Thăm Trường THCS Gentry với cháu Dung

Leave a Comment
Được sự nhất trí của hai vợ chồng Cường, Thi tôi cùng Dung đến Trường Gentry Middle School với tư cách là ông của cháu Dung. Trường Gentry được thành lập năm 1994. Biểu tượng của trường là con báo hoa. Màu sắc biểu trưng cho nhà trường là màu đỏ và xanh. Hiệu trường nhà trường là Tiến sĩ Jeff Beiswinger. Năm học 2012 - 2013, nhà trường tiếp nhận học sinh hai khối lớp 6 và khối lớp 7 với tổng số 899 học sinh. Trong tổng số 7 trường THCS của thành phố Columbia thì có ba trường nhận học sinh khối 6, khối 7 và bốn trường khác nhận học sinh khối 8, khối 9. Đây là cơ cấu tổ chức giáo dục phổ thông đặc trưng của một thành phố tại Hoa kỳ. Cách đây 50 năm, học sinh tiểu học thường được chuyển ngay lên cấp trung học cơ sở, học các lớp 6, 7, 8, 9 hoặc 7, 8 tùy theo từng bang. Nhưng trong khoảng 30 năm qua, đa số các trường THCS được thay thế bằng các trường chuyển cấp dành cho học sinh lớp 6 đến lớp 7 hoặc đến lớp 8 hay lớp 9 tùy theo từng bang.
Theo ước tính của Bộ Giáo dục Mỹ, có khoảng 20 triệu trẻ em tử 10 đến 15 tuổi đang theo học ở các trường chuyển cấp. Chương trình này có khung chương trình tương tự như như trường THCS truyền thống. Điểm khác là các lớp học ở trường chuyển cấp được tổ chức theo môn học hay còn gọi là khoa. Các trường chuyển cấp nhằm tạo môi trường đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của tuổi vị thành niên. Dạy học theo nhóm và xếp lịch sinh hoạt học tập theo khối lớp chứ không theo các tiết học cố định 45 phút. Đó chính là đặc trưng của trường chuyển cấp. Lớp học chuyển cấp phá bỏ lớp học truyền thống của cái giai đoạn đại công nghiệp, nhà trường giống như một công trường theo lối dây chuyền sản xuất, phân chia việc học tập của học sinh như phân chia sản phẩm ra từng công đoạn. Lớp học truyền thống phân ra từng môn học theo một chuỗi công đoạn công nghiệp, tiếng trống, tiếng chuông thay cho tiếng còi tầm tan ca. Lớp học truyền thống cứ hết tiết 1 đến tiết 2, rồi đến tiết 3, 4, 5 như một chuỗi sản xuất ứng với mỗi máy cái thầy cô. Trường chuyển tiếp chú trọng tới các nhóm nhỏ, cách tiếp cận tổng hợp các môn học trước một chủ đề nào đó. Nó không phân ra các môn học biệt lập như đạo đức, lịch sử, giáo dục công dân hay lí, hóa, sinh như ở Việt Nam mà gộp lại thành một môn nghiên cứu xã hội (social studies) hay môn khoa học (science). Nó thật sự chú trọng tới các bài tập nhóm trong tất cả các giờ học.
Cháu Dung nói với tôi rằng chỉ trong một học kì cháu đã được làm quen tới hàng trăm bạn. Đến giữa năm học có thể cháu được học chung với tất cả khối học sinh lớp 8. Tôi nhìn vào cái thời khóa biểu cố định cả học kì, chỉ có 7 môn học bắt buộc và một số môn tự chọn. Vậy thì người ta xếp các nhóm học sinh theo cái kiểu gì. Trong đầu tôi khi xếp thời khóa biểu ở các trường học nước mình, tôi phải nắm được cả trường có bao nhiêu khối lớp học. Mỗi khối lớp học có bao nhiêu lớp. Mỗi lớp có bao nhiêu môn học. Mỗi môn học có bao nhiêu tiết. Ứng với mỗi lớp học, mỗi môn học, mỗi tiết học là thầy cô dạy môn học gì, từ tiết 1 cho đến hết tiết 5. Kể cả xếp lịch học ở trung cấp và cao đẳng ở Việt Nam tôi cũng làm theo cái mô hình ấy.
Ở đây, nhà trường xếp thời khóa biểu theo nhóm học sinh, như lối học tín chỉ đại học, thật tình tôi vẫn chưa hình dung ra cách sắp xếp của họ như thế nào. Nhưng lạ lẫm hơn là việc họp phụ huynh học sinh không theo đơn vị lớp học. Cô giáo chủ nhiệm mời từng phụ huynh theo giờ hẹn đến gặp gỡ riêng. Cô yêu cầu học sinh, cụ thể là cháu Dung phải báo cáo về tình hình học tập, kết quả học tập, kết quả phấn đấu các mặt khác trong cả học kì cho tôi nghe. Tôi tin rằng cô giáo chủ nhiệm đã bồi dưỡng cho học sinh cái “form” báo cáo này. Cháu Dung trình bày bằng tiếng Anh rất lưu loát, đĩnh đạc cái gì cháu đã làm được, cái gì cháu chưa làm được. Phương hướng phấn đấu của cháu trong học kì tới.
