Tham dự cuộc họp tiếp xúc cử tri về Dự thảo Chuẩn kiến thức chung cấp trung học của bang Missouri

Leave a Comment
Tôi đang đi bộ trong khu vực công viên thành phố thì bỗng nghe chuông điện thoại réo. Vân thông báo cho tôi khoảng một tiếng nữa, Tiểu ban Giáo dục của Hạ viện bang Misouri có cuộc họp tiếp xúc cử tri là phụ huynh học sinh, học sinh và sinh viên các trường công trong thành phố, để lấy ý kiến về Dự thảo Chuẩn kiến thức chung cấp trung học của bang Missouri cũng như một số vấn đề giáo dục khác cần quan tâm. Địa điểm họp ở hội trường cựu sinh viên đối diện với khu Đại học giáo dục của Trường Đại học Missouri. Vân sẽ chờ đón tôi ở cửa ra vào hội trường.
Tôi hiểu vấn đề Vân trao đổi qua điện thoại còn liên quan đến Luật Không để trẻ em nào bị tụt hậu trong trường học (No child left behind - NCLB), một dự luật mà tôi đang tìm hiểu. Luật NCLB được chính quyền Bush thông qua năm 2001. Việc dự luật này được chấp thuận là một sự thay đổi lớn nhất về vai trò của nhà nước liên bang trong lĩnh vực giáo dục tiểu học và trung học kể từ năm 1965 đến nay. Luật NCLB không những chỉ thay đổi vai trò của nhà nước liên bang trong lĩnh vực giáo dục phổ thông mà còn định hình nền giáo dục phổ thông ở Mỹ. Luật quy định các bang phải định ra tiêu chuẩn thống nhất về kết quả học tập đối với từng cấp học phổ thông và có những bước đi đáp ứng với những tiêu chuẩn này.
Luật NCLB ủy quyền cho các bang xác định mục tiêu về kết quả học tập mà học sinh cần đạt được trong các lĩnh vực như đọc hiểu, toán học và khoa học. Mục tiêu và kết quả thực hiện phải được kiểm định bằng các bài thi chuẩn hóa và các biện pháp kiểm định chất lượng. Sau đó, hàng năm chính quyền bang sẽ thu thập kết quả kiểm định chất lượng để đưa vào báo cáo. Những học sinh tụt hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng phải được địa phương, các nhà trường chú ý đặc biệt và phải có những bước đi cụ thể để tiến tới đạt chuẩn.
Mặc dù các nhà trường ở các bang và địa phương có quyền tự quyết không bị phụ thuộc vào Bộ Giáo dục Mỹ và thực tế họ có sự linh hoạt đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng Luật NCLB cho phép học sinh được chuyển khỏi các trường không đạt chất lượng và các trường đó sẽ không nhận được các khoản hỗ trợ kinh phí theo quy định chung. Phụ huynh học sinh có con em tại các trường không đáp ứng được chất lượng có quyền chuyển con sang trường công khác hoặc các trường bán công nào đó. Theo quy định, trường nào không đáp ứng được mục tiêu trong hai năm liên tiếp thì các cơ quan chức năng của quận phải có biện pháp trợ giúp công tác quản lí và công tác chuyên môn để giúp nhà trường cải thiện tình hình. Nếu năm thứ ba, thứ tư liên tiếp chất lượng giáo dục không chuyển biến, nhà trường phải thay thế cán bộ giáo viên và phải thực hiện theo một chương trình mới. Nếu năm thứ năm nhà trường vẫn dậm chân tại chỗ thì chính quyền địa phương phải tái cơ cấu lại nhà trường như là một trường “ charter school”, nghĩa là trường theo một chương trình đặc thù.
 Luật NCLB ra đời vì nhà nước liên bang muốn điều chỉnh chất lượng giáo dục, nâng cao vai trò quản lí dạy và học trong các nhà trường phổ thông nhằm đáp ứng với những yêu cầu mới của nền kinh tế tri thức cũng như những yêu cầu cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nó cũng xuất phát từ thực tế, trình độ toán học, trình độ khoa học của Mỹ thấp hơn so với một số nước công nghiệp phát triển. Chính điều đó đã chạm lòng tự ái của chính giới Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách giáo dục đã bị sức ép rất nhiều từ dư luận, từ các đảng phái, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa của Mỹ để đưa ra dự luật này.
