Thăm Trường Columbia Independent School

Leave a Comment
Những ngày rỗi rãi, chẳng biết làm gì, một mình tôi cứ đi lang thang thăm hết trường này đến trường khác, từ trường tiểu học đến trường trung học phổ thông. Đến trường nào tôi cũng nhận được sự tiếp đón và giúp đỡ rất nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của nhà trường. Tôi còn nhận được 4 chiếc áo đồng phục của 4 nhà trường tặng làm quà lưu niệm trước khi ra về. Tôi thực sự cảm động vì mình là một người xa lạ, tiếng Anh không thông thạo, lại nghễnh ngãng, nhưng hình như người ta không để ý đến điều đó, họ coi tôi như một người bạn rất trân trọng của nhà trường. Thật tình tôi còn có cảm giác ấm áp và tình cảm hơn khi trở về những ngôi trường mà tôi đã từng công tác ở Việt Nam.
Nhìn chung các trường công trong thành phố đều na ná như nhau. Vì thế tôi nói với Vân tìm cho tôi một ngôi trường tư nào đó, và sau khi tìm hiểu trên mạng, qua tìm hiểu từ bạn bè cùng lớp của Vân, hai cha con quyết định đến thăm Trường Columbia Independent School. Nhìn chung các trường tư ở Mỹ từ mầm non cho tới đại học phát triển rất mạnh mẽ. Trên thực tế rất nhiều trường tư là những trường có danh tiếng và có chất lượng cao, cao hơn so với trường công.
Đối với các bậc học ở phổ thông điều đó hoàn toàn đúng. Các trường công từ tiểu học đến trung học phổ thông không phải đóng học phí. Nếu gia đình thu nhập thấp, học sinh còn được đi xe công cộng đến trường miễn phí, ăn trưa tại trường miễn phí. Trường tư thì học phí rất cao. Khoảng từ 12 ngàn đến 40 ngàn đô một năm tùy theo cấp học và tùy theo khu vực. Người Mỹ quan niệm rằng người ta bỏ ra ngần ấy tiền một năm cho con em họ học trường tư, đương nhiên người ta phải nhận được dịch vụ chất lượng giáo dục cao hơn so với trường công. Trường tư thục phải chứng minh được chất lượng đó và phụ huynh phải nhìn thấy kết quả của chất lượng đó.
Trong tổng số xấp xỉ 56 triệu học sinh tiểu học và trung học của Mỹ năm học 2013, có trên 6 triệu, khoảng 11% học sinh học tại các trường tư. Một nửa số học sinh trường tư là học tại các trường của nhà thờ tôn giáo, các trường này thường có lịch sử lâu đời nhất Hoa Kì. Các trường tư lâu đời ở Hoa Kì là các trường nội trú tinh hoa, được thành lập từ thế kỉ 18. Các trường này là cái nôi đào tạo nên nhiều chính trị gia, các văn nghệ sĩ và các nhà khoa học lớn của Hoa Kì. Ngoài ra còn có khoảng 1,1 triệu học sinh không học ở trường công, cũng không học ở trường tư, chỉ học ở nhà do bố mẹ dạy theo chương trình của mỗi bang quy định và cũng được cấp bằng theo trình độ như học sinh học ở trường công và trường tư.
Ở Mỹ còn có một xu hướng tư nhân hóa trường công. Những trường được tư nhân hóa người ta gọi là trường bán công. Theo ước tính của Bộ Giáo dục, các công ty tư nhân hoạt động vì lợi nhuận hiện đang điều hành 10% số trường bán công trên khắp đất nước. Một trong những công ty lớn nhất là hệ thống trường Edison được thành lập năm 1992. Công ty này đã trực tiếp điều hành 19 trường công ở các bang, đồng thời phối hợp với một số trường công khác xây dựng các học viện giáo dục và cung cấp thêm các dịch vụ giáo dục của riêng mình. Các công ty như công ty  Edison cho rằng sự cạnh tranh của họ có thể giúp cải thiện chất lượng của cả trường công lẫn trường tư. Theo đó, họ làm lợi cho các khách hàng (học sinh) như ở bất cứ một thị trường nào.