Sau đó cháu Dung được ra ngoài, cô giáo chủ nhiệm trao đổi riêng với tôi một số nét về tính cách, về năng lực cũng như những hạn chế của cháu Dung trong học kì. Cô cũng gợi ý Dung có thể tham gia câu lạc bộ toán học của trường, đặc biệt là tham gia vào đội bóng rổ nữ của khối để cải thiện thêm tình hình sức khỏe chưa được tốt của cháu. Với tư cách là giáo viên dạy toán, cô tiếp tục trao đổi với tôi về năng lực nhận thức, tính kiên trì của cháu Dung trong giờ toán. Có một điểm cô lưu ý là Dung cần phải chủ động hơn trong hoạt động nhóm. Sau cô chủ nhiệm là một số thầy cô dạy các môn học khác cũng trực tiếp trao đổi với tôi về tính cách cũng như về tình hình và kết quả môn học của Dung. Nhìn chung cháu Dung được các thầy cô đánh giá cao. Chỉ có môn thể dục cháu Dung bị một số giáo viên và cả giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở cần phải phấn đấu thêm nhiều. Chạy, nhảy cao, nhảy xa cháu mới đạt được mức yêu cầu tối thiểu. Và vấn đề này, chính là vấn đề nghiêm trọng mà nhà trường muốn trao đổi kĩ với gia đình, mong muốn gia đình và bản thân cháu Dung phải có hướng giải quyết trong thời gian tới.
Sau khi cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô giáo bộ môn trao đổi xong, tôi nhận được tờ phiếu báo kết quả học tập trong học kì của cháu Dung. Tất cả các môn học của Dung đều đạt điểm A. Riêng môn thể dục chỉ đạt điểm C. So sánh với một buổi họp phụ huynh các cấp học phổ thông ở Việt Nam, cách tổ chức họp phụ huynh ở Mỹ hoàn toàn khác. Họ không họp theo đơn vị tập thể lớp mà họp với từng phụ huynh. Việc đánh giá, nhận xét học sinh không chỉ có giáo viên chủ nhiệm mà là công việc của cả tập thể hội đồng sư phạm. Họ hoàn toàn không công khai việc đánh giá, nhận xét học sinh cũng như không công khai điểm tổng kết của tất cả học sinh trong lớp cho tất cả ai cũng biết. Cá nhân phụ huynh học sinh chỉ được biết việc đánh giá, nhận xét, điểm tổng kết của con mình thôi. Kết quả chung của lớp học, nếu yêu cầu, phụ huynh có quyền được biết, nhưng kết quả cụ thể của học sinh khác, phụ huynh khác không được phép biết. Đó là thông tin cá nhân, cũng giống như thông tin cá nhân khác, chỉ có người đáng được biết mới được biết.
Ở Việt Nam mỗi buổi họp phụ huynh trường, lớp là một buổi tổng kết, thống kê các loại tiền thu của nhà trường, là buổi đóng góp tiền (có khi đến mươi mười lăm các khoản tiền phụ huynh học sinh phải đóng góp theo yêu cầu của nhà trường), là buổi công bố thành tích của trường lớp, là buổi xăm soi những học sinh cá biệt, những học sinh học yếu kém, là buổi họp để hợp lí hóa những khoản thu dự định trong tương lai. Tại các buổi họp phụ huynh của lớp như thế, một số phụ huynh thì hãnh diện về thành tích học tập của con em mình, một số thì cúi đầu xấu hổ giấu đi những giọt nước mắt, còn đa số thì thấy hoang mang lo lắng về một tương lai bất định ngày mai của con em mình.
Một điểm khác biệt nữa là học sinh THCS ở đây phải trực diện trình bày với bố mẹ về tình hình học tập của mình trong từng học kì hoặc trong cả năm học. Như vậy học sinh phải căn cứ vào yêu cầu của nhà trường, của các thầy cô tự nhận xét và đánh giá về kết quả lao động của bản thân sau một quá trình học tập. Cái gì các em đã làm được, cái gì chưa làm được, cái gì sẽ làm trong thời gian tới. Các em phải xác định rõ ràng trước bản thân, trước bố mẹ và phải tự hứa trước bản thân, trước bố mẹ điều mình sẽ cần phải làm. Các em phải tự chịu trách nhiệm trước mình, trước gia đình mình. Nhà trường của họ làm như vậy là đã biến quá trình giáo dục học sinh thành quá trình tự giáo dục của chính bản thân học sinh. Cái không công khai của nhà trường không phải là cái không minh bạch. Cái không công khai đó là không làm tổn thương phụ huynh, không làm tổn thương học sinh. Cái không công khai đó, kể cả không công khai nhận xét giữa thầy cô giáo và bố mẹ là để không làm tổn thương học sinh. Trên tất cả, đó là triết lí tôn trọng con người, đặt niềm tin vào con người, đặt niềm tin vào tương lai thế hệ trẻ.
