Thăm lại Điện Biên

Leave a Comment

 Thăm lại Điện Biên

70 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiện lịch sử vĩ đại này vẫn tiếp tục được bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới. Sự kiện này vẫn tiếp tục minh chứng cho tinh thần quật cường, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong một thế giới đầy biến động. Sự kiện này cũng khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mà còn là chiến thắng mang tầm vóc thời đại to lớn, có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện chính trị thế giới thời điểm bấy giờ và cho đến tận ngày hôm nay.
Về ý nghĩa, giá trị và bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ, sách báo và các phương tiện thông tin đã nói đến quá nhiều. Chúng tôi không muốn nhắc lại nữa. Với những người lính chúng tôi, dù thời gian đã lùi về dĩ vãng, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam, là nguồn động lực to lớn cho thế hệ chúng tôi và cho các thế hệ mai sau tiếp tục học tập, rèn luyện và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những ngày này có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 ngày chiến thắng, chúng tôi lại có dịp quay trở lại địa danh thiêng liêng Điện Biên Phủ, có dịp tìm hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi đây ở nhiều vai khác nhau: Người viết văn, viết thơ, người cựu chiến binh, người đi du lịch…
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng cực Tây Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500 km. Với vị trí địa lý có tầm quan trọng, Điện Biên đã trở thành một vùng đất lịch sử, văn hóa và du lịch in đậm dấu ấn của cả nước.
Điện Biên có lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng là vùng đất phên giậu phía Tây của Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Điện Biên đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng đặc biệt biệt nhất, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã diễn ra ở nơi đây, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng miền Bắc, thống nhất đất nước.
70 mươi năm đã trôi qua, Điện Biên vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa quý giá. Ngoài những di tích quen thuộc như đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập, hầm Đờ Cát... đoàn chúng tôi lần này có dịp thăm kỹ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với diện tích trên 22.000m vuông bảo tàng là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại, có giá trị về lịch sử,văn hóa và kiến trúc.
Chúng tôi cùng nhau xem lại hàng trăm hiện vật mới. Đặc biệt chúng tôi cùng chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục theo hình tròn, dài 132m, cao 20,5m. Đây quả là một bức tranh sống động và đồ sộ, một nét mới, gây ấn tượng mới trong chuyến đi này. Có thể nói Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ thật xứng đáng với tầm vóc “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những người lính chúng tôi hiểu rất sâu sắc cái giá của những trận đánh trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng lớn cái giá phải trả càng lớn. Hàng ngàn người con ưu tú đã nằm xuống trên mảnh đất này. Hàng chục ngàn người đã để lại một phần xương máu trên mảnh đất này. Và còn biết bao nhiêu người lính nữa vì nhiều lý do chưa được quy tập về đây.
Chúng tôi bồi hồi thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1. Nghĩa trang ban đầu được xây dựng vào năm 1958, có diện tích rộng 3,2ha, nằm cách chân Đồi A1 khoảng vài trăm mét về phía Nam. Đây là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ trong số 4020 chiến sĩ anh dũng chiến đấu hy sinh trong chiến dịch. Sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng vào các năm 1994 và năm 2013, Nghĩa trang quốc gia A1 đã trở thành công trình văn hóa-lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh lịch sử quan trọng nhất của quân đội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Việc viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ cho chúng tôi cơ hội để tưởng nhớ và tri ân những người lính đã đánh đổi cuộc sống và hy sinh cả tuổi xuân để bảo vệ đất nước. Những hàng mộ trắng xóa trong sương khói mờ ảo trải dài, những biểu tượng và tượng đài người lính hy sinh khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng khâm phục và tôn trọng thế hệ cha anh. Chính sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước đã viết nên bản hùng ca bất diệt này! Chúng tôi cũng bồi hồi nhớ lại bao đồng đội đã ngã xuống trong những năm tháng chống Mỹ. Từng gương mặt một thời trai trẻ lại hiện về…
Chúng tôi, những người lính, lớp người đi sau đã sống, chiến đấu và làm việc xứng đáng với những người đã nằm xuống nơi đây. Thế hệ chúng tôi đã làm tròn bổn phận của mình. 70 năm đã trôi qua, kể từ những ngày đầu chiến dịch diễn ra đến khi kết thúc, nhưng những giá trị và thông điệp tại đây vẫn còn sống mãi trong lòng những người lính, những người dân Việt Nam. Điện Biên Phủ đã chứng minh sức mạnh của tinh thần quyết tâm và đoàn kết, và là biểu tượng mãi mãi cho sự tự hào và lòng yêu nước của dân tộc.
Chũng tôi cũng có dịp thăm di tích Mường Phăng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những di tích lịch sử này đã góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần yêu nước của nhân dân Điện Biên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Về với Điện Biên lần này chúng tôi cũng có dịp tìm hiểu thêm về các dân tộc anh em. Điện Biên là nơi sinh sống của 21 dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa, phong tục tập quán riêng. Văn hóa Điện Biên mang đậm bản sắc của vùng núi Tây Bắc, với những nét đặc trưng như: Nghệ thuật Xòe Thái, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Thái, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội đền Hoàng Công Chất, lễ hội lớn nhất của tỉnh Điện Biên, diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Kin Pang Then, lễ hội cầu mùa của người Thái, được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm…
Điện Biên không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những dãy núi hùng vĩ, những dòng sông uốn lượn, những thác nước trắng xóa,... Chúng tôi đến thăm hồ Pá Khoang, một hồ nước ngọt mênh mông tự nhiên nằm ở huyện Điện Biên, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Núi Pu Sam San, ngọn núi cao nhất tỉnh Điện Biên, với độ cao 2.632m, có phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ. Thác nước Nậm Mu, một thác nước đẹp nằm ở huyện Mường Chà, có độ cao 30m, với dòng nước mát, tung bọt trắng xóa…
Bên cạnh những thay đổi, chúng tôi cũng chứng kiến cuộc sống còn rất khó khăn của đồng bào dân tộc. Thật buồn khi biết Điên Biên còn hơn 25% hộ nghèo và hơn 36% hộ nghèo ở nông thôn rừng núi. Tính đến hết năm 2023 còn tới 7447 hộ nghèo, đông con (đa số là 5, 6, cá biệt tới 9, 10 con) đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng, cần được làm mới và sửa chữa. Buồn hơn, ra ngoài thành phố, chúng tôi bắt gặp những dải đồi núi trơ trọi chạy dài, trọc lốc; không một bóng cây, ngọn cỏ. Còn đâu một thời “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Hậu quả của việc mất rừng thật khủng khiếp. Chúng tôi bắt gặp nhiều con đường bị sạt lở, nước xói mòn lầy lội, cheo leo trên bờ vực thẳm. Và thấp thoáng đâu đó là những bản nghèo với những căn nhà lụp sụp, trống huếch…
Thăm một số trường học cấp 4, lớp học tạm bợ, bàn ghế xộc xệch. Một số trường không có điểm trường. Nơi có điểm trường thì không có điện, không có nước sạch (nước được lấy từ khe suối trên núi, không có mưa trường thường không có nước), nhiều trường học chưa có điều kiện để đào lấy một cái giếng khoan…
Tôi cho rằng một số huyện nghèo ở đây điện, đường, trường, trạm còn không bằng ở huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái (năm 2022 tôi có dịp công tác ở Mù Cang Chải một thời gian). Tôi băn khoăn tự hỏi mình không biết việc thực hiện cải cách giáo dục, nhất là việc chuyển đổi số và giáo dục STEM ở những nơi này sẽ như thế nào? Có lẽ đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp, vẫn còn là một mục tiêu trong tương lai.
Đúng, Điện Biên là một tỉnh giàu giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên. Những giá trị này đã góp phần làm nên bản sắc riêng của Điện Biên, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc (hơn 82% là người dân tộc thiểu số). Nhưng chúng tôi nghĩ cần phải có sự đầu tư hơn nữa của Đảng và Nhà nước về cơ sở vật chất, nhất là về cơ sở vật chất “điện, đường, trường, trạm”. Cần có sự chung tay góp sức của cả nước, của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm… Hy vọng cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, 5 năm nữa, chúng tôi quay lại, Điện Biên sẽ là một tỉnh có thu nhập đạt mức trung bình của cả nước.
Read More

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân

Leave a Comment

 Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân thôn Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội

