Đôi điều tản mạn về giáo duc phổ thông Việt- Mỹ

Leave a Comment
Một buổi tối tôi đến thăm hai vợ chồng Cường, Thi. Anh chị đều công tác ở Viện Nông nghiệp, mới sang bên này học sau tiến sĩ được một năm, hiện ở cùng khu làng sinh viên với vợ chồng Giang, Vân. Anh chị là người lớn tuổi nhất, đồng thời lại có đức độ trong số 70 sinh viên đang theo học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ ở Trường Đại học Missouri nên được anh chị em rất kính trọng. Anh chị có hai cô con gái theo bố mẹ sang bên này học. Cháu đầu tên là Dung đang theo học lớp 8 ở một trường công trong thành phố Columbia. Cháu thứ hai tên là Thảo đang học lớp 5 ở trường công cạnh nhà.
Cháu Dung vừa đạt giải Nhì trong cuộc thi toán toàn bang. Tôi đinh ninh cháu ở Việt Nam được xếp loại học lực giỏi và chắc cũng đã được đi thi học sinh giỏi một số lần rồi. Cháu cười nói “ Ai cũng bảo cháu như thế, nhưng cháu chỉ được xếp loại học lực khá thôi. Và ở Việt Nam, cháu chưa bao giờ được đi thi học sinh giỏi bao giờ. Cháu mới học tiếng Anh năm lớp 6 ở Việt Nam. Tổng kết môn tiếng Anh của cháu có 5,3 thôi”.Tôi rất ngạc nhiên. Học tiếng Anh ở Việt Nam một năm thì chưa chắc học sinh đã thuộc và phát âm đúng bảng chữ cái. Vậy mà sang Mỹ chỉ sau có gần hai năm, làm thế nào cháu theo học được, chứ chưa nói đến là đi thi và còn đi thi được giải nữa. Nhưng quan trọng hơn cái danh hiệu học sinh giỏi cấp bang là tư thế, phong thái và cách cháu Dung nói chuyện với tôi. Đó là cái bản lĩnh trong giao tiếp. Đó là sự tự tin, mạnh dạn và sự thành thực trong ứng xử. Tôi thầm nghĩ nếu cháu còn học ở Việt Nam và  thầm nghĩ nếu cháu còn học ở Việt Namtự giáo dục.nếu gặp tôi không biết cháu sẽ nói chuyện với tôi như thế nào?
Còn cháu Thảo, khi bố mẹ yêu cầu cháu đọc bài văn cuối kì cô giáo yêu cầu về nhà làm để tôi thẩm định. Không một chút do dự, cháu lấy bài ra, đọc rành rọt. Đề bài văn như sau: ẽ nói chuyện với tôi như thế nào? “Mỹ là một nước di dân, mỗi học sinh cần biết về đất nước tổ tiên mình sinh sống. Yêu cầu dựa trên kiến thức địa lí, lịch sử, văn hóa hay dựa vào thực tế hãy nói về đất nước quê hương của mình. Phải nêu ra được ý kiến riêng của mình”. Tiêu đề bài viết của cháu Thảo là“ Việt Nam quê hương tôi”. Bài viết 6 trang gồm các phần: Đất nước hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương, bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em chung sống bên nhau, những cánh đồng lúa bát ngát... Cháu chia bài viết ra thành từng mục, trình bày đâu ra đấy, cũng lí lẽ và dẫn chứng, cũng trích dẫn và nhận xét, cũng danh mục liệt kê tài liệu tham khảo không khác gì một bài tiểu luận ở đại học. Thảo đọc bằng tiếng Anh giọng Mỹ chuẩn xác, rõ ràng , mạch lạc. Cháu nhìn vào tờ giấy đọc nhưng thỉnh thoảng vẫn ngẩng đầu nhìn mọi người và tôi như một diễn giả có kinh nghiệm thu hút thính giả. Điều đó càng khiến tôi thêm chú ý. Đọc xong bài viết, cháu còn nhờ tôi góp ý thêm cho bài viết của mình. Không thể tin được nếu tôi không trực tiếp nói chuyện với cháu. Tôi được biết cháu đã đến thư viện sưu tầm tài liệu đến cả tháng, rồi tra cứu thêm trên mạng, được cán bộ thư viện, thầy cô và bố mẹ hướng dẫn làm bài, nhưng cháu mới chỉ là học sinh lớp 5. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi liệu học sinh lớp 5 của chúng ta có làm được những bài tập tương tự như thế này?
