Thăm Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver

Leave a Comment
Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver nằm bên cạnh Vườn Bách thú và Công viên Trung tâm thành phố Denver. Bảo tàng cùng với hai địa điểm nổi tiếng này đã tạo thành một khu vực tham quan và học tập không chỉ của người trong dân trong thành phố mà còn là điểm thu hút du khách và người dân đại đô thị thuộc khu vực núi Rocky. Bảo tàng là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận. Diện tích xây dựng  rộng tới 46.452m2, bao gồm một hội đồng quản trị 25 thành viên, 350 nhân viên biên chế và 1.600 tình nguyện viên.
Bảo tàng được nhà tự nhiên học Edwin Carter thành lập vào năm 1900. Carter đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học về các loài chim, các loài động vật ở Colorado. Từ những bộ sưu tập đầu thế kỷ thứ 20 của ông, đến nay người ta đã sưu tập được hơn một triệu hiện vật theo sáu lĩnh vực chính: Nhân học, địa chất, khoa học sức khỏe, cổ sinh vật học, khoa học không gian vũ trụ và động vật học. Ngoài ra bảo tàng còn cung cấp các chương trình triển lãm, chương trình chiếu phim, các bài giảng và hội thảo theo chuyên đề, các lớp học...
Khi xe chúng tôi đến bảo tàng thì bãi đỗ xe ngoài trời đã không còn lấy một chỗ trống. Hoài Anh phải cho xe vào nhà để xe 3 tầng và cũng phải lái ra lái vào, tìm mãi mới thấy một chỗ đỗ. Người Mỹ có thói quen thứ 7 và chủ nhật cả nhà cùng đi nghỉ cuối tuần. Bảo tàng là một trong những địa điểm yêu thích của các thành viên trong gia đình. Đến bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver, tôi thấy đông đến kì lạ. Những người đã có tuổi, những em bé còn nằm trong nôi cũng cùng gia đình đến bảo tàng. Người cứ nườm nượp, đi đi lại lại, nhưng tất cả đều trật tự, yên lặng.
Trước tiên, chúng tôi thăm khu khoa học không gian vũ trụ. Cảm giác của tôi là choáng ngợp khi nhìn thấy một quả cầu khổng lồ rực rỡ sắc mầu, một quả cầu tượng trưng cho trái đất đang tự quay quanh trục của nó. Với những chất liệu đặc biệt, vị trí năm châu bốn biển và các quốc gia rõ nét và sống động như thực trước mặt người xem. Quả cầu trái đất tự kể bằng hình ảnh, âm thanh, bằng những số liệu về sự ra đời, sự phát triển và biến đổi của mình từ thủa khai thiên lập địa cho đến tương lai khi khí hậu trái đất biến đổi. Bên cạnh đó là bốn màn hình lớn liên tục chiếu những đoạn phim về Big Bang và sự tiến hóa của vũ trụ, những hình ảnh bí ẩn về hố đen, sự hình thành trái đất và hệ mặt trời, Thái Dương hệ Galaxy, trái đất và vũ trụ...
 Xung quanh quả cầu là một hệ thống máy tính để người xem có thể tìm hiểu sâu hơn một vấn đề nào đó về trái đất. Tôi thấy hàng trăm em độ tuổi học sinh, sinh viên xúm xít quanh các bàn máy tính. Nhóm thì tìm hiểu về hệ thống sông ngòi trên trái đất. Nhóm thì tìm hiểu bí mật về các đại dương. Nhóm thì tìm hiểu về sự sống các loài và sự tiến hóa của các loài. Nhóm thì tìm hiểu về hệ động thực vật các đây hàng trăm triệu năm. Nhóm thì tìm hiểu về loài khủng long. Nhóm thì tìm hiểu về loài cá mập. Nhóm thì tìm hiểu về thành phố quê hương và khu đô thị của mình...
Gian bên cạnh quả cầu trái đất là một gian trưng bày mô hình vệ tinh nhân tạo, mô hình tên lửa đẩy tàu vũ trụ. Một thuyết minh viên ở gian phòng này khoảng độ ngoài sáu mươi. Ông có mái tóc bạch kim, đang giới thiệu với khách về nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin, người đầu tiên thực hiên chuyến bay vào vũ trụ ngày 12/4/ 1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Tiếp theo ông giới thiệu về thân thế và sự nghiệp Neil Armstrong, người đã chỉ huy tàu Apollo 11 của Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử loài người đổ bộ xuống mặt trăng. Ông cũng say sưa mô tả cấu tạo của một vệ tinh nhân tạo và quá trình tên lửa đẩy các con tầu vũ trụ vào không gian. Cùng với lời giới thiệu của ông, trên màn hình 100 inch là những đoạn phim quay lại hình ảnh những lần phóng tàu vũ trụ vào không gian của Mỹ.