Theo báo cáo năm 2005 của Hội đồng Giáo dục các bang, Luật NCLB đã tạo ra những làn sóng phản ứng khác nhau từ các bang. Có bang ủng hộ mạnh mẽ. Có bang phân vân hoài nghi. Có bang phản đối mạnh mẽ. Trong nội bộ bang cũng xảy ra hiện tượng trường ủng hộ, trường không ủng hộ. Những người đồng ý với Luật NCLB cho rằng việc xây dựng và quy định trên phạm vi toàn quốc về các chuẩn mực, về vấn đề thi cử và trách nhiệm là điều cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Những người không đồng ý thì bày tỏ quan ngại về sự phân biệt trường có chất lượng và trường không có chất lượng là không ổn, khi mà học sinh khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, thu nhập của bố mẹ và nhất là khả năng tiếng Anh đến từ mỗi khu vực. Như vậy là việc thực hiện luật NCLB ở Mỹ đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn cũng như gây tranh cãi. Đặc biệt là thời hạn  năm 2015 đang đến gần, thời hạn 100 % học sinh trong các bang phải đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ đọc hiểu, trình độ toán học và trình độ về khoa học như luật đã đề ra.
Có khoảng bẩy, tám chục người cùng với hơn một chục học viên nghiên cứu sinh giáo dục dự họp trong phòng. Chủ tọa cuộc họp là năm thành viên hạ viện của bang Missouri. Trong số năm người thì bốn người dường như đều ở tầm tuổi 50 đến 60, chỉ có một người còn khá trẻ. Trước bàn làm việc đều có đặt tấm biển nhỏ ghi họ tên, chức vị của từng người. Tôi ngôi cuối bàn lại quên không mang kính nên không nhìn rõ tên ai vào với ai.
Mở đầu cuộc họp, thành viên trẻ nhất đứng dậy giới thiệu chương trình làm việc, khái quát những việc bang và các nhà trường đã làm được và những việc chưa làm được theo tinh thần của Luật NCLB. Còn tới 30 trường có trên 10 % học sinh chưa đạt yêu cầu về tiếng Anh, toán và khoa học theo yêu cầu của bang cũng như so với yêu cầu của liên bang. Thống đốc bang Missouri Jay Nixon là người không những ra sức ủng hộ NCLB mà còn quyết định trong vòng ba, bốn năm tới, tất cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong bang đều có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục đại học. Để đạt được tinh thần của Luật và quyết định của thống đốc, ngành giáo dục trong bang còn rất nhiều việc phải làm.
Hạ viện bang đã làm việc với các thành phố và các quận, đã làm việc với các nhà trường. Hạ viện cũng sẽ làm việc với cha mẹ học sinh và học sinh, sinh viên để lấy ý kiến về Bản Dự thảo Chuẩn kiến thức chung cấp phổ thông mới trong tình hình mới. Dự thảo đã được gửi tới tất cả các cơ quan chính quyền và ngành giáo dục các cấp. Dự thảo cũng được gửi tới hội phụ huynh tất cả các cấp học trong bang. Đặc biệt dự thảo còn được gửi trực tiếp tới những người đăng kí phát biểu trong cuộc họp này.
Trong cuộc họp, đa số phụ huynh học sinh, học sinh và sinh viên đồng ý với Bản Dự thảo của bang. Họ so sánh chỉ tiêu giáo dục chung, mặt bằng kiến thức và chỉ tiêu học thuật của từng khối lớp trong Bản Dự thảo của bang với Kế hoạch cải thiện toàn diện về trường học của thành phố (Comprehensive School Improvement Plan). Họ cho rằng yêu cầu về kiến thức học sinh thành phố trung tâm cao hơn yêu cầu của bang một chút là không có vấn đề gì.
Vân đưa cho tôi xem Bản dự thảo chuẩn kiến thức dài trên một trăm trang khổ A4. Nội dung dự thảo đề ra những yêu cầu khái quát về mặt kiến thức mà mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cần phải đạt được. Riêng đối với 3 môn: Tiếng Anh, toán, khoa học dự thảo đề ra những yêu cầu chi tiết hơn các môn học khác. Tôi thấy thế là đã quá đủ. Thế nhưng nếu so sánh với bộ chuẩn kiến thức cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam tổng cộng trên một nghìn trang, tôi thấy chuẩn kiến thức của bang Misouri mới bằng 1% của Việt Nam. Nó dày đến nỗi hiệu trưởng chúng tôi nhìn vào không dám đọc nữa.
Tôi không có Bản Kế hoạch của thành phố Columbia nên phải mượn của một vị phụ huynh ngồi bên cạnh. Lướt nhìn qua, cuốn sách chia ra làm 6 phần. Phần thứ nhất: Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị trường phổ thông công lập Columbia (Colunbia public schools Mission, Vision, Value). Phần thứ hai: Mục tiêu chiến lược của cộng đồng và cha mẹ học sinh (Parent and Community Involvement Objective Stratetries). Phần thứ ba: Mục tiêu chiến lược cần thực hiện của học sinh (Student Performance Objective Strategies). Phần thứ tư: Mục tiêu chiến lược về chất lượng của cán bộ và giáo viên (Highly Qualified Staff  Services Objective Strategies). Phần thứ năm: Mục tiêu chiến lược về cơ sở vật chất, tài nguyên giảng dạy và dịch vụ hỗ trợ (Facilities, Intructional Resources and Support Objective Strategies). Phần cuối: Mục tiêu chiến lược về quản lí (Governance Objective Strategies).Trong 6 phần của kế hoạch, người ta chỉ tập trung bàn về phần ba, phần mục tiêu chiến lược thực hiện của học sinh.