Liên hệ với tính cách cháu anh Long, cháu anh bạn tôi, năm ngoái thi được 26 điểm nên không đỗ Đại học Y Hà Nội. Cháu cùng bác đến nhà tôi, nhờ tôi tư vấn vào Trường Đại học Y nào đó. Cháu đó cứ nem nép không dám ngẩng đầu lên nhìn tôi, hỏi gì thì trả lời đấy, ấp a ấp úng, đúng kiểu người như các cụ nói “ăn không nên đọi, nói không nên lời”. Khuyên lên Thái Nguyên học thì sợ phải nội trú. Gợi ý xuống Thái Bình học thì sợ vẫn phải đi xa nhà. Cuối cùng anh Long phải đỡ lời thay cho cháu, nhờ tôi tìm hộ một trường nào đó gần gần không đúng với ngành cháu thích cũng được. Đúng là một mẫu học sinh học rất giỏi mà không có một chút bản lĩnh, thiếu tự tin, nhút nhát, không có một chút kĩ năng sống để bước vào đời. So sánh hai nét tính cách cháu anh Long và con chị Cường Thi tôi ngộ ra rằng, đó chính là hình ảnh sinh động đích thực của hai của nền giáo dục Hoa Kì và nền giáo dục Việt nam.
Anh chị Cường, Thi và tất cả những người có gia đình ở khu ký túc xá này đều tâm sự với tôi họ rất lo cho tương lai của các cháu. Không biết sau mấy năm học ở Mỹ, dù các cháu hiện là học sinh xuất sắc, khi theo cha mẹ về Việt Nam các cháu có theo nổi chương trình ở Việt Nam không. Liệu có thi đỗ vào các trường THCS và THPT có tiếng ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh hay không. Các anh, các chị còn hỏi thực tôi rằng có biết cửa nào chạy một hai chục vé vào “trường xịn” để sau này còn nhờ vả.
Tôi không biết mình nên vui hay buồn nữa. Có lẽ tôi nên vui vì nhà trường Việt Nam giỏi quá. Thầy cô giáo của mình giỏi quá. Học sinh của mình giỏi quá. Những trường gọi là có tiếng từ tiểu học đến trung học phổ thông đều đạt tỉ lệ 80 đến 100% học sinh giỏi. Lớp học nào chưa đạt 100% giỏi, chỉ cần phụ huynh đóng tiền, cô luyện một thời gian là 100% giỏi. Con em sinh viên người Việt đang theo học tại các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới cũng không theo nổi. Tôi tin rằng học sinh được xếp loại khá giỏi ở các nước giáo dục tiên tiến, nếu muốn vào học ở Việt Nam chắc chắn sẽ khó mà thi vào được. Có nghĩa là cả thế giới nên học giáo dục của Việt Nam. Ấy vậy mà một tổ chức quốc tế nào đó láo toét xếp Việt Nam đứng thứ 8 về giáo dục phổ trong số trong số 10 quốc gia Đông Nam Á, thậm chí họ còn xếp Việt Nam sau cả Campuchia và Lào.
Theo thống kê số liệu của các nhà trường và tỉ lệ thi tốt nghiệp hàng năm công bố công khai trên báo chí ở Việt Nam, thì kết quả cứ đều đều 98% đến 100%. Trong khi đó ở nước Mỹ cũng chỉ có 77% học sinh được tốt nghiệp THPT. Nhìn vào số liệu tổng kết của cả thành phố đại học Columbia - Missouri, một thành phố gần như đứng đầu về giáo dục của một bang cũng chỉ có 10% học sinh được xếp loại giỏi. Rõ ràng họ thua xa chúng ta. Cứ cái đà này thành tích giáo dục của chúng ta sẽ đứng đầu thế giới trong nhiều năm nữa. Việc gì chúng ta phải mất thì giờ tranh luận, và tốn không biết bao nhiêu giấy mực để trình đề án cải cách giáo dục một cách căn bản và triệt để lên Quốc hội và Chính phủ xem xét thông qua.
