Thăm trường THPT Rock Bridge, Columbia

Leave a Comment
Các trường trung học phổ thông của Mỹ hoàn toàn khác trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi cứ nghĩ THPT ở Mỹ cái gì cũng phải bài bản, rõ ràng và chỉnh chu theo một công thức. Nhưng mọi điều không phải như vậy. Có lẽ vì tôi lấy điểm nhìn giáo dục của trường THPT ở Việt Nam để đo, nên lúc đầu tôi cảm thấy nhà trường của họ có cái gì đấy hơi rối. Môn học bắt buộc của họ thì không nhiều nhưng môn tự chọn thì lại rất nhiều. Hơn nữa, trường THPT của Mỹ đều có từ 50 đến 70 câu lạc bộ như các câu lạc bộ học tập, các câu lạc bộ hoạt động xã hội, các câu lạc bộ môi trường, các câu lạc bộ điền kinh, bóng chày, bóng đá, các câu lạc bộ thực hành, các câu lạc bộ biểu diễn, các câu lạc bộ mỹ thuật ứng dụng, các câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa... Không có đoàn đội hay các tổ chức mang tính chất chính trị trong các nhà trường tôi đến thăm. Học sinh có thể lựa chọn một hay nhiều câu lạc bộ để tham gia hoạt động. Học sinh có thể căn cứ vào việc xếp loại và kết quả thi hết các môn học để học các môn chuyên sâu, các môn học khái quát hoăc các môn học hướng nghiệp.
Trong thế kỷ trước, nói chung các trường THPT ở Mỹ đã củng cố theo hướng phát triển thành những cơ sở đào tạo có quy mô ngày một lớn hơn. Đồng thời các nhà trường cũng đem lại ngày càng nhiều lựa chọn hơn cho học sinh. Quy mô trường nhỏ gần như đã biến mất ở các trường công. Ở các thành phố lớn, các trường học THPT có tới 5000 học sinh theo học để vào các trường đại học, cao đẳng. Các trường THPT nhận tất cả học sinh THCS hay còn gọi là học sinh chuyển cấp vào học mà không có bất kỳ hình thức thi đầu vào nào. Sau 3 đến 4 năm học tùy theo từng bang, học sinh sẽ được xét tốt nghiệp THPT. Đa số các trường THPT ở các bang đều không tổ chức thi tốt nghiệp mà căn cứ vào việc học sinh có đạt những yêu cầu tối thiểu, những điều kiện cần thiết trong những năm học ở THPT hay không để nhận được bằng tốt nghiệp.
Giang lái xe đưa tôi và Thúy đến Trường THPT Rock Bridge. 8 giờ kém chúng tôi có mặt tại cổng trường. Mặc dầu nhìn trên cửa ra vào trường có hàng chữ: “Hoan nghênh quý khách đến thăm trường. Xin liên hệ với phòng 127 để được chỉ dẫn”, nhưng chúng tôi vẫn ngại không dám đẩy cửa đi vào. Thúy đang chuẩn bị gọi cho David Laughlin, bạn cùng học lớp tiến sĩ với Vân ở trường Đại học Missouri, hiện đang là trợ tá chuyên môn cho hiệu trưởng tại trường này, thì thấy một người đàn ông đẩy cánh cửa đi ra ngoài. Chúng tôi nhận ngay ra đó chính là người mình cần gặp, David Laughlin. Anh chỉ mới 30 tuổi nhưng phong thái điềm tĩnh, từ tốn và khoan thai của một nhà quản lí giáo dục, khiến tôi nghĩ anh nhiều hơn độ tuổi đó. Anh mời chúng tôi qua phòng Hiệu trưởng, Tiến sĩ Jennifer Mast, một phụ nữ khoảng 40 tuổi trẻ trung và xinh đẹp. Chị tiếp chúng tôi khoảng 20 phút. Nhưng chỉ với ngần ấy thời gian thôi, tôi cũng đã nắm được những điều cốt yếu mà tôi cần biết.
Trường thành lập tháng 9 năm 1973. Ngay trong năm đầu đã có 583 học sinh ghi tên theo học ở cả 3 khối: 10, 11, 12. Năm học 2012 - 2013 trường có 1715 học sinh. Khối 10: 537 học sinh. Khối 11: 611 học sinh. Khối 12: 567 học sinh. Thành tích lớn nhất và đáng tự hào nhất trong hơn 40 năm qua là gần như năm nào nhà trường cũng đoạt giải nhất, nhì hoặc ba về bóng đá, bóng rổ và một vài môn điền kinh ở cấp liên bang và cấp bang. Tiếp đến là các ban nhạc biểu diễn của nhà trường nhiều năm nay đã làm rạng danh tên tuổi của nhà trường trong bang.
Nhà trường cũng đã xây dựng được 54 câu lạc bộ và nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa để thu hút tất cả học sinh tham gia vào các hoạt động cạnh tranh ở mức cao nhất. Cuối cùng là trường có trên 80% học sinh đạt yêu cầu trong các kì kiểm tra ACT hoặc SAT (Tổ chức khảo thí Hoa kì hàng năm tổ chức khoảng 7 kì kiểm tra ACT và SAT cho học sinh trung học phổ thông Mỹ lựa chọn, nhằm đánh giá khả năng tiếng Anh, toán và logic, khoa học, đọc hiểu và viết. Kết quả của một trong hai kì kiểm tra này thường được ban tuyển sinh các trường đại học đánh giá, so sánh khi xét tuyển vào bất kì ngành học nào ở bậc đại học- xét tuyển vào đại học, chứ không có kì thi vào đại học như ở Việt Nam). Nhà trường cũng động viên học sinh lựa chọn học thêm hai chương trình AP và IB, tức là chương trình học vượt cấp và chương trình tú tài quốc tế dành cho một số môn nâng cao, chủ yếu là tiếng Anh và toán để giúp học sinh đạt kết quả cao hơn trong học tập tại trường đại học.
Trường THPT Rock Bridge đặt ra sứ mệnh và nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh là trau dồi tri thức vì cuộc sống của chính bản thân mỗi người. Để thực hiện sứ mệnh trên, nhà trường đã xây dựng tầm nhìn xuyên suốt là phải xây dựng một cộng đồng sáng tạo, trong đó giáo viên và học sinh truyền cảm hứng cho nhau để trở thành những người học tập suốt đời. Cộng đồng này dựa trên nền tảng triết lí Tự do và Trách nhiệm, cung cấp cơ hội để mỗi học sinh phát triển Năng lực cần thiết của bản thân để trở thành một công dân có ích trong một thế giới luôn đổi thay. Cộng đồng giáo viên và học sinh trong nhà trường sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra và đạt được một trình độ cao nhất như có thể.
Cam kết chung của nhà trường là duy trì ở mức độ cao về thành tích các mặt; duy trì một môi trường thân thiện, an toàn lấy học sinh làm trung tâm; thông qua hoạt động giáo dục, tập trung phát triển chuyên môn để cải thiện thành tích của học sinh; hợp tác tích cực, lắng nghe và học hỏi đồng nghiệp; tôn trọng những giá trị, những ý tưởng và khuyến khích sự chủ động sáng tạo; nuôi dưỡng văn hóa học: Tự do và Trách nhiệm, tự trọng và tự tin; giao tiếp cởi mở; sử dụng tất cả các phương tiện để học sinh có thể thành công.
Tiến sĩ Jennifer Mast giới thiệu cho tôi nghe tổng quát các môn học tại trường, bao gồm: Nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, giáo dục thể chất, kinh doanh và tiếp thị, gia đình và tiêu dùng, tiếng Anh, toán, khoa học (trong đó có các môn như lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (trong đó có các môn như lịch sử, chính phủ), ngoại ngữ, nghề nghiệp.
Ở Việt Nam cấp THPT có những môn học và các mặt hoạt động giáo dục sau: Ngữ văn, toán, giáo dục công dân, vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí, công nghệ, thể dục, ngoại ngữ, tin học, giáo dục quốc phòng và an ninh, môn tự chọn, hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông.
