Gặp Huân và các bạn bè của Giang, Vân trong buổi liên hoan Mừng Bảo một tháng tuổi

Leave a Comment
Mới 7h30 Vân đã có điện thoại của ai đó gọi tới. Vân nghe máy và reo lên “Xin mời chú, xin mời, xin mời. Bố chị cũng đang ở đây. Hình như hai bác cháu biết nhau đấy. Chú đến sớm giúp anh chị thì quá tốt”. Vân nói với tôi nhà sắp có khách và đố tôi biết là ai. Tôi phân vân không biết có phải là con bác Vạn hay con bác Mỹ đang tu nghiệp ở bên này, biết tin tôi sang đây nên đến thăm tôi. Không phải vậy, vì qua cách xưng hô thì “ khách” phải ít tuổi hơn Vân và có thể quen  biết tôi. Chẳng lẽ là con cô giáo Cúc? Cũng không phải, vì khoảng thời gian này, hai mẹ con Cúc có lẽ đã bay về Việt Nam rồi.
-      Ba chịu. Không thể đoán được ra ai.
-      Ba quên Huân à. Con cô Mây Trường Tân Triều cũ của ba đó.
Đúng rồi, là Huân. Vậy mà tôi không nghĩ ra. Tôi biết gia đình Huân từ hàng chục năm nay. Mẹ Huân là giáo viên người làng Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Chị xin về trường tôi vào đầu năm học 1992. Tiếng thuộc về Hà Nội, nhưng Yên Mỹ là một miền quê nghèo bên bờ sông Hồng. Nơi đó, tôi có mấy người bạn khá thân. Cách đây 30 năm, khi còn là thành viên Hội đồng Văn hóa, Giáo dục trong Hội đồng nhân dân huyện Thanh Trì, tôi cùng mấy thành viên trong tổ nhiều lần đến kiểm tra và làm việc với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã Yên Mỹ. Mùa nước lũ, chúng tôi phải tròng trành trên những con đò vào trong làng. Thăm bà con và bạn bè, chúng tôi mới biết quanh năm suốt tháng người dân ăn ngô. Anh Quý, Trưởng phòng Tổ chức huyện Thanh trì tâm sự với tôi, dân ở đây “sống ngâm da, chết ngâm xương”, đời sống hết sức khó khăn. Anh Luận, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Mỹ đùa “Cái Mây xin lên được chỗ anh coi như lên trên tỉnh rồi. Hết cái cảnh xắn quần, đi thuyền, lội nước ra trường”.
Cô Mây là giáo viên gương mẫu, có trách nhiệm. Cô có hai con trai. Huân là út. Huân rất có cá tính. Thích học môn toán, môn lí, môn tin, môn sinh. Điểm tổng kết những môn này ở trung học phổ thông đều rất cao. Nhưng Huân có tật, không thích học môn nào là bài vở môn ấy bỏ bễ. Điều đó khiến một số thầy cô không bằng lòng. Bố mẹ Huân đến chơi nhà tôi thường phàn nàn về con trai. Nhất là khi được vào học khoa tin học ở một học viện có danh tiếng. Vậy mà nay Huân đòi nghỉ học, mai Huân lại đòi nghỉ học, với lí do “giáo viên dạy ở trường đại học có vấn đề về kiến thức, con thắc mắc thì lại trù con”. Thế rồi, trong một lần tranh luận với thầy giáo, Huân phải làm kiểm điểm và bị đình chỉ học một năm. Huân không làm kiểm điểm, bỏ đi làm cho một công ti máy tính. Mẹ Huân cứ đến trường là thở ngắn than dài. Nhiều lần tôi đã khuyên “anh chị cứ yên tâm, tôi nghĩ cháu sẽ làm nên chuyện đấy”. Tôi khuyên bố mẹ Huân động viên Huân học thêm ngoại ngữ ở Trung tâm Equest Group và nên sang Mỹ du học.
Nghe lời bố mẹ, Huân học thêm ngoại ngữ ở Equest Group và ở một số trung tâm ngoại ngữ khác trong vòng một năm. Phải thừa nhận Huân là một chàng trai đầy nghị lực. Sự cố gắng và quyết tâm của Huân cuối cùng cũng được đền đáp. Trường Đại học Truman State University đã nhận Huân vào học. Sau 4 năm miệt mài, Huân nhận được tấm bằng cử nhân loại ưu. Vào tháng 8 tới, Huân lại nhận được học bổng Tiến sĩ của Trường Đại học Missouri. Tôi rất vui vì những gì Huân đã đạt được. Vui hơn vì tôi đã đúng, đã không lầm khi nhận xét về con người Huân khi mà tất cả giáo viên ở Trường Tân Triều cho rằng Huân sai lầm khi “gây sự”với các thầy cô ở trường đại học.
Nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở cửa. Đúng là Huân. Tôi reo lên:
-      Thật không thể ngờ lại được gặp cháu ở đây. Bác chúc mừng cháu. Chúc mừng cho cả ba mẹ cháu.
-      Cháu cảm ơn bác, xin cảm ơn bác rất nhiều.
Hai bác cháu hàn huyên biết bao nhiêu chuyện. Kỉ niệm vui nhất mà Huân nói với tôi là đã mất rất nhiều thời gian để giúp mẹ soạn giáo án trên Power Point, giúp mẹ tìm biết bao hình ảnh và đoạn phim liên quan đến bộ môn sinh học để đưa vào bài giảng. Thậm chí Huân dành thời gian hàng tháng đọc lại sách giáo khoa sinh 6, sinh 7, sinh 8, sinh 9; lục tìm trong Youtube, trong các loại từ điển tự nhiên, các loại từ điển hình ảnh trực tuyến, trong các trang mạng giáo dục những tài liệu sống động minh họa cho bài giảng của mẹ. Sang Mỹ, Huân được học những gì mình thích, mình mong muốn. Cháu được phát triển khả năng vốn có của mình. Cháu được trao đổi, được khuyến khích phản bác, được nêu ra ý kiến riêng, được động viên, được tôn trọng.
-      Cháu đã thất bại ở trường đại học Việt Nam, Huân nhấn mạnh, nói chính xác là cháu bị đuổi ra khỏi trường đại học. Đến bây giờ, cháu vẫn khẳng định cháu không có lỗi gì. Cháu không đáng bị đối xử như một kẻ mất dạy. Dù sao thì cháu vẫn cảm ơn họ, vì họ đã đuổi cháu nên cháu phải cố gắng để “bị” sang bên này.
Cả hai bác cháu cùng phá lên cười. Tôi đùa thêm:
-      Còn “bị” đi ô tô nữa chứ.
-      Bốn năm làm thêm cháu dành dụm đủ tiền mua ô tô. Cháu cũng không nhận tiền của bố mẹ cháu cho cháu. Giai đoạn khó khăn nhất của cháu đã qua rồi. Bây giờ cháu bước sang một giai đoạn mới. Cháu tin rằng mình sẽ thành công trong môi trường giáo dục Hoa Kỳ, môi trường mà các giáo sư đáng kính nhiều lần nói trước lớp “Trong lĩnh vực tin học và một số lĩnh vực đặc thù, những điều hôm nay chúng tôi nói, có thể ngày mai sẽ không còn đúng nữa. Thậm chí điều mà chúng tôi đang giảng giải, nó đã sai rồi. Nhiệm vụ của các bạn là phải phát hiện ra để tiếp tục đi tới chân lí”.
-      Ý cháu muốn nói, nó không giống như ở Việt Nam, là các sinh viên phải nhất nhất ghi nhớ và ghi chép tất cả những gì thầy nói, trừ cái hắt hơi sổ mũi của thầy ở trên lớp. Và sinh viên cũng luôn luôn phải ghi nhớ câu châm ngôn hãy làm theo những điều thầy nói, không làm theo những điều thầy làm.