Trong những năm gần đây, tôi có dịp ba lần hành hương về đất tổ. Trước khi thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng, cũng đến thăm Đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Thế nhưng cho đến tận ngày hôm nay, khi làm việc với Ban giám hiệu Trường TH Bình Minh, cách nhà tôi khoảng 6km, tôi mới biết ngôi đền Nội thôn Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội. Ngôi đền này mới là ngôi đền gốc thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Nói chuyện với ông Từ đền Nội (ngoài đền nội là đền ngoại, đền thờ Linh Lang Đại Vương) tôi được biết từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội, đều có đoàn thủ từ của đền Hùng, Phú Thọ về dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đoàn thủ từ nơi đất tổ xin rước chân nhang hương án đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Vây mà cho đến bây giờ tôi mới được biết Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân tọa lạc tại thôn Bình Đà. Có thể nói Đền/Đình là một trong những địa điểm lịch sử và văn hóa quan trọng không chỉ riêng của Bình đà mà còn là địa điểm lịch sử và văn hoá dân tộc Việt. Đền được xây dựng để tưởng nhớ và thờ cúng Lạc Long Quân, vị vua hùng cường và là một trong những người cha của dân tộc Việt.
Đền/Đình Nội Bình Đà gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Sau khi chia tay, Lạc Long Quân đến đất Bảo Đà, nay là Bình Đà, cách biển không xa (thời đó biển tiến) , truyền cho các con dừng chân dựng trại. Thấy thế đất lục long chiêu hội, bốn phương màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, Lạc Long Quân bèn chọn nơi đây để xây dựng cơ nghiệp: Đánh đuổi thú dữ, làm nhà, dạy dân cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm, lấn biển, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi.
Khi Quốc Tổ về trời, ngài được các vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà. Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội cùng bức đại tự Tổ Dân Bách Việt (Vi Bách Việt Tổ) để thờ cúng.
Thăm đình Nội, tôi được biết về bức phù điêu, tục truyền bức phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân của đền Nội có nguồn gốc từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự "Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”. Người cũng đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này. Năm 2015 Bức phù điêu này được Chính phủ công nhận là bảo vật văn hóa đặc biệt của Quốc gia.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1032, Vua Lý Thái Tông tổ chức lễ hội Tịch Điền đầu tiên tại cánh đồng làng Bình Đà: “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động Giang cày ruộng tịch điền”. Vua cho dựng Đài Quan Canh để vua trực tiếp làm lễ tế Thần Nông. Sau đó, vua trực tiếp xuống ruộng cày ba đường. Nối tiếp sau vua, các hoàng thân quốc thích cũng cày mỗi người 16 đường.
Tháng 10/1959 Bình Đà còn vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Điều đặc biệt là Bác đã xuống tận ruộng thăm hỏi nông dân thu hoạch lúa mùa tại chính thửa ruộng được cho là nơi năm xưa vua Lý Thái Tông cày Tịch Điền. Bác xem kỹ khoảng cách giữa các khóm lúa và đếm số bông trong khóm lúa, số hạt ở một bông lúa và khen bà con thâm canh tốt…
Suốt 600 năm qua tại đền Nội, có 18 vị vua của các triều đại đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ. Các triều đại đã suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”: “Lý triều hiến sắc/ Thành tổ tiên vương/ Nhất bảo bách noãn/ Sinh hạ bách thần/ Hộ quốc cứu dân/ Vạn xuân an lạc”. Năm 2010, nhân dịp Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đền Nội được Nhà nước và thành phố Hà Nội đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, bề thế trong khuôn viên 10.000 m2, mang đậm bản sắc phương Đông.
Tôi được các cụ trong ban quản lý đền cho biết hội Bình Đà xưa thường bắt đầu từ ngày 24/2 Âm lịch và kết thúc vào ngày 7/3 Âm lịch. Có thể nói đây là một lễ hội rất dài ngày (độc giả nào muốn biết trong những ngày hội dân làng tiến hành những hoạt động gì có thể xem trong Từ điển Bách khoa mở Wikipedia hoặc Hương ước Bình Đà). Năm nay UBND huyện Thanh Oai đứng ra tổ chức lễ hội từ ngày 1/3 Âm Lịch đến ngày 7/3 Âm lịch.
Việc tổ chức tế lễ thì cũng tương tự như các lễ hội lớn. Nhưng tục làm bánh Thánh, rước và thả bánh là một nghi thức khá đặc biệt. Từ xa xưa công việc làm bánh Thánh phục vụ lễ hội chỉ được giao cho dòng họ Nguyễn Văn. Đây là dòng họ có chức sắc và được sự tín nhiệm của dân làng từ bao đời trước. Công việc làm bánh Thánh rất khắt khe và nghiêm ngặt. Công việc này chỉ được giao duy nhất cho một người trong họ. Từ bao đời nay, công việc chỉ được truyền tiếp cho người con trưởng trong gia đình dòng họ và đặc biệt không được truyền lại cho người ngoài. Trước và trong thời gian lễ hội người làm bánh phải giữ mình thật thanh tịnh.
Điều độc đáo là vật liệu dùng để đun bánh không phải là củi từ những cây gỗ khô hay bất cứ vật liệu nào mà phải là cây tre chết dóc, tức cây tre già chết khô trong bụi. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì những cây tre già thường nằm giữa những bụi tre to mà không phải bụi tre nào cũng có. Những vị thuốc làm nhân bánh không ai được phép biết trong đó gồm những gì, nhưng đó là những vị thuốc Bắc bí truyền. Thả xuống giếng bao nhiêu cặp bánh thì ngay cả vợ con người làm bánh cũng không ai được biết. Tôi cố gặng hỏi một ông đã từng là chủ tế, ông từ chối: “Thiên cơ bất khả lộ ông à”.
Cá nhân tôi cho rằng, tục thả bánh Thánh này có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Bánh dày tròn tượng trưng cho Dương. Thả xuống giếng Ngọc tượng trưng cho Âm. Bánh chìm xuống là sự biểu trưng cho Thiên và Địa giao hòa. Các lễ vật trong lễ hội thường tương ứng với 100 người con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ.
Ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch là ngày chính hội, giờ khắc thiêng điểm. Sau một hồi trống chiêng, bánh Thánh được rước ra giếng Ngọc. Bánh được để trong đài đậy kín và có tấm vải đỏ phủ kín đài bánh. Kiệu rước bánh có lọng, tàn, quạt che hầu hai bên. Nhạc trống chiêng cùng phường bát âm reo vui đưa đám rước bánh tới bên giếng. Tại giếng Ngọc đã quây sẵn một khung để thả bánh Thánh. Mọi việc đều diễn ra trong mật truyền. Không ai được trực tiếp nhìn thấy chiếc bánh có hình thù, màu sắc như thế nào. Họ chỉ cảm nhận qua lớp vải bọc chiếc bánh. Khi bánh Thánh được thả xuống giếng, ông chủ tế đều phải đọc một câu thần chú đặc biệt, để bánh chìm xuống ra được tới thủy cung. Bánh Thánh thả tại giếng Ngọc mang rất nhiều ý nghĩa. Thả bánh xuống giếng như là vật lễ thiêng tế 100 người con của Quốc Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ theo cha mẹ khai phá những miền đất mới…
Lễ hội cổ truyền Bình Đà được tổ chức hàng năm thể hiện niềm tin, nhớ về nguồn cội dân tộc. Tất cả người dân Bình Đà và khách hành hương đều tin Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Đức Thành hoàng Linh Lang Đại Vương sẽ phù hộ cho dân làng, cầu cho con người bình yên, mạnh khỏe, sống lâu, lúa tốt, của nhiều…
Đến thăm Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và dự lễ hội, tôi được trải nghiệm không chỉ vẻ đẹp kiến trúc của đền đá cổ kính mà còn cảm nhận được sự thiêng liêng và tôn nghiêm của nơi này. Tôi được chiêm ngưỡng bức tượng Lạc Long Quân đang ngồi trên ngai vàng, với vẻ mặt trang nghiêm và truyền cảm. Tôi được thắp hương và cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình yên bình… Trong không gian yên tĩnh và tâm linh, tôi cảm thấy một trường gì đó thật thánh thiện, thiêng liêng. Tôi cảm nhận được cả một chiều dài lịch lịch sử và tín ngưỡng hàng ngàn năm của dân tộc như được trải ra… Lễ hội Bình Đà đúng là một điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về cội nguồn lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Read More

Đến Kim Liên, một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long

Leave a Comment

 Đền Kim Liên, một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long

Nói đến Thăng Long Tứ trấn, tôi đã đến thăm, tìm hiểu về ba ngôi đền thờ thần của 3 trấn; còn một trấn là Đền Kim Liên tôi chưa có dịp ghé qua. Sáng hôm nay, có công việc ở Trường Tô Hoàng. Hơn 9 giờ xong việc. Thời gian còn sớm, lần đầu tôi tới Đền/Đình Kim Liên, hay còn gọi là Đền Cao Sơn.
Đền tọa lạc tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa (Thăng Long Tứ trấn đã có từ thời vua Lý Thái Tổ. Các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành đều được các triều đại tôn các vị phúc thần bảo trợ, che chở. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ trấn phía Đông. Đền Voi Phục thờ thần Linh Lang Đại Vương trấn phía Tây. Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ trấn phía Bắc. Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương trấn phía Nam). Khi đặt chân đến Đền Kim Liên, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng của ngôi đền này.
Đền Kim Liên được xây dựng trên một khu đất cao, bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Cổng đình được xây dựng theo kiểu nghi môn, với hai trụ biểu sừng sững uy nghi. Bước qua cổng đình là một khoảng sân rộng dẫn đến tòa đại bái. Tòa đại bái cổ kính 5 gian quay về hướng nam với những mái ngói cong cong, uốn lượn. Kết cấu của đền theo hình chữ Đinh (T). Các chi tiết trang trí trên mái đình được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật của thời Nguyễn.
Bên trong tòa đại bái là hậu cung nơi thờ thần Cao Sơn, vị thần trấn giữ phía nam kinh thành Thăng Long. Hai bên cạnh thần có hai nữ thần thờ phối. Tượng thần Cao Sơn được đặt trên một bệ cao, uy nghi. Hai bên gian thờ là những bức tranh miêu tả về cuộc đời và chiến công của vị thần.
Tương truyền Thần Cao Sơn là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh ngày 16/3 Âm lịch. Thần là 1 trong 50 mươi người con theo mẹ lên núi, sau trở thành bộ tướng của Sơn Tinh. Thần Cao Sơn được coi là Thần thượng đẳng tối linh đã phù trợ, giúp giữ yên nhà nước Văn Lang, đánh bại quân giặc Ân. Thần còn có công phù trợ Vua Lê Tương Dực dẹp yên nạn chuyên quyền ngoại thích…
Di sản quý báu của Đền Kim Liên còn tấm bia đá đồ sộ mang tên “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh”. Bia cao 2,43m, rộng 1,57m. Tấm bia ghi thần tích và ngợi ca Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm canh ngọ, Hồng Thuận thứ 3 (1510) và được dựng lại vào năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772). Hiện tại Đền còn lưu giữ 39 đạo sắc phong của các triều đại về thần.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất khi đến thăm đình Kim Liên là không khí yên bình và tĩnh lặng thấm đẫm mùi hương trầm và hương của các loại hoa. Dường như mọi thứ ồn ào náo nhiệt của phố thị đều bị bỏ lại bên ngoài cổng đình. Có một trường “thần thánh” vô hình khiến người ta phút chốc vứt bỏ bao bụi bặm của trần thế. Khi bước vào trong, tôi cảm thấy như thời gian quay ngược trở về với nhịp sống chậm rãi của quá khứ, của một kinh thành Thăng Long xa xưa thủa nào…
Đến với Đền Kim Liên không chỉ là đến với một di tích lịch sử văn hóa quan trọng, mà còn là đến một địa điểm tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và cầu nguyện. Đến đây, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, được tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của kinh thành Thăng Long mà còn được thắp một nén hương tưởng nhớ một vị thần, được tận hưởng một khoảng thời gian yên tĩnh, được cảm nhận một trạng thái nhập tĩnh rất khó tả của bản thân mình.
Read More

