Gặp chị Ngọc

Leave a Comment
Trong bữa tiệc liên hoan, Giang và Vân giới thiệu với tôi về một người phụ nữ ngoài 70 tuổi, một nhân vật đặc biệt được mọi người kính trọng. Sinh viên lẽ ra phải gọi cô Ngọc bằng bác, thậm chí là bằng bà, nhưng tất cả đều gọi bằng cô, cô Ngọc. So với tuổi, chị trẻ hơn nhiều, chỉ khoảng 60 mươi, còn nhanh nhẹn và hoạt bát. Cách ăn mặc theo lối thời trang cũ của chị khiến tôi chợt liên tưởng đến bức ảnh Nam Phương Hoàng hậu treo ở dinh thự Đà Lạt. Chị vẫn giữ được cái dáng người thon thả của tuổi trẻ. Thân hình dong dỏng cao. Nước da trắng hồng. Tóc búi tròn sau gáy. Ở con người chị, ngươi ta thấy toát lên vẻ thanh cao, quý phái. Nó thể hiện ra ở khuôn mặt, ở đôi mắt và đặc biệt là ở những ngấn cổ cao theo tiêu chuẩn “ba ngấn”.
Vào giữa những năm 2000, chị Ngọc đã đón 7 sinh viên đầu tiên của Việt Nam sang học thạc sĩ và tiến sĩ ở Trường Đại học Missouri. Trong số 7 sinh viên đầu tiên, có con gái đầu lòng của tôi. Tôi đã nghe Thúy rồi cả Vân kể nhiều chuyện về cô Ngọc. Nhưng có nhiều chuyện cảm động đến nay tôi mới được biết. Chị Ngọc kể cho tôi nghe những công việc chị cùng đại diện Ban liên lạc sinh viên tại Hoa Kỳ chuẩn bị đón tiếp và giúp đỡ lứa sinh viên đầu tiên đến thành phố Colombia như thế nào.
-       Cử ai đi ra sân bay đón, chị vừa nói vừa tủm tỉm cười, chúng tôi đều tính toán kĩ càng, chu đáo. Nếu sau này chúng nên vợ nên chồng thì còn gì bằng. Chúng tôi liên lạc với tổ chức sinh viên của nhà trường lo chốn ăn, chốn ở cho các em. Tôi trực tiếp lo nấu những món ăn truyền thống Việt để đãi các em khi các em bước chân đến thành phố này. Rồi những ngày sau đó, trực tiếp đưa các em đi mua sắm ở các siêu thị như thế nào, hướng dẫn các em một vài nét chung chung về thành phố, về tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân ở đây. Người Việt mình có câu: “Nhập gia tùy tục mà”.
-       Cảm ơn chị nhiều. Các em thật may mắn khi có chị ở thành phố này.
-      Nói thật với anh, với tôi, không biết ai phải cảm ơn ai. Chính các em đã đem lại cho tôi niềm vui và sự ấm áp từ nơi quê nhà. Chính các em làm cho tôi quên đi cái cảm giác cô đơn tha hương nơi xứ người. Lần đầu tiên sau ba mươi năm xa đất nước, khi các em mời gia đình tôi đến liên hoan nhân dịp tết Nguyên đán, nghe các em lần lượt chúc tết, mừng tuổi, tôi không thể cầm được nước mắt. Quây quần bên mâm cỗ truyền thống “bánh trưng xanh, thịt mỡ dưa hành”, tôi cùng các em sống lại cái thời thơ bé, được cha mẹ, cô gì, chú bác mừng tuổi. Ôi thời gian...