Cả hai bác cháu lại phá lên cười. Mấy tuần vừa rồi, Huân ở California, đi thăm Hollywood, đi thăm Walt Disney. Huân chia sẻ với tôi:
-      Hollywood thì cả thế giới ai cũng biết. Còn Walt Disney thì người nước ngoài thường tưởng tượng đó là một hãng phim hoạt hình, nổi tiếng nhất là phim Chuột Mickey. Chỉ khi đến California, vào thăm Disneyland, tìm hiểu về cuộc đời huyền thoại của Walt Disney mới hiểu Walt Disney là người sáng lập và cũng là tên gọi một tập đoàn công nghiệp kinh doanh giải trí đa lĩnh vực, từ công viên giải trí, khu du lịch, phim ảnh, chương trình truyền hình đến kinh doanh các nhà hàng, sản xuất các nhân vật, trò chơi, video, âm nhạc, mua sắm. Công ti Walt Disney không chỉ có mặt và phát triển ở California, ở các bang của Mỹ mà còn có mặt và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Hàng năm, riêng ở các khu vực công viên giải trí, công ti đã thu hút hàng trăm triệu lượt người tới tham quan với doanh thu lên tới 36 tỉ đô la. Có trực tiếp thâm nhập vào một vài lĩnh vực của Walt Disney, mới thấy người ta gọi nó là một đế chế quả thật không ngoa.
-      Nghe cháu nói, mấy tuần nữa bác đến California, thế nào cũng đến thăm công viên Disneyland xem sao.
-      Vội mấy bác cũng nên bỏ ra một ngày để khám phá thế giới kì diệu ở đó đấy.
Huân mời tôi đi chơi siêu thị, nhân tiện mua một vài thứ cho Vân buổi chiều nay. Trên đường đi, Huân tiếp tục chia sẻ với tôi về mạng edX, một mạng học tập trực tuyến mà Huân đang tham gia vào một khóa học. EdX là một mạng học tập trực tuyến phi lợi nhuận. Có thể nói edX bắt đầu một cuộc cách mạng giáo dục đại học chưa từng có ở Mỹ. Nó đưa lên mạng những sản phẩm giáo dục đại học tốt nhất cho sinh viên Mỹ và sinh viên trên toàn thế giới. Nó cung cấp những khóa học trực tuyến mở (MOOCs) và các lớp học tương tác trực tuyến trong các môn học như pháp luật, lịch sử , khoa học, kĩ thuật, quản trị kinh doanh, khoa học xã hội, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, y tế cộng đồng.
Huân đưa cho tôi xem bài viết gửi Báo Đài tiếng nói Việt Nam với tựa đề: EdX, học tập trực tuyến và những suy nghĩ về những xu hướng thời đại. Toàn văn bài viết của Huân như sau:
“Các lớp học trực tuyến mang lại những cơ hội ngàn năm có một cho sinh viên, đặc biệt là những bạn sinh viên nghèo hay không có điều kiện học tập, vì nó cung cấp một nền giáo dục chất lượng tốt nhất và hoàn toàn miễn phí.
EdX (tiền thân là MITx) nói riêng hay giáo dục trực tuyến nói chung, bước ngoặt trong giáo dục, đang trở thành xu thế của thời đại. Nhưng đồng thời giáo dục trực tuyến cũng là thách thức không nhỏ cho thế hệ trẻ Việt Nam, khi lớp trẻ của chúng ta vẫn còn đang chập chững những bước đầu tiên trên con đường hòa nhập với sự vận động của toàn cầu.
     EdX là gì?
EdX là một dự án phi lợi nhuận của MIT và Harvard nhằm mang đến các khóa học trình độ đại học một cách miễn phí cho bất cứ ai trên trái đất. Được bắt nguồn từ MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), edX có tất cả những điều mà trước kia là ước mơ của rất nhiều người: Các khóa học chất lượng cao được giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu ở các trường đại học danh tiếng, khả năng học ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ thời gian nào, mà không mất tiền!
EdX có gì?
Khóa học đầu tiên của MITx, 6002x - Điện tử và mạch điện, tương đương với khóa 6002 đang được dạy ở MIT, là khóa được gắn mác “thử nghiệm.” Là một khóa học “thử nghiệm” làm hình mẫu cho các khóa học khác, nếu là một sinh viên ham thích điện tử, bạn có mọi lý do để tham gia. Giảng viên chính của khóa, Giáo sư Anant Agarwal - trưởng phòng thí nghiệm Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo của MIT, là một người nổi tiếng về tài năng, sự nghiệp và phong cách. Ngoài ra 6002x, ngoài việc miễn phí tiền học, còn hứa cấp chứng chỉ miễn phí cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, không ai mất gì để thử cả.
Việc dạy và học ban đầu chủ yếu nhờ vào các video trực tuyến, bài tập về nhà và bài tập thực hành bằng các công cụ mô phỏng. Nếu mới nghe, đây có thể là một ý tưởng không hề mới, nhưng thành công của 6002x đã minh chứng rằng phương cách thực hiện cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng.
Ai tham gia edX?
Vì bất cứ ai muốn học đều có thể tham gia, nên edX không chỉ là sân chơi của sinh viên Hoa Kỳ, mà nó còn là nơi lý tưởng cho những sinh viên ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam và ngay cả Trung Quốc khi nó lấp được một phần rất lớn khoảng cách về giáo dục, cả về chất và lượng mà sinh viên sẽ được hưởng. Đối với sinh viên Việt Nam, những vấn đề như cung không đủ cầu và sự đổi mới, cập nhật và sự công bằng trong giáo dục, đôi khi vẫn là một điều nan giải và được bàn tán ở nhiều nơi. EdX với sức chứa gần như là vô hạn của mình, khả năng cập nhật liên tục và các khóa học được thiết kế bởi các giáo sư hàng đầu thế giới, sẽ là nơi lý tưởng cho những bạn sinh viên cầu tiến.
Không chỉ thế, edX là cơ hội cho những người tật nguyền không có điều kiện tham gia vào một lớp học truyền thống có cơ hội học tập, vì việc đến lớp đơn giản là dành thời gian ngồi cạnh máy tính. Những người khiếm thính hay có vấn đề về nghe hiểu như sinh viên nước ngoài (có thể bao gồm một số đông sinh viên Việt Nam) cũng sẽ có cơ hội học tập vì mỗi video đều có phụ đề nếu không theo dõi được tiếng Anh. Mỗi video đều tua nhanh chậm được từ nhanh bằng một nửa cho đến nhanh gấp rưỡi, cho nên thay vì cả lớp phải theo một tốc độ, ai có khả năng theo tốc độ nào thì có thể học theo tốc độ đó. Những em học sinh cấp 2, cấp 3 hay những người đã có gia đình đều có thể học được, việc học không còn là điều gò bó bắt buộc phải theo thời gian và lịch biểu xác định nữa - nếu bạn thật sự muốn học và phải đi làm cả ngày, bạn có thể học lúc 3 giờ sáng!
Hơn nữa, những người bị hạn chế bởi không gian, thời gian, tài chính đều có thể tham gia học trực tuyến trên edX, vì chỉ cần dành một số lượng thời gian một tuần bất kể ở đâu khi nào là đều có thể theo học được. Lớp học miễn phí kiến thức (theo như lời giáo sư Agarwal, họ chỉ thu phí khi phát chứng chỉ trong tương lai) cho nên miễn là bạn có ý chí, bạn sẽ có kiến thức.