Giang lái xe đưa tôi và Vân đến Trường Columbia Independent School, một trường dân lập liên cấp, nằm ở ngoại ô thành phố. Rất tiếc vào thời điểm tháng 6, học sinh bắt đầu nghỉ hè nên không thể vào thăm lớp dự giờ được. Chúng tôi dự định đi thăm một vài trường tư với mục đích tìm hiểu thủ tục để năm học tới sẽ đưa một số học sinh lớp 10, lớp 11 đang học ở Hà Nội sang học ở Columbia (Trường công ở Mỹ không nhận học sinh quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp bố mẹ đang công tác hoặc học tập tại Mỹ). Vân cho tôi biết sở dĩ trường có cái tên“ Independent”  là vì năm 1996, một nhóm các gia đình do Justin Perry đứng đầu muốn có một ngôi trường cung cấp một cơ hội giáo dục độc đáo cho con em họ và cho cộng đồng phát triển ở Columbia. Xuất phát từ nguồn cảm hứng này, Perry đặt ra mục tiêu phải xây dựng một ngôi trường độc lập, tiếng Anh nghĩa là Independent, trường không phụ thuộc vào một đảng phái nào, không theo một tôn giáo nào, ngôi trường thế tục, học sinh phải được đưa vào một môi trường thử thách cao về tinh thần và thể chất để chuẩn bị bước vào học tại các trường đại học và bước vào một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động.
Với tinh thần ấy, hơn 30 gia đình cùng nhau tập trung nguồn lực, sáng lập ra ngôi trường mang tên Columbia Independent School. Năm1998 nhà trường mở cửa đón 55 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 với 16 giáo viên cơ hữu. Mỗi năm học sau đó có thêm một lớp bổ sung, ba năm sau, hệ thống trường trung học phổ thông bắt đầu được hoàn chỉnh. Mùa xuân năm 2002, nhà trường tổ chức lớp tốt nghiệp đầu tiên. 100% học sinh tốt nghiệp đều vào học ở các trường đại học và cao đẳng. Cũng từ năm học này nhà trường quyết định mở thêm khối tiểu học và nhận học sinh đến từ các nước ngoài Hoa Kỳ.
Tôi và Vân đến sớm 5 phút. Qua cổng trường, chúng tôi thấy có hơn một chục lá quốc kì treo nghiêng ở hành lang, nơi hàng ngày, học sinh đến và ra về đều đi qua dưới lá cờ của quốc gia mình. Phần lớn quốc kì là của các quốc gia Bắc Âu. Chỉ có ba quốc kì của châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chúng tôi còn đang mải nhìn đoán cờ của một vài quốc gia thì nghe thấy giọng của một phụ nữ nói phía sau. Chúng tôi quay lại.
-      Hoan nghênh các bạn đến Trường Columbia Independent. Đó là 14 quốc kì của 14 quốc gia có học sinh học tại trường chúng tôi. Xin tự giới thiệu tôi là Keija Passinen, Giám đốc tuyển sinh. Tôi nghĩ các bạn từ Việt Nam đến để làm việc với nhà trường. Mời các bạn qua phòng Tiến sĩ William Rowe, Hiệu trưởng nhà trường.
Keija Passinen là mẫu mực của người làm công tác tuyển sinh. Từ cử chỉ, lời nói đến hành động đều toát lên vẻ thân thiện, ân cần và chu đáo. Cô hướng dẫn chúng tôi cùng đi về phía hành lang bên phải. Keija khoảng độ 35 tuổi. Tôi đoán cô có nguồn gốc Bắc Âu vì mái tóc điển hình vàng óng ả và đôi mắt màu xanh nhạt sâu thẳm. Cô chỉ cho tôi hàng chữ nổi, đúc bằng vàng, nêu rõ nhiệm vụ của nhà trường: “Hướng dẫn học sinh theo đuổi thành tích trong việc học tập, rèn luyện thân thể và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật; cam kết giáo dục để hình thành trong mỗi cá nhân phẩm chất cao đẹp như tính chính trực, niềm tin và trách nhiệm trong cuộc sống; đồng thời khuyến khích các em nhận ra niềm vui của cuộc sống thông qua thành tích cá nhân và phục vụ người khác, để chuẩn bị cho việc học ở những lớp cao hơn cũng như bước vào cuộc sống cộng đồng”. Keija giải thích thêm:
-      Chương trình của chúng tôi bắt đầu từ lớp Pre-school (lớp 5 tuổi). Chúng tôi kiến tạo cơ hội để làm việc với các em từ giai đoạn đầu của sự phát triển học tập, và cung cấp những thách thức cũng như sự hỗ trợ thích hợp cho sự tiến bộ qua từng năm học. Chương trình được thiết kế để đáp ứng nhu cầu phát triển của học sinh trong suốt quá trình học ở tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong quá trình giáo dục của nhà trường, các em được biết đến và được đánh giá cao về thiên hướng, về khả năng độc đáo riêng biệt. Chúng tôi cũng cố gắng chuẩn bị cho học sinh ngay từ đầu cấp THPT cuộc sống học tập nghiêm ngặt, tự giác trong môi trường đại học và môi trường đầy biến động của thế giới toàn cầu hóa. Chúng tôi cam kết sâu sắc không chỉ đối với sự phát triển trí tuệ, thể chất mà còn cam kết phát triển nội tâm phong phú, đạo đức và tình cảm cao đẹp trong các em...