Giaos dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam

Leave a Comment

 Giáo dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam: Suy ngẫm từ Ngày hội STEM tại Trường THCS Chu Văn An, Long Biên, Hà Nội

Ngày hội STEM của hai trường: THCS Chu Văn An và THCS Trưng Vương được tổ chức tại Trường THCS Chu Văn An, Long Biên, Hà Nội đã mang đến cho tôi cơ hội để tìm hiểu thêm về giáo dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Qua việc chuẩn bị bài tham luận của mình trong hội nghị và nghe tham luận của các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, các giáo viên, qua tham quan các sản phẩm, các hoạt động trải nghiệm của học sinh hai nhà trường, tôi đã suy ngẫm về thực trạng và tiềm năng phát triển của giáo dục STEM trong môi trường giáo dục Việt Nam qua việc đối chiếu với giáo dục STEM ở Hoa Kỳ.
Nói một cách nôm na STEM là thuật ngữ viết tắt từ những từ tiếng Anh, dịch ra có nghĩa là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Có người sẽ thắc mắc, học sinh vẫn đang học khoa học (lý, hóa, sinh), công nghệ, kỹ thuật và toán đó sao. Sao còn phải đưa thêm cái giáo dục STEM vào nhà trường để làm gì cho thêm rắc rối, làm khổ thêm giáo viên vốn đã quá tải với công việc trong nhà trường.
Xưa nay chúng ta dạy học các môn khoa học tự nhiên hay những môn thuộc lĩnh vực STEM là dạy theo hướng chuyên ngành. Dạy chuyên ngành nào chỉ biết chuyên ngành ấy. Khoa học, công nghệ ngày một phát triển, các ngành khoa học đan xen nhau. Nếu chỉ dạy chuyên ngành nào biết chuyên ngành ấy thì không khác gì cho học sinh vào rừng, học sinh chỉ biết cây mà không biết rừng, vì vậy mới phát sinh ra giáo dục STEM. Bản chất của giáo dục STEM là vận dụng kiến thức liên môn/liên ngành hay tích hợp kiến thức liên môn/liên ngành để nhìn nhận, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong bài học, trong cuộc sống thông qua thực hành và sáng tạo.
Tôi không có ý định so sánh giáo dục STEM ở Hoa Kỳ, nơi khởi nguồn của giáo dục STEM từ mấy chục năm trước với giáo dục STEM ở Việt Nam, đất nước mới chập chững những bước đi đầu tiên trong công việc cực kỳ khó khăn này. Không thể so sánh giáo dục STEM giữa hai nước vì quá khập khiễng, khập khiễng về trình độ nhận thức, trình độ xã hội, trình độ khoa học, công nghệ và cơ sở vật chất giáo dục STEM. Nói đúng hơn tôi chỉ đối chiếu chúng ta đã làm được những gì so với các cấp độ giáo dục STEM ở Hoa Kỳ.
Nhìn chung giáo dục STEM ở trong các trường học ở Hoa Kỳ, tùy điều kiện của từng trường, người ta thường tự chọn và thực hiện theo các cấp độ sau: (i) Mô hình trường chuyên STEM, (ii) mô hình trường tự chọn học lấy chứng chỉ STEM, (iii) mô hình học STEM như một môn học, (iiii) mô hình giáo dục STEM thông qua các môn học thuộc lĩnh vực STEM (toán, khóa học, công nghệ, kỹ thuật và giáo dục STEM và thông qua hoạt động làm dự án, ngoại khóa.
Ở ngoài trường học, giáo dục STEM thường thông qua: (i) Các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, IBM (các tập đoàn mở lớp STEM vào dịp hè cho các học sinh xuất sắc nhất các môn học thuộc lĩnh vực STEM ở các trường tiểu học trở lên), (ii) giáo dục STEM ở các thư viện, các bảo tàng tự nhiên, khoa học và công nghiệp (Hoa kỳ có hàng chục nghìn thư viện, hàng chục nghìn bảo tàng trải khắp các thành phố), các khu bảo tồn, trang trại… (iii) tiến hành các hoạt động STEM hưởng ứng ngày STEM Quốc gia (ngày 8/1 hàng năm).
Một lần đến Thư viện thành phố Longmont, bang Colorado hè năm 2015, tôi được phát một thông báo, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 1 tháng 8 thư viện kết hợp với các chuyên gia mở các khóa chuyên đề giáo dục STEM cho các bậc phụ huynh và học sinh trong thành phố. Sau mấy năm tôi có dịp đến Thư viện thành phố Columbia, Missouri năm 2022 cũng nhận được một thông báo như ở Longmon. Như vậy có nghĩa là ở Hoa Kỳ đến cả ngành thư viện người ta đều làm công tác giáo dục STEM, không những cho học sinh mà còn phổ cập cho cả phụ huynh học sinh.
Đi thăm Bào tàng Tự nhiên và Công nghiệp Chicago, tôi được thăm một tầng bảo tàng chuyên về STEM dành cho học sinh, sinh viên. Tôi chứng kiến cháu tôi được hướng dẫn tạo sét, được tìm hiểu về trái đất bằng cả một gian nhà từ khi hình thành cho đến tương lai mai sau, được ngồi vào bàn mô phỏng lái chiếc tàu ngầm dài 148m, được thăm các con tàu vũ trụ trụ... Đặc biệt cháu tôi đang học tiểu học còn nhận được giấy mời học khóa STEM một tháng do tập đoàn công nghệ IBM tổ chức… Lúc đó tôi tự hỏi mình, không biết đến bao giờ hệ thống thư viện ở Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam làm được việc này. Và tôi hiểu rằng khoảng cách giáo dục STEM ở Hoa Kỳ với chúng ta là cả một chặng đường ít nhất khoảng nửa thế kỷ.
Ở Việt Nam, chúng ta mới chính thức đưa giáo dục STEM vào trường học năm học 2023-2024 sau khi đã thí điểm ở các tỉnh thành. So với Hoa Kỳ, ở trong trường học, chúng ta mới bắt đầu ở cấp độ 4, cấp độ giáo dục STEM thông qua các môn học thuộc lĩnh vực STEM và thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Điểm nổi bật của giáo dục STEM Hoa Kỳ là tất cả các giáo viên dạy các môn thuộc lĩnh vực STEM đã tiếp cận hướng dạy liên môn/liên ngành. Và STEM đã được tích hợp vào chương trình giảng dạy, tích hợp vào sách giáo khoa, giúp học sinh kết nối kiến thức giữa các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Họ có đầy đủ giáo viên dạy môn khoa học, môn học STEM. Giáo viên của họ được đào tạo bài bản ở tất cảc hệ thống trường đại học công và tư.
Hầu hết học sinh của họ được học tập qua thực hành, được tham gia vào các dự án thực tế, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và làm việc nhóm. Qua giáo dục STEM họ dần hình thành phát triển tư duy bậc cao cho học sinh (higher-level thinking). Ngay từ bậc học mầm non, tiểu học giáo dục Hoa Kỳ đã chú trọng phát triển năng lực STEM. Giáo dục STEM hướng đến việc trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc cách mạng 4.0, để sống và làm việc thành công trong thế kỷ 21.
Về giáo dục STEM ở Việt Nam, thực tế chúng ta chưa chú trọng đúng mức. Giáo dục STEM còn manh mún, chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Chính xác là chúng ta chưa có đội ngũ giáo viên dạy khoa học phục vụ cho cải cách giáo dục (mới ra được một vài khóa), chưa mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy môn STEM. Cơ sở vật có chất và trang thiết bị, phòng học STEM chưa có. Hầu hết các trường học còn thiếu các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học, chứ chưa nói đến STEM. Đã như vậy các giáo viên dạy các bộ môn tự nhiên lại chưa được đào tạo bài bản, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng giảng dạy STEM. Tôi được biết, các cơ sở giáo dục đầu năm nay mới được tập trung một hai buổi nghe nói chuyện về giáo dục STEM.
Trong khi đó, nhu cầu từ xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng STEM ngày càng tăng cao trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ. Năng lực STEM chính là chìa khóa để đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển giáo dục STEM. Bộ Giáo dục cũng đến thăm Hoa Kỳ học hỏi, đặt vấn đề tư vấn về giáo dục STEM. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển giáo dục STEM.
Giáo dục STEM đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho tương lai của đất nước. Theo bảng xếp hạng các quốc gia về giáo dục, công bố năm 2022, Việt Nam được xếp thứ 59. Ở Đông Nam Á xếp sau Singapore, Thái Lan, Malaysia… Giáo dục STEM, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Để thúc đẩy giáo dục STEM, tôi nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, Bộ Giáo dục, nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Tham dự Ngày hội STEM tại Trường THCS Chu Văn An tôi đánh giá cao sự nỗ lực của thầy trò hai nhà trường THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương. Nghe tham luận của các đại biểu, đặc biệt là của giáo viên hai nhà trường về giáo dục STEM tôi rất cảm phục. Tôi đã có thêm những điều bổ ích và một số kiến thức, thực tế mới mẻ về giáo dục STEM. Tôi tin giáo dục STEM khởi đầu như ở hai nhà trường sẽ góp phần tạo nên những thế hệ học sinh Việt Nam năng động, sáng tạo và sẵn sàng cho những thách thức của tương lai.
Giáo dục STEM là một xu hướng tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Để phát triển giáo dục STEM hiệu quả, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm và suy ngẫm của cá nhân dựa trên những gì tôi học hỏi được từ Hoa Kỳ, từ những ngày hội STEM cấp thành phố, cấp quận huyện và đặc biệt năm nay là ở cấp trường. Để có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục STEM ở Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng ta nên tham khảo thêm từ những nguồn tài liệu khác nhau.
Read More