Sau buổi họp phụ huynh, Dung dẫn tôi đến nhà tập đa năng hay gọi nôm na là nhà để tập thể dục. Dung cho tôi biết bắt đầu từ năm học tới, Dung sẽ tự chọn thêm môn học thể dục để tăng cường sức khỏe và cải thiện thành tích học tập toàn diện. Nếu không chọn học thêm thể dục thì bốn ngày trong tuần, học sinh bắt buộc đều có tiết thể dục, còn chọn học thêm môn thể dục thì cả năm ngày trong tuần học đều có tiết thể dục. Cháu Dung đã đi đến quyết định như vậy mà không cần xin phép bố mẹ. Cháu cho rằng đó là vấn đề của bản thân cháu, không liên quan gì đến bố mẹ. Hơn nữa cháu tâm sự, nhìn những bạn người Mỹ tập môn thể dục dụng cụ và môn xà lệch cháu rất thích. Dung chỉ vào nhóm học sinh đang tập nhảy nhào lộn trên tấm lưới đan bằng sợi tổng hợp đàn hồi: “Ông nhìn đấy, thích chưa”.
Ngắm nhìn hệ thống cơ sở vật chất, trang bị đồng phục của thầy cô, đồng phục học trò và xem các thầy cô chỉ dẫn các em tập luyện bài bản, tôi có cảm giác như các em đang học ở một trường đào tạo năng khiếu đặc biệt hay một trường chuyên nghiệp thể dục thể thao nào đó, chứ không phải là một trường phổ thông như bao trường phổ thông trên đất Mỹ. Nhóm thì tập nhào lộn trên những tấm lưới và rơi tự do xuống những chiếc hố chứa đầy bọt xốp. Nhóm thì đang tập trên cầu và nhào lộn đứng trên cầu. Thỉnh thoảng các em mất thăng bằng rơi xuống tấm lưới đàn hồi, nẩy người lên xuống như trên một sân khấu xiếc. Nhóm thì tập trên xích đu. Nhóm thì tập trên xà đơn. Nhóm thì tập trên xà kép. Nhóm thì tập trên xà lệch. Ẩn sâu bên trong phòng đa năng còn có những phòng nhỏ. Đó là những phòng tập chuyên biệt dành cho những nhóm học thể dục dụng cụ, múa, học nhảy theo nhạc. Phòng nào cũng có gương, có thiết bị màn hình và đầu đĩa.
Từ phòng tập đa năng có hệ thống điều hòa nhiệt độ, Dung mở cánh cửa dẫn tôi ra bên ngoài. Trời đầy nắng, gió. Trước mắt tôi là một bãi cỏ rộng mênh mông dành cho sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ. Và thật lạ lùng là có cả hệ thống đèn chiếu sáng cho các loại sân thể thao này. Sân bóng đá không phải chỉ có 4 hệ thống chiếu sáng ở 4 góc như sân quốc gia Mỹ Đình mà còn có thêm hai hệ thống chiếu sáng ở khoảng giữa chiều dài của sân. Tại sao ở Mỹ họ lại đầu tư về thể dục thể thao đến mức tôi không thể tưởng tượng được như thế này. Phải chăng đây là biểu hiện của một xã hội giầu có hay là một sự đầu tư không cần thiết?
Ở trường học Mỹ người ta rất coi trọng việc giáo dục kĩ năng sống và giáo dục thể chất. Người ta cho rằng học sinh phải học thật tốt kĩ năng sống trong một thế giới đầy biến động, phải biết thay đổi, điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống và con người phải có thể lực tràn trề để làm việc, để tồn tại trong môi trường đầy áp lực và khắc nghiệt. Hai thứ quí giá nhất của mỗi con người: kĩ năng sống và sức khỏe sẽ đi theo suốt cuộc đời con người ta, chi phối, thậm chí quyết định số phận con người ta. Rất tiếc là cả hai điều trên gần như giáo dục Việt Nam coi thường và bỏ qua.
Giáo dục thể chất ở Việt Nam có thể nói là khâu yếu nhất trong các mặt giáo dục. Cơ sở vật chất thì thiếu thốn, nghèo nàn. Đội ngũ giáo viên thì vừa thiếu vừa yếu. Hình thức luyện tập thì đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ có chạy nhảy và vài động tác thể dục với vài trò chơi như nhảy dây, đá cầu... Những hạn chế trong công tác giáo dục thể chất khiến học sinh không có hứng thú với môn thể dục, thậm chí còn coi là môn phụ không cần phải học. Giờ dạy thể dục của các thầy cô dạy môn thể dục ở tiểu học cuối các học kì hay cận kề với các kì thi các loại thường bị các thầy cô chủ nhiệm xin để có thời gian ôn luyện, đặc biệt cho hai môn văn và toán. Giáo viên thể dục biết là sai nhưng đều tặc lưỡi cho qua.Vả lại làm gì có phòng thể chất, có sân bãi để mà tập tành.