So với chương trình của Mỹ, về cơ bản chương trình các môn học của Việt Nam và Mỹ là giống nhau. Tuy nhiên chúng ta không có các môn học như nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, kinh doanh và tiếp thị, gia đình và tiêu dùng. Những môn học trên có vẻ như vô thưởng vô phạt và theo quan niệm của các nhà hoạch định chính sách giáo dục và quản lí giáo dục Việt Nam, cũng giống như giáo dục thể chất, các môn học đó chưa cần thiết đối với học sinh một đất nước nghèo như đất nước Việt Nam. Còn tôi thì cho rằng những môn học đó chính là sức sống của một trường học, là chất lượng cuộc sống và là bản thân cuộc sống gắn liền với cái đẹp, với thực tế cuộc sống hàng ngày mà mỗi học sinh sẽ đi cùng với nó cho đến hết đời.
Các môn học ở Trường PTTH Rock Bridge thoạt trông có vẻ nhiều và trong bản thân một môn học, chẳng hạn như môn thể dục lại có hàng chục lớp học tùy chọn khác nhau. Nhưng yêu cầu tối thiểu để học sinh của nhà trường cũng như của tất cả các học sinh trường công trong thành phố Columbia được nhận bằng tốt nghiệp hết THPT thì chỉ đòi hỏi học sinh đạt được 24 tín chỉ: Tiếng Anh và nghệ thuật ngôn ngữ 4 tín chỉ; khoa học xã hội 3 tín chỉ (trong đó lịch sử thế giới 1 tín chỉ, lịch sử Hoa Kỳ 1 tín chỉ, chính phủ 0,5 tín chỉ và tự chọn 0,5 tín chỉ); toán học 3 tín chỉ; mỹ thuật 1 tín chỉ; thực hành nghệ thuật 1 tín chỉ; giáo dục thể chất 1 tín chỉ; y tế học đường 0,5 tín chỉ; các môn học tự chọn 7,5 tín chỉ. Điều đặc biệt là trong số 24 tín chỉ, điều kiện cần để có bằng tốt nghiệp, học sinh lại được lựa chọn đến 7.5 tín chỉ.
Đúng là một khoảng trời để lấp đầy những sở thích của học sinh. Nếu học sinh muốn vào trường đại học nào, vào các ngành nào thì sẽ xem xét các yêu cầu của trường đó, ngành đó mà học thêm một số tín chỉ cho phù hợp với các yêu cầu, điều kiện. Và nếu học sinh còn có thắc mắc gì, muốn được đáp ứng những yêu cầu gì thì sẽ gặp trực tiếp các cố vấn của nhà trường để tiếp tục giải quyết những nguyện vọng cá nhân. Sau khi học xong chương trình PTTH, nếu học sinh không được xét tuyển vào trường đại học nào hoặc lí do kinh tế thì sẽ vào học ở các trường cao đẳng. Sau 2 năm học ở cao đẳng, nếu được xếp loại trung bình khá trở lên, sinh viên lại được chuyển tiếp thẳng lên đại học học 2 năm nữa để lấy bằng đại học. Không phải qua một kì thi nào hết.
-      Nước Mỹ không từ chối một cơ hội học tập nào đối với bất kì một học sinh nào- Tiến sĩ Jennifer kết thúc buổi nói chuyện với tôi.
-      Chị cho tôi hỏi, đầu tuần, đầu tháng ở trường chị có tiết sinh hoạt chào cờ không?
Tôi hỏi Jennifer điều này vì tò mò. Một lần tôi đọc báo Mỹ thấy chuyện một học sinh Mỹ không chào cờ và nhất định không chịu hát quốc ca, bị nhà trường tạm đình chỉ học tập. Sau đó gia đình phụ huynh học sinh đã kiện lên tòa án việ đó. Chánh án tòa án đã phán xét hiệu trưởng nhà trường vi phạm luật, buộc phải thu hồi quyết định đình chỉ, phải bồi thường về vật chất và tinh thần cho học sinh và buộc phải nhận lại học sinh vào trường. Việc hát quốc ca hay không hát quốc ca là quyền của mỗi cá nhân, không ai có quyền bắt ép.
Jennifer đưa tay lên bắt tay tôi, chị khẽ nheo một bên mắt, mỉm cười tế nhị, ngầm hiểu ẩn ý đằng sau câu hỏi của tôi.
-      Không. Chỉ vào các dịp lễ lớn như quốc khánh thôi.
-      Tôi muốn hỏi chị điều cuối cùng, trong suốt quá trình làm công tác quản lí giáo dục, chị đã bao giờ tham gia quyết định hoặc quyết định đuổi học học sinh nào chưa?
-      Chưa. Chỉ có một lần duy nhất cách đây 5 năm là tôi khuyến nghị tạm đình chỉ một học sinh nam lớp 11 để cho em đó đi cai nghiện.
-      Sau đó thì sao?
-      Rất tiếc tôi không được nhận lại em đó vào học, vì em đó bị chết do sốc thuốc sau thời gian đi cai nghiện. Đến giờ tôi vẫn cứ ân hận, giá như tôi không khuyến nghị, giá như cứ để em đó theo học tại trường, biết đâu em ấy cai được nghiện và không bị chết vì sốc thuốc.
Tôi và Thúy theo David Laughlin thăm các phòng học. Đến mỗi phòng, David xin phép các giáo viên đang dạy cho chúng tôi được vào thăm lớp. Công việc dạy học của thầy trò ở các lớp chúng tôi đi vào chỉ mất một khoảnh khắc gián đoạn, sau đó mọi việc trên lớp vẫn cứ tiếp tục diễn ra bình thường. Có lớp chúng tôi dừng lại vài phút. Có lớp chúng tôi dừng lại khoảng mươi phút. Chúng tôi đi qua khoảng hơn hai chục phòng học: Các phòng học toán, các phòng học vật lí, hóa học, sinh học, văn hóa thế giới, lịch sử thế giới...
Trong mỗi phòng học, có khoảng 6 hay 7 cái bàn tròn và khoảng trên dưới 20 học sinh, trang phục học sinh mỗi người một vẻ, học sinh ngồi quây quanh những chiếc bàn cố định, ghế ngồi tự xoay. Hai bên lớp học xếp hai giá sách để tài liệu cho thầy trò sử dụng. Phía trên và phía dưới lớp đều có một chiếc bảng trắng chạy dài để giáo viên và học sinh trình chiếu qua máy hoặc thuyết trình, viết bảng. Nhìn chung các lớp học đều rất thoáng, giáo viên và học sinh di chuyển đến các vị trí thuận tiện, tiến hành hoạt động nhóm dễ dàng, thoải mái. Giáo viên và học sinh đều có thể đi lại, làm việc ở bất kì chỗ nào quanh bốn bức tường.
Quan sát tiến trình dạy - học của thày trò, đúng là hình ảnh của những lớp học tiến hành theo phương pháp học tập tích cực và hợp tác. Đi qua lớp nào cũng thấy khung sườn bài học hoặc yêu cầu của thầy cô hiện lên qua màn trình chiếu, còn  học sinh thì đang làm việc trên các máy tính trước mặt hoặc đang thảo luận, thuyết trình. Không thấy một quyển giáo án nào của thầy cô ở trên bàn giáo viên, không thấy một chiếc cặp sách nào, một quyển vở ghi chép nào, một chiếc bút viết cá nhân nào trên bàn học sinh. Chỉ thấy máy tính và máy tính. Thầy làm việc với máy trên bàn để đến với học sinh. Trò làm việc với máy tính để lấy thông tin và xử lí thông tin. Nhóm làm việc với máy tính để cùng nhau giải quyết những vấn đề, thực hiện những dự án, những đề tài thầy cô hướng dẫn.
Lớp học nào tôi cũng nghe tiếng rì rầm, tiếng học sinh hỏi han, thắc mắc, có tiếng trả lời, giải thích, xen tiếng cười tiếng nói hóm hỉnh, sinh động, ngịch ngợm. Thày trò đi đi lại lại tự do trong lớp, trao đổi tự nhiên trong lớp như những người bạn để cùng nhau khám phá và chiếm lĩnh kiến thức một cách sáng tạo. Không giống như lớp học ở Việt Nam chúng ta, 40 đến 60 học sinh, một khối hộp người chật cứng, ra động vào chạm bất tiện. Với trung tâm là viên phấn và bên chiếc bảng, thầy cô cứ nói thao thao bất tuyệt ở trên bục. Tất cả học trò ngồi ở dưới với hàng chồng sách giáo khoa và vở ghi, tất cả cùng ngước nhìn lên, im lặng lắng nghe rồi miệt mài ghi ghi chép chép. Đúng là điển hình cho một trường học của thời đại nông nghiệp, tiền công nghiêp với bút lông và bút sắt.