Chị Ngọc vốn người làng Quan họ. Mẹ chị là một trong những liền chị nổi tiếng xứ kinh Bắc. Năm mười hai, mười ba tuổi chị theo bố mẹ vào Nam. Suốt từ năm 1955 đến năm 1975 gia đình chị ở Sài Gòn. Chị kể rằng mấy chục năm ở Sài Gòn, mẹ chị và chị chưa bao giờ nguôi ngoai những đêm hội hè thủa nào. Nhiều lần chị bắt gặp mẹ nhớ quê, ngồi khóc một mình và thế là hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. Năm 1979 chị đi lên thuyền vượt biên cùng với chồng, còn mẹ chị dứt khoát ở lại không đi cùng. Qua thư từ, chị được biết năm 1977, mẹ chị về quê, về ở lại chính ngôi nhà ngói năm gian xưa kia mẹ chị ở cùng với các anh chị em ở đó. Năm 1990, mẹ chị mất. Phút lâm chung, nghe nói mẹ chị có nhắc đến chị, hai hàng nước mắt ứ ra trước khi mất…
-      Năm 2000, lần đầu tiên tôi về thăm mộ thầy tôi ở thành Phố Hồ Chí Minh, thăm mộ mẹ tôi ở Lim. Từ đó đến nay tôi về được năm lần. Không biết tôi còn về được bao lần nữa.
Tôi nhận thấy đôi mắt chị chớp chớp như muốn ngăn giọt nước mắt ứ ra, nên tôi chủ động chuyển sang đề tài khác.
-      Nếu không biết chị quê ở Kinh Bắc, tôi nghĩ chị có quan hệ họ hàng gì với Nam Phương Hoàng hậu.
-      Anh là người thứ ba nhận xét tôi giống Nam Phương Hoàng hậu. Tôi giống bà ấy lắm à?
-      Như hai chị em.
Chị Ngọc mỉm cười. Khuôn mặt chị ửng hồng. Đôi mắt chị dường như cũng cười theo.
-      Giống nhau nữa là cuối đời đều tha hương phiêu bạt. Tôi không có địa vị và giàu có như Nam Phương Hoàng hậu, nhưng hiện nay tôi giàu có hơn Nam Phương Hoàng hậu. Tôi có tất cả các cháu ở đây, chứ không lẻ loi đơn chiếc như bà.
Chị ngọc đã đúng. Từ cái buổi đầu đến nay, chị luôn quan tâm giúp đỡ các sinh viên du học đến thành phố này. Lúc cơ nhỡ lúc ốm đau, khi vui khi buồn, các cháu đều có chị bên cạnh. Và các cháu xa nhà, chỗ dựa tinh thần là chị, tìm niềm vui quây quần, ríu rít bên chị. Nhất là đối với các cháu gái, khi sinh nở, bố mẹ không có điều kiện sang trông nom, chị đều đưa đi viện, động viên chăm sóc cho tới khi mẹ tròn con vuông với tất cả tấm lòng của một người mẹ, người bà. Khi Vân sinh cháu Bảo, chị đã đến bệnh viện phụ sản thành phố cả đêm để lo cho mẹ con cháu. Hai vợ chồng tôi vô cùng xúc động, qua chiếc ipad đã nói lời cám ơn chị rất nhiều. Chị nói lại với vợ chồng tôi: “ Tôi coi đó là trách nhiệm của tôi mà”. Chị quả là con người có tấm lòng vàng. Giờ đây thật sự chị có 70 đứa cháu. Tôi và chị cứ mải nói chuyện về văn hóa xứ kinh Bắc, hội hè xứ kinh Bắc cho đến khi màn đêm buông xuống. Chị Ngọc mới chào chúng tôi ra về. Chúng tôi bùi ngùi chia tay chị. Tôi thầm cầu chúc cho chị mạnh khỏe, sống lâu để chị đón sinh viên thứ 700 sang thành phố này học.
Khi chị Ngọc ra về, tôi mới được một nữ sinh viên quê ở Bắc Ninh rất thân thiết với chị cho biết về đời sống riêng tư trục trặc giữa chị với người chồng, một đại uý quân lực ngụy quyền dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta sinh ra trong một gia đình tư sản có truyền thống binh nghiệp. Sau năm 1975 ông thấy mình mất tất cả. Lại phải đi cải tạo mấy năm dưới chính quyền mới. Ông quyết không chấp nhận chế độ Cộng sản. Tập hợp một số gia đình bạn bè, ông đứng đầu mua thuyền tổ chức vượt biên. Con thuyền  của ông gặp bão rồi chết máy lênh đênh hơn một tháng trời trên biển. Hơn năm chục người bị chết vì bệnh tật, vì đói khát. Ông cùng vợ may mắn sống sót đến được một trại tị nạn ở Phillipine rồi sang Mỹ.