Khi chúng tôi gõ cửa bước vào,Tiến sĩ William Rowe vui vẻ đứng dậy, bắt tay từng người một. Ông có phong thái tiêu biểu cho những ông giáo đã luống tuổi ngoài 60: Khoan thai và điềm tĩnh.  Trán ông hằn lên nhiều nếp nhăn chạy dài tới tận thái dương. Cặp kính lão nặng trễ trên sống mũi. Ông chỉ ghế mời chúng tôi ngồi, rồi chậm rãi nói:
-      Điểm khác biệt căn bản của CIS (Columbia Independent School) so với các trường công của Hoa Kỳ là tỉ lệ học sinh trên giáo viên rất thấp, không quá 15 em một lớp. Mỗi một học sinh đều có điều kiện tương tác với thầy cô và nhận được sự chú ý cũng như sự hướng dẫn tỉ mỉ của thầy cô qua từng giờ dạy. Điểm thứ hai là trên cơ sở phát triển khả năng của từng học sinh, CIS chuẩn bị đầy đủ các điều kiện ACT, SAT, AP... để các em chắc chắn được nhận vào một trường đại học hay cao đẳng có uy tín nào đó. Điểm cuối cùng, CIS đưa các em vào một cuộc hành trình để giúp các em trở thành công dân toàn cầu ngay từ trên ghế nhà trường.
-      Thầy có thể nói chi tiết hơn về cuộc hành trình của CIS, giúp các em trở thành công dân toàn cầu, Vân sốt sắng hỏi Tiến sĩ William, Vì em đã đến thực tập ở một số trường công trong thành phố Columbia, cả ba điều khác biệt của CIS em đều nhận ra. Nhưng điều thứ ba, CIS làm như thế nào thì em chưa rõ.
Khuôn mặt thầy Hiệu trưởng bỗng rạng ngời lên. Thầy đứng dậy, đi ra bàn làm việc của mình, lấy một quyển sách giống như quyển tạp chí in mầu tặng chúng tôi.
-      Tặng các bạn cuốn sách viết về CIS. Xem cuốn sách này, các bạn sẽ nắm được những hoạt động giáo dục chủ yếu của CIS. Tôi chỉ nói một cách vắn tắt về chương trình giáo dục công dân toàn cầu được mở rộng tới tất cả các cấp học. Nó là một phần trong chương trình chung, và nằm trong hoạt động văn hóa của nhà trường. Chúng tôi cam kết giới thiệu cho học sinh những nét đẹp và tính đa dạng của nền văn hóa nhân loại; đồng thời nâng cao nhận thức về những vấn đề toàn cầu mà loài người đang phải đương đầu. Cụ thể, bắt đầu từ tiểu học, tất cả các học sinh đều có cơ hội chọn học một trong những ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật như ngôn ngữ thứ hai để giao tiếp. Đến trung học cơ sở, học sinh lại được học thêm tiếng Latin và một ngôn ngữ hiện đại nữa. Các em cũng được tự chọn một châu lục để học về địa lí, văn hóa, đất nước, con người. Bước vào trung học phổ thông, nhà trường khuyến khích học sinh học tập ở nước ngoài theo chương trình trao đổi văn hóa và được cung cấp, xử lí thông tin về những sự kiện quan trọng đang diễn ra trên thế giới. Bắt đầu từ lớp 11 học sinh học theo giáo trình “Những Vấn đề Toàn cầu”. Mỗi năm học sinh lớp 11 và lớp 12 được tham dự Hội nghị của Liên Hợp Quốc bàn về những đề tài quan trọng nhất của nhân loại. Ngoài ra, nhà trường luôn tổ chức những hoạt động văn hóa, lễ hội văn hóa dân tộc, ngày nghệ thuật văn hóa quốc tế. Học sinh CIS năm nào cũng có cơ hội đi du lịch tham quan những đất nước từng là cái nôi văn hóa của loài người và khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Anh, Pháp, Ý, Nam Phi...