Theo như số liệu mà edX công bố, có 120 000 người đăng ký tham gia lớp học 6002x thử nghiệm. Đây là con số khổng lồ chưa từng thấy ở bất cứ một lớp học truyền thống hay trực tuyến nào.
Học trên edX như thế nào?
Để tránh bài viết trở thành một bài tường thuật lại giao diện của edX, tác giả khuyến khích bạn đọc tự tìm hiểu thêm edX bằng cách đăng ký học khóa 6002x. Với khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, tôi chỉ xin được chỉ ra những điểm chung cho edX để dẫn nhập cho những phần sau.
     Khóa học của edX khi đăng nhập có những phần chính sau: Courseware (học liệu), thông tin chung của khóa học, sách, thảo luận, wiki và thông tin cá nhân. Phần Courseware là trọng tâm bao gồm bài giảng, bài tập trên lớp, bài về nhà và bài thực hành. Mỗi tuần có hai bài giảng, mỗi bài giảng bao gồm nhiều đoạn video Youtube ngắn (5-10 đoạn), mỗi đoạn khoảng 5-10 phút, do giáo sư hướng dẫn vẽ bằng tay trên một bảng điện tử đồng thời giải thích như học trên lớp, có kèm phụ đề. Các đoạn video này được ghi trước và hoàn toàn không có sự tương tác của học viên. Bài tập “trên lớp” là các bài tập nhỏ nhằm củng cố kiến thức khi học, được đan xen với các đoạn video Youtube. Mỗi tuần đều có bài tập về nhà, có khoảng 4 tới 5 câu hỏi, mỗi câu hỏi thường là câu hỏi về số và công thức tính toán vào các ô nhỏ, học viên có thể thử điền đáp số bao nhiêu lần tùy thích cho đến khi trả lời đúng thì thôi. Ngoài ra mỗi tuần còn có một bài tập thực hành, học viên thực hiện bằng chương trình giả lập mạch điện. Cũng như trên học viên có thể làm cho đến khi nào ra được kết quả như mong đợi thì thôi.
Phần sách, là nội dung cuốn sách đi kèm với khóa học. Thảo luận như một diễn đàn điện tử cho phép học viên trao đổi với nhau về bài tập và khóa học dưới sự giám sát của các trợ giảng. Wiki cho phép các sinh viên tín cẩn và trợ giảng sửa, nội dung là các thủ thuật, bài ôn luyện, các trang web tham khảo có ích cho khóa học… Phần thông tin cá nhân cho phép học viên xem điểm và các thông tin cá nhân khác của mình.
Việc học không hề nhẹ nhàng: Tuy được coi là một khóa dành cho sinh viên năm thứ nhất, mỗi tuần với sức học như của tôi (có bằng khoa học máy tính ở một trường công Hoa Kỳ), thì tôi phải dành ít nhất 12 giờ để theo dõi video và làm bài tập khóa 6002x. Tôi thường học từ trưa ngày Chủ nhật cho đến nửa đêm khuya.
Một lớp học trực tuyến hiệu quả
Một trong những vấn đề mà edX giải được một cách trọn vẹn là sức chứa. Nếu như ở môi trường vật lý, một lớp học ở Hoa Kỳ thông thường chỉ chứa khoảng 20 - 25 sinh viên (ví dụ, theo công bố năm 2009* thì số lượng các lớp có trên 50 sinh viên của đại học Carnegie Mellon, một trong những đại học danh tiếng hàng đầu Hoa Kỳ về công nghệ và khoa học máy tính, chỉ khoảng 11%, con số này với chính MIT là 13%). Lý do, như chúng ta đoán được, là chất lượng lớp học sẽ khó tránh khỏi việc đi xuống khi con số sinh viên đi lên. Con số 120000 người một lớp mà vẫn đảm bảo cho sinh viên học tập hiệu quả, là một điều tuyệt diệu - ngay cả khi có rất nhiều người bỏ dở không học thì con số còn lại cũng rất đáng nể.
Vậy đâu là những điểm nhấn của edX để họ có được những thành công trên quy mô vô cùng lớn như vậy?
Tôi nghĩ điều quan trọng thứ nhất mà edX nhận ra, một là nội dung bài giảng là việc có thể mang  đến cho nhiều người và không cần tương tác từ học viên. Chúng ta từ trước đến nay thật ra vẫn làm như vậy: Giáo viên lên lớp để giảng bài, nếu như giáo sư giảng 3 lớp, mỗi năm với nội dung như nhau, thì tại sao không làm một lần cho thật tốt rồi để cho mỗi học viên xem khi nào họ có thời gian? Điều này còn có lợi hơn việc học trên lớp ở chỗ, thay vì bắt buộc phải lên lớp nghe giảng những điều mình đã biết, những học viên đã biết một phần kiến thức có thể bỏ qua một đoạn hoặc tua nhanh nếu cảm thấy chán. Như vậy vừa tiết kiệm được công sức của giáo sư, vừa làm cho học viên cảm thấy thoải mái. Các bài giảng đều có bài tập ở giữa tiết học làm cho học viên động não và kiểm tra lại kiến thức mình đã thu nhận sau khi tiếp nhận từng phần, điều này làm cho học viên tránh được sự nhàm chán khi phải nghe giáo sư giảng thao thao bất tuyệt trong vòng hơn một giờ (mặc dù Giáo sư Agarwal giảng không hề chán!) Ngoài ra, các giáo viên cũng tiết kiệm được thời gian và công sức cho những việc khác thay vì phải lặp lại bài giảng ở mỗi lớp mỗi năm.
Điều quan trọng thứ hai là bài tập về nhà và bài tập thực hành. Bài tập về nhà và bài tập thực hành được chấm điểm tự động và việc chấm điểm tự động cho 20 người hay 120 000 người đều đơn giản với công nghệ chúng ta có trong tay hiện nay. Nếu như ở lớp học thông thường, một sinh viên lười nhác có thể hỏi bài tập về nhà của bạn mình hay quay cóp từ đáp án thì với khoá 6002x, bài tập mỗi người được giao một một con số khác nhau, và thường là đủ rắc rối để một người không chịu tự động não và thật sự hiểu vấn đề không quay cóp được bài từ bạn mình. Một điểm quan trọng khác là những bài tập ở 6002x đều là những bài tập khó, thậm chí rất khó, tuyệt đối không có câu hỏi lý thuyết lấy từ trong sách ra. Những bài tập này có điểm thú vị ở chỗ nó không gây sức ép cho sinh viên muốn được điểm tốt thì phải trả lời đúng câu hỏi ngay lần đầu. Trên thực tế, ở cuối mỗi câu hỏi cho bài tập về nhà đều có nút “Check” (Kiểm tra đáp số) xem kết quả bài tập có khớp với đáp số không. Nếu khớp, bạn có một dấu kiểm màu xanh và được điểm cho câu hỏi, và nếu không khớp, bạn có dấu chéo đỏ và được phép làm lại và thử bao nhiêu lần tùy thích cho đến khi đúng và được điểm cao thì thôi.