Trong cuộc họp có nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh học sinh. Họ cho rằng thực hiện NCLB và dự thảo của bang là chạy theo mục đích thi cử, chạy theo chủ nghĩa hình thức. Phụ huynh còn chỉ ra cụ thể những trường nào đã cắt bỏ các môn nghệ thuật hoặc bỏ các hoạt động làm phong phú thêm kiến thức để tập trung thời lượng giảng dạy một số môn phục vụ mục đích thi cử và để tránh bị liệt vào danh sách các trường không đạt chất lượng.
Có một trưởng ban phụ huynh của một trường lên bục phát biểu với giọng điệu mang tính chỉ trích gay gắt. Tôi trích dẫn một phần trong bài nói của ông:
-      Chúng tôi bầu cho các ngài, muốn các ngài nói trong kì họp sắp tới và nói với thống đốc rằng, chúng tôi không đồng ý NCLB, không cần cái bản dự thảo theo đuôi liên bang. Tiền thuế của người dân Missouri không thể để nhà nước liên bang điều tiết cho việc học lệch lạc ba môn tiếng Anh, toán và khoa học với mục đích đi thi. Nâng cao chất lượng trong giáo dục là đúng, nhưng không được đặt ra việc kiểm tra để nâng cao phần trăm điểm số. Trước hết nói về kết quả PISA, chương trình khảo sát, đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới khởi xướng và chỉ đạo, học sinh Mỹ bị xếp loại trung bình. Thực tế, chúng ta bị xếp loại trung bình từ mấy chục năm nay rồi. Nhiều người trong chúng ta chưa suy nghĩ kĩ nên đã cuống lên, thậm chí hoảng loạn. Có người cho rằng giáo dục phổ thông Mỹ lâm vào khủng hoảng vì học sinh của chúng ta chưa bao giờ đạt điểm cao trong các kì thi quốc tế. Thật là sai lầm. Theo tôi điểm số là vô nghĩa. Keith Baker, một chuyên gia nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ đã xem xét GDP của  nhiều nước có điểm PISA cao và phát hiện ra rằng điểm số của một quốc gia cách đây 40 năm càng cao thì mức độ giàu có của quốc gia đó càng tệ. Baker phát hiện ra rằng không có mối liên hệ nào giữa hiệu quả kinh tế của một quốc gia với điểm số các bài thi và các bài kiểm tra. Điểm số cũng không gây ảnh hưởng gì tới chất lượng cuộc sống. Và nói đến sáng tạo, Mỹ vẫn thống trị thế giới với nhiều bằng sáng chế tính trên đầu dân hơn bất cư quốc gia nào trên thế giới. Baker cho rằng, thành tích giáo dục ở một mức độ nào đó có thể là nền tảng cho sự thành công của một quốc gia, nhưng khi đã đạt được nền tảng đó, thì những yếu tố khác sẽ quan trọng hơn thành tích về điểm số. Theo tôi, khi đã có nền tảng rồi, nếu chạy theo thành tích điểm số, có thể sẽ là một chính sách tồi. Thành tích điểm số sẽ khiến giáo dục mất tập trung, mất đi sự nỗ lực vào những yếu tố khác quan trọng hơn cho sự thành công và tiến bộ của một quốc gia. Yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công về kinh tế, khoa học công nghệ và văn hóa của nước Mỹ là khát vọng tự do, là tinh thần học hỏi, là tinh thần sáng tạo, là ý chí tự lập. Cho nên, tôi đề nghị không đánh giá học sinh của chúng ta dựa trên điểm số. Tiêu chuẩn của bang đề ra thì tôi chấp nhận. Nhưng tôi phản đối kiểm tra, thi cử để đạt được tiêu chuẩn như NCLB. Tôi cho rằng phẩm chất quan trọn hơn điểm số. Nếu PISA hay bất kì điểm số trong một kì thi quốc tế nào có một ý nghĩa gì đó thì chính là sự thất bại của Luật NCLB. Vì từ đầu những năm 2000 đến nay, nhà