Rời khỏi phòng Hiệu trưởng, hai cha con tôi tiếp tục theo cô Keija thăm các phòng học văn hóa và khoa học, các phòng chức năng, phòng thí nghiệm, phòng thư viện, phòng máy tính, phòng hội họa và phòng nghệ thuật tạo hình, phòng âm nhạc và phòng nghệ thuật biểu diễn, phòng thể dục và sân vận động thể thao. So sánh với các trường công ở Mỹ mà tôi từng đến thăm, thì cơ sở vật chất của trường tư này không có gì nổi trội hơn so với các trường công. Trong khi đó, Keija cho biết, mức học phí cấp tiểu học là 12 ngàn, trung học cơ sở 13 ngàn, trung học phổ thông 14 ngàn đô một năm học, chưa kể các phụ phí khác. Vậy tại sao tầng lớp trung lưu và tầng lớp giàu có ở Columbia vẫn cho con vào CIS học. Có lẽ điểm nội trội của CIS so với trường công như thầy hiệu trưởng nói là ở tỉ lệ học sinh trên giáo viên thấp, là phương pháp dạy học cá thể hóa qua tương tác thầy trò, là cam kết chất lượng cao về giáo dục đạo đức và trí dục trong thời đại toàn cầu hóa. Tôi nói với Vân:
-      Suy cho cùng, sự khác biệt của CIS so với các trường công ở Columbia nằm chính ở cách tiếp cận của cán bộ, giáo viên với học sinh và ở chương trình đào tạo của nhà trường.
-      Con đồng ý với ba, nhưng điều then chốt nhất của CIS chính là ở mục tiêu giáo dục học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Có lẽ CIS cũng chỉ dừng lại ở mục tiêu: Mức độ công dân toàn cầu thôi. Con từng đến một trường tư khác, người ta lại hết sức chú ý đến yếu tố kinh doanh. Ở các hành lang ra vào của trường đó là hàng dãy những bảng điện tử, cập nhật chỉ số chứng khoán hiện thời của các ngân hàng lớn trên thế giới, của các tập đoàn đa quốc gia, của các công ti có tên tuổi trong ngoài nước. Con nhà giàu học ở đó được định hướng để trở thành những nhà hoạch định chính sách trong từng lĩnh vực, những giám đốc điều hành lãnh đạo, những nhà sản xuất kinh doanh...
Tiếp theo lịch trình, chúng tôi trao đổi với Tiến sĩ Beth Gardner về chương trình giáo dục của Trường Tiểu học CIS tại phòng làm việc của giám đốc điều hành. Khi chúng tôi đưa ra yêu cầu, Tiến sĩ Beth xin lỗi mọi người chờ đợi ít phút. Chị mở máy tính, in ra khoảng mấy chục trang giấy, ghim lại rồi đưa cho chúng tôi:
-        Toàn bộ chi tiết chương trình cả năm cho tới từng tuần của chúng tôi nằm trong những trang giấy này. Tôi chỉ nói đôi điều tổng quan và một số điểm nổi bật đáng lưu ý của các môn học. Tiểu học CIS cung cấp một nền tảng vững chắc về nghệ thuật ngôn ngữ, toán học, khoa học, xã hội và một số môn học khác thông qua thực hành, thông qua việc tổ chức và hướng dẫn học sinh theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Các em được tiếp xúc với nhiều phương pháp như học tập qua thực tế, học tập hợp tác, học tập theo nhóm nhỏ và phương pháp cá thể hóa. Mỗi ngày học, ngoài hai môn nghệ thuật ngôn ngữ và toán học, các em còn được làm phong phú thêm với những giờ học xen kẽ về xã hội và khoa học hay ngoại ngữ, hội họa, âm nhạc hoặc phim truyền hình, nghệ thuật và thư viện. Đặc biệt CIS rất quan tâm tới giáo dục đạo đức cho học sinh qua những bài học cụ thể hàng ngày. CIS luôn đề cao những đức tính như kỉ luật, tự giác, trách nhiệm, nhân từ, bao dung. Ngoài những trải nghiệm trên lớp học, CIS biết tạo ra sự cân bằng cho học sinh với những trải nghiệm ở bên ngoài như đi thăm các khu bảo tồn thiên nhiên, sở thú, triển lãm, bảo tàng, siêu thị và tham gia hàng chục các câu lạc nghệ thuật, thể dục thể thao.