Suốt từ đó đến nay, ông đi khắp các bang, vận động gây quỹ cho các mục đích chống phá nhà nước Việt Nam. Bao nhiêu năm ông đàn đúm, rượu chè với những sĩ quan miền Nam cộng hòa, bỏ bê vợ con gia đình. Ông cấm không cho chị được tiếp xúc và giúp đỡ sinh viên “Bắc Việt” mà theo ông là giống nòi của bọn Cộng sản. Ngoài ra, ông còn là thành viên các tổ chức chống cộng, móc nối với những thành phần bất mãn trong nước quyết tâm “phục quốc” gần bốn mươi năm nay. Ngày lễ tết hay quốc khánh của chính quyền cũ ông vẫn treo cờ của cái thây ma ấy. Những cố gắng của những nhóm người và những cá nhân như ông ta đã đi ngược với xu thế chung của thời đại, của dân tộc. Kết cục chỉ như công dã tràng. Có lẽ sự mất mát về kinh tế, sự thù hận dồn nén bao năm về chính trị khiến ông chỉ còn biết trút vào người vợ, người có gốc quê cùng bọn “Cộng sản”. Tuy bất đồng quan điểm, nhưng chị Ngọc vẫn nhẫn nhịn nhục tần tảo nuôi con khôn lớn.
Câu chuyện riêng tư trong gia đình chị Ngọc phần nào phản ánh một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trong lịch sử Việt Nam, lần thứ nhất, hàng trăm năm xẻ nghé tan đàn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, đất nước chia thành Đàng trong và Đàng ngoài; lần thứ hai,từ năm 1954 đến 1975, đất nướcViệt Nam lại diễn ra chiến tranh chia lìa khốc liệt. Hàng triệu người  đã nằm xuống để bảo vệ nền độc lập và sự thống nhất của đất nước. Lần thứ nhất xuất phát từ mâu thuẫn nội tại. Lần thứ hai xuất phát từ cả mâu  thuẫn nội tại lẫn mâu thuẫn của thời đại.
Đất nước Việt Nam được thống nhất từ năm 1975. Nước Đức tái hợp từ năm 1990. Hai miền Triều tiên thì hiện nay vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Đứng trên bình diện dân tộc, chắc chắn người Việt hạnh phúc hơn người Triều tiên rồi. Nhưng cái giá phải trả là quá lớn. Sự đau thương mất mát của dân tộc thẩm thấu đến từng gia đình. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người Quảng Trị, trước năm 1975 còn gọi là người miền Nam, sau khi thống nhất đất nước, ông hiểu rất rõ nỗi đau của lát cắt hơn hai mươi năm. Ông đã từng hỏi một số đồng chí và một số trợ lí về việc đầu tiên cần phải làm sau chiến tranh là việc gì. Người thì nói rằng cần phải cải tạo tư bản tư nhân ở miền Nam. Người thì nói cần phải tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam. Người thì nói cần phải tiến tới làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa. Ông im lặng trầm ngâm rồi nói “Việc đầu tiên cần làm là phải hòa hợp dân tộc đã”.
Ông nói hoàn toàn đúng. Rất tiếc là ông không thể làm được điều ông mong muốn. Cái cảnh “thuyền nhân” lũ lượt từng dòng người rời bỏ quê hương đầy đau thương và đau lòng diễn ra hàng chục năm trời là một chương bi đát trong những năm bắt đầu và những năm khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước. Theo thống kê của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn có khoảng trên 800.000 người ra đi một cách bất hợp pháp trên những con thuyền nhỏ bé, phần lớn là những con thuyền bằng thuyền gỗ. Không ai có thể biết có bao nhiêu người đã bỏ mạng trên biển cả vì sóng gió, vì cướp biển, vì đói khát, vì bệnh tật…




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.