nước liên bang từ Tổng thống Bush đến Tổng thống Obama đã đổ ra hàng tỉ đô la đầu tư vào thi cử, kiểm tra và luyện thi, nhưng vị trí xếp hạng thi cử quốc tế của nước Mỹ vẫn không được cải thiện. Rõ ràng nước Mỹ đã thất bại trong cuộc chạy đua về điểm số. Quả bong bóng PISA đã nổ với nhiều bang đã cố gắng chạy theo mục tiêu điểm số. Mục tiêu không để lại đứa trẻ nào ở phía sau để hướng tới vị trí số Một của nước Mỹ đã thất bại hoàn toàn ở cấp liên bang lẫn cấp bang. Vì vậy tôi nghĩ bang chúng ta hãy chấm dứt hoàn toàn việc thi cử dưới bất cứ hình thức nào. Tôi cho rằng, nâng cao chất lượng cuộc sống của một bộ phận học sinh nghèo thì sẽ cải thiện được chất lượng học tập. Chúng ta chỉ đo lường những cái chúng ta có thể đo. Những thứ mà chúng ta không đo lường được còn quan trọng hơn nhiều. Điểm số chẳng cho chúng ta biết gì về óc tưởng tượng, về tư duy phản biện, về khả năng đặt câu hỏi, về tầm nhìn và sức sáng tạo của học sinh. Nếu cứ tiếp tục cái chính sách giáo dục của Tổng thống Bush và Tổng thống Obama, chúng ta không chỉ không đạt được điểm số cao hơn người châu Á, họ biết cách làm tốt hơn chúng ta, mà chúng ta còn bị đè bẹp những phẩm chất khiến nước Mỹ trở thành nơi nuôi dưỡng những tài năng, những ý tưởng mới trong gần một thế kỉ nay. Tôi cho rằng cái đích của giáo dục là sự tự do theo đuổi tri thức, là sự nuôi dưỡng năng lực, sự đam mê và sáng tạo; chứ không phải làm nô lệ cho tri thức, chứ không phải gò bó, ép buộc qua một số bài kiểm tra. Tại sao học sinh nước Mỹ lại phải chạy theo thành tích đi thi và bị so sánh với một số nước châu Á như Trung quốc, Triều tiên, Việt Nam, những đất nước đang phát triển chưa từng có lấy một giải thưởng Nobel và hàng trăm năm nữa họ cũng chưa chắc có lấy một giải thưởng Nobel. Trong khi người Mỹ chúng ta có số người được giải thưởng Nolbel nhiều hơn cả thế giới cộng lại. hãy cứ để cho những nước châu Á đạt điểm cao hơn chúng ta. Tôi thích đánh cược vào sự sáng tạo, vào tinh thần dám nghĩ dám làm, vào khát vọng, vào sự kiên trì và vào những ước mơ lớn của người Mỹ. Sau cùng tôi kêu gọi nghị viện và thống đốc bang Missouri cũng như nhà nước liên bang hãy xem lại chính sách giáo dục và cần hiểu hiểu điều này: Giáo dục của họ phải thay đổi, còn chúng ta không phải thay đổi, chúng ta chỉ cần sự tự do và sáng tạo. Cái chúng ta cần là sự phát triển nhân lực để đáp ứng với nền kinh tế mới và đáp ứng với những thách thức mới trong thời đại mới.
Ông ta cám ơn mọi người đã chú ý lắng nghe rồi đi xuống trong tiếng vỗ tay tán thưởng của tất cả mọi người. Đặc biệt nhiều em học sinh trong phòng còn tung hô: “Tuyệt vời, tuyệt vời, thật tuyệt vời”. Điều đáng nói trong cuộc họp này còn có nhiều tiếng nói trực tiếp của các em học sinh, sinh viên. Một học sinh nữ lớp 12 của Trường Trung học Hickman, trường có 1.920 học sinh, được chủ tọa giới thiệu lên trình bày ý kiến. Em có nước da trắng hồng. Vóc người cao lớn, nở nang. Với chiếc áo phông màu tím và chiếc quần bò bó sát thân hình, em mang dáng dấp của một thiếu nữ đẹp, tràn đầy sức sống. Em đi lên trên bục với dáng vẻ rất tự tin. Cả hội trường im phăng phắc. Em cầm theo tờ giấy đã chuẩn bị trước nhưng hầu như không nhìn vào tờ giấy.