Dừng một lát, Beth tiếp tục trình bày:
-      Về nghệ thuật ngôn ngữ (Language Art), chủ yếu chúng tôi sử dụng mô hình đọc thảo luận. Đây là cách làm cho học sinh của nhà trường đắm mình trong các tác phẩm nổi tiếng từ truyện tranh cho tới tiểu thuyết. Giáo viên bộ môn sẽ nghiên cứu kĩ các loại văn bản để đọc và thường xuyên đọc với các em, nhằm giúp các các em đọc đúng, đọc chính xác, đọc trôi chảy và đọc hiểu. Giáo viên từng bước hình thành kĩ năng cho học sinh nói miệng, kể chuyện bằng miệng, đọc biểu cảm, đọc phân vai, tham gia nhóm đọc sách, câu lạc bộ sách. Trên cơ sở đó giúp các em đi vào kiến thức chính tả, từ vựng, ngữ pháp và ở những lớp cuối cấp, cho các em thực hành viết, kĩ năng viết các loại văn bản... Về toán học (Mathematic), chúng tôi sử dụng tài liệu Toán học hàng ngày, chương trình toán học tiểu học được phát triển bởi Đại học Chicago. Chúng tôi cũng sử dụng chương trình toán tiểu học của Singapore để giúp các em xây dựng một nền tảng về số học, dữ liệu, đại số, hình học, đo lường; phát triển kĩ năng tính toán, thao tác đại số, hình dung không gian, phân tích dữ liệu, đo lường, sử dung công cụ toán học mô hình hóa, tư duy, kết nối và kĩ năng giải quyết vấn đề...
Beth tiếp tục nêu những điểm nổi bật trong các môn học khoa học xã hội (Social Studies), khoa học (Science), âm nhạc và kịch (Music and Drama), nghệ thuật (Art), giáo dục thể chất (Physical Education), thư viện (Library), ngoại ngữ (Modern Language). Cuối cùng, chị nói với chúng tôi:
-      Mỗi một học sinh CIS, ngay từ đầu năm đã được phát một chiếc ipad. Trong ipad có đầy đủ nội dung sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, hướng dẫn tự học, hệ thống bài tập, hệ thống từ điển bằng hình ảnh, hệ thống trò chơi giải trí phù hợp với từng lứa tuổi theo cấp học. Đặc biệt, ipad được kết nối với hệ thống học tập trên các trang mạng internet. Chẳng hạn như trang mạng Khanacademy. org hay trang mạng Memrise. com và một số mạng giáo dục khác của Hoa Kỳ.
Khi lên xe ra về tôi mới dám hỏi Vân về một số điều mà Beth nói với chúng tôi. Tôi có thể hình dung ra chiếc ipad tích hợp trong ổ cứng tất cả sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, hướng dẫn tự học, hệ thống bài tập, hệ thống tự điển bằng hình ảnh, hệ thống trò chơi giải trí và việc kết nối với internet. Nhưng mạng Khanacademy và mạng Memrise nói về cái gì? Thú thực tôi không biết. Về đến nhà Vân vẫn còn phải giải thích và trực tiếp mở các trang mạng ra cho tôi xem. Tôi thật không thể tưởng tượng được nước Mỹ lại có những nguồn lực giáo dục tuyệt vời đến như vậy.
Chẳng hạn trang mạng giáo dục Khan Academy, tạm dịch ra tiếng Việt là Học viện Khan, một tổ chức giáo dục trực tuyến phi lợi nhuận do Sal Khan sáng lập. Khan Academy có mục tiêu là tạo ra sự thay đổi tốt đẹp cho nền giáo dục theo cách cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến đẳng cấp quốc tế, hoàn toàn miễm phí, cho bất kì ai và ở bất kì nơi nào trên thế giới.
Tính đến thời điểm đầu năm 2013 đã có trên 213 triệu bài giảng được đưa lên mạng Khan Academy. Đây là một con số khổng lồ và nó vẫn còn gia tăng hàng ngày hàng giờ. Các bài giảng trực tuyến của Khan Academy thường được thiết kế ngắn gọn, khoảng trên dưới 10 phút. Hầu hết bài giảng đều rất đơn giản, trực quan, sinh động, dễ hiểu, đi vào bản chất nhưng lại cực kì thú vị. Với kho tài nguyên bằng hình ảnh, bằng âm thanh sống động này, người xem, người học có thể là học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh học sinh đều cảm thấy thích thú. Nó bổ sung và đem đến cho người ta những kiến thức hấp dẫn trong nhiều lĩnh vực toán học, ngoại ngữ, vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, âm nhạc hội họa, y học, khoa học trái đất, khoa học máy tính...