Đình làng Kim Quan Thượng và Linh Lang Đại vương

Leave a Comment

 Đình làng Kim Quan Thượng và Linh Lang Đại vương

Tôi có công việc ở trường Đoàn Khuê nên đi xe buýt từ nhà rất sớm. Còn hơn một giờ mới đến giờ làm việc nên đi loanh quanh khu vực trường học, định tìm một nơi nào đó ngồi đợi. Qua công viên Kim Quan Thượng thấy một ngôi đình, tôi quyết định vào thăm.
Bước qua cổng đình, tôi đã cảm nhận được bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh vốn có của nơi thờ thành hoàng làng, một trong những tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Mặc dù đình có vẻ mới được trùng tu nhưng kiến trúc vẫn giữ được nét cổ kính với mái ngói cong, những bức chạm khắc gỗ tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã.
Trời vẫn còn sớm. Đình đóng cửa, Tôi dạo quanh khu vực bên ngoài. Nhiều loại cây, hoa được trồng mọc xanh tươi, um tùm. Có hai loại cây phổ biến người ta thường trồng ở khuôn viên đình làng và chùa chiền là muỗm và bưởi. Xuân về muỗm và bưởi đều bắt đầu trổ hoa.
Tôi thích nhất là hoa bưởi, loại hoa dân dã đầu làng cuối ngõ xưa kia. Người ta chưa thấy cây đã thấy hương, chưa thấy hoa đã thấy hương thơm ngào ngạt. Bưởi ở đây rất nhiều. Cây nào cũng chi chít hoa. Những bông hoa nhỏ, màu trắng tinh khiết. Cánh hoa mỏng manh đều đặn, xin xắn. Nhú lên trên cánh hoa là lớp nhụy vàng, tạo nên hình dáng đặc trưng, hài hòa đẹp mắt. Những cánh hoa bười đầu mùa tụ lại thành những cụm hoa nhỏ, xếp thành chùm. Một vẻ đẹp đơn sơ và thanh lịch bao trùm cả một không gian cảnh quan rộng rãi, thoãng đãng. Lâu lắm rồi tôi mới được thụ hưởng sự bình lặng, tươi mới và đầy thú vị của miền đất tịnh thổ.
Tôi chậm rãi bước đi, tận hưởng điều từng rất quen thuộc nhưng lại cảm thấy rất mới lạ. Ở khu vực này cũng giống như quê tôi, tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh. Cái chất thôn quê dần dần biến mất. Mới ngày nào từ đây nhìn sang Lệ Mật, nơi có ngôi đình thờ thành hoàng Hoàng Đức Trung (độc giả nào quan tâm xin đọc bài Cảm nghĩ về lễ hội làng Lệ Mật và Thập tam trại qua một cuộc thi của tôi trong trang Facebook này), là một cánh đồng lúa. Vậy mà bây giờ nhà cửa mọc lên san sát thay cho những ngôi nhà ngói 5 gian và vườn ao rộng rãi…
Hương thơm tươi mới và ngọt ngào đánh thức bao kỷ niệm xưa. Đặc biệt là vào những ngày đầu xuân, hương bưởi dường như dịu nhẹ, tinh tế và tinh khiết hơn. Hương thơm của nó lan tỏa hòa cùng với hương hoa muỗm ngất ngây trong không gian đầy sắc xuân, mang lại cảm giác thật thư giãn và sảng khoái…
Ông Từ mở cửa. Ông mời tôi vào lễ Thánh. Tôi hỏi ông: “Đình nhà mình thờ vị thánh nào thế ông”.
- Linh Lang Đại Vương ông ạ!
Bài vị Linh Lang đại vương được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm, uy nghiêm và toát lên vẻ linh thiêng. Phía trước và hai bên xung quanh là tàn vàng, lọng tía và bộ bát bảo. Đứng trước ngài tôi cảm thấy tôi và ông Từ thật vô cùng nhỏ bé.
Ông Từ kính cẩn châm lửa từ chiếc đèn dầu, trao cho tôi ba cây hương nghi ngút khói. Dâng hương tưởng nhớ vị Thánh Thành hoàng làng, vị thành hoàng được 269 làng quê khắp đồng bằng Bắc bộ thờ phụng. Tôi thầm cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình bình yên.
Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông, sinh ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn 1064. Mẹ Ngài là Hạo Nương (có thần phả ghi là Cảo Nương), vốn người làng Bồng Lai huyện Từ Liêm, nay thuộc huyện Đan Phượng Hà Nôi, sống ngụ ở Thị Trại.
Tuy là cung phi nhưng bà vẫn được nhà vua cho ở riêng, gần hồ Tây. Một lần Hạo Nương đi tắm ở hồ bị Giao Long cuốn lấy người, sau có mang, sinh ra Linh Lang.
Khi quân Tống sang xâm lược, vua cho sứ giả đi cầu hiền tìm người đánh giặc cứu nước. Sứ giả tới Thị Trại, cậu bé Linh Lang nói: “Nhà vua hãy sắm cho ta một thớt voi, một lá cờ hồng cán dài 10 trượng để đi dẹp giặc”. Vua truyền người làm theo ý ngài.
Cậu bé Linh Lang như Phù Đổng năm xưa, vươn mình cao 9 trượng, cưỡi voi, cầm cờ cùng với 5000 quân sĩ ra trận. Ngài thét lớn “Ta là thiên tướng”. Nghe tiếng thét, tướng giặc kinh hồn phách tán. Chỉ sau một trận, quân giặc đại bại…
Sau khi thắng trận, nhà vua muốn nhường ngôi nhưng Linh Lang từ chối, trở về Trại Chợ. Ít lâu sau chàng bị bệnh đậu mùa rồi từ trần, hóa rồng đen trườn xuống hồ Tây. Vua cho lập đền thờ nơi hóa và phong thần cho Ngài ở Thủ lệ (Đền Voi phục), một trong Tứ trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long…
Sự tích Linh Lang theo thần phả mỗi nơi mỗi dị bản. Xã tôi có 2 thôn, một thôn thờ Linh Lang, thần phả hơi khác với ở Voi Phục. Làng Kim Quan Thượng cũng có một dị bản riêng. Trong thần phả của làng còn ghi nguồn gốc của làng. Việc thờ phụng trong đình còn thờ thêm 2 nữ thần, tương truyền là 2 vị tổ của hát ca trù… Dù có nhiều dị bản nhưng về cơ bản hình tượng Linh Lang vẫn là hình tượng người anh hùng chống giặc ngoại xâm.
Gần đây các nhà sử học cho rằng Linh Lang là hình ảnh đã thần linh hóa giống như mô tuýp người anh hùng làng Phù Đổng. Tuy nhiên có người cho rằng Linh Lang là nhân vật có thật. Hiện thân của Ngài chính là hoàng tử Hoằng Chân đã chiến đấu chống quân xâm lược Tống và tử trận vào năm 1077 trên bờ sông Như Nguyệt. Tác giả Hoàng Xuân Hãn còn dẫn nguồn thần phả khác cho rằng Linh Lang vốn là con của thủy cung, được lệnh lên giúp vua Lý chống giặc. Sau khi đánh lui quân giặc Ngài qua đời. Riêng tôi thì phỏng đoán rằng, hình tượng Linh Lang là ảnh xạ của một lớp văn hóa trước đó, lớp văn hóa thờ rồng rắn, cỏ cây của người Việt cổ. Theo thời gian, hình tượng này được huyền thoại hóa trở thành hình tượng người anh hùng chống giặc ngoại xâm tương tự như câu chuyện chàng trai làng Phù Đổng.
Dù nguồn gốc và lai lịch của Linh Lang như thế nào đi nữa, với 269 làng quê thờ Ngài, con dân đất Việt vẫn tràn đầy lòng biết ơn đối với công lao to lớn của Linh Lang đại vương trong việc bảo vệ đất nước. Ngài là vị thần được người dân Việt Nam tôn kính, là biểu tượng cho sức mạnh và lòng dũng cảm chống giặc ngoại xâm (độc giả nào quan tâm xin đọc hai bài viết về Hội Phù Đổng của tôi cũng trong trang Facebook này cách đây 6 năm).
Thăm đình thờ Linh Lang đại vương làng Kim Quan Thượng, ngoài thời gian thư giãn hiếm có, hơn một giờ đã giúp tôi hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Đó là một trải nghiệm thật ý nghĩa, giúp tôi thêm trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Read More