Tôi mải mê quan sát vì tất cả những điều đang diễn ra trước mắt tôi, trong quá khứ và hiện tại, học sinh phổ thông Việt Nam đều không được học ở nhà trường. Thật tiếc cho các em. Cả Việt Nam không có lấy một bảo tàng khoa học và tự nhiên và không biết đến bao giờ mới có. Trong khi tôi dán mắt vào các màn hình thì Hoài Anh đi lấy vé vào cổng thiên văn để xem bộ phim về Sự hình thành vũ trụ và cuộc phưu lưu vào vũ trụ. Thúy đến bên tôi giục:
-      Ba mà xem kĩ thế này thì đến mai cũng không đi hết bảo tàng được. Cả nhà mình vào Cổng thiên văn xem thế nào. Con nghe giới thiệu hay lắm. Ba bế Lâm hộ con để con đẩy xe để vào chỗ nào đó.
Tôi bế Lâm đến Cổng thiên văn thì Hoài Anh đã đứng chờ tại đó. Lối đi vào nơi này mờ ảo, cùng với giai điệu nhạc bồng bềnh nổi lên khiến tôi bắt đầu có một cảm giác rất lạ. Cổng thiên văn có mái vòm theo thiết kế mô phỏng các đài thiên văn vũ trụ để người xem hình dung được khái niệm ban đầu về không gian. Trong phòng có 125 chỗ ngồi. Ghế ngả khoảng 25 đến 30 độ cho người xem nhìn trực tiếp lên mái vòm. Người ta sử dụng công nghệ nghe nhìn nhiều chiều hiện đại, kết hợp với sự chuyển động lên xuống hoặc quay tròn chỗ ngồi, giúp người xem trải nghiệm qua một cuộc hành trình vào vũ trụ sống động, đầy cảm giác. Suốt quá trình chiếu gần nửa tiếng, nhiều người không giữ được bình tĩnh, thỉnh thoảng kêu lên. Ngay cả Lâm, dù tính tình rất mạnh dạn, cũng nhiều lần rùng mình bám chặt lấy ông.
Xem xong bộ phim, chúng tôi vào khu vực ăn rộng lớn nằm ở tầng một của bảo tàng. Có đủ các món ăn Âu, Á và các món ăn dân tộc đặc trưng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... Thúy gọi một đĩa bánh Pizza và một đĩa trứng luộc cho cả nhà. Chúng tôi giục nhau ăn cố mà vẫn không thể hết, đành gói lại cho bữa tối. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy một gia đình người Mỹ cũng bốn người tương tự như gia đình chúng tôi. Họ gọi một đĩa bánh Pizza, một đĩa trứng luộc, một con gà nướng, một đĩa thịt bò, một đĩa khoai tây chiên. Đó là chưa kể đến đồ uống, vậy mà họ ăn gần như hết sạch. Không biết có phải họ ăn được nhiều như vậy nên tỉ lệ người béo phì ở Mỹ cao nhất thế giới?
Nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng, chúng tôi vào nhà hát IMAX. Nhà hát nằm trên tầng hai của bảo tàng. Vào năm 1940 người ta đã xây dựng nhà hát này như một thính phòng và được sử dụng cho các buổi thuyết trình, các buổi hòa nhạc, chiếu phim ảnh cho đến năm 1980. Sau hơn hai năm cải tạo, IMAX được mở cửa trở lại vào đầu năm 1983 với gần 500 chỗ ngồi và chuyên chiếu phim chuyên đề 3D hàng ngày phục vụ khách thăm bảo tàng.
Đeo cặp kính chuyên dụng vào rạp, tôi thấy mình như được vào một thế giới đầy bí ẩn và mới mẻ. Tôi thấy những thứ mà chưa bao giờ được thấy. Người ta sử dụng kĩ thuật chụp ảnh tốc độ cao, kính hiển vi điện tử cùng với công nhệ nano để làm ra những bộ phim, đưa người xem vào thế giới vi mô mà trước đó chỉ dành cho những nhà khoa học. Chẳng hạn người xem như được đối mặt trực tiếp với các loài phù du kì lạ và đàn cá voi khổng lồ. Đặc biệt về loài cá mập trắng, loại động vật ăn thịt và là sát thủ của đại dương, nó đem đến cho người xem bao cảm xúc bởi những cuộc săn mồi, bởi những cuộc tiếp xúc của loài cá này với những chuyên gia quả cảm.
Người xem cũng được nhìn thấy một thế giới tuyệt đẹp nhưng vô cùng phức tạp về các sự kiện đương đại trong đời sống chính trị. Chẳng hạn như những câu chuyện, những hình ảnh đầy sức lôi cuốn về Jerusalem, thành phố của ba tôn giáo lớn trên thế giới. Tôi khám phá ra lí do tại sao cái miền đất dường như nhỏ bé ấy lại trở nên vô cùng thiêng liêng với người theo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôi cũng tìm được câu trả lời tại sao, sau hàng ngàn năm, miền đất thánh Jerusalem vẫn tiếp tục khuấy động trí tưởng tượng của hàng tỉ người trên trái đất.
Lâm quấy khóc trong rạp nên chúng tôi phải đi ra ngoài. Tuy Lâm hiếu động nhưng cháu rất ngoan. Tại sao ở trong rạp có lúc lâm lại khóc ré lên. Có lẽ đi đường xa nên cháu mệt chăng. Tôi cứ lo lo áp má vào trán cháu.
-       Lâm hơi âm ấm, tôi nói với Thúy.
