái nền chính trị của một đế quốc mà mỗi một đời tổng thống từ thời thành lập nước đến nay, đều như một định mệnh là phát động ít nhất một cuộc chiến tranh gây bao đau thương cho các dân tộc. Tôi hoàn toàn quên đi những cuộc chiến đẫm máu và đau thương gần đây của Mỹ ở Kosovo, ở Apganistan, ở Irăc, Liby…
Ra khỏi thành phố, đất trời chìm trong bóng đêm. Tuy vậy trên màn chỉ dẫn của chiếc xe hơi, con đường đi vẫn hiện rõ trước mặt. Qua ô cửa kính xe, những ngôi sao chi chít hiện ra. Đã lâu lắm rồi tôi không được thấy trời nhiều sao đến như thế, sao sáng đến như thế. Cả khoảng không chi chít, đầy ắp sao cứ vùn vụt đi qua trước mắt tôi. Tôi nói với Hoài Anh cho dừng xe lại. Cả nhà cùng ngắm sao giữa thảo nguyên. Một bầu trời đầy sao như hồi tôi còn thơ bé. Những đêm trời oi ả, cả nhà mang chõng ra sân nằm. Sao cũng nhiều vằng vặc như đêm nay. Cha mẹ chúng tôi thường chỉ cho anh em chúng tôi chòm sao Thần Nông, vị thần có mũ cánh chuồn, mặt luôn nhìn xuống thế gian coi sóc mùa màng. Bà nội thì kể cho chúng tôi nghe về dòng sông ngân hà cùng với sự tích Ngưu Lang và Chức Nữ. Còn tôi đi sinh hoạt thiếu nhi, học lỏm được từ các anh chị lớn tuổi nên chỉ cho cha mẹ và các em chòm Đại Hùng, chòm Tiểu Hùng và ngôi sao Bắc đẩu…
Những ngày ấu thơ, ở giũa sân nhà nhìn lên bầu trời đầy sao lấp lánh, có một khoảng trời rất đặc biệt gồm vô vàn các vì sao dày đặc, sáng đến kỳ lạ và đầy huyền bí. Đúng như bà tôi nói, nó giống như một dòng sông bắc ngang trời. Khi lớn lên tôi còn có một thời gian thấy bầu trời vằng vặc sao, đẹp đến nao lòng. Đó là những đêm hành quân dọc miền Trung vào Nam, những đêm hành quân trên đất Lào, những đêm trên chốt… Rời quân ngũ về, ngôi nhà tranh thay bằng nhà ngói, rồi nhà ngói thay bằng nhà tầng. Đèn dầu thay bằng đèn điện. Hệ thống điện cao áp thắp sáng đường làng ngõ xóm. Hàng xóm láng giềng nhà nhà đua nhau lên cao tầng. Bầu trời thành ra nhỏ hẹp. Không còn thấy nhiều sao và sao sáng đẹp như trước nữa. Thật không ngờ trên đất người xa xôi này, tôi lại có cơ hội ngắm nhìn bầu trời đêm bao la rộng lớn của ngày nào, lại thấy cái ánh sáng huyền ảo đẹp đến mê hồn của ngày nào.


1 nhận xét:

  1. Chú có thể giới thiệu cho con người hdv ở Chicago này không ạ vì gia đinh con đang chuẩn bị qua đó chơi cần người đưa đon và giới thiệu thành phố

    Trả lờiXóa

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.