Vẻ đẹp ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng

Leave a Comment

 Vẻ đẹp ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc, ở khu vực trưng bày cây Bonsai tôi rất ấn tượng với ba tác phẩm của tác giả Đỗ Thanh Tùng. Ba tác phẩm bonsai đẹp trong ba chậu gốm đặt trên ba chiếc bàn gỗ xinh xắn được quang dầu bóng, chạm khắc tinh xảo. Tất cả gợi nên hiệu ứng cảm xúc thẩm mỹ đến kỳ lạ.
Tác phẩm đầu là một bụi si tự nhiên đẹp đến nao lòng. Người ta nói song thụ tức là 2 cây quấn vào nhau cùng 1 gốc, hay 2 cây sát vào nhau, quấn qua thân nhau ôm lấy nhau thể hiện ý tưởng ở bên cạnh nhau, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ nhau như tình phụ tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Tác phẩm của Đỗ Thanh Tùng có tới 8 thân cây quấn sát bên nhau thoáng đãng, nhìn xuyên thấu, không đè nhau, không chen nhau, gợi cho nguời xem liên tưỏng đến nhiều điều kỳ thú.
Trước hết nói vể vẻ đẹp tổng thể. Tác phẩm Bonsai này thể hiện sự hài hòa giữa các yếu tố: số lượng cây (8 cây) cùng hình dạng chậu (hình ô van) và tỷ lệ, kích thước tổng thể khá mẫu mực. Tám cây si, số lượng cây nhiều được bố cục hợp lý, sắp xếp cân đối trong chậu, tạo cảm giác quần tụ, vững vàng và cuốn hút.
Tôi được biết từ một bụi si hàng chục năm trước ở nhà, tác giả đã dày công tạo dáng cây bên nhau, cây thì đứmg trực, cây thì hơi xiêu. Nhưng các gốc cây quấn bện bên nhau như chung một cội. Thân cây đều vươn lên thẳng, hoặc uốn lượn gân guốc, sần sùi, u bướu; phân tầng cao ở giữa, thấp dần hai bên, tạo tán tam giác tiêu chuẩn như khóm cây trong tự nhiên.
Về chi tiết, tôi thích nhất sự tương phản giữa các mảng màu như trong hội họa. Đó là màu xanh tươi, sum suê sinh động đầy sức sống của lá cây si với màu nâu già nua nhuốm màu năm tháng của thân cây, cùng với màu gốm nâu trầm của chiếc chậu hình ô van; mầu mảng hài hòa tạo ra một điểm nhấn ấn tượng cho tác phẩm…
Về ý nghĩa, tác phẩm Bonsai này của Đỗ Thanh Tùng thể hiện sự gắn kết trong một gia đình truyền thống. Ngoài ra nó còn gợi cho người xem cảm nhận được ý chí vượt mọi khó khăn của con người trước thiên nhiên và cuộc sống. Và theo quan niệm về số, bụi si 8 cây tượng trưng cho sự sung túc, phát tài, may mắn và thịnh vượng.
Có thể nói tác phẩm Bụi si 8 cây trong chậu gốm trên chiếc bàn gỗ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Tác phẩm thể hiện sự hài hòa, cân đối, tương phản và mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc. Tôi cho rằng thành công nhất là tác giả đã tạo ra được một tác phẩm mô phỏng thành công một bụi si trong tự nhiên với dáng vẻ già cỗi, uy nghi, mang đến cho người xem cảm giác về với cội nguồn bình yên, thư thái và gần gũi với thiên nhiên.
Tác phẩm thứ hai của Đỗ Thanh Tùng là cây sanh thế hoành. Cây có thân phát triển theo bề ngang, đua sang bên, song song với mặt chậu hình ô van.
Xét về tổng thể, đây là cây bonsai có nét kỳ, cổ. Tác phẩm Bonsai này thu hút người xem bởi hình ảnh cây sanh thế hoành độc đáo, mô phỏng cây cầu bắc qua dòng suối. Ngắm nhìn tác phẩm này tôi chợt nhớ đến một thời trai trẻ trên rừng, hành quân trên đại ngàn Trường Sơn, đi qua những thân cây đổ ngang các dòng suối… Thế cây của tác giả rất ảo mà rất thực. Thân cây rỗng, uốn hình vòm bên những hòn đá, tác phẩm như mô phỏng lại những cảnh tự nhiên mà tôi đã từng được trải nghiệm…
Về bố cục, cây sanh cân đối, hài hòa với hình ảnh cây cầu và dòng suối, tạo cảm giác khoáng đạt và thanh bình. Ở bức tranh này, người xem thấy rất rõ sự tương phản giữa màu xanh của tán cây, của lá cây với màu gỗ của thân cây giống như cây cầu và bên dưới là đá… Nó là điểm nhấn ấn tượng cho tác phẩm.
Về nghệ thuật, tác phẩm thể hiện sự sáng tạo trong việc chọn phôi, tạo gốc, nuôi rễ và kỹ thuật uốn cây, cành, dăm bông đến kỳ công. Đặc biệt tác giả đã nuôi được một thân cây sanh to, khỏe khoắn, uốn cong tương xứng với bộ rễ bám vào lòng đất vững trãi, mô phỏng hình cây cầu tự nhiên vởi dáng vẻ bình yên, tĩnh lặng.
Về ý nghĩa nghệ thuật, tác phẩm Bonsai này thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Cây cầu tượng trưng cho sự kết nối, giao thoa giữa hai bờ suối, cũng như giữa con người với nhau. Tuy nhiên tôi thấy có cái gì đó hơi thiêu thiếu, giá như tác giả tạo thêm một nét gì đấy, chảng hạn như thêm vài viên đá, sỏi để người xem tưởng tượng rõ hơn về một dòng suối thì thật tuyệt, vì dòng suối tượng trưng cho sự luân chuyển, sinh sôi nảy nở của cuộc sống của con người và thiên nhiên. Ý nghĩa nhân văn của tác phẩm cũng sẽ đậm nét hơn.
Cảm nhận riêng của tôi, tác phẩm "Cây sanh thế hoành" (tên này không phải do tác giả đặt mà do nhiều người gọi để phân biệt với các cây khác) là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa nhân văn. Tác phẩm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật Bonsai và nghệ thuật tạo hình, tạo nên một tác phẩm đẹp và ấn tượng, xứng đáng được người xem bàn luận và chiêm ngưỡng.
Tác phẩm thứ ba là cây sanh hai thân thế trực được đặt trong chiếc chậu hình chữ nhật. Tôi cho rằng đây là một tác phẩm mang vẻ đẹp cổ điển, giống như một tác phẩm bon sai tiêu chuẩn. Tác phẩm này thu hút sự chú ý, bàn luận của nhiều người xem vì vẻ đẹp đặc biêt. Nếu không có chiếc rễ rủ xuống từ một thân cành thì nhiều người đã lầm tưởng nguyên tác phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Sự kết hợp giữa cây sanh hai thân thế trực và chậu gốm hình chữ nhật tạo nên một sự cân đối và hài hòa đáng ngạc nhiên. Cây sanh vừa thể hiện được sự cứng cáp, mạnh mẽ vừa thể hiện được nét mềm mại tự nhiên; trong khi chậu gốm hình chữ nhật thì lại thể hiện sự vững chãi và độc đáo đến hoàn chỉnh cho tác phẩm. Sự kết hợp này tạo nên một sự hài hòa giữa yếu tố cứng cáp và mềm mại, tạo nên một trạng thái cân bằng đẹp mắt.
Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật Bon sai. Cây sanh được tạo hình một cách tỉ mỉ để tạo ra hình dáng thân cành đẹp hài hòa giữa yếu tố nhân tạo và yếu tố tự nhiên. Các cành cây, các nhánh cây được uốn nắn, cắt tỉa một cách tinh tế để tạo hình khối tam giác cân đối đến ngạc nhiên.
Từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm này cũng đáng để lại ngưỡng mộ cho người xem. Từ hình dáng chung của cây, từ đường nét hoa văn trên chậu gốm đến các cành lá và nhánh cây được tạo hình rất cẩn thận. Nó gợi cho người xem cảm nhận được sự tinh tế trong nghệ thuật chơi cây Bon sai.
Cuối cùng, để đánh giá chính xác về vẻ đẹp của ba tác phẩm Bonsai của Đỗ Thanh Tùng, tôi nghĩ người xem nên trực tiếp ngắm nhìn, tiếp xúc với tác phẩm ở mọi góc độ để cảm nhận được nét tổng thể cùng với những chi tiết và cảm xúc mà ba tác phẩm mang lại. Việc đánh giá giá trị của một cây Bonsai còn phụ thuộc vào sở thích, phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Trong việc thưởng thức vẻ đẹp của cây cảnh nghệ thuật, người xem cũng giống như người đọc một tác phẩm văn học, xem một tác phẩm tạo hình đều có quyền đồng sáng tạo tác phẩm, tạo nên những giá trị thẩm mỹ của riêng mình. Dù sở thích, quan điểm có khác nhau nhưng tôi tin rằng ba tác phẩm trong triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc của Đỗ Thanh Tùng đã đem đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ nhất định. Với tôi, đó là cái đẹp của sự hài hòa, cân đối, cái đẹp của sự tương phản tinh tế và ấn tượng, cái đẹp trong tạo hình tạo nên tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.
Read More