Sân trường vừa hẹp vừa gập ghềnh. Chỉ có chạy khởi động hơi ồn một chút là các cô trong lớp đã kêu ca phản ứng rồi. Các thầy cô dạy thể dục cấp THCS và cấp THPT cũng nằm trong tình trạng như giáo viên tiểu học, không những thế họ còn bị chỉ đạo bởi giám hiệu, bởi hội phụ huynh, phải hạ thấp yêu cầu chạy, nhảy, ném và hạ thấp cường độ luyện tập vì sợ học sinh mệt mỏi không học được các bộ môn văn hóa khác, rồi viện cả lí do sợ học sinh bị choáng, bị ngất. Và thật sự nếu rèn luyện theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Việt Nam thôi tôi đã thấy nhiều lần học sinh bị choáng, bị ngất. Mỗi lần học sinh choáng ngất tôi thật sự hoảng sợ. Nói dại học sinh có làm sao thì cán bộ quản lí cũng chết nên ngấm ngầm nói với giáo viên cứ “dạy làm sao cho thật an toàn”.
Điều nguy hiểm là từ giáo viên, giám hiệu đến học sinh và phụ huynh đều coi thể dục là môn phụ, thậm chí là môn học vớ vẩn. Tôi đã bao lần chứng kiến các giám hiệu và các giáo viên xin cho con, cho học sinh của mình được rút khỏi đội tuyển thi điền kinh, đội tuyển văn nghệ, để con họ khỏi phải mất thời gian vào cái công việc luyện tập mà họ cho là để dành cho những kẻ vai u thịt bắp, những kẻ đầu óc ngu si, tứ chi phát triển hay những kẻ đàn ca sáo nhị vẩn vơ. Đồng thời tôi cũng chứng kiến nỗi thất vọng, nỗi buồn sâu thẳm và cả sự tổn thương của những giáo viên thể dục, âm nhạc vì bị lãnh đạo, bị đồng nghiệp coi thường môn học của mình, môn học không bao giờ có dạy thêm, không bao giờ có thu nhập như các môn văn, toán, lí, hóa, ngoại ngữ. Chẳng trách trong hàng chục năm trở lại đây có những dấu hiệu suy giảm chiều cao và cân nặng trong lứa tuổi học đường. Những tấm huy chương vàng, bạc, đồng cứ dần dần rời xa đội tuyển quốc gia trong các kì thi của khu vực và thế giới. Số lượng học sinh, sinh viên bị cận thị và mắc những dị tật học đường mỗi năm một tăng. Tỉ lệ học sinh, sinh viên mắc bệnh tâm thần, trầm cảm tại các bệnh viện tâm thần đã và đang ở mức báo động.
Tôi theo Dung vào lớp học tăng cường tiếng Anh. Lớp có 11 học sinh, phần lớn là những học sinh có nguồn gốc châu Á đến Mỹ trong khoảng một hai năm trở lại đây. Mặc dầu chỉ có 11 học sinh nhưng vẫn là một lớp học với đầy đủ máy tính, projector, giá sách giáo khoa và các loại sách tham khảo. Các em đang trong giờ đọc truyện. Cô cho các em tự đọc thầm, rồi từng cá nhân đọc to cho cả lớp nghe theo sự hướng dẫn của cô giáo. Sau đó, cô bật máy cho học sinh xem các hình ảnh câm mô phỏng lại nội dung câu chuyện và học sinh lại tự đọc thầm. Cuối tiết học đọc truyện, các em hoàn thành việc trả lời nội dung ghi sẵn trên phiếu học tập. Có 4 nội dung các em phải trả lời. Câu chuyện nói về ai? Có mấy nhân vật trong câu chuyện? Câu chuyện nói về cái gì? Em thích nhân vật nào nhất, vì sao?
Tiếp theo buổi học, cô giáo cho các em tự do vẽ tranh, nặn tượng, hoặc chơi trò chơi trên máy tính, trò chơi diễn tả những động tác, những hành động và việc làm của những nhân vật hoạt hình. Tôi thấy phần lớn các cháu trai thì chơi trò chơi trên máy tính. Các cháu gái thì vẽ tranh nặn tượng.  Cô giáo đi đến với từng em một, vừa quan sát theo dõi vừa hỏi han trò chuyện. Cuối cùng cô cho các em kể lại công việc của mình và chia sẻ những cảm nghĩ cá nhân cho cả lớp cùng nghe.
Tôi thật sự khâm phục cô giáo dạy tiếng Anh tăng cường này. Cô đã luống tuổi. Cô có mười lăm năm làm việc tiếp thị thời trang ở Đức, Pháp, Ý. Sau đó về dạy ngoại ngữ  ở Trường Gentry School khoảng 20 năm nay. Ngoài tiếng Anh – Mỹ bản địa, cô có thể nói viết thông thạo tiếng Đức, Pháp, Ý và có thể giao tiếp được bằng một số ngôn ngữ châu Âu khác. Điều đặc biệt ở cô là cô không biết tiếng Trung, tiếng Ấn, tiếng Thái, tiếng Việt hay bất cứ thứ ngôn ngữ châu Á nào nhưng cô vẫn dạy rất tốt cho những học sinh châu Á theo học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ, cô không biết ngôn ngữ bản địa của người đến học, vậy thì làm thế nào mà cô dạy được. Lấy ví dụ trường hợp Dung chẳng hạn. Từ trình độ ABC, chỉ sau một năm Dung đã hoàn toàn hòa nhập được vào môi trường mới. Được cử đi thi học sinh giỏi, được giải nhì trong kì thi học sinh giỏi cấp bang. Thậm chí sang thăm nhà cháu, tôi còn thấy cháu đọc các tác phẩm cổ điển Hi Lạp như thần thoại Hi Lạp, Iliat. Cháu Dung theo học lớp đặc biệt của cô được hơn một năm. Cháu cho tôi biết, mấy hôm đầu cháu không hiểu gì hết, nhưng chỉ sau vài tuần cháu dần dần vỡ ra. Tôi nói với cô giáo, giả sử cháu Dung vẫn học ở Việt Nam thì ngay cả khi cháu được học lớp chuyên Anh thì đến 5 năm sau, cháu cũng không có được cái khả năng giao tiếp như hơn một năm qua học ở đây.