-      Kính thưa các quý ông, quý bà. Trước tiên, tôi bày tỏ sự đồng ý với Bản Dự thảo Chuẩn kiến thức chung trong toàn bang. Để giúp học sinh đạt chuẩn kiến thức chung và cũng để giúp học sinh đạt điểm tối thiểu qua các kì thi ACT/ SAT nhằm tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng vào các trường đại học, tôi nhất trí với việc các nhà trường đưa chương trình ACT/ SAT lên mạng học tập của nhà trường hoặc tích hợp vào ipad học tập phát cho học sinh. Những học sinh nào muốn tự học trực tuyến hay tham dự những lớp do nhà trường tổ chức thì đó là quyền của mỗi cá nhân. Điều thứ hai, tôi muốn được nói là không vì để đạt chuẩn kiến thức chung mà nhà trường tăng thêm chương trình và nội dung học tập vào môn học tiếng Anh, toán, khoa học. Đa số học sinh chúng tôi không đồng ý việc các thầy cô giáo lồng ghép nội dung chương trình thi ACT/ SAT vào các môn học bắt buộc hay tự chọn hàng ngày của học sinh nhằm cải thiện chất lượng trong các kì thi. Tôi cảm thấy nhà trường và các thầy cô đang lo cho điểm số ACT/SAT hơn là nội dung bài học. Cuối cùng tôi không đồng ý với việc các nhà trường tư vấn và gợi ý thái quá để học sinh tham dự hai chương trình AP và IB (Chương trình học vượt cấp và chương trình tú tài quốc tế), chương trình giúp học sinh đạt được kết quả cao hơn trong bậc đại học. Theo chỗ tôi biết, tổng cộng hai chương trình AP và IB bao gồm hơn 30 môn học ở cấp đại học. Học sinh trong thời gian học trung học có thể theo học cho đủ tín chỉ để vào các trường đại học. Có nghĩa là người ta đang bắt học sinh phải học quá tải, coi như là điều kiện để vào đại học. Tôi nghĩ đây là một rào cản đối với học sinh tốt nghiệp trung học muốn vào đại học. Nhà trường đã chấp nhận học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là học sinh có quyền vào đại học cao đẳng. Xin đừng bày ra quá nhiều chương trình làm khó cho học sinh không có thiên hướng theo những lĩnh vực chuyên môn nào đó. Học sinh chúng tôi không phải là cái thùng đựng kiến thức để nhà trường và các thầy cô giáo cứ nhồi nhét vào nhằm mục đích củng cố danh tiếng qua thành tích thi cử. Xin chân thành cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.
Tiếp theo, một em nam đại diện cho Trường trung học cơ sở Lange Middle lên phát biểu:
-      Kính thưa các quý ông, quý bà. Để đạt được tiêu chuẩn kiến thức các môn học như Dự thảo đã đề ra, tôi nghĩ cần phải có sự cố gắng từ cả hai phía: Thầy cô và học sinh. Nhiều thầy cô đã cố gắng giúp đỡ và ủng hộ học sinh. Nhưng cũng có thầy cô không công bằng. Một số thầy cô luôn bắt chúng tôi về nhà phải xem trước các bài học ở ipad, ở mạng E- learning của nhà trường, ở mạng Khan Academy.org. Đến lớp, thày cô không giảng dạy gì, cứ giao bài tập để cho chúng tôi làm tại lớp. Thầy cô giáo gọi đó là cách học hiện đại, khác với cách học trước kia là thày trò cùng làm việc ở trên lớp, rồi học sinh về nhà làm bài tập. Cách học hiện đại tốt hơn là học sinh tự nghiên cứu bài học ở nhà, đến lớp chỉ làm bài tập. Thầy cô gọi đó là quy trình đảo ngược. Có lần một cô giáo giao cho chúng tôi về đọc một loạt bài viết và phải viết thu hoạch về loạt bài đọc đó. Tôi không biết bắt đầu viết từ đâu, viết như thế nào. Cô không hướng dẫn tôi cách viết như thế nào. Tôi và một vài học sinh khác không nộp bài. Cô chỉ hỏi tôi đã đọc những bài nào, những bài đó viết về ai, những bài đó viết về cái gì và viết như thế nào. Rồi cô cho tôi điểm. Cô nói cô cho điểm vì tôi đã xem đủ số bài cô yêu cầu. Tôi thấy như vậy là không công bằng với tôi và với các bạn khác. Thầy cô không phải làm gì cả. Còn nhiều ví dụ khác... Chẳng hạn một thầy giáo ra thêm một số bài tập về nhà để chuẩn bị cho bài kiểm tra học kì. Trong số những bài tập ra về nhà có bài quá khó. Học sinh ở lớp không ai làm được. Thầy giáo cũng không hề biết. Nói chung là một số thầy cô ít làm việc, ít quan tâm tới học sinh. Tôi nghĩ là tôi và một số học sinh khác khó có thể đạt được những yêu cầu cao như dự thảo tiêu chuẩn đề ra. Tôi được xếp vào nhóm học lớp đặc biệt và được bổ túc thêm kiến thức nhưng tình hình học toán của tôi vẫn không khả quan. Tôi không biết phải làm gì để kết quả kiểm tra của tôi được cải thiện. Nói chung là tôi không thấy hứng thú học toán. Chẳng lẽ vì thế mà tôi không trở thành một con người.