Vẻ đẹp triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Leave a Comment

 Vẻ đẹp triển lãm cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc

Để chào mừng ngày thảnh lập Đảng, chào mừng ba ngày hội xuân, ngày 12/2, Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc khai mạc Lễ trưng bày cây cảnh nghệ thuật. Về dự lễ khai mạc có đại diện của Trung ương Hội Sinh vật cảnh, đại diên Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, đại diện Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân huyện Thanh Trì, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân xã Tân Triều, cùng một số thành viên câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật các tỉnh, huyện lân cận và đông đảo bà con yêu thích nghệ thuật cây cảnh triều Khúc.
Cảm nhận chung của những người yêu cây cảnh, của các đại biểu, các phóng viên báo đài, các bogger cây cảnh nghệ thuật thì đây là một cuộc triển lãm quy mô hoành tráng, quy tụ gần đầy đủ tác phẩm của các nghệ nhân, các tác giả nổi tiếng của Triều Khúc. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng nhiều người biết đến như Khổng tước hạ sơn, Đại thụ lưu quang, Cổ Triều danh tự… còn có nhiều tác phẩm mới ra mắt lần đầu như Lão mai sinh quý tử của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, Đại cổ làng Triều của Triệu Khắc Thủy, tác phẩm An Lành của Triệu Thế Cường, Mẫu tử tình thâm, Mẫu hiền tử hiếu của Triệu Khắc Hùng, Cửu liên hoa của Giang Nguyên Long, Giao long đẳng vân của nghệ nhân Cao Xuân Đô, Huyền Hữu Duyên của Nguyễn Gia Lâm… Tất cả đều đẹp và rất đẹp, mang phong cách riêng rất đặc trưng của Triều Khúc, không thể lẫn với các tác phẩm bất kỳ ở một cuộc triển lãm cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện nào trong cả nước. Bởi trong số hơn 200 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật các loại, chỉ có hơn một chục tác phẩm của các nghệ nhân ở bên ngoài.
Có một số phóng viên, blogger hỏi tôi, cái gì tạo nên phong cách riêng của nghệ thuật cây cảnh Triều Khúc. Thâm chí có người còn gọi là trường phái cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc. Tôi không đồng ý với cách gọi này. Nói phong cách riêng Triều Khúc thì còn có thể chấp nhận được.
Tôi cho rằng thế Mai bò, Mẫu tử, một trong những thế cây phổ biến, được các nghệ nhân, các tác giả xưa nay làm nên “thương hiệu” nổi tiếng của Triều Khúc. Chính thế này với thời gian, biến thành thế hai cây, ba cây, đã in đậm dấu ấn ở nhiều tỉnh thành, để lại nhiều cây cảnh nghệ thuật cổ, mỗi cây có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Thế Mai bò, Mẫu tử Triều Khúc mang một vẻ đẹp độc đáo và đầy ý nghĩa, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý chung, đồng thời nó cũng mang nét đặc trưng rất riêng của làng Triều Khúc.
Về mặt hình thức: Thế mẫu tử thường được tạo ra từ hai cây, cây lớn tượng trưng cho người mẹ và cây nhỏ tượng trưng cho đứa con. Hai cây được ghép đối nhau tạo nên một tổng thể cân đối và đẹp mắt. Thân cây mẹ to khỏe, sần sùi, thể hiện sự già dặn theo năm tháng như con hạc gương cánh, hồi đầu che chở cho con non. Cây con mọc lên từ thân cây mẹ, vươn lên, nương theo cây mẹ đầy sức sống, tượng trưng cho cuộc sống tiếp nối.
Thân, cành lá của hai cây mẫu, tử được các nghệ nhân Triều Khúc tạo dáng, uốn nắn và cắt tỉa cẩn thận theo một nguyên tắc chặt chẽ giống như bố cục của một bức tranh, niêm luật của một bài thơ, tạo nên những đường nét cương nhu, cứng cáp khỏe khoắn nhưng mềm mại và uyển chuyển. Chẳng hạn như tay Trấn phong khỏe khoắn can trường che chắn nhưng vẫn dịu dàng viên dung bao lấy cây tử. Tay Diều hay tay Nghênh phong mềm mại vươn lên đón sinh khí của đất trời. Tay Hổ ngắn chùn chũn, mập mạp đối xứng với tay Long thon dài mềm mại…
Ngay cả tay, tán, dăm bông cành lá cũng được tạo theo nguyên tắc âm dương tương sinh tương khắc, tương phản nhau nhưng nương tựa vào nhau, hòa hợp với nhau, tạo nên nét cương nhu hài hòa. Các cụ xưa đã mang cả triết lý âm dương ngũ hành vào trong cây thế. Sự cân đối hài hòa phải đạt đến mức tổng thể, trong mối tương quan giữa tổng thể với bộ phận, giữa các bộ với bộ phận của cả cây. Toàn bộ thân, cành, tán phải hài hòa với gốc rễ theo một tỉ lệ nhất định. Và bộ rễ của hai cây mẫu tử được bện chặt vào nhau, tượng trưng cho sự gắn kết bền vững, không phân tán, tách rời.
Về mặt ý nghĩa: Thế Mai bò, Mẫu tử là biểu tượng cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý và đầy hy sinh. Tình yêu thương của người mẹ dành cho con cái là vô bờ bến; luôn che chở và bảo vệ con trong mọi hoàn cảnh. Hình ảnh cây con vươn lên từ thân cây mẹ tượng trưng cho sự tiếp nối thế hệ, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và phát triển của cuộc sống.
Thế mẫu tử còn mang ý nghĩa về sự đoàn kết, gắn bó và yêu thương trong gia đình. Đó chính là ý nghĩa nhân văn trong tiêu chuẩn đánh giá về cây đẹp: Kỳ, cổ, mỹ, văn. Trong đó, tôi cho rằng cái chất văn phải là hồn cốt của cây cảnh nghệ thuật. Độc giả quan tâm có thể tham khảo lời bình của tôi trong các video của Hoàng Lịch Thiệp trên Youtube qua một số tác phẩm tiêu biểu về thế mẫu tử ở triển lãm cây cảnh hội làng Triều Khúc năm 2024.
Với vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa sâu sắc, thế Mai bò, mẫu tử luôn là một lựa chọn hàng đầu cho những người yêu thích nghệ thuật chơi cây cảnh Triều Khúc. Nói như vậy không có nghĩa là các nghệ nhân chỉ bảo thủ với thế cây tủ của mình. Trong quá trình tạo thế cây, các nghệ nhân qua các thế hệ vẫn luôn tự đổi mới. Nhiều nghệ nhân sau này bỏ tay trấn phong, thêm vào tay tế thân, hoặc bỏ dáng mai bò, thân hai cây mang dáng long tựa như cây của xứ Nam. Tiêu biểu trong số xu hướng này là các tác phẩm của Nguyễn Quang Dũng hay tác phẩm Giao long đẳng vân của Cao Xuân Đô, cặp long một trên một dưới bay bổng như đang đùa rỡn dưới trời mây. Một anh bạn họa sỹ đi cùng hỏi tôi: “ Chủ nhân có phải là họa sỹ không mà hình khối, kết cấu vừa bay bổng vừa chặt chẽ như một tác phẩm điêu khắc vậy”…
Có một điều đáng chú ý là các cụ Triều Khúc xưa không làm cây thế huyền, không để lại một tác phẩm thế huyền nổi tiếng nào. Ngày nay có nhiều nghệ nhân, nhiều tác giả đã tập trung khai phá thế này. Nhiều người đã gặt hái được thành công. Tiêu biểu trong số nghệ nhân này có nghệ nhân Vũ Minh Châu, Cao Xuân Đô, Nguyễn Gia Lâm, Nguyễn Huy Đào, Triệu Khắc Huy… với hàng chục tác phẩm thế huyền rất ấn tượng trưng bày trong triển lãm. Tôi đã phân tích tác phẩm Huyền hữu duyên trong một video của Hoàng Lịch Thiệp, độc giả có thể tham khảo thêm trên Youtube.
Vẻ đẹp độc đáo của thế huyền trong nghệ thuật chơi cây cảnh bắt đầu được giới chơi cây cảnh Triều Khúc chú ý. Thế huyền là một trong những thế cây bonsai được yêu thích bởi vẻ đẹp độc đáo, mang đậm tính nghệ thuật và triết lý nhân văn. Nó thể hiện xu hướng hội nhập với nghệ thuật Penjing của Trung Quốc, nghệ thuật Bonsai của Nhật Bản trong lối chơi cây cảnh của người Triều Khúc.
Về hình thức, thế huyền rất uyển chuyển, mềm mại. Thân cây uốn cong như thân rồng, tán lá nhấp nhô buông xuống, tạo cảm giác bồng bềnh như dòng thác đổ hay nhành liễu rủ từ vách đá xuống. Nét đẹp kỳ thú nằm ở sự tương phản, tương phản giữa phần thân già cổ kính, gân guốc, sần sùi khắc khổ uốn cong với tán cây xanh non đầy sức sống hướng lên trời cao, tạo nên sự cân bằng, hài hòa cho tổng thể. Tác phầm Huyền hữu duyên, Long hý thủy cùng hàng chục tác tác phẩm thế huyền đẹp đã thu hút được sự chú ý và tán thưởng của nhiều người.
Về mặt ý nghĩa, hình ảnh cây thế huyền, cây nghiêng đổ, nhưng vẫn vươn lên dù thân mình nghiêng ngả, thể hiện cho ý chí kiên cường, bất khuất trước nghịch cảnh. Thế huyền cũng thể hiện khả năng thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, tượng trưng cho tính linh hoạt, mềm dẻo trong cuộc sống. Tán cây hướng lên thể hiện tinh thần vươn lên, hướng tới những điều tốt đẹp.
Để tạo ra thế huyền đẹp, người nghệ nhân phải có kỹ thuật uốn cây cao, giúp thân cây uốn cong mềm mại một cách tự nhiên. Nghệ nhân phải biết kết hợp hài hòa giữa cây, chậu, đá và phụ kiện phải được lựa chọn và kết hợp hài hòa với nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh tùy theo sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân, thể hiện phong cách và cá tính riêng trong qua trình tạo hình.
Tôi được biết trong triển lãm năm sau sẽ có nhiều tác phẩm thế huyền nữa được ra mắt. Bởi vẻ đẹp của thế huyền không chỉ nằm ở hình thức bên ngoài mà còn ở ý nghĩa sâu sắc bên trong. Cây thế huyền là một tác phẩm nghệ thuật, mang lại giá trị thẩm mỹ cao và mang đến nhiều lợi ích về mặt phong thủy cho gia chủ. Trong quá khứ cây thế huyền ở Triều Khúc chưa xứng tầm với các dáng thế khác như Mai bò, mẫu tử, tam đa, ngũ phúc… hy vọng rằng thời gian tới sẽ có một số tác phảm thế huyền để lại dấu ấn trong giới cây cảnh nghệ thuật toàn quốc!
Ấn tượng cuối cùng của tôi trong triển lãm lần này là số lượng trên 100 cây Bosai ở tất cả các dáng thế. Nó thể hiện xu thế chuyển mình trong lối chơi cây cảnh hiện đại, trong thời đại toàn cầu hóa, trong hoàn cảnh đô thị hóa, đất chật người đông.
Một số nghệ nhân và khá nhiều tác giả như Triệu Chi Năng, Triệu Khắc Tiệp, Giang Nguyên Long, Triệu Khắc Huy, Nguyễn Hữu Ninh, Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Huy Thông, Bùi Văn Úy, Triệu Khắc Cường , Nguyễn Duy Nam, Triệu Khắc Chiến, Nguyễn Gia Cường… đã tạo ra nhiều tác phẩm thật sự gây “sốc” cho người xem. Tuy chưa đạt tiêu chuẩn cổ, kỳ, mỹ, văn như các tác phẩm truyền thống lớn nhưng thực sự nhiều cây đã đạt đến mức khá hoàn mỹ theo tiêu chuẩn của cái đẹp hiện đại. Và điều đặc biệt là nó vẫn mang bóng dáng, hồn cốt của phong cách Triều khúc, một tín hiệu đáng mừng về nghệ thuật cây cảnh nghệ thuật hiện đại nối tiếp được truyền thống của người chơi cây cảnh Triều Khúc… Trong số đó có hơn 30 tác phẩm của nhóm Bonsai mini kết hợp tiểu cảnh cực kỳ tinh xảo, có thể để trên tay. Anh bạn thủa thiếu thời Nguyễn Huy Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật đầu tiên của Triều khúc đã nhận xét: “ Một vườn cây, một triển lãm thu nhỏ, có rừng núi, có sông suối, có đồng bằng. Thật tuyệt”…
Để kết thúc bài viết, tôi xin trích một đoạn trong bài phát biểu của mình nhân Lễ khai mạc trưng bày cây cảnh nghệ thuật Triều Khúc: “Triển lãm này không chỉ là nơi giới thiệu những tác phẩm đẹp mắt mà còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, là thành qủa của ông cha truyền lại cho con cháu. Chúng ta có cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật truyền thống, những bí quyết trồng cây cảnh được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta cũng có cơ hội để tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật cây cảnh Pẹnjing Trung Hoa, nghệ thuật Bonsai Nhật Bản; đồng thời, triển lãm cũng tạo điều kiện để các nghệ nhân trẻ tuổi và những người yêu thích cây cảnh khám phá và thể hiện tài năng sáng tạo của mình.
Read More