     Theo tôi đây không chỉ là một phương pháp giảng dạy nhân bản và cực kỳ hiệu quả. Phương pháp này nhân bản bởi vì nó đảm bảo rằng nếu học viên học hành chăm chỉ thì chắc chắn được điểm tốt, không như lớp học thông thường, chăm chỉ và cẩn thận nhưng nếu chẳng may hiểu sai, tính sai, không ra kết quả đúng thì vấn bị điểm kém. Phương pháp này hiệu quả vì khi học viên không ra kết quả đúng vì hiểu sai kiến thức thì họ có cơ hội tìm tòi xem mình đã sai chỗ nào và sửa lại cho đúng. Con người vốn học rất tốt từ sai lầm và biết rút kinh nghiệm. So với việc học thông thường là học viên nộp bài tập về nhà và nhận kết quả, tức là hoặc là làm đúng, hoặc là làm sai và giáo viên chỉ cho cách làm đúng (và nhận điểm kém), thì cách “thử cho tới khi đúng” và nhận điểm tốt tỏ ra là một cách học rất tích cực. Việc chỉ nói “đúng” hoặc “không” này rất ưu việt so với phương pháp học bình thường là so đáp số chính xác từ sách. Với phương pháp bình thường nếu sách không cho đáp số thì bạn không biết là mình đúng hay sai, còn nếu cho đáp số thì bạn có thể sẽ đoán được cách làm để dẫn đến đáp số đó, từ đó việc học được qua lỗi của mình rất khó. Còn rất nhiều những điều khác của edX làm cho việc học hiệu quả, như diễn đàn thảo luận về bài tập, wiki mà tôi không có thời gian trình bày ở bài viết này. Nhưng hy vọng với ba điểm nhấn trên tôi nghĩ rằng bạn đọc có thể có được những cảm nhận đầu tiên về mô hình học tân tiến này và vì sao nó xứng đáng là mô hình của thế kỷ mới.
Thành công của edX và những suy nghĩ
EdX được coi là một hiện tượng. Không chỉ được coi là một bước ngoặt và được những tờ báo, những tạp chí có uy tín như New York Times, hay Chronicle of Higher Education coi là một bước đột phá trong giáo dục và là thách thức của nền giáo dục truyền thống, edX còn được vô số những lời ca tụng từ ngay chính các học viên, đến nỗi MIT còn làm cả một tấm bản đồ lớn có video và cảm nghĩ từ các sinh viên ở khắp nơi trên thế giới nói về khóa học 6002x **.
Là một người quan tâm tới giáo dục, được trải nghiệm cả hai nền giáo dục đại học ở Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi có may mắn có chút hiểu biết về nội dung khóa học để tham gia lớp học này. Sau tuần thứ tám tham gia lớp học và tham khảo ý kiến của các nhà giáo dục, cũng như tự mình đánh giá kiến thức và độ hiệu quả của lớp học, tôi tin rằng edX là một hình mẫu để học tập, cả cho sinh viên và các nhà làm giáo dục ở Việt Nam. Với sinh viên, việc bơi ra biển lớn hòa nhập với thế giới trong nền kinh tế tri thức toàn cầu là một điều cần làm. Với các nhà làm giáo dục, việc suy tính làm sao để áp dụng và triển khai những mô hình tương tự như edX cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam để góp phần giải bài toán giáo dục là một điểm đáng lưu ý.
Việc tiếp cận được kiến thức ngày càng dễ dàng là một thách thức vô cùng lớn. Nó sẽ làm cho việc lý giải cho việc thiếu kiến thức khó khăn hơn, vì bạn khó có thể đổ lỗi cho điều kiện giáo dục được nữa. Điều này không có nghĩa là trước kia việc lý giải việc thiếu kiến thức hay kỹ năng do nền giáo dục trước kia là chấp nhận được, nhưng điều chắc chắn là việc đổ lỗi do điều kiện giáo dục sẽ càng ngày càng là một lý do khó nghe hơn cho những bạn trẻ đi tìm việc. Hơn nữa, không ai dậm chân tại chỗ cả, cho nên những kiến thức miễn phí như thế sẽ làm cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Về mặt vi mô, khi đi xin việc hay đi học, bạn sẽ được ít ưu ái và thông cảm hơn với hoàn cảnh của mình so với những người có điều kiện học tập hơn mình đặc biệt với những bạn ở các nước phát triển hơn. Về mặt vĩ mô, không có lý do gì mà Intel sẽ đặt tiếp một nhà máy ở Việt Nam thay vì ở Trung Quốc hay Thái Lan; cũng như không có lý do gì Microsoft sẽ mở chi nhánh ở Việt Nam thay vì Trung Quốc hay Ấn Độ nếu họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm sinh viên giỏi ở đất nước ta.
Việc chúng ta đang bị tụt hậu so với bạn bè ngay cả trong thời điểm hiện tại không còn là nguy cơ nữa mà là thực tế - thực tế là sinh viên các nước đang phát triển đang theo học edX rất đông. Theo như những gì tôi thấy một số lượng vô cùng lớn các học viên đang theo học 6002x là các sinh viên từ Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí có rất nhiều sinh viên Indonesia. Có lẽ họ đã nhận ra những điểm yếu của họ và đang cố gắng khắc phục những điểm yếu này.
Trong khi Việt Nam có hàng triệu thí sinh mỗi năm thi vào các trường đại học, với các trường danh tiếng như Bách Khoa, Khoa học tự nhiên thì chỉ một phần rất nhỏ có diễm phúc được vào các trường này. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam rất ham học. Điều đó cũng cho thấy rằng ở nước ta, cầu vượt quá cung rất nhiều. Thế nhưng điều đáng cảnh tỉnh ở đây là theo như quan sát của tôi có rất ít sinh viên Việt Nam theo học những khóa học này. Tại sao vậy? Liệu có phải tại vì sinh viên Việt Nam chưa đủ can đảm để bơi ra biển lớn, do rào cản về ngôn ngữ, văn hóa? Bây giờ khi ngôn ngữ đã được dịch ra phụ đề, thì đâu là lý do để lớp trẻ Việt Nam chưa chịu học? Phải chăng ta đang ngủ quên trên lịch sử bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa của cha ông?
Nếu là do chúng ta đang ngủ quên thì có lẽ đây là thời điểm phải hành động. Đó là trách nhiệm của từng sinh viên, từng cá nhân trẻ tuổi cố gắng. Đó cũng là trách nhiệm của những nhà giáo dục, những nhà hoạch định chiến lược để khơi ngọn lửa học tập cho thế hệ tương lai. Thế hệ trước đã có lời kêu gọi dậy mà đi là để kêu gọi đi chiến đấu cho đất nước thống nhất, hòa bình. Ngày nay, một lời kêu gọi dậy mà đi cũng rất cần thiết - nhưng lần này là các sinh viên đi học tập củng cố kiến thức cho kịp thời đại để xây dựng nước Việt trí tuệ, thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Xem xong bài viết của Huân, tôi thực sự cảm động. Huân lớn hơn nhiều so với tôi nghĩ cách đây ít phút. Điều gì đã biến một thanh niên bị nhà trường Việt Nam chối bỏ thành một thanh niên đầy khát vọng cao đẹp và cũng đầy trách nhiệm với đất nước ở trên cái mảnh đất xa lạ này? Tôi tin rằng Huân sẽ thành công. Tôi cũng tin rằng Huân sẽ trở thành một trí thức chân chính trong tương lai. Và tôi cũng không khỏi ngậm ngùi cho biết bao thanh niên như Huân, không được may mắn như Huân.
Buổi chiều, vợ chồng Giang theo phong tục Việt Nam tổ chức buổi liên hoan mừng bé Bảo tròn tháng. Hai vợ chồng mời gần 50 sinh viên Việt Nam, chủ yếu đang theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau tiến sĩ ở Đại học Missouri. Anh chị Cường, Thi giúp vợ chồng Giang chuẩn bị xôi, chè, bánh trái từ tối hôm trước. Giang đặt thịt bò, thịt gà, thịt lợn sống nhờ bạn mang từ cửa hàng về. Tôi còn đang băn khoăn không biết Vân, Giang mượn bát đĩa ở đâu thì một anh bạn của Giang mang tới hàng chồng bát đĩa, đũa thìa và các vật dụng đều bằng giấy, dùng xong là vứt bỏ. Thì ra ở Mỹ người ta làm rất nhiều các đồ vật bằng giấy chỉ để dùng một lần như tã lót, yếm dãi, khăn mặt, khăn tay, khăn trải bàn, chai lọ đựng nước và các loại cốc uống nước. Tất cả đều tiện dụng và sạch sẽ.