David Laughlin tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm các phòng học nghệ thuật tạo hình. Phòng nào phòng nấy đều treo và bày biện rất nhiều tranh ảnh, bản sao các tác phẩm kinh điển, các mẫu vật trên tường hoặc xung quanh phòng học. Đây là những phòng học lí thuyết nghệ thuật căn bản, phòng học lí thuyết nghệ thuật không gian ba chiều và nghệ thuật gốm sứ. Còn xưởng thực hành, nơi học sinh học sinh trực tiếp làm việc với các nghệ nhân, các họa sĩ, kỹ sư thì ở khu vực học nghề.
Tiếp theo David dẫn chúng tôi đi thăm khu vực học tập dành cho nghệ thuật biểu diễn và các phòng học âm nhạc. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sân khấu biểu diễn, đồng thời cũng là nơi học tập, luyện tập của các nhóm ca, múa, nhạc, kịch của nhà trường. Nó hiện đại và lộng lẫy không kém gì nhà hát nghệ thuật của một thành phố ở Việt Nam. Từ hệ thống phông màn, ánh sáng, dàn âm thanh đến chiếc ghế bọc nhung êm ái chúng tôi ngồi lên thử; từ dàn nhạc đang chơi ở dưới sân khấu tới dàn hợp xướng đang biểu diễn trên sân khấu; từ những phòng thanh nhạc tràn đầy âm thanh với dãy đàn pianô được cách âm tới phòng tập kịch thầy trò đang say sưa diễn xuất; từ cái không khí nghệ thuật cho tới phong thái nghệ sĩ của giáo viên và học sinh... tất cả đều chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp nội tại của một trường THPT tôi thấy còn hơn rất nhiều nếu so với Trường Đại học Nghệ thuật Trung ương và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội mà tôi đã có dịp đến thăm và làm việc. David cho tôi biết trường có những dàn hợp xướng và nhiều ban nhạc, các câu lạc bộ biểu diễn từ cấp trường cho tới các khối lớp. Anh khoe với tôi:
-      Mùa hè này, dàn hợp xướng và ban nhạc giành giải nhất của nhà trường trong cuộc thi chung kết liên hoan văn nghệ khối học sinh trung học bang Missouri sẽ sang thành phố Barcelona, thủ phủ Catalonia, Tây Ban Nha biểu diễn ở nhà hát thành phố và biểu diễn ở một số trường THPT trong thành phố. Tôi được Hiệu trưởng Jennifer ủy nhiệm dẫn đầu đoàn. Chúng tôi đang rất phấn khích chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tôi thực sự khâm phục trước sự phát triển đa dạng thể dục thể thao, trình độ nghệ thuật chung của học sinh THPT Mỹ. Nếu Việt Nam không có một cuộc cách mạng thật sự trong giáo dục thì 100 năm sau, tình trạng suy nhược về thể lực, trình độ mù lòa về thẩm mỹ của học sinh trung học vẫn cứ sẽ tiếp tục duy trì trong cái hiện trạng như ngày hôm nay. Vì đến bao giờ một đoàn ca múa, nhạc kịch của một trường phổ thông và đại học của Việt Nam đi biểu diễn được ở nước ngoài. Chúng ta có chăng, chỉ quanh đi quẩn lại vài đoàn chuyên nghiệp cấp quốc gia hoặc cấp thành phố biểu diễn ở những sân khấu hạng hai, hạng ba của quốc tế mà thôi. Tôi hỏi David cho có chuyện:
-      Việc luyện tập kéo dài, việc thi văn nghệ và việc đi biểu diễn ở Tây Ban Nha như vậy thì có ảnh hưởng gì đến việc học tập các bộ môn văn hóa cơ bản của các em học sinh không – Tôi hỏi David.
-      Sao lại ảnh hưởng? Ý ông nói là việc các em tập luyện văn nghệ sẽ làm giảm thành tích các môn học văn hóa cơ bản khác?
-      Ở Việt Nam nhiều người cho là như vậy. Ngay cả các nhà quản lí giáo dục cũng cho là như vậy. Chỉ có điều là họ không công khai nói ra.
-      Chúng tôi không cho là như vậy. Phần lớn các em trong dàn hợp xướng và ban nhạc của trường đều là những học sinh xuất sắc trong nhiều lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Vả lại các môn học nghệ thuật là các môn văn hóa đấy chứ. Hơn nữa đó lại là các môn học các em yêu thích đến cuồng nhiệt.
-      Ở cấp THPT tại Việt Nam, học sinh không học một tiết nào về nghệ thuật. Trước khi đến Mỹ tôi thấy điều đó là bình thường. Thậm chí là đúng. Nhưng bây giờ tôi nhận thấy chúng tôi có gì đó không ổn rồi.
-      Tôi biết một chút về giáo dục Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam thông qua trao đổi với các bạn cùng lớp và với Vân, thông qua một số tác phẩm giáo dục viết về khu vực Đông Á. Đó là những nền giáo dục lớn đã có truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Nó đã từng thành công trong suốt chiều dài của nền văn minh nông nghiệp. Riêng Nhật Bản họ còn tiếp tục thành công trong lĩnh vực cải cách giáo dục từ thời Minh trị, bắt đầu từ những năm 1870 trở đi. Hàn Quốc cũng tiếp tục thành công trong cải cách giáo dục bắt đầu từ thập kỉ 60 của thế kỉ trước theo hướng tiếp cận với các nền giáo dục phương Tây. Còn nền giáo dục của cả Trung Quốc và Việt Nam thì đều gặp phải thách thức bởi mô hình cũ từ thời thực dân và mô hình cũ từ thời Xô Viết. Tôi tin rằng sớm muộn nền giáo dục Việt Nam cũng phải thay đổi. Cái tình trạng giáo dục áp đặt, với những tư tưởng duy lí kĩ trị, thành tích điểm số và thi cử nặng nề ở việt nam hiện nay nó cũng giống như tình trạng giáo dục của châu Âu và Mỹ ở cuối thế kỉ thứ XIX.
David hướng dẫn chúng tôi thăm khu nhà Planetarium. Thực tình mới đầu tôi không biết nó là cái nhà gì và để làm gì. Chỉ biết nó là một khối vòm tráng bạc hình tròn giống như một đống rạ, đống rơm khổng lồ ở nhà quê. May mà có Thúy đi cùng vừa giúp tôi chụp ảnh, vừa giúp tôi hiểu rõ hơn những điều David trình bày cũng như giải thích cho tôi hiểu thêm những thiết bị, công nghệ dạy học mà tôi chưa hề biết đến. Có thể nói khu nhà Planetarium chính là cái rạp, giống như rạp chiếu phim được xây dựng để trình chiếu những chương trình giáo dục và giải trí về khoa thiên văn học, về bầu trời đêm, về kĩ thuật điện ảnh.
Rạp được thiết kế hình tròn. Các dẫy ghế ngồi cũng xếp theo dạng hình tròn. Mái hình vòm là màn chiếu cao vút tựa như trong một đài thiên văn. Khi hình ảnh được chiếu lên, cảnh vũ trụ với những ngôi sao, các hành tinh và các vật thể trong vũ trụ xuất hiện và di chuyển như trong thực tế. Nó giúp mô phỏng các hiện tượng trong vũ trụ vô cùng phức tạp và hiện ra trước mắt người xem thật cụ thể, sinh động, dễ hiểu. Những bộ phim khoa học vũ trụ trình chiếu trong Planetarium là sự kết hợp và sử dụng nhiều loại công nghệ hiện đại về cơ điện, quang học, máy chiếu kĩ thuật số đa chiều, phim, lase... Sau này, khi được xem vài bộ phim trong Planetarium tôi mới được trải nghiệm cái cảm giác sống động và chân thực đến không thể tưởng tượng được.