Tôi thấy buồn là trường nào thành tích cũng cao. Vậy mà tại sao con đến tuổi đi học phụ huynh cứ phải chạy trường. Xếp hàng cả đêm để mua đơn xin cho con vào học một trường, xô đổ cả cổng trường với hi vọng cho con được vào học lớp một. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có hiện tượng kì lạ đến như vậy. Dù những trường hợp đó là không phải là phổ biến, là hi hữu nhưng đến bao giờ mới hết cái cảnh đáng buồn chạy trường như vậy. Và tệ hơn, khi đã vào được một trường nào đó rồi, phụ huynh lại bắt đầu một cuộc chạy đua nữa. Cuộc chạy đua vào lớp chọn. Học sinh lại bắt đầu ôn luyện, lại thi chọn. Bố mẹ lại phải chạy vạy xin xỏ, lại phong bì phong bao. Và rồi kết quả sau bao nhiueeu năm học, trình độ nhân lực của học sinh Việt Nam khi vào đời thì vẫn ở ngưỡng đáy trong khu vực.
Một lần khác tôi đến nhà anh chị Cường, Thi với hy vọng mượn vở ghi chép, vở bài tập và sách giáo khoa của cháu Dung để tham khảo xem học sinh THCS của Mỹ ghi chép, làm bài tập và học hành cụ thể như thế nào. Hỏi đến sách giáo khoa cháu Dung nói tất cả sách giáo khoa và sách tham khảo đều để ở lớp học. Sách giáo khoa để ở lớp học là sách của nhà trường. Nếu học sinh muốn mang sách về nhà thì phải đến thư viện nhà trường mượn. Như vậy là chẳng có học sinh nào phải mua sách giáo khoa. Tất cả sách giáo khoa, sách tham khảo đều có sẵn ở trường. Đến giờ phút này tôi mới hiểu tại sao các em đến trường không mang theo cái gì cả. Trong khi đó ở Việt Nam hơn 20 triệu học sinh đến trường là phải trang bị hơn 20 triệu bộ sách mới tinh. Ba bốn trăm ngàn một bộ sách. Mỗi năm học mới học sinh các cấp lại vứt tất cả sách cũ đi để mua sách mới. Đất nước rất nghèo nhưng chúng ta lại thật sang. Tuy nhiên tôi có nhiều điều thắc mắc nên hỏi cháu Dung, nếu cô giáo ra bài tập về nhà thì làm thế nào. Cháu trả lời: “Ở đây các thầy các cô thường không ra bài tập về nhà. Gần thi hết môn mới có bài tập.  Khi cần lấy bài tập làm ở nhà hoặc là cháu lấy trên mạng nhà trường hoặc thầy cô in ra giấy phát cho học sinh cả lớp.
Tôi hỏi mượn vở ghi chép của Dung. Cháu lắc đầu rồi nói: “Ở đây thầy cô không yêu cầu học sinh ghi chép gì vào vở, cũng chẳng có học sinh nào ghi vào vở cả. Ban đầu bố mẹ cháu chuẩn bị mỗi môn một hai quyển sách cho cháu như khi còn ở Việt Nam. Cháu mang sách đi, nhưng rồi cháu bỏ không ghi chép một môn học nào, vì không có bạn nào ở đây ghi chép như cháu. Cuối mỗi giờ học chúng cháu chỉ phải trả lời và nhận xét về những nội dung của bài học vào một tờ giấy. Thầy cô thu lại tờ giấy. Bạn nào không nắm được bài thì sẽ phải đến một lớp học thêm”. Thật là lạ. Đi học mà không có bài tập về nhà, không cần vở ghi chép. Ở Việt Nam thì chuyện đó chẳng khác gì người nông dân đi cày mà quên mang theo trâu. Không biết rằng giáo dục của họ có vấn đề hay tôi chưa hiểu hết vấn đề.