Trăm năm một đời già

Leave a Comment

 Trăm năm một đời già

Tôi không bất ngờ về sự ra đi của già, người tôi rất kính trọng và yêu thương. Các cháu xa gần mấy hôm trước đã bàn ra Giêng tổ chức làm lễ mừng thọ già 100 tuổi. Vậy mà già đã ra đi. Già ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tuy vậy, cái cảm giác mất đi người thân yêu vẫn luôn là sự mất mát đau lòng, xót xa và hụt hẫng.
Vẫn biết rằng cái chết là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, nhưng cái chết của già với tôi có ý nghĩa và nhiều tác động sâu sắc. Tôi biết già mong muốn được về thế giới bên kia từ hàng chục năm nay rồi. Già vượt khỏi bản năng sợ chết cố hữu thì đã là một trong những con người đặc biệt. Già mong muốn được chết không bệnh tật, không đau ốm kéo dài để phiền hà tới các cháu. Và già thực sự đã được trở về, theo cách như từng mong ước.
Trước khi đi đài hóa thân hoàn vũ, tôi nghe ông đại diện dòng họ Triệu đọc điếu văn: “Hôm nay, sau gần 80 năm cụ TTĐ mới được đi gặp người bạn đời, người chiến sỹ Việt Nam giải phóng quân đã hy sinh trong ngày đầu tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội”. Tôi nghĩ có lẽ già là người vợ liệt sỹ cuối cùng trong số những người vợ liệt sỹ thời Cách mạng tháng 8.
Đó là lý do chính tôi mừng cho già vì già luôn có niềm tin sẽ gặp lại người chồng thân yêu sau gần 80 năm dài đằng đẵng. Sau đó già còn được gặp những người thân yêu cùng một thời sau nhiều năm xa cách. Sao chúng tôi phải thương tiếc về sự ra đi này?
Tôi cùng với các cháu của già chia sẻ những cảm nghĩ giằng xé. Già tôi chỉ nằm trong số hàng triệu người phụ nữ Việt trong cuộc trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc bao nhiêu năm qua. Đất nước đã hòa bình, thống nhất. Cuộc sống như một dòng sông vẫn tiếp tục chảy, Mỗi cá nhân phải chấp nhận số phận riêng của mình cuốn theo dòng thời cuộc.
Trong tâm thức tôi, già trước hết là người vợ liệt sỹ. Tôi phần nào hiểu được nỗi đau khổ của những người phụ nữ mất chồng, mất chồng mà không tái giá. Suốt đời già phải đối mặt với sự mất mát và cô đơn, cùng với bao khó khăn về kinh tế, xã hội và tâm lý trong suốt những năm tháng chiến tranh, những năm tháng khắc phục hậu quả chiến tranh đầy gian khổ.
Mất đi người chồng, người trụ cột bảo vệ gia đình ở tuổi 20 là sự mất mát không thể bù đắp, không có gì có thể thay thế. Già phải vượt qua quá trình chấp nhận thực tế và điều chỉnh cuộc sống, vượt qua cảm giác đơn chiếc vò võ vô cùng đáng sợ với những khoảng trống khó mà đong đếm từ năm 1945 cho đến ngày hôm nay.
Tôi biết những người phụ nữ như già thường nhận được sự quan tâm của người thân, của các tổ chức xã hội, của chính quyền. Nhưng có không ít người thật sự đã không vượt qua được những trở ngại, trở thành nạn nhân của số phận. Già tôi đã vượt lên hoàn cảnh định mệnh để trở thành một người bình thường: Gánh vác công việc gia đình nội ngoại hai bên, tham gia công tác xã hội, công tác phụ nữ, công tác hội đồng nhân dân, công tác mặt trận sau hòa bình lập lại cho đến năm 2000. Cũng chính vì vậy trong đám tang của già tôi thấy sự hiện diện của tất cả những đời bí thư chủ tịch xã qua những thời kỳ già công tác.
Là chị ruột mẹ tôi, già luôn thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương chân thành với người em gái. Trong ký ức tôi luôn cảm nhận hai con người thường xuyên quấn quýt bên nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, và những khó khăn trong suốt cuộc đời họ.
Mẹ tôi đông con. Những năm tháng chiến tranh đồng ruộng bị máy bay Mỹ tàn phá, những năm tháng mất mùa cuộc sống gia đình tôi rất túng bấn. Tôi biết già luôn giúp đỡ mẹ tôi về cả tinh thần và vật chất, khi thì công khai, khi thì dấm dúi. Già cho mẹ tôi vay mượn tiền nong buôn bán xuôi ngược, khuyến khích phát triển một số nghề nghiệp thủ công, cho vay mượn làm nhà cửa… Qua già lớp con cháu chúng tôi tiếp thụ được những giá trị tốt đẹp vốn có của một gia đình làng nghề nông thôn truyền thống.
Càng ngày tôi càng nhận thấy tình cảm của họ có một giá trị quan trọng trong một thời kỳ khó khăn của Xã hội. Nó là hạt nhân đóng vai trò tạo nên sự đoàn kết gia đình và họ hàng. Nó thể hiện lòng nhân ái, lòng trắc ẩn và là một tấm gương cho các thế hệ sau; giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sự hòa hợp, sự phát triển của các thành viên trong gia đình.
Cách đây 6 năm khi mẹ tôi gần mất, già cầm tay mẹ tôi ấp vào má mình, khuôn mặt già gầy gò, nhăn nheo sương gió, mếu máo: “Sao dì nỡ để tôi ở lại một mình thế này. Kiếp sau mình vẫn là chị em nhé”. Tôi thương mẹ tôi một đời khốn khó nuôi 8 người con. Nhưng ít ra mẹ tôi còn có cha tôi, có chúng tôi; các con các cháu đều trưởng thành. Ít nhiều cuối đời còn được bù đắp. Nhưng già tôi thì không, chỉ có chị em, chỉ có các cháu. Mẹ tôi ra đi chỉ còn lại một mình già. Ngay cả người cháu trưởng chỗ dựa của già cũng đã ra đi. Chứng kiến già và mẹ phút lâm chung, chúng tôi thương mẹ một, thương già hai…
Tôi không biết nhiều về già lúc còn trẻ. Chỉ biết già học lỏm từ lớp học của các bác trai nên ít nhiều biết chữ Nho, chữ Nôm. Tôi là người được gần gũi với già từ tuổi còn thơ, còn nhớ được già đưa đi chơi khắp hàng xóm láng giềng, nội ngoại. Đặc biệt là những ngày tết, ngày giỗ nội, ngoại.
Khi tôi mới học cấp 1 già đã đưa cho tôi những quyển truyện nôm khuyết danh để đọc, đọc đi đọc lại cho các già, các dì nghe trong khi họ dệt khăn mặt, trong lúc họ rỗi rãi ngồi chơi cùng nhau bên bờ ao, dưới gốc những cây bàng. Kho tàng truyện nôm khuyết danh như Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Nhị Độ Mai, Lý Công, Bích câu kỳ ngộ, Nữ Tú tài… cứ thế thấm vào trong tôi từ những ngày đó.
Ngoài một số truyện Nôm khuyết danh, già còn thuộc lầu cuốn Chinh phụ ngâm, đặc biệt là Truyện Kiều, già có thể đọc tiếp theo sau bất cứ câu nào tôi nhắc tới. Tôi có cảm giác như già hóa thân vào những nhân vật, sống cùng với các nhân vật trong truyện. Vào đầu năm mới, tôi và các cháu già đến già chúc tết. Già vẫn theo thói quen bảo mọi người bốc Kiều và luận giải những gì có thể diễn ra trong năm. Đó là một thói quen và cũng là một niềm vui của già.
Đầu năm 2000, già buồn rầu đưa cho tôi giữ cuốn Kiều cổ, bản chữ nôm. Già nói với tôi: “Trong số các cháu, cháu là người còn quan tâm đến Truyện Kiều. Già trao lại cho cháu. Đây là kỷ vật của cha già, ông Cai”. Bây giờ già bách tuế về với tổ đường, có lẽ người bói Kiều cuối cùng của ngôi làng cổ cũng ra đi theo.
Tôi là người duy nhất được già kể đôi nét về người chồng của già. Đó là vào một buổi tối trước ngày tôi nhập ngũ, khi tôi đang sắp xếp đóng gói số sách báo, tạp chí giáo trình, truyện để khi về lại tiếp tục công việc học tập. Già đến bên tôi, đưa cho một ít tiền: “Cháu cầm lấy để uống nước với anh em bạn bè. Trai thời loạn thì phải lên đường làm nhiệm vụ như bao người. Năm ấy ông T cũng lên đường vào độ tuổi cháu. Cả thời trai trẻ ông ấy say mê với sáo diều. Trước hôm lên đường ông ấy còn gác cây sáo diều lên vách nhà ngang… Cháu cố gắng đừng để lại mẹ cháu một mình, giống như ông ấy để lại già một mình”. Dứt lời già vội đứng dậy đến bên mẹ tôi, cả hai cùng chan hòa nước mắt.
Già đã đi hết hành trình sinh mệnh trăm năm theo cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Trong hành trình ấy già đã đi theo và định hình cách sống riêng của mình, tác động mạnh đến các cháu, đặc biệt là đối với tôi. Tôi nhớ già thích nhất mùa Xuân trong truyện Kiều, cái đoạn Kim Kiều ban đầu gặp gỡ nhau, có lẽ cũng là khao khát một đời già. Trời đất đã lập Xuân. Năm mới cũng sắp đến. Hy vọng trong thế giới tâm lính, già được đoàn tụ với tất cả mọi người!
Read More