Dung cho tôi biết nhiều khi cô đưa học sinh ra ngoài trời quan sát thực tế xung quanh trường, học thực tế ở nơi thực địa. Cô dạy học sinh những từ, những câu nói về bầu trời buổi sáng trên sân trường đến việc diễn đạt cảnh hoàng hôn buông rơi trên vạt cỏ, từ các loại cây cối, chim chóc, côn trùng đến những tình huống đi đường, trong siêu thị, rạp chiếu phim đến viện bảo tàng... Cô chỉ bảo từng li, từng tí.
Chia sẻ cảm nghĩ về cô, mong muốn được cô trao đổi về kinh nghiệm, về phương pháp dạy học ngoại ngữ, tôi thấy cô cười vui, khuôn mặt ửng hồng: “Điều quan trọng nhất là môi trường sống và học tập của các cháu. Tất cả mọi người xung quanh giao tiếp bằng tiếng Anh. Các bạn giao tiếp bằng tiếng Anh. Thầy cô giảng dạy bằng tiếng Anh. Từ sách vở đến các phương tiện thông tin đại chúng đều bằng tiếng Anh. Giáo trình thì có sẵn. Tôi chỉ làm được một chút ít là đưa các em vào những tình huống thực tế sống động, tạo điều kiện cho các em nghe, nói mà thôi”.
Trên đường trở lại nhà. Dung kể cho tôi nghe về giờ học lịch sử tuần trước. Cháu Dung nói cả lớp đã kì công chuẩn bị cho giờ học này. Riêng Dung còn được đóng một vai khá quan trọng trong giờ của thầy. Cháu rất tiếc vì hôm đó bố mẹ cháu bận lên lớp nên không đến tham dự cùng các phụ huynh khác. Giá mà tôi đến sớm một vài tuần, thế nào anh chị Cường, Thi cũng nhờ tôi đi tham dự thay.
Theo sự hướng dẫn của thầy giáo dạy lịch sử, Dung cùng với các nhóm bạn nữ, các nhóm bạn nam tự phân công nhau đi tìm hiểu trang phục cách đây hàng trăm năm. Các em tự may và tham gia may những bộ quần áo bằng giấy và bằng vải để hóa trang thành những thiếu nữ, những nhân vật lịch sử từ những thế kỉ trước, nhằm tái hiện các giai đoạn lịch sử, những trận đánh tiêu biểu trong thời kì nội chiến nước Mỹ. Tôi hỏi Dung:
-      Làm thế nào mà các cháu biết được trang phục cách đây hàng mấy trăm năm? Rồi làm thế nào mà may được? Tiền ở đâu?
-      Chúng cháu đã được đi tham quan trường đại học chỉ dành cho nữ sinh. Đó là trường Đại học Stephens College. Chúng cháu đã liên hệ với nhà trường và Khoa Thiết kế Thời trang nhờ giúp đỡ. Cả nhà trường, cả khoa đều giúp đỡ chúng cháu. Nhà trường còn cho chúng cháu giấy và vải. Các chị sinh viên đã đưa chúng cháu  đi thăm lại bảo tàng mười mấy nghìn bộ thời trang qua các thời kì lịch sử của trường. Các chị cùng chúng cháu tìm tòi, chụp ảnh, rồi lên thiết, cắt may. Các chị sinh viên khoa giáo dục cũng đến giúp đỡ chúng cháu. Được làm việc với các chị ấy, cháu thích lắm ông ạ. Các cô ấy rất đẹp và trường của các cô ấy cũng rất đẹp.
-      Các cháu chuẩn bị cho tiết học mất bao nhiêu thời gian?
-      Khoảng ba tuần. Nhưng mà cháu muốn nó dài hơn. Hôm thầy giáo lịch sử dạy, chúng cháu mặc trang phục lịch sử do chính chúng cháu may. Bạn nữ nào trông cũng thướt tha trong bộ áo váy cổ rất đẹp. Còn các bạn nam thì trông oai vệ với trang phục của các tướng lĩnh. Thầy giáo chỉ nói ngắn gọn lịch sử Mỹ qua các giai đoạn bằng một sơ đồ trên tờ giấy. Sau đó chúng cháu thay nhau lên thuyết trình. Các bạn nam còn diễn lại các trận đánh. Hay ơi là hay. Hết giờ, các phụ huynh và các chị sinh viên Trường Stephens College vỗ tay như pháo nổ. Đến giờ cháu thấy vẫn còn thích.