Chợt nhớ ra có điều gì đó giúp được tôi, Dung reo lên: “ À, Cháu quên, có hai quyển sách toán lớp 6, lớp 7. Những quyển sách mà bố mẹ cháu tìm mua được khi cả nhà cháu mới sang đây”. Anh Hùng rối rít giục con đi tìm cuốn sách để tặng “ông”. Thì ra lúc mới sang, hai vợ chồng anh chị rất lo con không theo kịp các bạn cùng lớp nên săn tìm mua sách các năm trước để cho Dung ôn tập khi vào học lớp 8; còn Thảo thì cho học lại một năm. Nào ngờ sách giáo khoa toán 6, 7 ở Mỹ ngay cả đến cháu Thảo mới học hết lớp 4 ở Việt Nam cũng làm được gần hết các dạng bài tập.
Chị Thi nói với tôi: “Cháu thật không ngờ học sinh Mỹ học toán ở trình độ thấp hơn nhiều so với ở Việt Nam”. Anh Cường thì lắc đầu không đồng ý với vợ: “ Về lí thuyết mà nói, giáo dục cũng là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng. Nó phản ánh đời sống xã hội và trình độ vật chất và tinh thần của xã hội. Không lẽ xã hội Mỹ, xã hội hậu công nghiệp, xã hội ở giai đoạn văn minh tri thức, người ta lại cho học sinh học kém mình. Không phải năng lực học toán của học sinh họ thấp hơn ta. Phải chăng ta chủ quan duy ý chí, đi tắt đón đầu, đốt cháy giai đoạn nên bắt học sinh đại trà học toán và tri thức ở một số môn khoa học quá cao. Thú thực với bác, ở Việt Nam có nhiều lần hai vợ chồng cháu phải thức đến 11 giờ đêm giúp con làm xong các loại bài tập toán và tiếng Việt. Áp lực làm bài tập không chỉ đè nặng lên vai các cháu mà còn đè nặng lên vai những người làm bố mẹ như chúng cháu. Thật xấu hổ với bác, có lần cháu bảo chúng tôi hướng dẫn cháu làm bài tập sai. Mấy lần hai vợ chồng gắt nhau khi kí vào các bài kiểm tra một tiết của các cháu. Gắt mhau vì điểm của các cháu chỉ trung bình. Vợ đổ lỗi cho chồng rằng không quan tâm đến con. Chồng thì đổ lỗi cho vợ rằng đó là trách nhiệm của người làm mẹ. Bác là nhà giáo, lại làm công tác quản lí về giáo dục các cấp, bác thấy thế nào”?
Tôi lướt qua quyển sách toán 150 trang. Nếu trang bìa không in dòng chữ  in đậm MATH 7 thì tôi tin đó là cuốn sách dành cho học sinh lớp 4 hay lớp 5. Ngoài việc in màu rất đẹp, chữ to, kênh hình nhiều hơn kênh chữ, có rất nhiều bài toán ứng dụng trong đời sống xã hội Mỹ, nhưng tất cả đều đơn giản, không lắt léo, đánh đố. Nhiều dạng bài tập người ta còn cho sẵn công thức để học sinh áp dụng làm bài. Tôi chắc không có bài toán nào trong quyển sách này khó đến nỗi mà các thành viên tổ toán THCS và THPT của trường tôi phải tranh luận với nhau hàng giờ về cách làm như ở Việt Nam.