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Leave a Comment

 Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản sau chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật

Từ năm 1977, cựu Thủ tướng Fukuda Takeo Nhật Bản đã đưa ra học thuyết "từ trái tim đến trái tim", đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Khi phát biểu tại cuộc họp cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bổ sung thêm khái niệm trên thành “từ hành động đến hành động, từ cảm xúc đến hiệu quả” vào định hướng phát triển quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong tình hình mới.
Kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản là một thành công lớn, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN – Nhật Bản và Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn. Trong khuôn khổ chuyến công tác này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Nhật Bản: Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch Hạ viện Kōichi Hagiuda, Chủ tịch Thượng viện Shunsuke Sonoda. Tại các cuộc gặp này, hai bên đã trao đổi về những vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước, khu vực và quốc tế.
Trong các cuộc hội đàn, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa. Thủ tướng Kishida Fumio cũng bày tỏ mong muốn Nhật Bản và Việt Nam tiếp tục là những người bạn, đối tác tin cậy của nhau ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự tin cậy và gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên đã đạt được những thỏa thuận quan trọng, cụ thể như:
(i)Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hiện thực hóa Quan hệ hợp tác Chiến lược Toàn diện: Hai bên đã ký kết hơn 30 văn bản hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Các lĩnh vực hợp tác được chú trọng bao gồm công nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại điện tử,...
(ii)Tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo: Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Thỏa thuận này nhằm tăng cường trao đổi sinh viên, giáo viên, giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
(iii)Tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh: Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng,...
Trong hai thập kỷ qua Nhật Bản đã trở thành nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam từ năm 2003 và duy trì vị trí hàng đầu cho đến ngày hôm nay. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính dẫn đến điều này:
Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, được xây dựng trên nền tảng lịch sử lâu đời và sự tương đồng về văn hóa, chính trị. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973 và đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.
Chính phủ Nhật Bản có chính sách viện trợ ODA rộng rãi và hào phóng, với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là một trong những đối tác nhận viện trợ ODA lớn nhất của Nhật Bản. Sở dĩ như vậy là vì Việt Nam nằm trong số nước đang phát triển với nhiều nhu cầu về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế,... Viện trợ ODA của Nhật Bản đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng những nhu cầu này của Việt Nam.
Cụ thể, viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam như đường cao tốc, cảng biển, sân bay, nhà máy điện. Nhật Bản đã hỗ trợ cho nhiều dự án xây dựng trường học, đào tạo giáo viên, sinh viên. Nhật Bản đã hỗ trợ cho nhiều dự án xây dựng bệnh viện, cung cấp thuốc men, thiết bị y tế. Nhật Bản đã hỗ trợ cho nhiều dự án phát triển nông nghiệp, thủy sản, phát triển nông thôn,...
Viện trợ ODA của Nhật Bản thực sự đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các dự án ODA của Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, nông nghiệp,..., tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Vấn đề đặt ra tại sao Nhật Bản lại là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chứ không phải là các cường quốc kinh tế khác, chẳng hạn như nhóm 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đặc biệt là Trung Quốc, một nước XHCN anh em cùng chung chí hướng với định hướng và phương châm 4 tốt, 16 chữ vàng? Có lẽ mọi người đều có câu trả lời riêng của mình.
Theo tôi, Thứ nhất Nhật Bản có động cơ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng kinh tế lớn, để tạo ra một môi trường khu vực ổn định, hòa bình và an ninh, có lợi cho Nhật Bản. Thứ hai Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng của Nhật Bản trong khu vực. Nhật Bản lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo ở Đông Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, để đối trọng với Trung Quốc. Thứ 3, một Việt Nam hùng cường, bảo vệ được chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo ở Biển đông, ngăn chặn được tham vọng độc chiếm Biển đông của Trung Quốc là phù hợp với lợi ích nhiều mặt của Nhật Bản.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có những chuyển biến tích cực. Hai nước đã tăng cường giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục,... Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam. Hơn nữa quan hệ Việt - Nhật thời gian qua và trong tương lai không tiềm ẩn bất kỳ bất ổn nào. Việc nâng cấp Việt Nhật lên đối tác Chiến lược Toàn diện trước chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó ít ngày càng tạo điều kiện hai nước hợp tác đi vào chiều sâu.
Nhìn chung, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản là một thành công lớn, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả. Không ồn ào, nhưng hơn 30 văn kiện hợp tác trị giá gần 3 tỷ USD, 3 dự án hợp tác ODA 200 triệu USD, cùng với triển vọng Nhật Bản giúp đỡ và hợp tác xây dựng nền công nghiệp bán dẫn, đường sắt tốc độ cao là những “trái ngọt” trong chuyến công tác Nhật Bản của Thủ tướng.
Read More

Blog Archive

About this blog

Được tạo bởi Blogger.