Chẳng hạn khi có cảnh giông bão, tia chớp lóe sáng hiện ra trước mặt cùng với tiếng sấm sét vây xung quanh, nó tạo cho người xem cảm giác như đang ở giữa một cơn giông thực thụ. Ngay cả những giọt mưa không phải ở trên màn hình mà là những giọt mưa trên mặt, trên tóc người xem. Cũng như vậy, gió thổi, tuyết rơi, sương khói dường như đang rơi vào người xem và dường như ta có thể đưa tay ra chạm vào nó. Đặc biệt nhất là những màn du hành rung lắc như đang thực sự đẩy ta theo những tốc độ khác nhau di chuyển vào vũ trụ xa xăm hay bay vào trong bầu trời hoặc lướt lên trên mặt đất, khi thì thi vị mờ ảo, khi thì rùng rợn hãi hùng.
Chúng tôi vào sâu trong một căn phòng, David bật màn chiếu lên trên bảng thông minh. Đó là những hình ảnh được nối kết từ cơ quan vũ trụ Nasa. Nó bao gồm những tin tức, hình ảnh, những ấn phẩm phát hành của Nasa; Những nhiệm vụ trong quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai của Nasa; Những hình ảnh multimedia bao gồm những hình ảnh, những đoạn băng mà Nasa quay được từ trước đến nay; Kênh truyền hình Nasa; Các tạp chí thiên văn học; Hình ảnh thiên văn học trong ngày; Hiệp hội thiên văn học Mỹ; Hiệp hội thiên văn học Quốc tế...
-      Tất cả những phương tiện trên thầy trò trường THPT Rock Bridge đều được tự do tiếp cận và sử dụng – Tôi hỏi David.
-      Chỉ trừ chủ nhật và sau 10 giờ đêm hàng ngày.
Tôi còn chưa hết sửng sốt trước núi tư liệu bằng hình ảnh sống động khổng lồ của một bộ môn khoa học mà các nhà trường THPT Việt Nam chưa bao giờ biết đến, thì David đã giục tôi đi ra ngoài cửa xem các chương trình chiếu phim trong tuần cho học sinh trong vùng. Đó là chiếc bảng điện tử thông báo ngày giờ chiếu phim, tên bộ phim và nội dung của phim. Bộ phim đầu tiên vào 8h sáng thứ hai tới là Đêm kì diệu - giới thiệu các kì quan của không gian; sứ mệnh không gian -  một cái nhìn về hành tinh của chúng ta và đặc điểm địa chất của nó. Tiếp theo ngày thứ ba vào lúc 15h30 là bộ phim Bí mật của các tên lửa đẩy - một tour du lịch của hệ thống năng lượng mặt trời; lực lượng của thiên nhiên - núi lửa và động đất... Ngày cuối trong tuần học, vào 9h ngày thứ sáu chiếu bộ phim Hành trình từ trái đất - mặt trời và trái đất; tìm hiểu không gian trên cơ thể con người - Thuyết tiến hóa của Charles Darwin.
Chúng tôi đi lướt qua một số phòng đặc biệt dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị và phòng dành cho những học sinh còn có những vấn đề về nhận thức, chưa hoàn thành được các bài tập tối thiểu trên lớp và cần phải bổ túc ngay kiến thức sau lớp học nào đó. Nhìn chung, những phòng học này không khác với các phòng học của các bộ môn khác. Cũng vẫn những chiếc bàn tròn ghế quây xung quanh, máy tính, giá sách, máy chiếu. Riêng phòng học dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị có thêm máy khuếch đại, máy đọc và một số các thiết bị chuyên dụng để sẵn trên bàn nhằm hỗ trợ tối đa cho học sinh khiếm thính, khiếm thị tiếp cận với các loại tài liệu.
Như đã thống nhất với David, tôi muốn được dự một tiết học trong khoảng thời gian 45 phút, được quan sát, được làm việc với cả thầy và trò ở một lớp cụ thể nào đó nên anh đã bố trí cho tôi vào dự giờ tiếng Anh - Báo chí (English/Journalism) của cô giáo Robin Stover. Cô đã luống tuổi, người xương xương, khuôn mặt tinh anh và lịch lãm. Cô rất vui vẻ đón tiếp tôi tại phòng chờ. Cô giới thiệu với tôi về những lớp cô dạy và lớp 11.1 cô sẽ dạy trong giờ làm việc sắp tới. Có 24 học sinh trong lớp này. Các em sẽ học thực hành báo mạng ở giờ học thứ hai. Cô cho biết ngoài việc học tập, các lớp tiếng Anh - Báo chí còn có nhiệm vụ viết bài, tham gia biên tập, xuất bản báo viết, báo mạng, chương trình báo chí phát thanh truyền hình (Broadcast Journalism) của trường. Mỗi một tháng các em ra một tờ báo, một quý ra một tạp chí theo các chủ đề do chính các em chọn. Để minh họa cho lời nói của mình, cô lấy ra từ trong cặp sách của mình tờ báo The Rock và quyển tạp chí Sauthpaw của trường vừa xuất bản để tặng tôi.
Tờ báo The Rock gồm 20 trang, đầy đủ các mục từ trang tin tức, chính trị, kinh tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, khoa học đến trang tin quốc tế. Nếu chỉ so sánh về mặt hình thức, tôi thấy nó cũng không khác gì những tờ tuần báo của quốc gia mà trường tôi vẫn đặt mua cho cán bộ giáo viên đọc. Quyển tạp chí Southpaw cũng vậy, 52 trang in mầu, cũng không thua kém bất kì quyển tạp chí nổi tiếng nào mà tôi đã từng đọc tại Việt Nam.
Qua chiếc máy tính cá nhân của mình, cô Robin Stover tiếp tục đưa tôi đến chương trình báo chí phát thanh truyền hình CPS 360, chương trình hoàn toàn do học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tham gia thực hiện. Chương trình tôi xem qua màn hình bao gồm chương trình tin tức do các phát thanh viên là học sinh nam, nữ đọc tin, phỏng vấn, dẫn dắt các chương trình, các sự kiện... tất cả đều rất chuyên nghiệp. Chương trình này được phát sóng trên kênh Media. Com 81 và được truyền tải qua mạng internet. Cô Robin Stover cho tôi biết, từ ý tưởng đến kịch bản, từ quay phim đến dựng phim, phát thanh phát sóng hoàn toàn do học sinh đảm nhiệm.
-      Anh thấy chương trình thế nào – Cô Robin hỏi tôi.
-      Phải nói là trên cả sự tuyệt vời. Thực sự tôi không nghĩ học sinh có thể làm được những công việc “của người lớn có nghề” một cách chuyên nghiệp đến như vậy. Biết đến bao giờ học sinh của trường tôi mới làm được những việc như thế này.
-      Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ cố vấn thôi. Nhân tiện đây tôi cũng muốn nói với anh, tôi sắp về hưu rồi. Nếu trường các anh cần, có thể mời tôi và một người bạn nữa sang trường anh dạy từ  năm tới. Ít nhiều chúng tôi cũng đã từng dạy tại một trường trung học ở Đài loan nên có đôi chút kinh nghiệm. Chúng tôi có khả năng giúp trường làm được những điều tương tự như ở đây. Và tôi không nhận lương như ở đây đâu.
-      Tôi sẽ về trao đổi với chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường về vấn đề này.
Robin Stover dẫn tôi và Thúy vào lớp học 11.1. Các em học sinh trong lớp đều đang làm việc trước màn hình với trang Web Bearing News. Cụ thể là các em đang cập nhật những thông tin mới nhất từ các bạn và từ các thầy cô cho trang Web. Trang Web Bearing News là tờ báo mạng tin tức của nhà trường THPT Rock Bridge. Nó cũng giống như các trang báo mạng Vietnam.net, Dân trí, Vnexpress… ở Việt Nam. Nó là ấn phẩm chung, được công bố và cập nhật nhiều lần trong một ngày vì lợi ích của cộng đồng giáo dục Trường Rock Bridge. Mục đích của tờ báo nhằm phản ánh, thông báo trung thực những hoạt động giáo dục, xã hội và giải trí của học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Mạng Bearing News cũng hoạt động như một diễn đàn mở cho học sinh và giáo viên thông qua mục blog. Tất cả các bài viết, các tác phẩm nghệ thuật, các bức ảnh, các đoạn băng video, những ý kiến, bình luận, tranh luận của các thành viên trong nhà trường về tất cả những vấn đề đều được đăng tải qua đường link sau khi đã qua ban biên tập chỉnh sửa hoặc trực tiếp gửi về ban biên tập. Tất cả các thành viên ban biên tập là học sinh đại diện cho các khối, lớp chịu trách nhiệm xuất bản các ấn phẩm trên mạng Bearing New.