Tự nhiên tôi thấy buồn, buồn vì một học sinh Việt lại được một thầy giáo sử Mỹ chinh phục về lịch sử Mỹ. Trong khi đó có bao nhiêu giáo viên lịch sử Việt Nam chinh phục được học sinh Việt Nam về lịch sử Việt Nam? Chỉ biết rằng kết quả thi đại học môn sử ở Việt Nam năm vừa rồi theo thông báo của Bộ Giáo dục là trên 80% thí sinh bị điểm dưới trung bình. Vì sao kết quả lại thấp đến vậy? Tệ hơn, khi đăng kí môn thi tốt nghiệp 12 tự chọn, có rất nhiều trường, không có lấy một học sinh chọn môn sử.
Càng nghe Dung kể về những điều cuốn hút cháu ở trường, tôi càng thêm buồn. Tôi bắt đầu nhận ra những khẩu hiệu mà trước đây tôi thấy rất hay ở các nhà trường phổ thông Việt Nam đại loại như “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”...Tất cả đều là những khẩu hiệu: vô hồn, sáo rỗng và hình thức. Bởi thực tế người ta có làm theo nội dung những điều đó đâu.
Ở đây, Dung nói về những bữa ăn chung cùng với các thầy cô ở trường, những buổi ngoại khóa đi chơi ở các trang trại, các siêu thị, các nhà máy xí nghiệp, các trường đại học, các viện bảo tàng ở những thành phố trong bang như Kansas, St. Louis, Jefferson với tất cả sự hào hứng, náo nức và say mê. Tôi nhận thấy trong đôi mắt cháu rạng ngời lên khi diễn tả niềm vui: “Mỗi lần được đi như vậy, chúng cháu còn được nhà trường phát 10 đô để ăn uống dọc đường. Cộng với tiền bố mẹ cháu cho, lần nào cháu cũng mua quà lưu niệm về cho mọi người ở nhà”.
Nếu tôi kể những điều này cho đồng nghiệp ở Việt Nam nghe, chắc một số người sẽ cho rằng chúng ta lấy đâu ra tiền như trường học của họ. Tôi đảm bảo rằng hàng chục khoản tiền đóng góp lớn nhỏ trong năm học, cùng với tiền học tăng cường hàng tuần hàng tháng, tiền học thêm buổi thứ hai và tiền học thêm các môn học ở trong trường và ở ngoài nhà trường sẽ thừa đủ cho các em đi thâm nhập thực tế như các trường học ở Mỹ. Chỉ có điều nếu làm như họ, nhà trường lấy đâu tiền cho cán bộ đi chơi nước ngoài, cho giáo viên đi nghỉ mát khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt giáo viên lấy đâu ra khoản tiền thưởng tết năm rằm ba và khoản tiền được nhận hàng tháng không ít hơn số tiền lương nhà nước đã trả. Có thể gọi tình trạng nhộm nhoạm tiền nong trong nhiều nhà trường Việt Nam hiện nay là tham nhũng tập thể hay tham nhũng ngành. Dạng tham nhũng này tương đối an toàn và nó phần nào được công khai hóa.
Ngày đầu mới sang Mỹ Dung luôn đòi về với ông bà để được học ở Việt Nam. Sau hơn một năm thì ngược lại. Cháu rất sợ phải theo bố mẹ về nước học ở Việt Nam. Cháu còn nhờ tôi thuyết phục bố mẹ cháu cho cháu tiếp tục được học ở “ bên này”. Cháu sợ về nước không thi được vào PTTH. Cháu sợ về nước phải đi học thêm. Cháu sợ về nước sẽ không bao giờ còn được đi chơi.
Và một điều tệ hại mà Dung cho tôi biết nữa là đứa em con ông chú của cháu ở Việt Nam có nhờ cháu hướng dẫn làm một bài tập tiếng Anh. Kết quả chấm bài tập đó được cô giáo tiếng Anh người Việt cho 6 điểm. Dung ấm ức lắm. Cháu kiểm tra lại, khẳng định mình hướng dẫn em mình làm hoàn toàn đúng. Cháu còn nhờ cô giáo dạy lớp ngoại ngữ tăng cường của cháu kiểm tra giúp. Cô giáo nói em làm chính xác. Cháu đâu có ngờ, em cháu không đi học thêm ở nhà cô, nên cô chỉ cho 6 điểm thôi. Cháu rất sợ phải học với những thầy cô như vậy.
Bản thân tôi khi còn làm hiệu trưởng ở một trường trung học cũng đã gặp trường hợp phụ huynh đưa cho xem bài kiểm tra toán, những bài toán học sinh có cách giải khác với cách giải của cô giáo. Kết quả điểm cô giáo chấm cho em đó thấp hơn các bạn trong lớp có đi học thêm. Nguy hiểm hơn cô còn bóng gió, cạnh khóe học sinh. Đến nỗi phụ huynh phải đến xin tôi cho con em họ chuyển trường. Thật xấu hổ với họ vì chính họ lại đề nghị tôi không làm to chuyện đó ra để khỏi làm ảnh hưởng tới uy tín thầy cô, uy tín của nhà trường.