-      Có lẽ trong rạp đông người, lại tối nên cháu mới như vậy. Không sao đâu, ba và Hoài Anh cứ đi xem tiếp đi. Con ra chỗ yên tĩnh cho cháu ngủ một lúc đã.
Hoài Anh hướng dẫn tôi đi thăm khu động vật. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 1,5 triệu loài. Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Denver có trên một triệu đối tượng. Các loại động vật ở bang Colorodo và các bang khác của Mỹ cũng như ở cả châu Mỹ chắc không thiếu loài nào. Chỉ như thế thôi cũng đã quá đủ cho người đi xem có một cái nhìn khá toàn diện về thế giới động vật.
Có một sơ đồ hình cây rất lớn phân chia động vật thành hơn 20 ngành ở gian đầu tiên. Đó là các ngành: Ngành động vật nguyên sinh như loài trùng biến hình; ngành động vật xốp như bọt biển; ngành động vật rỗng ruột như san hô; ngành động vật hình dẹt như trùng hút máu; ngành động vật thân đốt như gun, châu chấu; ngành động vật thân mềm như ốc, mực; ngành động vật chân khớp như tôm, cua, côn trùng... Cuối cùng là ngành động vật xương sống. Từ các ngành người ta lại chia ra các lớp. Chẳng hạn như ngành động vật xương sống lại chia ra thành lớp cá, lớp lưỡng cư, lớp bò sát, lớp chim, lớp thú.
Tôi và Hoài Anh đi lướt qua các gian phòng trưng bày các tiêu bản động vật. Gần như phòng nào cũng có tranh ảnh hay màn hình mô phỏng cuộc sống thực của các loài từ rạn san hô cách đây 435 triệu năm đến các loại côn trùng và một hộp sọ, một bộ xương của một diễn viên nào đó. Chỉ gian phòng nào gây được sự chú ý thì chúng tôi mới dừng lại xem kĩ. Vậy mà cũng phải mất đến hơn một tiếng chúng tôi mới cưỡi ngựa xem hoa xong. Tuy vậy chúng tôi vẫn hiểu và hình dung được sự tiến hóa của sự sống trên trái đất từ những sinh vật đơn bào đến những con khủng long khổng lồ, và cho đến các cư dân hiện tại của thế giới ngày nay.
Hoài Anh tiếp tục hướng dẫn tôi tới khu vực thám hiểm y tế. Tại đây người ta cân nặng, đo chiều cao, đo huyết áp, lấy mẫu máu và làm các xét nghiệm như khám sức khỏe toàn diện cho du khách nếu có yêu cầu. Chúng tôi cũng tuần tự làm như mọi người để cuối buổi lấy kết luận in trên máy tính. Khu vực thám hiểm về y tế không chỉ đơn thuần là khám sức khỏe hay xem một cuộc trưng bày cụ thể và sinh động về cơ thể con người. Thông qua các thiết bị y tế hiện đại, tôi được thấy mình đang nhìn vào cơ thể bên trong của mình; trực tiếp nhìn thấy từng biến động và thay đổi của cơ thể mình. Tôi được trải nghiệm những giây phút tuyệt vời khi nhìn vào tế bào của mình dưới kính hiển vi, nhìn vào bên trong mạch máu đang chảy của mình, hiểu được tình trạng sức khỏe của các cơ quan dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế. Cái cảm giác kì lạ được đối diện với chính mình trong tôi chỉ có ở đây chứ chưa hề thấy trong bất kì lần khám sức khỏe nào của tôi trước đó.
Lấy xong giấy báo kết quả sức khỏe, tôi và Hoài Anh xuống tầng một đón mẹ con Thúy cùng tham khu vực triển lãm. Khu vực này lại chia ra làm nhiều khu vực nhỏ. Chẳng hạn khu trung tâm giáo dục trẻ em, ở khu này, các em chơi với các đồ thủ công hay chơi trên sân khấu để phát hiện hay kiểm tra các mẫu vật, côn trùng tương đối quen thuộc hoặc vào nhà gương để cười vui vẻ với các hình dạng méo mó và kì lạ của mình. Khu triển lãm xác ướp Ai Cập, khu này trưng bày xác ướp và các đồ tùy táng về nền văn minh Ai Cập cổ đại. Khu trưng bày đá quý và khoáng sản. Khu triển lãm về nền văn hóa của người da đỏ Bắc Mỹ. Khu triển lãm văn hóa dân gian Nga...
Bảy giờ tối cả nhà mới ra về. Một ngày tham quan bổ ích và lí thú, để lại trong lòng tôi bao cảm xúc. Không hiểu sao tôi lại ước ao ở Hà Nội có một bảo tàng đại loại như ở đây. Khi đó tôi muốn được trở thành một tình nguyện viên, phụ trách thuyết trình cho các cháu học sinh về một mảng đề tài nào đó, giống như những ông già, bà già tôi đã gặp trong bảo tàng. Có lẽ ước mơ cuối cuộc đời này của tôi chỉ là mơ ước viển vông. Đến bao giở ở Việt Nam mới có một bảo tàng khoa học, tự nhiên?


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.