Trong các mục của tờ báo trực tuyến như Trường học, Tin tức, Thể thao, Nghệ thuật, Đa phương tiện, Báo đặc biệt, Blog, Lưu trữ, tôi thích nhất là mục Đa phương tiện. Ở mục này, ngoài kênh chữ thông báo ngắn gọn nội dung các sự kiện, nó đưa ra các video minh họa rất sống động. Phần lớn tác giả trong mục này là giáo viên và học sinh ở các lớp học quay phim, chụp ảnh. Chẳng hạn như khi chúng tôi xem đoạn phim về lễ phát bằng tú tài cho học sinh tốt nghiệp PTTH của nhà trường, tôi thấy hình ảnh trang nghiêm và náo nhiệt trong buổi lễ thật xúc động. Mở đầu dàn nhạc vang lên những âm thanh tươi vui, rộn ràng và trong sáng. Những gương mặt rạng rỡ, sáng ngời của các cậu tú, cô tú trong bộ mũ áo súng sính bước vào hội trường. Cô Hiệu trưởng đọc quyết định, trao giấy chứng nhận. Các thầy các cô, các bậc phụ huynh, bạn bè cười nói bắt tay, chúc mừng. Khuôn mặt người nào người nấy đều ánh lên niềm vui, niềm tự hào.
Xem đoạn phim tôi cũng có cảm giác vui lây, bởi vì chưa bao giờ trong đời tôi được dự một buổi lễ phát bằng ở bậc phổ thông đáng ghi nhớ đến như vậy. Một số em trong lớp còn cho chúng tôi xem các đoạn phim sẽ đăng tải trong thời gian sắp tới như đoạn phim Ngôi nhà của cuộc hành trình, đoạn phim Tuần cuối cùng, Lễ hội âm nhạc, Cuộc chiến giữa giáo viên và học sinh, Bạch hoa, Cô gái thực hành trước khi thử giọng, Thành phố Columbia và ngày trái đất, Mưa, Dự án, Cháu trai của Mahatma Gandhi trong khuôn viên trường...
Chúng tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào mục Blog của trang Bearing New. Mục Blog này lại được chia ra thành rất nhiều phần khác nhau để đáp ứng nhu cầu giao lưu trực tuyến đa dạng của hàng trăm học sinh và giáo viên trong trường. Ví dụ như mục Câu lạc bộ Blogs, mục Hình ảnh Blogs, mục Công nghệ day học, mục Columbia, mục Những điều đúng, mục Chúng tôi kiến nghị, mục Những vấn đề xã hội, mục Nhữngvấn đề toàn cầu, mục Topten... Mục Blog là mục bận rộn nhất trong công tác biên tập, bởi hàng ngày có tới hàng chục blog cá nhân trong trường gửi đến ban biên tập. Cao điểm của các cuộc tranh luận có khi lên tới hàng trăm học sinh tham gia. Vì vậy công tác cập nhật phải tiến hành trong từng giờ. Học sinh các lớp báo chí phải thay nhau trực và làm việc suốt ngày.
Cuối buổi dạy, cô Robin đề nghị tôi nói một đôi điều với các em về đất nước Việt Nam và một vài cảm nghĩ của tôi về nước Mỹ. Robin nói: “Biết đâu anh có thể gợi ra vài ý tưởng cho các em trong bài viết sắp tới”. Đúng là lời của dân làm báo. Theo tinh thần của cô giáo, tôi xin phép được sử dụng máy tính trên bàn giáo viên, lấy công cụ Google Earth, đưa hình ảnh bản đồ Việt Nam lên màn chiếu, giới thiệu qua một vài nét khái quát về lịch sử , địa lí, con người Việt Nam. Tôi nói thế hệ trẻ Mỹ hiện nay có thể lạ lẫm với từ Việt Nam. Nhưng những thế hệ trưởng thành từ thập kỉ 60 đến thập kỉ 70 của thế kỉ XX, rất nhiều người Mỹ biết đến Việt Nam.
Tôi lược qua việc chính quyền Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, cuộc chiến tranh do chính quyền Pháp gây ra đối với dân tộc Việt Nam từ năm 1946 đến 1954. Rồi tiếp theo, chính quyền Mỹ trực tiếp gây ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai từ 1955 đến 1973. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam thắng lợi có phần đóng góp vô cùng quan trọng của hàng triệu người Mỹ đấu tranh phản đối chính quyền Mỹ trong suốt thời gian chiến tranh. Người Việt Nam không bao giờ quên ơn những con người đó. Một trong số những con người đó là anh Norman Morrison. Anh sinh ngày 19 tháng 12 năm 1933 ở bang Pensylvania. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh giảng dạy tôn giáo ở một trường trung học. Anh là người tích cực phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Lyndon B. Johnson ở Việt Nam.
Ngày 2 tháng 11 năm 1965, sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh cho người vợ yêu quý, anh bế con gái mới 18 tháng tuổi đến trụ sở Lầu Năm góc, đặt con ở một khoảng cách xa, tẩm xăng vào mình, châm lửa tự thiêu để phản đối cuộc chiến phi nghĩa của chính quyền Mỹ. Anh đã gửi một bức thông điệp bằng cái chết của mình tới người dân Mỹ. Anh yêu vợ, yêu con và yêu mọi người, nhưng anh phải hành động vì tương lai của nước Mỹ. Chính anh đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của người dân Mỹ trong lòng nước Mỹ. Hàng triệu người Việt Nam nghe tin anh tự thiêu, xúc động không cầm được nước mắt. Họ dành cho anh những tình cảm đẹp đẽ nhất từ trong sâu thẳm lòng mình. Nhà thơ Tố Hữu có viết bài thơ “Emili, con”. Tôi đọc bài thơ theo bản dịch của Nhà xuất bản ngoại văn trước lớp:
“Emili, con đi cùng cha
Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc...
....................................................................
Ta đốt thân ta
Cho ngọn lửa chói lòa
Sự thật”.
Tôi đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa bà Anne, người vợ của anh Morrison và cô Emilly với nhà thơ Tố Hữu năm 1988 khi gia đình đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chính phủ Việt Nam. Trong không khí thân tình, nhà thơ Tố Hữu có nói anh Morrison chính là người chiến sĩ, người anh hùng liệt sĩ của dân tộc Việt Nam. Ngọn lửa từ trái tim anh sẽ mãi mãi là nhịp cầu đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc trong tương lai. Từ chỗ là kẻ thù của nhau trong ba mươi năm, đến hôm nay hai nước đã xây dựng được mối quan hệ đối tác toàn diện. Hai bên đã thỏa thuân hợp tác sâu rộng về chính trị, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng...
-      Tại sao lại có sự thay đổi như vậy trong quan hệ giữa hai nước, Tôi hỏi các em trong lớp và tự trả lời, một quá khứ đau buồn, một hiện tại đầy triển vọng. Và tương lai như thế nào là do thế hệ trẻ hai nước quyết định. Tôi nghĩ đây cũng là một đề tài đáng để những người làm báo quan tâm. Còn cảm nghĩ của tôi về nước Mỹ ư? Thật khó có thể nói hết được tất cả các khía cạnh về nước Mỹ. Một nước Mỹ trong quá khứ. Một nước Mỹ hiện tại. Một nước Mỹ trong tương lai. Nền chính trị Mỹ. Chính quyền Mỹ. Người dân Mỹ. Nền kinh tế Mỹ. Khoa học công nghệ Mỹ. Y tế Mỹ. Giáo dục đại học Mỹ. Giáo dục phổ thông Mỹ... Có rất nhiều điều để nói. Tôi chỉ nói một vài điều. Trong quá khứ, cuộc cách mạng Mỹ, cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa chống lại đế quốc Anh từ năm 1775 đến 1783, đó là một cuộc cách mạng vĩ đại. Tinh thần, tư tưởng cũng như thực tế về nền độc lập của Hoa Kì đã trở thành một tấm gương sáng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh. Hơn 200 năm đã trôi qua, người Mỹ đã xây dựng được một quốc gia vĩ đại, một quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, có nền khoa học công nghệ tiên tiến nhất thế giới, có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất thế giới. Hiên tại người Mỹ đang đi tiên phong trong một nền kinh tế mới. Đó là nền kinh tế tri thức. Tương lai vẫn đang hứa hẹn với nước Mỹ. Trong quá trình phát triển của mình, nước Mỹ đã là bạn của nhiều quốc gia, dân tộc nhưng nước Mỹ cũng là kẻ thù của nhiều quốc gia dân tộc. Nước Mỹ có cái đúng và nước Mỹ có nhiều cái sai lầm. Lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng. Còn về giáo dục, tôi không nói rằng nền giáo dục Mỹ là hoàn hảo, nhưng các em đang được hưởng một nền giáo dục tiên tiến. Thăm nhà trường, thăm lớp các em, tôi nghĩ nhà trường và các em có quyền tự hào về trường mình, về bản thân mình. Hy vọng rằng thế hệ trẻ Mỹ và các bạn ở đây sẽ làm nên một nước Mỹ tốt đẹp hơn trong con mắt của tất cả mọi dân tộc trên thế giới.