Tôi cho rằng không dưới 40% học sinh lớp đại trà đến giờ toán và  đến giờ của những môn học không có hứng thú, các cháu không dám nhìn lên bảng, hay nhìn thầy cô khi thầy cô hỏi, vì chúng không hiểu, vì chúng sợ phải đứng dậy để trả lời hoặc lên bảng làm bài tập. Dần dần sinh ra nhiều học sinh tự ti, tự ti với thầy, tự ti với bạn. Bao nhiêu học sinh đến giờ học toán cứ phải cúi mặt xuống, mà cũng không riêng gì bộ môn toán, lý và hóa cũng vậy. Đến lớp đến trường là học sinh sợ, sợ thầy cô hiệu trưởng, sợ thầy cô chủ nhiệm, sợ thầy cô bộ môn, sợ bạn bè chê cười. Và dĩ nhiên về nhà thì sợ bố mẹ. Tất cả đều ép buộc và hăm dọa các em phải trật tự, phải chú ý, phải thuộc bài, phải làm bài tập, phải thế này, phải thế nọ… Thành thử các em sợ tất cả mọi người. Sợ đến mất cả nhân cách. Nếu không sợ thì các em chỉ còn cách trơ lì ra. Đó chính là mảng tối phũ phàng trong thực tế giáo dục Việt Nam.
Ở Mỹ, nhà trường rất coi trọng nền tảng làm người và kĩ năng sống. Nền tảng này được bồi đắp từ tiểu học. Các em đến trường không phải sợ bất kì ai, được khuyến khích nói ra tất cả những điều mình suy nghĩ, điều mình không thích, chính kiến riêng của mình. Và điều đó được thầy cô tôn trọng. Nhà trường luôn tạo dựng ý thức tự tin và sự mạnh dạn, sự thành thực và công bằng, sự bao dung và tính độc lập, tự chủ để học sinh biết làm người, làm việc. Họ không chăm chăm thúc ép học sinh học tri thức ngày đêm như nhà trường Việt Nam chúng ta. Tiếp xúc với hai đứa con anh chị Cường, thi tôi càng cảm nhận rõ đẳng cấp của hai nền giáo dục. Một nền giáo dục trang bị kiến thức, chỉ tạo ra những người người thợ, những người chỉ biết thừa hành và làm theo, những người chỉ biết tuân lệnh hay những người làm thuê và một nền giáo dục đào tạo ra những chủ nhân hay chí ít ra cũng là những con người năng động, sáng tạo, có tư duy phản biện, đầu đội trời chân đạp đất.
Trước khi ra về tôi nói với anh chị Cường, Thi: “Tôi chưa có điều kiện xem xét hết chương trình các cấp học, chưa xem hết sách giáo khoa các lớp học và cũng không phải là nhà nghiên cứu về chương trình cho nên chưa thể kết luận được gì. Chỉ có điều tôi nói lại với hai bạn mấy lời nhận xét của một chuyên gia giáo dục nước ngoài khi nhận xét về sách giáo khoa toán THCS và THPT của Việt Nam. Tôi xin tạm dịch ý như thế này: Các bộ sách giáo khoa của đất nước các bạn rất chặt chẽ, rất lô gíc, rất khoa học. Chỉ đáng tiếc đó là giáo trình đại học thu gọn lại”.
Thì ra có những điều không thể có ở nền giáo dục Việt Nam thì lại có thể có ở nền giáo dục Mỹ và các nước phát triển. Ngay cả việc đào tạo con người cũng vậy. Vợ tôi có người bạn ở bên Đức tên là Bình, người bạn nối khố từ thủa ấu thơ, đi sang Đức theo chương trình hợp tác lao động từ thủa còn Nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức. Bình tìm mọi cách định cư không về nước. Sau khi nhập đươc quốc tịch, Bình li dị với chồng ở Việt Nam và lấy chồng người Việt cùng ở bên đó. Cách đây khoảng hơn mười lăm năm, Bình có bảo lãnh cho con sang bên Đức. Cháu học ở Việt Nam chỉ được xếp  loại trung bình khá. Bình nhờ tôi lo hộ cái học bạ của con cho “sáng giá hơn một chút”. Có nghĩa là đánh bóng học bạ của cháu các năm học từ trung bình lên tiên tiến. Bẵng đi một thời gian dài, Bình đưa con trở về thăm vợ chồng tôi. Bình cho biết cháu đang học ở một trường đại học danh tiếng của Đức. Mấy năm cuối ở THPT cho đến bây giờ cháu đều có thành tích xuất sắc và đều được nhận học bổng của nhà trường. Tôi rất mừng cho Bình vì nếu cháu cứ tiếp tục theo học ở cái trường làng mà tôi biết, với cái sức học trung bình thì không biết cháu có thi đỗ vào PTTH không, chứ chưa nói đến vào đại học, lại còn nhận được học bổng nữa chứ. Lúc đó tôi phân vân nghĩ hay là nền giáo dục của Đức kém Việt Nam?