Bữa ăn diễn ra ở một khu vực thoáng rộng, bao bọc bởi một cánh rừng với những cây cổ thụ xanh mướt. Trong khoảng sân ăn tập thể của kí túc xá Student Village, ánh nắng vàng thấp thoáng ẩn hiện trên gương mặt tươi vui của những con người đang đi lại. Gió thổi mát rượi. Khu vực ăn có sẵn hai chiếc bếp nướng hình tròn để ngoài trời. Đường kính mỗi chiếc bếp nướng khoảng nửa mét. Bếp có hai tầng, ngăn bằng các thanh thép không rỉ. Tầng dưới để than sạch, đốt cháy hồng rực. Tầng trên đặt tấm giấy bạc xuống rồi để thịt gà, thịt bò, thịt lợn nướng xuống. Thịt chín xèo xèo, thơm lừng đặc trưng đồ nướng. Người rượu bia, người nước ngọt, vừa ăn uống vừa trò chuyện râm ran. Và dĩ nhiên trung tâm vẫn là cháu Bảo. Mọi người xúm lại, chuyền tay nhau bế Bảo trìu mến.
Từ 4 giờ đến 6 giờ cuộc vui vẫn chưa vãn. Bữa ăn xa xứ dường như muốn kéo dài để lấp đi những khoảng trống trải của mỗi người. Có sinh viên quê ở Lạng Sơn. Có sinh viên quê ở Bắc Giang. Có sinh viên quê ở Bắc Ninh. Có sinh viên quê ở Hải Phòng. Có sinh viên quê ở Hà Nội, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Phần đông sinh viên quê ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành Phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều hòa quyện, cởi mở và thân tình. Nó gợi cho người ta cái cảm giác sao đầm ấm, sao vui vẻ đến vậy. Và tôi cũng hoàn toàn yên tâm vì ở phương trời cách xa ngàn trùng này, các con tôi có nhiều bạn bè, họ hết lòng giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi được biết, đến năm học này vừa tròn 70 sinh viên Việt theo học ở Trường Đại học Missouri. Chỉ với một trường thôi mà tôi đã thấy một số lượng sinh viên thật đông đảo và thật ấn tượng. Người ta đã xếp Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có số lượng du học sinh lớn nhất thế giới quả không sai. Có lẽ thời đại toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài như một dòng thác lớn, góp phần đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào mọi mặt của đời sống quốc tế.
Quá trình toàn cầu hóa có thể nói được khởi động từ những phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV, khi các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tìm ra những con đường vòng quanh thế giới và phát hiện ra lục địa mới ở Tây bán cầu. Những chuyến thuyền buôn nối liền các lục địa cùng những cuộc chiến tranh cướp đoạt thuộc địa của các nước thực dân dần dần đưa thế giới vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Quy luật của nền kinh tế thị trường là động lực xã hội mạnh mẽ đã nhân lên sức mạnh của thực dân phương Tây và tạo ra cuộc đồng hóa cưỡng bức các nước Á, Phi, Mỹ La tinh. Và từ đó, các quốc gia lạc hậu phương Đông đã bước vào vòng xoáy của quá trình toàn cầu hóa diễn ra cho tới tận ngày nay. Người ta thường nói tới cụm từ “toàn cầu hóa”, vậy toàn cầu hóa là cái gì? Con người ta phải sống như thế nào trong thế giới toàn cầu hóa? Và liên quan chặt chẽ tới toàn cầu hóa là vấn đề giáo dục, vốn là lĩnh vực của từng quốc gia, sẽ như thế nào trong thế giới toàn cầu hóa?
 Hiện nay có nhiều cách hiểu về toàn cầu hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nghĩ mình cũng có quyền được đưa ra một định nghĩa. Toàn cầu hóa là xu hướng phát triển tất yếu của quá trình phát triển kinh tế thị trường, là quá trình thống nhất thị trường, là quá trình phổ biến các giá trị chung trên quy mô toàn cầu trong đó có văn hóa, khoa học và giáo dục. Toàn cầu hóa giáo dục là xu hướng giáo dục vượt khỏi biên giới quốc gia, vươn tới cấp độ toàn cầu và có sự tác động qua lại giữa các nền giáo dục của các quốc gia theo những chuẩn mực chung. Câu hỏi đặt ra  là con người ta sẽ phải sống như thế nào trong thế giới toàn cầu hoá, một thế giới đầy biến động và rủi ro? Tôi cho rằng tìm hiểu rõ vấn đề giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa thì sẽ tìm thấy một phần câu trả lời trên.
Toàn cầu hóa về kinh tế kéo theo toàn cầu hóa nhiều mặt khác của đời sống xã hội con người, trong đó có giáo dục. Trong lịch sử giáo dục thế giới, có lẽ chưa bao giờ có nhiều học sinh đi du học như hiện nay. Hàng năm, Trung Quốc có tới 350.000 học sinh du học tại các trường trung học, cao đẳng và đại học ở nước ngoài. Tính đến năm 2013, số học sinh Trung Quốc đang theo học tại nước ngoài là 1,5 triệu học sinh, sinh viên. Theo tính toán của các nhà giáo dục Trung Quốc, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chẳng bao lâu sau con số này sẽ lên tới 1,7 triệu. Số tiền mà người Trung Quốc chi trả cho con em học ở các nước tiên tiến trong năm 2013 ước chừng lên tới hơn 100 tỉ đô la. Tức là xấp xỉ bằng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong một năm.
Tiếp theo Trung Quốc là Ấn Độ, số học sinh, sinh viên theo học tại nước ngoài lên tới gần một triệu. Nhât Bản, Hàn Quốc, Inđônêxia đều có tới trên 100.000 học sinh, sinh viên học ở nước ngoài. Riêng theo học tại Mỹ, Trung Quốc có trên 235.000. Ấn Độ xấp xỉ 113.000. Hàn Quốc khoảng 95.000. Ngay cả các nước tiên tiến hàng đầu thế giới, số du học sinh ra nước ngoài học tính đến thời điểm này cũng không phải là ít. Mỹ có 260.327 sinh viên học ở nước ngoài. Đức: 102.000. Anh: 23.000. Pháp: 22.000… Ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất, có khoảng trên 110.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại nước ngoài. Con số thống kê sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài, từ cao tới thấp, chỉ tính đến đơn vị nghìn như sau: Úc 30.000, Nhật 25.000, Mỹ 16.500, Trung Quốc 12.500, Xingapo 7.500, Anh 7.000, Pháp 6000, Nga 4.500, Đức 4200, Canada 3000, Niu Dilân 2000…
Trong tương lai, số sinh viên theo học ở nước ngoài chắc chắn sẽ còn tăng lên rất nhiều. Hiện nay, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc, các nước Bắc Âu, Xingapo, Arập Xêút, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có chương trình, kế hoạch thu hút thêm hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên các nước tới học tại đất nước mình. Chẳng hạn  Arập Xêút sẽ chi khoảng 15 tỉ đô la để xây dựng các trường đại học quốc tế với tham vọng thu hút hàng trăm ngàn sinh viên hồi giáo khắp thế giới đến học. Trung Quốc chi 10 tỉ  đô la để xây dựng 9 trường đẳng cấp quốc tế nhằm tương xứng với vị thế kinh tế thứ hai trên trường quốc tế. Hàn Quốc trong 5 năm tới sẽ chi hàng tỉ USD để nâng cấp xây dựng 30 trường đại học quốc tế. Hàn Quốc hy vọng trở thành điểm đến hàng đầu của học sinh, sinh viên Đông Nam Á, thu hút hàng ngàn sinh viên đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Mỹ. Tham vọng của Hàn Quốc là sẽ vượt Xingapo, Malaixia, Hồng Kông trong việc thu hút sinh viên đến.