Tất cả chúng tôi chụp ảnh lưu niệm ở trong lớp và ngoài lớp. Cô Robin Stover trao cho tôi tấm danh thiếp: “Cần gì anh cứ gọi cho tôi”. Tôi bùi ngùi rời khỏi lớp học, hi vọng sẽ còn có dịp gặp gỡ các em tại lớp học và nhất là được làm việc với cô Robin trong một tương lai không xa. David Laughlin bận phải lên lên lớp. Anh nhờ hai học sinh nữ ở lớp báo chí đưa tôi và Thúy tiếp tục thăm Trung tâm dạy nghề Khu vực Columbia. David nói giáo dục nghề hay nói một cách đầy đủ là giáo dục kĩ thuật và nghề nghiệp nằm trong chương trình giáo dục chung ở Trường THPT Rock Bridge. Nhìn chung, học sinh nào cũng gần như bắt buộc phải chọn một trong những chương trình nghề. Trường Rock Bridge và các nhà trường THPT ở Mỹ đều cung cấp những khóa học kĩ thuật và nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12 như kinh tế gia đình, gia công đồ gỗ và kim loại, công nghệ máy tính, công nghệ laze, sửa chữa ô tô, kĩ thuật dịch vụ, kế toán, nhiếp ảnh và quay phim, kĩ thuật công nghệ nông nghiệp...
Người Mỹ rất thực dụng. Điều này thể hiện ở việc họ đặc biệt trú trọng tới giáo dục kĩ thuật, nghề nghiệp trong nhà trường và gắn nó với tiêu chuẩn cải cách giáo dục trong nhà trường. Có khoảng trên 14 triệu học sinh THPT của 1300 trường THPT và 1700 trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ đang theo học các chương trình nghề tại các trung tâm học nghề, các trường nghề công và tư. Kể cả học sinh đang theo học đại học cũng không ít người tham gia học nghề. Công tác giáo dục kĩ thuật và nghề nghiệp ở các trường trung học vẫn đang tiếp tục thay đổi, phát triển và đổi mới để tạo ra môi trường, tạo ra cơ hội ngay ở trong nhà trường phổ thông. Nó vừa giúp đỡ học sinh khám phá ra những sở thích, niềm say mê và sự lựa chọn con đường dẫn tới sự thành công; nó cũng vừa giúp đỡ học sinh có được những kĩ năng, kiến thức kĩ thuật và các nền tảng học thuật nghề nghiệp nghiêm ngặt, những kinh nghiệm thực tế cần thiết cho người lao động có chuyên môn cao.
Nền kinh tế phát triển của Mỹ đòi hỏi học sinh, sinh viên Mỹ phải nhận thức được chiều hướng vận động của nghề nghiệp. Đặc biệt là sự phát triển của những nghề nghiệp mới, những nghề nghiệp trong khối dịch vụ. Qua thực tế tìm hiểu, tôi nhận thấy nhà trường Mỹ đã làm rất tốt công tác giáo dục kĩ thuật và hướng nghiệp. Đương nhiên việc giáo dục kĩ thuật và nghề nghiệp sẽ đem lại kết quả giáo dục cao hơn, hình thành những kĩ năng cao hơn, có được tay nghề cao hơn để giúp cho quốc gia của họ đáp ứng được những thách thức của sự phát triển kinh tế, cải thiện năng lực cũng như thành tích của học sinh, sinh viên để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong môi trường làm việc quốc tế.
Hai em học sinh nữ đưa tôi đến gặp Tiến sĩ Rebecca Pisano, trợ tá giám đốc trung tâm dạy nghề. Chị bật máy, mời chúng tôi xem sơ đồ và giới thiệu về các nhóm ngành nghề. Trung tâm có 7 nhóm ngành nghề với hàng trăm các lớp học khác nhau dành cho học sinh THPT và dành cho các đối tượng cần học nghề trong thành phố. Trung tâm phối hợp với hàng chục trường đại học và cao đẳng để triển khai học và thực hành cấp chứng chỉ cho 7 nhóm ngành nghề. Nó bao gồm: 1. Nghệ thuật và truyền thông; 2. Kinh doanh, quản lí và công nghệ; 3. Kĩ thuật và công nghệ công nghiệp; 4. Nền tảng kiến thức ngôn ngữ và các kĩ năng; 5. Dịch vụ sức khỏe; 6. Dịch vụ hỗ trợ con người; 7. Tài nguyên trong nông nghiệp.
Mỗi nhóm ngành nghề lại có hàng chục lớp học theo từng chuyên ngành khác nhau. Chẳng hạn như nhóm ngành nghệ thuật và truyền thông có nhiều  lớp học chuyên khác nhau như: Báo chí và phát sóng, truyền thông kĩ thuật số, đồ họa và đồ họa đa chiều, video kĩ thuật số, thiết kế đồ họa và xuất bản, web 2.0 và ứng dụng điện toán đám mây, thiết kế trang web, truyền thông và marketing. Hoặc nhóm ngành tài nguyên trong nông nghiệp cũng có rất nhiều các lớp học như: Khoa học động vật, công nghệ trồng trọt, lập dự án trong nông nghiệp, động vật và khoa học thú y, công nghệ làm nhà kính trong nông nghiệp, quản lí nông nghiệp, quản lí cảnh quan, bảo tồn khu vực, kĩ thuật trồng và chăm sóc hoa...
Hai em học sinh đưa chúng tôi đi tham quan và giới thiệu khoảng vài chục phòng học nghề. Về hình thức, các phòng học này cũng giống như các phòng học văn hóa. Nhưng bên trong thì hoàn toàn khác. Tùy theo loại hình nghề, các lớp đặt những thiết bị, dụng cụ, máy móc hoàn toàn khác nhau. Theo tôi biết thì tất cả những thiết bị, dụng cụ, máy móc đều cập nhật và hiện đại. Có những phòng mà trị giá bên trong lên tới gần triệu đô. Có cả những phòng thí nghiệm chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Chúng tôi được tiếp xúc trực tiếp với các thầy cô và học sinh ngay trong các lớp học và thực hành. Số lượng học sinh ở các lớp học nghề thường dao động trong khoảng từ 10 đến 20 học sinh. Mục sở thị lí thuyết và thực hành nghề ở các lớp, tôi cảm nhận được cả thầy lẫn trò đều đang đắm mình trong niềm say mê công việc. Học sinh học và thực hành toàn tâm toàn ý để theo đuổi một công việc, một nghề nghiệp theo đúng nội hàm ngữ nghĩa của từ nghề nghiệp. Tất cả không khí ở trung tâm dạy nghề này toát lên vẻ nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiện đại và tiên tiến.