Tôi đã khuyên anh chị Cường, Thi: “cứ cho cháu Thảo về, vì cháu còn bé còn có thời gian để kèm cặp thêm. Nhưng không nên cho cháu Dung về học tại Việt Nam. Nếu cháu Dung về nước tôi đưa ra ba khả năng để anh chị lựa chọn. Khả năng thứ nhất, nếu muốn tiếp tục cho Dung theo học đúng độ tuổi thì chỉ có thể học được ở các trường quốc tế theo đúng nghĩa của từ đó. Học ở những trường này một năm theo thời giá hiện thời anh chị phải đóng khoảng 250 triệu đến 300 triệu đồng. Giả sử lương của anh chị lên tới 10 triệu đồng một tháng thì cũng chỉ đủ ăn, anh chị phải tính nguồn thu nhập nào đó để lấy tiền cho Dung học ở loại hình trường này. Khả năng thứ hai cháu phải thi vào một trường THPT bình thường trong thành phố và phải đạt điểm văn, toán, ngoại ngữ ở mức tối thiểu, tức là bình quân ở mức 21 điểm mới hy vọng được vào học. Ở khả năng thứ hai lại có hai hướng. Hướng thứ nhất nếu được vào trường học, muốn xin cho con vào lớp chọn, cháu Dung lại phải qua một kì thi ở trường. Nếu cả ba môn văn, toán ngoại ngữ đều đạt 8, 9, 10 cháu sẽ được vào lớp chọn. Nếu cảm thấy không đạt được điểm 8, 9, 10 mà muốn con vào lớp chọn thì anh chị cứ chuẩn bị khoảng 10 “vé” để đi nói chuyện trước với người ta. Hướng thứ hai, nếu cháu không đủ điểm vào trường học, chỉ thiếu chút ít thôi, anh chị phải chạy, khoảng 20 “vé” để người ta xin thêm chỉ tiêu “nội bộ” vào học ở trường. Khả năng thứ ba anh chị cho cháu thi vào những trường lấy điểm thấp nhất thành phố. Chẳng hạn như xin vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên thì chắc sẽ vào được. Khả năng này cũng có hai hướng. Hướng thứ nhất, anh chị phải bằng lòng để cho con học ở một môi trường đa số học sinh học yếu, lười biếng, nghịch ngợm. Nếu vậy đòi hỏi anh chị phải kiên định, động viên cháu hết sức nỗ lực và tự giác vươn lên để tự khẳng định mình. Hướng thứ hai vào trường rồi, muốn xin vào những trường có danh tiếng, anh chị cứ chuẩn bị khoảng 20 “vé” để lo chạy trường”.
-         Giáo dục của mình bây giờ tiêu cực đến mức độ thế ư – chị Thi hỏi lại tôi.
-         Như vậy đấy các bạn ạ. Ngay cả đến xin chuyển chỗ ngồi cho học sinh trong lớp người ta cũng phải phong bì đấy. Báo chí trong nước đã đề cập nhiều đến vấn đề bổ nhiệm, tuyển dụng công chức và tuyển sinh rất nhức nhối trong xã hội. Người ta nói đến các dạng quan hệ “Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” đang làm méo mó hình ảnh đẹp của xã hội. Và giáo dục của chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Tôi hy vọng rằng anh chị Cường, Thi sẽ có cách để cho Dung được tiếp tục học ở Mỹ. Tôi đã có những trải nghiệm rất đáng buồn không chỉ vì những tiêu cực trong các trường công lập mà chính vì sự méo mó của giáo dục từ căn bệnh thi cử và điểm số. Các cấp giáo dục xếp loại trường theo thứ tự điểm thi văn toán lớp 9 khi tuyển vào lớp 10. Cho nên tôi biết nhiều trường mới học xong học kì 1, đã bỏ một số môn học, chỉ tập trung ôn luyện hai môn văn và toán. Họ còn ép học sinh từ lớp 6 học thêm (thu tiền) bất kể ngày đêm hay ngày nghỉ ngày lễ. Suốt cả năm phải học thêm nhưng tệ hơn là nếu cảm thấy không nhồi nhét được, họ có thể cho tốt nghiệp nhưng bắt gia đình cam kết không được cho con em đi thi để khỏi ảnh hưởng đến thành tích của trường.
Vì vậy có hiện tượng, nhà trường năm học trước bình quân hai môn thi văn toán toàn trường 5 điểm, năm sau nhờ một số thủ thuật nên kết quả thi toàn trường năm sau đạt trên 7 điểm. Đương nhiên là những trường đó được xếp loại tốp trên của thành phố. Rồi được thưởng. Được khen. Được báo cáo điển hình. Vì mục tiêu thi được vào đại học, nhiều trường mới học xong lớp 11 theo quy định năm học, nhưng họ đã dồn bỏ chương trình để học sinh có sổ ghi đầu bài hoàn thành chương trình lớp 12. Và trong năm học lớp 12, họ chỉ ôn luyện những môn đi thi tốt nghiệp và thi đại học nên tại sao điểm thi lại không cao chứ. Điểm cao, thậm chí điểm thi rất cao, nhưng việc làm khôn vặt kiểu đó không thể đào tạo ra những học sinh học giỏi mà chỉ đào tạo ra những học sinh điểm cao què quặt, dối trá.