Nhìn chung là học sinh, sinh viên du học thường đến từ các nước đang phát triển tới các nước phát triển, các nước phát triển đến với các nước phát triển, hoăc các nước có nền kinh tế lớn. Trong một thế giới phân cực giàu nghèo thành những trung tâm và ngoại biên, các trung tâm thường tăng trưởng mạnh hơn và áp đảo hơn, khiến các vùng ngoại biên ngày càng bị cách ly khỏi nhịp điệu của sự phát triển xã hội. Tình trạng kinh tế trên cũng hoàn toàn đúng với tình trạng giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Ở các nước phát triển, giáo dục đại học rất phát triển. Số học sinh học hết phổ thông theo học bậc đại học lên tới trên 80%. Trong khi đó, một số nước đang phát triển, số học sinh được theo học đại học chưa tới 10%. Về chất lượng giáo dục đại học thì càng chênh lệch. Các tổ chức trên thế giới căn cứ vào các tiêu chí riêng xếp loại các trường đại học khắp các quốc gia, châu lục trong top 10, top 100, top 1000… và các quốc gia mặc nhiên công nhận điều đó. Giá trị của thị trường đã đứng trong giáo dục. Nó là hàng hóa công, dịch vụ công. Người sử dụng dịch vụ phải đầu tư chi phí. Chi phí càng cao sản phẩm càng có chất lượng.
Trên thế giới ngày càng có nhiều người coi giáo dục đại học là sản phẩm thương mại giống như các hàng hóa khác trên thị trường. Việc thương mại hóa giáo dục đại học giờ đây đã lan tỏa khắp toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang xem xét một loạt các đề nghị về việc ra các qui định coi giáo dục đại học như một lĩnh vực thương mại, nhằm đảm bảo cho việc xuất nhập khẩu đại học. Liệu các quốc gia như Việt Nam chúng ta có chống lại được không? Vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vẫn cứ đang tìm tòi mọi hình thức thi cử để loại rất nhiều học sinh có nguyện vọng vào học đại học và cao đẳng.
Phụ huynh học sinh có tiền trong thời đại số hóa chắc chắn sẽ tìm được lối thoát cho con em mình. Họ cho con em đến với các trường đại học ở nước ngoài. Thực tế con em họ đã tìm được chỗ đứng, chỗ đứng vững chắc ở các trường đại học có uy tín. Bản thân các quan chức giáo dục ở Việt nam cũng tìm mọi cách, mọi nguồn cho con em học ở nước ngoài. Rõ ràng đất nước mất ngoại tệ và cũng mất luôn nhiều nhân lực chất lượng cao. Không thể trách học sinh, sinh viên không quay trở về đất nước làm việc, vì chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, bất chấp Luật Giáo dục, nhân danh nhà nước đã loại bỏ họ ra khỏi con đường tìm kiếm tri thức ở bậc học đại học. Suy cho cùng chỉ khổ con nhà nghèo, vì trong quá trình học phổ thông các em đã không biết cách thu nạp vào bộ nhớ những kiến thức để trở thành các nhà toán học, nhà văn, nhà vật lí, nhà hóa học, nhà sinh học trong tương lai nên không đạt đủ điểm vào đại học.
Trong khi Đảng và nhà nước đang kêu gọi xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời thì Bộ Giáo dục và đào tạo lại ngang nhiên chối bỏ hàng vạn sinh viên muốn vào đại học và cao đẳng học hàng năm bằng thi cử, bằng điểm sàn. Họ đang làm chết dần chết mòn cả một nền giáo dục đại học ngoài công lập đầy năng động bởi lối tư duy bao cấp, bởi lợi ích nhóm. Những cái đầu óc bút lông, bút sắt bảo thủ chỉ nói không làm, luôn to mồm biện hộ, bảo vệ và duy trì chế độ thi cử nặng nề lí thuyết suông và không ít giả dối. Họ đui mù trước thực tế trường đại học ở các nước phương tây người ta chỉ xét tuyển, điển hình là đại học Mỹ, vậy mà các trường tư danh tiếng của họ vẫn thu hút và đào tạo được năm chục, bảy chục tới ngót một trăm người được giải thưởng Nobel chỉ từ năm 1945 trở lại đây. Những nhà hoạch định chính sách giáo dục đại học Việt Nam cho rằng họ làm tốt hơn những nhà tuyển dụng đại học phương Tây. Họ dùng phương thức thi cử để loại trừ con người. Vì đất nước chúng ta có truyền thống thi cử từ năm 1075, khoa thi đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam cho đến tận đầu thế kỉ XX nên họ theo cái nếp đó và họ vẫn đang cố gắng chủ trương phát huy truyền thống thi cử theo kiểu đó vào trong tương lai, mặc dù giáo dục đại học của ta rất bất cập, không hội nhập được với nền giáo dục quốc tế.
Quay trở lại với con số 110.000 du học sinh Việt Nam học tại nước ngoài. Trừ 4000 du học sinh học bằng ngân sách nhà nước theo Đề án 322, trừ đi vài ngàn du học sinh nhận đươc học bổng của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nước ngoài, còn lại chủ yếu là du học tự túc. Nếu bình quân chi phí cho mỗi học sinh, sinh viên là 800.000 triệu một năm thì tổng số tiền một năm các gia đình Việt Nam phải đóng cho con em mình là bao nhiêu nghìn tỉ. Đối với một nước nghèo như chúng ta thì đó là một con số rất đáng kể, khiến các nhà giáo dục phải suy nghĩ kĩ càng trước khi ra quyết định. Tại sao số học sinh đi du học ngày càng nhiều? Xu hướng toàn cầu hóa thì đã đành, nhưng trước hết, nhà nước có chính sách mở cửa giáo dục, cho phép học sinh, sinh viên có điều kiện ra nước ngoài học để phát triển nguồn nhân lực cao cho đất nước. Thứ hai, đời sống của người dân khá lên, nhiều gia đình muốn con mình được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nên chấp nhận đầu tư cho con đi học nước ngoài, kể cả phải vay mượn. Thứ ba, vào đại học Việt Nam quá khó, 26 điểm và thậm chí 27 điểm vẫn trượt đại học. Trong khi đó chất lượng giáo dục đại học trong nước lại quá thấp, chưa nói đến là không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động quốc tế. Thứ tư, các nước nhận du học luôn khuyến khích và tạo việc làm cho những sinh viên có trình độ ở lại làm việc với đồng lương hấp dẫn. Vì thế khoảng 70% sinh viên học xong không trở về nước (Thống kê của Bộ Giáo dục).
Thực ra chuyện du học ở Việt Nam không phải là mới. Du học ở Việt Nam đã có từ một thế kỷ rưỡi nay rồi. Ngoài chuyện học thuật ra, du học Việt Nam còn mang đậm tính chính trị, xã hội (Phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu là một ví dụ). Chúng ta có thể tạm chia phong trao du học của Việt Nam ra làm 3 thời kỳ, tương đương với 3 làn sóng:
-        Làn sóng thứ nhất; Từ trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (năm 1858) đến năm 1954 khi thực dân Pháp chấm dứt ách thống trị ở Việt Nam và Đông Dương.