Chúng tôi đến thăm lớp chế biến thực phẩm và nấu ăn. Các em học sinh trong lớp này được cung cấp những kiến thức và kĩ năng làm việc để trở thành những người nấu ăn chuyên nghiệp trong nhà bếp của các nhà hàng. Tất cả các em đều đội một kiểu mũ trắng, mặc đồ trắng trang phục của nhà bếp. Lớp này được chia nhỏ ra thành ba nhóm. Nhóm làm bánh thì đang vận dụng những nguyên liệu, phương pháp làm bánh mì, bánh nướng, bánh ngọt và trực tiếp đưa vào lò. Nhóm làm xúc xích, hamburger, thịt bò nướng thì đang đơm các thứ ra từng đĩa một. Nhóm thì đang thái rau các loại, thái thịt bò sống ra thành từng miếng rồi đưa vào chảo xào xáo theo công thức các món ăn trong khu vực. Nhóm nào cũng có một giáo viên trực tiếp chỉ dẫn và giám sát.
-      Thành phẩm các em làm ra được chia theo từng xuất, một giáo viên nói với tôi, mỗi xuất là một xuất ăn trưa hay ăn tối phục vụ cho các học sinh hay các thành viên đến học tại trung tâm. Chính vì vậy, các em không được phép sai sót. Nếu được cấp chứng chỉ, học xong lớp 12, các em có thể đi làm ngay tại các nhà hàng với tư cách là đầu bếp hoặc phục vụ. Nếu muốn học lên đại học, cao đẳng các em sẽ được ưu tiên nhận vào các ngành công nghệ chế biến, thực phẩm, dịch vụ ăn uống...
Thăm lớp chăm sóc người bệnh, người già và trẻ em tôi rất ngạc nhiên, bởi lớp này là lớp đông nhất trong số các lớp tôi được biết. Tất cả có 24 học sinh: 18 học sinh nữ, 6 học sinh nam. Các em đều đội mũ, mặc đồng phục trắng như các y tá và hộ lí ở các bệnh viện. Học ở lớp này các em học sinh được học những kiến thức và các kĩ năng chăm sóc bệnh nhân trong các lớp học, trong phòng thí nghiệm, trong các gia đình hay các địa điểm lâm sàng trong cộng đồng. Các em được học kiến thức và kĩ năng xử lí các tình huống sơ cứu ban đầu; các thuật ngữ y tế ứng dụng; kiến thức kĩ năng cơ bản trong giao tiếp; điều kiện làm việc ở phòng thuốc; trợ giúp bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên ở phòng khám, ở gia đình; kiến thức và phương pháp chăm sóc người già, trẻ em.
Các em được chia làm ba nhóm và học ngay ở trong phòng thực hành. Nhóm thứ nhất các em thực hành nâng nhấc người bệnh ra khỏi giường (người mẫu bằng gỗ như người thật) và chở đi trên xe lăn. Nhóm thứ hai thực hành tiêm trên người bệnh trên giường nằm (người mẫu bằng cao su như người thật). Nhóm thứ ba thực hành đo huyết áp trên chính các bạn cùng nhóm trên những chiếc giường để trống trong phòng. Học sinh tốt nghiệp PTTH nếu học qua lớp này có thể đi làm ở các cơ sở y tế. Nếu muốn học tiếp lên đại học, cao đẳng thì các em sẽ được các trường chuyên ngành y, dược, phân tích hóa sinh, công nghệ y sinh... ưu tiên xét nhập học.
Phòng học cuối cùng mà chúng tôi vào thăm là phòng học công nghệ laser. Tôi hơi ngài ngại khi theo các em dẫn vào phòng này. Ngại là vì tôi chẳng biết gì về laser mặc dù trước đó tôi đã nghe nói đến việc Mỹ ném bom điều khiển bằng “tia lade” trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tiếp theo tôi  đã được dùng máy in laser. Tôi nghĩ đại loại nó là một thứ công nghệ đem lại tiện ích chính xác giống như bom ném trúng mục tiêu, bản in laser đẹp và sắc nét hơn bản in kim. Ngại là vì phòng công nghệ laser gợi lên cho tôi một cái gì đó có vẻ nguy hiểm tựa như bút chỉ bằng laser chiếu vào mắt có thể mù. Thực ra Phòng công nghệ laser không phải như điều tôi tưởng tượng. Thúy giải thích tôi mới vỡ lẽ. Laser là chữ viết tắt của cụm từ “Light Amplification by Stimulated Emission of radiation”, có nghĩa là khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích. Nói nôm na nó thuộc lĩnh vực lượng tử ánh sáng.
Ở lớp học lớp công nghệ laser, học sinh được hưởng niền vui khi học về lí thuyết lượng tử ánh sáng, ánh sáng và lí thuyết sóng, lí thuyết và ứng dụng của laser, nguyên lí cấu tạo và cơ chế hoạt động chung của máy laser, an toàn trong phòng thí nghiệm laser, truyền tin tức bằng tín hiệu tia hồng ngoại qua sợi thủy tinh, ứng dụng chụp ảnh ba chiều, ứng dụng trong kĩ thuật in ấn... Cũng như các lớp học khác, học sinh có thể xin đi làm ngay sau khi học xong lớp 12, học sinh học qua lớp công nghệ laser có thể xin làm nhân viên trong các phòng thí nghiệm công nghệ, các nhà máy xí nghiệp có liên quan đến sản xuất và ứng dụng laser. Nếu có nhu cầu học đại học và cao đẳng các em sẽ được ưu tiên nhận vào các ngành như vật lí, cơ khí, kĩ thuật và công nghệ...
Chia tay David và hai học sinh trường Rock Bridge sau một ngày làm việc, chúng tôi ra về với bao cảm xúc.Thúy nói với tôi:
-      Trước khi đi với ba, con còn nghĩ giáo dục phổ thông của mình vẫn không đến nỗi lắm, nhưng bây giờ con nghĩ cả giáo dục phổ thông của mình cũng quá lạc hậu. Không biết đợt cải cách sắp tới giáo dục Việt Nam sẽ như thế nào?
-      Ba không còn quá kì vọng vào những nhà hoạch định chính sách giáo dục nữa. Họ đã làm cho ba thất vọng hai lần rồi. Họ là những nhà khoa học, những nhà giáo dục, những nhà quản lí, sản phẩm của một nền giáo dục bút lông và bút sắt, sản phẩm của một xã hội nông nghiệp mới bước vào xã hội công nghiệp. Hãy xem họ đã làm được cái gì trong thời gian qua thì sẽ biết sắp tới đây họ sẽ làm được cái gì. Nếu 70 nghìn tỉ mà vực dậy được nền giáo dục xuống cấp này thì thật quá rẻ.
-      Sao ba bi quan thế?