Một trường hợp nữa mà chính tôi phải thay cả cuốn học bạ là trường hợp cháu Hải, con cô giáo Phạm Thị Cúc, giáo viên của trường tôi, đồng thời là học sinh cũ của tôi. Cúc là giáo viên dạy giỏi, có giọng hát hay và từng đoạt hoa hậu ngành giáo dục Hà Nội. Thế nhưng cuộc sống gia đình riêng tư của Cúc lại rất lận đận. Hai vợ chồng Cúc sớm chia tay nhau sau hơn một chục năm chung sống. Một thân một mình nuôi con. Bao nhiêu tình cảm dồn vào cả con. Nhưng bất hạnh cho Cúc là đứa con học hành quá chểnh mảng. Không tháng nào là tháng Cúc không phải lên văn phòng gặp giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu. Có lần nước mắt Cúc lưng tròng nói với tôi: “Thầy bảo em phải làm gì cho con em bây giờ”. Thật ái ngại, nhưng tôi cũng chỉ biết động viên Cúc hãy cố gắng hiểu con hơn nữa, chịu khó dành thời gian cho con hơn nữa. Năm đó cháu không thi được vào PTTH. Cúc phải đến nhờ tôi xin cho vào học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Thanh Trì. Mọi người đều ái ngại cho Cúc. Con học bổ túc thì phía trước là một tương lai xám xịt với hai mẹ con.
Thật may mắn, tình cờ Cúc quen một giáo sư Mỹ sang Việt Nam dạy một số chuyên đề ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Họ tìm hiểu nhau và tổ chức lễ cưới ở Hà Nội. Sau đó hai người về Mỹ đem theo cả đứa con riêng của Cúc mà tôi nâng học bạ môn toán và một số môn học khác từ tổng kết dưới 5 lên 8 điểm.Tôi cứ nghĩ rằng con Cúc khó có thể theo học được ở bên Mỹ. Chỗ đồng nghiệp và tình nghĩa thầy trò tôi đồng ý nâng điểm để cháu dễ dàng được theo học, nhưng trong thâm tâm tôi rất áy náy với các thầy cô bên kia bán cầu. Làm sao có thể qua mặt họ được. Họ nghĩ gì về nền giáo dục của mình.
Vậy mà không ngờ rằng Hải theo học được hết phổ thông trung học ở một trường trung học ở bang Texas. Không những theo học được hết PTTH, Hải còn được nhận vào Trường Đại học Texas, một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Điều tôi ngỡ ngàng là khi về Việt Nam, Hải gặp lại các thầy cô thì không còn là một cậu bé chỉ biết cúi đầu trơ lì, im lặng. Đó là một thanh niên cao lớn đầy sức sống, một thanh niên hoạt bát, tự tin. Hải kể lại quá trình học tập của mình bên Mỹ như thế nào, quá trình hòa nhập với các bạn ra sao. Đặc biệt Hải trình bày dự định của mình sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ trở về Việt Nam thành lập một doanh nghiệp sản xuất như thế nào. Lần này về nước, Hải bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu thị trường để năm sau có thể bắt tay ngay vào công việc sản xuất kinh doanh của mình. Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng, chia vui và chúc mừng cho Cúc, chúc mừng cho Hải. Điều gì đã làm thay đổi một học sinh tưởng như bỏ đi thành một con người mà bất cứ một người mẹ, một nhà trường nào cũng lấy làm tự hào. Câu trả lời là nền giáo dục Hoa Kỳ.