Trải nghiệm đau lòng và cay đắng nhất  là phải chia tay với một số học sinh Việt Nam theo học ở những nước tiên tiến chuyển về trường tôi học, phải bỏ học vì bị sốc về văn hóa học đường và vì không chịu nổi các loại áp lực của nhà trường Việt Nam. Tiêu biểu trong số những em học sinh đó là em Giáp Vũ Nam Dương. Em là một học sinh gái thông minh, có khả năng về toán học, hội họa và thích viết văn. Điều tôi trân trọng nhất ở em là khả năng tự học qua các sách giáo khoa toán học, khoa học của Anh, Singaporo bằng tiếng Anh. Ở trường tôi, các bài kiểm tra hai môn này em đều được điểm 8, 9 hay 10. Bố mẹ em đều là những trí thức dạy ở những trường đại học lớn của Anh, Singapore và Việt Nam.
Em Dương học ở nước ngoài cho đến hết lớp 6. Về nước, mới đầu em học ở trường công, trường công thứ nhất, trường công thứ hai, rồi trường công thứ ba. Với cả ba trường công, em đều không thể tạo ra được mối quan hệ mới với trường lớp mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Mỗi ngày đi học là em cảm thấy rất nặng nề. Giờ học nào cũng chỉ nghe thầy cô giảng và ghi chép, rồi lại một đống bài tập. Em luôn căng thẳng, căng thẳng đến không thể chịu đựng được. Em còn có cảm giác bị bỏ rơi. Em chỉ mong chóng được về nhà, đóng cửa đi nằm, sống với thế giới riêng tư của mình. Dần dần em xin nghỉ học một tuần một buổi, rồi hai buổi, rồi nghỉ học hẳn. Em muốn bố mẹ dạy em ở nhà, cắt đứt mối quan hệ với ngôi trường thứ nhất, ngôi trường thứ hai, rồi đến ngôi trường thư ba.
Em nói với bố mẹ, thầy cô, bạn bè ở các trường đó đều không thân thiện, không công bằng như ở nước ngoài. Thậm chí dạy tiếng Anh còn dở òm. Bố mẹ em rất lo lắng, xin cho Nam Dương vào học ở trường tôi đang công tác, ngôi trường quốc tế song ngữ với hi vọng môi trường tư thục mới sẽ khiến em thích đến trường. Nhưng học ở trường tôi, em cũng chỉ chịu được hai tháng. Em không chịu đeo khăn quàng đỏ. Em không chịu kí vào tờ cam kết thực hiện an toàn giao thông. Em không chịu kí vào tờ cam kết không sử dụng và tàng trữ ma túy. Em không tham gia vào bất kì cuộc thi nào do ngành giáo dục phát động. Em nói với cô chủ nhiệm em không thích, nên không phải kí hay tham gia những điều em không thích. Em còn xin không  học vài môn học mà em không phải học ở nước ngoài... Nói tóm lại là, em không thích ứng đượcvới môi trường giáo dục Việt Nam.
Dù là trường áp dụng chương trình tiệm cận quốc tế, nhưng trường của chúng tôi vẫn là trường của Việt Nam. Chúng tôi vẫn phải tuân thủ theo chương trình, nội dung giáo dục của Việt Nam. Tôi khuyên bố mẹ em Nam Dương, bố mẹ hai em học sinh học ở Hàn Quốc nên cho các em trở lại ngôi trường cũ ở nước ngoài hoặc xin vào học ở một trường quốc tế theo hoàn toàn khung chương trình quốc tế. Nhưng phần lớn các bậc phụ huynh đều lắc đầu, không có điều kiện kinh tế để theo lời khuyên của tôi.
Tôi mong rằng cháu Dung không phải theo bố mẹ về nước, học ở trong nước. Và nếu phải về nước, Dung sẽ không giống như Nam Dương. Cháu Dung đã nói với tôi “ cháu muốn giống như chị Lê Ngọc Tường Vân”, một học sinh thành phố Huế mới kết thúc khóa học tại  trường THPT Stanton– Florida. Vân vừa được nhận học bổng học Đại học Havart và phải từ chối lời mời của 7 trường đại học danh tiếng khác của Mỹ. Ước mơ của Dung thật chính đáng. Điều quan trọng là cháu rất tự tin vào khả năng của bản thân. Tôi tin cháu sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Theo chỗ tôi biết thành tích học tập hiện tại của Dung còn cao hơn Tường Vân. Nghĩ tới những trải nghiệm đã qua, tôi tự nhủ mình có trách nhiệm tiếp tục thuyết phục anh chị Cường, Thi nên dứt khoát cho Dung ở lại Mỹ.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.