-      Làn sóng thứ 2: Từ năm 1955 đến năm 1991 của thế kỷ trước.
-      Làn sóng thứ 3: Từ năm 1992 của thế kỷ trước đến nay.
Trong làn sóng thứ nhất, việc học sinh, sinh viên đi du học thường gắn liền với mục tiêu đào tạo của nhà thờ, của thực dân Pháp và của những gia đình quan lại tư sản giàu có nhằm tạo ra một tầng lớp giáo sĩ, một tầng lớp công chức trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, về khách quan  một tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, quản lí đã được hình thành. Họ đã khai phá và đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục hiện đại mà trước đó dân tộc ta chưa có. Số lượng học sinh, sinh viên du học trong làn sóng này không nhiều. Mặc dù không có số liệu chính thức, tôi phỏng đoán chỉ đến vài ngàn mà thôi. Tuy số lượng không nhiều, nhưng lớp du học đầu tiên này đã tiếp thu khá tốt văn hóa phương Tây. Họ đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt xã hội Việt Nam. Chính lớp người này đã phổ biến và truyền bá nền văn hóa phương Tây vào Việt Nam, tạo ra sự giao thoa văn hóa Đông - Tây lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc; chấm dứt truyền thống Nho học thi cử từ năm 1919 theo nội dung Tứ thư, Ngũ kinh; đặt nền móng xây dựng một nền văn hóa và khoa học tiên tiến theo dòng chảy chung của thời đại.
Trong làn sóng thứ 2, việc học sinh, sinh viên đi du học ở miền Bắc và Miền Nam diễn ra theo hai hướng khác nhau. Ở miền Bắc, học sinh, sinh viên thường đi du học ở 11 nước đã từng theo chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Phần đông du học sinh miền Bắc học tại các trường đại học thuộc Liên Xô cũ. Con số thống kê sơ bộ trong làn sóng thứ 2 vào khoảng  xấp xỉ 100.000 học sinh, sinh viên. Riêng trong quân đội, số học viên được cử đi học theo thỏa thuận của Bộ Quốc phòng Việt Nam với bộ quốc phòng các nước Xã hội chủ nghĩa đã lên tới trên 10 ngàn. Tất cả các đối tượng đi du học ở miền Bắc đều được trợ cấp 100% kinh phí theo thỏa thuận cấp nhà nước. Đó là những học sinh, sinh viên xuất sắc đã tốt nghiệp phổ thông trung học, đại học và phần lớn họ là con em cán bộ, công chức, công nhân, nông dân trên khắc miền Bắc.
 Ở miền Nam số lượng học sinh, sinh viên đi du học vào khoảng vài chục ngàn. Hàng ngàn sĩ quân quân đội miền Nam Cộng hòa được đào tạo ở Mỹ. Tiếp đến, hàng ngàn nhân viên hành chính, chuyên môn được cử đi tu nghiệp chủ yếu ở các nước như Mỹ, Pháp. Đại bộ phận sĩ quan quân đội và nhân viên trong bộ máy được chính quyền miền Nam đi du học đều được trợ cấp 100% kinh phí theo chương trình viện trợ của chính quyền các nước tư bản, chủ yếu của chính quyền Mỹ. Còn lại đa số học sinh, sinh viên con nhà giàu thường đi du học tự túc.
Ở làn sóng thứ hai này, sau khi học xong, phần lớn học sinh sinh viên của cả hai miền đều trở về đất nước, làm việc trong bộ máy chính quyền của hai miền; làm việc trong các cơ quan nghiên cứu, trường học, bệnh viện; làm việc tại các công trường, nhà máy, xí nghiệp trên khắp hai miền đất nước. Có thể nói lớp du học này góp phần hết sức quan trọng trong việc đưa hai miền Việt Nam trở thành quốc gia hiện đại, sánh ngang với các nước trong khu vực, thậm chí còn vượt trội so với một số nước thuộc các nước đang phát triển trên thế giới. Rất nhiều người trong đội ngũ này trở thành những nhà chính trị, quân sự xuất sắc; trở thành những nhà trí thức, những nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới; trở thành những nhà quản lí, những nhà doanh nghiệp và đội ngũ nhân lực hùng hậu có chất lượng cao của cả hai chế độ. Cho đến tận ngày hôm nay, nhiều người trong số họ vẫn là giường cột của quốc gia, vẫn là những cây đại thụ trong nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học, kĩ thuật, giáo dục... Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã ghi nhận hàng trăm con người ưu tú đại diện cho hai làn sóng này qua giải thưởng Hồ Chí Minh:
Về khoa học xã hội có các giáo sư như Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Giáo sư Trần Huy Liệu - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức, Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Hồ Tôn Trinh - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Giáo sư Đinh Gia Khánh, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Huy Thông, Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đức Thảo...
Về khoa học y - dược có các giáo sư như Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Đặng Văn Chung, Giáo sư Trần Hữu Tước, Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên, Giáo sư Trương Công Quyền, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, Bác sĩ Hoàng Tích, Hoàng Thủy Nguyên, Đặng Văn Chung, Vũ Công Hòe…
Về khoa học tự nhiên và kĩ thuật có các giáo sư như Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Nguyễn Xiển, Giáo sư Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Tuỵ, Giáo sư Đào Văn Tiến, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Hiệu - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Đình Tứ...
Khoa học nông nghiệp có các giáo sư như Giáo sư Tiến sĩ Lương Định Của, Giáo sư Bùi Huy Đáp, Vũ Tuyên Hoàng, Thái Văn Trừng...
Còn về các văn nghệ sĩ thì mọi người Việt Nam đều đã quá quen thuộc tôi không nêu ra. Tôi tin rằng nhiều người trong số họ sẽ còn sống mãi với thời gian. Và còn không ít những tên tuổi những nhà trí thức trong chế độ miền Nam Cộng hòa từ 1954 đến 1975 mà tôi không kể ra. Mặc dù họ ở bên kia chiến tuyến, nhưng họ cũng có những đóng góp nhất định trong các lĩnh vựckhoa học của đất nước. 
Làn sóng thứ 3: Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước cho tới ngày nay. Phần lớn du học sinh trong làn sóng thứ ba đều chọn các nước tư bản phát triển, các nước phương Tây là điểm đến. Con số thống kê đến hết năm 2013 là 110.000 sinh viên. Đó là chưa kể số học sinh, sinh viên đã học xong ở các trường đại học nước ngoài từ sau năm 1991 đến nay. Số liệu đó là bao nhiêu thì chưa có con số thống kê cụ thể. Tôi nghĩ gần 20 năm trời, con số học sinh, sinh viên du học sẽ không dưới hàng trăm ngàn. Hàng trăm, hàng ngàn các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, các nhà quản lí, các nhà doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đang công tác ở trong nước và ngoài nước là sản phẩm của làn sóng thứ ba. Họ sẽ không thua kém các thế hệ cha anh trong làn sóng thứ nhất, làn sóng thứ hai về chất lượng, còn về số lượng thì họ đông đảo gấp bội phần. Tiêu biểu cho những khuôn mặt có tên tuổi mà cả thế giới biết đến của làn sóng thứ ba là Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo Sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Ngô Bảo Châu... Trong những năm tới, tôi ước lượng sẽ có hàng trăm nghìn học sinh sinh viên tiếp tục đi du học. Cái mục tiêu phấn đấu 20.000 tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo không phải là không có cơ sở. Đây là một xu hướng mà tôi gọi là toàn cầu hóa trong giáo dục, một xu hướng hòa nhập chung vào nền giáo dục quốc tế mà phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên có điều kiện về kinh tế nên tính đến.