-      Có thể tại ba đã có tuổi nên không nhiều lạc quan. Ba nghĩ lần cải cách đầu tiên vào năm 1956, sự nghiệp giáo dục phổ thông của đất nước chúng ta đã rất thành công với hệ thống giáo dục 10 năm. Cấp 1 bốn năm, từ lớp 1 đến lớp 4. Cấp 2 ba năm, từ lớp 5 đến lớp 7. Cấp 3 ba năm, từ lớp 8 đến lớp 10. Mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, nội dung giáo dục và cả sách giáo khoa đều đảm bảo yêu cầu giáo dục, yêu cầu khoa học, dân tộc và đại chúng. Nó đã góp phần tạo ra một thế hệ, thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh của dân tộc giao cho. Nhưng rồi họ đã quá vội vàng với hai lần cải cách sau. Hai lần cải cách sau, ba chứng kiến và trực tiếp tham gia vào đó. Cả hai cuộc cải cách đều áp đặt từ trên xuống tới cấp cơ sở. Các cơ sở giáo dục từ cấp thành phố trở xuống cấp trường chỉ biết thi hành theo mệnh lệnh. Cuộc cải cách lần thứ hai bắt đầu vào những năm 80 của thế kỉ trước. Cuộc cải cách bắt đầu trong bối cảnh đất nước bắt đầu lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế và xã hội. Lương hiệu phó của ba không mua nổi một yến gạo ngoài thị trường. Hàng hóa, lương thực thực phẩm thiếu trầm trọng. Ba mẹ sáng đi làm uống một cốc nước lọc. Trưa về phải ăn cháo thay cơm. Đời sống giáo viên lúc đó có thể nói là cùng cực nhất. Vậy mà họ vẫn cứ quyết định cải cách. Nghe các cấp phổ biến cải cách giáo dục ai cũng lo lắng. Mục tiêu giáo dục đặt ra cao vòi vọi. Phải giúp học phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ; phải có tri thức tiên tiến về khoa học tự nhiên, về xã hội, về con người; phải có các kĩ năng cơ bản nhằm hình thành con người Việt Nam Xã hội chủ nghĩa... Trong khi đó, điều kiện cơ sơ vật chất không có cái gì để thực hiện cải cách giáo dục. Đã thế, hệ thống giáo dục phổ thông từ 10 năm lại kéo dài thêm, chuyển sang hệ thống giáo dục 12 năm. Cấp 1 sáp nhập với cấp 2 thành cấp phổ thông cơ sở từ  lớp 1 đến lớp 9. Cấp 3 chuyển thành cấp phổ thông trung học từ lớp 10 đến lớp 12. Cuộc cải cách này bắt đầu từ lớp 1, họ xóa bỏ phương pháp giáo dục của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người đã đưa ra giải pháp khoa học về học thuật lẫn thực tiễn, gọi tên chữ theo âm, dành cho những người học lớp bình dân học vụ để xóa bỏ nạn mù chữ của 95% dân số Việt Nam sau năm 1945. Những người làm cải cách giáo dục đã sáng tạo ra cách đánh vần mới: đánh vần âm giữa và cuối trước, sau đó mới ghép phụ âm đầu vào thành tiếng. Đồng thời họ chủ trương bỏ tất cả các nét phụ của hệ thống chữ cái và lần đầu tiên đưa các khái niệm toán học vào lớp 1. Kết quả sau năm học đầu triển khai đã có khoảng 600.000 học sinh lưu ban lớp 1 và một thế hệ chữ viết như que củi nguệch ngoạc ra đời. Cứ thế, họ cuốn chiếu chương trình cải cách duy ý chí và nhiều sai lầm cho đến hết lớp 12 với bao hệ lụy đáng buồn đến ngày nay cho ngành giáo dục. Một trong những sai lầm là việc đánh giá kết quả giáo dục học sinh dựa trên điểm số và thi cử. Chế độ kiểm tra và thi cử hết sức nặng nề diễn ra từ lớp 1 đến lớp 12. Đầu điểm lớp 5 hàng tháng lên tới 20 đầu điểm; lớp 9 và lớp 12 có môn tính theo hệ số, một học kì có tới 15 đầu điểm. Rồi thi tốt nghiệp lớp 5, thi tốt nghiệp lớp 9, thi tốt nghiệp lớp 12, thi đầu vào lớp 6, thi tuyển vào lớp 10, thi đại học cao đẳng. Ở các thành phố lớn, với trình độ sư phạm hạn chế, cán bộ quản lí trường nào trường nấy đua nhau tổ chức thi vào lớp chuyên lớp chọn. Chế độ đánh giá, kiểm tra thi cử với những sáng tạo tự biên tự diễn thiếu hiểu biết đầy đủ trong cải cách giáo dục, trên thế giới có lẽ chỉ có ở Việt Nam.
-      Con nhớ đến thời con đi học, người ta đã phục hồi lại cách chữ viết như cũ cơ mà.
-      Đúng vậy, người ta sửa nhiều và sai không thể sửa cũng nhiều. Như để bào chữa cho sự nóng vội và có thể nói là sự thất bại của cải cách giáo dục lần thứ hai, bắt đầu từ năm học 2001- 2002, người ta bắt đầu cải cách lần 3. Cải cách lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Yêu cầu đặt ra cần phải cải cách giáo dục là đúng. Điều kiện tiền đề để cải cách giáo dục có thể nói là có cơ sở. Nhưng vẫn những con người cũ với lối tư duy của một thời gian dài ảnh hưởng của nền giáo dục Xô Viết, vẫn tập thể tác giả ấy, vẫn hội đồng thẩm định ấy, họ triển khai đồng loạt cải cách giáo dục với một tham vọng to lớn hơn, hoành tráng hơn cả về mục tiêu lẫn nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy so với lần cải cách thứ hai. Nghe thì có vẻ hợp lí. Nội dung có vẻ khoa học lắm. Thầy cô phấn khởi lắm. Nhưng kết quả thật đáng buồn. Có địa phương buổi sáng học sinh học lớp 3, buổi chiều học lại lớp 1 vì chưa biết đọc biết viết. Chương trình toán học, văn tiếng việt từ lớp 1 đến lớp 12 đều quá tải. Chương trình  vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử ở các cấp cũng đều có nhiều vấn đề. Chương trình học phân ban, 90% học sinh không hưởng ứng. Hay nói chính xác là 90% học sinh chỉ học ban cơ bản, chỉ có 3% học sinh chọn ban xã hội. Có thể nói đó là một sự thất bại thảm hại. Thêm vào đó, việc học thêm diễn ra tràn lan khắp thành thị tới nông thôn. Bệnh thành tích kèm theo sự giả dối đi song hành với các trường học. Dân tình biết cả đấy nhưng chỉ biết ca thán. Các quan chức, nhất là quan chức trong ngành giáo dục có điều kiện đều gửi con ra nước ngoài học. Những năm 1960, 1970 giáo dục Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu với các nước bạn bè, với các nước xung quanh, còn bây giờ chúng ta chỉ biết cúi mặt xuống. Trong bảng xếp hạng của thế giới càng những năm về sau, Việt Nam càng tụt hạng, chỉ trừ thành tích thi cử gà nòi. Sao giáo dục Việt Nam lại đến nông nỗi này? Kết quả 15, 16 năm dưới mái trường, số đông sinh viên trình độ thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Thăm giáo dục Thái Lan, Singapore và bây giờ là nhà trường Mỹ, không biết ba có nên tin vào chương trình cải cách sau năm 2015 của chúng ta nữa hay không?
-      Suy cho cùng là vì mình chủ quan duy ý chí và nghèo.
-      Chưa đủ, phải nói thêm vào nữa là mình dốt và tham.
-      Ba về hưu để đi làm bên ngoài rồi, cần gì phải bận tâm nữa?
-      Ba đã làm công tác quản lí giáo dục và vẫn đang làm công tác quản lí giáo dục nên không thể không quan tâm.
Vì làm công tác quản lí giáo dục các cấp gần 40 năm, có thể nói tôi khá am hiểu về giáo dục. Loại trừ việc xem xét về cở sở vật chất phục vụ giảng dạy ở nhà trường Việt Nam và Mỹ, chỉ so sánh chương trình, nội dung dạy học, so sánh việc kiểm tra đánh giá, thi cử mới thấy thương thày trò của mình. Cấp THCS có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục. Cấp THPT có 13 môn học và 5 hoạt động giáo dục. Thày trò từ lớp 6 đến lớp 12 hết năm này sang năm khác gồng mình lên, học trong trường, học ngoài trường, học ngày học đêm, học thêm đủ hình thức để chạy theo khối lượng tri thức đầy tính hàn lâm, để đi thi được vào lớp 10 trường công, để đi thi được vào trường chuyên lớp chọn, để đi thi tốt nghiệp, để thi vào được một trường đại học hay cao đẳng nào đó. Học sinh học để đi thi, ngoài ra không biết học để làm việc gì khác.
Biện hộ cho cái tư tưởng Lều chõng này, các quan chức giáo dục Việt Nam, đặc biệt tầng lớp quản lí trường học, đến ngày hôm nay vẫn khẳng định nếu không thi cử thì chất lượng sẽ đi xuống. Trường trung học của Mỹ số môn học ít hơn 1/3, chỉ 6 đến 7 môn và hoạt động giáo dục. Viêc đánh giá hay kiểm tra trong nhà trường đều hướng tới việc hình thành và phát triển năng lực của người học. Ở cấp THPT, họ triệt để dạy học  phân hóa, chỉ có 2 đến 3 môn văn hóa cơ bản, cụ thể là tiếng Anh và toán học, lịch sử và nhà nước theo tín chỉ bắt buộc, còn tất cả là các môn học là do học sinh tự chọn, định hướng nghề nghiệp và học nghề phù hợp với thiên hướng, năng lực, sở trường đối với những lĩnh vực kiến thức, kĩ năng hay nghề nghiệp nào đó. Học sinh ở Mỹ học là để biết, học để làm việc, học để hòa nhập, để tự khẳng định mình và sáng tạo chứ không phải là học để đi thi. Đó là sự khác biệt căn bản giữa hai nền giáo dục.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.