Tiếp theo nữa là một phụ huynh có con tự học ở nhà bước lên bục. Phụ huynh này phàn nàn về việc nhà trường gây khó khăn trong việc xin cho con học một số bộ môn mà cha mẹ ở nhà không thể dạy con được. Phụ huynh này tỏ ra rất bức xúc:
-      Chúng tôi không cho các con đến trường vì chúng tôi thấy trường công dạy học không có hiệu quả. Trước đây, chúng tôi cũng cho con đến trường công học. Con chúng tôi đã phải chịu quá nhiều sức ép từ các thầy cô giáo. Bản thân gia đình chúng tôi cũng chịu sức ép của nhà trường. Chúng tôi không có tiền để theo học trường tư thục, nên phải đăng kí dạy học các con ở nhà theo chương trình của thành phố. Ơn chúa, những đứa trẻ của chúng tôi học ở nhà với bố mẹ có tiến bộ rõ ràng và vượt qua tất cả các bài kiểm tra. Rõ ràng việc dạy học ở trường công có vấn đề nên không ít học sinh không đạt chuẩn kiến thức của thành phố và của bang. Tôi muốn nói là việc cá thể hóa trong việc dạy học của trường công là có vấn đề. Lớp học 20 đến 25 học sinh là có vấn đề, là quá đông không đảm bảo chất lượng dạy học. Nên ngày càng có nhiều phụ huynh cho con học ở nhà. Nhưng có một số môn như môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật là những môn chúng tôi không dạy được ở nhà. Chúng tôi đến trường đăng kí tự chọn học nhạc cụ, nhà trường yêu cầu chúng tôi phải đóng một khoản tiền. Chúng tôi không đồng ý vì chúng tôi đã đóng thuế như mọi công dân khác. Con chúng tôi chỉ học có ba môn ở trường thì tại sao lại phải đóng tiền. Lẽ ra chúng tôi còn phải được lấy tiền về, vì thành phố đã không phải trả tiền cho những môn học mà những đứa trẻ không đến học tại trường.
Người cuối cùng lên trước hội nghị là Vân, người đại diện cho sinh viên nước ngoài đang theo học trong thành phố này. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Sinh viên như Vân theo học ở đây đâu phải người có quốc tịch Mỹ. Vả lại, sinh viên nước ngoài thì liên quan gì đến NCLB và Dự thảo Chuẩn kiến thức của thành phố và liên bang. Vân định nói về đề tài gì? Tim tôi đập thình thịch.
-      Kính thưa các quý ông, quý bà. Tôi là sinh viên Việt Nam, nghiên cứu sinh về giáo dục ở Trường Đại học Missouri. Tôi xin được đề cập đến hai vấn đề: Luật NCLB và học phí của sinh viên nước ngoài. Vấn đề thứ nhất, Luật NCLB được người Mỹ rất quan tâm và đã gây tranh cãi trên một chục năm nay. Tôi cũng rất quan tâm đến nó. Tôi tự hỏi tại sao NCLB được các nhà lập pháp và Tổng thống Bush thông qua năm 2001. Phải chăng tiêu chuẩn giáo dục không cao của các bang đã đe dọa vị trí số 1 của Mỹ trong một thế giới ngày càng cạnh tranh nên nhiều người Mỹ kêu gọi phải đầu tư hơn nữa các nguồn lực cho giáo dục và có những quy định ngặt nghèo hơn nữa trong giáo dục Mỹ. Tôi không quan tâm việc liên bang có lấn sân các bang hay không. Tôi đã nghiên cứu và biết rằng Hội đồng giáo dục các bang, người phụ trách giáo dục các bang và ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục các địa phương, dù còn tranh cãi nhưng đều đề ra các tiêu chuẩn mới cao hơn với học sinh và giáo viên trong bang của mình. Bang chúng ta cũng vậy, mục đích Dự thảo Chuẩn kiến thức của bang là nhằm tăng cường tính trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là của các nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, không để một em học sinh nào bị hổng kiến thức, dù học sinh đó da trắng, da đen hay da vàng, dù tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất hay ngôn ngữ thứ hai. Mỹ là một hợp chủng quốc có nguồn gốc dân cư của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ai cũng có quyền bình đẳng. Đứng trên quan điểm này, tôi nhất trí với NCLB và Dự thảo Chuẩn kiến thức của bang. Tuy nhiên, tôi rất đồng ý với ý kiến của một đại biểu là không nên đặt ra vấn đề thi cử và lấy điểm số để đánh giá chất lượng các nhà trường. Tôi ở một nước có nền giáo dục còn lạc hậu hơn ở Mỹ. Lớp 5 tôi phải thi tốt nghiệp để lên học lớp 6. Lớp 9 tôi phải thi tốt nghiệp và phải dự một kì thi đầy cam go để được vào học lớp 10. Có đến 40% bạn học của tôi không được vào học lớp 10 trường công vì không đủ điểm. Lớp 12 tôi lại phải thi tốt nghiệp. Rồi ngay sau đó tôi lại phải thi vào đại học. Có đến 