Chỉ mấy buổi tối theo dõi các bài giảng trên mạng Khan Academy, tôi đã hiểu ra những điều mà gần bốn mươi năm đọc sách và đi dự giờ đến nay tôi mới thực sự hiểu. Khan Academy quả thật là tập thể của những ông thầy vĩ đại. Chưa bao giờ tôi được dự những giờ tuyệt vời đến như vậy. Và chỉ khi xem các bài giảng trên mạng Khan Academy tôi mới nhận thấy Bill Gate có lí, khi ông sử dụng video miễn phí trong Khan Academy để dạy học cho con mình. Ông từng thốt lên “chỉ có anh chàng trên mạng này, anh chàng có bài giảng trong hơn 10 phút, thật lạ lùng và kì diệu đến như vậy”.
Giống như mạng Khan Academy, mạng Memrise cũng là một mạng giáo dục trực tuyến. Đây là một công cụ học tập hiệu quả, sử dụng Flashcard để làm dễ dàng cho việc tự học một số môn khoa học, đặc biệt là các môn khoa học xã hội, ngoại ngữ. Điểm khác của Memrise so với Khan Academy là tổ chức việc học theo những lớp học. Memrise tổ chức hàng chục ngàn các khóa học trực tuyến, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
Như vậy là Khan Academy, Memrise và một số mạng giáo dục khác của Mỹ và các nước thuộc thế giới thứ nhất đang tạo ra một cuộc cách mạng mới trong giáo dục, một cuộc cách mạng giáo dục trong tương lai. Những mạng này cùng với những phần mềm mà họ tạo ra đang biến đổi cách dạy và học ở khắp nước Mỹ. Theo cách học này thì sẽ không có sách giáo khoa. Và qua thăm hàng chục trường phổ thông ở Columbia, missouri hầu như tôi không thấy học sinh có sách giáo khoa như ở Việt Nam.
Giáo viên ít giảng lí thuyết, học sinh được thực hành nhiều hơn. Quy trình dạy học bắt đầu có sự thay đổi. Học sinh chuẩn bị bài trên mạng ở nhà, tức học lí thuyết trước. Phần bài tập lẽ ra làm ở nhà thì lại làm ở trường. Những gì các mạng giáo dục ở Mỹ đang cố gắng làm là loại dần tính thụ động ra khỏi lớp học. Vì thế, giáo viên muốn hay không muốn, sẽ phải đóng vai trò như một huấn luyện viên, một nhà tổ chức hay một người cố vấn. Họ sẽ phải rất linh hoạt trong việc dạy học. Việc dạy học cũng không còn là độc quyền của giáo viên nữa. Thực tế có tới 1,1 triệu học sinh trên khắp nước Mỹ tự học, dưới sự hướng dẫn của bố mẹ ở nhà. Chương trình học trên các mạng giáo dục đang được hàng trăm trường và hàng triệu phụ huynh trên khắp nước Mỹ thử nghiệm. Kết quả sơ bộ cho thấy, chất lượng giáo dục phổ thông đang được cải thiện rõ nét.
Là một nhà giáo, một nhà quản lí, tôi rất mong muốn ở Việt Nam có một mạng giáo dục như Khan Academy, một Memrise. Liệu 10 năm hay 20 năm tới chúng ta có theo kịp họ trong lĩnh vực này không? Hiện tại những dự án sơ khai E- Learning và những kho giáo án điện tử trong những trang mạng giáo dục Việt Nam mới chỉ là những cố gắng ban đầu, những viên gạch xếp ngổn ngang trên mạng. Điều quan trọng là phải xây dựng cho thầy trò của chúng ta thói quen tự học. Trước mắt, có thể sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục khổng lồ có sẵn trên mạng Khan Academy, Memrise để làm điều gì đó cho thầy trò của mình. Nhưng thật buồn, trở ngại mà giáo viên và học sinh của chúng ta khó có thể vượt qua, vẫn là rào cản ngoại ngữ. Các trang mạng giáo dục ở nước ngoài không dùng tiếng Việt để giảng dạy hay chuyển tải bất kì nội dung và hình thức một bộ môn khoa học nào.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.