Một trường hợp nữa mà tôi phải kể đến đó là trường hợp của anh bạn tôi, anh Trần Quốc Thắng. Hiện giờ gia đình anh định cư ở Phần Lan. Năm nào anh cũng trở về Việt Nam thăm bố mẹ và dự hội lớp đầu xuân. Lý do anh định cư ở Phần Lan không phải hoàn toàn vì lí do kinh tế. Anh tâm sự với tôi: “Con đầu tôi không đỗ đại học. Con thứ hai không thi được vào PTTH. Con thứ ba đi họp phụ huynh cuối năm cô giáo cho biết thuộc nhóm đội sổ. Thật là buồn tủi. Bao nhiêu ngày đêm tôi trăn trở. Tương lai của gia đình tôi sẽ ra sao đây? Con cháu tôi sẽ ra sao đây? Tôi buộc phải ra đi, phải li dị với nhà tôi. Tôi kết hôn giả với một người có quốc tịch Phần Lan. Sau khi có quốc tịch rồi, tôi lại cưới nhà tôi và đón các cháu sang Phần Lan. Bây giờ hai cháu đầu đã tốt nghiệp đại học, là kĩ sư cơ khí, kĩ sư tin học và đã đi làm ổn định với mức lương trên năm ngàn Euro. Cháu thứ ba đang theo học tiến sĩ. Nói thật với anh, tôi không ân hận gì vì đã từng lừa dối hai nhà nước Việt Nam và Phần Lan”.
Một trường hợp khác ở làng tôi, làng Triều khúc, không ai là không biết, đó là trường hợp hai anh em nhà ông Trung Bè và Nam Bè. Hai ông cho con sang Canada trong tình trạng con chật vật chưa qua nổi PTTH. Vậy mà với thời gian vừa học, vừa làm ở xứ xa lạ, chúng đều trở thành kĩ sư, bác sĩ. Rồi chúng lại tiếp tục bảo lãnh cho mấy đứa em không thi nổi vào trường PTTH sang Canada học. Tôi tin chắc chắn rằng, các cháu đó sẽ đều vào được đại học. Là một nhà giáo, tôi không biết phải giải thích những trường hợp trên như thế nào cho đúng với nền giáo dục của Việt Nam.
Giáo dục của người ta đúng hay của mình đúng. Và nếu chúng ta sai thì chúng ta sai ở chỗ nào? Vấn đề không phải hoàn toàn vì chúng ta nghèo nên cánh cửa PTTH chỉ tiếp nhận khoảng 70% học sinh THCS, còn cánh cửa đại học, cao đẳng chỉ tiếp nhận được khoảng 30% thí sinh thi có điểm cao mà thôi. Ba môn thi bình quân mỗi môn 8 điểm, thậm chí đến 9 điểm vẫn trượt đại học. Vấn đề là những sản phẩm giáo dục bị loại ở Việt Nam tại sao lại tỏa sáng được ở xứ người? Vậy hệ thống đánh giá giáo dục thuần dựa trên thi cử, thuần dựa trên điểm số của ta là đúng hay là sai?
Nói thêm một ví dụ mà nhiều người Việt ở Đức biết đến, đó là Philip Rosler. Ông là bộ trưởng, được bầu làm Chủ tịch Đảng FDP và là Phó Thủ tướng trẻ nhất nước Đức từ trước đến khóa trước bầu cử vừa rồi. Ông là người trực tiếp điều hành nội các Đức khi bà Thủ tướng Angela Merkel vắng mặt. Ông sinh ra ở tỉnh Sóc Trăng, một đứa bé không ai thừa nhận và được người ta đưa vào một nhà thờ. Ông may mắn gặp hai vợ chồng một gia đình người Đức nhân hậu nhận làm con nuôi vào năm 1973. Nếu ông không ở vào cái hoàn cảnh nghiệt ngã ở Việt Nam, kể cả nếu ông ta có bố mẹ, hoặc được một tổ chức từ thiên nuôi nấng ỏ Việt Nam, thì bây giờ ông là ai và làm gì? Tôi không biết có phải do môi trường nước Đức và nền giáo dục Đức tạo ra Philip Rosler hay không, có lẽ nên để các nhà quản lí giáo dục Việt Nam hiện thời trả lời, hẳn sẽ là thỏa đáng.






0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.