80% các bạn tôi không đủ điểm vào đại học. Cả quãng đời học sinh của tôi phải căng mình ra để học lí thuyết và làm bài tập để đi thi. Ngày nào tôi cũng phải học đến tận 10 giờ đêm. Tôi không được thực hành về bất cứ cái gì. Vì vậy học sinh tốt nghiệp từ các trường đại học của chúng tôi rất giỏi làm bài thi và bài kiểm tra. Chúng tôi có thành tích thi quốc tế và thi PISA cao hơn Mỹ nhiều. Nhưng chúng tôi không thành công trong cuộc sống thực tiễn, không thành công trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Thậm chí việc học tập ở trường học của chúng tôi trở nên lệch lạc như một vị phụ huynh ở đây vừa phát biểu. Việc đánh giá qua thi cử sẽ có rất nhiều hạn chế. Lẽ ra nên cho điểm cao đối với những người học sáng tạo để khuyến khích khả năng suy nghĩ phong phú thì người ta lại dựa vào những đáp án và những tiêu chí cho sẵn. Do vậy, người học có xu hướng trở thành những cái máy học thuộc lòng, những thợ làm bài tập toán, lí, hóa, những thợ làm văn thay cho trở thành những nhà khoa học, những kĩ sư, những nghệ sĩ đích thực. Việc kiểm tra thi cử nhiều cũng hình thành thói quen nhìn nhận sự vật theo tiêu chuẩn đúng sai, tốt xấu nên thiếu khả năng phân tích, bình luận, đánh giá nhiều chiều. Đứng trên phương diện này tôi không hoàn toàn đồng ý với NCLB. Vấn đề thứ hai là học phí ở các trường đại học công của Mỹ, trong đó có bang của chúng ta là rất cao đối với sinh viên nước ngoài, đặc biệt là những nước đang phát triển. Bình quân sinh viên nước ngoài phải đóng khoảng 25.000 đô la học phí một năm cho các trường đại học công, cộng thêm sinh hoạt phí 10.000 một năm. Tổng cộng chi phí cho một sinh viên học đại học công ở Mỹ vào khoảng 35.000 đô la một năm. Bốn năm học đại học mất khoảng 140.000 đô la. Khi trở về nước làm việc, lương bình quân của họ vào khoảng 200 đô la một tháng. Như vậy họ phải mất trên một trăm năm ăn dè hạt tiện mới trả nợ xong khoản tiền vay đi học đại học ở Mỹ. Nhưng điều đó chưa phải là vấn đề quan trọng. Các trường đại học công của Mỹ thường có 3 mức học phí. Mức học phí dành cho học sinh ở trong bang. Mức học phí dành cho học sinh ở ngoài bang. Mức học phí dành cho sinh viên ở nước ngoài đến học. Sinh viên nước ngoài phải đóng học phí cao gần gấp ba lần so với sinh viên ở trong bang và cao gần gấp rưỡi so với sinh viên ở ngoài bang của Mỹ. Trong khi đó, các trường đại học tư thục của Mỹ chỉ có một mức học phí thống nhất cho tất cả mọi sinh viên trong nước cũng như ngoài nước. Rõ ràng các trường đại học công của Mỹ, trong đó có đại học công của bang chúng ta phân biệt đối xử sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài. Người ta có thể biện hộ rằng người dân Mỹ ở trong bang đã đóng thuế cho bang, cho nên sinh viên trong bang được thụ hưởng sự ưu đãi trong các trường đại học công. Nhưng tại sao lại phân biệt đối xử sinh viên ở ngoài bang và sinh ở nước ngoài. Hơn nữa sinh viên trong bang học hết trung học phổ thông qua tuổi 17 trở thành công dân có đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Họ đã đóng thuế gì cho nhà nước bang đâu. Nếu như giá trị của thị trường đã đứng vững trong nền giáo dục đại học Mỹ, nếu coi giáo dục đại học là dịch vụ công, là hàng hóa đặc thù và có quyền sở hữu trí tuệ thì các trường đại học công đã vi phạm nguyên tắc đãi ngộ quốc gia mà WTO đã đề ra: Không phân biệt đối xử. Với những lí do trên tôi đề nghị các nhà lập pháp bang xem xét lại mức thu học phí của sinh viên nước ngoài trong các trường đại học công. Xin chân thành cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe.
Gần như tất cả hội trường đều đứng dậy vỗ tay sau bài phát biểu của Vân. Tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hài lòng về nội dung bài nói, phong thái tự tin cũng như khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh trước đám đông của Vân. Tôi thật may mắn được dự buổi tiếp xúc cử tri ở một đất nước cách xa đất nước mình nửa vòng trái đất, một chế độ xã hội tư bản điển hình, một chế độ mà tôi vẫn thường nói trước các học sinh và sinh viên của tôi là Đế quốc Mỹ. Và hôm nay tôi đã có cái cụ thể mình cần để nhìn nhận về một vấn đề thực hành dân chủ trong quá trình ra quyết sách.