Việc học sinh, sinh viên đi du học để lấy bằng bằng tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước phát triển và có nền giáo dục tiên tiến là xu thế của thời đại. Đó cũng chính là một phần của câu trả lời “Chúng ta phải sống như thế nào trong thời đại toàn cầu hóa?”. Có nghĩa là con em chúng ta phải học tập để hòa nhập với thế giới, phải trở thành công dân toàn cầu. Liệu làn sóng du học thứ 3 này có góp phần quyết định để Việt Nam hóa rồng, hóa hổ thì chúng ta còn phải chờ đợi. Riêng cá nhân tôi tin rằng làn sóng thứ 3 này sẽ góp phần không nhỏ, thực sự đưa Việt Nam tới đài vinh quang “non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không” như Bác Hồ từng mong đợi.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đi du học, làm thế nào để trở thành công dân toàn cầu? Phụ huynh học sinh và học sinh thể có những lựa chọn sau: Học xong tiểu học hoặc THCS phụ huynh học sinh có thể lựa chọn các loại hình trường như trường trung học công lập hoặc trường tư thục. Trường công lập chia ra trường trung học chuyên và trường trung học phổ thông. Ở mỗi tỉnh và thành phố đều có một hoặc một số trường trung học chuyên. Vào được các trường trung học chuyên học sinh phải trải qua một kì thi cực kì khó khăn. Có khi thi còn khó hơn cả thi vào đại học. Cho nên số học sinh được học ở trường trung học chuyên rất ít. Số lượng học sinh học ở trường chuyên chỉ khoảng vài phần trăm. Ví dụ ở Hà Nội có các trường chuyên như Chu Văn An, Amstecdam, Nguyễn Huệ, Sơn Tây. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, có một số gia đình Việt Nam phải chi phí đến 3000 đô la để cho con em mình vào học tại các trường chuyên dạng này ở các thành phố lớn.
Trường tư thục có thể chia ra trường quốc tế, trường tư thục phổ thông liên cấp, trường tư thục trung học phổ thông. Trường quốc tế lại chia ra trường quốc tế của Liên Hợp Quốc (Chỉ dành cho con em cán bộ nhân viên các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam), trường Quốc tế có 100% vốn nước ngoài học theo chương trình của nước ngoài, trường quốc tế do người Việt kết hợp với các cá nhân và tổ chức nước ngoài hoạt động theo Luật Giáo dục Việt Nam và trường quốc tế do người Việt mở có yếu tố nước ngoài. Ví dụ Trường quốc tế Việt Úc, Trường Quốc tế Việt Mỹ, Trường Quốc tế Việt Hàn, Trường Well Spring...
Học trường chuyên và các trường tư thục nổi tiếng có chất lượng cao, học sinh có thể đỗ rất cao vào các trường đại học trong nước, nhưng để được nhận vào học ở các trường đại học quốc tế thì chưa chắc (trừ các trường chuyên như Chuyên ngữ Đại học Sư phạm, Chuyên ngữ Đại học Quốc gia, Chuyên ngữ Amstecdam). Học ở các trường quốc tế, học sinh có điểm thi đại học trong nước thấp hơn hoặc thấp nhưng lại có đến 85% học sinh trở lên sẽ vào được các trường đại học ở nước ngoài hoặc các trường đại học quốc tế có chi nhánh ở trong nước.
Tại sao như vậy? Vì các trường quốc tế thường cho học sinh học bằng tiếng Anh các môn toán học, khoa học, tin học. Môn tiếng Anh thì học theo chương trình chuẩn châu Âu. Đây chính là một phần trong chương trình khung quốc tế. Chương trình này giúp học sinh tư duy trực tiếp bằng tiếng Anh, giúp học sinh có khả năng đọc, nghe, nói, viết bằng ngôn ngữ khoa học quốc tế, một công cụ quyết định để học sinh được tuyển vào học ở các trường đại học ở nước ngoài, các trường đại học quốc tế có chi nhánh ở trong nước (Người ta không lấy điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để xét tuyển đầu vào). Nhưng điều kiện để được nhận vào học đại học tại các trường nước ngoài là học sinh phải có đủ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí theo yêu cầu thực tế và phải có trình độ TOFEL IBT 75 trở lên hoặc trình độ IELTs 5.5 trở lên. Để có trình độ tiếng Anh  như trên các trường trung học quốc tế hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho học sinh.
Tôi suy ngẫm rồi nhận thấy ở ba làn sóng du học có rất nhiều điều thú vị. Từ mấy nghìn học sinh, sinh viên du học ở làn sóng thứ nhất đến khoảng dăm bảy chục nghìn học sinh du học ở làn sóng thứ hai, rồi đến hôm nay và trong những năm tới  liệu sẽ có đến bốn hay năm trăm nghìn học sinh, sinh viên đi du học ở làn sóng thư ba? Hàng nghìn, hàng vạn những con người nổi tiếng ghi đậm dấu ấn trong lịch sử đã khẳng định giá trị và thành công từ làn sóng thứ nhất, làn sóng thứ hai, bước đầu là làn sóng thứ ba. Tiêu biểu trong lĩnh vực chính trị là các nhà chính trị từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Làn sóng thứ nhất và làn sóng thứ hai). Trong lĩnh khoa học xã hội là các nhà khoa học từ Giáo sư Nguyễn khánh Toàn đến Giáo sư Viện sĩ Trần Ngọc Thêm (Làn sóng thứ nhất và thứ hai). Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là các nhà khoa học từ Giáo sư Trần đại Nghĩa đến Giáo sư Ngô Bảo Châu (Làn sóng thư nhất đến làn sóng thứ ba). Trong lĩnh vực nông nghiệp từ giáo sư Lương Định Của đến Giáo sư Viện sĩ Vũ tuyên Hoàng (Làn sóng thứ nhất và làn sóng thứ hai). Trong lĩnh vực khoa học y dược từ giáo sư Hồ đắc Di đến Giáo sư Tôn Thất Bách (Làn sóng thứ nhất và làn sóng thứ hai). Trong lĩnh vực giáo dục từ Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Tạ Quang Bửu đến Viện sĩ Phạm Minh Hạc (Làn sóng thứ nhất và thứ hai)… Tất cả không những là nhà khoa học nổi tiếng mà còn là những nhà lãnh đạo xuất sắc đầu ngành. Các Phó thủ tướng hiện nay như Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cũng đều từng là sinh viên du học ở nước ngoài.
Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh cho con đi du học, dù không có tham vọng con em mình trở thành những nhà chính trị, những nhà quân sự, những nhà khoa học, những nhà quản lí, những doanh nhân, mà điều này có thể đến với con em họ như đã từng đến với hàng ngàn, hàng vạn người trong ba làn sóng, thì ít nhất người ta cũng có quyền hi vọng con em mình tốt nghiệp đại học và có thể dễ dàng tồn tại trong thế giới toàn cầu hóa. Con em họ rất dễ tìm việc ở các nước đang theo học với đồng lương mà sinh viên trong nước chỉ nằm mơ. Đặc biệt, từ chế độ đãi ngộ sinh viên du học làm việc ở các công ty liên doanh đến các tập đoàn xuyên quốc gia trong nước hiện nay, lương của họ là bao nhiêu nếu so sánh với sinh viên tốt nghiệp trong nước? Chắc các bậc phụ huynh sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Tôi tin rằng nếu các phụ huynh có điều kiện, sẽ biết đầu tư một cách khôn ngoan và có sự lựa chọn đúng đắn để con em mình trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.