Ở Việt Nam tôi đã từng là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Thanh trì trong một khóa 5 năm. Tôi đã từng đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương chính sách của quốc hội, của thành phố, của huyện ở các cấp cơ sở. Tôi cũng từng dự rất nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri: cấp xã, cấp huyện, cấp thành phố và một lần cấp trung ương. Tất cả đều theo một quy trình từ trên đi xuống theo trật tự từ ngàn xưa: Trên- Dưới. Kết quả cuối cùng là cơ sở thực hiện chủ trương chính sách như thế nào? Có vướng mắc gì? Tại sao lại chưa thực hiện được? Bởi vì chủ trương chính sách không sai. Chúng tôi chỉ việc thay mặt cấp trên nghe phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân và phản ánh lại bằng văn bản lên các cấp. Đó chính là đặc trưng của lề lối làm việc quan liêu, giấy tờ, xa rời thực tế.
Một lần tôi cùng ba hiệu trưởng cấp THCS và THPT đại diện cho thành phố Hà Nội cùng với trên hai chục hiệu trưởng tiêu biểu cho các vùng miền phía Bắc họp ở Văn phòng Quốc hội nghe chủ trương, chính sách phổ cập cấp THCS Và THPT của nhà nước; đồng thời nghe chúng tôi báo cáo về tình hình thực hiện chủ trương chính sách trên. Chúng tôi báo cáo trước Uỷ ban Văn hóa Giáo dục những thuận lợi cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Tôi biết rất rõ việc thực hiện phổ cập THCS và THPT là rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thanh niên không muốn đi học. Kể cả cấp tiền, giấy vở sách bút cho họ, họ cũng không muốn đi học. Tôi biết cái họ cần là nghề nghiệp gắn với công ăn việc làm chứ không phải là chương trình giảng dạy các môn văn, toán, lí, hóa, đến học sinh phổ thông cũng không kham nổi, huống chi là những học sinh đã bỏ học.
Hiệu quả của công tác phổ cập nhìn chung là thấp, mặc dù các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đồng loạt ra quân mà lớp học vẫn cứ vắng teo. Có nhiều xã trắng, thanh niên không đi học. Anh Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội đã phải kết luận trong cuộc họp: “ không phải chúng ta cứ muốn là được, không phải giáo dục đi vượt quá xa trước thực tế thì mọi cái vẫn sẽ diễn ra suôn sẻ”. Nhưng đã là chủ trương chính sách thì phải triển khai, phải thực hiện, bằng mọi cách phải thực hiện. Tôi nhận ra rằng kết quả xã phổ cập, huyện phổ cập, thành phố phổ cập giáo dục là hết sức hình thức. Nhưng biết làm thế nào? Có ai hỏi ý kiến dân, có ai hỏi ý kiến người học đâu. Lệnh ở trên dội xuống thì các cấp cơ sở phải tìm mọi cách mà thực hiện.
Vấn đề cải cách giáo dục ở Việt Nam cũng được làm theo kiểu như vậy. Đợt cải cách giáo dục sau năm 2015 là đợt cải cách giáo dục lần thứ ba, đợt cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện. Vậy mà cả ba lần, ngay cả những người giữ cương vị hiệu trưởng các nhà trường như chúng tôi cũng không được tham vấn. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng không được hỏi ý kiến. Những người như chúng tôi chỉ là những người thừa hành. Chuyện cải cách giáo dục là chuyện của Đảng, của nhà nước, của Quốc hội; cụ thể là của Bộ Giáo dục, của một số trí thức, của một số cơ quan chức năng như Viện Nghiên cứu Chiến lược giáo dục, Viện Nghiên cứu giáo dục cùng với hệ thống báo chí tuyên truyền. Đó không phải là việc của cán bộ quản lí cấp cơ sở và của giáo viên; càng không phải là việc của phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên. Tóm lại, đó không phải là việc của dân. Chính vì lối tư duy mệnh lệnh hành chính như vậy nên tôi tin rằng cải cách giáo dục lần này, một chiến dịch lớn, một trận đánh lớn như Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói, chắc chắn sẽ không tiến triển thuận lợi. Nếu ở nước ta mà có cuộc họp tiếp xúc cử tri là phụ huynh học sinh, là học sinh, sinh viên để lắng nghe ý kiến trước khi cơ quan lập pháp ra quyết định về vấn đề giáo dục như cuộc họp tôi được tham dự ở đây, tôi tin rằng rất nhiều người cho rằng đó là chuyện vãi thừa, chuyện gái góa lo việc triều đình, là thứ dân chủ tư bản hình thức, là thứ mỵ dân theo đuôi quần chúng.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.